TIN TỨC

Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang: Những giá trị thực không cần trang điểm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-13 16:34:26
mail facebook google pos stwis
982 lượt xem

TRẦN KIM HOA (thực hiện)


Nhà văn - dịch giả Phan Hồng Giang.

Cái được khen chưa hẳn đã là cái hay

  • Ông còn nhớ, lần đầu tiên được đọc tác phẩm Thi nhân Việt Nam của cha mình viết là bao giờ, thưa ông?

Tôi sinh ra đúng vào năm cha tôi và chú tôi (Hoài Thanh - Hoài Chân)  đang viết Thi nhân Việt Nam. Khoảng bảy, tám năm sau, khi tôi bắt đầu học chữ, cha tôi đã bắt tôi đọc thuộc lòng nhiều bài thơ hay mà cụ đã tuyển vào tập sách, ví như bài Nghỉ hè của Xuân Tâm,  Trưa hè của Anh Thơ, Chợ tết của Đoàn văn Cừ… và quả tình tôi đã đọc thuộc những bài thơ đó một cách vô thức. Cho đến năm cuối cấp ba, cuốn sách của cha tôi mới thực sự là sách “nằm lòng” của tôi, một cậu học sinh lớp 10. Bấy giờ, là thời điểm “kiêng kỵ”, Thi nhân Việt Nam bị coi là sách “cấm”, chỉ có bản in rônêo “lưu hành nội bộ”; lúc đó tôi mới thấy hết những cái hay cái đẹp, cái tinh tế trong những lời bình mà cha tôi đã viết. Trong tôi đã cộm lên câu hỏi tại sao mà chưa thể trả lời… Từ phút đó, tôi bắt đầu thấy rằng có những cái được khen chưa chắc là đã hay, và những cái bị chê chưa chắc là đã dở !

  • Lịch sử văn học cũng đã chứng minh điều mà ông từng cảm nhận đó là đúng!

Sau này, khi sang Nga, tôi thấy người ta khen các trường ca đầy tính đảng của Maiacôpxki, nhưng có lúc đã chê Bunhin, điều đó đã khiến tôi đọc kỹ về Bunhin hơn và đánh giá rất cao những tác phẩm của ông. Vẻ đẹp thực sự của văn chương sẽ được trả lại qua thời gian mà không thể bị lu mờ bởi những võ đoán, những đánh giá thời thượng.

  • Nối tiếp truyền thống gia đình, nhiệt tình phê bình văn học trong ông đã được duy trì ra sao?

Nếu khen không đúng, chê không phải mà vẫn làm, viết cái không như mình nghĩ mà vẫn viết, thì không nên làm phê bình làm gì. Đó là lý do tôi chuyển sang dịch và nghiên cứu văn học nước ngoài –mảnh đất vừa có ích vừa an toàn. Nhưng đó là thời điểm sau này, khi chiến tranh đã chấm dứt…

  • Ở vị trí thành viên nhiều hội đồng: dịch, lý luận phê bình của hội nhà văn, hội đồng lý luận Trung ương, hội đồng chính sách khoa học & công nghệ  quốc gia…ông vẫn luôn giữ “nhiệt tình” phản biện?

Tôi luôn quan tâm sự phản biện và muốn nghe phản biện. Nếu chỉ giơ tay tán thành mà thôi thì chẳng nên vào hội đồng làm gì.

 

Dịch là một nghề không phải không nguy hiểm

  • Là một trong những dịch giả đầu tiên giúp độc giả trong nước tiếp cận với các tác phẩm văn chương xuất sắc của Bunhin, Sêkhôp… từ nguyên bản tiếng Nga vào giữa thập kỷ 60, hẳn ông có niềm vui của người “khai phá”?

Trong bối cảnh của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước và tất cả tập trung cho tiền tuyến thì việc dịch những tác phẩm “chuyện tình yêu vớ vẩn” đó của tôi thực ra không được hoan nghênh. Thậm chí, lúc đó tôi đã hiểu rằng, dịch là một nghề không phải không nguy hiểm.

  • Có nghĩa đó là một thành công phải trả giá?

 Năm 1967-1968, khi đã về công tác ở Viện Văn học, tại nơi sơ tán tôi đã chọn Bunhin, Sêkhôp…để dịch và từ đó những bản dịch đánh máy được chuyền tay nhau đọc ngay trong Viện. Vì thế mà tôi bị chi bộ quy kết đã “lưu truyền tác phẩm đồi trụy” ; thậm chí, người ta còn cảnh báo rằng đang “hình thành một đám tiểu nhân văn”  tại Viện văn học; truyện ngắn Người đàn bà và con chó nhỏ của Sêkhốp thì bị phê là “ngoại tình, phù phiếm”; Say nắng của Bunhin bị cho là “ khích lệ những mối tình thoáng qua”…Rồi tôi đã phải chuyển sang Hội nhà văn với lời nhắc nhở “cần uốn nắn, giáo dục” và “ trước mắt không nên cho viết”…

  • Ông còn nhớ cha mình, nhà văn Hoài Thanh đã tỏ chính kiến ra sao trước vụ việc?

 “Văn chương đẹp mê hồn! Nhưng lúc này thì chưa in được!” - Cha tôi đọc những tác phẩm trên qua bản dịch của tôi và nói vậy. Mãi đến năm 1978, tập truyện ngắn Sêkhôp mới được in, còn Nàng Lika của Bunhin, in sau đó và còn được nhận giải thưởng tác phẩm văn học dịch của Hội nhà văn.

  • Ông nghĩ sao về nhận xét: “văn học dịch hiện tại đang phát triển rất… tự phát” do phụ thuộc chủ yếu vào những nỗ lực cá nhân, trách nhiệm cá nhân?

Tôi cũng có cảm giác đó. Vấn đề xây dựng đội ngũ dịch, chính sách đào tạo trong bối cảnh nhiều dịch giả đều tuổi cao, hoặc đã mất… thì các nhà xuất bản đơn lẻ không thể làm được. Hơn nữa, đây là lúc lực lượng dịch thuật cả nước nên tập hợp lại (ở các nước thường tổ chức viện dịch thuật), có bộ máy, có kinh phí và có kế hoạch, tránh được những bất cập và xóa bỏ được tình trạng nhảm nhí như xé một cuốn sách cho nhiều người cùng dịch, rồi gộp nó lại; có dịch giả trở thành cai đầu dài, chia sách ra cho học trò dịch, rồi hiệu đính sơ qua là xong…

 

Trí thức thực sự phải là người không chạy theo bằng cấp

  • Dường như cuộc đời đã rất ưu ái ông: sinh ra trong một gia đình nhà văn nổi tiếng; được đào tạo bài bản; được cộng tác, làm việc với nhiều văn sĩ, trí thức lớn của đất nước

Thật may mắn khi có những người bạn của cha tôi như ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư…biết tôi từ bé và khi tôi lớn rồi vẫn coi tôi như đứa trẻ. Vì quý bố mà quý con, luôn quan tâm, ủng hộ… Nhà thơ Chế Lan Viên “bảo lãnh” tôi khi có người đến thẩm tra hồ sơ đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Vừa làm xong luận án phó tiến sĩ ở Nga và đang định về nước, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã viết thư khuyến khích tôi ở lại làm tiến sĩ khoa học vì theo ông “ở nhà phó tiến sĩ nhiều như… lợn con!”. Tôi là cấp dưới của ông ở khoa viết văn trường đại học văn hóa, nhưng ông vẫn khuyến khích tôi vượt ông về bằng cấp. Những trí thức thực sự thường không sợ cấp dưới có bằng cấp cao hơn mình vì họ biết dùng người và không sợ người giỏi. Đó cũng là người không chạy theo bằng cấp, học hàm; xung quanh người ta sôi sục làm hồ sơ để được phong phó giáo sư, giáo sư, ông thì không, nhưng ông vẫn là giáo sư trong lòng học trò và nhân dân…Những giá trị thực sự thì không cần đến sự trang điểm.

  • Từng là Viện trưởng Viện văn hóa- nghệ thuật Việt Nam, ông nghĩ thế nào về cách ứng xử cần có đối với trí thức ngày nay?

Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng hàng đầu không nằm ở sự đãi ngộ thế nào, mà lớn hơn là giới trí thức nước ta thời kỳ nào cũng luôn mong muốn đóng góp được nhiều nhất những ý tưởng, trí tuệ của họ cho sự nghiệp chung của đất nước, do đó họ sẵn sàng sống không giàu có để những tâm huyết, đề xuất của họ được ủng hộ và triển khai vào cuộc sống! Việc ứng xử với trí thức, người tài như thế nào cho phải, cá nhân tôi rất thích một ngạn ngữ của Nga: “Phượng hoàng có thể bay thấp hơn gà nhưng gà không thể bay cao bằng phượng hoàng” .

  • Cách đây vài năm, dư luận xôn xao khi ông với vai trò Hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du cùng hai thành viên lãnh đạo là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Vũ Quần Phương làm đơn từ chức… khi mà “văn hóa từ chức” dường như chưa được xác lập ở ta?

Cũng nhiều người nói với tôi như vậy. Bởi xu hướng chung là chạy chức, chạy quyền, có ai được giao chức giao quyền, không “phốt” gì mà bỗng dưng xin từ…

  • Đó có phải là một quyết định khó khăn lắm không, thưa ông?

Không, cả tôi lẫn hai nhà văn khác trong ban lãnh đạo đều vậy. Với chúng tôi, có lẽ vì danh không cần, việc không thiếu, nên dễ.

 

Là nhà văn phải hiểu cuộc sống chân tơ kẽ tóc

  • Nửa thế kỷ tham dự và “trải nghiệm” với nền văn học nước nhà ở nhiều vị trí khác nhau: lý luận phê bình, dịch thuật, nghiên cứu, đào tạo…, ông đánh giá ra sao về lực lượng viết văn hôm nay?

Người say mê văn chương thì nhiều nhưng người tài thực sự không nhiều, đó cũng là quy luật. Người viết thường bị cạn vốn sau một vài tác phẩm đầu tiên. Họ thừa khát vọng nhưng lại thiếu nhiều thứ: kỹ năng cầm bút, năng lực ngôn từ, thiếu khuyết kiến thức nền tảng… cũng như chưa hiểu biết thấu đáo và phiến diện về thời cuộc, đời sống đương đại. Là nhà văn, phải hiểu cuộc sống chân tơ kẽ tóc thì mới viết được. Bên cạnh đó là một tinh thần làm việc quên mình. Đó là một nghề cực nhọc, một công việc khổ sai, lao tâm khổ tứ, nếu chưa sẵn sàng thì đừng chọn nó. Viết văn không phải là một cuộc dạo chơi như có người nói…

  • Có phải các nhà văn- trong đó có ông, vẫn “mắc nợ” công chúng về việc mấy chục năm qua hầu như chưa có những tác phẩm đỉnh cao được thừa nhận?

Việc này, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Giới văn sĩ phải trách mình trước mà không thể đổi lỗi cho cơ chế. Vì cái tài chưa đủ tầm và tài luôn là của hiếm. Nếu Nguyễn Du không viết Truyện Kiều, không ai có thể viết thay ông được và cũng không có Nguyễn Du thứ hai. 70-80 năm trước, ta đã có tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ đầu tiên, đến nay thử nghĩ đã có bao nhiêu tên tuổi được lưu danh: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Tuân… Tất cả họ đều thành danh trước 1945. Sau đó ít hơn. Có chăng Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh là đã đánh dấu được một bước tiến đáng kể về bút pháp, tính nghệ thuật… Đáng buồn là một số người được đánh giá cao ở ngoài nước lại không được đánh giá tương tự ở trong nước. Ngoài ra một số người viết yếu bóng vía luôn tự kiểm duyệt tác phẩm của mình và vô hình chung đã hạn chế sự bứt phá của ngòi bút. Chưa kể là có thể có tác phẩm lớn rồi mà lại chưa được nhìn nhận đúng mức. Mặt khác, trình độ dân trí chưa cao cũng là một hạn chế, chưa gây áp lực lớn đối với người viết và để họ tự dễ dãi với mình, dẫn đến việc không có những tác phẩm lớn ra đời. Văn hóa đọc hiện có xu hướng nặng về giải trí, khiến văn học thị trường của Mỹ, Trung Quốc áp đảo. Ra hiệu sách sẽ thấy, sách tử tế rất kén độc giả.

  • Được xem là rất quan trọng nhưng đến nay giai đoạn văn học đổi mới vẫn chưa được tổng kết thành tựu, theo ông thì người làm phê bình văn học phải chịu trách nhiệm về việc đó thế nào?

Ta đang thiếu những người làm phê bình văn học chuyên nghiệp. Có lẽ bởi phê bình là một công việc bị xem là “hay mang tiếng và dễ đụng chạm”… 

Ông lý giải ra sao việc Hoài Thanh - Hoài Chân đã có thể làm phê bình quy mô như thế, từ những năm 40, còn hiện nay

Hoài Thanh cũng có vấn đề của mình. Trước 1945, ngòi bút của ông được phép là đại diện toàn quyền cho cá nhân ông, những nhìn nhận, đánh giá với chỉ một tiêu chí duy nhất là “hay”. Khi hoạt động phê bình văn học bị “mặt trận hóa”, chính Hoài Thanh cũng không viết được Thi nhân Việt Nam quyển 2, quyển 3 nữa… Tình trạng “mặt trận hóa” đã khiến nhiều tuyển thơ, văn xuôi hiện nay đang bị “cào bằng” về chất lượng.
 

Không có giá trị nào cao hơn sự sống

  • Một trong những quan tâm của ông là giáo dục. Triết lý giáo dục mà ông tâm huyết là xác lập “hệ giá trị căn bản của con người”, vậy hệ giá trị ấy cần thích ứng với thời đại ra sao, thưa ông?

Mục đích cao nhất của giáo dục là dạy cách làm người. Thời phong kiến là tư tưởng “trung quân”, vua bảo chết là chết, đó là giá trị làm người cao nhất. Nhưng, theo tôi, không có giá trị nào cao hơn sự sống. Ngay cả trong chiến tranh, sự sống vẫn là giá trị cao nhất dù rằng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã là một giá trị sáng ngời thời chiến. Vậy thời bình thì sao? Vì sao tai nạn giao thông nhiều? Vì người ta chưa biết quý trọng sự sống. Trong mọi hoàn cảnh, quý trọng sự sống, phẩm giá của mình và đồng loại, đó là văn hóa. Một số vấn đề khác nữa, như phải biết thừa nhận “ bách nhân bách tính”, để tránh những chia rẽ, ly tán; không nên “đáp án hóa” các môn học, đặc biệt là môn văn – môn học mà trẻ con nhà tôi rất sợ, dù ông bà nó đều làm nghề này…

  • Một khái niệm mà ông đã đặt bút: “biết sống hạnh phúc”. Chữ “biết” đó, khó lắm thưa ông!

Tất nhiên rồi. Như có người nói, tại sao bây giờ đời sống cao hơn, mà cảm giác hạnh phúc lại ít có hơn! Tôi nghĩ,  biết thế nào là đủ, tự hài lòng và thanh thản - đó là cốt lõi của hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là một giá trị tinh thần, là một cảm nhận hoàn toàn riêng tư và có sự co dãn của nó…

  • Từ thời trẻ, ông đã thiên về dịch những tuyệt tác văn học về tình yêu… Tình yêu, với tất cả những trải nghiệm của mình, với ông nó có “gương mặt” thế nào?

Hàng ngàn năm nay, như Lep Tônxtôi từng viết, cái đói và cái yêu luôn kiềm tỏa con người, ở mọi lứa tuổi. Nhưng nay tôi già rồi, tôi chỉ là người quan sát nó mà thôi… Tôi thấy nó hiện diện ngay trong cuộc sống xô bồ, trong thời đại tiêu dùng lên ngôi, trong cả sự tính toán thị trường. Cuộc sống luôn có chỗ cho nó và nó chính là đặc ân của cuộc sống. Cũng như cái đẹp, tình yêu khiến thế giới không còn buồn tẻ và nhàm chán… Điều đó cũng có nghĩa, sự vô cảm –đó là kẻ thù của hạnh phúc, của nghệ thuật !

  • Ông cũng từng phát biểu: Ở tuổi này, không còn điều gì khiến tôi ngạc nhiên nữaNhiều người từng trải lại thấy “ngạc nhiên” khi thấy thời trẻ mình có thể sai lầm điều này, điều kia!

Khi đã đi qua hết những ngạc nhiên, người ta sẽ không còn thấy ngạc nhiên nữa… Nhìn lại, tôi cũng mắc những sai lầm. Nhưng tôi chấp nhận nó. Cuộc đời con người diễn ra như nó phải thế, làm sao “sửa sai” được? Vấn đề là sống trên đời thì phải có niềm say mê, phải chọn đúng nghề. Đã làm người thì không thể sống được chăng hay chớ. Đó là điều lúc sinh thời cha tôi đã dặn…

  • Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị này!.

Bài đăng trên Báo Sài Gòn Tiếp thị, 8. 2011

Bài viết liên quan

Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm
Nơi sâu thẳm trái tim vị tướng
Bài viết của Trung tướng, PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm