TIN TỨC

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, vấn vương hương Đại, hương Sen

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-01-27 14:26:20
mail facebook google pos stwis
1573 lượt xem

PHÙNG VĂN KHAI

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là cha chú của tôi, hiền như đất, hiền như đôi mắt. Mà mở ra thanh thoát xa khơi.

Nguyễn Đức Mậu quê ở đâu ta? Quê chính là Nhà số 4 chứ đâu. Ở nơi hương đại, hương sen thoang thoảng trăm năm, người đi mây trắng vòm xanh sóc nhỏ nâu tròn mắt biếc. Ở nơi tiếng súng ì ùng chưa vơi đến mức người lính Thời hoa đỏ ra đi từ ấy không về.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

Nguyễn Đức Mậu làm thơ thời tôi còn chưa sinh ra, vào chiến trường từ khi tôi còn là hạt bụi, vậy đó mà sao sau này thi thoảng bia hơi rượu vang, tôi lại thấy thật gần.

Nhưng chưa bao giờ tôi gọi Nguyễn Đức Mậu bằng anh. Bao giờ cũng gọi nhà thơ bằng chú. Chú cháu với nhau từ trại viết Đồ Sơn năm 1995 một mạch đến bây giờ.

Thơ Nguyễn Đức Mậu rất hay.

“Hà Nội chiều nay nắng vừa đủ nắng

Gió cũng vừa đủ gió để rung cây

Mặt hồ rộng thực hư làn khói mỏng

Rượu bạn mời tôi uống cũng vừa say”

Những câu thơ vừa loang xa vừa chừng mực. Đó là thơ hay.

“Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất

Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu

Cái hòm thư mới một lần sơn lại

Bác gác cổng già năm trước giờ đâu”

Ôi chao! Thơ đâu cần cao xa triết lý hoặc như câu chữ bí hiểm vòng vèo. Cứ một mạch tả chân mà hay mới là khó. Như Dòng tên anh khắc vào đá núi chẳng hạn. Như Tóc em dài buông xõa xuống mùa thu chẳng hạn. Thì hay là hay thôi. Như Mưa rơi không cần phiên dịch vậy.

Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường rồi về Văn nghệ quân đội một mạch đến lúc nghỉ hưu. Những bài thơ từ chiến trường gửi ra luôn thấm đẫm mùi đạn bom và đôi khi là máu xương đồng đội. Những bài thơ ấy khi in trên Văn nghệ quân đội là sung sướng tột cùng của người chiến sĩ. Khi lần đầu tiên tới Văn nghệ quân đội, Nguyễn Đức Mậu đã phải rụt rè mấy lần trước cổng Nhà số 4 mới dám nhấn chuông. Vô cùng đặc biệt, người đàn ông cao lớn từ trong phòng khách đi ra mở cổng đón nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Mậu chính là Tổng Biên tập Thanh Tịnh. Thanh Tịnh - một nhà thơ tiền chiến nổi tiếng với câu thơ nhiều người còn nhầm tưởng là thơ của Bác Hồ: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong và một câu khác cũng giống như ca dao đúng với thân phận cuộc đời Thanh Tịnh: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Nguyễn Đức Mậu đã sớm được tiếp xúc với những nhân vật lẫy lừng từ lâu hâm mộ. Đó là Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách, Nhị Ca, Văn Thảo Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu... Đến nỗi, anh lính Sư đoàn bộ binh Nguyễn Đức Mậu tưởng như còn đang nằm chiêm bao vậy.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tính khí trầm hậu, ưu tư nhưng hóm hỉnh. Cái gì cũng biết mà không nói. Có nói thì nói vào thơ. Không to giọng. Càng không ồn ào. Cứ thủng thẳng thế thôi mà tận cùng bờ bãi. Ông rất sợ thơ dở. Cuộc đời ông đã phải đối diện với biết bao bài thơ kém chất lượng gửi đến. Phải đọc nó. Phải loại bỏ và đau đớn. Thiên hạ ai đua nhau làm thơ để khổ thân người biên tập như ông. Ông đọc. Ông đãi khối đất cát, đá sỉ ấy để lựa ra những hạt vàng siêng nhặt. Hơn nửa thế kỷ là như vậy. Cứ nhìn ông như chiếc lá xô nghiêng chiều phố Lý Nam Đế thấy thật thương ông. Miếng ngon miếng ngọt chẳng biết gì, chỉ chút bài thơ của mấy vị to mồm yếu thơ mà ông loại bỏ chúng lại rú lên, vây bủa la hét để chiếc lá nghiêng Nguyễn Đức Mậu càng lạnh đi trong chiều gió thổi.

Cơ mà kiếp nhà thơ là vậy. Kiếp biên tập thơ là như thế. Chúng tôi làm nghề biên tập luôn buốt đến tận xương, đôi khi lạnh cả sống lưng trước những “đại ca” viết ẩu ngày càng đông đúc như rừng.

Nguyễn Đức Mậu là người chừng mực, đôi khi là “thừng mực”. Nghĩa là rất thẳng và nóng tính. Nhưng chân thành, chí thiết và nghĩa khí. Đừng bao giờ nghĩ là dễ bắt nạt các nhà thơ trong cuộc sống hoặc trên văn bản văn chương. Các nhà thơ cứ lơ tơ mơ vậy mà lập pháp, lập quốc như chơi. Có người còn nổi dậy khởi nghĩa như Cao Bá Quát.

Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ “cứng cựa” còn lại của lớp chống Mỹ. Bỏ ông ra đội ngũ có kẽ hở ngay. Địch lọt vào? Không đâu! Nhưng vắng ông và Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Thi Hoàng là gay lắm. Ông là cây cột lớn trong ngôi đền thơ phú trăm năm.

Tôi cho rằng cái cách Hữu Thỉnh ứng xử với đồng lứa văn chương là diệu kế. Thấu lý đạt tình. Suy bụng ta mà ra. Ngẫm kiếp người mà sống vậy. Sau Hữu Thỉnh, e rằng là khó. Bởi đã có sự vênh nhau. Sự quả quyết không cần thiết đã xé các nhà thơ chống Mỹ ra. Điều này là một sự buồn.

Nguyễn Đức Mậu lá nghiêng bay cũng buồn chứ nhỉ? Dòng tên anh khắc vào đá núi cũng xao buồn là lẽ sống trong kiếp nhân sinh. Lứa thơ chống Mỹ kiên gan là vậy mà cũng rất biết giá của buồn đau. Đến mức một hôm, tôi đã viết về các ông như sau:

Ai kia định ngôi dân nước

Ai kia cỏ nội hoa hèn

Người nối người lên bát ngát

Đang về thắm thiết như sen

 

Mùa màng xôn xao tim mực

Máu còn âm ỉ xanh cây

Từng trang, từng trang kết ngọc

Xác thân thầm vào đất đai

 

Kẻ non xanh đi khuất khuất

Gửi đá ven đường chiến công

Người lấy thân làm tre trúc

Bên cầu nước chảy bâng khuâng

 

Ai người cát non kê biển

Tổ quốc u oa đánh vần

Ai người đọc lời ai điếu

Đường khuya đá sỏi phân vân

 

Ai tự khoác vào tai ách

Trâu cày ngựa cưỡi gươm khua

Ai kia nửa chừng buông bút

Lặng im như thóc trong bồ

 

Ai còn nhân tình vương lại?

Giọt máu đào thơm bến sông

Ai người oan khiên ngậm bóng

Mây xa thanh thản hư không…

Nguyễn Đức Mậu như cây cầu độc mộc còn sót lại sau nắng mưa giông gió, đúng như ông từng viết: “Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Thi. Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong ba lô, những nhân vật câu thơ là mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng mặt trời. (Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ gối đầu rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc. Đường văn chương bạc tóc đêm dài. Cây bút và khẩu súng. Các anh quên mình đã có một thời trai).

Những trận sốt rừng, những viên đạn giặc, đã tràn vào trang viết dở dang. Nhà văn hy sinh, nhường khát vọng đời mình cho nhân vật. Máu thấm đất, máu chảy vào trang viết, máu thay cho đoạn kết không lời. Nhà thơ hy sinh như ngọn lửa cháy hết mình để tự hóa thân. Trên vuông đất bia khô cằn đá sỏi, những câu chữ như hạt cây sót lại, ngôn ngữ cỏ xanh tự chắp nên vần.

Cây đại già làm một chứng nhân, ngôi nhà các anh giờ chúng tôi đến ở. Căn phòng cũ mấy lần thay ổ khóa. Lớp nhà thơ mang áo lính nhiều thêm.

Trái tim các anh, khoảng đất nào xa lắc. Trái tim đập phập phồng trên trang sách chẳng bình yên”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thấm thoắt đã bước vào U80 mà xem ra vẫn còn  nặng nợ với thơ ca chữ nghĩa lắm. Lứa các ông dường như đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những gì cần viết ra, nói ra thảy đều trân trọng được bày lên mặt giấy. Chỉ riêng với bài thơ Thời hoa đỏ thôi đã xứng đáng một cống hiến, một tài năng không thể lẫn vào đâu với nhân dân và Tổ quốc. Tổ quốc và nhân dân cần lao đã hy sinh vô bờ bến thực rất cần những câu thơ như trong Thời hoa đỏ. Vẻ đẹp của người lính trong Thời hoa đỏ đã như những hình ảnh đạt tầm biểu tượng của sự hy sinh:

Có người lính

Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính

Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về

 

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hóa bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

 

Việt Nam ơi! Việt Nam!

Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi! Việt Nam!

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.

Đó cũng là nỗi niềm của hương đại, hương sen.

Nguồn: http://baovannghe.com.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm