- Chân dung & Phỏng vấn
- Người chiến binh mang tên dòng sông – Dòng chảy tâm hồn của người lính Châu La Việt
Người chiến binh mang tên dòng sông – Dòng chảy tâm hồn của người lính Châu La Việt
NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH
Tập thơ “Người chiến binh mang tên dòng sông” (Nhà xuất bản Văn học 2023) đến với tôi như một món quà bất ngờ vào đúng ngày mùng 2 tháng 9 rực rỡ nắng thu vàng. Trong không khí cả nước chào đón ngày Quốc khánh, heo may của mùa thu tràn ngập khắp phố phường, tôi có những niềm vui thơ ca được thưởng thức một tập thơ nhỏ, dung dị, thuần phác và vô cùng thú vị.
Tập thơ mang một cái tên khá lạ “Người chiến binh mang tên dòng sông” – ngay từ nhan đề đã tiết lộ cho chúng ta biết đề tài của cả tập thơ sẽ viết về những người lính trong chiến tranh, mảng đề tài thân thuộc của tác giả Châu La Việt. Ông là một nhà văn, nhà thơ tên tuổi, hằng quen thuộc trong dòng thơ trữ tình – chính trị từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ dài như một trường ca, mở đầu tập thơ tác giả dành tặng cho Đại tá Lê Hãn – người con trai đầu lòng của Cố tổng bí thư Lê Duẩn – cùng là một người anh, người đồng đội thân thiết ma Châu La Việt hết sức quý trọng.
Ba tập sách mới của Châu La Việt.
Tiếp theo là những bài thơ khi như khúc anh hùng ca, khi những những khúc hát ngọt ngào mang những rung động nội tâm sâu sắc trào ra trên từng con chữ, thấm đẫm trong đó hơi thở của thời đại, chất xù xì, thô ráp của đời lính và cả những dòng chảy ngọt ngào của một trái tim chân thành và yêu đến tận cùng, cứ chảy trôi xuyên suốt cả tập thơ. Đọc xong mỗi bài thơ, tôi đều dừng lại để nhấm nháp và thưởng thức chất thơ ngọt ngào và dịu dàng trong từng hình ảnh, từng dòng thơ, để rồi nhận ra chất thơ của Châu La Việt có một điều gì đó rất tương đồng với những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu - thần tượng thơ ca của Châu La Việt.
Có lẽ tính chính trị, tính thời sự và cả những rung cảm chân thành của cả hai thế hệ nhà thơ dành cho những người lính đi qua hai cuộc chiến tranh đều mang hồn dân tộc, mang giọng điệu của những người con miền Trung – vùng đất nhiều nắng gió, khô cằn mà thẳm sâu hương vị của mùi mồ hôi chát mặn, vị của giọt nước mắt đắng cay và hương thơm của tình người ấm áp.
Tôi rất ấn tượng với bài thơ mở đầu tập thơ – cũng là tên của tập thơ “Người chiến binh mang tên dòng sông”. Tác phẩm như một bản tiểu sử bằng thơ kể về thời ấu thơ của con trai cả của Tổng bí thư Lê Duẩn – người chiến sĩ mang tên của dòng sông quê hương – Thạch Hãn anh hùng. Cũng như nhiều đứa trẻ sinh ra trong thời chiến, cậu bé Lê Hãn lớn lên cùng những câu ru hời của mẹ mà không biết đến mặt cha.
À ơi
Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu
Mai đây bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa hạ
Biết mấy thu đợi chờ
Những dòng thơ xé lòng đưa người đọc chúng ta ngược dòng lịch sử, trở về thời xa xưa với một nỗi buồn thăm thẳm. Những tiếng ru ầu ơ của người mẹ trở đi trở lại trong bài thơ, như một mạch ngầm chảy mãi tình yêu thương. Qua tiếng ru của mẹ, con thấy cả một thế giới bao là mở ra trước mắt:
Mẹ ru con sông
Con sông êm chảy
Mẹ ru con cá
Con cá lội dòng
Mẹ ru cánh đồng
Cánh đồng lúa trổ
Mẹ ru cái lá
Lộc nảy xanh vườn
Mẹ ru ngọn gió
Gió thổi mát con
Cậu bé Lê Hãn đã lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, với tâm hồn được bồi đắp tình yêu quê hương thiết tha từ những hình ảnh của thiên nhiên đất trời quanh mình. Thể thơ bốn chữ nảy lên như một bài vè đồng dao thuở nhỏ để rồi thấm đẫm vào tâm hồn con đến suốt cuộc đời.
Nỗi đau của một cậu bé lớn lên không có cha: "Cha là ai, sao mình không có?” có lẽ là sự day dứt khôn nguôi trong lòng nhiều đứa trẻ thời chiến tranh. Câu hỏi được lặp đi lặp lại trong 4 khổ thơ tiếp theo – chứng tỏ đó là nỗi băn khoăn lớn nhất suốt tuổi ấu thơ của cậu bé Lê Hãn. Phải có một sự đồng điệu sâu sắc, nhà thơ Chân La Việt mới hiểu được những tâm tư bé nhỏ mà day dứt trong lòng của người con đến thế. Đến gần cuối bài thơ, hình ảnh người cha thân yêu của cậu bé Lê Hãn mới trở về trong vòng tay chào đón, yêu thương của gia đình và quê hương. Một phần cuộc đời của cố tổng bí thư Lê Duẩn đã hiện lên chân thực và rõ nét qua giọng kể chân thành, qua những câu thơ giản dị:
Cả quê hương làng trên xóm dưới
Lan truyền nhau: “Cha Hãn đã về”
Cả chú bác bà con thân thuộc
Cả dân làng kéo đến sẻ chia…
Cuộc đời người chiến sĩ cách mạng – không chỉ hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, mà sự hy sinh thầm lặng phần hạnh phúc bé nhỏ, riêng tư của gia đình cũng rất đáng trân trọng, ngợi ca. Những ngày tháng ngắn ngủi được sống bên cha, được cha dạy hát và truyền cho cậu bé Hãn một tình yêu lớn với Tổ quốc, một tình thần cách mạng cao cả với bài học đầu lòng là bài quốc tế ca “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian” có lẽ là nét đặc sắc và vĩ đại của tình cha con Lê Duẩn - Lê Hãn, mà phải ở một tầm vóc nào mới có được. Kết thúc bài thơ là một hình ảnh rất đẹp:
Con mang trái tim cha ra trận
Và ánh sáng của một vầng dương
Sự tiếp nối con đường của người cha vĩ đại - có lẽ là hành trình đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Con không chỉ mang trong tim tình yêu và sự kì vọng của cha, mà trái tim ấy đã soi tỏ con đường con đi phía trước, dẫn dắt con vượt qua những giông bão cuộc đời.
Nhà văn Châu La Việt bên dòng sông Thạch Hãn quê hương Bích La, Bích Khê, Triệu Phong, Quảng Trị.
Toàn bộ tập thơ, nhà thơ Châu La Việt dành tặng ba bài viết riêng về cố tổng bí thư Lê Duẩn – một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất của Việt Nam thế kỷ XX – cũng là người lãnh đạo và kiến trúc sư hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những quyết định của ông có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện cách mạng của dân tộc, đem lại những thắng lợi quan trọng dẫn đến thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh cứu nước của Việt Nam.
Ba tác phẩm: “Bài ca về bác Ba Lê Duẩn”; “Người chiến binh mang tên dòng sông” và “Bích La thôn” là tiếng lòng của nhà thơ Châu La Việt bày tỏ tình cảm sâu sắc, sự ngưỡng mộ lớn lao với đồng chí Tổng Bí thư – nhà lãnh đạo kiệt xuất, cũng là người mà theo tâm sự của Châu La Việt thì đây là một tình cảm truyền thống của gia đình của ông, từ người bà Hoàng Thị Ái từng hoạt động cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Phong Sắc trong một Xứ ủy Trung Kỳ năm xưa, đến mẹ ông là nghệ sỹ ưu tú Tân Nhân rất được các lãnh đạo như Bác Hồ, Bác Lê Duẩn ưu ái, và cũng hết ức yêu quý trọng các ông, và tình cảm ấy luôn thiêng liêng trong gia đình và truyền lại cho thế hệ cháu con
Ở nơi đây nắng lửa và gió lào
Nên Thạch Hãn nước xanh trong đến thế
Ở nơi đây những tháng năm nô lệ
Người trai lên đường theo tiếng gọi non sông.
Đọc những dòng thơ này khi đang ngồi giữa thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa của một mùa thu mang bóng dáng mùa thu cách mạng tháng 8 năm xưa, lòng tôi không khỏi dấy lên niềm xúc động khôn cùng. Tự hào về những Lãnh tụ, những người anh hùng của đất nước đã hy sinh cho nền hòa bình độc lập hôm nay, càng cảm động hơn khi vẫn còn có những nhà thơ vẫn miệt mài sáng tác để khắc ghi lại cho cuộc đời và những thế hệ mai sau những chân dung của những người anh hùng của dân tộc, của những người lính thời đại, để tên tuổi của chủ tịch Hồ Chí Minh, bác Ba Duẩn, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng những chiến sỹ cán bộ quân đội như Lê Nam, Dư Cao, bà Huỳnh Thị Hiệp 75 tuổi Đảng sẽ luôn được sống mãi trong lòng nhân dân và bạn đọc cả nước. Nói thật, lòng trong dòng văn học hôm nay ít người có tâm viết những đề tài này như Châu La Việt.
Cựu chiến binh, Nhà văn Đậu Thanh Sơn (Hội Nhà văn TPHCM) với tập thơ mới của Nhà văn Châu La Việt.
Thơ trữ tình – chính trị là một mảng thơ không hề dễ viết và không có nhiều nhà thơ dám dấn thân. Dễ gì thơ ca hôm nay tiếp nối được những cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng như nhà thơ Tố Hữu hay Chế Lan Viên. Họ là những đỉnh cao nhưng không đơn độc. Vì vẫn có những lớp nhà thơ sau tiếp nối, dù là không dễ dàng.
Nhà thơ Châu La Việt đã rất dũng cảm khi luôn thủy chung với mảng thơ “khó nhằn” này. Ông vẫn giữ một giọng điệu thơ riêng xuyên suốt toàn bộ tập thơ như hàng chục năm qua (Bài thơ đầ tiên của Châu La Việt được in trên trang đầu báo Văn nghệ: “Tuổi trẻ Trường sơn” năm 1968, năm ấy Châu La Việt 16 tuổi và bài thơ in trước ngày anh lên đường nhập ngũ.
NSND Quốc Hưng biểu diễn “Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn” (thơ Châu La Việt, nhạc Ngọc Khuê) trong chương trình nghệ thuật tương nhớ Tổng bí thư Lê Duẩn tai Nhà hát TPHCM 9/7/2023.
Từ ngày ấy và mãi về sau này, thơ Châu La Việt vẫn luôn có nét riêng và rung động lòng người bởi chất trữ tình lãng mạn hòa quyện với chất mạnh mẽ của hiện thực, chất lính xù xì hòa hợp với chất bay bổng của văn chương. Tập thơ nay vẫn mang phong cách ấy. Cả tập thơ là những câu chuyện kể về đời lính với những dấu ấn đẹp đẽ, tinh khôi, về cuộc đời của những người cộng sản kiên trung: Bác Ba Lê Duẩn, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh... hiện lên vừa thiêng liêng cao quý, vừa chân thực, gần gũi, vừa sáng ngời vẻ đẹp của những con người bất tử - đại diện cho ý chí, tinh thần của cả dân tộc Việt Nam.
Tôi hạnh phúc trong ngày thu độc lập của dân tộc – được thưởng thức một món ăn tinh thần đặc sắc, ấm áp tình người của một người con của mảnh đất Triệu Phong, Quảng trị - nhà thơ Châu La Việt.
Nguồn: https://arttimes.vn/van-tho/