TIN TỨC

Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-09-14 23:35:32
mail facebook google pos stwis
657 lượt xem

Phùng Văn Khai

Tôi đọc một mạch cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xong mà cứ bâng khuâng mãi. Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Cuộc sống của chúng ta có được hôm nay chính là từ sự đóng góp vô cùng to lớn của biết bao máu xương, trí tuệ, có cả những thiệt thòi oan khuất của thế hệ cha anh đã đổ ra, gánh chịu trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Người đã khuất thật nhiều. Người còn sống, những nhân chứng sống trong chiến tranh dần thưa vắng. Có người ra đi thanh thản. Nhưng không ít người còn nhiều trăn trở, gửi gắm cho thế hệ tương lai. Đọc xong cuốn sách thấy lòng thanh thản, thấy trưởng thành hơn, được bồi đắp những thiếu khuyết để sống trung thực hơn, bao dung độ lượng hơn.

Người thầy viết về Thiếu tướng tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Ông cùng với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo… đã tạo nên những dấu mốc quan trọng của ngành tình báo Việt Nam. Cái hay nhất ở cuốn sách không phải là mô tả những chiến công, xác định vị thế từng dấu mốc lịch sử, mà là viết về con người với chiều sâu nội tâm của nó, vẻ đẹp của trí thức, vẻ đẹp của kẻ sĩ, vẻ đẹp của con người kiên trung, sâu sắc, hi sinh cái riêng đến tận cùng, chung tay góp sức cho ngày toàn thắng mà không đòi hỏi bất cứ cái gì cho riêng mình, tận tới khi nhắm mắt.

Người trò - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã rất may mắn khi được người thầy - nhà tình báo chiến lược xuất sắc Ba Quốc đào luyện. Cái cách rèn người của ông Ba Quốc thật khác thường. Người trò học nghề cũng rất phi thường. Có lúc rất nao lung. Nhiều khi rất ngặt nghèo vì liên quan tới sống - chết, mất - còn. Vậy mà người thầy ấy, trái núi sừng sững ấy đã bằng toàn bộ cuộc đời mình, trao truyền trí tuệ và niềm tin, khát vọng và lẽ sống, và nhất là tất thảy đều hướng về Tổ quốc, hướng đến nhân dân.

Tác giả đã viết vô cùng trung thực. Chỉ có người trong cuộc mới viết ra được những dòng văn ấy, tình cảm chân thật ấy. Ở chỗ này, với văn học, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một đóng góp quan trọng ở thể loại hồi ức, cao hơn cả hồi ức, đó chính là những trang viết xuất sắc về hình ảnh người chiến sĩ của chúng ta, hình tượng cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Chúng tôi đã từng trò chuyện, trao đổi, phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đã đọc nhiều bài viết của ông. Đã nghe các chương trình ông đối thoại trên truyền hình, những phát biểu tâm huyết của ông và luôn tin rằng tố chất văn học luôn đậm đặc trong con người Nguyễn Chí Vịnh. Đến khi Người thầy ra mắt bạn đọc, những suy nghĩ từ trước càng trở lên đúng đắn, có sức nặng hơn.

Tôi là người biên tập và in cuốn sách Tình báo không phải là nghề của tôi của nhà văn Khuất Quang Thụy và vô cùng sửng sốt trước nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Những chiến công thầm lặng còn con người thì càng lặng lẽ âm thầm, không muốn một dòng nào nói đến mình, nhắc đến thành tích cá nhân. Cuốn sách là một nỗi ám ảnh lớn với nhiều người về một nghề hết sức đặc biệt - nghề tình báo. Và dường như, nghề tình báo là điều gì đó quá bí ẩn, quá hiểm nguy, đến nỗi không ít người chờn chợn, e sợ nó.

Tôi cũng được biết, khi các nhà văn được giới thiệu tới gặp ông Ba Quốc để viết về ngành tình báo, ông đã chọn Khuất Quang Thụy chứ không phải ai khác. Khuất Quang Thụy không chỉ là một lính chiến lầm lì mà viết văn cũng vô cùng lì lợm, chuyên cần như máy ủi.

Nhưng phải đến Người thầy thì mới là mảnh ghép hoàn hảo nhất của nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc theo cách nói dân dã của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là “điền vào chỗ trống”. Tác giả đã tinh tế và chuẩn mực khi chọn cách thể hiện Người thầy. Người thầy chính là một cuộc song hành của hai chân dung đặc sắc, đặc biệt, đặc thù, có một không hai. Với văn học, một trong những yếu tố làm nên thành tựu của nó phải là sự độc đáo, độc nhất vô nhị. Không thể nào có hai Nguyễn Du, hai Truyện Kiều. Như thế sẽ không còn là văn chương nghệ thuật.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn quân đội

Người thầy không chỉ là toàn bộ cuộc đời ông Ba Quốc đã hiện hình một cách đặc sắc, kể cả những khúc quanh, bước ngoặt cam go nhất, mà thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của người trò cũng đã hiện ra một cách trung thực, toàn diện, nhất quán. Xưa nay, còn có người chưa hiểu hết về tác giả, nhất là vẻ đẹp trí thức của ông, thì nay, qua Người thầy, chắc chắn nhiều người sẽ hiểu, cảm thông và yêu mến ông. Đã viết được trung thực, khách quan, sâu sắc và văn chương đến thế, tất phải là một bậc người hiền. Cái chất Hiền tài là nguyên khí quốc gia ở hai thầy trò Ba Quốc - Nguyễn Chí Vịnh đã nổi lên, ăn sâu bám rễ trong tâm thức, trái tim người đọc không bởi những gì to tát, mà bằng vào chất người trong hai con người. Cái cách hi sinh toàn bộ cuộc đời mình, gia đình mình, hạnh phúc riêng tư vì Tổ quốc của ông Ba Quốc thật khác thường, thì cái cách rèn luyện, chiến đấu, học tập, trưởng thành của Nguyễn Chí Vịnh cũng hết sức đặc biệt. Ở hai thầy trò, nổi hằn lên là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Các ông luôn suy nghĩ không ngừng, đào thật sâu, suy thật rộng, nhìn thật xa, tất cả đều vì Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc của ông Ba Quốc là có một không hai. Ở địa hạt tình báo luôn không chỉ phải giáp mặt với hiểm nguy rình rập tới tính mạng, mà còn phải chống chọi với cám dỗ xa hoa vật chất, tiền, tình… hết sức phức tạp đã quật đổ nhiều người.

Người thầy hấp dẫn nhất là những trang viết về đời tư của ông Ba Quốc, một đời tư vô số sóng ngầm với vô vàn cung bậc khổ đau và hạnh phúc. Không ai khổ như ông mà cũng không ai hạnh phúc như ông. Cái cách tác giả mô tả những cuộc tình duyên của người thầy trung thực mà như không có thật. Có lẽ nghề tình báo là phải như vậy chăng? Rất lạ lùng là nhiều người con gái xinh đẹp yêu và sống với ông Ba Quốc đều đặc biệt. Cả cuộc đời họ là cống hiến cho Tổ quốc chứ không riêng dâng hiến cho ông Ba Quốc. Mỗi người phụ nữ vừa làm mát trái tim ông vừa như khoan những lỗ khoan sâu hoắm vào trái tim ông. Ai cũng bằng xương bằng thịt. Càng những người như ông Ba Quốc càng dễ tổn thương. Bởi ông luôn phải đơn độc chiến đấu một mình.

Người thầy mở ra nhiều thông điệp đằng sau những trang viết xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương. Có lẽ tác giả với người thầy của mình phải có cơ duyên đặc biệt lắm mới càng về sau càng trở thành tri âm, tri kỷ.

Không dừng ở biên độ độc nhất một người thầy. Tác giả thông qua cuộc đời chiến đấu, học tập, rèn luyện của mình đã được tiếp xúc, học hỏi từ nhiều người thầy khả kính. Họ đều là những huyền thoại trong ngành tình báo, nhất là lĩnh vực tình báo quốc phòng. Đó là các bậc thầy lớn: Hai Trung - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn; Sáu Trí - Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm… với cá tính và tài năng riêng biệt nhưng đều chân thành trao truyền, chỉ bảo những điều cốt yếu không chỉ trong nghề nghiệp, mà họ còn là tấm gương mẫu mực trong đời sống.

Nói tới cái riêng tư để hướng tới cái chung dài rộng, phục vụ cách mạng và Tổ quốc bằng tất cả tài hoa và trí tuệ của mình, sẵn sàng gạt đi những đớn đau, thua thiệt. Bởi vậy, tác giả đã dành tâm huyết để nói nên những điều tâm huyết của ngành tình báo: “Cuốn sách này không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc, mà nói về những trăn trở, hi sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò… Những bài học về nghề, về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành”.

Xin được kết bài viết này bằng câu nói như tổng kết cuộc đời của nhà tình báo huyền thoại Ba Quốc - Đặng Trần Đức của người học trò cũng là sản phẩm ưng ý nhất của ông: “Tôi nhớ câu nói cuối cùng của ông Ba trong cuốn sách Tình báo không phải là nghề của tôi. Đối với ông, có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hi sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc”.

Trang sách gấp lại rồi sao cứ mãi bâng khuâng.

Hôm nay (14-9-2023), khi nghe tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần, tôi gửi bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ Anh!

P.V.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm