TIN TỨC

Nhịp thời gian – nhịp thở tâm hồn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
684 lượt xem

PHAN NGỌC QUANG

Như lời tự bạch trong lời mào đầu của tác giả, tập thơ mang tên "Nhịp thời gian" nội dung vẫn là tiếng nói say đắm của tình cảm, tâm tư và xúc cảm trước cảnh vật thiên nhiên, xã hội, con người và cuộc đời đầy yêu thương. Trong dòng chảy dạt dào đó, đồng thời  không thể thiếu mạch nguồn tình yêu quê hương, gia đình, anh em, bè bạn... trong vòng tay rộng lớn.

Không chỉ giàu có về đề tài, Nhịp thời gian của nhà thơ Hoàng Đình Hòa – Hội viên Hội VHNT Vĩnh Long - còn phong phú về thể loại. Nếu ai để ý thì thấy rõ, bên cạnh thể thơ đậm màu sắc dân tộc như lục bát, tập thơ còn biết phát huy thể thơ ngũ ngôn theo giọng ví giặm vốn sinh ra từ quê hương tác giả. Những câu thơ gieo vần mộc mạc như được chắt chiu từ dòng sữa của dân ca, hơi thở của tục ngữ, đồng dao... quen thuộc mà thân thương. Bài thơ Hoàng hôn trên sông Tiền là một điển hình. Trên chuyến phà chiều có bóng dương tà soi mặt nước tô thêm sắc diện mây xanh, núi biếc được gói gọn trong một hình ảnh sáng tạo: “Ráng trời tây đỏ ối/ Trải dài một vệt son”. Vừa dùng phương pháp ẩn dụ vừa kết hợp nhân cách hóa, hình ảnh “một vệt son” như đôi môi xinh của người thiếu nữ vùng sông nước Nam bộ duyên dáng yêu kiều. Vẻ đẹp của cảnh chiều là vẻ đẹp của người con gái đã in trên nền trời mà nổi bật hơn cả là “Ráng trời tây đỏ ối”. Bến phà hôm đó còn gợi nhớ hình ảnh người em gái mảnh mai về cù lao trong tiếc nuối để “Bến sông anh mãi ngóng”. Thì ra “Hoàng hôn bên sông Tiền” không phải câu chuyện về hoàng hôn mà là câu chuyện tình hoàng hôn. Tôi thích khổ cuối bài thơ vì có sự bất ngờ trong niềm hy vọng để rồi nuối tiếc mãi không thôi: “Khách hối hả lên bờ/ Ngỡ em sang, anh đón”. Sự chờ đợi là có thật, nỗi nhớ mong không chỉ một chiều mà là niềm hy vọng dù rất mong manh và xa ngái.

Đó cũng là mạch nguồn cảm xúc khó nói hết thành lời trong bài Em đi trong nắng mai. Rõ ràng thời điểm gieo cảm xúc của tác giả không phải là buổi chiều tà mà là một sớm mai đầy nắng. Tuy bài thơ không nhắc nhiều đến em – nhân vật trữ tình - mà chủ yếu tả cảnh vật nhưng hình ảnh người con gái vẫn thoắt ẩn thoát hiện trong từng khổ thơ 5 chữ: “Thương duyên vùng nước lợ/ Mặn ngọt như bùa mê”.  Ngay ở khổ đầu tiên, sau câu thơ quen thuộc: “Bước chân đầy hối hả” tác giả đã vẽ nên một bóng dáng tảo tần, lặn lội: “Cùng nhịp đời đưa thoi”. Không giống như bài thơ trước, niềm hy vọng của sự mong chờ đã được đền đáp khi hạnh phúc tưởng như đã viên mãn: “Gió xuân thổi mát rượi/ Quà mừng tình chúng ta”.

Thể thơ ngũ ngôn còn được Hoàng Đình Hòa vận dụng nhiều trong những đề tài khác lạ để cho ra đời những bài thơ “mặc áo câu chuyện” nhưng “gánh nặng tâm tư” như: Tết ông Công ông Táo, Hoa nhà mùa đông, Chiều mùa đông, Khi nào cái đúng thăng hoa, Ký ức... Mỗi bài thơ, ta như thấy bóng dáng câu ví giặm đò đưa của dòng sông Lam phảng phất trong đó nghĩa tình thắm đỏ.

Lục bát của Hoàng Đình Hòa vẫn là lục bát của ca dao, tục ngữ mang đầy phong vị làng quê. Nhưng không chỉ có thế, nhiều khổ thơ được nâng tâm bởi cách nghĩ mới của tác giả trước cảnh quan thực thể: “Hồn quê nặng bước thương yêu/ Bông hoa gạo đắp phù điêu ngàn trùng” (Mộc miên tháng ba). Đó là những câu thơ đã đạt tới chiều cao suy tưởng, chiêm nghiệm không chỉ gói gọn trong phạm vi không gian tả thực. Ở bài Tìm lại ngày xưa cũng có nhưng câu thơ tương tự: “Ta về tìm tuổi thơ ngây/ Kỉ niệm xưa cứ khi đầy khi vơi”. Rõ ràng thơ lục bát qua bàn tay nhào nặn của tác giả đã có hồn cốt và sinh khí hơn. Bài thơ khép lại bởi câu thơ chất chứa ngồn ngộn suy tư của người xa xứ: “Xòe tay mười ngón vắn dài/ Thấy trong đó những hình hài quê xưa”. Không chỉ có tâm hồn cao quý của người thường trực tương tư quá khứ mà còn có những câu thơ đẹp như tranh vẽ trên đôi tay của mình. Đó cũng là trục cảm xúc của bài lục bát Ta về với những câu thơ nồng ấm tình đời: “Bướm vàng chao lượn êm đềm/ Đã thành ký ức nặng niềm yêu thương”. Như cầm được trong tay tấm vé trở về tuổi thơ, anh sung sướng tột độ: “Quê hương non nước trập trùng/Ta về ôm cái vẫy vùng tuổi thơ”.

Dưới bàn tay sáng tạo của anh, thể thơ lục bát cất tiếng nói đủ mọi cung bậc trầm bổng. Đó là cách “rơi dòng tuột chữ” theo thể thơ bậc thang trong bài Cuối thu để có thêm ấn tượng cho giãi bày cảm xúc: “Cuối trời/ mưa vẫn mưa rơi/ Phương em/ mù mịt một trời nước tuôn/ Phương anh/ Ngóng mãi về nguồn/ Cuối thu/ lẫn những nỗi buồn xa xăm”.  

Như đi tìm trải nghiệm trong Nhịp thời gian có không ít bài theo thể thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ và thể thơ tự do. Có thể nói đây là chuyện lạ hiếm gặp trong một tập thơ của tác giả Hoàng Đình Hòa. Để có được sự đa sắc màu trong thể loại, chắc Hoàng Đình Hòa cũng phải lao tâm khổ tứ đánh vật với từng con chữ để gieo cấy lên từng thể thơ tưởng dễ mà hóa ra vô cùng khó. Có những nhà thơ chỉ chuyên tâm một vài thể loại như lục bát hay tự do vì phụ thuộc vào sở trường và né tránh sở đoản. Nhưng cũng có người dám liều mình xông pha vào các cung bậc thể loại thơ để thỏa mãn sự tuôn trào cảm xúc con tim. Hoàng Đình Hòa là một trường hợp như thế. Chúc nhịp thở tâm hồn của anh đập mãi với thời gian như vòng quay của chiếc đồng hồ yêu thương không bao giờ có điểm cuối. 

25 tháng 5 năm 2023
P.N.Q

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm