TIN TỨC
  • Bút ký - Tạp văn
  • Những câu chuyện cổ tích thời hậu chiến - Bút ký của Ngọc Tấn

Những câu chuyện cổ tích thời hậu chiến - Bút ký của Ngọc Tấn

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-08-10 23:44:14
mail facebook google pos stwis
158 lượt xem

       

I

Cũng kiểu nhà sàn làng Tung nhưng nó lão quá rồi. Mái tôn rỉ từng đám đỏ khè. Vách ván rêu bám đen kịn, lỗ chỗ vết thủng. Các cột giữa lún xuống khiến căn nhà trông tựa con sâu róm oằn lưng. Được cái rất sạch sẽ. Làng này gầm sàn nhà ai cũng nhoét nhoe những vũng heo đằm, chỉ riêng ông là không…Chúng tôi cất tiếng gọi. Phải đến lần thứ ba mới thấy chủ nhà đi ra. Đó là một ông lão gầy khằng mặc độc chiếc quần cộc, cái tẩu lệch miệng vương vít khói. Một nụ cười bối rối làm nhăn nhúm cả khuôn mặt “Tôi nặng tai nên không nghe rõ. Thôi mời các anh lên nhà…”.

 Trải tấm chiếu ra sàn cho khách ngồi, ông vội đi mặc quần áo. Khi mắt đã quen với không gian nhập nhọa, tôi nhận ra một bà lão đang ngồi cạnh bếp. “Vợ tôi đấy” – ông giới thiệu vắn tắt rồi nói một câu gì đó bằng tiếng Jrai. Bà lão đứng dậy đi vào góc nhà lấy quả bầu đen bóng nút lá chuối dốc nước vào chiếc soong nhôm lúi húi đun nước mời khách. Tôi nhìn quanh cố tìm chút dấu vết bài trí của một căn nhà có người Kinh ở nhưng tịnh không thấy. Vẫn là một góc đầu hồi làm bếp, gian giữa để mấy chiếc ghè đầy bụi bặm, đầu hồi là nơi ngủ của các con… Thế này và cứ trông ông như lúc nãy thì có ai ngờ…                                        

- Từ hồi tiếng đồn tôi là “liệt sĩ” ba mươi năm lan ra mới có người Kinh tìm đến đấy – ông Khoa chậm rãi vào chuyện. Họ đến vì sự tò mò hơn là mục đích thăm tôi. Biết vậy nhưng với ai tôi cũng không giấu diếm. Chiến tranh mỗi con người một số phận. Tôi đã làm điều không phải nhưng không phản bội, đầu hàng địch. Có thế bây giờ tôi mới có thể thanh thản ngồi nói chuyện với các anh…Ông ngừng lời quay lại nhắc vợ mang nước mời khách rồi tiếp tục:  

 -Tôi nhập ngũ cuối năm 1965 các anh ạ. Đơn vị của tôi lúc ấy là đại đội I tiểu đoàn II, trung đoàn 30 tỉnh Hà Nam. Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1966 đơn vị tôi được lệnh đi B. Bắt đầu từ Hòa Bình, cứ men theo đường mòn Hồ Chí Minh mà đi. Cuối mùa khô năm 1967 đơn vị tôi mới đến được Trạm Lập của Khu I (Huyện KBang của tỉnh Gia Lai ngày nay). Chắc là cái số của tôi trời đã định thì phải. Từ hồi vào bộ đội tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ cấp dưỡng. Cũng đã có lúc quá chán cái cảnh soong chảo, nồi niêu tôi xin ra trận nhưng chưa lần nào được cấp trên đồng ý …Cho đến cuối năm 1971 thì tôi được điều về tỉnh đội Gia Lai. Cứ nghĩ lần này chắc thoát, ai ngờ lại vẫn nhiệm vụ đáng chán làm cấp dưỡng. Tôi đã không ngờ được lệnh điều động này là sự bắt đầu cái lối rẽ oái oăm của đơì tôi về sau…               Trong tổ nuôi quân của tôi lúc ấy có ba bốn nữ gì đó nhưng chỉ Rơma H’Choa người Jrai là trẻ nhất. H’Choa lúc ấy mới 23, kém tôi những 15 tuổi. Chiến trường bấy giờ đang trong thời điểm gian khổ. Để có thêm thứ bồi dưỡng cho thương binh, ngày ngày tôi và H’Choa phải vào rừng kiếm rau; vào các làng đồng bào xin thực phẩm. Sự gần gũi công việc đã khiến tình yêu đến lúc nào không hay…Cũng xin nói thêm là trước khi đi bộ đội tôi đã có vợ và hai con, một trai – một gái. Song vì không hợp chúng tôi đã li dị. Hai đứa con tôi gửi đằng nội nuôi. Tất nhiên bây giờ tôi là người tự do. Chúng tôi báo cáo tổ chức. Một bữa liên hoan đơn giản chứng kiến chúng tôi nên vợ nên chồng…         

Khi H’Choa mang thai được hơn tháng thì một sụ biến xảy ra: Địch càn vào cứ. Một quả bom nổ gần khiến tai tôi gần như điếc đặc, hai mắt mờ đi vì khói đạn hóa học. Thấy sức khỏe tôi yếu hẵn, đơn vị cho ra Bắc an dưỡng. Còn H’Choa, trước việc chẳng đừng, đơn vị cũng phải để cô về nhà nghỉ sinh. Chúng tôi chia tay bịn rịn. H’Choa khóc như mưa như gió. Câu mà H’Choa nói được duy nhất là “Nhanh vào với em, đừng bỏ em”. Rồi như sợ mình khuỵu xuống, H’Choa đi như chạy vào cánh rừng thưa trước mặt. Nhìn cái dáng nhỏ nhắn của H’Choa đang khuất dần, ruột gan tôi như nẫu ra… Cô ấy về làng rồi sẽ sống ra sao, ai giúp đỡ cô ấy trong lúc vượt cạn? Chiến tranh còn ác liệt, bom đạn bời bời thế này liệu mình có lọt nổi trên đường ra đường vào? Nhỡ mình hi sinh thì giọt máu của mình ai biết? Không cưỡng nổi tôi đuổi theo H’choah cuống quýt gọi “H’Choa, H’Choa – đợi anh với!’”

                                                                            

Nằm trong vùng “tự do oanh kích” của địch, làng Tung bị bom đạn cày xới xác xơ. Dân làng tản mát gần hết. Bây giờ H’Choa mới biết người chị ruột duy nhất của mình đã bị bom Mỹ giết chỉ mới tháng trước. Chỗ dựa duy nhất không còn, chúng tôi đành chặt cây dựng một căn lều để ở rồi khẩn trương bắt tay vào phát rẫy để có cái ăn. Bà con thương cảm người cho hạt giống, người xúm vào phát rẫy giúp. Ngoảnh đi ngoảnh lại ba tháng đã trôi qua… Thực tình là lúc đầu tôi chỉ định lo xong nơi ăn chốn ở cho H’Choa thì đi ngay. Thế nhưng bây giờ thì tôi thấy không thể. Bụng cô ấy đã lớn. Những cơn mưa dữ dằn đang sắp đến. Lúa mới nảy mầm, năm tháng nữa mới được gặt trong khi cái ăn, kể cả hạt muối chúng tôi cũng phải mượn của dân làng… Ruột gan rối bời tôi đành chặc lưỡi: thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Đợi cô ấy sinh nở xong, gửi lại cho dân làng rồi mình trở lại đơn vị. Nói rõ nguồn cơn, các anh ấy không tha thì chịu kỷ luật chứ biết làm sao…

Các chú ạ, con người ta đôi khi lạ lắm. Lúc đắc thắng thì cứ như có ai nắm tóc lôi lên. Nhưng khi đã gặp xui thì cứ như bị ấn đầu mãi xuống bùn… Hồi hộp đợi chờ rồi cũng đến ngày H’Choa sinh. Một bà mụ làng đã giúp cô ấy vượt cạn thành công. Thế nhưng khổ thay H’Choa lại bị băng huyết. Mọi phương thuốc dân làng cho đều vô hiệu. Cuối cùng một người nhớ ra mách: bên làng Kênh có một bà mụ chữa được. Không đôi hồi, tôi nhờ một cậu thanh niên dẫn đường đi ngay. Hai chúng tôi hai bó đuốc băng vào đêm đen. Đến được tận nơi thì tôi nằm vật ra. Sau này mới biết chúng tôi đã vừa đi vừa chạy suốt gần 15 cây số!

 Món thuốc của bà mụ quả là công hiệu. Hai ngày sau thì H’Choa cầm máu. Bữa cơm chỉ muối ớt chấm lá sắn luộc, lâu lâu mới có vài con cá suối bà con cho, vậy mà cô ấy đã dần hồi phục. Một hôm cô ấy bỗng dè dặt nói “Anh này, em đã thấy khỏe, tự lo cho mình được, hay là anh trở lại đơn vị?” Tôi giật mình. Bấm đốt ngón tay gần một năm trời đã trôi qua! Tôi ngồi thừ ra rồi ngần ngừ bảo H’Choa “Có lẽ phải vậy nhưng phải thư thêm mấy bữa. Cũng phải trả nợ lúa má cho bà con, cảm ơn họ rồi đi chứ…” Nêu lý do cho có vẻ vậy, thực tình là tôi muốn lần khân để tự trấn tĩnh, nghĩ cách đối phó… Tâm trí rối bời, cuối cùng tôi thấy tốt nhất vẫn cứ về đơn vị rồi có sao nói vậy. Cái gì phải xảy ra thì cứ để nó tự xảy ra…

Nhưng đúng ngày chúng tôi chuẩn bị lên đường thì “cái tất yếu” đã xảy ra, có điều lại theo hướng khác… Buổi sáng ấy trong cái lạnh thấu xương của khí rừng bao phủ, chợt nghe văng vẳng tiếng ai vừa chạy vừa la. Tôi chay vội tới xem có chuyện gì. Thì ra là ông trưởng làng. Nhún nhảy từng bước như không chạm đất, đến mỗi nhà, khúc nứa trong tay ông lại đập phạch vào cầu thang: “Dậy mau, có tin to. Sài Gòn giải phóng rồi. Mỹ- Ngụy thua rồi, hơ!...”. Tôi khựng lại, hai chân như bị chôn chặt xuống đất. Phải một lúc sau mới định ra lối về. Lần tới căn lều tôi nằm lăn ra sạp nứa, đầu như long ra … Trời ơi, sao bao nhiêu người đang đón nhận cái tin này với một niềm sung sướng vô bờ mà tôi thì lại đau khổ thế này? Sao nó không đến chậm thêm ít nữa để tôi có một cơ hội? Sao nó lại biến tôi thành một kẻ đào ngủ giữa thời khắc này? Mười năm trời, từng khoảng khắc không thể quên hiện về buốt nhói lòng tôi… Là lính nuôi quân nhưng tôi cũng đã bao lần cận kề cái chết. Còn nhớ tháng 2 năm 1968 một quả pháo hú họa của địch rơi cách bếp chỉ chừng mươi mét, một mảnh đạn găm vào ngực tôi, chỉ một li nữa là trúng tim… Tôi đã cùng anh em bao lần vào chết ra sống, không ngờ lại có một ngày vào sống mà ra chết thế này!

Có bước chân nhè nhẹ của H’Choa. Có lẽ cô ấy vừa mới đi hóng tin về. Nhìn giọt nước mắt còn vướng trên má tôi, H’Choa đã hiểu. Cô nói giọng bùi ngùi:

-Anh à, vợ chồng mình không đi hết đường là có lỗi. Nhưng mình không đi chiêu hồi, không đầu hàng giặc. Chắc rồi mai mốt biết ra anh em cũng thông cảm cho thôi!

Tôi nắm chặt tay H’Choa kéo lại gần. Bây giờ chỉ còn cô ấy là niềm an ủi, là chỗ dựa cho những ngày phía trước có lẽ còn rất dài mà tôi chưa biết sẽ trôi về đâu…

Tin miền Nam giải phóng có làm làng Tung nhộn nhạo lên ít ngày rồi lại trở về nếp cũ. Những gì đang diễn ra ngoài kia dường như chẳng tác động mấy đến nhịp sống của mười hai nóc nhà. Mỗi người vẫn là mỗi thế giới khép kín. Họ chỉ mở ra mỗi khi làng có chuyện vui, buồn… Tiếng là đã gần một năm ở làng nhưng thực ra tôi vẫn gần như đứng ngoài cuộc sống. Bây giờ muốn tồn tại, tôi hiểu phải tìm cách hòa mình vào cuộc sống ấy. Để tránh bên ngoài nhòm ngó, tôi đổi họ thành Rơ Châm và học nói tiếng Jrai. Sự ăn mặc của tôi cũng dần dần thay đổi. Lúc đầu còn mặc quần dài, sau thấy vướng tôi chuyên mặc quần đùi. Và khi quần đùi rách hết thì chuyển sang đóng khố. Lúc đầu thấy kì vô cùng nhưng rồi cũng dần quen bởi quanh tôi tất cả đàn ông đều thế, Chừng ba năm sau ngày tôi theo H’Choa về làng, không ai nhận ra tôi là người Kinh nữa: Mặc khố, đeo gùi, hút thuốc bằng tẩu; và trong hội làng tôi cũng ăn bốc, ngồi lê la trên đất như ai… Tôi đã tự đồng hóa mình bởi không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn bị cô lập trong làng. Đặc biệt là khi tôi nói thạo tiếng Jrai thì H’Choa không nói chuyện với tôi bằng tiếng Phổ thông nữa. Tiếng mẹ đẻ rơi rụng dần thì kí ức cũng phai nhạt trong tôi. Quê hương, họ hàng chỉ còn là một cái bóng xa mờ… Thật ra thì nhiều đêm một mình trong chòi rẫy giữa rừng những gì mờ nhạt đó vẫn quặn lên trong tôi. Đã có lúc tôi nghĩ: hay là cứ đánh liều về quê một chuyến xem họ hàng con cái thế nào? Thế nhưng cái ý nghĩ đó vừa nhú lên thì ngay lập tức đã có một ý nghĩ chắn ngang: Về quê thế nào người ta cũng bảo: cùng đi bộ đội với nhau sao người ta lên úy, lên tá mà ông thì bao năm vẫn là thằng lính trơn, laị bây giờ mới ló mặt ra? Không đi đầu hàng địch thì cũng đào ngủ chứ gì? Thế là như bị giội gáo nước lạnh, tôi lập tức từ bỏ ngay ý nghĩ đó. Đặc biệt là sau việc này xảy ra…

Tôi nhớ là hình như vào khoảng năm 1985 thì phải - ở gần Tung Amô có một kẻ giết người từ Thành phố Hồ Chí Minh trốn lên đây giả dân làm ăn. Trong đoàn công an đi bắt kẻ giết người hôm đó có một anh còn trẻ cứ nhìn tôi chằm chằm, sau đó anh ta hỏi: Chú có phải là Lê Như Khoa không? Nhìn chú rất giống người trong ảnh cháu thấy ở làng. “Có người nhận ra mình” – Một nỗi sợ hãi làm tôi cuống quýt. Tôi lắc đầu nói bằng tiếng Jrai: “Chắc anh nhầm. Tôi cũng là Khoa nhưng mà Rơ Châm Khoa, người Jrai’’. Anh ta lắc đầu thất vọng rồi bỏ đi. Sau sự việc đó tôi càng co mình lại, cố đi thật ít ra khỏi làng, lấy việc rẫy nương làm khuây khỏa… Và cứ thế càng ngày tôi càng trượt dài theo dốc thời gian…                 

Ông Khoa ngừng lời nhấp một ngụm nước, đưa cặp mắt rầu rĩ nhìn chúng tôi như để tìm kiếm một sự thông cảm nào đó rồi kể tiếp:

Cho mãi đến năm 2001 xã Ia Dreng mới thành lập. Người Kinh từ Bình Định lên, người Tày ở Bắc vào; Nhà nước đầu tư cho trường học, điện, đường… bấy giờ làng Tung Amô mới mở cửa ra với cuộc sống bên ngoài. Gia đình tôi cũng bắt đầu thay đổi. Những đứa nhỏ được đi học (tôi có 7 đứa con. Mấy đứa lớn đều thất học) cuộc sống đã đỡ tù túng nặng nề. Tuy nhiên sự mặc cảm cố hữu vẫn chưa hề vơi bớt trong tôi. Và có lẽ tôi sẽ như một con người đã chết nếu không gặp Hùng Tĩnh – một ân nhân của tôi…

Số là khi xã được thành lập, huyện đã cử một đoàn cán bộ địa chính về đo đạc, quy hoạch các công trình cho xã. Hôm đo đạc ở làng Tung Amô, Hùng Tĩnh ngẫu nhiên vào nhà tôi xin nước uống. Thấy tôi anh ta cứ nhìn ngó đầy vẻ nghi hoặc rồi xoắn vào hỏi chuyện. Đấy là người Kinh thứ hai mà tôi được tiếp xúc trong gần ba mươi năm trời! Trước sự nhiệt tình của anh ta tôi cũng bắt chuyện lại, nhưng phải rất chậm mới nhớ ra được vốn từ. Có nhiều câu tôi nói lơ lớ như người Jrai. Hóa ra là Hùng Tĩnh cùng huyện Thanh Liêm, kế bên xã tôi. Phải mất rất nhiều thời gian Hùng Tĩnh mới làm cho tôi nhớ lại được tên người thân, bạn bè… Bây giờ thì sự mặc cảm trong tôi cũng dần vơi bớt… Tôi cởi mở kể cho Hùng Tĩnh nghe tất cả… Sau cùng tôi ngập ngừng ngỏ với Hùng Tĩnh là hai con tôi gửi bên nội nuôi, không biết còn sống hay bị bom đạn chết rồi. Nếu có tin tức gì thì nhờ anh báo giùm… Cho đến lúc này tôi cũng không mong là mình có đủ can đảm để về quê hay có dịp gặp lại các con mình nữa!

Hùng Tĩnh quả là người nhiệt tình hiếm có. Hôm sau về huyện, anh ấy tìm cách gọi điện về quê tôi. Biết hai con tôi còn sống, gia đình bình yên, Hùng Tĩnh trở vào Tung Amô báo tin và bảo tôi viết thư về cho gia đình. Tôi cầm cây bút mà hai tay run bắn. Những con chữ khó nhọc bò ngoằn ngoèo. Hơn ba chục năm nay lần đầu tiên tôi mới cầm cây bút và đặt tay lên tờ giấy!

Đầu năm 2002 qua điện thoại, hai con tôi đã tìm được nhà Hùng Tĩnh.  Rất tế nhị, Hùng Tĩnh không dẫn thẳng chúng vào nhà tôi mà đưa vào ở nhà ông Châu làng Tông Đao, sau đó mới vào đưa vợ chồng tôi đến… Từ ngày biết tin con tôi đã tưởng tượng đến giây phút này. Tôi sẽ nhào vào ôm lấy chúng, và tiếng khóc sẽ vỡ ra uất nghẹn… Thế nhưng bây giờ một tấm chắn vô hình làm tôi sững lại. Có lẽ nào hai con người luống tuổi, tóc đã chớm bạc kia lại là con tôi được? Ngày tôi đi B thằng Long mới 8 tuổi, con Mai 7 tuổi. Chúng ngơ ngác không hiểu tôi đi bộ đội để làm gì kia mà… Còn hai đứa, chúng cũng nhìn tôi nghi hoặc. Lẽ nào cha chúng lại là một ông già đen đúa, lụ khụ đi bên cạnh một bà già mặc váy lộc ngộc… Những lời hỏi han ban đầu cứ như là những người xa lạ bị ép đến gặp nhau. Rất tinh ý, Hùng Tĩnh gợi cho hai đứa kẻ chuyện về quê hương và bà con họ hàng… Từng lời chúng kể như những tia chớp lóe sáng trong trí nhớ u minh của tôi. Một sức hút vô hình khiến chúng tôi nhào tới ôm chầm lấy nhau. Những tiếng khóc vỡ ra nghẹn ngào. Biết bao lâu rồi những giọt nước mắt của tôi mới thực sự trào ra tự đáy lòng như thế…

                   

Hàng bao năm nay cái thôn Đạt Hưng tĩnh lặng của tôi mới xảy ra một chuyện lạ đời như vậy… Ba bốn ngày liền nhà thằng Long con tôi cứ chật ních. Người đến thăm, người đến vì sự tò mò. Cán bộ xã cũng đến làm lễ hạ bằng “Tổ quốc ghi công’’cho tôi. Vậy là tôi đã chẵn ba chục cái giỗ! Đó là tính từ ngày nhà tôi chính thức nhận danh hiệu Liệt sĩ chứ thực sự thì gia đình tôi đã giỗ tôi từ ngày đi B rồi. Từ năm 1965 cho đến 1975 có tin tức gì về tôi đâu! Bởi thế sau ngày miền Nam giải phóng chỉ một thời gian ngắn, xã đã đề nghị  trên công nhận liệt sĩ và xây nhà tình nghĩa cho các con tôi… “Thế sao giải phóng rồi không về quê, chí ít thì cũng có vài dòng báo tin chứ ?’’. Ai cũng xoắn vào tôi câu hỏi ấy. Tôi phải kể đi kể lại cái làng Tung A Mô ngày ấy thế nào, tôi sống trong cái làng ấy ra sao… Bà con có người cảm động chảy nước mắt. Duy chỉ có một điều mà tôi giấu mọi người: Đó là sự mặc cảm của tôi, song le không một ai đả động. Sự trở về của tôi như một câu chuyện cổ tích cuối cùng của chiến tranh… Và tôi hiểu có lẽ chỉ còn tôi là người sót lại sau cùng với cái nếp nghĩ đã qua thời…                                                 

Ông Khoa đứng lên đi tìm cho chúng tôi một cái gì để quạt vì thấy lưng áo ai cũng ướt mồ hôi… Vợ và các con ông đã lên rẫy. Căn nhà im ắng. Thỉnh thoảng con tắc kè nấp đâu đó lại rướn lên vài tiếng kêu ngắn ngủn. Nhìn dáng đi cóm róm xo xụi của ông, trong tôi bỗng gợn lên một ý nghĩ xa xôi: Liệu ông có còn cơ hội thấy lại quê cha đất tổ? Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, ông đón chuyện:

-Tôi định ở lại quê chí ít là một tháng để chuyện trò với anh em, họ hàng cho đã. Nhưng mới được hơn mười ngày đã thấy trong bụng như kiến cắn. Ăn uống, tiện nghi sinh hoạt chẳng thiếu thứ gì. Quê tôi bây giờ sướng quá! Thế nhưng hóa ra tất cả những thứ đó lại không hợp với tôi. Từ lâu tôi đã là con người của núi rừng rồi. Với tôi căn nhà sàn này, mùi mồ hôi của bà Choah và những đứa con thô tháp như giọt mật ong rừng này mới thực sự là cuộc sống… Thế là dù họ hàng, con cháu xoắn xuýt tôi vẫn một hai xin vào lại Tung A Mô…                

Và bây giờ thì hẳn ông đã mãn nguyện với nẻo tình duyên mình chọn. Chiến tranh đã lùi xa. Dư luận đã xóa án cho ông. Tôi biết những người lính sau chiến tranh có hoàn cảnh tương tự vẫn lựa chọn như ông đã lựa chọn. Không ai vứt bỏ sự lựa chọn của mình dù nhiều người có cơ hội “giải phóng”. Tình yêu ấy chỉ người lính một thời mới có…Tôi nói lại ý nghĩ của mình với ông Khoa. Ông nhìn tôi với vẻ mặt đầy xúc động “Chú nói nghe được lắm. Lần đầu tiên trong những người đến đây, tôi mới thấy có người hiểu bọn tôi là vậy…’’.                                                                     

II

Trước khi vào làng Kuk tìm ông, tôi đã nghe không ít lời đồn đại chuyện thuốc thư, bùa ngãi khá ly kỳ ở ngôi làng này. Người mách tin cho tôi thậm chí còn quả quyết:  Cứ cho là trước đây rừng núi mịt mù, điều kiện liên lạc không có thì cũng đành. Bây giờ ở làng Kuk, đến đứa trẻ con cũng biết điện thoại di động mà vẫn không nghĩ đến chuyện về quê hay tìm cách liên lạc với gia đình thì tôi tin chắc là ông ấy đã bị bỏ bùa ( ! )

Bây giờ thì Đinh Xuân Vi đang ngồi trước mặt tôi… Quần cộc, chiếc áo khép hờ lộ tấm thân gầy. Rất tự nhiên, ông cứ ngồi bệt giữa nhà mà tiếp khách. Tôi hiểu là nếp làng đã bắt vào ông. Giá vô tình gặp ngoài đường, tôi cũng sẽ đinh ninh ông là một già làng như bao nhiêu già làng khác…

 Quê tôi ở tận thị xã Yên Bái – ông Vi chậm rãi bắt đầu câu chuyện... Tôi nhập ngũ năm 1965, phiên hiệu đơn vị bây giờ chỉ còn nhớ là Tiểu đoàn 1, Quân khu Việt Bắc. Được một năm thì đi B, phiên chế về Binh trạm Trung, Mặt trận B3. Suốt 14 năm lăn lộn với chiến trường Tây nguyên ác liệt, chẳng nhớ nổi tôi đã qua bao nhiêu sắc lính: Khi là trinh sát, thông tin; lúc coi kho, lúc vệ binh… Cấp bậc cũng đã trung uý, đại đội trưởng. Với trình độ văn hoá lớp 10 nữa, lẽ ra không vì cái sự cố ấy thì sau này chí ít cũng được cái lon thượng tá mà về hưu, đâu phải mỏi mòn ở cái làng này cho đến bây giờ…

Ông Vi dừng lại rít một hơi thuốc vẩy tàn xuống nền nhà, giọng bỗng trở nên xa xăm:

 - Số là cuối năm 1972 tôi được giao phụ trách kho gạo ở đồn Ba Không… Một đêm nghe tiếng mưa đổ bất thường, tôi tỉnh giấc nhìn ra thì đã thấy bốn bề nước láng băng. Ở xứ này những cơn mưa lở trời lở đất như thế cũng chẳng phải hiếm gặp. Đang định khoác nilon ra kho xem thế nào thì đã nghe ngoài vách tiếng rào rào nổi lên như có bầy voi rừng đang đạp cây tiến đến. Một cơn lũ quét bất chợt ập về. Chúng tôi ngoi ngóp trong làn nước, may mà không ai bị cuốn trôi. Định thần lại nhìn ra bờ suối thì kho gạo đã bay biến mất tự lúc nào… Sự cố bất khả kháng nhưng tất cả lính kho đều bị kỷ luật, và đương nhiên tôi là người nặng nhất. Cũng cứ nghĩ đấy chỉ là cái án nhất thời, nào ngờ cho đến tận ngày giải phóng, mọi cuộc bình bầu khen thưởng tôi đều bị gạt ra… Nghĩ mình vào chết ra sống bao nhiêu trận, cũng huân, huy chương đủ cả, thế mà chẳng ai nghĩ đến chuyện giải oan. Không nén nổi sự bất bình, tôi viết một bức thư cho chỉ huy, đại ý: Bao nhiêu năm bom đạn ác liệt cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ ngũ hay thoái lui. Bây giờ đất nước hoà bình, phận sự đã tròn, tôi muốn được ra ngoài tạo lập cuộc sống. Xin hứa dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh người lính…

 Mỗi bộ quần áo trên người, tôi lội rừng về làng Kuk. Mới chạy nạn ở Campuchia về, làng Kuk bấy giờ xác xơ đói rét lắm, song cũng chẳng biết đi đâu bởi đây là nơi duy nhất tôi có người quen. Nghe tôi kể đầu đuôi, ông Chơn chủ tịch xã bảo: cứ ở chơi rồi từ từ hãy tính… Và rồi trong những ngày vô vị ấy, tôi đã tình cờ gặp Rơ Ma Thận. Cô vốn là thanh niên xung phong của Mặt trận B3. Cũng đã gặp mặt một đôi lần gì đó ở binh trạm nhưng tôi đâu có hay cô ở làng này. Như là duyên tiền định, chỉ con gà với ghè rượu, chúng tôi nên vợ nên chồng…

 Nhà Rơ Ma Thận chẳng giúp được gì, chúng tôi bắt đầu tạo dựng cuộc sống từ con số “không”. Sáng tinh mơ đã chui ra khỏi lều, chiều nhọ mặt người mới chui về, vậy mà ba năm đầu cũng đói vàng cả mắt, có khi phải đi đào củ mài. Nguyên do là sốt rét hoành hành. Mỗi gùi lúa ba chục cân chỉ đổi được liều thuốc sốt. Bệnh tật rình rập, song với tôi đáng sợ hơn là sự mê tín. Chỉ thấy đau, bất kỳ nặng nhẹ là bà con đi bói thầy cúng. Cả nhà tôi cũng vậy. Vợ chồng bất bình luôn vì chuyện này… Trong môi trường ấy, dù tôi có cố thì sự lấm láp của gia đình cũng là điều không thể. Buồn nhất là các con tôi. Có đe nẹt hết cách, một đứa cũng tới được lớp 6, một đứa men tới lớp 9 thì bỏ. Chúng thích lên rẫy hơn là đến trường. Đau nhất là đứa con đầu. Nó cao to, trắng trẻo, đẹp trai nhất làng. Với đồng bào, điều khác thường như vậy chỉ là do ma lai ám. Giá là con ai khác thì bị giết công khai rồi, song có lẽ vì ngại tôi, người ta chỉ xầm xì bàn tán. Thế rồi bỗng dưng nó bị bệnh, chết một cách bí hiểm. Vợ tôi quả quyết là cháu bị bỏ thuốc thư. Tôi chẳng tin nhưng nỗi đau này cứ ám ảnh tôi không thể nào nguôi…

 Nhưng dù có lấm láp, nhọc nhằn đến mức nào thì cuộc sống cũng phải đến lúc sáng lên. Làng Kúc như bây giờ các anh thấy: điện, đường ô tô đã đến tận làng. Cuộc sống của tôi giờ cũng không đến nỗi. Nhà tôi có 1 ha lúa nước; 2 ha điều, 2 ha mì. Thu nhập mỗi năm cũng được năm, sáu chục triệu đồng. Tội đào nhiệm của tôi kể như cũng được xoá với việc đã được nhà nước cho hưởng trợ cấp một lần. Vậy thì hà cớ gì tôi vẫn không liên lạc với gia đình, vẫn tự coi mình như là người đã chết ?

 Gói “Era” đã đốt đến điếu cuối cùng. Nền nhà trắng những tàn thuốc lá. Khuôn mặt ông như chìm sau lớp khói sương:

 -Cha tôi mất trước lúc tôi vào bộ đội. Ông có hai vợ. Mẹ tôi, Hoàng Thị Điệp là bà cả. Anh đầu của tôi tên là Thắng, ở nhà làm ruộng. Anh kế tên là Chế đi bộ đội biên phòng (Bấy giờ vẫn gọi là Công an vũ trang). Em gái sau tôi chết vì lũ cuốn cùng hai cô em con bà hai lúc đi xem phim về. Hồi còn chiến tranh, tôi gửi thư hai lần mà chẳng thấy hôi âm. Từ đó cho đến nay – có lẽ cũng hơn bốn chục năm rồi, tôi cũng chẳng biết hai mẹ tôi còn sống không, các anh tôi ai còn ai mất !

 Từ lúc bỏ đơn vị về làng Kuk, thú thật là cũng đã không ít lần tôi nghĩ đến việc về thăm nhà. Con chim, con thú còn biết nhớ cây nhớ cội, con người sao có thể đành đoạn với ruột thịt, quê hương ? Thế nhưng đã có lần khoác túi bước xuống cầu thang, cứ nghĩ đến điều tất yếu là mẹ và các anh tôi thế nào cũng hỏi: cùng đi B với nhau, cũng bấy nhiêu năm vào chết ra sống, sao người ta lên uý, lên tá. Mày trơ cái thân không trở về, nếu không đi đầu hàng địch thì cũng đào ngũ. Chắc là xấu hổ quá nên bây giờ mới dám ló mặt ra chứ gì? Hẳn rằng tôi có thanh minh thế nào thì mẹ và các anh tôi cũng không chấp nhận. Thế là tôi lại khoác túi trở lên nhà. Cứ trượt theo dòng suy nghĩ ấy, thư tôi cũng chẳng viết, điện cũng không… Bây giờ thì dễ chừng tôi đã có bằng “Tổ quốc ghi công” treo ở nhà, nỗi đau của người thân cũng đã lắng. Vậy thì hãy để niềm tin ngủ yên, còn xáo động lên làm gì sự hoài nghi dằn vặt bởi sự “sống lại”  muộn màng này nữa ?

 Tôi không thể không bật cười bởi dòng suy nghĩ cực đoan của ông. “Đã đành là bác có lỗi, nhưng cái nhìn xã hội bây giờ đã thoáng lắm rồi. Mà như bác nói thì nhà nước đã cho hưởng trợ cấp một lần, thế có nghĩa là xem như mình được xoá lỗi. Bưu điện xã ngay kia, chỉ cần một cú gọi dịch vụ là có ngay số điện thoại uỷ ban chỗ bác. Rồi cứ nhắn tin như thế như thế… việc gặp lại người thân chỉ gang tấc mà thôi”. Mặc cho tôi “tán”, ông vẫn cứ ngồi lặng, lúc lâu mới buông một câu gọn lỏn “Có lẽ rồi cũng thử xem ?”

Chắc là nói để lấy lòng khách chứ tôi tin ông chẳng chịu làm đâu ! Sự mặc cảm trong ông đã nặng quá rồi.  Chẳng vậy mà bao năm nay ông đã tự coi mình như người đã chết ?

 

III

Bà Siu Pương đang ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Cả tháng nay cứ cảm giác như có con lươn đang trườn trên da thịt. Cái lạnh cứ thấm vào từng đốt xương rờn rợn… Hôm trước thầy cúng chặt cành cây, bảo bà sải tay do rồi nói rằng có người bỏ “thuốc thư”… Chả hiểu đang bực mình vì đau ốm hay nghe không hiểu, phải đến dăm phút sau bà mới cất tiếng gọi cậu con trai về đưa tôi ra rẫy…

Mặt trời đứng bóng, ông Nguyễn Tiến Chung mới về. Mình trần, chiếc quần dài trễ xuống quá rốn. Khuôn ngực gầy nổi từng đốt xương phập phồng theo nhịp thở. Căn lều mái tôn sùm sụp trên đầu khiến tôi có cảm giác ông mang nguyên từ rẫy về tất cả cái nắng nôi và bụi bặm… “Chẳng nhớ bao năm rồi tôi đã mất hết ý niệm thời gian. Cứ khi nào việc xong thì ấy là giờ nghỉ. Căn lều này, khu rẫy này là tất cả thế giới của tôi…”

… Nguyễn Tiến Chung quê ở thôn Phi Điền, xã Phú Thịnh, huyện Lục Ngạn ( Hà Bắc ). Thực ra đấy chỉ là nơi cư ngụ trước lúc đi bộ đội chứ cha quê Hải Hưng, mẹ quê Nam Định. Ông bà chạy giặc lên đó rồi gặp nhau nên chẳng có họ hàng thân thích gì. Dù là con một, Nguyễn Tiến Chung vẫn xung phong đi bộ đội. Ông nhập ngũ năm 1966, là lính pháo thuộc Trung đoàn 204. Năm 1968 Nguyễn Tiến Chung vào mặt trận Quảng Trị, tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, tiếp đó sang chiến trường Lào, Campuchia rồi đáo về mặt trận B3. Năm 1975 ông phục viên với cấp bậc trung sĩ…Chuyện cùng Siu Pương nên duyên rồi khép mình trong làng Kuk suốt hơn 35 năm qua là một câu chuyện tình lãng mạn đầy trắc trở - chính xác hơn thì đó là một mối tình lãng mạn nhọc nhằn… Số là năm 1972 do sức khoẻ giảm sút, Nguyễn Tiến Chung được đơn vị chuyển sang làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Làng Kuk, lúc bấy giờ để tránh sự oanh tạc của địch phải lánh sang đất Campuchia. Trong những lần đi “dân vận” nhờ bà con giúp đỡ, nguyễn Tiến Chung đã gặp cô du kích Siu Pương. Lễ cưới được đơn vị tổ chức vào cuối năm đó. Tháng tư năm 1975 khi Nguyễn Tiến Chung cùng đơn vị tiến về Sài Gòn thì cũng là lúc vợ mang bầu và ở quê mẹ mất…

- “Từ Sài gòn trở lại làng Kuk, mình như người bước sang một thế giới khác” – Ông Chung thở hắt khi nhớ về chuyện cũ… Thời chiến tranh con mắt nhìn mọi chuyện đều đơn giản, bây giờ hoà bình mới thấy cuộc sống bao điều phải suy xét, lo toan. Mà làng Kuk bấy giờ mới chạy giặc trở về xác xơ đói rét lắm. Nhà vợ 6 con người phải chen chúc nhau trong túp lều dễ chừng chỉ nhỉnh hơn chòi lúa. Hiểu rằng mình đang như con bò độc lực kéo cỗ xe ngược dốc, từ tinh mơ đến tối mịt tôi trần mình trên rẫy, tối lại về xoay trần nấu rượu; rồi thì đi bộ cả hai chục cây số lấy muối, cá khô về cho vợ đổi lúa lấy lời… Ngày tiếp ngày, những gì đang xảy ra ngoài làng Kuk, với tôi là cả một thế giới xa xăm. Làm việc không tiếc thân mình, vốn liếng đã có lúc lên tới 7 con bò, lẽ ra tôi đã được đền bù – chí ít thì cũng đã có căn nhà đàng hoàng để ở, thế nhưng rốt cuộc lại trở về tay trắng. Đơn giản là lúc bấy giờ mỗi liều thuốc sốt phải đổi bằng một gùi lúa. Mà tôi thì chẳng nhớ bao lần bị sốt. Có một lần tôi sốt chẳng biết đã mấy ngày. Trong mê man chợt nghe văng vẳng tiếng chiêng. Cố mở mắt thì ra họ hàng đang xắng xở chuẩn bị đập heo để làm ma…Đã không dưới hai lần tôi được chuẩn bị cho về làng ma như thế, vậy mà như có phép mầu lại được sống. Trời có lẽ cũng thương tôi vào chết ra sống bao năm ở chiến trường không nỡ hay chăng (?)

Thực ra thì nỗi đau thể xác ấy có đận rồi cũng qua. Chuyện đáng nói hơn là con cái. Dù ông chỉ kể sơ sài thì tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn thầm kín ấy. Ông có đến 8 đứa con – 4 trai, 4 gái. Trong cái không gian làng như bao đứa trẻ một thời, chúng cứ lớn lên lấm láp và gần như hoang dã. Mấy đứa lớn chỉ học được đến lớp 1 – 2 rồi bỏ. Bây giờ thì theo lẽ thường tạo hoá, chúng lần lượt lấy vợ lấy chồng, gắn cuộc đời với rẫy nương.. Buồn hơn cả trong số chúng là Siu Hoa. Hoa là cô gái trắng trẻo, xinh xắn vào hàng nhất làng Kuk. Hoa lấy Rơ Châm Then cùng làng. Năm 2004 làng Kuk bị cuốn vào cơn lốc vượt biên. Nghe lời bọn phản động dụ dỗ, Then đã đành đoạn bỏ lại đứa con mới thôi nôi và người vợ trẻ để đi tìm “đất hứa”. Trong chuyến đò vượt sông Pô Kô vào cái đêm mưa gió bão bùng ấy, chỉ mỗi Then và đứa cháu gái may mắn thoát chết. Nhưng cập được bờ “đất hứa’ rồi, anh ta lại viết thư về tuyên bố bỏ vợ… Đau nỗi con dang dở đã một nhẽ, mình là cựu chiến binh, là người hiểu biết ở làng này, lại để xảy ra chuyện đáng chê trách như vậy, chẳng phải là mang tiếng lắm sao ?

…Bây giờ tôi mới có dịp ngó nghiêng cái “thế giới” của ông. Căn chòi thưng ván lợp tôn vá víu được ông chia làm hai ngăn. Ngăn trong cắm một chiếc sạp gỗ buông màn tối om, ý chừng là nơi ngủ của ông. Gian ngoài làm bếp. Từ đây về tới làng Kuk dễ chừng phải đến 3 km. Hút mắt nhìn ra chỉ thấy bốn bề cao su vây bủa… Hơn ba chục năm đã bó mình giữa làng, lại còn co mình vào cõi cùng của thế giới ấy nữa, ông đã mặc cảm với cuộc sống đến độ không biết tự thương thân ? Đón ý tôi, khuôn mặt ông như chợt già đi mấy tuổi:

- Mẹ tôi goá chồng từ lúc tuổi còn rất trẻ vẫn ở vậy nuôi con. Những năm ở chiến trường tôi vẫn hình dung nỗi khát khao cháy lòng mong được gặp lại con một lần của mẹ. Nhưng rồi không chỉ phút lâm chung đã không được bên mẹ mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết mộ mẹ nằm đâu…Giá như những ngày mới hết chiến tranh về viếng mẹ, hẳn mẹ tôi sẽ tha thứ. Thế nhưng tôi đã quá mặc cảm để bao tháng năm đã trôi qua rồi. Hẳn rằng đã gần 10 năm không tin tức, trước lúc từ giã cõi đời, mẹ tôi vẫn đinh ninh rằng tôi đã chết. Nỗi đau chồng con không trở về, thời ấy đâu riêng một mẹ tôi. Vậy thì hãy để người hoá thân với nỗi đau ấy. Khơi dậy lại, hoá ra tôi là kẻ bất hiếu hai lần ?

Tôi lặng đi, lòng dậy lên niềm chua xót bởi cái lý của ông. Hoàn cảnh của ông bấy giờ thật khó mà cân đong “bên tình bên hiếu” thì đời cũng bù trừ. Chẳng trọn vẹn được như người thì 8 đứa con ông cũng đã có đất, có nhà từ thành quả lao động của ông. Và sự đền đáp quý giá nhất đời ông là một tình yêu bền chặt… “Anh hiểu tôi đấy” – Ông cắt lời tôi hứng khởi. “Bà ấy không được học hành, sống theo lẽ thường của bao người người đàn bà ở làng này. Nhưng với tôi, trong cái vỏ thô tháp ấy là một viên ngọc tình yêu… Thú thật là những ngày đầu sống chung, không ít lần tôi đã trăn trở về sự lựa chọn của mình, thậm chí đã có lúc tôi định bỏ trốn. Thế nhưng cứ mỗi lần chạm tới ý nghĩ tội lỗi ấy là lại thấy mình hèn… Những tai ương, những nỗi buồn đã qua, nói “trời thương” là thuận miệng chứ không có bà ấy, dễ tôi đã buông xuôi hay “tiêu cực” từ rất lâu rồi. Và cái “thế giới” này, có người ngộ nhận là tôi những muốn trốn chạy khỏi cuộc sống làng. Làm sao tồn tại bằng sự “trốn chạy” ấy nếu phía sau không có bà là điểm tựa… Rồi 2 ha rẫy, bây giờ mỗi năm thu năm, sáu chục triệu đồng - thành quả lao động bao nhiêu năm trời, tôi đâu phải là cái máy nếu không có tình yêu của bà ấy “điều khiển”… Thế nên đã bao lần tôi tự cười mình khi đâu đó người ta xì xầm rằng tôi bị “bỏ bùa”. Đúng là tôi đã bị bỏ bùa như thế đấy!”

Ở đời, nếu cứ đứng ở vị trí của mình, có lẽ ta chẳng bao giờ hiểu được hạnh phúc của người khác… Năm nay ông đã bước vào tuổi 65. Nghĩ trộm ông, cuối đời hẳn rằng cũng như bao người ở làng Kuk này, ông lại về với đất, sẽ được bỏ mả để rồi tan biến vào cõi đời như một giọt sương. Kiếp người với cái vòng luân hồi “đất - người – ma - đất” theo quan niệm của người Jrai thô sơ mà triết lý ôm hết cho bao tộc người trên thế gian này. Thế nên sự tồn tại đích thực của mỗi con người giản dị là liệu anh có dám cháy hết mình cho một lối đi trên đường đời mà anh đã chọn ?

                                                                               

                                                                      N. T

                                        

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm
Beijing lá phong vàng (8) – Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu
Kẻ yếu thua từng trận nhưng thắng toàn cuộc. Kẻ mạnh thắng từng trận nhưng thua toàn cuộc. Chủ thuyết Tàu là Salami.
Xem thêm
Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như
Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.
Xem thêm
Duyên đá - Bút ký của Minh Đan
Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.
Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm