TIN TỨC

Nhớ anh Mai Quốc Liên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-03-14 13:11:16
mail facebook google pos stwis
1833 lượt xem

TRẦN ĐĂNG KHOA

Nhà văn, nhà Hán học, GSTS, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học MAI QUỐC LIÊN không còn nữa. Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Cũng không ai thay thế được.

Khi tôi báo tin dữ về anh, nhà thơ Trần Nhuận Minh, ông anh cả của tôi, một ông lão 80, đã bật khóc trong điện thoại. Tức tưởi đến một lúc lâu… Đủ biết trong tâm hồn mình, ông chịu cái tổn thương ấy sâu thẳm tới mức nào. Nhiều bạn đọc của tạp chí HỒN VIỆT, đã tìm đến cơ quan tạp chí NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG, bày tỏ sự tiếc nhớ. Các cô nhân viên ở Hội Nhà văn cũng bàng hoàng: “Trời ơi! Chú ấy tốt lắm. Biết thương người lắm!” Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Bình Phương do công tác đột xuất, nên không vào Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp chia sẻ với chị Bích Tiên, người vợ tận tụy của anh. Nhà thơ Hữu Thỉnh, ở tuổi ngoài 80, dù sức khỏe không còn được như ngày xưa, cũng lặn lội bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để được nhìn anh lần cuối cùng…

Tôi biết Mai Quốc Liên đã lâu, biết từ …thế kỷ trước, có dễ đến gần 60 năm rồi. Khi ấy tôi còn là một cậu nhóc con, vừa lẫm chẫm bước chân vào làng văn, chưa đọc một chữ nào của anh. Tôi chỉ biết anh là một nhà phê bình nghiên cứu đang công tác tại Viện Văn học. Một địa chỉ văn hóa sang trọng. Nhưng với một thằng bé nhà quê đang tập tọng làm thơ lúc ấy như tôi, thì cái Viện văn học là một cái gì rất đỗi trừu tượng và xa lạnh. Tôi ngại đọc những bài viết mang tính Hàn lâm của các nhà phê bình thuần túy, vừa rối rắm, vừa lổn nhổn những khái niệm tối mù. Tôi chỉ thích đọc những bài trao đổi của các nhà văn nhà thơ. Đó là chuyện của người trong nghề bàn về nghề. Nó khoáng đạt, gần gũi và sâu sắc, ấn tượng.

Lần ấy, tôi đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên. Gia đình ông đang ở tạm trong một căn phòng nhỏ xíu thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ở 51 Trần Hưng Đạo. Lần gặp đầu tiên của ông với tôi diễn ra trước đó 4 năm. Tôi đến thăm nhà thơ Xuân Diệu. Khi nhà thơ tiễn tôi ra cổng thì ông đến. Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết ông là Chế Lan Viên. Xuân Diệu gọi ông là Hoan. Ông cũng tự xưng mình là Hoan. Xuân Diệu trắng trẻo vạm vỡ như một ông Tây, còn ông lại có vẻ nhỏ nhắn, hoạt bát với nước da mai mái. Đôi mắt rất sắc và hoạt. Tôi cứ tưởng ông là một bác sĩ hay một nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ nào đó. Ông không quan tâm đến thơ của tôi như Xuân Diệu, Tố Hữu hay một số nhà thơ bậc cha chú khác, mà chỉ khuyên tôi chịu khó học toán. Ông bảo giỏi toán thú lắm. Biết nhiều chuyện lắm. Mà biết trước mọi chuyện. Nếu cháu giỏi toán, cháu sẽ thấy cuộc sống sinh động lắm. Đến năm 2000, chùm sao Đại Hùng tinh, Tiểu Hùng tinh nó sẽ mang hình dạng khác. Rồi sao Thần nông cũng khác nữa đấy.

Bây giờ, chúng ta đã qua năm 2000 đến hơn hai chục năm rồi. Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tố Hữu đều đã trở thành những vầng sáng huyền ảo trong cõi nhớ thương. Còn tôi, cái cậu bé nhà quê gầy gò đen nhèm lũn cũn, và nói như Chế Lan Viên: “nhà thơ gì mà bé như một cái kẹo”. Bây giờ “cái kẹo” ấy cũng đã thành một lão già nhớ nhớ quên quên, nhưng chòm sao Đại Hùng tinh, Tiểu Hùng tinh hay sao Thần nông thì vẫn lấp lánh sáng như thế, hay hơn thế…

Lần gặp thứ hai của tôi với Chế Lan Viên tại căn phòng nhỏ của ông cũng thế. Tôi hơi bối rối, khi khách vừa tới, chưa kịp ngồi mà nhìn đâu cũng thấy dòng chữ: ĐANG BẬN, XIN BẠN CHỚ NGỒI LÂU. Ông bảo Khoa là khách đặc biệt nên cháu có thể được ngồi nửa tiếng. Tôi không nỡ làm mất thời giờ của ông, chỉ ngồi đâu chừng mươi phút. Trong mười phút ấy, Chế Lan Viên cũng không hỏi tôi chuyện thơ phú mà chỉ khuyên tôi nên viết phê bình. Trong nhà thơ nào cũng có một nhà phê bình. Chính nhà phê bình ở trong ta, giúp ta có được sự tỉnh táo, uyên bác. Rồi ông hỏi tôi đã đọc phê bình của Vũ Quần Phương chưa? Nhất là Mai Quốc Liên. Đã đọc Mai Quốc Liên chưa?: “Chú Liên giỏi lắm đấy. Uyên bác sắc sảo lắm đấy. Cháu rất nên tìm đọc!”

Và như thế, lần đầu tiên tôi biết đến Mai Quốc Liên là biết qua Chế Lan Viên. Kể cũng lạ, Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, một nhà phê bình lớn. Chính ông cũng đã viết giới thiệu tập sách chuyên luận dày bịch của một nhà phê bình hàn lâm mà đọc cuốn sách ấy tôi cũng chẳng nhớ được gì ngoài mấy tư liệu lặt vặt về những phong cách tìm tòi mang tính hình thức ở thời thơ mới. Nhưng ông lại cổ vũ tôi đọc Vũ Quần Phương và Mai Quốc Liên. Khi đó, Vũ Quần Phương chủ yếu là làm thơ, ông viết phê bình rất ít. Nếu tôi nhớ không nhầm thì khi ấy, Vũ Quần Phương mới chỉ viết tựa cho một vài cuốn sách của bè bạn, như tập thơ LỌ LEM của E. Eptusenko do Bằng Việt dịch. Nhưng Chế Lan Viên rất tinh nghề, ông nhìn rất xa. Quả Vũ Quần Phương là một cây bút phê bình thơ khá tinh tế. Chính tôi đã là người tuyển chọn và viết giới thiệu cho tập tiểu luận phê bình thơ của Vũ Quần Phương ở Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vũ Quần Phương và Mai Quốc Liên là hai phong cách rất khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Điều ấy đủ thấy cái “gu” thẩm mỹ của Chế Lan Viên rất phong phú và đa dạng. Nếu Vũ Quần Phương tinh tế, có thể “sờ” được đến từng con chữ, với cái nhìn từng trải, mê mị ( ít nhiều gần với Xuân Diệu – dù rất khác Xuân Diệu), thì Mai Quốc Liên lại sắc sảo, chắt lọc, với cái nhìn khoa học tỉnh queo, mang đầy tính phát hiện. Văn Mai Quốc Liên là văn bia, ngắn gọn, súc tích. Hay nói cách khác, đấy là một loại văn điện tín, chữ rất ít, nhưng ý lại nhiều. Anh giỏi chữ Hán, rất thâm hậu. Và anh là nhà khoa học. Mà đã là nhà khoa học, thì theo tôi phải có những phát minh. Nghĩa là anh ta phải phát hiện được những cái mới mà những người trước anh không có, ít có. Đọc Mai Quốc Liên, ta thấy rất thú vị vì luôn gặp được những phát hiện mới mẻ. Nghĩa là đọc anh, nói theo ngôn ngữ thực dụng, là ta không thấy mình bị “lỗ”. Bởi ta vẫn thu lượm được một chi tiết hay một ý tưởng gì đó rất mới trong những vấn đề tưởng như đã cũ mèm.

Mai Quốc Liên là người đa tài. Anh làm thơ, dịch thơ, chủ yếu là thơ chữ Hán, rồi viết chuyên luận, tiểu luận. Nhưng đóng góp chính của anh là khảo cứu, biên dịch, hiệu đính những di sản của ông cha và phê bình nghiên cứu. Hàng trăm tác giả lớn được biên soạn, khảo cứu hiệu đính ở Trung tâm Quốc học của anh.

Sau này, có nhiều dịp làm việc trực tiếp với Mai Quốc Liên, tôi càng thấy quý và phục anh. Trong đời cũng như trong thẩm định đánh giá, Mai Quốc Liên là người thẳng tính. Không quanh co, dối trá, cũng không sợ mất lòng ai. Có lẽ người Xứ Quảng là như vậy chăng? Người Bắc thường mềm dẻo, nói năng khéo léo, nói theo ý người nghe, cốt vừa lòng người nghe. Mai Quốc Liên không thế. Với anh chân lý là sự thật. Giá trị cũng chính là sự trung thực. Vì sự trung thực ấy, anh không nhân nhượng, không lấy lòng, anh sẵn sàng hy sinh cả sự yên ổn để có sự thật. Nhiều người yêu anh cũng vì thế mà ghét anh cũng vì thế. Thậm chí còn ghét cay ghét đắng. Nhưng anh chẳng quan tâm.

Ngoài khảo cứu, dịch sách, làm sách, tổ chức hội thảo, Mai Quốc Liên còn có những công trình nghiên cứu có giá trị. Sách của anh khá nhiều, nhưng tôi thích nhất là tập NHỮNG NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN VIỆT NAM. Đây là mảng di sản của cha ông mà nhiều nhà khoa học đã tốn không ít giấy mực và cũng đã có không ít thành tựu. Ai cũng nhớ Xuân Diệu. Xuân Diệu đã có công trình mà nhiều người coi là kiệt tác, đó là NHỮNG NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN ( Việt Nam) tập I và tập II, sau in chung thành một quyển. Nhưng Xuân Diệu đã chói sáng rồi vẫn không hề che khuất được Mai Quốc Liên, vì phong cách 2 học giả khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, và vì thế mà tồn tại song song bên nhau. ĐỌC XUÂN DIỆU, THẤY ÔNG ĐÁNG YÊU vì ông viết phê bình rất hay, như nhà văn sáng tác, một số bài như bút kí văn học, loại văn đặc biệt này, dường như chỉ có ở Xuân Diệu. Những bài Xuân Diệu viết về Nguyễn Du, Trần Tế Xương là những ví dụ. Còn Hồ Xuân Hương, ông viết đến 83 trang, rất giầu cảm xúc và ma mị, tràn đầy những phán đoán, suy luận cá nhân, mở ra đến cả vũ trụ… nhưng gấp sách lại, mới biết một số điều ông viêt chả trên căn cứ khoa học đáng tin cậy nào. Chưa kể một hai bài ông đề cao đặc trưng tài năng thơ và phẩm hạnh Nguyễn Trãi, nhưng những bài ấy lại rõ ràng là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. ĐỌC MAI QUỐC LIÊN THẤY ANH ĐÁNG TIN, văn phong có phần lạnh lùng, khe khắt, nhưng rạch ròi, đâu ra đấy, rất khó bắt bẻ. Mai Quốc Liên tỉnh táo hoàn toàn. Đấy là cái tỉnh của một nhà khoa học. Anh lại giỏi chữ Hán, nên có thể lặn ngụp được trong những tầng vỉa của văn bản. Nhờ thế anh phát hiện được những vẻ đẹp của ông cha mà tài đến như Xuân Diệu cũng không thấy.

Xin đơn cử một câu thơ của Nguyễn Du tả cô Kiều trong những đêm đau khổ dằn vặt:

Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn

Trong tất cả các văn bản Kiều từ trước đến nay đều in như vậy. Ngay trong các bài viết, bài nói, hay các câu dẫn của Xuân Diệu, một nhà Nguyễn Du học trong các công trình nghiên cứu của ông cũng đều như vậy. Câu thơ này cũng đã vào loại hay, nhưng là cái hay thông thường. Đến Mai Quốc Liên thì không phải thế. Mà là:

Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thắm khăn…

Chỉ thay chữ thấm bằng chữ thắm, câu thơ hoàn thoàn khác. Và đến câu thơ này thì ta mới thấy đúng là của Nguyễn Du. Nguyễn Du rất tài khi sử dụng nghệ thuật tiểu đối. Chữ trắng đi với thắm, đều là chữ chỉ mầu sắc, đẹp và dữ dội biết bao. Cô Kiều khóc và khóc ra máu. Đây chính là công phát hiện của nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên. Đây không phải suy đoán cảm tính theo kiểu Xuân Diệu. Đây là giá trị thực. Tác phẩm quá quen thuộc TRUYỆN KIỀU, đến Mai Quốc Liên, trong trường hợp cụ thể này, mới trở về được với chính văn bản thực, giá trị thực của nó. Giá trị này do chính Đại Thi hào Nguyễn Du xác nhận qua một câu thơ khác: Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao…

Mai Quốc Liên có rất nhiều đóng góp xuất sắc như thế trong các công trình nghiên cứu của anh. Không phải chỉ Nguyễn Du, mà còn rất nhiều danh nhân khác. Anh là tác giả, chủ biên và cộng sự của gần 200 công trình khoa học, văn hóa, văn học, như các tác phẩm: “Nhà thơ – cơn bão và những cánh hoa (năm 1980)”, “Ngô Thì Nhậm tuyển tập (đồng tác giả, dịch và khảo cứu, 1980)”, “Ngô Thì Nhậm trong nền văn học Tây Sơn (chuyên luận, 1985)”, “Khảo cứu Văn Chiêu hồn (1991)”, “Trước đèn (tiểu luận, 1992)”, “Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (tiểu luận, 1986)”. “Phê bình và tranh luận văn học (1998)”, “Tạp luận (1998)”, “Tiểu luận và phê bình văn học (2011)”, “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam 2015). Ông còn dịch khảo cứu văn bản và chủ biên các công trình khác nữa, như “Nguyễn Trãi

toàn tập”, “Nguyễn Du toàn tập”. “Cao Bá Quát toàn tập”, “Ngô Thì Nhậm – tácphẩm”, “Nguyễn An Ninh – tác phẩm”. “Đỗ Phủ tinh tuyển”. “Toàn Việt thilục…Rồi Tổng chủ biên công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh (công trình này gồm 25 tập với hàng vạn trang in)”.

Đó là một núi công việc, rất đồ sộ. Tất nhiên, những tác giả này, những danh nhân này, cũng đã có nhiều người biên soạn, nhiều nhà xuất bản đã in. Nhưng đến Mai Quốc Liên, tôi nghĩ có phần hoàn thiện hơn. Cũng như Xuân Diệu, Mai Quốc Liên làm việc bằng cả một viện Văn chương. Ông điều hành Trung tâm nghiên cứu Quốc học, cái tài của Mai Quốc Liên là ông đã huy động, thuyết phục, sử dụng được các bậc đại bút, tranh thủ tận dụng được các tài năng lớn, những học học giả lớn cùng góp sức với mình, chung sức với mình, cùng mình chắt lọc, khám phá, bảo vệ các di sản của cha ông. Cái công của Mai Quốc Liên là rất lớn. Vì những cống hiến, đóng góp ấy, ông đã được Nhà nước trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học –Công nghệ (2010)”, “Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (2012), “Giải thưởng Balaban của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation – Hoa Kỳ 2013)” và Ứng viên “Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 2021”.

Bên cạnh biên khảo, Mai Quốc Liên còn cho ra đời tạp chí HỒN VIỆT giới thiệu những giá trị tinh hoa của các tác giả từ cổ điển đến hiện đại. Tạp chí bán rất rẻ, để các trí thức nghèo về hưu hay các bà bán rau, các em bán vé số cũng có thể mua được. Số nào cũng có những bài hay, những tư liệu thực sự có giá trị. Bạn đọc rất thích tờ tạp chí này. Tờ báo có mặt trên các sạp báo thị trường. Trong số các bạn đọc của anh, có nhiều đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước. Nhiều tướng tá, cựu chiến binh cho đến cả những người bình dân. Gần đây, do tình trạng covid hoành hành, nhiều người nhao lên hỏi tạp chí này vì sao không ra được nữa, lại có người chất vấn tôi: “Anh Liên làm tốt thế, sao lại không làm nữa?”. Tôi đã phải thưa rằng: “Không ai thay thế anh Liên được. Do quy hoạch báo chí nên phải tinh gọn.

Vì thế, tờ HỒN VIỆT là chuyên đề của TẠP CHÍ NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG do tôi làm

Tổng biên tập. Đây chỉ là danh nghĩa thôi. Thực chất, anh Liên vẫn phụ trách HỒN VIỆT với bộ máy biên tập không thay đổi.

Tuy nhiên, do tình hình rất khó khăn về tài chính, rất nhiều tờ báo phải tự đóng cửa. HỒN VIỆT cũng không phải ngoại lệ. Anh Mai Quốc Liên và ban Biên tập đã xin đình bản để dồn cật lực vào việc khảo cứu, biên dịch tiếp những di sản của ông cha. Anh vẫn tiếp tục đóng góp, phải đạp thời gian mà làm, không thì rồi sẽ không kịp nữa. Quỹ thời gian của Mai Quốc Liên không còn nhiều mà di sản của ông cha thì vẫn miên man đồ sộ. Mà làm được việc này thì không ai hơn được Mai Quốc Liên.

Một người vạm vỡ, sung sức như thế mà đã đột ngột ra đi. Như tôi nói, đấy là tổn thất không gì bù đắp được. Cũng không ai thay thế được. Xin chia buồn với chị Bích Tiên cùng toàn thể gia đình anh. Xin chia buồn với các bạn đọc tin cậy thủy chung của học giả Mai Quốc Liên suốt mấy chục năm nay.

Anh Liên ơi!

Với tất cả những gì anh đã để lại là một di sản lớn, mà không phải ai cũng làm được, cũng có được. Anh có thể thanh thản yên nghỉ trong cõi vình hằng cùng với các tiền nhân vĩ đại mà anh đã nâng niu, chăm chút, bảo vệ. Những người đã làm nên những di sản tinh thần của đất nước này, dân tộc này.

Đau xót vĩnh biệt anh. Vĩnh biệt!

Hà Nội 10-3-2024
TĐK

Nguồn: FB Trần Sĩ Tuấn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm