- Người đi tìm bóng núi
Người đi tìm bóng núi
Sáng 08/7/2023, nhà văn Thu Trân tổ chức ra mắt tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi. Các ý kiến từ lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM (nhà văn Bích Ngân, nhà văn Trầm Hương) hay từ các nhà văn đồng nghiệp như Tô Hoàng, Kim Quyên, Lại Văn Long... đều đánh giá cao chất lượng của Người đi tìm bóng núi, nhất là trong ý nghĩa hòa hợp, hòa giải dân tộc, hướng đến tương lai. Nhà văn Thu Trân cảm ơn và coi đây là sự động viên tinh thần đối với chị trong công việc sáng tác văn học rất nhọc nhằn, cô đơn, nhiều thử thách.
Mất hơn một ngày để đọc xong 344 trang tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi của nhà văn Thu Trân (NXB Đà Nẵng, năm 2023), đây là cuốn văn xuôi “đẳng cấp” thứ hai mà tôi được đọc trong 3 năm gần đây. (Cuốn thứ nhất là tiểu thuyết Nghiệp chướng của nhà văn Lưu Vĩ Lân đã được trao nhiều giải thưởng văn học).
Người đi tìm bóng núi viết theo lối chương hồi, câu chuyện và các nhân vật phát triển theo trình tự thời gian, từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay; từ chiến tranh đến hòa bình, từ thời bao cấp khổ sở đến thời mở cửa hội nhập kinh tế thong dong; từ những đợt nhiều người vượt biên vì khó khăn sau chiến tranh đến giai đoạn Việt kiều trở về nước tận hưởng cuộc sống thoải mái... Tất cả dòng chảy cuồn cuộn đó dần hồi đã mài mòn, cuối trôi những đau thương, hận thù do chiến tranh gây ra, do khác biệt về lý tưởng hay ý thức hệ giữa những người cùng máu đỏ da vàng.
Nhân vật nữ xưng “tôi” có tên lúc còn nhỏ là Bích La, lúc trưởng thành là Bích Chương, bắt đầu câu chuyện từ một cô bé lớp 1, con em của hai sĩ quan cấp úy chế độ VNCH. Từ đó cho đến lúc cô trở thành mẹ của một nhà báo trẻ, vợ không chính thức của một ông tướng quân đội nhân dân Việt Nam, cô đã trải qua biết bao “kiếp nạn”. Từ hậu quả chiến tranh, như: không vào được đại học vì lý lịch xấu; có hai anh ruột là tử sĩ, liệt sĩ của hai bên; có cha mất tích sau chiến tranh; suýt chết và suýt bị làm nhục vì nghe lời rủ rê đi vượt biên; bị các linh hồn của những người lính từ cả hai phía của cuộc chiến 1954 - 1975 ám ảnh, gây chứng trầm cảm. Rồi bị phụ tình, rồi chứng kiến nhiều bất công ở đời... Để cuối cùng, cô lại trở thành một đầu mối hóa giải tất cả oán hờn, sân hận của cả hai phía đang sống và cả những linh hồn những người lính theo hai màu cờ khác nhau.
Cô có quá nhiều mối tình, mỗi người đàn ông trong đó mang số phận khác nhau. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện, mỗi lời thoại trong tác phẩm này của Thu Trân đều rất đa nghĩa, đều mang thông điệp mà tác giả gửi đến độc giả của Người đi tìm bóng núi, nhất là khi Bích Chương thương cả hai người đàn ông ở hai bên chiến tuyến từng muốn giết nhau, lại cùng trở thành chồng của mẹ cô. Cuối cùng, thần tượng của cô - người tù cộng sản vượt ngục năm xưa, nhà lãnh đạo cao nhất tỉnh sau này, đồng thời là cha dượng của cô, lại phải đi tu nhằm trốn tránh mặc cảm tội lỗi vì đã hãm hại đồng đội để tranh chức quyền. Cô nhìn ra thêm một góc khuất của thần tượng.
Sau vô số những mối tình, cô lại chung tình với họa sĩ Quốc từ Mỹ trở về và chết vì bệnh ung thư. Từ việc chăm sóc Quốc trong bệnh viện, cô lại nảy sinh tình cảm với bác sĩ Trực - người điều trị cho Quốc - và hứa hẹn thủy chung với nhân vật chỉ xuất hiện vài dòng trong cuối sách này, ngay sau khi Quốc chết. Nhiều độc giả cho rằng Quốc đại diện cho sự tái sinh. Bích Chương muốn Quốc tái sinh qua phương pháp thụ tinh nhân tạo do bác sĩ Trực phụ trách. Với tư cách người đọc, tôi thích nhân vật chính Bích Chương ngay từ đầu vì cô ta cùng học lớp 5 thì giải phóng về, cùng đi vùng kinh tế mới lúc nhỏ, cùng làm báo lúc lớn và bị dằn vặt vì đau thương từ cuộc chiến tranh, từ những số phận vượt biên. Và sau này, cùng hân hoan trước những thành tựu đổi mới của đất nước, cùng khó chịu trước những Việt kiều nhìn quê hương với sự cố chấp, định kiến, hằn học...
Một tác phẩm văn học như Người đi tìm bóng núi với nội dung muốn khái quát cả một giai đoạn lịch sử trong cái “xóm sở Mỹ” và trong nghề báo của nhân vật chính dĩ nhiên sẽ nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng với tôi là một tác phẩm thành công, giá trị.
Theo Lại Văn Long/ Báo Công an TPHCM