TIN TỨC
  • Truyện
  • Xà cừ nở hoa | Lê Ngọc Hạnh

Xà cừ nở hoa | Lê Ngọc Hạnh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-26 07:51:29
mail facebook google pos stwis
1261 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

LÊ NGỌC HẠNH

Chiếc xe đạp phăng phăng xuống con dốc. Thằng nhỏ ngồi sau baga, tay bấu chặt hai bên hông áo ba nó, ngoẹo cổ háo hức nhìn dòng sông đang hiện ra trước mặt. Lần đầu tiên thằng nhỏ được ba chở về quê, mà cũng là lần đầu tiên nó nhìn thấy cây cầu bắc qua dòng sông.

“Ngồi vịn cho chắc nghe”, ba thằng nhỏ xuống xe, dặn. “Dạ, con vịn chắc nè ba”. Mặt sàn cầu ghép bằng những mảnh gỗ, chỗ thưa, chỗ khít, nên ba thằng nhỏ để nó ngồi trên xe đẩy qua. “Cầu này là cầu ông Cộ, nhớ nghe”, thói quen mỗi lần chở thằng nhỏ đi đâu, ba nó hay dạy nó nhớ chỗ này, chỗ kia. “Dạ, cầu này là cầu ông Cộ”. Thằng nhỏ ngồi trên xe nhìn nước dưới sông trôi lững lờ qua mấy tấm kẻ ván, cảm giác vừa sợ vừa lâng lâng. Thằng nhỏ tưởng tượng như nó đang đi trên... mặt nước!

Qua hết cầu là con đường đất đỏ au. Đến ngã tư Phú Thứ, ba thằng nhỏ quẹo phải. Chạy được một chút ba nó ngừng xe lại khi trước mặt là một cái hố bự chình ình nằm ngay giữa đường. “Ngồi yên, vịn cho chắc nghe”, ba nó lại dặn. “Dạ, con vịn chắc rồi ba”. Giống như lúc qua cầu, thằng nhỏ vẫn ngồi trên xe để ba nó đẩy qua. Ba thằng nhỏ bẻ cái ghi đông xe quành qua quẹo lại theo lối mòn qua cái hố rồi lên đường. Chạy được một chút trước mặt lại hiện ra một cái hố nữa. Ba thằng nhỏ lại xuống xe dặn nó ngồi yên, vịn chắc, rồi đẩy qua...

“Sao mấy cái hố bự này nằm giữa đường vậy, ba?”, thằng nhỏ thắc mắc. “Mấy cái hố này là hố bom hồi chiến tranh. Cái hố hồi nãy là trận Mậu Thân năm 1968, hố này hồi năm 1962 trong trận càn “Mặt trời mọc”. Mấy cái hố này là tàn tích chiến tranh...”. “Chiến tranh là gì? Mà tàn tích là sao hả, ba?”, thằng nhỏ ngoái đầu lại nhìn cái hố rộng mà ba vừa đẩy nó qua, chừng như nó không hiểu điều ba nó nói. Ba thằng nhỏ cũng chừng như chợt nghĩ ra thằng con chưa đủ lớn để hiểu...

Băng qua thêm 3 cái hố rộng nữa thì tới mảnh vườn nhà nội. Thằng nhỏ vừa tuột xuống xe, đã reo lên:

- A...! Vườn nhà nội cũng có một cái tàn tích bự thiệt bự kìa ba...!

*

Người bệnh nhân già chậm chạp ngồi xuống ghế. Hơi thở nặng nhọc từng cơn, đứt quãng. Kết quả X quang thể hiện bệnh nhân đang bị tràn dịch màng phổi, cần được rút dịch ngay. Bệnh nhân tuổi cao niên này mắc chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD. Ho, tức ngực, khó thở đã nhiều năm, phải xông thuốc mỗi ngày, nhưng mỗi khi khỏe lại vẫn bập thuốc. Đây là lần nhập viện thứ 4 trong năm. Sức khỏe bệnh nhân có phần giảm sút nhiều so với những lần trước đó.

Lần nhập viện điều trị nội trú đầu tiên ông già đã kể về cái sự nghiền thuốc lá của mình với bác sĩ Tú rằng: “Hồi trong rừng tụi tui hút thuốc rê. Mà thuốc rê cũng không có để hút hoài. Có bữa thèm quá chịu không nổi bứt lá khoai mì phơi khô, rồi vò nát vấn giấy quyến bập bập cho đỡ thèm. Giờ hòa bình, nhiều lúc cầm điếu thuốc thơm muốn đốt cho đồng đội mà không biết họ nằm chỗ nào mà đốt... Nhiều lúc đốt điếu thuốc, rồi ngồi tưởng tượng... đến tàn”.

Bác sĩ Tú nhẹ nhàng:

- Bác cởi áo, rồi ngồi xoay lưng lại thế này dùm con nhé!

Người bệnh nhân già chậm rãi lần mở từng chiếc nút áo pyjama, rồi đứng lên đổi tư thế ngồi theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp ngực vào lưng ghế rồi tựa cằm lên thành chiếc ghế gỗ. Bác sĩ Tú tay kéo, tay kim quay lại vừa định xoa bông sát trùng, gây tê bỗng chựng lại khi đập vào mắt là một vết sẹo hình cong sâu hoắm bên dưới bờ vai phải của người bệnh nhân tuổi cao niên.

- Vết sẹo chỗ này bị làm sao vậy bác?

Người bệnh nhân già tỉnh bơ:

- Bị thương hồi chiến tranh. Viên đạn còn nằm y trong đó. Bác sĩ làm coi viên đạn chỗ nào thì tránh, gãy kim tui không chịu trách nhiệm à!

Dù đã khá quen với “pha” bất ngờ từ những bệnh nhân đặc biệt ở khoa bệnh đặc biệt này, nhưng tình huống trước mặt vẫn khiến bác sĩ Tú bối rối. Anh nén sự xúc động! Người bệnh nhân tuổi cao niên này cũng giống như những bệnh nhân mà anh từng điều trị, mang những vết thương trong thân thể nhưng lại không thuộc đối tượng chăm sóc y tế thương bệnh binh. Dù đoán trước được câu trả lời, nhưng bác sĩ Tú vẫn không thể không hỏi câu mà anh đã hỏi những bệnh nhân trước đó.

- Sao bác không làm hồ sơ để được hưởng thêm trợ cấp chế độ thương binh?

- Trời...! Cái vết thương này so với không biết bao nhiêu là cái chết của đồng đội tui hồi chiến tranh thì có nhằm nhò gì hả, bác sĩ? Tui còn được sống đến giờ này là hạnh phúc lắm rồi!

- Dạ... bác! Nhưng sao bác không mổ lấy viên đạn ra, để trong đó lỡ có gì xảy ra biến chứng?

- Mổ chi? Tui để làm kỉ niệm mà! Mấy chục năm nó nằm yên ở đó đâu có nghe làm sao! Chỉ mấy lúc trái gió trở trời nghe buông buốt chút. Bác sĩ tọt kim coi chừng trúng viên đạn, nó... nổ ráng chịu à!

Người bệnh nhân già như có phần bớt mệt hơn khi được chuyện trò. Dầu vậy lời “cảnh báo” của bệnh nhân làm bác sĩ Tú có phần lo lắng. Ngộ nhỡ...                          

*

Khuôn viên Bệnh viện đa khoa có nhiều cây xà cừ cổ thụ đứng dọc theo những lối đi quanh năm tỏa bóng mát. Bệnh viện có 2 khoa nội: N1, lầu 1và N2, lầu 2 dành cho bệnh nhân thuộc đối tượng: cán bộ Trung cao.

Mỗi khoa có 10 phòng bệnh, đánh số thứ tự từ 1 đến 10. Phòng 1, 2, 3 đầu dãy dành cho những bệnh nhân nặng, còn lại từ phòng 4 đến 10 đa phần những bệnh nhân nhẹ, và an dưỡng. Phòng bệnh có hai cửa ra vào, một mở ra hành lang và một ra lan can phía trong. Từ lan can nhìn xuống khuôn viên, ghế đá và hàng cây xà cừ cổ thụ. Cửa phía hành lang thường đóng kín. Sự ồn ào là điều tuyệt đối cấm kỵ ở 2 khoa bệnh đặc biệt này.

Mỗi phòng hai giường bệnh, trang bị đầy đủ: điều hòa, quạt trần, tủ lạnh, ti vi màn hình phẳng. Có remode điều khiển ti vi nhưng máy điều hòa thì không. Có lẽ lo ngại những rắc rối phát sinh nên phía bệnh viện đã đề nghị nhà thầu ấn định chế độ công tắc, chỉ cần gạt lên, gạt xuống là bật, tắt để sử dụng. Chiếc bàn inox hình chữ nhật kê sát tường đủ rộng để bày thức ăn, sữa và các món linh tinh khác. Buồng vệ sinh ngay lối ra vào luôn sạch sẽ. Hộ lý thường xuyên dọn dẹp và mang rác ra khỏi phòng. Drap giường được thay vào mỗi sáng. Mọi thứ luôn gọn gàng, ngăn nắp trước giờ bác sĩ đến từng phòng để thăm khám.

Ngoài việc khám và điều trị nội trú không phải chi trả, những bệnh nhân ở khoa N1, N2 còn được chăm sóc cả chế độ ăn uống. Mỗi ngày 3 lượt sáng trưa chiều, nhân viên dinh dưỡng mang thức ăn đến tận bàn. Thực đơn phong phú và được thay đổi thường xuyên. Bệnh nhân không dùng những suất ăn, khi xuất viện sẽ được bệnh viện thanh toán tiền chế độ tương ứng với số ngày nằm viện.

Bệnh nhân tuổi cao niên ở hai khoa bệnh này đa phần đều khó tính. Trong đó có những bệnh nhân khó tính nhưng khá hài hước. Công tác ở 2 khoa bệnh này ngoài giỏi chuyên môn, các bác sĩ, điều dưỡng còn phải dày dặn kinh nghiệm và kỹ năng ứng biến để xử lý tình huống... ngoài chuyên môn! Không ít “ca” phải dở khóc dở cười từ những bệnh nhân tuổi cao niên đã khiến nhân viên y tế phải viết... kiểm điểm. “Làm việc ở khoa N1, N2 ở bệnh viện này là không thể lơ tơ mơ...”. Bác sĩ Tú thi thoảng nói vừa đùa mà cũng vừa thật với đồng nghiệp vậy!

*

Phòng trực bác sĩ khoa N2 phía đầu dãy, đối diện những phòng bệnh nhân nặng. Cửa sổ bên trong căn phòng nhìn ra mảng xanh những tán lá xà cừ. Tán lá đủ dày để ngăn những tia nắng muốn lẻn vào nhảy nhót cũng khó. Bác sĩ Tú hiếm khi bật điều hòa, và thường mở cửa sổ mỗi khi ở trong phòng. Anh thích không khí tự nhiên, mà cũng là để ngắm những chiếc lá hình bầu dục một cách trực diện thay cho cái mát nhân tạo và nhìn tán lá xanh qua lớp kính. Nhất là sau mỗi lần đặt bút ký vào tờ giấy “xuất viện” cho bệnh nhân không hẹn ngày tái khám bác sĩ Tú thường trở về căn phòng và mở tung cửa sổ. Một mình, nhìn ngắm những tán lá, chiêm nghiệm về sự rời khỏi cuộc sống, về sự hữu hạn của đời người. Đó là cách anh tự xoa dịu bản thân rằng “đã cố gắng hết sức...!”.

Lúc mới nhận công tác về khoa bệnh đặc biệt này, bác sĩ Tú từng có lần định xin chuyển công tác vì không chịu nổi áp lực. Chỉ từ sau hôm xảy ra sự vụ bệnh nhân tuổi cao niên làm cuộc “hành quân” lên hành chánh khoa tìm... bác sĩ Tú thì anh thay đổi ý định. Hôm đó điều dưỡng Lan đến phòng bệnh số 6 thay chai dịch truyền thì “đụng độ” vị bệnh nhân tuổi cao niên giữa hành lang. Dở mếu dở cười khi ông già trong tư thế: chân không dép, cổ lòng thòng sợi ống truyền dịch, tay dính kim băng, tay xách cây giá đỡ, bước cao bước thấp nhắm hành chánh khoa mà thẳng tiến...

Điều dưỡng Lan xanh xám mặt mày, nhẹ nhàng năn nỉ: “Bác ơi, bác làm ơn trở về phòng cho con thay chai dịch truyền khác cho bác nha!”. “Hông chịu! Bác sĩ Tú làm tao mới chịu. Để tao đi kiếm bác sĩ Tú...”. Oái ăm, điều dưỡng Lan vừa thò tay vào túi áo định móc điện thoại gọi bác sĩ Tú ra “hiện trường” giải cứu thì ngài giám đốc bệnh viện xuất hiện...

Thi thoảng, ngồi nhớ lại “tai nạn nghề nghiệp” của đồng nghiệp, bác sĩ Tú hay cười một mình. Điều dưỡng Lan thì coi đó là “bài học xương máu” mà cô cần phải rút kinh nghiệm để chăm sóc những bệnh nhân tuổi cao niên khó tính lẫn hài hước được tốt hơn. “Mấy bác bệnh nhân ở khoa bệnh này tính tình nhiều khi hồn nhiên thiệt... khó đỡ! Nhưng việc viết kiểm điểm hay bị kỷ luật so ra cũng chẳng thấm tháp gì...”, bác sĩ Tú đã “an ủi” đồng nghiệp khi cô trình bản kiểm điểm sau sự cố lần đó.

*

Phòng bệnh số 7, khoa N2.

Mất liên lạc từ ngày giải phóng, cuộc hội ngộ bất ngờ diễn ra trong... bệnh viện! Từng nằm vùng chống giặc chung một chiến hào, sau gần 40 năm lại chung một... phòng bệnh! Người bệnh nhân thương bệnh binh già mừng rỡ khi nhận ra người đồng đội cùng đơn vị năm xưa là bệnh nhân vừa chuyển đến:

- Trời ơi...! Tám Báu... Lâu quá không gặp. Bệnh sao mà vô đây?”.

Bệnh nhân có mái đầu bạc nhìn hai chiếc ghế gỗ con con dưới nền rồi nhìn người bệnh nhân thương phế binh ngỡ ngàng khi nhận ra hai chiếc ghế vừa là dép vừa là chân, thay cho đôi chân cụt đến tận đầu gối của người đồng đội:

- Úi trời...! Tư Khoa. Vô đây lâu chưa? Lúc này ở đâu? Khỏe hôn...?

- Khỏe thì vô đây chi... cha nội?

- Ờ! khà khà...! Ui chà, gặp đồng chí, tự nhiên nghe muốn hết bệnh...

Như những cuộc hội ngộ mà bác sĩ Tú từng chứng kiến. Sớm hôm đó, những hồi ức chiến tranh được tái hiện:

- Cứ mỗi lần ghé thăm di tích lịch sử cách mạng Bàu Bàng lại nhớ trận tập kích sáng ngày 12/11/1965...

Người bệnh nhân thương phế binh già xoa xoa hai mỏm cụt nơi đầu gối, trầm tư:

- Theo tài liệu thì trận tập kích của Sư đoàn 9 năm đó đã loại hơn 2.000 quân thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” khỏi vòng chiến đấu. Kẻ thù tổn thất nhiều mà ta cũng thương vong không ít. Hồi những năm 80, đi Chơn Thành, ghé Bàu Bàng tui nghe kể người dân dỡ đất trồng cao su, cày đến đâu bom mìn trồi lên đến đó, có cả... xương...!

- Nhớ cái đêm trước ngày giải phóng, bộ đội du kích 3 xã Tây Nam vây ép các đồn bót, các chốt đóng quân của tụi lính ở ngã ba Chú Lường, ngã tư Thùng Thơ, ngã tư Phú Thứ, kêu gọi đầu hàng, đám lính hoảng loạn bỏ chạy... Mà  nghĩ, mình chết hay họ chết cũng đau thương. Họ hay mình thì cũng là con người... chiến tranh giết chóc, tang thương...

Dòng hồi ức ngừng đột ngột khi điều dưỡng Lan đẩy xe thuốc vào phòng:

- Bác ơi, đến giờ tiêm thuốc. Bác nằm xuống con tiêm thuốc hen!

Người bệnh nhân tóc bạc hai tay chống mép giường, ngồi nhìn cô điều dưỡng hài hước:

- Tao thích ngồi vầy. Bây chích được thì chích, không thôi à...

- Bác ơi, chịu khó nằm xuống cho con tiêm đi mà...

- Bây giờ bày đặt giường giường chiếu chiếu chứ hồi trong rừng giường chiếu đâu mà nằm, vậy mà chích được ráo trọi hết đó.

Cửa phòng xịch mở. Bác sĩ Tú xuất hiện:

- Bác ơi, hồi đó chiến tranh vất vả thiếu thốn. Giờ hòa bình, có bệnh viện, có giường, thuốc men đầy đủ, bác cho tụi con chăm sóc bác nghen!

 “Cục diện” lập tức được thay đổi. Người bệnh nhân mái đầu bạc nằm xuống, nghiêng người đưa tay kéo trật lưng quần. Điều dưỡng Lan bước đến vừa định xoa bông sát trùng bỗng rụt tay. Một vết sẹo sâu hoắm bên dưới thắt lưng hiện ra khiến cô bối rối. Bác sĩ Tú nhìn thấy, nhanh nhẹn đề nghị:

- Để tôi.

Vừa xoa xoa sát trùng, bác sĩ Tú vừa trò chuyện:

- “Vết thương kỉ niệm” nè đúng không, bác? Mà vết thương này hồi trận nào vậy ha, bác?

Người bệnh nhân thương binh nhìn vết thương của người đồng đội cười khà khà:

- Bác sĩ hay thiệt...! Trận đó Mậu Thân năm 68. Đợt đó, pháo bắn, thằng chả đẩy tụi tui xuống hầm trước, đến lượt thằng chả mới vừa tọt được hai cái chân, còn ló cái mông thì bị miểng văng trúng... một phát kỉ niệm! Hồi y tá gắp miếng miểng, máu phún như vòi... khà... khà...!

Những “rắc rối” từ những bệnh nhân đặc biệt ở khoa N2 với bác sĩ Tú giờ đã là chuyện nhỏ. Người bác sĩ trẻ lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng ứng phó những... “ca khó” kiểu tương tự!

*

Hơn 10 năm, khoa N2 với bác sĩ Tú giờ đã như là nhà. Những bệnh nhân tuổi cao niên như ông bà, cha mẹ thay phiên vào, ra thời gian cứ thưa dần. Những cuộc hội ngộ, những lần tay bắt mặt mừng, những vòng ôm xiết chặt, hồi ức đau thương về những trận đánh từ những “nhân chứng lịch sử” thời gian cứ đầy thêm trong tâm trí người bác sĩ trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Mỗi sự rời đi là mỗi lời từ biệt cuộc sống còn đọng lại...

“Tạm biệt bác sĩ! Giờ tui chết cũng mãn nguyện vì được chết trong hòa bình. Có những đồng đội tui đến giờ vẫn chưa tìm được xác... Tôi sẽ gặp những người bạn chiến đấu năm xưa của mình”.

“Mấy chục năm chiến tranh, vào tù ra khám... đến cuối đời được chăm sóc sức khỏe như vầy là hạnh phúc lắm rồi bác sĩ! Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải rời khỏi cuộc sống mà bác sĩ...!”.

Những phút ngơi việc hiếm hoi trong ca trực, qua vách kính, từ hành chánh khoa, bác sĩ Tú hay lặng lẽ quan sát những bệnh nhân tuổi cao niên thiêm thiếp trên giường bệnh. Cảm thấy tự hào khi được chăm sóc những “bệnh nhân đặc biệt”! Nhìn họ anh lại nhớ ba mình, nhớ cái lần đầu tiên được ba chở về quê, mới đó đã hơn 30 năm: “Tàn tích là gì hả, ba?”.

Những tàn tích chiến tranh nơi làng quê Bến Cát theo thời gian đã xóa dần. Nhưng hình ảnh người cha đứng vái vọng vào thinh không - “Cái hố bom này hồi trước là cái nền nhà của nội con. Đêm đó, một trái B52 đáp xuống thẳng ngay mái nhà...” - luôn hằn trong tâm khảm người bác sĩ trẻ. Để giờ mỗi lần về, đứng nhìn nơi góc vườn, bác sĩ Tú lại ứa nước mắt khi nghĩ về nguồn cội! Ba anh, cũng từng là bệnh nhân ở khoa bệnh đặc biệt này, trong số những bệnh nhân đã “xuất viện” không hẹn ngày tái khám khi anh còn là sinh viên trường Y học ở thành phố.

Những đêm trực, ngồi nhìn đám lá tối sáng dưới ánh đèn vàng vọt ngoài cửa sổ người bác sĩ trẻ lại “nỗi niềm”. Mấy mươi năm chiến tranh đã để lại không biết bao nhiêu là tàn tích trên khắp dải đất hình chữ S. Đâu đó những tàn tích vẫn còn lưu dấu thành những bài học lịch sử cho thế hệ mai sau. Nhưng biết bao nhiêu “tàn tích” vẫn còn ẩn khuất trên thân thể những bệnh nhân tuổi cao niên ở những khoa bệnh Trung cao, trong những Bệnh viện đa khoa trên khắp cả nước, mà chiến tranh trôi qua đã gần nửa thế kỷ vẫn không thể xóa nhòa, vẫn in hằn thẳm sâu trong tiềm thức thành những “niềm đau chôn giấu” đến tận ngày thân xác hóa cát bụi quê hương!?

*

Bác sĩ Tú rời hành chánh khoa trở về phòng trực. Thói quen như mọi khi anh mở toang cửa sổ. Người bác sĩ trẻ vừa ký xong tờ giấy “xuất viện” không hẹn ngày tái khám cho người bệnh nhân tuổi cao niên mắc chứng COPD. “Tui để dành viên đạn trong người để chết đem theo làm kỉ niệm mà bác sĩ...”, lời người bệnh nhân già thoảng bên tai anh. Bác sĩ Tú chạnh lòng! Nếu không can thiệp chọc dò rút dịch, anh đã không thể biết có một “tàn tích” chiến tranh suốt mấy mươi năm vẫn còn ẩn khuất trong thân thể người bệnh “nhân chứng lịch sử” này!

Bác sĩ Tú cảm thấy cần được xoa dịu. Nghe như có mùi hương thoảng nhẹ vào căn phòng. Anh nhìn ra cửa sổ. Lẫn giữa những đám lá kép lông chim xanh ngắt là những chùm hoa li li nhàn nhạt vàng mơ. Bác sĩ Tú ngỡ ngàng! “Nỗi niềm” với những tán lá loài cây đại mộc không biết đã bao năm, nhưng lần đầu tiên anh mới nhìn thấy xà cừ nở hoa...

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm