- Chân dung & Phỏng vấn
- Người “Gom thương nhớ nhóm lên ngọn lửa”
Người “Gom thương nhớ nhóm lên ngọn lửa”
NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM
Lần đầu tiên ta gặp gỡ nhau là ở quán cà phê Zen của nhà văn Lê Mai Dung. Một buối sáng trong trẻo với tiết trời Đà Lạt se lạnh. Nhưng ta ngồi xa nhau quá…
Lần thứ hai gặp lại nhà thơ, cũng nơi xứ sở “thiên đường hoa” này. Một vòng tay ôm cho “nhớ thuở yêu người”. Vẫn nụ cười hiền như mang cả tấm lòng bao dung, độ lượng. Là tôi nghĩ thế về chị: Trúc Linh Lan, nhà thơ nữ có tiếng tăm của đất Cần Thơ.
Trúc và Liễu cùng họ cây quân tử. Tên cha mẹ khai sinh là Thạch Thị Liễu, nhưng tên chữ chị chọn để gắn với một đời thơ là Trúc Linh Lan. Không hiểu rõ ẩn ý về bút danh chị đã chọn cho mình. Nhưng cứ nghĩ, hình như nàng thơ mang đậm khí tiết thanh cao.
Nhà thơ Trúc Linh Lan
Chị tham gia nghiệp văn chương từ khi còn khá trẻ. Cái duyên, cái phận đẩy đưa, người bạn đời cũng là một nhà thơ. Tình duyên gãy gánh, người tiễn người đi về cõi vô cùng. Đau xé tâm cang. Thơ chị lại càng phát tiết, vì đã vận kiếp người mỏng manh, vì đã ngẫm cái lẽ vô thường… Dù hiện nay quản lý hội Văn nghệ Cần Thơ, nhưng chị vẫn sáng tác đều tay. Gia tài văn chương của chị có tiểu thuyết: Cuối đường tình yêu, Phượng tím. Cảm nhận văn chương chị viết để giới thiệu các tập thơ, các tác giả mà chị yêu mến cũng vừa xuất bản cách đây không lâu: Lời tự tình của những trái tim thao thức (NXBVHVN-2020). Chị cũng tự tình: “Tôi chỉ làm một người quá giang trên chuyến đò văn chương, không dám phê bình, không lý luận, chỉ xin được trân trọng cảm nhận và chia sẻ cùng tác giả những trăn trở yêu thương”. Thật khiêm nhường, dù chị viết phê bình khá sâu sắc, lắng hồn mình vào những con chữ của bè bạn văn chương.
Viết tiểu thuyết, rồi viết phê bình - cảm nhận, nhưng có lẽ, chị đa đoan nhiều với thơ, nổi bật với thơ. Thơ chị đa phần dịu dàng, với bao nỗi vui, nỗi buồn của “thiên hạ”, của chính mình và bộc lộ rất rõ thiên tính nữ. Tôi thích sự dịu dàng đằm thắm ấy. Này tập: Khắc khoải chiêm bao, Đêm trầm tích, Người đàn bà ngồi nhặt ký ức… Nhưng trong gia tài thơ của chị, tôi lại thích đọc và yêu bài thơ Uống rượu một mình
Sao nữ nhi lại uống rượu và lại uống rượu một mình? Uống rượu để giải sầu chăng? Hay chỉ là cái cớ để tình thơ cất cánh?
Hãy cùng nghe nàng thơ thổ lộ:
“Ta đứng trên sợi dây thời gian níu lại các mùa
Để lá thôi vàng, để heo may khe khẻ ngủ
Mùa đông gió không còn lạnh nữa
Ngọn nến buồn không nhỏ lệ tương tư”
Nỗi sầu tha nhân. Khi người thơ cảm thức về sự dịch chuyển của thời gian. Thời gian trôi đi có bao giờ trở lại. Như dòng sông đi mãi không về. Biết là thời gian hữu hạn, nhưng với “cái sự hữu hạn” ấy, chị lại tự đặt mình “đứng trên sợi dây thời gian”. Chênh vênh xiết bao. Chao đảo xiết bao. Nhưng là để “níu lại các mùa”. Tuy nói là níu lại các mùa, nhưng thật ra, chỉ là níu những điều mong ước. Là níu Thu cho lá thôi vàng, là níu Đông cho gió không lạnh nữa… để tất cả đều là những mùa vui.
Nghe thật thơ, nhưng cũng thật thương cảm chi lạ. Bởi chị còn gửi câu thơ này vào cuối đoạn: “ Ngọn nến buồn không nhỏ lệ tương tư”. Hình ảnh ám dụ của “ngọn nến buồn” khiến lòng ta không tránh khỏi bồi hồi, xao động. Và từ lời nguyện cầu “an yên hạnh phúc” cho tình yêu nam nữ, khổ thơ thứ hai đã chuyển sang một tình yêu cụ thể hơn: “yêu phận con người”.
“Ta đứng trên đỉnh vô ưu
Để không thấy phận người đầy định mệnh
Không còn ai chông chênh đơn lẻ
Không còn ai lỡ những chuyến tàu”.
Đỉnh vô ưu là đỉnh sầu nào? Vì sao nhà thơ lại muốn đứng trên đỉnh vô ưu mà nghe thời gian trôi và mong không thấy phận người đầy định mệnh?. Nghe sao đặc quánh nỗi niềm. Quyền năng của người cầm bút là có thể viết cho người, nhưng cũng có thể viết cho mình. Thương chị xót xa! Bởi có khi, chính chị đang chông chênh đơn lẻ, bởi chính chị đang lỡ một chuyến tàu hạnh phúc bên người! Nhịp điệu thơ cứ man mác, buồn như ý thơ! Như lòng chị!
Nhân vật trữ tình trong thơ xem chừng muốn vượt ra khỏi bầu trời chật hẹp để đứng trên đỉnh cao giải thoát, cầu mong cởi những trói buộc của phận người. Điệp từ, điệp ngữ thể hiện sự mong ước cứ liên tiếp xuất hiện trên trang thơ “ để lá thôi vàng, để heo may khe khẻ ngủ… để không thấy, không còn ai…”. Nhưng biết làm sao được. Mỗi người mỗi phận. Phận người thì nhỏ nhoi. Cuộc người qua đi, đời sẽ còn lại gì ngoài tình yêu ta dành cho nhau?
Ước mơ là thế! Cháy bỏng nỗi khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Cho mình và cả cho người. Khổ thơ thứ ba vang lên một giai điệu đẹp. Trái tim yêu thương kia đang xao động những ước mơ xanh.
“Ta tận dụng hết các sắc màu
Vẽ cho mọi người biếc xanh hi vọng
Một đóa hồng không phai cho xuân thiếu nữ
Một chàng trai tựa cửa
Ôm cây đàn dạo liên khúc tình si”
Thương lắm tấm lòng của một tha nhân đang lẻ loi một bóng. Nàng thơ muốn “tận dụng”, muốn gom hết xanh, đỏ, tím vàng, trắng, đen, nâu, non lá… cho đủ sắc độ đậm nhạt của đời, để thỏa ước mơ “vẽ cho mọi người biếc xanh hi vọng”.. Để hạnh phúc nở hoa trong ngôi nhà của họ. Ấm lòng!
Yêu biết bao nhiêu ước mơ xanh của chị. Đọc ý thơ này, lại nhớ, đến Thánh thi Đỗ Phủ nghèo khó, khi từ giã cõi đời, nằm trong một chiếc thuyền rách, thế mà vẫn đau đáu ước mơ cất một ngôi nhà chung cho tất cả mọi người nghèo khổ trên khắp thế gian… Như bài ca biếc xanh hy vọng, chị muốn tận dụng hết các sắc màu để vẽ niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người. Ý thơ biểu đạt tấm lòng nhân ái cao cả của người thơ.
Này là vẽ một đóa hồng không phai cho cô gái đương thì xuân sắc để cô mãi tuổi thanh xuân. Này là vẽ một chàng trai ôm đàn tựa cửa gãy khúc tình si. Những âm thanh ngọt ngào của khúc nhạc tình cứ như đang vẳng bên tai ta. Hình tượng thơ thật đẹp, Tuổi trẻ và sự lãng mạn trong tình yêu được nhìn qua lăng kính của một người thơ đa cảm với cuộc đời.
Trái tim đa cảm ấy đã ngân lên khẽ khàng mà da diết. Là mở cửa buồng tim dù đã phải đón nhận những cơn giông bão của cuộc đời. Là thao thức hằng hà đêm sâu từ khi tuổi xuân cho đến tuổi bạc đầu vì thương nhớ. Ai người thao thức? Là đục hay trong?
“Trái tim ơi hãy khẻ khàng mở cửa/ Dòng sông cuộc đời bão giông sóng dữ/ Bạc đầu chưa? Ai thao thức đục - trong? ”
Ánh trăng đơn chiếc như lòng người đơn chiếc. Trăng chênh chếch ngoài thềm, người nghiêng bóng bên song. Đêm lạnh mênh mông, người cũng lạnh mênh mông. Hình ảnh thơ thật đẹp và cũng thật buồn chất ngất.
“Trăng chếch bên thềm đêm lạnh mênh mông”
Nhưng trong không gian rợn ngợp ánh trăng cô lẻ, một bóng một hình, người thơ lại vẫn mơ “ước mơ xanh”: Chí có văn chương mới đem những cái vô hình biến thành cái hữu hình đầy ấn tượng như thế này đây:
“Gom gió bấc đan thành chăn đắp nửa
Gom thương nhớ nhóm lên ngọn lửa
Thêm ấm lòng khuya khoắt buổi trăng về” .
Đọc đoạn thơ này của Trúc Linh Lan, lại nhớ bài thơ Rét đầu mùa nhớ người đi biển của Chế Lan Viên: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/ Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể/ Nửa đắp cho mình ở phía không em”. Thật là khéo khi bày tỏ tình cảm nhớ thương da diết như thế. Với nhà thơ Chế Lan Viên là “Anh rét xa em”. Và, tấm chăn bỗng trở thành vật chứng cho sự nhớ nhung, vì anh và em đang “ ở hai đầu nỗi nhớ”.
Với nàng thơ Trúc Linh Lan, sự diễn tả tình cảm cách xa nằm chính trong ngôn ngữ thơ dung dị: “gom gió bấc đan thành chăn đắp nữa”. Hình ảnh “gom gió bấc đan thành chăn đắp nữa” thật thi vị và thật gợi! Mảnh chăn đắp nữa, còn nửa gửi cho ai?. Hay tình ta đơn lẻ nên chỉ cần đắp chăn nửa mảnh?. Hay chia sẻ nửa mảnh chăn cho những cuộc đời cơ nhỡ đắp cùng?.
Nỗi niềm yêu thương còn ấn tượng, thi vị hơn nữa qua hình ảnh”Gom thương nhớ nhóm lên ngọn lửa”.
Ngọn lửa nào được nhóm lên và bừng cháy? Là ngọn lửa ám dụ cho tình yêu thương, cho sự nhớ thương! Ngọn lửa ấy đã được nhen lên từ những cành thương, cành nhớ… thành bếp than hồng “Thêm ấm lòng khuya khoắt buổi trăng về”. Là buổi trăng về, là đêm trăng sáng. Cho ấm lòng những đêm khuya một bóng trong vằng vặc ánh trăng. Thật đời nhưng cũng thật là thơ.
Tôi cho đây là hai câu thơ hay nhất trong những vần thơ yêu người của chị: “Gom gió bấc đan thành chăn đắp nửa/ Gom thương nhớ nhóm lên ngọn lửa”. Có yêu thương nồng ấm lắm người thơ mới có thể viết nên những vần thơ da diết, trĩu nặng ân tình.
Đến với đời nhau, ta như đã lỡ hẹn thề từ những nghìn năm trước. Dằng đặc thời gian trôi đi như gội thêm nắng thêm mưa. Cảm ơn đời ta vẫn còn tiếng cười mỗi sáng mai thức dậy, tiếng cười ai đó thả vu vơ cho ta góp nhặt. “Xin cảm ơn đời một sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”…
Để cho thân áo mỏng ta lẽo đẽo theo hoài bay bạc một đời mộng mị với nàng thơ. Có chút gì liêu trai như sương khói? Có chút gì như thực thực - hư hư!
“Ta đã lở hẹn từ những nghìn năm trước
Góp tiếng cười ai đó thả vu vơ/
Ta lẽo đẽo hoài theo gót nàng thơ
Áo mỏng bay bạc một đời mộng mị
Buổi trăng về. Hoa Quỳnh bừng nở trắng muốt trời khuya”.
Nhưng sao lại đó là đóa quỳnh lở hẹn? Câu thơ thật gợi, giàu hình ảnh và cũng thật nữ tính. Dưới trăng, bung trắng muốt một bờ khuy hở! Độc đáo cho :cái bờ khuy hở”. “Là quỳnh thơm hay môi em thơm”? (Quỳnh hương - Trịnh Công Sơn). Là quỳnh đấy, nhưng cũng là em đấy. Phút mộng mơ ngắm quỳnh phơi áo trắng tựa như những nàng thiếu nữ đang chèo thuyền và múa khúc nghê thường… Trông đẹp biết bao!
“Quỳnh lở hẹn bung một bờ khuy hở
Phơi trắng trong say mỏi giấc tự tình”
Câu hỏi đã đặt ra từ đầu câu chuyện: Là nữ nhi sao uống rượu? Và lại uống rượu một mình? Thì đây, câu thơ kêt bài, người thơ đã viết: “Nâng chén rượu mừng trăng ta uống một mình.” Không hề chi. Chén rượu mừng ánh trăng ngà, chén rượu mừng ta vẫn thong dong yêu thương người, như yêu ta lòng lành nhân ái. Là nữ nhi, đôi khi ta cũng muốn độc ẩm dưới trăng. Có một nhà thơ nữ khác cũng đã từng uống rượu vì thơ như chị: “ Nào nâng chén, ta cùng uống cạn/. Chén phù hư, chén cô độc/ Đời trầm…” (Như một đời trầm - Nguyễn Thị Liên Tâm)
Bài thơ khép lại nỗi niềm thân phận của nhà thơ Trúc Linh Lan, nhưng lại mở ra một thông điệp xanh tươi về tình yêu thương:“Gom nhớ thương nhóm lên ngọn lửa”. Ngọn lửa của tình yêu con người, như suối nguồn từ bi không bao giờ vơi cạn. Cứ “cho đi”, cứ yêu thương người đi, rồi ta sẽ được “nhận” và được yêu thương. Bởi, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Xin cảm ơn cành trúc “sáng linh lan” của xứ Cần Thơ với bài thơ hay: Uống rượu một mình…
Nguồn Văn nghệ số 21/2022