TIN TỨC

Nhớ thương, khâm phục và biết ơn Ba

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-24 09:14:11
mail facebook google pos stwis
1703 lượt xem

  CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

KIỀU QUỐC TÚY

Tôi tên Kiều Quốc Túy, sinh năm 1945, là con gái của liệt sĩ Kiều Tấn Lập. Tôi xin bày tỏ lòng nhớ thương, kính phục và biết ơn Ba qua ký ức được nghe kể lại. Tất cả đều là sự thật, không có hư cấu.

Ba tôi là liệt sĩ Kiều Tấn Lập, sinh năm 1917 tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Ông sinh ra trong gia đình tiểu tư sản trí thức, nhưng có tinh thần luôn hướng về trào lưu dân tộc, độc lập cho Tổ quốc. Từ nhỏ, ông đã có tình thần hiếu học. Năm 1936 (18 tuổi), ông đã thi đậu tú tài II trường Pétrus Ký Sài Gòn. Và sau đó, ông về quê nhà mở trường tư dạy cho con em của đồng bào nghèo tại địa phương.

Từ thuở thiếu niên, ông đã chịu ảnh hưởng truyền thống gia giáo, nề nếp của gia đình. Một trong những động lực thôi thúc ông sớm tham gia cách mạng chống ngoại xâm là nguyện thực hiện lời dạy bảo quý báu của người cha sinh thành là ông Kiều Ngọc Lầu. Cha ông thường căn dặn và dạy bảo các con:

“Các con cố gắng học để biết đạo lý ở đời. Học trường Tây nhưng đừng làm việc cho Tây”.

Đó có thể là một trong những dấu ấn sâu sắc nhất trong thời niên thiếu của ông.

Vào năm 1940, đất nước ta bị bọn thực dân, quân phiệt xâm lược. Hàng ngày, ông chứng kiến đồng bào bị ngoại xâm ức hiếp, đánh đập, đã thúc giục ông có ý thức căm thù giặc ngoại xâm. Do có kiến thức ngoại ngữ, ông đã phản kháng với bọn lính Tây, lính Nhật, bênh vực đồng bào.

Sau đó, cũng vào năm 1940 (22 tuổi), ông đã tham gia phong trào Thanh niên tiền phong. Ông đã hăng hái, tích cực đi diễn thuyết ở nhiều nơi, nhằm tuyên truyền cho phong trào Thanh niên tham gia kháng chiến, vận động đồng bào nổi dậy, khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8/1945. Trên mọi lĩnh vực công tác được giao, ông đều thể hiện sự cố gắng, năng nổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. nên ông được bầu làm Quận ủy viên quận Cần Giuộc tháng 3/1945 và là Ủy viên Ban Khởi nghĩa quận. Tiếp theo là giữ chức Phó Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ, rồi giữ chức Giám đốc Sở Công an Nam bộ. Ông đã đắc cử đại biểu Quốc hội Khóa I - Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, thuộc địa bàn Chợ Lớn (cũ).

Một điều đặc biệt trong phẩm chất chính trị và đạo đức của ông là: Năm 1940, khi tham gia cách mạng, ông nói với người yêu (đã đính hôn) nên suy nghĩ kỹ trước khi thành hôn vì lấy người cách mạng là khổ lắm. Khi kháng chiến bùng nổ, tuy có 6 căn nhà cổ mặt tiền, ruộng đất mênh mông, ông không màng tới và khuyên gia đình bỏ hết. Rồi ông đưa cả gia đình theo ông vào chiến khu Đồng Tháp Mười, Bạc Liêu, Cà Mau… Cả mẹ, vợ con và các em đều vào chiến khu tham gia kháng chiến. Mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Vàng, em trai là liệt sĩ Kiều Công Nghiệp.

Từ ngày thoát ly tham gia cách mạng đến ngày hy sinh, ông không trở về quê hương Cần Giuộc lần nào.

Trong lá thư cuối cùng gửi về cho gia đình, ông đã tâm sự:

“Anh không ham muốn địa vị, danh vọng gì hết. Chỉ mong nước nhà mau độc lập để về với mẹ già kính yêu, về với vợ con và các em yêu quý…”.

Đó là lời trăn trối của Ba lần cuối với gia đình. Từ đó, ông đã đi mãi, không bao giờ trở về với gia đình nữa.

Lúc hy sinh, ông chưa tròn 30 tuổi. Chị tôi, người con gái lớn của Ba mới lên 5 tuổi, mà Ba tôi thường gọi chị là “Nữ trạng sư của Ba”. Còn tôi, con gái thứ hai của Ba cũng chưa tròn 3 tuổi. Một điều khá đặc biệt mà mọi người đều thấy là lạ là hai chị em tôi là con gái mà Ba tôi đặt tên là Quốc Lệ và Quốc Túy. Chị tôi sinh năm 1942, lúc đất nước đầy gian khổ chống thực dân Pháp nên Ba tôi đặt tên cho chị tôi là Quốc Lệ. “Quốc” là nước, là Tổ quốc, “Lệ” là nước mắt, là đau thương, tang tóc vì chiến tranh. Còn tôi, Ba đặt tên là Quốc Túy, “Quốc” cũng là Tổ quốc, đất nước, “Túy” là sự tinh túy, trong sáng của đất nước Việt Nam. Người ta hay nói: Quốc hồn, Quốc túy. Ba đặt tên cho hai chị em tôi ý nghĩa tốt đẹp làm sao!

Sau khi Ba hy sinh, Xứ ủy Nam bộ tổ chức cho Má tôi đi bước nữa với một nhà cách mạng là chiến sĩ 1930.

Đến năm 1952, Nhà nước cho hai chị em tôi vào học trường Thiếu sinh quân Trần Quốc Toản, Huỳnh Phan Hộ của Quân khu 9. Chúng tôi giống như chú bộ đội tí hon nhưng chỉ biết trốn giặc chứ không biết đánh giặc. Khi hòa bình lập lại năm 1955, Nhà nước cho hai chị em tập kết ra Bắc học Trường Học sinh miền Nam Hải Phòng. Chúng tôi được học, được giáo dục đến nơi đến chốn. Hai chị em đều là kỹ sư, đều là đảng viên, đều được tặng Huân, Huy chương kháng chiến.

Sự hy sinh của Ba đã đem lại cho chúng con một tương lai tươi sáng. Nếu Ba không đưa gia đình vào chiến khu tham gia kháng chiến thì giờ đây chúng con có thể đã rẽ sang con đường khác mà Tổ quốc không cần. Chúng con rất khâm phục, kính yêu và biết ơn Ba. Rất tiếc là Ba đã không cùng chúng con đi một quãng đường dài, dài theo đất nước để Ba được hưởng, được thấy sự hy sinh cống hiến cho cách mạng của mình đã đem lại cho đất nước Việt Nam tươi đẹp, tự hào như ngày hôm nay.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, ông là Giám đốc Sở Công an Nam bộ, đã có nhiều đóng góp vào thành tích tổ chức chiến đấu đánh địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng, bảo vệ nhân dân, xây dựng lực lượng Công an Nam bộ lúc bấy giờ ngày một trưởng thành.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân ta vô cùng gian khổ, gay go và ác liệt, ông đã có công đóng góp thành tích xứng đáng của mình vào thắng lợi chung của dân tộc. Ông được cấp bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ. Được công nhận là cán bộ cách mạng lão thành, tham gia cách mạng trước ngày 1/1/1945. Được truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3 và được truy tặng Huân chương Độc lập hạng 3.

Tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Lưu Trùng Dương để kính tặng Ba, vì ông đáng được tự hào:

“Buồm Tổ quốc có hồn ta làm gió.

Sự nghiệp anh hùng ta vinh dự góp bàn tay”.

Về phần gia đình, đã cùng với thời gian và không gian dài biền biệt, trong cõi tâm can sâu kín đã biết mình mất đi một người ruột thịt. Đó là người chồng đầy tâm huyết, thân thương; đó là người Cha kính yêu dẫn đường, chỉ lối cho từng bước chập chững khi trưởng thành đối với hai con. Là người ông trong cõi ước mơ của các cháu ngoại. Sâu lắng hơn cả: Đó là người ruột thịt hiền từ, hiếu thảo, trọn vẹn nghĩa tình và vô cùng quý mến nhất.

Chúng tôi nghĩ: Cuộc sống này còn đầy duyên may đã dẫn dắt chúng tôi đến những điều tốt đẹp nhất. Suốt hành trình đi tìm kiếm tư liệu về Ba, chúng tôi luôn gặp nhiều may mắn. Nói theo dân gian là luôn có quý nhân giúp đỡ. Các bác, các chú, các anh, các cháu thế hệ sau đã hết lòng giúp đỡ. Đây là nguồn động lực rất lớn cho gia đình chúng tôi.

Điều mang lại cho gia đình chúng tôi và hai con gái của Ba tạm yên lòng, dù có hơi muộn. Sau 50 năm Ba hy sinh (1948 - 1998), hài cốt của Ba được tìm thấy và được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Long An tổ chức lễ tưởng niệm và cải táng hài cốt của ông tại khu Tiêu biểu Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/7/1998.

Trong những điều may mắn cũng có xen lẫn nỗi buồn: Sau gần một thế kỷ Ba hy sinh (1948 - 2021), Ba không để lại kỷ niệm gì với con cháu, ngay tấm di ảnh của Ba để con cháu biết mặt cũng không có. Tuy rằng, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi, ra Hà Nội và hỏi thăm các bác, các chú cùng hoạt động với Ba như bác Phạm Hùng, bác Cao Đăng Chiếm, bác Trần Văn Giàu, bác Mai Chí Thọ… cũng không có ai còn lưu giữ tấm hình của Ba. Mỗi lần con cháu lên viếng thăm mộ Ba ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, nhìn tấm bia mà không có hình, con cháu thấy ngậm ngùi thương nhớ. Tuy rằng con cháu chưa được một lần biết mặt Ba và Ông, là các con, chúng tôi thấy thật có lỗi với Ba của mình.

Noi theo gương nhiệt tình cách mạng của Ba, con cháu của Ba mãi mãi trung thành với sự nghiệp cách mạng. Cố gắng học tập, trưởng thành để xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Ba tôi cũng chỉ là một liệt sĩ trong hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Chúng ta hãy nghiêng mình khâm phục, tôn vinh và tri ân họ. Sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Đáng buồn hơn, hiện nay đã gần một thế kỷ mà rất nhiều liệt sĩ còn nằm sâu trong lòng đất chưa được về với đất mẹ và gia đình. Họ đã nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, sẵn sàng lên đường nhập ngũ và đã hy sinh đang trong tuổi thanh xuân vừa rời ghế nhà trường, chưa có gia đình, vợ con, để lại cha mẹ già neo đơn và mỏi mòn trông chờ con về cả mấy chục năm nay.

Đây là đau thương, mất mát song cũng là niềm tự hào của dân tộc ta. Vì sự hy sinh cao cả của họ mà chúng ta được sống yên bình, hạnh phúc. Chúng ta hãy tri ân các anh hùng liệt sĩ và tiếp tục xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng tốt đẹp và phồn vinh mãi mãi.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm