- Lý luận - Phê bình
- Phồn Sinh - Bản trường ca về bản thể sự sống
Phồn Sinh - Bản trường ca về bản thể sự sống
Nhà văn Nguyễn Hiếu
(Vanchuongphuongnam.vn) - Theo tôi biết, tác giả trường ca Phồn Sinh đã được Tổ chức kỉ lục gia Việt Nam mời đến nhận bằng công nhận với tư cách là người sáng tạo ra kỉ lục một Thi phẩm có số lượng dòng thơ nhiều nhất (13.127 dòng) và số lượng chữ nhiều nhất (136.369 chữ) từ trước đến nay trong thơ Việt Nam. Quả thật, chỉ riêng về khối lượng cho đến nay làng thơ ca ở nước ta chưa có trường ca nào có độ dài như tác phẩm Phồn Sinh của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.
Tập sách Phồn Sinh
Phồn Sinh kéo liền một mạch 150 chương, in trọn 710 trang giấy khổ 16x24 với hàng nghìn câu thơ, thơ văn xuôi và văn xuôi xen kẽ; có nhiều chương thực sự là văn xuôi với cách diễn đạt theo tư duy văn xuôi. Thêm vào đó, các câu thơ và văn xuôi trong trường ca Phồn Sinh cũng trở thành một kỷ lục bởi cách viết không dùng đến dấu chấm, dấu phẩy ngắt câu chuyển đoạn, khiến các đoạn thơ, đoạn văn giống như những đợt sóng liên miên mang tải suy tư, cảm nhận thực sự và đa dạng của tác giả về cuộc sống, muôn loài, nhân thế.
Nếu căn cứ tiêu chí để đánh giá một tác phẩm từ tầm phổ quát của chủ đề tư tưởng, vấn đề phản ánh và hình thức đặc trưng thì Phồn Sinh có đầy đủ tố chất của một tác phẩm lớn. Nếu được chuyển sang ngoại ngữ, dịch ra những ngôn ngữ phổ cấp thế giới tôi tin trường ca này sẽ có tiếng vang và làm vẻ vang cho nền văn học đương đại Việt Nam.
Tôi đánh giá Phồn Sinh là một tác phẩm lớn về nội dung. Trường ca này đã động chạm và phản ánh một cách rõ nét, nhiều chiều và khá toàn diện vấn đề thuộc về bản thể luận trong quá trình phát triển sinh học của nhân loại. Không chỉ dừng ở sự phản ánh bản thể luận về sinh học mà tác giả còn tỏ ra tinh tường và chuẩn xác khi nhận ra bản thể sinh học đó mang tính quyết định như thế nào với các mặt có yếu tố xã hội của loài người từ tình yêu, hôn nhân, quản lý xã hội, chiến trang, hòa bình, các tệ nạn, mặt trái, mặt phải của cuộc sống con người. Đặc biệt và bao trùm lên tất cả là tác giả Phồn Sinh đã cắt nghĩa nguyên nhân cơ bản của mọi trạng huống trong xã hội loài người đều bắt đầu từ Phồn Sinh một cách thuyết phục với một tư duy biện chứng của một người am hiểu sâu sắc, có cách bài bản triết học - môn học cơ bản của mọi môn học. Về mặt nào đấy sự phản ánh, cắt nghĩa trong Phồn Sinh có những nét giống như chủ thuyết cơ bản trong Kinh dịch: thuyết âm dương ngũ hành. Hỗn độn âm dương, âm dương sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vô cùng... Chỉ có điều ở trường ca của mình, Nguyễn Linh Khiếu chỉ xoay quanh chủ đề âm - dương, đực - cái bằng tư duy triết học và ít nhiều cảm hứng công dân với cách diễn đạt của thi ca.
Để làm nên một trường ca, người ta có hai cách. Một là thi ca hóa một cốt chuyện, một truyền thuyết. Hai, người ta bắt đầu một tư tưởng, một ấn tượng mang tải mọi suy nghĩ về cuộc sống, xã hội. Trường ca Phồn Sinh là trường hợp thứ hai. Từ một cách nghĩ, lý giải mọi hiện tượng, trạng huống xã hội qua thuyết Phồn Sinh với nhiều góc độ khác nhau, nhưng qui tụ lại là âm dương - đực cái.
Phồn Sinh có hàng chục ngàn câu thơ chia ra làm 150 chương. Với chương khởi đầu bởi ấn tượng về khuôn mặt Muslim nào đó vào một buổi trưa trong một khu rừng đang vào xuân ở quốc đảo Malaysia ''đâm chồi nảy lộc''. Từ hai cá thể TA và NÀNG là hai nhân vật kinh điểm và trung tâm của thơ trữ tình, tác giả dần dần mở ra từng lát cắt cuộc sống, xã hội, đến thiên nhiên, loài vật, cỏ cây... Dường như để chứng minh cho chủ thuyết Phồn Sinh, tác giả đã huy động không thiếu hiện trạng gì, giống vật, cây cỏ, mọi trạng huống của thiên tạo, của xã hội. Nếu sáu chương đầu hai nhân vật trữ tình quen thuộc là Nàng và Ta chiếm lĩnh và được xem như hai chủ thể mở đầu thì bắt đầu từ chương thứ 7 của trường ca này, tác giả bắt đầu mở rộng đến việc mô tả, suy tư về vùng châu thổ Sông Hồng được xem như quê hương tác giả và được tác giả mặc định là trung tâm của biểu tượng Phồn Sinh. Phải chăng chính từ quan niệm là một trung tâm của biểu tượng Phồn Sinh nên Châu thổ Sông Hồng được kéo dài một mạch tới bốn chương, từ chương 7 đến chương 10, và gần như không tạo thành một qui luật nhưng là một thủ pháp khi hình tượng và thấm chí chỉ từ Châu thổ Sông Hồng thỉnh thoảng lại được nhắc lại theo các khía cạnh khác nhau (như ở chương 21, 116, 120, 130 và 144... ) cũng như khuôn mặt Muslim đã được gi đậm ở sáu chương đầu, vẫn thỉnh thoảng lại trở về trong sự mô tả các khía cạnh khác (như ở chương 22, 23, 98, 105 và 106...). Và, sau đó, Phồn Sinh bằng giọng thơ văn xuôi, và văn xuôi thực sự cất lên một cách hào sáng về chiến tranh, tự do, về sự nứng tình của muôn loài, về sự dân chủ trong thiên nhiên qua cách nhìn Phồn Sinh, về năng lượng, giải phóng bản năng, thực trạng xã hội, về lễ hội, về các nẻo đường, quy luật cuộc sống, cơ thể đàn bà, người mẹ, tiếng hát ru, về dân tộc, về kiếp luân hồi, các con giáp, về động vật nuôi, động vật hoang dã, vè cây cỏ, về các giáo chủ, về côn trùng, làng quê, về phù sa, về lịch sử, về đàn ông, đàn bà, về các thủ đô và đất nước tác giả đã từng đến, về các loài hoa, về bố mẹ tác giả, về bạn thời thơ ấu, về gió mưa, nhưng suy tư về luân lý cuộc sống, những cảm xúc mang dáng vẻ trữ tình, về triết gia, về các cuộc hành trình, về nữ quyền, về chính tác giả của bản trường ca Phồn Sinh... Nghĩa là, tất cả mọi sự vật, hiện tượng, mọi thứ có trên mặt đất, trong suy tư của con người từ cao đẹp đến thấp hèn, từ thiêng liêng đến tầm thường đều không vượt qua suy nghĩ của nhà thơ và được Nguyễn Linh Khiếu huy động để nói và cũng để chứng minh chủ thuyết chủ đạo được nêu trong thi phẩm này. Tác giả coi đó là trung tâm và là nguyên nhân của tất cả mọi thứ, mọi chuyển biến, chuyển động trên thế giới, trong xã hội. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến hình ảnh, Nhà thơ như một người ném lao lão luyện từ nhiều phía tung ra những mũi lao sắc nhọn nhằm đích đến là trung tâm nội trội nhất đó là Phồn Sinh. Hãy đọc nhưng câu thơ nồng nàn và thẫm đẫm đấy chất Phồn Sinh:
''rạo rực cây cỏ lộc mầm.../ / vang động nước reo bì bõm tiếng cá tôm vật mình thủy giao sinh đẻ/ náo nhiệt bầy ếch nhái ộp ạp ngụp lặn bì bõm giao hoan/ hân hoan thống thiết tiếng gọi nhau ời ợi róng riết côn trùng cái và côn trùng đực/ lộng lẫy những chân trời trâu bò lợn gà ngan vịt chó mèo chuột cáo cầy rắn rết hươu nai dê ngựa hổ báo sư tử cá sấu cá mập cá voi ba ba thuồng luồng tê giác voi rừng náo loạn cuống cuồng lên cơn động dục/ dạt dào biển cả thăm thẳm những động lực thần bí hoan hỉ nhịp điệu khai sinh'' (tr. 135).
Chính từ sự huy động gần như đầy đủ mọi sinh vật và trạng huống tự nhiên như vậy nên không chỉ một lần mà nhiều lần trường ca Phồn Sinh ngợi ca và khẳng định sự tự nhiên trong mọi sự phát triển thiên nhiên, con người và xã hội đều bắt đầu từ Phồn Sinh. Chính với sự qui nạp đó nên từ nhiều góc độ khác nhau tác giả lên án mạnh mẽ mọi sự trái tự nhiên, những thế lực hủy diệt sự sống. Mọi mặt nạ được tạo ra vì những quyền lợi chủ quan của con người đều đáng lên án và cần nhanh chóng gạt bỏ vì nó có hại cho quy luật bao trùm sự phát triển tự nhiên của tự nhiên, xã hội và con người đó là Phồn Sinh. Có thể nói đây chính là điểm đáng chú ý trong một trường ca mang cốt cách của một tác phẩm lớn. Tôi nhớ khi viết Hamlet, Shakespeare trở thành thiên tài khi từ việc mô tả một vụ án mạng trong cung đình mà chạm đến sự phổ quát của thế giới loài người. Đó là sự tồn tại hay không tồn tại của nhân loại trong một môi trường mà cái thiện phải vật vã để thắng được cái ác, mà cái ác lại đang được quyền lực bảo trợ, dung túng và bao che. Còn ở Phồn Sinh, Nguyễn Linh Khiếu dũng cảm chọn chủ đề về bản thể tức là ông đã bàn đến điều cơ bản của sự sống. Để làm bật được chủ đề này, bằng vốn liếng triết học và sự am hiểu rộng mở của mình, ông đã huy động tất cả những gì dính đến con người không loại trừ, không né tránh một trạng huống nào từ cao sáng đến thấp hèn, từ trang trọng đến trần truồng, thô lỗ... Khi nói đến sự tự do trong phạm vi bản thể luận ông viết một cách rành mạch:
''tự do bị cắt xén bị bóp méo nghĩa là con thú đội lốt người đang huyênh hoang máu may quay cuồng diễn trò nhân nghĩa cứu nhân độ thế''
Và, để quy tụ cho sự biểu dương của tự do một cách tự nhiên theo thuyết Phồn Sinh, ông không ngần ngại viết:
''không có tự do đàn ông bị liệt dương đàn bà quắt âm hộ/ không có tự do đàn ông rụng tinh hoàn đàn bà teo buồng trứng/ không có tự do các cơ quan sinh sản của nam nữ thái hóa biến chất dần dần héo khô hoàn toàn biến mất'' (tr. 59-60).
Quy tụ cho trung tâm Phồn Sinh - qui luật cơ bản của thiên nhiên và chính thông qua việc lên án những gì khiến qui luật này bị kìm hãm, tác giả trường ca Phồn Sinh có dịp bàn một cách thấu đáo, triệt để mọi tình huống mà xã hội loài người đương đại đang vướng bận mà đang tìm giải pháp để thoát ra, vượt lên. Ở chương 18 với một cách nhìn thấm đẫm tình yêu, ông viết:
''như nước Mekong lừng lững chảy từ đỉnh trời qua mọi núi non qua mọi đất đai qua mọi bến bờ qua mọi biên giới qua mọi thời đại qua mọi sắc tộc qua mọi tôn giáo qua mọi quốc gia qua mọi vương quốc qua mọi núi đồi qua mọi bản làng qua mọi ruộng nương qua mọi niềm tin qua mọi xác tín qua mọi giầu nghèo qua mọi sướng khổ qua mọi thành bại qua mọi sang hèn qua mọi buồn vui qua mọi sinh tử''
Chính từ cách nhìn biện chứng theo cách suy nghĩ của mình nên Phồn Sinh là bản trường ca bề bộn, phong phú, đa dạng nhiều sắc màu như chính tự nhiên. Có lẽ trong các tác phẩm văn học nước ta và nhìn rộng ra một vài khu vực chỉ duy nhất ở trường ca Phồn Sinh người đọc được đọc những câu thơ hào sảng ca ngợi bộ phận sinh dục, tinh trùng, sự rụng trứng, cơ thể phụ nữ, sức mạnh tình dục (chương 35; 67; 68; 69) đi liền với các chương lên án chế độ độc tài (chương 63), lên án chiến tranh (chương 10; 56; 57; 89; 90; 91), luận triết về dân tộc, hôn quân, bạo chúa (chương 14). Về thực trạng xã hội (chương 19), về đạo đức và cái ác (chương 64), về kiếp luân hồi, tư duy về 12 con giáp (chương 37; 38). Về truyền thuyết, tôn giáo (chương 118; 119); về những thành phố, đất nước mà tác giả đã từng qua (chương 78; 89; 123; 124; 126; 128); về kinh thánh, triết học (chương 78; 80); về quê hương Thái Bình (chương 26; 27; 117; 121); về chính khuôn mặt tác giả (chương 133; 134)... Và, đặc biệt, trở đi trở lại nhiều lần khuôn mặt Muslim khởi nguồn cảm hứng chủ đạo đã tạo nên trường ca Phồn Sinh đồ sộ đa chiều (chương 22; 98; 104 - 106). Và về... gần như mọi thứ có trên trái đất này.
Huy động, đụng chạm và mô tả đến một khối lượng lớn, đa dạng như vậy và bằng một ngôn ngữ cháy bỏng đầy nhiệt huyết, tác giả trường ca Phồn Sinh muốn qui nạp mọi diễn biến của xã hội, của thế giới, trọng đó điều hay điều dở đều có nguồn cội từ Phồn Sinh, từ sự thuận theo, hay sự chống lại quy luật tự nhiên mang tính bản thể này. Chính vì thế nên Nguyễn Linh Khiếu mới có những dòng thơ thực sự hào sảng về Phồn Sinh:
''ta phì nhiêu ta mỡ màu ta sầm uất ta tươi tốt ta mơn mởn ta non nà ta ngọt ngào ta ngát hương ta trù phú ta thịnh vượng ta phú quý ta đài các ta sang trọng ta hào hoa ta thoải mái ta cởi mở ta vui vẻ ta hồn nhiên ta phấn chấn ta hào hùng ta nồng nhiệt ta tưng bừng ta hồ hởi ta hân hoan ta lộng lẫy ta long lanh ta hăng hái ta nhiệt tình ta quan tâm ta dẫn dắt ta chăm lo ta săn sóc ta đôn đáo ta năng nổ ta đón đưa ta phóng túng ta bất chấp ta phiêu lưu ta mạo hiểm ta liều lĩnh ta hung hăng ta bất cần ta coi thường ta khinh miệt ta khoáng hoạt ta tự tin ta tràn trề ta sung mãn ta dũng mãnh ta kiêu hãnh... ta đắm đuối ta nhân hậu ta khoan dung ta độ lượng ta nhân văn ta cao thượng ta sáng ngời ta thần kì ta thiêng liêng ta vĩ đại...'' (tr. 125-126)
Để rồi đến chương 76 thực sự là những câu thơ Phồn Sinh đúng nghĩa reo lên hoan ca nồng nã, cháy bỏng một cách vật dục:
''trong những ngày mưa thuận gió hòa/ trong những ngày trời yên biển lặng/ trong những ngày hạ thủy tuyệt vời thiêng liêng/ chỉ riêng nàng biết/ ta trong nàng nóng bỏng chừng nào/ ta trong nàng to lớn chừng nào/... ta trong nàng quan trọng chừng nào/ ta trong nàng cao quý chừng nào/ ta trong nàng kỳ diệu chừng nào/ tra trong nàng hoành trắng chừng nào/ ta trong nàng vĩ đại chừng nào
chỉ khi trong cơ thể nàng ta mới hiểu có một tình yêu kỳ vĩ nàng đã dành cho ta/... chỉ trong cơ thể nàng ta mới hiểu vũ trụ này mới tuyệt mỹ làm sao thế giới này mới kỳ diệu làm sao...
chỉ khi đó những căng thẳng chất chồng của đực và cái của trống và mái của chàng và nàng của nước và lửa của sấm và chớp của đất và trời mới nổ tung giải phóng hoàn toàn lên cơn co giật cực kỳ nhân bản
chỉ khi đó tất cả mới bồng bềnh trôi dại trên cực điểm vũ trụ như con thuyền Noah trong cơn đại hồng thủy bi tráng tái tạo toàn bộ nhân loại/ chỉ khi đó ta mới thực sự thấu hiểu sự hoàn thiện hùng vĩ của thế giới'' (tr. 346-347).
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Có thể nói, đó là những câu thơ phiêu - thăng hoa trong trường ca Phồn Sinh, trong chừng mực nhất định có thể tiêu biểu cho chủ đề mà tác phẩm đồ sộ này đề cập. Chỉ có điều, tác giả vốn là người được đào tạo bài bản triết học nhưng khi viết Phồn Sinh, triết học chỉ còn là những yếu tố nằm sâu trong suy nghĩ của người viết và góp phần cho tác phẩm đào sâu hơn, toàn diện hơn của chủ đề của trường ca nhưng đọc đi đọc Phồn Sinh tôi vẫn nhận ra tố chất nhà thơ lấn át hoàn toàn tố chất nhà triết học. Tại sao tôi nói điều này. Bởi triết học đã dạy rất kỹ và cơ bản. Con người là động vật cao cấp nhất. Dẫu vẫn còn chữ CON trước chữ NGƯỜI, bởi nó vẫn mang chất bản năng của động vật nhưng hơn mọi loài, con người là động vật có tư duy duy nhất trong các loài vật trên hành tinh này. Chính vì có tư duy nên con người mới tạo ra cộng đồng với các thể chế khác nhau. Mới tạo ra qui tắc cuộc sống để kìm giữ và hạn chế sự nguyên thủy của xã hội. Con người tuy vẫn tồn tại theo nghĩa vật thể và phát triển nòi giống nhờ vào những hành vi bản năng động vật. Nhưng con người biết nhận ra những hành vi bản năng đó ở con người là riêng tư và cần đạt tới sự tinh tế - tế nhị. Tôi tin không phải tác giả Phồn Sinh không biết điều này nhưng với tố chất của nhà thơ và cảm hứng mạnh mẽ của mình, ông đã bỏ qua điều nhận thức cơ bản mang tính triết học để viết nên trường ca Phồn Sinh đầy mê đắm. Chính vì thế tôi nhận ra sự ''lộn xộn'' cố ý khi đảo ngược thứ tự các chương mà không hề mất mạch dòng chảy thơ, cũng như tôi nhận ra những câu thơ khác nhau viết cùng một ý. Như kiểu: ''ta mải miết hành trình khám phá trên xứ sở của nàng'' (chương 88, tr. 409), hay, ''ta đáng đi trên những nẻo đường của xứ sở người ta'' (chương 94, tr. 440).
Nhưng ngay cả sự trùng lặp này tôi cho cũng là dụng ý của tác giả khi ông muốn ghi càng đậm càng tốt vào trí nhớ độc giả những gì ông muôn nói về bản thể sự sống. Mà sự muốn nói ở đây cuối cùng cũng chỉ qui tụ vào Phồn Sinh. Qua trường ca này tôi càng nhận ra Nguyễn Linh Khiếu là một nhà thơ đích thực, một nhà thơ công dân. Ông quan tâm đến những vấn đề xã hội một cách tình cảm yêu thương rất mực và thực sự phẫn nộ trước mọi điều bất công, trang trái ở chỗ này hay chỗ khác và theo tôi ông cũng đã nhận ra nguyên nhân bao trùm đã tọa nên điều đó nhưng vì nhiều lý do, ông đã tìm đến và qui nạp vào tự nhiên và bản thể bao trùm của nó là ''thuận hòa theo âm dương phồn sinh thì tốt đẹp, phát triển, phản lại nó là dần dần tự diệt mình''.
Trường ca Phồn Sinh đã chạm đến chủ đề lớn cơ bản và nhân sinh của thiên nhiên, của triết học - bản thể luận. Dù có điều nọ điều kia thì về mặt nội dung tác phẩm này xứng đáng thuộc bậc của một tác phẩm lớn. Vậy mang tải nội dung này hình thức, hay nói khái quát hơn là thi pháp của tác phẩm có phù hợp, có xứng tầm không?
Phồn Sinh muốn đứng từ góc độ nào đó nó vẫn là một trường ca - thuộc một trong những thể loại của những nhà thơ có nội lực thơ yêu thích. Trường ca Phồn Sinh hiện ra trước mắt người đọc và các nhà chuyên môn trong tình trạng thơ ca Việt Nam đang bị căn bệnh trầm kha là thơ giống nhau, hay tôi thường gọi là thơ lẫn. Trong một bài viết cách đây 20 năm, khi nhận định về một nhà thơ đã được định danh, tôi viết "thơ ông có thể nói bài nào cũng từa tựa bài nào giống như người lính nhìn từ đằng sau trong hàng quân''. Đáng buồn hiện tượng thơ giống nhau - thơ lẫn nhau đang phổ cập trong nền thơ đương đại nước ta. Hàng nghìn nhà thơ của xứ ta hàng ngày đẻ ra hàng nghìn bài thơ. Bài nào cũng có một lối cảm xúc, một ý tưởng, một cấu trúc, thậm chí một tu từ, suy tưởng cũng chẳng khác biết mấy. Trong hàng nghìn người viết thơ giỏi lắm đếm được trên đầu ngón tay những nhà thơ tạo được lối đi riêng của mình trong đó có Nguyễn Quang Thiều. Không ít người làm thơ cũng nhận ra sự lẫn này nên đã đi tìm những lối biểu hiện mới. Nhưng đa phần là thất bại sau khi đẻ ra những bài thơ giống như những bản dịch thơ nước ngoài mà người ta gọi mỹ miều là ''hậu hiện đại'', hay đưa vào thơ những điều không thuộc về thơ như từ ngữ dung tục, tự nhiên. Riêng nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - tác giả trường ca Phồn Sinh thực sự cá biệt hóa được thi pháp của ông để trong tác phẩm này ông đã tạo ra một phong cách thơ ít nhiều đặc trưng, cá thể và có thể chấp nhận được.
Đặc điểm đầu tiên của thi pháp Phồn Sinh là tác giả đã huy động được một khối lượng ngôn từ, phần nhiều là những tân ngữ, trạng từ và cả biện pháp tu từ cực kỳ phong phú để chuyển tải những gì ông cần đưa đến cho độc giả.
Hãy thử đọc đoạn thơ nói về ''ta là nhà thơ của xứ sở mình'' với ngồn ngộn lượng từ mang chức năng trạng ngữ: ''ta phì nhiêu ta mỡ màu ta sầm uất ta tươi tốt ta mơn mởn ta non nà ta ngọt ngào ta ngát hương ta trù phú ta thịnh vượng ta phú quý ta đài các ta sang trọng ta hào hoa ta thoải mái ta cởi mở ta vui vẻ ta hồn nhiên ta phấn chấn ta hào hùng ta nồng nhiệt ta tưng bừng ta hồ hởi ta hân hoan ta lộng lẫy ta long lanh ta hăng hái ta nhiệt tình ta quan tâm ta dẫn dắt ta chăm lo ta săn sóc ta đôn đáo ta năng nổ ta đón đưa ta phóng túng ta bất chấp ta phiêu lưu ta mạo hiểm ta liều lĩnh ta hung hăng ta bất cần ta coi thường ta khinh miệt ta khoáng hoạt ta tự tin ta tràn trề ta sung mãn ta dũng mãnh ta kiêu căng ta ngông nghênh ta kiêu ngạo ta thách thức ta kiên cường ta khuất tất ta nhẫn nại ta đắm đuối ta đa đoan ta lãng mạn ta nhân văn ta thật thà ta chất phác ta chân thật ta mộc mạc ta giản dị ta đơn sơ ta dịu dàng ta mềm mại ta mặn mà ta nhân hậu ta nhân văn ta khoan dung ta độ lượng ta cao thượng ta sáng ngời ta thần kì ta thiêng liêng ta vĩ đại'' (tr. 215-216).
Đây chỉ là một đoạn trong hàng trăm đoạn của Phồn Sinh dùng thủ pháp đưa ra trùng điệp một lượng từ theo các biểu cảm khác nhau để bổ nghĩa và làm mọi sắc thái của chủ thể TA. Điều này ngoài sự ghi nhận về sự phong phú đa dạng của ngôn từ của nhà thơ được huy động thì người đọc thấy sự nhại thiên nhiên mà Nguyễn Linh Khiếu thực sự cố ý. Nhưng ngay trong thủ pháp này cũng thấy nhược điểm mà người đọc tinh mới nhận ra đó là sự lặp lại, sự trùng lặp. Sự lặp lại, sự trùng lặp (đôi khi vô tình như từ nhân văn trên đoạn thơ trích dẫn) không chỉ ở biểu cảm mà còn ở khá nhiều đoạn trùng lặp về ý tưởng.
Thí dụ, chủ đề về Châu thổ Sông Hồng đã được ngân nga khá hay ở 4 chương, từ chương 7 đến chương 10 thì chủ đề này lại quay lại ở các chương 21, 116, 120, 130, 144. Hay, chủ đề về khuôn mặt Muslim được viết khá kỹ từ nhiều sắc thái ở 6 chương đầu, sau lại quay lại ở các chương 22, 23, 98, 105, 106... Hiện tượng lặp này khiến người đọc có cảm giác về sự tùy tiện trong tư duy, sự eo hẹp về tưởng tượng mặc dù ở Phồn Sinh cả hai yếu tố tư duy và tưởng tượng của tác giả đều rất sung mãn. Vì thế, kẻ viết bài này trộm nghĩ giá Nguyễn Linh Khiếu chắt lọc hơn, thu gọn, dồn nén hơn thì trường ca này đậm đặc hơn điều nhà thơ chuyển tải.
Trường ca Phồn Sinh thêm một đặc điểm nữa là không xử dụng dấu ngắt câu là châm và phẩy. Hình như trước đây trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Chính cũng đã bỏ qua dấu phẩy. Tôi đồ rằng Nguyễn Linh kHiếu khi chọn đề tài về bản thể luận bao trùm thiên nhiên thì ông cũng tìm đến hình thức viết nó để mô phỏng thiên nhiên. Gió mưa, bão bùng, con kiến, con voi, tinh trùng và trứng, con cá, con vịt, Vạn lý trường thành và chiếc lều bên sông Hồng... tồn tại động hiện trên mặt đất. Là một nhà triết học, thâm hậu nhưng khi ở tâm thế nhà thơ để nhại lại thiên nhiên Nguyễn Linh Khiếu đã bỏ đi dấu chấm, dấu phẩy, mọi dấu biểu cảm mặc dù có lẽ tác giả thừa biết thiên nhiên dù bề bộn đến đâu vẫn có qui luật của nó. Hết mưa mới đến nắng, phải có con đực con cái giao hòa nhau mới sinh nở, trường tồn được. Cá không thể sống không nước, kiến rơi xuống nước là chết. Ở đây khi nhà thơ phiêu thì triết gia chìm hẳn. Sự không dùng các dấu câu, sự không thực hiện các cú pháp bình thường chính là khoảng thăng hoa của nhà thơ. Điều này ít nhiều cũng làm những dòng thơ trong Phồn Sinh tuy nặng ý tưởng nhưng lại thiếu sự gọn gàng và sự trong sáng của những ý tưởng mà nhà thơ gửi gắm.
Điều nữa tạo ra sự riêng biệt khá rõ trong Phồn Sinh là nhà thơ dùng khá nhiều các câu nhắc lại trong từng câu thơ, trong khổ, trong chương
''ta cứ đi lang thang.../ ta cứ đi lang thang như một ký giả.../ ta cứ đi lang thang như một triết gia.../ ta cứ đi lang thang như một người tình'' (tr. 298-300).
Hay mở đầu chương 88 những câu nhắc lại này lại được nhắc lại tuy có đôi chút biến tấu; ''ta mải miết hành trình khám phá trên trên sở của nàng/ như một thi nhân/ như một triết gia/ như một kí giả/ như một lữ khách lang thang vô bờ bến/ như một đích thực đàn ông hào phóng đi khắp thế gian phát tán nòi giống cao quí của mình'' (tr. 409).
Chính là sự mô phỏng cú pháp các loại kinh của nhiều tồn giáo, trong đó rõ nhất là kinh Phật với câu vừa mở đầu vừa kết thúc vừa là câu đệm để lấy hơi tiêu biểu là ''nam mô a di đà phật'' , hay chính là một câu trong kinh Qur'an của Hồi giáo mà tác giả đã nhiều lần dẫn lại trong trường ca Phồn Sinh: ''Nhân danh Allah Đấng Rất Mực Độ Lượng Rất Mực Khoan Dung''. Các nghiên cứu phân tâm học và tâm thần học nhận thấy chính sự ê a ề à, sự lặp lại một cách trùng điệp các điệp từ của các bản kinh không chỉ tạo nên giai điệu lời cầu, tạo ra không gian thiêng liêng mà còn vô thức đưa tâm thần con người trôi dạt vào trạng thái mê hoặc thôi miên vô định. Ta dễ dàng nhận thấy Nguyễn Linh Khiếu trong suốt trường ca Phồn Sinh đã sử dụng thi pháp kinh thánh một cách có chủ đích.
Hãy nghe một đoạn thuyết giảng say mê trong trường ca Phồn Sinh. Mặc dù đọc kỹ đoạn này hình như là phản biện trước tất cả những gì Nguyễn Linh Khiếu kì công viết trong hàng nghìn câu thơ của Phồn Sinh:
''chỉ có trong môi trường giầu tính người/ chỉ có trong môi trường thấm đẫm nhân văn/ chỉ có trong môi trường thật sự trong lành thực sự văn hóa thực sự bao dung thực sự văn minh thực sự hòa bình độc lập tự do dân chủ thực sự khoan hòa nhân ái// dân mới được làm dân/ quan mới được làm quan/ chồng mới được làm chồng/ vợ mới được làm vợ'' (tr.435-436).