TIN TỨC

Được trở về với mẹ | Trầm Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1835 lượt xem

BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

TRẦM HƯƠNG

Tôi nhớ như in lời con nói trước lúc ra đi. “Mẹ yên tâm, tuy con còn nhỏ tuổi nhưng con không xốc nổi. Đã đi theo cách mạng thì không bao giờ quay gót, phản bội”.

Bà mẹ VNAH Huỳnh Thị Xem bên di ảnh liệt sĩ Đặng Văn Rêu. Mẹ nói:“Thằng Rêu là đứa con duy nhất, khi hy sinh còn để lại cho tôi bức ảnh!”

Mẹ Huỳnh Thị Xem, ở Xóm chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi là nhân chứng của một thời phụ nữ sống trong tăm tối, tủi nhục dưới chế độ thực dân phong kiến. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, cô gái tên Xem sớm tháo vát, trở thành trụ cột chính, đỡ đần cho cha mẹ nuôi đàn em. Ở tuổi 84, ký ức thời thiếu nữ làm công nhân cạo mủ cao su vẫn nguyên vẹn trong lòng mẹ. Đời công nhân cạo mủ rất cơ cực. Thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, cô gái đang tuổi ăn tuổi ngủ quàng vội chiếc khăn lên đầu, cầm lấy dao và thùng ra khỏi nhà. Sương khuya ướt lạnh, muỗi dày đặc, cô gái lầm lũi cạo mủ, cho đến trưa mới trở về nhà. Dòng nhựa trắng đổ vào sự phồn vinh của những chủ đồn điền, những ông chủ Tây. Đời công nhân cứ thế trôi đi trong đói nghèo, lặng lẽ giữa cánh rừng cao su…

Nhật đảo chánh Pháp. Rồi Cách mạng tháng Tám. Cô gái mới 17 tuổi năm ấy bắt đầu hiểu ra những điều từ lâu bị che phủ bởi rừng cao su dày bịt. Đó là sức trỗi dậy của một dân tộc đòi độc lập tự do. Làng xóm quê hương cô dường như được thổi vào luồng sinh khí mới. Ở An Phú và các xã lân cận, bà con kéo nhau về Sài Gòn, dự mít-tinh mừng độc lập. Những ngày ấy, ở làng bên có anh thanh niên tên Đặng Văn Bèo cậy mai mối cưới cô về làm vợ. Lúc đầu, cô không chịu lấy chồng vì không biết, không quen. Nhưng gia đình đã nhận trầu cau, với quan niệm “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mẹ đành phải chấp nhận cuộc hôn nhân với anh Bèo. Tuy nhiên, sau thời gian sống chung, tình cảm dần nảy nở. Lần lượt, tám đứa con ra đời…

 Làn gió cách mạng tháng Tám thổi bùng lên lòng yêu nước tiềm ẩn trong mỗi con người. Pháp quay trở lại, tái chiếm Nam kỳ. Đôi vợ chồng trẻ cùng tham gia kháng chiến. Chồng mẹ gia nhập lực lượng dân quân. Mẹ cùng bà con Củ Chi đốn tre rào xã chiến đấu. Nhắc đến những năm tháng chống Pháp hào hùng, mẹ sôi nổi hẳn lên. Mẹ kể mạch lạc về các phong trào của Phụ nữ Cứu Quốc mà mẹ đã tham gia, nào “Hũ gạo nuôi quân”, canh gác báo tình hình địch, phong trào đời sống mới, sản xuất, đóng góp lương thực nuôi quân… Mẹ sôi nổi kể về phong trào bình dân học vụ. Mẹ chưa từng biết chữ. Nhờ mấy lớp học “bình dân” mà mẹ biết đọc, biết viết. Để minh chứng cho những lời mình nói, mẹ lấy bút, ghi nắn nói vào quyển sổ tay ghi chép của tôi chữ “Xem”. Mẹ nói: “Cũng là chữ ký của tôi đó!”. Bà mẹ trước mặt tôi, với vẻ mặt phúc hậu, tuổi cao, sức yếu nhưng quý báu biết bao, khi chính bản thân mẹ là nhân chứng sống động, vừa là người góp phần vào của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mẹ nhớ tên từng đứa con, với từng kỷ niệm yêu thương. Mẹ kể: “Ở quê, đặt tên con mộc mạc lắm. Chồng tôi tên Đặng… Vậy là tôi đặt tên các con: Đặng Văn Rong, Đặng văn Rêu, Phạm Văn Ba, Đặng Thị Thơ, Đặng Văn Lơ, Đặng Văn Nhanh, Đặng Văn Mơ, Đặng Văn Đắc, Đặng Thị Mộng”. Tôi thắc mắc hỏi mẹ: “Các con mẹ đều mang họ Đặng, sao một anh lại có tên “Phạm Văn Ba?”. Mẹ cười hồn hậu nói: “Đó là đứa cháu. Cha nó chết, lúc nó còn trong bụng mẹ. Sanh ra nó mới mấy tháng, mẹ nó lấy chồng khác. Tôi nuôi thằng Ba từ nhỏ. Không phải là con ruột nhưng nó thương tôi lắm!”. Ở Củ Chi, có rất nhiều những bà mẹ nghèo như mẹ Huỳnh Thị Xem nhưng tấm lòng rộng mở. Trong đói nghèo, cuộc sống gian khổ, khó khăn; mẹ vẫn sẵn lòng cưu mang, đùm bọc đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ. Và mẹ đã được đền đáp bằng yêu thương…

 Hai người con của mẹ lên đường đi chiến đấu cùng một lượt. Đó là anh Đặng Văn Rong và anh Phạm Văn Ba. Dẫu nhiệt tình, ủng hộ các con thoát ly gia đình đi đánh Mỹ nhưng mẹ không tránh được sự trống vắng, hẫng hụt. Chấp nhận cho những đứa con trai đang tuổi lớn, là nguồn lao động chính của gia đình tham gia quân giải phóng cũng là một đóng góp to lớn cho cách mạng. Nhìn những đứa con trai cao lớn, khỏe đẹp; mẹ không khỏi chạnh lòng, nhớ những ngày gian khổ nuôi con. Mẹ chắt ra những giọt sữa nuôi con từ những con cá, cọng rau quê nghèo. Khi con ốm đau, mẹ là người thức suốt đêm canh con ngủ. Mắt mẹ rơm rớm khi khìn anh Phạm Văn Ba - đứa con nuôi mẹ cưu mang khi mới biết đi lẩm chẩm. Dầu không sinh ra anh nhưng tình mẫu tử tràn ngập, chan chứa yêu thương. Mẹ thương anh Ba, bênh vực đứa trẻ mồ côi, dành cho anh chiếc áo đẹp hơn, chén cơm đầy hơn cả những đứa con ruột thịt, với ý nghĩ giản dị của một bà mẹ Nam Bộ: “Bù đắp cho anh đứa nhỏ những thiệt thòi khi không có cha lẫn mẹ từ tấm bé”.

Như những bà mẹ Củ Chi đất thép thành đồng, mẹ Huỳnh Thị Xem không hề ngăn những đứa con, khi các anh bày tỏ ước nguyện đi chiến đấu. Tôi hỏi mẹ: “Phút chia tay, mẹ nói với các anh điều gì?!”. “Tôi nói: “Con ơi, làm cách mạng không dễ. Nếu con quyết chí ra đi, giải phóng hãy về. Đừng thấy người ta đi, xốc nổi đi theo, giữa chừng cực khổ, hiểm nguy không kham nổi, đào ngũ trở về là không được đâu?!”. Thằng Rong nói lời gan ruột: “Con ở lại, “Quốc gia” cũng bắt con đi quân dịch. Con đi theo cách mạng, giữ nước giữ làng. Sống thì được trở về với mẹ, chết thì được chết vì nước!”. Nghe con nói vậy, tôi biết nói gì thêm, nuốt lại nước mắt, xếp quần áo, võng, tấm ni lông vào chiếc bòng cho nó, rồi móc túi, lấy hết tiền, chia đôi cho thằng Rong với thằng Ba, mỗi đứa phân nửa!”.

Con đi, mẹ luôn dõi theo con. Lần ra đường dây giao liên, mẹ biết tin anh Rong được đưa vào đơn vị pháo binh. Mẹ vui trong lòng khi nghe đồng đội khen anh Rong bắn pháo giỏi. “Tôi  không lạ chuyện đó, vì thằng Rong trước khi đi bộ đội học toán rất giỏi. Mà không vui sao được, khi một lần tìm lên đơn vị thăm nó, cậu bộ đội không biết tôi là mẹ thằng Rong, nghe pháo bắn xuýt xoa: “Đơn vị mình có thằng Rong gan lắm, bắn pháo tài lắm, giặc chạy có cờ”.

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Sau Mậu Thân, địch huy động mọi sức mạnh chiến tranh, nhằm đẩy lùi vùng bàn đạp quân giải phóng ra xa nội đô Sài Gòn. Vùng căn cứ Củ Chi bị đánh phá nặng nề. Anh Phạm Văn Ba công tác trong một binh công xưởng bị bom xăng Mỹ đốt cháy.  Hay tin dữ, mẹ lặn lội vào chiến khu Xa Nhỏ, Trung Hòa thăm con. Mẹ lặng người nhìn thân thể anh Ba bị biến dạng, nghe đau rát khắp cơ thể như chính mình bị đốt cháy. Mẹ khóc, xin đơn vị đưa anh Ba về chăm sóc. Anh Ba nói: “Con được cách mạng đưa đi an dưỡng, mẹ đừng lo. Lành vết thương, con sẽ tiếp tục đánh giặc”. Không phải là đứa con mẹ đứt ruột sinh ra nhưng anh Ba dành trọn tình yêu thương dành cho mẹ. Mẹ xót xa nhìn đứa con khỏe đẹp, lành lặn trước lúc lên đường đi chiến đấu giờ không còn hình hài nguyên vẹn. Anh cười tươi cho mẹ yên tâm. Thương con, mẹ không cười được, nước mắt cứ tuôn rơi…

Mẹ Huỳnh Thị Xem lau nước mắt: “Tôi đâu biết đó cũng là lần cuối cùng gặp thằng Ba. Trên đường đi an dưỡng về, thằng Ba hy sinh. Tôi không muốn tin là nó đã chết. Nhưng nó chết thiệt, chết mà không tìm được xác!”. Tiếp nối hai anh, Đặng Văn Rêu bày tỏ với mẹ nguyện vọng thoát ly vào căn cứ. Mẹ lặng đi. Nhưng rồi mẹ không thể ngăn ý chí con, dù biết rằng anh Rêu ra đi, mẹ sẽ rất khổ, rất cực. Từ ngày hai con lớn đi bộ đội, Anh Rêu là trụ cột lao động chính cho gia đình, đỡ đần mẹ những chuyện nặng nhọc, phụ nuôi đàn em 6 đứa còn nhỏ dại. Nhưng quê hương bị bom đạn Mỹ cày nát, lớp lớp thanh niên tòng quân, nhập ngũ; mẹ biết mình không thể ngăn bước chân con. "Thì cũng giống như lúc thằng Rong, thằng Ba đòi đi theo cách mạng, tôi lẳng lặng sắm quần áo, võng, mua cho nó chiếc đồng hồ để khi đi đường, nó còn biết giờ, biết mẹ ở quê nhà, mong từng giờ từng khắc được gặp lại con!”.

 Trong đàn con, anh Đặng Văn Rêu là đứa con trai có nhiều kỷ niệm gắn bó với mẹ. Mẹ nhớ: “Thằng Rêu sinh năm 1950, đẹp trai, tính tình gan lì, ít nói nhưng nó giàu tình cảm. Tôi rất hiểu bụng nó!”. Vì lẽ đó, năm 1967, khi nghe tin anh Rêu chiến đấu, sa vào tay giặc, bị đưa vào bót Trâm Vàng chiêu hàng, anh đã thể hiện khí phách người chiến sĩ đến hơi thở, giọt máu cuối cùng, thà chết, cương quyết không đầu hàng giặc, thì mẹ hiểu đó là lựa chọn của con. Anh Đặng Văn Rêu đã giữ đúng lời hứa với mẹ trước lúc ra đi. “Mẹ yên tâm, tuy con còn nhỏ tuổi nhưng con không xốc nổi. Đã đi theo cách mạng thì không bao giờ quay gót, phản bội”. Anh Đặng Văn Rêu bị địch giết ở bót Trâm Vàng, khi mới 17 tuổi. Kẻ thù vùi xác anh ở một nơi nào, cho đến giờ mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhiều năm qua, lòng mẹ vẫn đau đáu niềm mong ước đưa hài cốt đứa con trai về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Nhưng mơ ước ấy, cho đến giờ, đối với mẹ đã trở nên rất xa xôi. Không tìm được hài cốt con, mẹ có niềm an ủi: “Thằng Rêu là đứa con duy nhất, khi hy sinh còn để lại cho tôi bức ảnh!”. Như nhiều bà mẹ ở Củ Chi lúc ấy, mẹ phải đối mặt với sống chết, đói nghèo; không kịp nghĩ đến chuyện chụp hình xa xỉ.

Anh Rong không hề hay mẹ luôn dõi theo bước chân anh. Đêm đêm, nằm nghe tiếng pháo, mẹ giật mình tỉnh giấc. Mẹ đốt lên ngọn đèn, ngồi thao thức, bồn chồn, lo lắng, không biết đơn vị pháo của con giờ đặt ở nơi đâu?! Mẹ xòe bàn tay nhẩm tính: “Thằng Rong đi đã được ba năm rồi. Vậy mà chưa lần nào nó về thăm mẹ. Không biết vào pháo binh, nó lớn thêm không? Nó có gặp cô gái nào không?”. Mẹ mong mau hòa bình, thống nhất để anh con về quê cưới vợ, để mẹ có cháu ẵm bồng”. Đáp lời mẹ là tiếng bom đạn gầm rú, tiếng đại bác làm rung chuyển mặt đất. Con bận công tác, không về thăm mẹ được, thì mẹ lọ mọ, móc giao liên đi thăm con. Mẹ chắt chiu từng ngọn rau, con cá, con tôm. Có được ít đồng, mẹ dành dụm mua cho các con khi là bộ quần áo, chiếc đồng hồ, chiếc radio tặng cho con. Anh Rong cảm động nhận chiếc radio mới tinh của mẹ, vặn nghe tin tức, gương mặt sáng bừng vì mừng vui và cảm động. Anh nói với mẹ: “Mẹ đừng lo gì cho con. Khi nào thống nhất nước nhà, con sẽ về!”

 Ngày thống nhất đất nước, mẹ lặng buồn, vì cả ba con trai mẹ không trở về. Ba năm sau ngày anh Rong ra đi, năm 1969, mẹ hay tin anh hy sinh. Lặng đi một lúc, mẹ lau nước mắt, nghẹn ngào: “Thằng Rong hy sinh ở Phú Mỹ Hưng. Mãi đến ngày hòa bình, tôi mới đưa được hài cốt con về nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi. Hài cốt hai đứa kia thất lạc cho đến nay”. Tôi hỏi mẹ: “Các anh là trụ cột đi bộ đội hết rồi, mẹ làm gì để nuôi đàn con?”. Mẹ không trả lời ngay câu hỏi, mà kể về những ngày cùng chồng, dắt đàn con nhỏ trên chiếc xuồng mong manh, tản cư qua An Phú Đông, rồi qua Bình Phước. Vật lộn với sóng to gió lớn, sự sống gia đình mẹ tựa trên chiếc xuồng mong manh. Mẹ có nghề đóng đáy, lưới bắt cá kiếm sống. Vậy mà Mậu Thân năm 1968, mẹ sẵn sàng cho cách mạng mượn xuồng chở quân. Người mẹ Củ Chi năm ấy không chỉ dâng hiến cho Tổ quốc ba người con trai khỏe đẹp, chống chọi với bom đạn, tần tảo nuôi đàn con, mà còn dấn thân vào các cuộc đấu tranh. Ký ức những cuộc đấu tranh chính trị vẫn tươi nguyên trong lòng mẹ: “Khi đi đấu tranh, chị em cầm giỏ bàng, mía, nước dừa, chai xá xị như đi chợ. Lúc khát, tụi tôi lấy mía ăn, lấy xá xị uống. Lúc bị địch phát hiện, đàn áp; đội quân tóc dài lấy mía, chai xá xị chống lại. Chị em còn hát những bài hát đấu tranh!”.

Bà mẹ ở tuổi 84 cất giọng lanh lãnh, hát những bài ca tranh đấu năm xưa: “Dân quân miền Nam mau bồng súng ra sa trường…”. Hiển hiện trước mặt tôi là bà mẹ Củ Chi đất thép thành đồng, với cách kể chuyện dung dị, với nỗi đau khi nghe con hy sinh nuốt nước mắt vào trong…

Bà mẹ VNAH Huỳnh Thị Xem, sinh năm 1928, ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, có chồng và ba con trai hy sinh.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm