TIN TỨC

Nhà văn Konstantin Paustovsky: Người bốn lần được đề cử giải Nobel

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
642 lượt xem

Nhà văn Nga – Xô Viết nổi tiếng Konstantin Paustovsky (1892-1968) là bậc thầy của thể loại văn học phong cảnh và văn xuôi tâm lý. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc yêu mến, như: “Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa”, “Chiếc nhẫn bằng thép”, “Vịnh mõm đen”, “Một mình với mùa thu”, “Câu chuyện phương bắc”…

K. Paustovsky từng là phóng viên quân sự, biên tập viên, giáo viên trường viết văn và ứng cử viên giải Nobel Văn học. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nhà văn (1892-2022), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một vài nét về cuộc đời ông.

Làm đủ nghề để kiếm sống

Trong bút ký tự truyện “Vài suy nghĩ tản mạn”, ông viết rằng bố ông làm nhân viên thống kê đường sắt, còn mẹ ông là một phụ nữ độc đoán và nghiêm khắc. Theo Konstantin Paustovsky, bố ông là người mơ mộng bẩm sinh và không bao giờ ngồi yên một chỗ: sau Moskva, ông phục vụ ở Vilno, Pskov, rồi chuyển đến  Kiev, nơi Konstantin Paustovsky vào học trường trung học.

“Khi tôi học lớp sáu, gia đình chúng tôi tan vỡ. Từ đó tôi phải tự kiếm sống và học tập. Tôi sống lay lắt bằng công việc khá cực nhọc – cái gọi là gia sư. Vào năm cuối cùng của trung học, tôi viết truyện ngắn đầu tiên và đăng trên tạp chí văn học “Những ngọn lửa” ở Kiev. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là năm 1911. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi học hai năm tại Đại học Kiev, sau đó chuyển đến Đại học Moskva, và định cư ở đây”.


Nhà văn Konstantin Paustovsky (1892 – 1968).

Thế chiến thứ nhất bùng nổ khiến việc học hành của Konstantin Paustovsky trở nên dang dở – ông bỏ học đi làm nhân viên bán vé tàu điện, sau đó làm y tá trên một đoàn tàu cứu thương. Mùa thu năm 1915, ông chuyển đến một đơn vị y tế dã chiến, tại đây ông đọc báo và biết tin hai người anh trai của mình đã hy sinh trên các mặt trận khác nhau trong cùng một ngày. Sau khi biết tin này, Konstantin Paustovsky trở về với mẹ và chị gái ở Moskva.

Nhưng ông không dừng lại lâu – đầu tiên ông vào làm việc tại nhà máy luyện kim ở Ekaterinoslav (nay là Dnipro), sau đó chuyển sang nhà máy ở Yuzovka (nay là Donetsk), rồi từ đó đến nhà máy hơi nước ở Taganrog. Mùa thu năm 1916, ông rời nhà máy hơi nước để đến một hợp tác xã đánh cá trên biển Azov. Chính lúc bấy giờ, theo hồi ức của nhà văn, ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình – “Những người lãng mạn”. Sau này ông luôn luôn nói rằng biển đã giúp ông trở thành nhà văn.

Trong thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Tháng Hai và Tháng Mười năm 1917, Konstantin Paustovsky làm việc tại một tờ báo ở Moskva. Kể từ đó, ông chỉ làm báo và viết văn. Trong những giai đoạn khác nhau, ông từng làm biên tập viên của tờ “ROST”, “Sự thật” các tạp chí “30 ngày”, “Những thành tựu của chúng ta”, còn trong “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, ông là phóng viên của TASS, sau đó ông tập trung hoàn toàn vào sáng tác văn học, giảng dạy ở Trường Viết văn.

Con người ưa xê dịch

Nhà văn yêu thích của Konstantin Paustovsky là Aleksandr Grin, còn môn học yêu thích ở trường phổ thông của ông là địa lý. Hồi nhỏ, ông mơ ước về những đất nước xa xôi, nhưng chỉ hàng chục năm sau, ông mới có thể thực hiện được ước mơ của mình. Thời trẻ, Paustovsky lang thang hết nơi này đến nơi khác để tìm việc làm, sau đó ông đi công tác, nhưng ở tuổi trưởng thành, sau 50, rốt cuộc, ông mới có thể đi du lịch vì sở thích. Sau khi đi vòng quanh nước Nga, Ukraina, Ba Lan, Gruzia, Azerbaizhan, Armenia và Iran, ông đến châu Âu: Bulgaria, Czech, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hà Lan, Thụy Điển, Ý, Pháp, Anh. Và ở tuổi 73, ông đã sống một năm trên đảo Capri, nước Ý, nơi ông điều trị bệnh hen suyễn.

“Xê dịch là điều tuyệt vời nhất trên thế gian” – ông viết trong tiểu thuyết “Những người lãng mạn” – Càng đi nhiều, bạn càng chóng trưởng thành, và những gì bạn nhìn thấy thậm chí hiện ra ở ngoại hình của bạn. Trong hàng ngàn người, tôi phát hiện ra ngay những người đi nhiều. Những chuyến xê dịch giúp thanh lọc, kết nối những cuộc gặp gỡ, những thế kỷ, những cuốn sách và tình yêu…”.

Cuộc sống riêng tư nhiều lận đận

Trong thời gian làm việc tại đơn vị dã chiến, Konstantin Paustovsky gặp nữ y tá Ekaterina Zagorskaya. Ở Crimea, các cư dân của làng Tatar gọi bà theo tiếng Ả Rập là Khatidzhe – và Konstantin Paustovsky cũng gọi bà như vậy. Năm 1916, họ kết hôn và 9 năm sau, họ có một cậu con trai, được đặt tên là Vadim để tưởng nhớ người anh trai của nhà văn đã hy sinh trong chiến tranh.

Sau 20 năm chung sống, ở tuổi 44, Konstantin Paustovsky ly hôn: Ekaterina phát hiện ra chồng ngoại tình và bỏ đi. Valeria Valishevskaya-Navashina, người gây ra điều đó, trở thành vợ hai của nhà văn. Lúc bấy giờ, Valeria đã hai lần ly hôn và có hai con trai, một người sống với mẹ. Konstantin Paustovsky nhận cậu bé vào gia đình mình. Cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài 14 năm, cho đến khi Paustovsky gặp nữ diễn viên Nhà hát mang tên Meyerhold Tatyana Evteyeva-Arbuzova. Tatyana cũng đã từng có một đời chồng, nhưng điều này không gây trở ngại: năm 1950, Paustovsky ngỏ lời cầu hôn bà. Cùng năm, con trai Aleksey của họ chào đời.

Paustovsky rất yêu người vợ cuối cùng của mình và thú nhận rằng trên đời không có tình yêu nào như vậy. Trong di chúc của mình, ông đề nghị mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển cho “Mẹ Tanya” bằng tiền nhuận bút của ông, và viết cho bà: “Trái tim vàng của anh ơi, anh không thể mang lại cho em một cuộc đời hạnh phúc mà em xứng đáng được hưởng… Nhưng Chúa đã ban cho anh hạnh phúc được gặp em, điều này được biện minh bởi cuộc sống và công việc của anh… Nhờ em mà anh có được hạnh phúc nơi trần thế. Và anh đã tin vào phép màu… Cầu Chúa ban phước lành cho em, Tanyusha!”.

Suýt đoạt giải Nobel Văn học

Konstantin Paustovsky được đề cử giải Nobel Văn học bốn lần: vào các năm 1965, 1966, 1967 và 1968, nhưng ông chưa bao giờ trở thành người đoạt giải. Trong cuốn “Từ điển văn học Nga thế kỷ XX” viết “Konstantin Paustovsky không được trao giải Nobel Văn học vì lý do chính trị”. Năm 2017, các nhà nghiên cứu văn học nhận được một tài liệu của Ủy ban Nobel viết rằng việc đề cử Konstantin Paustovsky đã bị từ chối: “Ủy ban quan tâm tới đề nghị trao giải cho một nhà văn Nga, nhưng vì những lý do tự nhiên đành tạm gác lại”. Theo Wolfgang Kasack, vào thời điểm đó, chính quyền Liên Xô dọa trừng phạt kinh tế đối với Thụy Điển và nhấn mạnh rằng thay vì Konstantin Paustovsky, hãy trao giải cho “nhà văn lớn của Liên Xô Mikhail Sholokhov”.

Mặc dù Konstantin Paustovsky nhiều lần viết rằng sự trưởng thành của ông với tư cách là một nhà văn và một con người diễn ra dưới chế độ Xô Viết, và ông đã “phục vụ công cuộc xây dựng một xã hội mới, thực sự xã hội chủ nghĩa”, nhà văn vẫn không xin vào đảng, không viết một chữ nào về Stalin và không ký một bức thư vu khống nào.

Gặp gỡ ngôi sao điện ảnh Marlene Dietrich

Năm 1964, trong khuôn khổ chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, Marlene Dietrich đến biểu diễn tại Liên Xô. Bà là nữ diễn viên yêu thích của Konstantin Paustovsky, vì vậy ông không thể bỏ lỡ cơ hội. Và mặc dù lúc bấy giờ, nhà văn đang nằm viện để phục hồi sức khỏe sau một cơn nhồi máu cơ tim, các bác sĩ vẫn cho phép ông đến xem biểu diễn cùng với vợ và bác sĩ gia đình.

Điều thú vị là Marlene Dietrich cũng hâm mộ tác phẩm của Konstantin Paustovsky. Khi các nhà báo hỏi bà muốn gặp ai, bà nhắc tên Konstantin Paustovsky và kể về ấn tượng của mình khi đọc truyện ngắn “Bức điện”. Nữ diễn viên biết nhà văn đang nằm viện nên không hy vọng được gặp ông. Tuy nhiên, trước khi bước lên sân khấu, nữ phiên dịch thông báo với bà rằng Konstantin Paustovsky đang có mặt trong khán phòng.

Sau buổi biểu diễn, Konstantin Paustovsky bước lên sân khấu. Marlene Dietrich nhớ lại: “Quá bất ngờ trước sự hiện diện của nhà văn, tôi không thể thốt ra một từ tiếng Nga nào, tôi không tìm được cách nào khác để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với ông, ngoài việc quỳ xuống trước mặt ông”. Để kỷ niệm về cuộc gặp gỡ này, Marlene đã tặng nhà văn một bức ảnh có chữ ký của mình, còn Konstantin Paustovsky tặng bà tuyển tập truyện ngắn “Những mối tình đã mất” với dòng chữ: “Chị Marlene Dietrich quý mến, nếu tôi viết được một truyện ngắn nữa như “Bức điện”, thì tôi sẽ xin phép dành tặng chị”.

Nhưng mong ước ấy đã không trở thành hiện thực. Những năm sau đó, nhà văn thường xuyên chống chọi với bệnh tật và cố gắng giúp đỡ bạn bè của mình ở mức có thể. Ông lên tiếng bênh vực nhà văn Solzhenitsyn, cứu đạo diễn sân khấu Yury Lyubimov khỏi bị sa thải và ký một lá thư phản đối việc phục hồi danh dự cho Stalin. Konstantin Paustovsky trút hơi thở cuối cùng năm 1968.

Mười năm sau, năm 1978, nhà thiên văn học Nga Nikolay Chernykh phát hiện ra tiểu hành tinh số 5269. Ông đặt tên cho nó là Konstantin Paustovsky, để vinh danh nhà văn trên dải Thiên hà.

 Trần Đình/Vanvn

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm