TIN TỨC

Nguyễn Vỹ không muốn gánh kho vàng mơ mộng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-12-25 15:11:18
mail facebook google pos stwis
529 lượt xem

Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971) với tôi như một hiện tượng nóng bỏng tâm trạng thế sự. Ông là một nghệ sĩ cuối cùng luôn gieo vần khó ở chân câu.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn, năm 1965.

Bên cạnh những dòng thơ say đến chát chúa mang tên Nguyễn Vỹ tôi lại hình dung ông như một chiến binh hai tay hai súng cưỡi ngựa hí vang trời. Ông luôn hát bài ca của mình giữa cuộc đời đầy gai góc, đòi lại sự công bằng và tình yêu thương cho con người.

Ngạo nghễ bất chấp tù đày

Không mấy ai làm báo đến liều mạng như Nguyễn Vỹ. Ông lập báo riêng với những cái tên như Tổ Quốc, Dân Chủ, Dân Ta, Bông Lúa, Thằng Bờm trước mũi súng của thực dân Pháp và giặc Nhật. Ngay từ năm đầu lập báo Le Cygne (Bạch Nga) vào năm 1937, Nguyễn Vỹ đã bị chính quyền Pháp bắt và kết tội chỉ vì đã viết loạt bài phê phán đường lối cai trị của thực dân Pháp. Không những tờ báo vì cấm vĩnh viễn mà chủ bút Nguyễn Vỹ còn bị phạt 3.000 quan và 6 tháng tù giam.

Thân ở trong tù nhưng chí lớn vẫn chờ đợi và âm ỷ làm thơ: “Trăng với chó tự do ngoài sân ngục / Tôi bị giam sau bốn bức tường cao”. Hai năm sau chiến sự đất nước thay đổi khi Nhật đánh Pháp và chiếm đóng nước ta, Nguyễn Vỹ ròng rã đêm hôm viết luôn hai cuốn sách chống quân Nhật (1940). Hai phát súng của ông bắn chính diện vào giặc Nhật vang lên lời tuyên cáo: Kẻ thù là Nhật Bản và Cái họa Nhật Bản. Thế là Nguyễn Vỹ bị giặc Nhật bắt đi đày ở Trà Khê (Phú Yên – 1942). Thậm chí ông còn bị giam vào hầm kín. Phải nói là ông liều chết bởi giặc Nhật rất tàn ác.

Bị cầm tù nhưng ông vẫn kiên cường với những dòng thơ chửi rủa: “Thằng tôi chờ chết nằm co ró / Làm thơ âm thầm lấy vần – Chó / Bỗng một con chó Nhật vừa đi qua / Đứng ngoài song sắt trố mắt ngó”. Nguyễn Vỹ luôn tự giễu nhại ngay chính cuộc đời mình và chấp nhận tai họa ập đến. Trong thời gian này ông luôn đọc sách và nghĩ đến sự cách tân thơ trong sự hy vọng đổi mới. Vì thế Nguyễn Vỹ từng viết những câu thơ 12 chữ để diễn tả tình cảm trước nỗi đau đất nước: “Đến ngày này non sông đã phủ mấy lớp sương mù / Mà còn rên dưới rễ có những vết hận lòng lai láng”.

Mãi đến khi Cách mạng tháng 8.1945 thành công, chân ướt chân ráo vừa ra tù, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn lập ngay tờ báo Tổ Quốc. Nhưng với cá tính gân bướng và ý chí quật khởi, qua giọng văn chửi vỗ mặt chế độ thực dân của Nguyễn Vỹ, tờ báo ngay sau đó bị sập tiệm (Rút giấy phép). Nhưng đất đâu có chịu giời, ý chí bạt mạng của Nguyễn Vỹ đã mách bảo về một hành trình mới. Ông lên Đà Lạt (1948) xin chính quyền ra mắt tờ báo Dân Chủ.

Được cấp giấy phép thế là ông lại vung bút phê phán chế độ Bảo hoàng. Tất nhiên ngọn bút ông bị bẻ gẫy vì tội xúc phạm “Vua” và tờ báo bị rút giấy phép. Không chấp nhận, Nguyễn Vỹ phẫn chí trở lại Sài Gòn mấy năm sau lập luôn tờ nhật báo Dân Ta (1952). Ngỡ như cái tên Dân Ta có vẻ khiêm nhường nhưng vẫn xuất hiện những bài báo với giọng văn mỉa mai thâm nho trong con mắt nhìn soi mói chế độ thực dân. Kéo dài được một năm, Dân Ta bị tạm đình bản (1953). Thời thế xã hội kéo dài mười năm với bao sự đổi thay. Không ngờ báo Dân Ta được phục hồi (1963). Nhưng cái tật ngông ngạo và bới rác xã hội tỉ mỉ của Nguyễn Vỹ làm chính quyền ngày càng tỏ ra khó chịu. Hai năm sau tờ báo bị cấm hẳn.

Nhưng thực ra trong những khoảng trống năm tháng chờ phục hồi tờ báo Nguyễn Vỹ đã cho ra đời những tập san như Phổ Thông (chuyên đề về văn hóa nghệ thuật) và hai tuần báo Thằng Bờm và Bông Lúa. Riêng tờ Thằng Bờm chuyên viết cho trẻ con nên được bạn đọc ủng hộ nhiệt liệt. Bởi lẽ tờ báo có tính giáo dục cao và khích lệ tâm hồn con trẻ sống trong tình thân ái và yêu đất nước quê hương.

Phải nói cuộc chơi đầy mạo hiểm của Nguyễn Vỹ với báo chí không hề vơi cạn niềm say mê. Ông có lý tưởng đấu tranh và yêu nước nồng nàn. Chấp nhận mọi rủi ro trong sự nghiệp văn chương báo chí. Đặc biệt với sự sắc sảo và cao ngạo của Nguyễn Vỹ, thực dân đã từng mua chuộc mời ông làm cố vấn nhưng không thành.

Ngay cả khi được chính quyền thực dân trao giải thưởng văn chương cho tập tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ với mức tiền 6.000 đồng (rất lớn) nhưng ông cũng từ chối nhận. Cho dù khi đó làm báo rất vất vả, cuộc sống đầy khó khăn nhưng ông không hạ mình. Ông cho đó là miếng ăn nhục khi được chính quyền thực dân ban cho. Ông cần mẫn sống và sáng tác trong sự nghèo đói và trong sạch.

Cuộc chơi với con chữ tượng hình

Riêng với thơ, Nguyễn Vỹ luôn miệt mài đổi mới với sự khát khao cháy bỏng. Không ít người cho ông là sự ồn ào gây náo loạn trong thi đàn tiền chiến khi cho ra đời cuốn Tập thơ đầu (Premières Poésies) bằng hai thứ tiếng Pháp-Việt (1934). Hầu như ai cũng biết ông là một tú tài văn chương với trình độ tiếng Pháp thượng thừa. Ông rời Quảng Ngãi ra Hà Nội học và có thực tài văn chương. Ấy vậy mà sự vận dụng và làm mới lạ thi ca Nguyễn Vỹ lại gây ra nhiều tranh cãi. Thậm chí nhà thơ Thế Lữ với bút danh Lê Ta đã từng viết bài mạt sát thơ ông.

Đến cả Hoài Thanh – Hoài Chân cũng mỉa mai rằng: “Nguyễn Vỹ đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai…” chỉ bởi Nguyễn Vỹ hô hào: “Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi/ Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiểm” (thể loại thơ 12 chữ một câu do Nguyễn Vỹ nghĩ ra).

Nhưng rồi thú vị thay chính hai ông Hoài Thanh – Hoài Chân cũng đã phải công nhận tài thơ Nguyễn Vỹ khi khẳng định sau đó: Gửi Trương Tửu – mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ”. Các ông cho rằng bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ đã thể hiện đúng mình khi làm thơ trong lúc say rượu. Rung động và chân thực. Tình cảm trở về với truyền thống và đã quên đi những hình thức sắp xếp những câu chữ thơ thành hình ảnh chim, cò, mưa, sương… như một bức vẽ.

Cuộc đời thi ca của Nguyễn Vỹ gói gọn chỉ trong bốn tập thơ. Với thể loại văn và báo thì ông “lướt ga” tới hàng chục cuốn nhưng với thơ thì lại rụt rè hơn. Có lẽ bởi ông bị choáng váng ngay từ dư luận “đánh cho dập mặt” của ngôi sao đầu bảng thơ mới là Thế Lữ. Nên mãi đến 18 năm sau Nguyễn Vỹ mới cho ra mắt tập thơ thứ hai Hoang vu (1962).

Và tám năm kế tiếp tập thơ Buồn muốn khóc (1970) cùng tập thơ trào phúng Thơ lên ruột phát hành trước khi ông mất vì tai nạn giao thông tại Sài Gòn (1971). Tuy vậy thơ Nguyễn Vỹ lại tỏ rõ thái độ sống tiếp cận sớm với hiện thực và thể hiện đúng với phẩm chất công dân thi ca.

Cùng thời mở đầu cho phong trào thơ mới, hầu như ai cũng mượn gió trăng, mây mưa trầm mình vào tình yêu và sự cầu kỳ loang lổ trong khổ đau thì Nguyễn Vỹ đã tìm đến sự sống trần ai cần lao: “Tôi không muốn gánh kho vàng thơ mộng / Đem chợ đời đổi lấy món cân đai / Đừng nhử tôi ngựa, xe, tán, võng, lọng / Ai công hầu khanh tướng mặc ai”.

Với bài Gửi Trương Tửu ông làm sống động thi đàn vào thập niên 40 với những câu thơ nảy lửa: “Bây giờ thời thế vẫn thấy khó / Nhà văn An Nam khổ như chó / Mỗi lần cầm bút viết văn chương / Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương”. Một nhân cách Quảng Ngãi bùng nổ trong thơ ông: “Bao giờ chúng mình gạch một chữ / Làm cho đảo điên pho Lịch sử? / Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa / Hất mồ nhỏm dậy cười say sưa”.

Tuy trong cơn say, thái độ công dân trong thi ca Nguyễn Vỹ vẫn trỗi dậy: “Để xem hai chàng trai quắc thước / Quét sạch quân thù trên đất nước? / Để cho toàn thể dân Việt Nam / Đều được tự do muôn muôn năm”. Sự bừng thức về dân tộc trong thơ Nguyễn Vỹ trong dòng thi ca tiền chiến trở thành duy nhất. Thơ ông tiệm cận với văn chương cách mạng khá sớm.

Vỹ thanh

Nguyễn Vỹ là một tính cách khác biệt độc đáo. Trong làng báo ông thật sự táo bạo với văn phong hoạt náo cùng tài kể chuyện hấp dẫn. Ông in tới 25 cuốn sách cả văn lẫn thơ. Tài năng ông nổi bật trong bộ tự truyện Tuấn, chàng trai nước Việt (2 tập-1970) và cuốn Văn Thi sĩ Tiền chiến (1970).

Điều thú vị khi ông không ít dịp đối đáp với các văn sĩ luôn thể hiện sự hóm hỉnh và dồi dào năng lượng. Có lần nhà thơ Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao ông lại bảo Nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn à?”.

Ngay lập tức, cho dù bất ngờ, nhà thơ trẻ Nguyễn Vỹ trả lời: “Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?”. Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu rồi rưng rưng nước mắt.

VƯƠNG TÂM

Báo An Ninh Thế Giới

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm