TIN TỨC

Nhà thơ Hữu Thỉnh, bình dị và bát ngát

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1772 lượt xem

 

Phùng Văn Khai

Chúng ta đã quá quen thuộc với thi ca và cuộc đời Hữu Thỉnh. Bạn văn chương nhiều thế hệ lúc trầm tư một mình cũng như lúc trà dư tửu hậu, ai cũng tự hào đã quen biết, vừa trò chuyện, vừa bàn soạn, thậm chí vừa trách cứ chuyện gì đó với Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh luôn nói “Tuyệt, tuyệt” về bất cứ ai, về bất cứ chuyện gì. Ông càng tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ý trách cứ người đã “chế tạo” những giai thoại, trong đó có không ít là ác ý về ông. Hữu Thỉnh từng có câu thơ rất hay: Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ, cũng là sự mênh mông dài rộng và hết sức bao dung của trí tuệ và tâm hồn Hữu Thỉnh.

Nhà văn Phùng Văn Khai (bên trái) và nhà thơ Hữu Thỉnh

Buổi tối ngày 8 tháng 5 năm 2022, hàng trăm văn nghệ sĩ đã vô cùng xúc động khi tới dự buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho nhà thơ Hữu Thỉnh. Hình ảnh Hữu Thỉnh đứng trang nghiêm trên sân khấu, nghe lời tuyên đọc văn bản trao tặng Huân chương thật xiết bao xúc động. Tôi như thấy ông đứng trước tầng tầng liệt sĩ, đồng đội ông đã nối nhau ngã xuống trong dằng dặc mấy cuộc chiến tranh. Hữu Thỉnh lặng yên, phăng phắc và lồng lộng như một tượng đài trên sân khấu. Cả đến khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiến tới trao tặng Huân chương và bó hoa tươi thắm, Hữu Thỉnh dường như còn chưa tỉnh hẳn. Ông mỉm cười đấy mà ánh mắt như ở một cõi khác, cõi của các liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ khuyết danh.

 

Bên dưới sân khấu là những bậc trưởng lão của làng văn và cũng là đồng đội của Hữu Thỉnh, là những lứa văn nghệ sĩ kế cận kề vai sát cánh với ông cũng như đang mê đắm trước sự thiêng liêng của thi ca, của trái tim nồng hậu của lứa nhà thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh là một trong những đỉnh cao, người dẫn dắt cho tới hôm nay.

 

Đến với buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Hữu Thỉnh, mọi người càng thấu tỏ trái tim và cuộc đời nghệ sĩ của ông. Xưa nay, người đời đã không ít lần trách Hữu Thỉnh chuyện này chuyện khác, thực ra là những chuyện cơm áo gạo tiền đã vít chúng ta xuống tầm thấp hơn chính bản thân mình. Rồi bỗng đâu có vật chất, có địa vị và tiền bạc, lại cũng không ít người quay ra trách Hữu Thỉnh, kỳ kèo, xin xỏ những thứ không phải của mình, nhưng Hữu Thỉnh chỉ cười hiền và nói “Tuyệt, tuyệt”. Còn tuyệt, tuyệt cái gì, thiên hạ hãy tự hiểu chứ một người thông thái như Hữu Thỉnh sao lại phải lần lượt trả lời những sự thường để lại gây thêm những phiền phức khác.

 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chúc mừng và tôn vinh Hữu Thỉnh cũng bình dị như chính cuộc đời ông. Chúng tôi đến sớm, cũng là để học tập cách thức tổ chức một sự kiện và đã thật kinh ngạc, trầm trồ trước sự bình dị nhưng ngân rung bát ngát, chí nghĩ chí tình, thơm thảo đến tận cùng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Ngành, giới văn nghệ sĩ và nhất là các văn nghệ sĩ trẻ, một số còn là sao trong showbiz như Tự Long, Xuân Bắc, Đàm Vĩnh Hưng, Lan Anh, Lê Anh Dũng… đã thể hiện hết mình những diễn ngôn nghệ thuật từ thơ ca của Hữu Thỉnh.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 tại Tam Dương - Vĩnh Phúc. Ông đã có hàng chục năm đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khóa X và XI, với những đóng góp đặc biệt xuất sắc về văn học nghệ thuật và cũng là người dẫn dắt hết sức tài tình và khéo léo trong bước đường trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam - một hội nghề nghiệp luôn ăm ắp những sóng to gió cả nhưng cũng đầy cảm xúc và có những đóng góp lớn trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã in khoảng trên 20 tập thơ, trường ca, tiểu luận phê bình văn học và được trao tặng các Giải thưởng của Hội Nhà văn; Giải thưởng văn học ASEAN; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông là một người lính chiến - nhà thơ thực thụ luôn có mặt ở những khu vực nóng bỏng nhất không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả thời bình. Chương trình tôn vinh ông trong Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì có tên Sức bền của Đất đã phần nào khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ai trong số chúng ta chẳng thuộc ít nhiều thơ Hữu Thỉnh. Còn luôn nhẩm hát khúc khải hoàn: Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Nổ máy lên ta một dạ xung phong/ Trước quân thù lòng chỉ biết có tiến công... hoặc như tuyên ngôn bình dị mà bát ngát: Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím (Thơ viết ở biển).

Nhắc tới nhà thơ Hữu Thỉnh, chúng ta thấy ngay được sự gánh vác và tận tâm, tận tụy của lứa nhà thơ chống Mỹ tới hôm nay với thi ca, với dân tộc. Lứa các ông như những bóng cây xòe ngõ vừa hứng bão táp phong ba vừa trao truyền xanh mát cho đời. Lại có lúc, thế hệ các ông, điển hình là Hữu Thỉnh giống như những cây bàng góc phố quanh năm chắn trời mà thấu tận cùng chìm nổi thịnh suy trong cơ hàn gân cốt riêng một mình ngẫm nghĩ cao xanh. Trong cuộc sống, không dễ gì đâu tìm được sự bằng lòng. Trong thơ ca càng như vậy. Càng chẳng dễ dàng đâu tìm được một sự bằng lòng, nhất là của công chúng, nhất là của nhân dân cần lao đang đòi hỏi sự sáng suốt của chúng ta, sự hữu ích của thi ca với những khốn khó trăm bề, trước những sự tha hóa đến tận cùng của đời sống kim tiền vây bủa. Hữu Thỉnh đã từng chặng, từng chặng trả lời xuất sắc câu hỏi thơ ca phải làm gì? Phải có trách nhiệm ra sao trong đời sống của nhân dân. Hữu Thỉnh không né tránh những ngặt nghèo, đã đương đầu với giả dối và ti tiện bằng một sự bình dị của thơ ông, của đời ông. Chính sự thong thả và bát ngát của thi ca đã giữ cân bằng cho cuộc đời Hữu Thỉnh, để có những câu thơ thanh thoát đến dị thường: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu (Sang thu). Đi suốt cả ngày thu/ vẫn chưa về tới ngõ/ dùng dằng hoa quan họ/ nở tím bên sông Thương… Nước vẫn nước đôi dòng/ chiều vẫn chiều lưỡi hái/ những gì sông muốn nói/ cánh buồm đang hát lên (Chiều sông Thương)

 

Cá nhân tôi có vô vàn kỷ niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi cũng đã học được không ít nết đất nết người từ toàn bộ đời sống và tác phẩm của ông. Một lần, gần đây thôi, trong buổi ra mắt sách của nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung - người mà Hữu Thỉnh rất kính trọng và luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết với ông anh cấp tướng. Cuốn sách tôi tham gia biên soạn và tổ chức thực hiện rất được giới văn bút khen ngợi, trong đó có Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. Hôm đó, tôi đã phát biểu bằng tất cả tâm huyết và nhận thức của mình về văn học, về chiến tranh, và nhất là về lứa nhà văn đi trước. Chẳng hiểu Hữu Thỉnh nghe thế nào, ông đột ngột kết luận phát biểu như thế là không ổn, là sai lệch với máu xương của người chiến sĩ ta, nhân dân ta; là dễ bị mắc bẫy luận điệu của một số người muốn lật lại lịch sử... Mọi người ở đó sững sờ. Tôi vừa ấm ức vừa bàng hoàng, song đã bình tĩnh không nói lại. Lập tức, các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy... và nhất là đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Chí Trung đã thông cảm và động viên tôi và lập tức đính chính với Hữu Thỉnh. Đương nhiên, mọi chuyện mau chóng hướng về phía nhân văn và đúng đắn. Thật may tôi đã không cự cãi gì ở đó.

 

Hữu Thỉnh là như vậy. Hữu Thỉnh chính là Hữu Thỉnh, luôn cởi mở dễ dàng và lúc cần gay gắt sát sạt, đều một mực vì văn học, vì thế hệ trẻ. Nhiều trại viết của Văn nghệ quân đội dến khi đã diễn ra rồi, đã trà dư tửu hậu rồi, anh em mới bày kế xin tiền Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh rất cẩn thận vì tài chính quy định như vậy, nhưng cũng rất rộng lượng quyết chi ngay lập tức, để phục vụ các nhà văn sau khi tôi đọc tên qua điện thoại từng người và bao giờ ông cũng nói, tuyệt, tuyệt. Tiền bạc có đáng là bao, nhưng tấm lòng người đứng đầu Hội Nhà văn thật chí tình.

 

Trong buổi Lễ đón nhận Huân chương Độc lập của ông, hơn ai hết, Hữu Thỉnh hiểu được thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của mình ở đâu, và nhất là cần phải làm gì cho những chặng đường phía trước. Ông đứng im lặng đó, giống như một tòa thành với những lộc non, hoa trái xum xuê, nhưng cũng vô vàn những vết bom cày đạn xé. Tòa thành lừng lững ẩn chìm, có lúc như là rụt rè le lói sáng, lại có lúc chói lòa kiêu hãnh như một cung điện nguy nga. Là người phía bên ngoài, tùy theo tâm thức và cảm xúc mà phán xét vậy thôi, chứ trong thẳm sâu Hữu Thỉnh, phấn đấu suốt đời của Hữu Thỉnh, có lẽ chỉ là sự bình dị và bát ngát.

P.V.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm