- Văn chương thế giới
- Nadezhda Obukhova – Một tâm hồn Nga thuần khiết
Nadezhda Obukhova – Một tâm hồn Nga thuần khiết
Dường như vẻ đẹp trong giọng hát và con người Nadezhda Andreevna được sinh ra từ sự chân thành, ấm áp của con người và thiên nhiên Nga. Khi bà cất lên giọng hát thiên thần của mình, trái tim bà mở ra với tất cả mọi người.
Bức họa chân dung nữ nghệ sĩ opera Andreevna Obukhova của họa sĩ Nikolai Alexandrovich Benois.
Những ai đã ít nhất một lần nghe trực tiếp giọng hát của Nadezhda Obukhova và thấy bà trên sân khấu, đều không thể không nhận thấy sự ảnh hưởng tỏa ra từ giọng hát cho đến ngoại hình của bà. Không chỉ sở hữu giọng mezzo-soprano độc nhất, với âm vực rộng và những âm thanh mượt mà toát ra từ lồng ngực mà ở bà còn có được sự cuốn hút với một khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt đen sáng ngời. Việc được trực tiếp tham gia biểu diễn với Obukhova sẽ khiến người đối diện nảy sinh một cảm giác tôn kính, một điều chỉ có được ở những huyền thoại opera như Feodor Chaliapin hay Antonina Nezhdanova.
Những bài học đầu tiên
Nadezhda Andreyevna Obukhova sinh ngày 22/2/1886 tại Moscow trong một gia đình quý tộc. Cụ của cô bé là nhà thơ Yevgeny Baratynsky, một người bạn thân của Pushkin. Mẹ cô qua đời từ khi cô mới lên 2 tuổi vì bệnh lao. Cha cô bé là một quân nhân bận rộn nên từ nhỏ Nadezhda cùng chị gái Anna và anh trai Yuri chủ yếu sống với ông ngoại Adrian Mazaraki tại điền trang của ông ở tỉnh Tambov. Cô bé Nadezhda nhớ lại: “Ông tôi là một nghệ sĩ piano xuất sắc và tôi đã dành hàng giờ để nghe ông chơi Chopin và Beethoven”. Ông Marazaki, một người bạn thân của hai anh em nhà Rubinstein, chính là người đã dạy Nadezhda những bài học piano đầu tiên. Khi lên 12 tuổi, cô bé đã có thể chơi các bản Nocturne của Chopin cũng như hòa tấu chơi piano bốn tay các bản giao hưởng của Haydn và Mozart cùng ông mình.
Obukhova nhớ lại: “Cả anh trai và chị gái tôi đều hát rất hay. Ông tôi thường tập trung chúng tôi lại, đệm đàn và chúng tôi đồng ca những bài hát, xen kẽ với những bản nhạc piano của Beethoven, Schumann, Chopin và Tchaikovsky được ông chơi. Và vào lúc hoàng hôn, tôi thích đi ra ngoài dọc trên con đường quê và ngắm nhìn những cánh đồng trải dài xung quanh. Tôi được trải nghiệm một cảm giác thích thú đặc biệt, hít thở thật sâu mùi lúa mạch đen nở hoa, mùi đất đen quyện với hoa dại và các loại thảo mộc thơm ngát. Tôi đứng nhìn xa xăm về phía những đàn bò từ cánh đồng trở về, lúc mặt trời sắp tàn. Tôi đặc biệt thích nghe những bài dân ca. Bản thân tôi cũng muốn hòa mình vào những người người nông dân, được đàn, được hát cùng họ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã say đắm với những bài hát Nga buồn về thân phận vất vả của người phụ nữ. Và bây giờ trong tâm hồn tôi, tôi nghe thấy “Kalinushka”, được những người phụ nữ nông dân ca hát”.
Sau khi đã mất đi vợ và con gái, lo sợ những đứa cháu của mình cũng mắc bệnh lao, từ năm 1899, trong bảy mùa đông liên tiếp, ông Marazaki đã đưa hai chị em đi tránh rét ở Nice, Pháp, nơi gia đình ông có một điền trang ở đó còn Yuri thì ở lại Tambov. Tại đây, ba chị em được học tiếng Pháp, tiếng Ý, văn học và lịch sử với giáo sư Ozerov, một người bạn của Turgenev và Flaubert. Gia đình cũng thường xuyên đi xem kịch nói và opera, mà Nadezhda tỏ ra vô cùng ấn tượng với vở Carmen của Bizet, mà khoảng 30 năm nữa, chính cô sẽ xuất hiện trên sân khấu nhà hát Bolshoi trong “vở opera của các vở opera này” và chứng kiến huyền thoại Feodor Chaliapin trong chuyến lưu diễn đầu tiên của ông tại Monte Carlo, đêm diễn đã khiến tâm hồn Nedezhda rung động vô cùng mãnh liệt.
Ngay từ nhỏ, Nadezhda đã có mơ ước trở thành ca sĩ. Cô bé luôn yêu thích ca hát. Cô đã chia sẻ ý muốn này với ông ngoại của mình và nhận được sự ủng hộ của ông. Mùa đông năm 1901, Marazaki dẫn hai chị em đến nhà Eleanora Lipman, người được coi là giảng viên thanh nhạc xuất sắc nhất tại Nice, người từng là học trò của Pauline Viardot. Thời điểm đó Lipman chưa nhận ra giọng hát của Nadezhda là mezzo-soprano mà nghi ngờ rằng đó là soprano và cho biết quá trình học tập sẽ xác định rõ ràng hơn là giọng hát phát triển theo hướng nào, lên cao hay xuống thấp. Nadezhda khá buồn bực vì điều này. Cô khẳng định giọng hát của mình là mezzo-soprano, cô hát các âm trầm rất thoải mái. Nadezhda cũng ghen tị với chị gái mình vì Lipman nói rằng giọng hát của Anna là mezzo-soprano. Tuy nhiên, những bài học của Lipman rất bổ ích và mang lại cho lũ trẻ niềm vui thích. Bà đệm đàn và dạy cho hai chị em phải hát như thế nào. Như Obukhova sau này nhớ lại, cuối mỗi buổi học, Lipman luôn hát cho hai chị em nghe một số aria. Mặc dù giọng hát của bà không quá đẹp và khẩu hình xấu nhưng kỹ thuật và âm vực rộng của bà đã khiến lũ trẻ ngạc nhiên và thích thú dù chúng lúc đó chưa hiểu biết nhiều về nghệ thuật. Mặc dù vậy, việc học hát của Nadezhda hay bị gián đoạn vì cô hay bị viêm họng.
Sau khi ông Marazaki qua đời vào tháng 1/1906 tại Nice, hai chị em phải quay về Moscow. Chú của họ, baritone Sergei Obukhov lúc này đang hát và tham gia quản lý tại các nhà hát Imperial Theatre đã nhận thấy những phẩm chất hiếm có trong giọng hát của Obukhova và niềm đam mê của cháu mình đối với nhà hát. Chính ông đã hướng dẫn Nadezhda theo học tại nhạc viện Moscow. Cô đã thi đậu vào nhạc viện và may mắn được nhận vào lớp của Umberto Masetti, giảng viên thanh nhạc người Ý xuất sắc, từng là thầy giáo của Antonina Nezhdanova. Anna cũng theo học tại đây.
Lớp học của Masetti dường như đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Nadezhda. Masetti là một thầy giáo tận tâm với từng học sinh của mình, khơi gợi tiềm năng còn lẩn khuất của họ, đưa ra những lời khuyên hữu ích và giúp họ lắng nghe chính bản thân mình và tạo ra tiếng hát một cách tự nhiên nhất. Obukhova học tập một cách chăm chỉ và cần mẫn, quên ăn quên ngủ, dường như quên đi cả bản thân mình. Cô cũng thường xuyên là khán giả tại các buổi biểu diễn tại nhà hát Bolshoi và luôn ấp ủ ước mơ được cống hiến cho sân khấu opera đặc biệt này.
Năm 1908, chỉ một năm sau khi theo học với Masetti, do sức khỏe nên Obukhova đã phải tạm dừng và hai chị em đến miền Nam nước Ý để nghỉ dưỡng. Khí hậu ấm áp của xứ Naples và vùng biển Capri đã khiến tinh thần và thể chất của Obukhova được cải thiện đáng kể. Trong chuyến viếng thăm Grotta Azzurra, hang động nổi tiếng tại biển Capri với ánh sáng mặt trời chiếu qua tạo thành một màu xanh lam tuyệt đẹp, khi được người lái thuyền khuyến khích thử độ vang của hang động, hai chị em đã hát những ca khúc Neaples. Sau khi kết thúc, hang động rung chuyển vì những tràng vỗ tay và hò reo từ những thuyền khác vang lên bằng đủ mọi thứ tiếng. Obukhova cũng ghé thăm Venice và mua một chiếc khăn quàng màu đỏ sẫm, mà cô sẽ sử dụng sau đó trên sân khấu trong vở Carmen.
Nữ nghệ sĩ opera Andreevna Obukhova trên sân khấu.
Mở đầu một sự nghiệp rực rỡ
Sau khi trở về Moscow, các bài học với Masetti được nối lại. Obukhova bắt đầu tham gia các buổi hòa nhạc. Nhưng theo quy tắc khắt khe của nhạc viện lúc bấy giờ, các sinh viên không được sử dụng tên thật của mình khi biểu diễn, vì vậy Obukhova đã lấy nghệ danh là “Andreeva”. Tại một trong những buổi hòa nhạc như vậy, Nezhdanova đã đến để nghe Obukhova hát. Bà rất yêu thích giọng hát dịu dàng và tinh tế của cô gái trẻ. Nezhdanova đã trở thành bạn và người hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp. Trên thực tế, một sự nghiệp rực rỡ đã được định sẵn cho Obukhova khi cô vẫn còn ngồi trên ghế của nhạc viện. Một giọng hát với vẻ đẹp hiếm có, đầy tự nhiên và sự bảo trợ của chính Nezhdanova. Năm 1912, năm cuối tại nhạc viện, dưới nghệ danh Andreeva, Obukhova tham gia vào kỳ thi tuyển ca sĩ của nhà hát Mariinsky, Saint Petersburg, sân khấu opera danh giá nhất nước Nga lúc bấy giờ. Mặc dù trở thành một trong ba ca sĩ xuất sắc nhất nhưng Obukhova chỉ coi đó là một lần thử sức mình. Cô quay về Moscow và tốt nghiệp nhạc viện vào ngày 23/4/1912. Sau đó vào ngày 6/5/1912, Obukhova được chọn để hát biểu diễn tại phòng hòa nhạc của nhạc viện. Cô đã chọn aria Chimène trong vở opera Sid của Massenet. Nhà phê bình Yuri Sakhnovsky đã nhận xét: “Cô Obukhova trong lớp của giáo sư Masetti sở hữu một giọng hát đẹp tuyệt vời với khả năng làm chủ hoàn hảo, tràn đầy sự chân thành và ấm áp, dấu hiệu cho thấy chắc chắn đây sẽ là một tài năng sân khấu lớn”.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Obukhova chưa gia nhập vào một nhà hát opera nào mà đi biểu diễn hòa nhạc trên khắp nước Nga. Bên cạnh đó, cô cũng kết hôn với Pavel Arkhipov, người phụ trách lắp ráp sân khấu tại nhà hát Bolshoi, Moscow. Phải đến ngày 5/2/1916, Obukhova mới có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi cô hát Paulina trong vở Con đầm pích của Tchaikovsky tại Bolshoi. Obukhova nhớ lại: “Buổi biểu diễn đầu tiên! Kỷ niệm nào trong tâm hồn người nghệ sĩ có thể so sánh với kỷ niệm này? Tràn đầy hy vọng tươi sáng, tôi bước vào nhà hát Bolshoi, như một người bước vào ngôi nhà. Phần lớn cuộc đời tôi đã trôi qua tại đây, mọi niềm vui và sáng tạo của tôi đều gắn liền với nhà hát này”. Ngày 12/4/1916, Obukhova tiếp tục có vai diễn thứ hai trong sự nghiệp với Lyubava trong Sadko của Rimsky-Korsakov. Bạn diễn trong Sadko, tenor Nikolai Ozerov nhận xét: “Obukhova đã tạo nên hình ảnh đẹp hoàn chỉnh đáng kinh ngạc về người phụ nữ Nga yêu thương, thủy chung. Giọng hát mượt mà, âm sắc dịu êm, sức mạnh quyến rũ của cảm xúc luôn là đặc trưng trong các buổi biểu diễn của Obukhova”.
Đây chính là cách mà cô bắt đầu, hợp tác với nhiều ca sĩ, nhạc trưởng, đạo diễn xuất sắc nhất trên khắp nước Nga. Và rồi chính cô cũng trở thành một tên tuổi nổi tiếng như vậy. Obukhova đã hát khoảng 25 vai diễn trên sân khấu Bolshoi, và mỗi phần trong số chúng đều là một viên ngọc trai quý giá của nghệ thuật opera Nga. Ngay trong mùa diễn 1916-1917, Obukhova đã xuất hiện trong 12 vai diễn khác nhau tại nhà hát Bolshoi như Aida, Eugene Onegin, Samson và Delila, Cô dâu của Sa hoàng, Snow maiden…
Dù xuất hiện trong kỳ vai diễn nào Obukhova cũng để lại ấn tượng khó quên đối với khán giả. Với Martha (Khovanshchina, Mussorgsky), một trong những vai diễn yêu thích và là đỉnh cao nghệ thuật của bà, đã được thể hiện với ý chí kiên cường và tâm hồn đầy nhiệt huyết. Obukhova bộc lộ một cách sinh động sự cuồng tín tôn giáo của nhân vật nhưng đã nhường chỗ cho niềm đam mê và tình yêu rực lửa trước khi hy sinh bản thân mình vì hoàng tử Andrei. Bà đã biến vai Martha này thành một viên ngọc trang sức trên vương miện quyền lực của mình. Marina (Boris Godunov, Mussorgsky) Amneris (Aida, Verdi) đầy ghen tuông, Carmen phóng túng yêu tự do, Delilah (Samson và Delila, Saint-Saëns) ham muốn quyền lực và quỷ quyệt, tất cả sự đa dạng trong phong cách của những nhân vật này đều được Obukhova truyền tải các sắc thái cảm xúc tinh tế nhất, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và diễn xuất.
Nhà soạn nhạc yêu thích của Obukhova là Rismky-Korsakov. Các vở opera của ông, với sự phong phú và tinh tế trong dàn nhạc, rất gần gũi với âm nhạc dân gian tỏ ra đặc biệt phù hợp với chất giọng của Obukhova. Ngoài một Lyubava đôn hậu và thủy chung trong Sadko, Lyubasha trong “Cô dâu của Sa hoàng” cũng là một trong nhưng vai diễn gắn chặt với tên tuổi bà. Obukhova đã thể hiện tuyệt vời những biến đổi về mặt tâm lý của nhân vật, từ một cô gái bị cưỡng bức nhưng lại yêu chính người làm hại mình, bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, ghen tuông, trả thù tình địch và rồi chết trong tay người mình yêu thương. Còn với Spring beauty trong Snow maiden, thì đó là một hình ảnh rạng rỡ và thơ mộng. Obukhova đã chinh phục khán giả bằng giọng hát tỏa ra ánh nắng ấm áp và yêu đời. Tất cả những phần trình diễn của Obukhova đều được sưởi ấm bằng tính nhân văn sâu sắc và những cảm xúc sống động. Giọng hát, phương tiện biểu đạt nghệ thuật, là một dòng suối êm đềm và trong trẻo, sáng bừng trên toàn bộ âm vực, như một cây đàn piano lộng lẫy, không hề có bất kỳ sự căng thẳng nào, tạo ra một dải âm mượt như nhung với một âm sắc “Obukhova” độc đáo. Tất cả đều nhằm vào mục đích bộc lộ ý tưởng của tác phẩm, đặc điểm âm nhạc và tâm lý nhân vật.
Việc xuất thân quý tộc cũng không ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp biểu diễn của Obukhova. Bà đã nhanh chóng hòa mình và các hoạt động văn hóa của chính phủ mới. Ngày 2/11/1918, Obukhova cùng Nezhdanova, Leonid Sobinov và Vasily Petrov đã hát trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Đây được coi là sự liên mình của chính phủ với các đại diện của nền văn hóa tàn dư của chế độ Sa hoàng. Sau khi Liên Xô được thành lập, Obukhova đã giành được hầu hết những danh hiệu và giải thưởng danh giá nhất như Nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Lenin, giải thưởng Stalin và nhiều huân, huy chương khác. Bà cũng là ca sĩ hát trong buổi phát thanh đầu tiên của Liên Xô vào ngày 30/12/1922 với aria Paulina (Con đầm pích). Sau đó là buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên từ nhà hát Bolshoi với vở opera Cô dâu của Sa hoàng cùng Nezhdanova, Petrov và Leonid Speransky.
Giọng hát của tâm hồn Nga
Năm 1937, Obukhova có bản thu âm đầu tiên của mình với Con đầm pích. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cũng như nhiều ca sĩ khác, bà đã góp công sức của mình qua những bài hát, aria được phát trên sóng phát thanh. Giọng hát của Obukhova được ví như giọng hát của chính nước Nga yêu dấu, hiền hòa và kiên cường, đôn hậu và bất khuất đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính ngoài tiền tuyến. Rất nhiều những lá thư tâm huyết đã được gửi về để cảm ơn người ca sĩ tuyệt vời. Có bức thư viết: “Khi tôi nghe giọng bà trên radio, tôi luôn cảm thấy một sự tự hào về Đất Mẹ. Các bài hát, đặc biệt là những ca khúc xưa cũ mà chúng tôi nghĩ rằng bà đã không hát, mà là chính nước Nga trong chiếc áo dài thêu hoa, cúi mình trên chiếc nôi của một đứa trẻ.. với một tình yêu nghệ thuật vô bờ dành cho nó”. Và Obukhova, người được thừa hưởng một nền giáo dục quy củ và chuẩn mực đã cố gắng trả lời từng bức thư một.
Dù rằng vẫn đang ở đỉnh cao của sự nghiệp với giọng hát luôn căng tràn sự sống, Obukhova đã quyết định giã từ sân khấu opera để chuyển sang hát tại các phòng hòa nhạc. Và bà cũng tỏa sáng ở lĩnh vực này với một danh mục biểu diễn phong phú lên đến hơn 300 bài hát và ca khúc nghệ thuật của Nga và những nhà soạn nhạc phương Tây. Obukhova tạo ra một sự giao tiếp tinh thần tuyệt vời đối với khán giả, thể hiện một phong cách tinh tế và khả năng đặc biệt của sự biến đổi trong cảm xúc. Đó là sức mạnh của tài năng. Ở địa hạt những ca khúc nghệ thuật Nga, Obukhovakhông có đối thủ. Đứng dưới góc độ chuyên môn, Obukhova thường hay ứng tác trên sân khấu và sử dụng rubato quá linh hoạt, gây ảnh hưởng lớn đến người đệm đàn cho bà. Khi về già, giọng hát của bà dường như vẫn không có dấu hiệu suy giảm, vẫn toát ra sự thuần khiết và dịu dàng trong âm sắc đặc trưng của mình. Ngày 26/6/1961, Obukhova tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 11 năm ngày mất của Nezhdanova. Đây là buổi biểu diễn cuối cùng của bà. Sau đó Obukhova đi nghỉ tại Feodosia, Crimea, điểm đến quen thuộc của bà. Obukhova đã qua đời tại đây vì một cơn đau tim vào ngày 14/8/1961 ở tuổi 75. Một trong những giọng ca vĩ đại nhất của nền opera Liên Xô đã qua đời. Di hài Obukhova được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy, Moscow.
Heinrich Neuhaus đã nhận xét về giọng hát của Obukhova: “Nếu ai đã từng một lần nghe giọng hát của bà, sẽ không bao giờ quên được”. Sở hữu một giọng hát tuyệt vời, thật tiếc khi tài năng của bà khi đó chỉ giới hạn trong Liên Xô mà không được thế giới biết đến. Được giáo dục trong một môi trường quý tộc, Obukhova luôn có một thái độ nền nã và lịch sự trong giao tiếp. Bà không tiếp đón bất kỳ ai mà không có được sự chỉn chu về quần áo và diện mạo. Bà yêu thiên nhiên, sẵn sàng hòa mình vào đó và có lẽ chính vì vậy, giọng hát của bà luôn có được sự tự nhiên và giản dị và truyền thẳng tới trái tim người nghe những cảm xúc chân thật nhất.
Ngôi nhà trên phố Bryusov, khá gần nhạc viện Tchaikovsky (chính là nơi bà theo học trước kia) mà Obukhova sống từ năm 1936 cho đến khi qua đời được gắn một tầm bảng tưởng niệm. Để vinh danh Obukhova, tên của bà được đặt cho tiểu hành tinh số 9914 và một miệng núi lửa trên sao Kim. Obukhova đã qua đời nhưng giọng hát của bà vẫn còn đó. Khi chúng ta nghe những đĩa nhạc của bà, chúng ta vẫn cảm nhận được một giọng ca với vẻ đẹp không phai mờ theo thời gian, đánh thức được những cảm xúc thầm kín nhất trong tâm hồn.
Ngọc Tú (dịch)/Tia Sáng