- Bút ký - Tạp văn
- Những người xây nền móng cảnh sát biển Việt Nam
Những người xây nền móng cảnh sát biển Việt Nam
Văn chương TP. Hồ Chí Minh - Ban Bí thư và UBKT Trung ương vừa công bố quyết định kỷ luật một loạt tướng tá đứng đầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là một tin gây sốc đối với dư luận cả nước, vì mỗi người dân Việt Nam đều biết, đây là cơ quan bảo vệ vùng biển phên dậu vô cùng quan trọng của Tổ quốc. Nhưng, để bảo vệ và củng cố lực lượng CSBVN thì việc phát hiện loạt tướng tá biến chất này là điều may mắn và quyết định xử lý kỷ luật chúng là điều phải làm.
BBT xin giới thiệu dưới đây bài báo của nhà văn Nguyễn Trường (Nguyễn Ngọc) để chúng ta cùng tin rằng, lực lượng CSB Việt Nam đã có và vẫn luôn có những sĩ quan trung thành và sẵn sàng quên mình vì biển đảo của Tổ quốc.
NGUYỄN NGỌC (thực hiện)
Những ngày gần đây tình hình trên biển Đông càng trở nên nóng bỏng với cuộc chiến công hàm của các nước Malaixia, Indonexia, Việt Nam, Australia, Mỹ, Anh, Pháp, Đức gửi lên Liên hợp quốc phản đối hầu hết yêu sách của Trung Quốc, nhất là đường “lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc chiếm đến hơn 80% diện tích biển Đông. Mỹ đưa 24 công ty của Trung Quốc vào danh sách cấm vận vì đã tham gia nạo vét, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông v.v…Qua đó cho thấy vấn đề biển Đông là cực kỳ phức tạp, không phải bây giờ mà nó diễn biến từ lâu, không những đối với kẻ thù bên ngoài mà còn rất nhiều vấn đề khác như nạn đánh bắt hải sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển... Những ngày này lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang phải căng mình ra bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, một vùng biển rộng lớn, với bờ biển dài 3260 km, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế rộng trên 1,3 triệu km vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, quả không dễ dàng gì. Càng thấy công lao to lớn của lực lượng Cảnh sát biển, cùng với Hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của đất nước. Từ đó càng nhớ đến nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát biển Hồ Minh Giáp, người đã cùng với đồng đội của mình đặt nền móng đầu tiên cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Đại tá Hồ Minh Giáp, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển đầu tiên của Việt Nam
Nhà ông Hồ Minh Giáp nằm ven sông Sài Gòn, phía đối diện bên kia sông là xưởng đóng tàu Ba Son, bên đó đang chuyển dần hãng xưởng ra vùng ngoại ô. Hôm tôi đến thăm ông, còn nhìn thấy 2 tầu hộ vệ tên lửa hùng dũng chạy rẽ sóng trên sông Sài Gòn. Ông Hồ Minh Giáp nhìn con tàu đôi mắt bỗng sáng lên, khuôn mặt tươi tĩnh, những nếp nhăn trên khuôn mặt của người đã bước vào tuổi 78 như dãn ra cùng nụ cười như trẻ lại. Mới gặp ông, chứng kiến giây phút hạnh phúc đó tôi cũng cười vui theo ông, những chưa hiểu vì sao nhìn con tàu hiện đại ông lại hạnh phúc đến thế ? Ông về hưu gần 16 năm rồi. Đối với ông, về hưu như trút được gánh nặng trách nhiệm. Ông sống bình dị và lặng lẽ, thanh thản của người đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông luôn tỏ ra tin tưởng vào các thế hệ anh em cảnh sát biển đang tại vị, vui mừng với sự lớn mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam, vui với những chiến công của đồng đội vừa đạt được. Ông tự hào nói về chiến công của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam khi vây bắt tầu cướp biển người Indonexia, bắt sống 11 tên mà không bị thương vong chiến sỹ nào, kể cả không gây thương vong cho đối phương. Anh em đã vây tàu cướp 24 giờ, những chúng vẫn không chịu đầu hàng, buộc lòng ta phải nổ súng vọt trên đài chỉ huy uy hiếp đối phương, đồng thời dùng loa phát bằng tiếng Anh kêu gọi chúng đầu hàng. Nghe tiếng súng, bọn cướp hoảng sợ kéo cờ trắng. Ta yêu cầu chúng cởi áo, buộc phao vào người nhảy xuống biển, rồi ta cho xuồng tiếp cận vớt từng tên lên thuyền. Ông cười sảng khoái, “cởi áo nhảy xuống biển rồi thì còn mang theo vũ khí gì nữa nên ta bắt gọn bọn cướp mà không gây nên thương vong cho cả hai phía. Đó là cách đánh sáng tạo của Cảnh sát biển Việt Nam làm cho các nước ven biển Đông rất khâm phục.”. Ngồi trầm tư giây lát, Hồ Minh Giáp trầm giọng, tôi lo nhất là trong cơ chế thị trường anh em có giữ vững được sự liêm khiết trước sự cám dỗ của đồng tiền. Xưa nay người ta chết vì tình tiền đã nhiều. Nhưng cho đến hôm nay, đã 22 năm, kể từ ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, anh em vẫn vững vàng trước mọi cám dỗ của vật chất, chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực nào đáng kể, nói chung vẫn giữ vững được phẩm chất người chiến sỹ. Không những thế năm thứ 17, Cảnh sát biển Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh sau khi cùng các lực lượng khác khống chế và đẩy lui dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đó là cái mừng nhất, chứng tỏ rằng, những người thuộc thế hệ của ông đã xây nền móng một cách chắc chắn, vững vàng, để bây giời không phải phá ra làm lại, những thế hệ sau chỉ việc tôn cao lên, “tòa nhà Cảnh sát biển Việt Nam” mỗi ngày một hoành tráng, nguy nga.
*
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển hết sức phức tạp như nạn trấn cướp, vi phạm chủ quyền, đánh bắt trộm hải sản, khai thác trộm tài nguyên, buôn lậu, gian lận thương mại, đưa người vượt biên trái phép, đón người nước ngoài xâm nhập lãnh thổ nước ta để móc nối hoạt động chống phá cách mạng…
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 28/3/1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành pháp lệnh số 04, pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngày 21/7/1998 Chính phủ ban hành Nghị định số 53/1998/NDCP về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngày 28/8/1998 Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định số 1069 QĐ-BQP về việc thành lập Cục Cảnh sát biển Việt Nam. (Tiền thân của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và giao cho Tư lệnh Hải quân giúp Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức quản lý và và điều hành hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Ngày 31/8/1998 Bộ tư lệnh Hải quân đã long trọng tổ chức lễ công bố thành lập Cục Cảnh sát biển Việt Nam. Từ đó ngày 28/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Ông Hồ Minh Giáp nhớ lại, lúc đó ông đang là Phó Tham mưu trưởng Hải Quân trực ở cơ sở phía Nam tại Sài Gòn được đồng chí Hòa, Trưởng phòng cán bộ quân chủng Hải quân gọi ra sở chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng để nhận quyết định Quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát biển. Đến ngày 27/7/1998 ông nhận quyết định Cục trưởng chính thức do Thủ tướng Phan Văn Khải ký. Đến đầu tháng 8/1998 ông được lệnh ra Hải Phòng để chuẩn bị đi Pháp với 2 mục đích: Tìm hiểu học tập kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của cảnh sát biển Pháp. Đàm phán với với hãng tàu Ocea của Pháp để mua tàu, loại T.T 120, vỏ hợp kim nhôm, động lực chính là máy MTU của Đức, các trang thiết bị khác một số do Pháp sản xuất còn lại nhập của các nước khác, lượng giãn nước 120 tấn, tốc độ tối đa 30 - 40 hải lý/giờ, thời gian hoạt động trên biển 15 - 20 ngày, giá chào bán 12,5 triệu USD.
Về chuyến đi nước ngoài tìm hiểu này, Ông Hồ Minh Giáp hào hứng kể: “Hơn 10 ngày ở Pháp chúng tôi đã gặp chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển, tìm hiểu về tổ chức, biên chế hoạt động của Lực lượng cảnh sát biển Pháp, tham quan nhà máy đóng tàu, tìm hiểu dây chuyền công nghệ, thiết kế, thi công, thu nhập của công nhân, đi thử tàu trên biển và đàm phán để mua tàu T.T120. Sau 6 ngày đàm phán, ký biên bản ghi nhớ: Giá tàu 12,5 triệu USD, thời hạn giao tàu sau 18 tháng, kể từ khi hai bên ký hợp đồng mua bán chính thức…Trước khi về nước tôi có xin bạn một bản vẽ thiết kế tổng thể ( Sơ đồ khối) của tàu T.T 120. Sau khi về nước tôi giao bản thiêt kế tổng thể tàu T.T120 cho đồng chí Hạnh, giám đốc xưởng 189 và đồng chí Thắng ở Viện Thiết kế tàu thủy Việt Nam, nhờ các đồng chí đó nghiên cứu, hen 10 ngày trả lời cho biết với khả năng hiện tại, ta có đóng được loại tàu này không? Sau hơn 1 tuần các đồng chí đó trả lời: Về thiết kế ta đã có sơ đồ khối, tổng thể, chỉ cần nghiên cứu thiết kế chi tiết là được. Về thi công thì có khó khăn vì xưởng 189 đội ngũ công nhân tay nghề chưa cao. Đặc biệt là chưa có công nghệ hàn nhôm, về trang thiết bị đóng tàu cũng còn thiếu, nhưng có thể khắc phục bằng cách gửi công nhân ra nước ngoài đào tạo hàn nhôm và nâng cao tay nghề mất 2 - 3 tháng là được. Còn về trang bị của xưởng sẽ xin kinh phí của trên và vay ngân hàng để mua và trang bị. Sau ngày công bố thành lập Cục Cảnh sát biển, qua các công ty môi giới của Việt Nam thì Đức, Anh, Hà Lan đều muốn chào bán tàu hoặc liên doanh đóng tàu với Việt Nam. Thụy Điển thì muốn giúp Cảnh sát biển Việt Nam một số tiền để nâng cao năng lực quản lý và điều hành lực lượng cảnh sát biển. Tôi lại được trên cử đi các nước để tham quan, học tập kinh nghiệm cảnh sát biển và mua tàu. Tại Đức chào bán loại tàu T.T400 - 450 T, vỏ thép, tốc độ tối đa 26-28 hải lý/giờ, thời gian hoạt động trên biển 30 - 35 ngày, giá 45 triệu USD. Tại Anh chào bán loại tàu 250 tấn, vỏ thép, tốc độ tối đa 30 - 32 hải lý/giờ, thời gian hoạt động trên biển 20 - 25 ngày, giá chào bán 25 triệu USD. Các loại tàu của Anh và Đức đều lắp máy MTU, các trang thiết bị khác nhập của nhiều nước. Tại Hà Lan họ chào bán tàu cứu nạn loại 3500 CV và họ cũng muốn hợp tác với ta để đóng tàu tại Việt Nam.Theo hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển, bạn giúp ta 3.500 000 Peso (Tiền Thụy Điển) để mua một số tàu trang bị sở chỉ huy cục Cảnh sát biển, họ còn mở các lớp bồi dưỡng đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ Cảnh sát biển tại Thụy Điển và Việt Nam. Sau khi đi một số nước châu Âu về, chúng tôi thấy trong điều kiện hợp tác kinh tế toàn cầu như hiện nay thì không có một nước nào tự đóng một con tầu hiện đại từ A đến Z, mà đều có sự hợp tác mức độ khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của từng nước. Tôi đã bàn bạc với các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Cục đề xuất ý tưởng tự đóng tàu trong nước, nhưng lắp máy động lực chính là MTU của Đức, các trang thiết bị khác sẽ nhập từ các nước tiên tiến. Tôi cũng gặp các đồng chí giám đốc xưỡng189. Sông Thu và 173 Hồng Hà trao đổi ý tưởng đóng tàu trong nước, các đồng chí đó đều ủng hộ và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ. Về hợp tác đóng tàu thì các nước đều yêu cầu đóng chiếc đầu tiên ở nước họ rồi sau đó mới chuyển về đóng tại Việt Nam, nếu như vậy thời gian sẽ dài hơn tự đóng tàu trong nước khoảng 8 tháng.
Khi được biết được ý kiến đề xuất đóng tàu trong nước trang bị cho cảnh sát biển thì có rất nhiều ý kiến bàn tán xôn xao. Ý kiến ủng hộ thì ít, không đồng tình thì nhiều, nhất là các ngành kỹ thuật trong quân chủng Hải quân. Có người nói với tôi, cảnh sát biển là lực lượng của nhà nước, kinh phí đầu tư theo kênh nhà nước, sao không mua tàu nước ngoài cho nhanh, lại hiện đại. Có ý kiến lại nói rằng tàu thì muốn hiện đại mà lại giao cho mấy ông công nhân trình độ phọt phẹt đóng tàu thì sao mà chạy được. Thực ra thì họ nói cũng không sai vì thực tế cũng đã có nhà máy quốc phòng đóng một chiếc tàu kéo công suất không lớn, khi hạ thủy lại bị nghiêng, phải đổ hàng tấn xi măng để tạo cân bằng. Có người giữ cương vị không nhỏ trong ngành kỹ thuật hải quân nói với tôi: “Ông Giáp ơi, không biết tôi có sống được đến ngày tàu cao tốc Cảnh sát biển đóng trong nước chạy thử không?”. Đó là nói chuyện đóng tàu, còn khi nghe ý kiến muốn lắp máy chính cho tàu cảnh sát biển là MTU của Đức. Có người đã từng quan hệ lâu năm với các công ty Nga chuyên bán trang thiết bị quân sự cho Việt Nam khuyên tôi nên đề nghị với trên mua tàu, máy, trang thiết bị của Nga cho cảnh sát biển vì đã sử dụng quen rồi. Máy MTU chưa trang bị trong quân chủng. Có người lại nói “Ông Giáp ăn mòn bát, đủa của Liên Xô rồi mà bây giờ không ủng hộ Nga, còn chê đồ Nga…” Khi nghe những ý kiến như vậy đêm về tôi đâu có ngủ được. Trong lòng tôi luôn suy nghĩ, nhờ ơn Đảng, nhà nước đã cho tôi sang Liên Xô đào tạo 2 lần, gần 7 năm. Nhân dân Nga muốn tôi ăn học một thời gian dài như vậy thì sao tôi có thể quên ơn. Trong cuộc đời phục vụ quân đội gần 45 năm thì 38 năm trong quân chủng Hải quân. Trong 38 năm ấy, tôi được học tập sử dụng các loại tàu và trang thiết bị quân sự của Nga, để hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình, thì sao nói tôi không yêu Nga cho được. Với nhiệm vụ được giao xây dựng nền móng cho lực lượng cảnh sát biển nên tôi muốn cho đội tàu cảnh sát biển được trang bị những máy móc bền và ưu việt nhất để làm cơ sở vững chắc cho phát triển lâu dài. Tôi không chê máy Nga nhưng qua kinh nghiệm thực tế thấy máy Nga có một số tính năng không phù hợp với tàu cảnh sát biển. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tôi vẫn làm tờ trình báo Bộ Quốc phòng, đồng gửi Văn phòng Chính phủ với nội dung là sau khi được Bộ cho đi tham quan, tìm hiểu, học tập một số nước châu Âu, Cục Cảnh sát biển xin báo cáo và đề nghị Bộ:
- Các loại tàu tuần tra cao tốc loại 120 T, 250 T và 400 T ta nên tự đóng trong nước, theo hình thức tự thiết kế hoặc mua giấy phép về tự đóng, có thể thuê chuyên gia giám sát. Loại tàu cứu nạn 3500 CV ta nên liên doanh với hãng đóng tàu Damen Hà Lan đóng tại Việt Nam.
- Động lực chính của các loại tàu tuần tra cao tốc nên mua của hang MTU Đức. Các loại tàu trang thiết bị khác cho tàu thì nhập khẩu từ các nước tiên tiến.
Sau khi gửi tờ trình báo cáo Bộ, tôi đoán thế nào Bộ cũng gọi lên giải trình, vì vậy tôi đã cùng đồng chí Hòa, Chủ nhiệm Kỹ thuật Cục Cảnh sát biển cùng ngồi so sánh tính ưu việt giữa 2 loại máy MTU của Đức và 503 của Nga theo một số tính năng chủ yếu:
Về giá mua máy Nga 1 thì máy Đức 2,5 (Đắt hơn)
- Thời gian chạy tốc độ cao 90 - 95 % công suất M503 của Nga không quá 2 giờ, máy MTU của Đức không hạn chế thời gian, tiếng ồn nhỏ.
- Tiêu hao nhiên liệu tính theo mã lực giờ thì máy Nga nhiều hơn máy MTU khoảng 5 giờ trên một mã lực giờ.
- Thời gian đại tu máy Nga 2000 giờ, máy Đức 8000 giờ.
Như vậy một đời thân vỏ tàu là 30 năm, nếu lắp máy 503 Nga thì phải đưa tàu lên đốc, cắt bong, cẩu máy vào xưởng đại tu 4 lần. Nếu lắp máy MTU thì chỉ phải đại tu một lần. Chi phí một lần đưa tàu vào xưởng đại tu không dưới 3 tỷ đồng, thời gian tàu nằm tại xưởng khoảng 1,5 - 2 tháng. Ngoài ra chúng tôi còn tính toán một cách khái quát nếu đóng tàu trong nước thì có lợi gì cho quân đội, cho đất nước, khả năng các xưởng đóng tàu và chất lượng…
Đúng như chúng tôi dự đoán, sau khi gửi tờ trình khoảng 10 ngày thì tôi được văn phòng Bộ gọi lên gặp trực tiếp Bộ trưởng Phạm Văn Trà để giải trình những đề xuất mà chúng tôi đã gửi. Được gặp bác Trà trong lòng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được trình bày những ý tưởng về xây dựng nền móng cho cảnh sát biển với một người có trọng trách quyết định. Lo vì không hiểu những ý kiến của mình đã mạnh dạn nêu trong tờ trình có được chấp nhận không hay bị phản đối, bác bỏ?
Khi gặp bác, quả nhiên là bác hỏi tôi về việc tại sao lại đề xuất đóng tàu trong nước, tại sao lại mua máy của Đức mà không mua máy của Nga? Đã có chuẩn bị từ trước nên tôi trả lời ngay: “Thưa Bộ trưởng, sau khi nghiên cứu chúng tôi nhận thấy hiện nay không có nước nào tự đóng một con tàu hoàn chỉnh, thường họ chỉ đóng vỏ tàu, còn trang thiết bị, kể cả máy chính họ đều nhập của nước khác. Bởi vậy với điều kiện Việt Nam hiện nay ta có thể nhập sắt thép, trang thiết bị và máy chính của tàu từ các nước, rồi tự đóng theo thiết kế các lại tàu ta cần.
Rồi tôi báo cáo Bộ trưởng những thông số có lợi như đã nói ở trên. Sau khi báo cáo xong Bộ trưởng hỏi thêm, nếu đóng tàu trong nước thì đóng loại nào và giao cho nhà máy nào.? Vấn đề nâng cao tay nghề và trang bị các nhà máy? Tôi trả lời Bộ trưởng, căn cứ vào địa hình vùng biển của nước ta và sự phát triển của cảnh sát biển ở giai đoạn đầu ta nên đóng các loại tàu T.T120, T.T200, T.T 400 và tàu cứu nạn 3500 CV. Sau này khi lực lượng cảnh sát biển lớn lên, căn cứ tình hình và yêu cầu nhiệm vụ ta sẽ đóng những loại tàu lớn hơn. Các nhà máy đóng tàu cho cảnh sát biển đề nghị Bộ giao cho xưởng189 phối hợp cùng Viện Thiết kế tàu thủy Việt Nam hoàn thành thiết kế chi tiết và chuẩn bị đóng tàu T.T120 vỏ hợp kim nhôm. Loại tàu T.T120 thì giao cho 173 Hồng Hà phối hợp với Viện Kỹ thuật Hải quân thiết kế và thi công tại nhà máy 173. Loại T.T 400 giao cho 173 mua licen và triển khai thi công. Tàu cứu nạn 3500 CV nên giao cho nhà máy Sông Thu liên doanh với hãng Damen Hà Lan triển khai đóng tại nhà máy Sông Thu Đà Nẵng. Về tiến độ thì sau khi các nhà máy đóng thử nghiệm xong chiếc đầu tiên chạy thử thành công thì mở rộng thêm cho các nhà máy X-46 HQ và Ba Son cùng tham gia để đẩy nhanh tiến độ. Việc nâng cao tay nghề cho cán bộ công nhân, đề nghị Bộ giao giám đốc các nhà máy căn cứ vào yêu cầu thực tế ngành nghề, trình độ mà lựa chọn người đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn ở các nước. Về đầu tư trang thiết bị cho các nhà máy, đề nghị Bộ trưởng tăng thêm kinh phí cho 3 nhà máy, nếu thiếu thì các nhà máy vay ngân hàng. Khi có kinh phí đóng tàu của Nhà nước rót về thì các nhà máy tự trả. Sau gần hai tiếng tôi báo cáo xong, Bộ trưởng bảo “ Ông Giáp ơi, ta giải lao 10 phút”. Sau khi giải lao vào Bộ trưởng nói với tôi: “Qua nghe đồng chí giải trình các đề nghị của Cảnh sát biển, cơ bản là tôi nhất trí nhưng còn phải tranh thủ ý kiến của các bộ, ngành, nhà nước và cơ quan Bộ Quốc phòng mới quyết được”. Đồng chí dặn tôi lực lượng mới thành lập, công việc nhiều, lại khó khăn thiếu thốn đủ thứ nên Đảng ủy, chỉ huy Cục phải động viên anh em, đoàn kết một lòng, cố gắng phấn đấu mới vượt qua được. Tôi cảm ơn và chào Bộ trưởng ra về với một tâm trạng rất vui và tràn trề hy vọng.
Khoảng gần một tháng sau anh Toàn ở văn phòng chính phủ gọi tôi lên gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải để báo cáo về viêc đóng tàu trong nước. Khi gặp bác Khải cũng nêu cho tôi một số câu hỏi như Bộ trưởng Phạm Văn Trà đã hỏi. Tôi báo cáo với bác Khải một cách khái quát, ngắn gọn. Khoảng 30 phút tôi báo cáo xong, bác Khải hỏi thêm tại sao tự đóng tàu giá thành lại rẻ hơn đi mua? Tôi nghĩ bác lại quan tâm nhiều đến kinh tế rồi đây. Tôi báo cáo với bác là giá thành của một con tàu được tạo nên do nhiều yếu tố. Trong đó hai yếu tố có tính chất quyết định là lương nhân công và thuế. Tôi so sánh lương hàng tháng của công nhân đóng tàu Việt Nam với lương công nhân đóng tàu các nước châu Âu và thuế nhập khẩu phải đóng khi ta mua tàu nước ngoài. Tôi báo cáo xong thấy bác gật đầu vui vẻ tán thành, sau đó bác nói: “Ta cũng có một số xưởng sủa chữa tàu, đóng tàu cho hải quân và các quân khu ven biển, nhưng từ trước đến nay chỉ đóng được một số ca nô, tàu nhỏ chạy ven bờ, trên sông, còn chủ yếu là sửa chữa tàu. Bây giờ muốn đóng tàu cao tốc hiện đại thì phải đầu tư, không chỉ tiền mà còn nhiều vấn đề khác. Nếu cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để tránh sai sót làm tốn kém tiền của nhân dân trong khi đất nước còn nghèo. Tôi còn phải nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan rồi mới quyết định được.”
Trên đường về tôi nghĩ, muốn có quyết định đóng tàu trong nước thì phải tranh thủ ý kiến của các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Công nghiệp…Những ngày sau đó, tôi nhờ anh Toàn ở Văn phòng Chính phủ liên hệ trước với các bộ trưởng để khi lên làm việc được thuận lợi. Qua làm việc với các bộ, họ đều ủng hộ, vậy là tôi yên tâm chờ đợi. Một thời gian sau tôi được Văn phòng Bộ thông báo Chính phủ đã đồng ý chủ trương đóng tàu trong nước. Cảnh sát biển cần phối hợp với các cơ quan chức năng của quân chủng Hải quân, Bộ và các nhà máy triển khai thực hiện cho tốt.
Do có sự chủ động chuẩn bị từ trước nên khi có quyết định nhà máy 189 triển khai đóng chiếc T.T 120 đầu tiên, đến cuối năm 1999 hạ thủy. Tôi trực tiếp cùng anh em chạy thử tàu trên biển, trong điều kiện sóng cấp 3, cấp 4. Tàu đạt tốc độ cao nhất 33 - 34 hải lý/giờ, các tính năng khác của tàu đều đạt theo yêu cầu thiết kế. Sau khi đóng thành công 2 chiếc tàu đầu tiên, nhà máy 189 được giao đóng tiếp chiếc tàu thứ 2 đến chiếc thứ 10, loại tàu T.T120. Nhà máy 173, nhà máy 46 Hải Quân và hãng Ba Son được giao đóng tiếp tàu T.T200 từ chiếc thứ 2 đến chiếc thứ 14. Tàu cứu nạn 3500 CV do công ty Sông Thu liên doanh với hãng Damen Hà Lan đóng tại Đà Nẵng cũng thành công tốt đẹp. Các tàu do Việt Nam đóng được Hội đồng Nghiệm thu Quốc gia đánh giá về trang bị và tính năng không thua kém các tàu cùng loại của nước ngoài.
Đến nay sau hơn 20 năm thực hiện đóng tàu trong nước và sự giúp đỡ của một số nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã có một đội tàu, xuồng gần 100 chiếc, trọng tải từ 20 tấn đến 4300 tấn. Đặc biệt là những chiếc tàu đầu tiên do Việt Nam đóng đến nay đã hơn 20 năm vẫn hoạt động tốt. Các xưởng đóng tàu 189, Sông Thu và 173, Hồng Hà được giao nhiệm vụ đóng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam, đến nay đã trở thành 3 tổng công ty đóng tàu lớn, đủ sức đóng những chiếc tàu lớn hàng ngàn tấn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Cả 3 tổng công ty đều được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Riêng hãng đóng tàu Ba Son không những đóng được tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam mà còn “thừa thắng xông lên”, đóng được cả tàu hộ vệ tên lửa cho Hải quân Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng tàu của 3 tổng công ty đóng, hoạt động tốt, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực thi pháp luật trên biển, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc tròn 17 tuổi”.
*
Ông Hồ Minh Giáp cho biết: Với một lực lượng mới thành lập, chưa có một thứ gì, muốn phát triển được, phải xây dựng một dự án tổng thể, dài hạn, được nhà nước phê duyệt thì mới có hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện. Nội dung dự án sẽ bao gồm: Tổ chức biên chế lực lượng, trang bị phương tiện tàu thuyền, máy bay, quy hoạch các vị trí đóng quân, các sở chỉ huy, doanh trại, nhà kho, cầu cảng, các cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nhà trường…Và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho cảnh sát biển hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ. Để xây dựng lực lượng cảnh sát biển hoàn chỉnh, theo kinh nghiệm của các nước mất từ 40 đến 50 năm. Việt Nam phát triển sau có thể sẽ mất 30 năm, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: 2011 - 2010; giai đoạn 2: 2010 - 2020; giai đoạn 3 : 2020 - 2030. Mỗi giai đoạn phân làm 2 phân kỳ, mỗi phân kỳ là 5 năm và lập kế hoạch xây dựng cụ thể từng năm một. Xác định nhiệm vụ từng giai đoạn . Giai đoạn 1: Xây dựng nền móng. Giai đoạn 2: Phát triển lực lượng. Giai đoạn 3: Hoàn thiện việc xây dựng.
Ngày 28 tháng 8 năm 1998 Cục Cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập. Những khó khăn ngày đầu tiên về nhận chức Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam ư ? - Ông Hồ Minh Giáp ngồi mơ màng nhớ lại - Ngày đó ông về với hai bàn tay trắng, cũng chưa hình dung về lực lượng Cảnh sát biền Việt nam sẽ như thế nào. Ông hiểu rằng, bắt đầu là làm dự án tổng thể, tổ chức như thế nào? Biên chế, con người và trang bị sẽ ra sao? Những trước hết phải nghiên cứu xem chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam như thế nào? Ông nghiên cứu cách tổ chức, cách làm việc của cảnh sát biển các nước để rút ra kinh nghiệm cho Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc đầu những người thiết kế mô hình, đưa ra 4 phương án: Phương án1: Cục (Bộ tư lệnh), xuống đến Vùng cảnh sát biển, xuống Hải đội cảnh sát biển, xuống Tàu cảnh sát biển ( 4 cấp). Phương án 2: Cục ( BTL),Vùng - Hải đội - Tàu.(3 cấp) Phương án 3 : Cục (BTL) - Hải đoàn - Hải đội -Tàu.( 3 cấp) Phương án 4: Cục (BTL) - Hải đội - Tàu.(2 cấp). Bàn cải, tranh luận nhiều cuộc họp, đi đến thống nhất chọn phương án 2. Giai đoạn tiếp theo khi lực lượng đủ lớn thì chuyển sang phương án 1 và thành lập thêm Hải đoàn ( Lữ đoàn) trực thuộc vùng là thuận lợi nhất. Sau này lực lượng phát triển lên, Cục Cảnh sát biển Việt Nam chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng ( năm 2008); năm 2013, Cục Cảnh sát biển đổi tên thành Bộ tư lệnh Cảnh sát biển; ngày 10 tháng 9 năm 2014 các vùng cảnh sát biển đổi tên thành Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển. Rồi làm dự án tổng thể chiến lược Cảnh sát biển Việt Nam thời gian là 10 năm, tổng kinh phí dự trù là 13 500 tỷ đồng. Qua nhiều lần hội thảo, kinh phí rút xuống còn 8000 tỷ. Sau khi hoàn thành hội thảo ròng rã mất hơn 1 năm ở các cấp, Ban soạn thảo đã gấp rút hoàn chỉnh dự án để báo cáo hội thảo cấp Bộ Quốc phòng. Đầu năm 2002 Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo, ông báo cáo xong được các cơ quan Bộ nhất trí. Thủ trưởng Bộ kêt luận đồng ý với dự án và giao cho Văn phòng Bộ viết tờ trình để Bộ ký báo cáo Thủ tướng. Sau khi nhận được tờ trình của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng giao cho Văn phòng chính phủ triệu tập các bộ ngành liên quan của Chính phủ nghe báo cáo dự án xây dụng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2001- 2010. Ông Hồ Minh Giáp nhớ lại kỷ niệm khó quên: “Buổi tối trước ngày báo cáo dự án trước Chính phủ, đồng chí Lê Hải Anh, Phó Tổng tham mưu gọi điện báo cho tôi sáng mai đúng 8 giờ tôi phải có mặt ở Văn phòng Chính phủ để báo cáo dự án xây dựng Cảnh sát biển với Chính phủ. Tôi mừng quá liền gọi đồng chí Thơm vào cơ quan gấp để chuẩn bị tài liệu. Hôm sau đúng 4 giờ chúng tôi xuất phát từ Hải Phòng, đến Hà Nội hơn 7 giờ, sợ bị chậm nên chúng tôi bỏ ăn sáng. Đúng 8 giờ, cuộc họp bắt đầu. Tham gia họp có 4 Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và đại diện các ban ngành có liên quan của Chính phủ. Sau lời khai mạc của Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Lê Hải Anh, Phó Tổng than mưu trưởng phát biểu tóm tắt quá trình xây dựng dự án, hội thảo của Cục Cảnh sát biển, đến Quân chủng Hải quân, và Bộ Quốc phòng. Dự án đã qua nhiều lần hội thảo, chỉnh sửa, hôm nay xin báo cáo trước Chính phủ để xin phê duyệt. Bộ Quốc phòng ủy quyền cho đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, phó ban chỉ đạo xây dụng dự án và tổ trưởng tổ soạn thảo văn kiện được báo cáo trước Chính phủ tại cuộc họp hôm nay.
Thủ tướng cho phép báo cáo khoảng một tiếng để dành thời gian cho thảo luận. Tôi báo cáo tóm tắt nội dung toàn bộ dự án mất gần 40 phút. Thủ tướng hỏi tôi, “Sao thuộc thế”. Tôi trả lời vì dự án soạn thảo đã hơn 3 năm qua, qua nhiều lần hội thảo nên tôi thuộc. Thủ Tướng hỏi thêm về đất để xây dựng cơ sở đóng quân theo dự án đã có chưa? Tôi trả lời, Cục đã cử cán bộ đi làm việc với các tỉnh ven biển và thành phố Hà Nội để xin đất, được các địa phương nhiệt tình giúp đỡ, đến nay đã có đủ. Thủ tướng nói “Thế là tốt, cứ dựa vào dân thì việc gì khó mấy cũng giải quyết được”. Phó Thủ tương Nguyễn Mạnh Cầm là người phát biểu đầu tiên, nói “ Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam cần có một lực lượng Cảnh sát biển đủ mạnh để duy trì, thực thi pháp luật trên các vùng biển và hợp tác với các nước ASEAN . Việc lập dự án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển là rất cần thiết, cần triển khai thực hiện nhanh”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu: “Đây là một dự án 10 năm được phần thành 2 kỳ, mỗi kỳ 5 năm, trong từng năm của mỗi phân kỳ đều có kế hoạch cụ thể nên tôi nhất trí với dự án”. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu: “Cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ Quốc phòng, còn cơ quan chủ đầu tư dự án này đề nghị Thủ tướng không giao cho Hải quân như trong dự thảo dự án. Nên giao cho Cục Cảnh sát biển làm chủ đầu tư để giảm bớt khâu trung gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện. Theo nguyên tắc tiền phân cho dự án của cơ quan nào thì cơ quan đó trực tiếp quản lý, rồi sử dụng, để khi có sai sót dễ quy trách nhiệm”. Đại diện bộ, ban, ngành khác phát biểu đều nhất trí với dự án. Sau khi giải lao, vào họp Thủ tướng kết luận :
- Đồng ý với dự án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 1, từ 2001 - 2010.
- Giao Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách, Bộ Kế hoạch Đầu tư bảo đảm kế hoạch, các bộ, ban, ngành của Chính phủ có liên quan dự án, tạo điều kiện giúp đỡ Cục Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng triển khai tốt dự án.
- Giao Bộ Quốc phòng chủ quản đầu tư dự án.
- Giao Cục Cảnh sát biển làm chủ đầu tư dự án.
- Văn phòng Chính phủ sạn thảo quyết định phê duyệt dự án thông qua Thường trực Chính phủ trước khi ký ban hành.
Hơn 10 giờ cuộc họp kết thúc, các đại biểu dự hội thảo đều bắt tay tôi, chúc mừng Cục Cảnh sát biển đã bảo vệ thành công dự án.
Trên đường về, tuy bụng đói vì không kịp ăn sáng nhưng trong lòng hai chúng tôi tràn đầy nỗi vui mừng”.
Ngày 15 tháng 8 măm 2002 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ban hành Quyết định phê duyệt dự án xây dụng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010. Trong Quyết định của Thủ tướng phê duyệt dự án có hai điểm mới là đẩy nhanh tiến độ đóng tàu và cho Cục Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng từ ngày 1 tháng 1 năm 2003. Khi biết tin Thủ tướng đã ký quyết định cho Cục Cảnh sát biển tách khỏi Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng, trong cơ quan Quân chủng Hải quân có một số ý kiến bàn tán cho rằng sở dĩ có quyết định tách là do Cục Cảnh sát biển đề nghị trên, có ý kiến nói ông Giáp là phần tử ly khai…
Ông Giáp kể tiếp: “Sau một thời gian không lâu, Bộ tư lệnh Hải quân triệu tập họp toàn cơ quan quân chủng. Cục Cảnh sát biển tham dự họp có Ban chỉ huy Cục, và cán bộ các phòng. Bộ Tư lệnh gọi tôi báo cáo việc thông qua dự án trước Chính phủ và trả lời một số câu hỏi: Tại sao thông qua dự thảo dự án báo cáo Chính phủ không mời Bộ Tư lệnh Hải quân ? Tại sao trong dự án trước đây thông qua các lần hội thảo thì cơ quan chủ đầu tư là Bộ Tư lệnh Hải quân mà bây giờ lại giao cho Cục Cảnh sát biển? Ai đề nghi tách Cục Cảnh sát biển khỏi Hải quân?...
Tôi báo cáo tóm ắt quá trình thông qua dự án trước chính phủ và trả lời các câu hỏi:
- Thành phần tham gia họp thông qua dự án do Văn phòng Chính phủ triệu tập, Cục Cảnh sát biển không biết. Buổi chiều trước ngày thông qua dự án, tôi được đồng Chí Lê Hải Anh, Phó Tổng tham mưu trưởng gọi điện báo chuẩn bị văn bản đúng 8 giờ sáng mai lên báo cáo Chính phủ. Tôi gọi đồng chí Thơi chuẩn bị tài liệu để đi báo cáo theo lệnh của Bộ.
- Trong dự thảo dự án các lần hội thảo thì chủ đầu tư dự án là Bộ Tư lệnh Hải quân. Khi báo cáo trước Chính phủ tôi cũng báo cáo theo dự án. Khi hội nghi thảo luận, Bộ trưởng Tài chính phát biểu theo nguyên tắc quản lý tài chính, tiền nhà nước đầu tư cho công trình, dự án của cơ quan nào thì cơ quan đó phải trực tiếp quản lý, sử dụng, không qua cấp trung gian, để khi triển khai thực hiện có gì sai sót dễ quy trách nhiệm. Vì vậy Bộ Tài chính đề nghi Thủ tướng giao cho Cục Cảnh sát biển là cơ quan chủ đầu tư dự án. Thủ tướng kết luận đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính. Cục Cảnh sát biển chỉ biết chấp hành. Việc cho Cục Cảnh sát biển tách ra khỏi Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng là do Chính phủ quyết định, Cục Cảnh sát biển không có đề nghị.
Sau khi tôi giải trình xong Tư lệnh hỏi thêm: “Theo ý kiến cá nhân đồng chí thì nên tách hay không nên tách khỏi Hải quân?” Tôi đã trả lời: Hiện tại Cục Cảnh sát biển đã được trao quyền lãnh đạo chỉ huy lực lượng, thống nhất từ Cục đến Vùng - Hải đội -Tàu Cảnh sát biển, nay lại được giao làm chủ đầu tư dự án nên tôi nghĩ trước mắt Cục Cảnh sát biển nên tập trung khẩn trương làm mọi việc để triển khai thực hiện dự án, xây dựng lực lượng theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và tránh các sai sót xẩy ra trong qua trình triển khai thực hiện. Còn tách hay không tách chỉ là thời gian. Nếu Cục Cảnh sát biển được trực thuộc Bộ Quốc phòng, được gần các cơ quan Bộ Quốc phòng, các bộ, ban ngành nhà nước thì việc quan hệ, gải quyết công việc sẽ nhanh và thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển phát triển nhanh hơn và vị thế Cảnh sát biển cũng được nâng lên. Cảnh sát biển ở Hải quân hay về Bộ Quốc phòng đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Nếu được Quân chủng đồng ý và có quyết định của Bộ Quốc phòng thì Cục Cảnh sát biển sẽ lập kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc.
Sau đó hội nghị thảo luận, một số ý kiến đại diện các cơ quan quân chủng phát biểu, đại ý là chưa cho Cục Cảnh sát biển tách khỏi Hải quân vì chưa đủ tầm, đủ lớn…Sau đó Tư lệnh hỏi ý kiến ban chỉ huy Cục. Hai Cục phó An và Hùng không phát biểu gì. Cục phó Sự, người được Bộ Tư lênh Hải quân bố trí chuẩn bị thay tôi phát biểu và nói “Theo tôi Cảnh sát biển nếu tách khỏi Hải quân là chết”.
Đồng chí Sự phát biểu như vậy tôi hơi buồn về sự thống nhất trong Ban chỉ huy Cục, nhưng nghĩ lại thấy không sao, đây là do nhận thức của mỗi người. Cuối cùng Tư lệnh Hải quân kết luận, không cho Cục Cảnh sát biển tách khỏi Hải quân. Bộ tư lệnh sẽ làm công văn đề nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Hội nghị kết thúc, chúng tôi ra về trong tâm trạng vui buồn đan xen”.
*
Hồi ấy Cục Cảnh sat biển không có xe để đi làm việc, công viêc thì cứ đi như con thoi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội. Ông Giáp chỉ có chiếc xe bốn chỗ đã cũ, anh em cùng đi, còn lên Hà Nội anh em đi đến các bộ, phải đi xe ôm. Kinh phí cũng không có, trưa anh em gom lại ra quán cơm bình dân. Vất vả nhưng ai cũng hăng hái, làm việc quên ăn, quên ngủ. Nhớ lại những ngày đầu về nhận nhiêm vụ, Ông Hồ Minh Giáp vẫn bồi hồi xúc động, với cương vị Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục Cảnh sát biển Việt nam, ông nhanh chóng đi vào ổn định tổ chức biên chế, đưa lực lượng vào hoạt động, thực hiên nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền vùng biển, phòng chống buôn lậu, giữ gìn trật tự an ninh, cứu nạn và tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân làm ăn trên biển, đồng thời quan hệ với các bộ ngành Nhà nước, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, xin kinh phí, mời giáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ quan Cục các vùng, hải đội Cảnh sát biển Việt Nam. Ông nhớ những ngày đi quan hệ với Bộ Tài chính xin kinh phí mua trụ sở 276 Đà Nẵng, Hải Phòng, xây dựng thêm nhà đủ chỗ cho cơ quan Cục ở và làm việc, chuyển cơ quan Cục từ nhà ở nhờ trong cơ quan Quân chủng về trụ sở 276 Đà Nẵng, Hải Phòng để ổn định nơi ăn, ở và làm việc, cử các đoàn cán bộ đi khảo sát dọc bờ biển, suốt từ Bắc chí Nam, xác định vị trí đóng quân cho các vùng, hải đội, đơn vị Cảnh sát biển. (Chính ông đã đặt chân lên hầu hết các đảo nho to, bãi ngầm ở biển Đông, suốt từ Bắc chí Nam, có lần bị sóng to gió lớn gây tai nạn, suýt hy sinh). Quan hệ với các chính quyền địa phương ven biển và thành phố Hà Nội để làm thủ tục xin cấp đất, xây dựng sở chỉ huy cho Cục, cho các cầu cảng, doanh trại, kho, xưởng, trạm cho các vùng, hải đội và đơn vị. “Tôi tham mưu cho cấp trên mua máy như thế, số tiền hàng ngàn tỷ đồng, nếu năm sáu năm sau nó đổ vỡ thì có yên được không? - Ông Hồ Minh Giáp cười vui khi nói về điều đó - Tôi bị bệnh tim mạch, đã đặt 2 cái ten trong ngực rồi, nếu mà làm ăn vô trách nhiệm, hay gian dối thủ lợi cho cá nhân sẽ lo lắng không yên, dễ chết sớm. Bây giờ thì tôi hoàn toàn thanh thản vì những máy chúng tôi mua thời đó, sau 22 năm vẫn chạy tốt. Đời người sống hạnh phúc là mình không làm gì gian dối để phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, mất ăn mất ngủ. Trong những ngày tháng gian khó đó cũng may là tôi có những đồng đội tốt, hết mình vì công việc, như anh Trần Đức Hùng, Cục phó, anh đỗ Cao học về Luật, đúng là lĩnh vực pháp luật mà chúng tôi đang cần, anh giúp tôi rất nhiều về lĩnh vực pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam. Anh là người năng động, làm việc cẩn thận, về mặt pháp luật anh làm rất chuẩn và nhanh, đáp ứng được nhu cầu mà nghành đang cần như ban hành hành lang pháp lý Cảnh sát biển Việt Nam về luật biển, làm tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt hành chính trên biển, quyền tố tụng về pháp luật trên biển, mối quan hệ giữa công an, Biên phòng với Cảnh sát biển, nhất là tham mưu cho Quốc hội ra Luật Cảnh sát biển Việt Nam, kể cả tham mưu cho Thường vụ Quốc hội soạn thảo ban hành Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam v.v… toàn những cái mới mà lần đầu chúng tôi phải thực hiện. Chỉ riêng về Nghị định xử phạt hành chính trên biển cũng khác và phức tạp hơn các lĩnh vực khác trên bờ. Xử phạt trên bờ đối với người vi phạm thường ít tiền, nhưng xử phạt vi pham trên biển thì lắm khi khá nhiều tiền như bắt được một tàu chở dầu vi phạm, trong khoang có hàng triệu lít dầu, giá trị xử phạt lên đến hàng chục tỷ đồng, nên mức độ chống đối của người vi phạm sẽ dữ dội hơn. Bị bắt rồi chúng tìm mọi cách chống trả, chống không được thì tìm mọi mối quan hệ để chạy chọt xin tha hàng hóa, xin tha tội. Tôi đã từng nhận được những cú điện thoại của người quen, có khi của cấp trên nói giùm tha cho bọn chúng. Gặp trường hơp đó tôi đều nói, để anh em họ thực hiện, phải làm đúng theo pháp luật. Nếu chúng tôi tha cho họ, hẳn nhiên sẽ được họ lại quả. Những người chiến sỹ và lương tâm trách nhiệm không cho phép mình làm như vậy. Đây tôi đang nói về mặt văn bản pháp luật, với mức xử phạt lớn như vậy, yêu cầu văn bản tham mưu cho cơ quan ra văn bản pháp luật phải chặt chẽ ,nghiêm minh, có lý có tình. Quả là viêc rất khó, chưa có tiền lệ, cũng như không thể tham khảo pháp luật của nước ngoài, vì đặc thù của xã hội, kinh tế và pháp luật Việt Nam khác các nước. Những ngày gian khó đó tôi cũng có may mắn có anh Khương Văn Thơn, là một người năng nổ, có tri thức về khoa học kỹ thật. Rồi anh Đôn Hòa, từng học ở Liên Xô về, phụ trách mảng kỹ thật chuyên môn, tham mưu cho các bộ, chính phủ về máy móc, xăng dầu… Nói chung là các anh rất nhiệt tình, gọi là có ngay, cùng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ, không phải vì tôi mà vì nhiệm vụ chung, vì tình yêu đất nước.
Tôi còn nhớ cuối năm 1998, khi tôi đang di khảo sát tìm vị trí đóng quân ở Quảng Bình , được đồng chí Tú chỉ hy trưởng vùng Cảnh sát biển 1 báo cáo, bắt được một tàu buôn lậu ở đảo Bạch Long Vĩ, số lượng hàng khoảng 200 tấn và hỏi ý kiến tôi là giao cho ai xử lý. Tôi trả lời là áp giải về giao cho Hải Phòng xử lý. Khi tàu áp giải về gần Hải Phòng thì Tư lênh Hải quân lệnh giao cho Thanh Hóa xử lý. Nhưng vì tàu đã về đến cảng Hải Phòng nên đồng chí Tú vẫn thực hiện giao cho Hải Phòng. Khi tôi về đến Hải Phòng nghe anh em trong cơ quan nói, đồng chí Tú bị Bộ Tư lệnh Hải quân bắt phải làm kiểm điểm về việc không chấp hành lệnh giao tàu buôn lậu cho Thanh Hóa. Tôi lên gặp thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân báo cáo kết quả chuyến đi khảo sát và tiện thể báo cáo việc giao tàu buôn lậu cho Hải Phòng là do tôi chỉ đạo đồng chí Tú. Vì thủ trưởng đã chỉ thị khi bắt được tàu buôn lậu, vi phạm pháp luật thuộc vùng biển địa phương nào thì giao cho địa phương đó xử lý. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng nên tôi đã bảo đồng chí Tú giao cho Hải Phòng xử lý. Có gì sai tôi xin chịu trách nhiệm trước Bộ Tư lệnh. Thủ trưởng không nói gì. Về sau thấy mọi việc êm xuôi, đồng chí Tú không phải làm kiểm điểm, kỹ luật và vùng Cảnh sát 1 cũng không bị cắt thi đua. Qua đây tôi thấy cơ sở pháp lý bảo vệ cho lực lượng thực thi pháp luật hoạt động là vô cung quan trọng.
Nhiệm vụ của Cảnh sat biển Việt nam còn có việc bảo vệ môi trường. Tình hình ô nhiễm môi trường trên biển của ta còn rất nặng nề, các tàu thuyền nước ngoài khi đi qua vùng biển của nước ta thường xả dầu cặn, rác xuống biển. Các nhà máy như Fomosa ven bờ xả thải xuống biển làm ô nhiễm môi trường, nhưng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chưa làm tốt nhiệm vụ phát hiện, báo cáo, ngăn chặn kịp thời. Đó là điểm yếu mà chúng ta chưa khắc phục được. Tôi đi thăm quan các nước phát triển, tàu cảnh sát biển của họ có những bộ phận kiểm tra nước biển, đo đạc thường xuyên độ ô nhiễm nước để cảnh báo kịp thời cho Chính phủ xử trí. Tiến tới ta cũng phải làm tốt nhiệm vụ cảnh báo, ngăn chặn kịp thời về ô nhiễm môi trường biển, làm sao cho biển nước ta an ninh, an toàn và trong lành, phục vụ tốt đời sống của nhân dân.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, sự đầu tư của Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nên chỉ mới hơn 20 năm, Cảnh sát biển Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực thi pháp luật trên biển. Âm mưu thôn tính biển Đông của những kẻ bành trướng, đại Hán chưa từ bỏ. Thời gian tới tình hình trên các vùng biển sẽ chuyển biến phức tạp, khó lường. Nhưng tôi tin rằng Cảnh sát biển Việt nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngồi lặng yên, nhấp ngụm trà nóng, Ông Hồ Minh Giáp kể tiếp: “Cuộc đời tôi tuy vất vả nhưng hạnh phúc, tôi giữ được sự thanh thản toàn tâm toàn lực cho quân ngũ cũng nhờ có hậu phương yên ấm. Người ta nói “ Đằng sau thành công của người chồng luôn có bóng dáng của người vợ” quả không sai. Hồi mới quen nhà tôi, tôi đã nói trước :“Anh là người lính, phải nay đây mai đó, có khi phải chiến đấu hy sinh, nếu lấy anh, em có vượt qua được khó khăn đó không?” Vợ tôi nói một câu rất ngắn gọn mà ý nghĩa: “Anh trai em cũng là người lính mà anh”. Quả như tôi đã nói trước, cưới nhau rồi, tôi phải sang Liên Xô học 5 năm liền, vợ tôi vẫn chung thủy chờ chồng, đảm đang việc nhà. Tôi về nước, vợ chồng sum họp được ít ngày ngắn ngủi rồi tôi lại phải ra đi biền biệt, làm lính Cảnh sát biển, lênh đênh trên sóng nước, rày đây mai đó, không có ngày chủ nhật, ngày nghỉ. Cũng may tôi có người mẹ vợ lên ở chung với con gái, hai mẹ con hú hí với nhau cũng đỡ buồn. Vợ tôi tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội, cứ phải theo chồng chuyển công tác, năm thì ở Hải Phòng, năm thì Quảng Ninh, sau này lại theo chồng vào thành phố Hồ Chí Minh. Có 3 mặt con mà tôi có ở nhà chăm sóc vợ con được mấy ngày, tất cả nhờ ở sự đảm đang tháo vát của vợ. Mà cũng tội, chồng đi biền biệt như thế, có khi ba bốn tháng chẳng gửi về đồng lương nào, thế mà cô ấy không một lời trách móc chồng, ngược lại luôn động viên tôi an tâm công tác, phục vụ quân ngũ. Gặp nhau lần nào cô ấy cũng động viên dặn dò tôi “hãy giữ vững phẩm chất người lính. Môi trường làm viêc, địa vị của anh, cần phải vững vàng trước cám dỗ của vật chất, anh mà sa ngã chẳng biết mẹ con em sẽ sống như thế nào”.
Trên sông Sài Gòn, hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa từ hãng đóng tàu Ba Son lại hụ còi rền vang, chạy rẽ sóng lao ra hướng biển Đông như có lệnh khẩn cấp, tôi đã hiểu vì sao ông Hồ Minh Giáp lại vui khi nhìn thấy chúng. Cả những lời dặn dò của bà ở hậu phương đã tiếp sức cho ông vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để đến bây giờ về hưu, ông sống một cuộc sống an nhiên hạnh phúc trong ngôi nhà dản dị, nhưng đầy ắp tiếng cười.
________
Mời đọc: ĐỘI BÓNG CSB BÁN ĐỘ.