- Bút ký - Tạp văn
- Người tái sinh thầm lặng ở đường dây số 6
Người tái sinh thầm lặng ở đường dây số 6
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
TỐNG PHƯỚC BẢO
Sự khép lại của dự án “Vắc-xin tinh thần”, chỉ là một bước ngoặt, bởi với An, đôi chân tròn này sẽ không mòn, trái tim này sẽ không mỏi, sẽ đi đến nhịp đập cuối cùng để thấy cuộc đời bình an tươi vàng sắc thắm như cái tên cha mẹ đã đặt cho anh: Đặng Hoàng An.
Ngày 5 -7- 2022, đường dây số 6 của Tổng đài 1022 thuộc dự án “Vắc-xin tinh thần” đóng lại, kết thúc 10 tháng dự án tham vấn tâm lý và hỗ trợ người dân TPHCM xử lý khủng hoảng tinh thần trong suốt mùa dịch Covid-19 vừa qua. Tất cả các tư vấn viên của đường dây số 6 từ nay đã không còn nghe tiếng điện thoại quen thuộc và màn hình hiện lên hai chữ “Thân chủ”, hoàn thành một chặng đường đồng hành trong thầm lặng với TPHCM trong cuộc chiến chống dịch.
Chàng thạc sĩ chân tròn chống dịch bằng giọng nói
Là lực lượng phía sau, âm thầm và hầu như chẳng ai biết, thậm chí ngay cả “Thân chủ” cũng không được biết rõ chuyên viên tâm lý của đường dây số 6 là ai, tuy nhiên với các “chiến sĩ thầm lặng” này, niềm vui nhìn thành phố bình an hồi sinh sau dịch, nhìn những nụ cười tươi vui của người dân và trên hết là sự cân bằng tâm lý của “Thân chủ” họ, đó chính là niềm mong mỏi ngay từ đầu họ tham gia dự án.
Đặng Hoàng An là cựu giảng viên Khoa tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, sinh năm 1991, chàng trai trẻ quê gốc Long An, nhưng nặng nợ với mảnh đất TPHCM này, nơi đã cưu mang anh từ những ngày đầu ngơ ngác trọ học. Xóm nhỏ Sài Gòn đã neo vào lòng anh những nghĩa tình nặng sâu, những bữa cơm miễn phí nơi quán nhỏ đầu hẻm cho chàng sinh viên nghèo; những gói ghém chút đỉnh tiền của người lao động bình dân nhét vào tay chàng trai nghèo khi anh đứng giữa lằn ranh sinh tử… Bởi thế, khi TPHCM bắt đầu nóng lên vì dịch, từ quê nhà chàng trai trẻ đang phải đối diện với bệnh tật vẫn hăng hái tham gia dự án “Vắc-xin tinh thần”, như một lời đáp tạ với TPHCM.
Hằng ngày anh trực đường dây số 6 của Tổng đài 1022 từ 12 giờ đến 18 giờ, chưa kể những thời điểm họp online chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên viên tâm lý trong đội, những buổi tập huấn chuyên môn từ đơn vị điều hành dự án. Một ngày với chàng trai vừa thoát cửa tử, sức khỏe đang còn yếu, vẫn luôn là một ngày tràn trề năng lượng tích cực, bởi anh biết luôn có người cần mình sau mỗi tiếng chuông reo từ điện thoại.
Nhắc lại khoảng thời điểm tham gia dự án, chàng thạc sĩ trẻ luôn đau đáu những tổn thương tâm lý mà người dân phải gánh chịu, dẫu từ trong tâm dịch, hay hậu dịch. Một buổi chiều ngày 9-11-2021, gần cuối giờ trực của An thì chuông điện thoại lại reo vang, anh P.T.H ở TP Thủ Đức gọi điện đến tổng đài với giọng nói bên đầu dây có sự hồi hộp, lo lắng. Anh là giám đốc một công ty nhỏ, ba mẹ anh ở quê đã 80 tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh nền. Khi thành phố mở cửa trở lại, anh đón ba mẹ vào TP HCM khám chữa bệnh. Kết quả sàng lọc nhanh phát hiện ba anh dương tính với Covid-19. Ông cụ được bệnh viện giữ lại điều trị. Sau đó mấy hôm, mẹ anh cũng bị phát hiện dương tính. Bà mong muốn tự chữa trị ở nhà vì bà muốn có chết cũng chết ở nhà để được nhìn mặt con cháu chứ vào bệnh viện sợ rằng một đi không trở lại. Anh rất phân vân kèm theo bất lực và có chút hối hận vì đón ba mẹ vào TPHCM khám chữa bệnh. Anh nói trong sự ngậm ngùi. Anh luôn trách và dằn vặt bản thân mình vì đón ba mẹ vào đây để nhiễm bệnh. Lắng nghe câu chuyện của anh, An rất đồng cảm. Mặc dù thời điểm đó TPHCM cơ bản đã khống chế dịch, nhưng người dân vẫn chưa hết ám ảnh về sự bất trắc khôn lường của cơn bệnh.
An đã trấn an tinh thần, phân tích để anh H. thấy rằng việc nhiễm bệnh vẫn chưa rõ nguyên nhân là nhiễm từ khi vào TPHCM hay đã nhiễm trước đó ở quê. Hạ màn tư vấn hơn 30 phút, người “Thân chủ” đó đã chịu nhìn thẳng vấn đề, biết chấp nhận thực tế, anh cũng nhẹ lòng hơn khi nhận ra được rằng lúc ấy liều thuốc quan trọng nhất là vắcxin tinh thần. Anh chuyển từ trạng thái tự trách sang tự động viên chính mình và động viên ba mẹ. Anh cũng chia sẻ rằng anh đã chuẩn bị tinh thần đón nhận điều tồi tệ nhất.
Giúp người được tư vấn lạc quan bước tiếp
Đi dạy, truyền cảm hứng cho sinh viên
Hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên
Đường dây số 6 xử lý khủng hoảng tinh thần, nhưng đã có những lúc, chính từ cuộc gọi của người dân mà các chuyên gia tư vấn tâm lý phải xử lý luôn các câu chuyện thương tâm về hoàn cảnh sống của người dân ngay đỉnh dịch. Sự thiếu thốn nhu yếu phẩm, cảm giác bất an lo lắng, khiến người dân liên tục “dội bom” điện thoại vào tổng đài 1022, ngay cả nhấn vào đường dây không phải chuyên môn chỉ để kêu cứu. Đó là lần kêu cứu của chị N.T.M.T., công nhân bị mắc kẹt ở TPHCM, cần hỗ trợ về thực phẩm. Người phụ nữ ấy rời quê vào TP HCM đi làm để gửi tiền về cho con ăn học, được mấy năm rồi. Chị trọ ở huyện Nhà Bè và khi dịch đến chị bị mắc kẹt không về quê được. Chị gọi điện đến tổng đài:“Nhà chị còn gạo với mì gói, chị không xin gạo với mì đâu. Gạo với mì hãy dành lại cho người khác, chị gọi đến tổng đài xin hỗ trợ cho chị ít rau và vài quả trứng để chị cải thiện bữa ăn chứ ăn cơm với nước tương hoài chị chịu hết nổi rồi”. Mặc dù nhánh số 6 của An phụ trách là hỗ trợ về tâm lý nhưng khi nghe lời kêu gọi sự giúp đỡ trong sự khẩn thiết, An vẫn tiếp nhận và hướng dẫn chị chuyển nhánh hỗ trợ an sinh xã hội. Một cuộc gọi chưa đầy năm phút nhưng với nhiều cung bậc cảm xúc.
Chàng thạc sĩ tâm lý vẫn luôn cười hiền khi nhắc về khoảng thời gian 10 tháng gắn bó với việc này. Dẫu đôi lúc mệt nhoài, nhưng An vẫn tin đâu đó phía đầu dây bên kia, sự chữa lành bằng tâm lý sẽ giúp cho cơn đại dịch trong lòng người dân sẽ nguôi ngoai phần nào. Sự ám ảnh tâm lý luôn là thứ khiến người ta gục ngã trước, đôi khi là sớm hơn sự tấn công của virus. Có một lần An tiếp nhận cuộc gọi thì bên kia đầu dây với giọng trầm buồn chia sẻ là hiện tại tâm lý đang xuống dốc vì bạn ấy đã mất cha vĩnh viễn do Covid. Bạn ấy cũng là tình nguyện viên đi hỗ trợ phòng chống dịch nhưng khi nghe tin ba nhiễm Covid, bạn không thể làm gì hơn ngoài động viên tinh thần từ xa cho ba. Tối hôm đó bạn ấy còn trấn an ba, ba cũng động viên để bạn ấy yên tâm đi hỗ trợ phòng chống dịch. Nhưng hôm sau sức khỏe ba chuyển biến xấu và sau đó bạn ấy nhận tin dữ rằng cha đã mất. Bạn ấy không nghĩ rằng cuộc nói chuyện đó là lần cuối cùng được nghe giọng của cha mình. Mặc dù khi đó TPHCM đã mở cửa trở lại nhưng nỗi đau mất người thân vẫn đeo mang, quấn lấy bạn trẻ đó mỗi đêm. Bạn ấy nhớ đến những chi tiết khi còn ba bên cạnh, cảm thấy dằn vặt tự trách bản thân mình. Hơn 30 phút tâm sự, chia sẻ, và vận dụng nhiều phương cách để người bạn tình nguyện viên trẻ ấy lấy lại sự cân bằng cuộc sống. Hạn màn tư vấn xuống, may thay người bạn trẻ ấy nhận ra được việc ra đi của ba không phải thuộc về lỗi của mình. Bạn ấy cũng nhận ra rằng mình cần lạc quan sống phải mạnh mẽ và bước tiếp để ba của bạn tự hào về bạn.
Sau mỗi lần tư vấn, cảm nhận được tinh thần của thân chủ được ổn định hơn, An càng thấy quyết định đăng ký tư vấn viên là một quyết định sáng suốt nhất. Thầm lặng đồng hành với mọi người nhưng có lẽ chính những “Thân chủ” của chàng tư vấn viên này cũng không biết, An đã từng gục ngã và tái sinh để sống một cuộc đời thanh thản bình yên. Đó là một quãng đời đầy giông bão.
Sẽ đi đến khi tim đập nhịp cuối cùng
Trưởng thành từ công tác Đoàn, chàng thạc sĩ trẻ luôn mang trong mình hoài bão lớn, thế nhưng khi đang giảng dạy tại Khoa tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm TPHCM thì cơn bạo bệnh ập tới. Ngày bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trả An về với gia đình với lời xin lỗi không thể làm gì hơn nữa cho An, An sụp đổ, khoảng trời trước mắt như mây đen che kín. Trên chiếc xe lăn thay thế đôi chân, An nấn ná ngoái nhìn mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đã dung dưỡng khoảng đời thanh xuân của mình mà nước mắt rơi. Trong trái tim chàng trai trẻ này, TPHCM là quê hương thứ hai của mình. Thế nên sự rời xa nơi này như vết cứa sắc lẹm bén ngót lòng An. Trong khoảng thời gian đó, nội tâm An đầy xáo trộn, An gào thét, An vùng vẫy và có lúc muốn tìm đến cái chết để giải tỏa những đớn đau đắng cay đã tàn nhẫn phủ xuống đời mình. Nhiều đêm dài dày vò trong tâm tưởng vẫn không có lối đi về. An trượt dài một cách vô định, không biết điểm dừng và bắt đầu sợ sự trần trụi của đời…
Tặng xe lăn cho người khuyết tật
Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong chớp mắt. An sợ cha mẹ chứng kiến An nằm quằn quại giữ lấy hơi thở mỏng manh, sợ một dấu chấm hết chưa tròn cho cuộc đời đương lưng chừng 30. An nhớ lại cái ngày định mệnh An đối diện với cái chết, cha tận lực dùng sức tìm nhịp tim cho An, còn mẹ khóc thét van xin “Ông Trời ơi! Xin đừng cướp lấy con tôi!” trong khi An nằm lịm dần không lời trối trăn.
Thế nên, may mắn đi từ cửa tử trở về, An mới biết mình khát sống bao nhiêu, An trân quý lần tái sinh này. Từ nằm dần mòn trên giường bệnh, An đã chịu hướng mắt nhìn ra, khi thấy bầu trời xanh có những đôi chim sẻ đang ríu rít chuyện trò, những trắc bách, bụi sử quân tử đang tươi xanh nhựa sống kề cửa sổ. Giật mình vì sự sống vẫn đang tiếp diễn và lòng An nẩy nở trở lại những mầm non mới. An đã lựa chọn chấp nhận sống cùng với một thực tế, đó là khoảnh khắc An mượn bánh xe kim khí thay cho đôi chân để lăn tròn theo dòng thời gian. Hóa ra, cái chênh vênh nào thì cũng trót vương vãi lại ít nhiều trong lòng về sự quyết tâm không từ bỏ mọi cố gắng. Những lúc dự cảm tâm trạng có phần đi xuống, An lại nhớ đến lời của Paven trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. Từ đó, An quyết liệt hơn, quyết tâm sống tích cực, lạc quan để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa.
Thầm lặng cống hiến, nên khi trải lòng về câu chuyện mình, An khẽ khàng, chẳng muốn tiết lộ gì nhiều. Sự khép lại của dự án “Vắc-xin tinh thần”, chỉ là một bước ngoặt, bởi với An, đôi chân tròn này sẽ không mòn, trái tim này sẽ không mỏi, sẽ đi đến nhịp đập cuối cùng để thấy cuộc đời bình an tươi vàng sắc thắm như cái tên cha mẹ đã đặt cho anh: Đặng Hoàng An.
Ngay trong mùa dịch An đã vận động nhiều nhu yếu phẩm như gạo, mì, sữa, khẩu trang để trao tặng đến người có hoàn cảnh đặc biệt thiếu khó. Gần đây, chàng thạc sĩ trẻ này đã tham gia chương trình “Hát cho ngày mai” trên Đài Truyền hình TPHCM và may mắn gây quỹ được 20 chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Hiện tại trên trang mạng cá nhân, An vẫn luôn chia sẻ nhiều câu chuyện tâm lý giúp người dân bình ổn tâm lý sau dịch. Với những trường hợp cần thiết, An sẵn sàng trò chuyện riêng để hỗ trợ người dân giữ vững tâm lý và chữa lành những vết thương tâm hồn trong mùa Covid vừa qua.