TIN TỨC

Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-09-12 14:03:27
mail facebook google pos stwis
82 lượt xem

Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.

Nóp Nam Bộ

Ngày ấy, nông dân ta thường đan đệm bàng để phơi lúa hay trải làm chiếu. Bàng thuộc loại lát (hay cói) thân trụ tròn và mềm, giống như loài năn (nen) thường mọc ở triền sông hoặc nơi ruộng đồng ẩm nước vùng Nhà Bàng – Thất Sơn (An Giang). Chiếc đệm hình vuông, mỗi cạnh rộng khoảng 1,7 mét. Về sau, người ta có sáng kiến gập nó lại rồi may dính theo hình chiếc bao thơ để ngủ thay mùng. Khi chui vào ngủ, người ta nằm đè lên phần dư ra của mí nóp; từ ngoài nhìn hai góc dựng cạnh đứng lên trông như chiếc mũ ca-lô của thiếu niên nhi đồng

Chiếc nóp bàng rất tiện lợi. Nó vừa dùng để phơi ngũ cốc, vừa làm chiếu và cũng vừa làm mùng ngủ lúc. Nơi nào ta cũng có thể lật nóp ra ngủ. Muỗi mòng, rắn, rết đều không thể chui vào. Có thể lật nóp ngủ trên bộ ván, dưới nền nhà khô ráo, trước sân nhà, trên xuồng hoặc mui ghe thương hồ, ngoài đồng, thậm chí sử dụng nó để ngủ cả trong rừng lúc đi chiến đấu. Ngủ nóp chưa quen có thể cảm thấy phần tù túng, ngột ngạt khó chịu. Nhưng thà như vậy mà tránh được muỗi mòng, bù mắt của vùng đất đai, đồng ruộng Nam Bộ còn khá hoang vu thuở ấy.

Khoảng những năm 1940-945, khi chúng tôi đang ở lứa tuổi thanh niên, cây cỏ vùng này còn um tùm, hoang vu, nơi nào muỗi cũng bay mịt mùng như trấu vải, nhất là loài bù mắt thì không kể ngày đêm lúc nào cũng có. Do vậy, chiếc nóp đã trở thành vật bất ly thân của người nông dân và chiến sĩ cách mạng vùng này.

Cách mạng tháng Tám thành công không bao lâu, thực dân Pháp lại gây hấn, thanh niên quê tôi lớp lớp ra trận theo tiếng hát giục giã lên đường cứu nước “Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (1). Hầu hết nam nữ thanh niên tự trang bị tầm vông vạc nhọn và mang theo chiếc nóp như đeo ba lô bây giờ. Chiếc nóp rất thuận lợi. Khi cần thiết, ta có thể cho vào nóp mọi thứ đồ dùng lặt vặt như quần áo, khăn tắm sau đó cuốn gọn lại đeo trên lưng. Ngủ ban ngày, chiếc nóp dùng làm gối. Đi xuồng nếu gặp gió xuôi, có thể xổ nóp ra, chống cây biến thành buồm.

Năm 1948, tức là một năm sau chiến thắng Thu - Đông ở Việt Bắc của quân dân ta, tôi được đi học lớp hội họa kháng chiến 3 tháng trong rừng U Minh Thượng cận miền cuối Việt. Tôi và các bạn học kể cả thầy giáo dạy chúng tôi đều ngủ nóp. Bạn tôi, có đứa dùng nóp quá lâu, sợi bàng bị giãn thưa sắp rách nên chiều nào cũng phải phun nước cho bàng nở khít lại, để muỗi mòng không thể đột kích vào. Bạn tôi, họa sĩ Vũ Ba may mắn không biết tìm đâu ra được một mảnh nhỏ khăn tắm cũ, anh ta khoét một lỗ vuông ở thành nóp rồi vá miếng vải khăn cũ vào cho thoáng khí, dễ thở khi ngủ. Chúng tôi rất thích sáng kiến này, nhưng mấy ai tìm ra được mảnh khăn như vậy. Có một lần, tôi cùng một bạn cán bộ được phân công đến làm thay và chăm sóc một đồng chí bị bệnh nặng đang giữ trại sản xuất tự túc ở khá xa cơ quan. Không may, đêm đó, đồng chí ấy qua đời, lại vừa lúc có tin giặc sắp càn vào khu vực trại đóng quân. Chúng tôi chỉ kịp bó anh vào chiếc nóp rồi vội vã chôn người bạn ngay trong đêm. Anh bạn vắn số của chúng tôi nằm đó, chiếc nóp quấn thân anh như chàng tráng sĩ ngày xưa da ngựa bọc thây chốn sa trường!

Những ngày qua, tôi có dịp xem phim Đất Phương Nam quay cảnh nông dân miệt trên hay kéo nhau xuống Rạch Giá, Sóc Trăng làm mướn cho chủ điền. Trong xuồng của họ có đủ liềm hái, vòng gặt nhưng tôi ngạc nhiên không hề thấy bóng dáng chiếc nóp đa dụng của thời điểm xa xưa đó. Phải chăng các đạo diễn trẻ đã vô tình quên đi chiếc nóp vốn là vật dụng khắc đậm dấu ấn thời sự của nhân dân Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

Giờ đây, mỗi khi bất chợt nghe lại âm vang câu hát “nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng” (2), tôi cảm thấy dạt dào nhớ nhiều kỷ niệm về chiếc nóp trong kháng chiến 9 năm. Thời ấy, dù ngủ nơi đâu, bằng cách nào, chúng tôi vẫn hăng hái yêu đời. Mỗi năm sắp Tết, mùa gió chướng thổi về lồng lộng không gian hay lúc đất trời âm u, lạnh lẽo, tôi có ý nghĩ muốn được chui lại vào chiếc nóp bàng mong tìm lại chút dư vị riêng của những ngày thoát ly đi kháng chiến. Vì lẽ trong giấc ngủ nóp, chúng tôi có dịp mơ đến ngày chiến thắng trở lại làng quê thỏa mãn nỗi nhớ ngôi nhà tuổi thơ êm đềm, nơi có ông bà, cha mẹ, em út ruột rà và có cả người yêu. Nằm trong nóp bốn bề chật hẹp nhưng vẫn cảm thấy là không gian ấm áp của riêng mình. Vì lẽ chúng tôi vẫn có thể cùng nhau trò chuyện, cợt đùa và đàn hát lạc quan trong tình đồng chí bạn bè.

Chiến tranh đã lùi xa, chuỗi ngày gian nan vào sinh ra tử không còn tồn tại. Nhân dân, chiến sĩ ta đang sống hòa bình trong điều kiện vật chất ngày càng đầy đủ. Quân đội ta hôm nay đã trưởng thành với trang bị hiện đại, chính quy ngang tầm cao thế giới. Nhưng thế hệ chúng tôi làm sao quên được cái thuở ban đầu ra đi vì đại nghĩa dân tộc với chiếc nóp quê hương.

                                                                                         28. 9. 2024

                                                                                    Nguyễn Thanh

 

* Nguyễn Thanh - 0918.746 104

Nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ, thuộc Liên hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ. 

Trong Hội Nhà văn và Hội Mỹ thuật TP. Cần Thơ


(1), (2) Lời ca trong bài hát Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn và Nguyễn Bính.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm