TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Những cú hích lịch sử – văn hóa và sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại

Những cú hích lịch sử – văn hóa và sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-20 00:53:33
mail facebook google pos stwis
3072 lượt xem

Vanvn- Bối cảnh lịch sử, xã hội và giao lưu văn hóa toàn cầu đã mở ra những sinh lộ mới cho văn học Việt Nam đương đại. Sự kết hợp hài hòa giữa nhân tố nội sinh và nhân tố ngoại sinh trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế đã góp phần giải phóng cá tính sáng tạo của nhà văn, tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt trong đời sống văn học Việt Nam sau 1986. Bài viết tập trung phân tích tác động của bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội đến không gian sinh tồn của văn học; sự thay đổi về tư duy nghệ thuật của nhà văn và những đổi mới trên bình diện thi pháp.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn VN

1. Những cú hích lịch sử, xã hội và văn hóa

Xét về tính chất và trình độ, đương đại là một lát cắt hiện thời/ mới nhất của hiện đại. Nhìn văn học Việt Nam đương đại gắn với mốc 1986 (với hai lí do cơ bản: 1/ thời điểm Việt Nam chính thức chủ trương đổi mới; 2/ khởi đầu tiến trình toàn cầu hóa trong tính toàn diện) sẽ thấy sự khác biệt: nếu văn học trước Đổi mới chủ yếu bị chi phối bởi đời sống chiến tranh (lạnh) thì văn học sau 1986 nằm trong sự phủ sóng của văn hóa thời bình và hội nhập quốc tế. Khoảng thời gian 1975-1985 là giai đoạn bản lề, tại đó, cái mới/ khác đã manh nha nhưng chưa trở thành hiện tượng nổi bật và rộng lớn1. Diễn ngôn nghệ thuật đương đại, vì thế, chịu sự quy định của nhiều nhân tố, trong đó có ba nhân tố quan trọng: 1/ sự đổi mới tư duy chính trị và quá trình mở rộng dân chủ xã hội; 2/ kinh tế thị trường và thị trường văn học; 3/ giao lưu, hội nhập văn hóa toàn cầu. Đây cũng chính là ba cú hích cơ bản tạo đà cho sự đổi mới văn học Việt Nam đương đại.

Đổi mới tư duy chính trị và nhận thức văn hóa, xã hội

Từ cuối thập niên 70 của thế kỉ XX, những cây bút mẫn cảm nhất của văn học Việt Nam đã sớm nhận thấy tính chất “minh họa” là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng “suy tư tưởng” và làm nghèo đời sống văn học2. Tất nhiên, khát vọng đổi mới vào thời điểm ấy không chỉ là khát vọng của riêng văn học, nghệ thuật mà rộng hơn là khát vọng của toàn xã hội. Trong bối cảnh đất nước bị cấm vận, kinh tế khủng hoảng, niềm tin xã hội giảm sút, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng thì chủ trương đổi mới được chính thức phát động tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) có ý nghĩa cực kì quan trọng. Đó là kết quả của một biến dịch. Chủ trương “đổi mới tư duy” ngay lập tức đã trở thành cảm hứng bao trùm và trở thành động lực tinh thần giúp Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng. Đó là những chuyển động mang ý nghĩa của chữ Thời. Năm 1987, lần đầu tiên có một Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe nhiều ý kiến “nghịch nhĩ” từ đại diện của giới văn nghệ sĩ cả nước. Tại cuộc gặp gỡ này, người đứng đầu đảng cầm quyền đã trực tiếp đề cập đến chuyện “cởi trói” cho văn nghệ sĩ3. Gọi là “nghịch nghĩ” bởi đó là những phát ngôn “nhìn thẳng sự thật”, “nói thẳng sự thật” mà trước đây văn nghệ sĩ không có điều kiện để nói và cũng ít người dám nói. Tiếp đó, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 về nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lí văn hóa nghệ thuật đã bước đầu cụ thể hóa một số vấn đề trọng yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn nghệ từ tầm nhìn đổi mới, đặc biệt là vấn đề quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Ở lĩnh vực báo chí, Báo Nhân dân mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” kí tên NVL (từ 1987-1990) như một hối thúc hành động để phá vỡ “sự im lặng đáng sợ” và sự trì trệ nhân danh tập thể. Đó là những chỉ dấu cho thấy sự đổi mới về tư duy, về dân chủ xã hội và mở ra một không gian khoáng đạt hơn nhằm kích hoạt đối thoại xã hội và đối thoại nghệ thuật, gỡ bỏ các cấm kị, phá bỏ những nhận thức cũ kĩ, giáo điều. Không khó để nhìn thấy tinh thần phản tư xuất hiện đậm đặc trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo… giữa thập niên 80 và sự bứt phá mạnh mẽ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài; kí của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang… ở thời điểm bắt đầu và ngay sau Đổi mới. Tinh thần khai phóng tư tưởng và đổi mới xã hội không chỉ tạo hứng khởi cho sáng tác mà còn làm thay đổi tiêu chí đánh giá văn học. Nhiều giá trị văn học quá khứ được soi xét lại, nhiều số phận “oan nghiệt” được “chiêu tuyết”, những đóng góp của Thơ mới và Tự lực văn đoàn được nhìn nhận lại thỏa đáng hơn. Văn học đô thị miền Nam 1954-1975 hay văn học của người Việt ở nước ngoài cũng bắt đầu được đánh giá lại trên tinh thần khoan dung văn hóa và tinh thần nhân văn hiện đại. Rõ ràng, những thay đổi trên đây đã mở ra tiền đề thuận lợi cho sự đổi mới trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà khi nhớ lại sáng tác của mình giai đoạn đầu Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp tán đồng với nhận xét: ông may mắn là kẻ “cập thời vũ” – mưa đúng lúc! [10, tr.72]4.

Bước sang thế kỉ XXI, đặc biệt sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2007), tiến trình đổi mới tuy không còn sôi nổi như những năm giữa 80-90 nhưng vẫn được tiếp tục cả ở chiều rộng và chiều sâu. Ảnh hưởng của những tư tưởng nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại của thế giới vào Việt Nam trở nên đậm nét hơn. Một số nhà nghiên cứu gọi đây là giai đoạn hậu – Đổi mới. Việc định danh này tuy chưa tạo được đồng thuận trong giới nghiên cứu, nhưng là sự phân biệt cần thiết để nhìn thấy những chuyển động nội tại của văn học trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI.

Kinh tế thị trường và thị trường văn học

Sự sôi động của đời sống xã hội và đời sống văn học đương đại không thể tách rời sự bùng nổ của kinh tế thị trường, mặc dù nhìn bề ngoài, đó là hai lĩnh vực dường như không mấy liên quan. Khác với kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, kinh tế thị trường tạo ra động lực để giải phóng sức sản xuất, điều chỉnh cấu trúc xã hội, tạo dựng mối quan hệ cung – cầu, trong đó có cả việc giải phóng sức sản xuất văn hóa và cung – cầu nghệ thuật. Kinh tế thị trường thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa, mở rộng không gian báo chí, truyền thông và kích thích tương tác xã hội, tương tác nghệ thuật thông qua giao dịch các sản phẩm văn hóa. Cùng với toàn cầu hóa, kinh tế thị trường đã làm mờ biên giới các quốc gia, thúc đẩy sự chuyển dịch công nghệ để hình thành nền kinh tế tri thức, xác lập và thúc đẩy sự hình thành, phát triển xã hội tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng văn hóa. Hệ quả, dưới sức ép của thị trường, các sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa. Ở khâu “sản xuất”, kinh tế thị trường đặt hàng người viết; ở khâu “tiêu thụ”, nó kích hoạt sự lớn mạnh của thị trường văn hóa và văn học. Người đọc có quyền tìm ở thị trường không chỉ sách nay mà cả sách xưa, sách nước ngoài và sách trong nước, mua trực tiếp hoặc giao dịch qua internet… Bằng sự “khôn ngoan” riêng có, kinh tế thị trường luôn thu hút các thành quả mới nhất của công nghệ kĩ thuật cao, từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển của văn hóa đại chúng. Với sự nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu của người đọc hiện đại, đề cao chức năng giải trí, phát tán nhanh chóng qua internet và truyền thông hiện đại, văn học đại chúng có khả năng cuốn hút lượng độc giả lớn. Cơn bão tiểu thuyết ngôn tình và truyện tranh trong thời gian qua ở Việt Nam cho thấy rất rõ quyền lực của văn hóa đại chúng trong bối cảnh văn hóa đương đại5. Xuất phát từ khu vực ngoại biên, trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, văn học đại chúng ngày càng lấn lướt thị phần văn học tinh hoa. Tuy không phải là nhân tố quyết định sự phát triển lịch sử văn học, nhưng rõ ràng, kinh tế thị trường và sự phát triển của thị trường văn học cho phép văn học đương đại mở ra những sân chơi mới nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người đọc. Trong thời đại 4.0, văn học đầu thế kỉ XXI càng có điều kiện mở rộng dư địa sinh tồn, phát triển. Dĩ nhiên, kinh tế thị trường và sự bành trướng của văn hóa đại chúng có những tác động tiêu cực vì nó là nhân tố có khả năng làm suy giảm chất lượng của nền văn học. Đây là một thực tế đòi hỏi cần phải có chiến lược phát triển văn hóa và văn học hợp lí nhằm giải quyết hài hòa hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế của văn học trong bối cảnh lịch sử văn hóa mới.

Mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế

Sự phát triển của văn học hiện đại ở Việt Nam gắn liền với ba cuộc giao lưu văn hóa lớn trên hành trình tiến ra thế giới. Từ cuối thế kỉ XIX đến 1945, văn học Việt Nam tiến ra thế giới nhưng mới ở mức bộ phận (tiếp xúc với văn hóa, văn học Pháp và Phương Tây). Từ 1945 đến 1985, là quá trình tiến ra thế giới trong thế đối lập: miền Bắc giao lưu với văn hóa các nước xã hội chủ nghĩa, miền Nam 1954-1975 tiếp xúc với văn hóa Âu – Mĩ. Phải từ 1986 đến nay, Việt Nam mới thực sự giao lưu với văn hóa và văn học thế giới trong tính toàn thể. So với hai cuộc giao lưu văn hóa trước, cuộc giao lưu văn hóa lần thứ ba này rộng hơn về quy mô, nhanh hơn về tốc độ và phong phú hơn về phương cách tiếp thu và tiếp biến. Nhờ sự thay đổi to lớn trên bản đồ chính trị và kinh tế thế giới, sự phát triển của internet, công nghệ kĩ thuật cao và thị trường văn hóa toàn cầu, hầu như tất cả các trào lưu văn hóa, tư tưởng của nhân loại đều ảnh hưởng đến Việt Nam qua dịch thuật và trao đổi văn hóa. Bên cạnh việc chọn in các tác phẩm văn học kinh điển của các nhà văn nổi tiếng thế giới, đặc biệt là những sáng tác hiện đại của F.Kafka, M.Proust, M.Kundera, Mạc Ngôn, H.Murakami,… nhiều nhà xuất bản còn chọn in cả văn học đại chúng, nhất là dạng sách bán chạy (best seller) để thu hút người đọc. Không chỉ dịch sáng tác, đời sống văn học cũng sôi động hơn nhờ việc dịch, giới thiệu nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện đại, trong đó một số lí thuyết đã đi vào thực tiễn nghiên cứu văn học Việt Nam như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, cấu trúc luận, nữ quyền luận, hậu hiện đại, đa hệ thống, kí hiệu học, hậu thực dân, phê bình sinh thái… Với sự có mặt của các lí thuyết hiện đại, sự thay đổi trong diễn ngôn lí luận, phê bình văn học Việt Nam từ 1986 đến nay là hết sức nổi bật.

Giao lưu văn hóa đương đại đã góp phần phá vỡ thế khép kín, mở ra những viễn cảnh mới cho sáng tác văn học, giúp nhà văn và người đọc nhận thấy rõ hơn văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới. Đặc biệt, sau sự kiện Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu (19/11/1997), về cơ bản, giao lưu văn hóa với thế giới đã được khai thông triệt để. Việc mở ra những xa lộ thông tin mới nhờ interrnet và truyền thông hiện đại đã góp phần tạo nên sự thay đổi sâu sắc về quy mô, chất lượng của giao lưu văn hóa so với các giai đoạn lịch sử trước đó. Đây cũng là con đường hiệu quả để văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp những chuyển động của văn học thế giới, đưa văn học phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại. Đỗ Lai Thúy có lý khi hình dung quá trình tiếp nhận và sự hiện diện của các ảnh hưởng tư tưởng văn hóa này này như một gối tiếp [12, tr.99]. Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, có thể thấy sự tồn tại cũ/ mới trong văn học và văn hóa Việt Nam cũng là một biểu hiện của tính cộng sinh văn hóa. Người Việt sẵn lòng đón nhận cái mới nhưng ít khi đẩy sự việc đến mức cực đoan, bởi thế sự đan cài cũ/ mới là hiện tượng phổ biến. Trong sự cộng sinh ấy, ít nhất có ba khía cạnh cần quan tâm: 1/ cái cũ kéo dài như một bảo thủ văn hóa; 2/ cái mới xâm nhập vào Việt Nam nhưng khó tồn tại và nhanh chóng biến mất nếu không vượt qua được bộ lọc văn hóa bản địa; 3/ cái mới và cái cũ kết hợp các ưu thế để tạo ra tiếp biến mang tính sáng tạo. Khía cạnh thứ ba là con đường hiệu quả nhất trong giao lưu văn hóa. Tự lực văn đoàn hay Thơ mới trước đây là những bằng chứng sinh động cho sự hòa hợp sau những xung đột ban đầu. Chính trong giao lưu văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc không bị biến mất mà trái lại, trở nên phong phú hơn bởi các dưỡng chất văn hóa mà nó hấp thụ. Đây không chỉ là câu chuyện của quá khứ hay hiện tại mà còn là của tương lai, khi mà giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

2. Sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại

Đổi mới tư duy nghệ thuật và sự đa dạng về khuynh hướng

Trước hết, những cú hích lịch sử, văn hóa xã hội không tác động đến văn học một cách cơ giới, trực tiếp mà có ý nghĩa như những tiền đề tạo nên hệ sinh thái tinh thần xã hội, từ đó thẩm thấu, kích hoạt mọi sáng tạo, tìm tòi của chủ thể, tạo nên sự thay đổi mang tính bước ngoặt: chuyển từ mô hình độc thoại sang mô hình đối thoại. Đối thoại trở thành nguyên tắc quan trọng nhất trong đời sống tinh thần hiện đại. Trần Đình Sử gọi đó là bước chuyển từ văn học mang tính sử thi sang văn học “phi sử thi”.

Có thể chia diễn trình văn học Đổi mới thành hai chặng: 1/ từ 1986 đến giữa những năm 90; 2/ từ giữa những năm 90 đến nay. Nếu ở chặng đầu, sự đổi mới tập trung nhiều hơn ở bình diện thay đổi nhận thức và phương cách tư duy thì ở chặng sau, nỗ lực đổi mới tập trung nhiều hơn ở bình diện lối viết và ý thức kiến tạo diễn ngôn trên cơ sở ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại.

Với cái nhìn như thế, văn học đương đại là sản phẩm trực tiếp của việc mài sắc ý thức cá nhân, giải phóng cá tính sáng tạo và tăng cường tính đối thoại. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo… đều thể hiện tinh thần đối thoại và trách nhiệm của nhà văn trước thời cuộc. Trong tác phẩm của họ, người đọc nhận thấy những truy vấn ráo riết về các vấn đề nóng bỏng của đời sống, ý thức khám phá chiều sâu bản ngã con người hiện đại. Họ không còn bị gò ép theo một phương pháp định sẵn mà biết cách khám đời sống thông qua trải nghiệm của cá nhân. Theo đó, hiện thực không còn hiện lên như một khách thể “biết trước” mà là một thực tại bất khả tín, chưa hoàn kết. Trung tâm của hiện thực là con người, nhưng đó không phải là con người được mặc định về giá trị mà là một ẩn số phức tạp, đầy bí mật. Trả lời phỏng vấn Báo Văn nghệ đầu xuân 1986, Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đường sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Trong cái nhìn của Nguyễn Minh Châu và nhiều nhà văn đương đại, viết là quá trình thám hiểm đời sống và phiêu lưu để khám phá “cái tôi ẩn giấu”7. Đó không phải là cái tôi cá nhân như trong văn học 1932-1945 hay cái tôi cộng đồng trong văn học 1945-1975 mà là cái tôi bản thể với những câu hỏi mang tính mĩ học: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?…. Với cái nhìn giải thiêng, hoài nghi, văn học đương đại ít tụng ca mà nghiêng nhiều về việc miêu tả chấn thương tinh thần và nỗi cô đơn của con người. Nó không hẳn là sự thiên lệch tùy hứng mà là chủ âm mang tính cảnh báo. Cũng bởi thế, cảm thức hiện sinh xuất hiện nhiều trong văn học đương đại. Nhà văn không còn nhìn cuộc sống và các giá trị bằng cái nhìn nhị phân mà nhìn nó trong các tương quan đầy biến động.

Sự chuyển đổi mối quan tâm của nhà văn và người đọc về các vấn đề xã hội, nhân sinh cùng với sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật đã giúp cho văn học đương đại vượt qua những giới hạn chật hẹp của chủ nghĩa đề tài, mở rộng tối đa biên độ miêu tả cuộc sống trong tính đa chiều. Bên cạnh các đề tài quen thuộc như nông thôn, chiến tranh, lịch sử,… là những đề tài mới nảy sinh trong thực tiễn đổi mới như đô thị hóa, sinh thái, đời sống bản năng, phái tính, sự tha hóa của con người… Điều đáng nói là dù viết về đề tài nào, các nhà văn đều cố gắng nhìn nhận và cắt nghĩa nó từ tinh thần nhân bản, nhân văn. Ngay cả đề tài lịch sử cũng thể hiện rõ sự thay đổi cơ bản này. Viết tiểu thuyết lịch sử, nhiều nhà văn không dừng lại ở lối viết biên niên truyền thống mà tập trung trình hiện một thứ lịch sử gắn liền với cảm nhận cá nhân. Bởi thế, văn bản nghệ thuật của nhà văn thực chất là một phương cách đối thoại, ôn cố tri tân, dùng xưa nói nay. Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Con ngựa Mãn Châu (Nguyễn Quang Thân), Từ Dụ Thái hậu (Trần Thùy Mai) chính là những tác phẩm tiêu biểu cho sự khám phá mới mẻ của nhà văn về lịch sử.

Bên cạnh việc mở rộng đề tài và gia tăng tính đối thoại, văn học đương đại hết sức đa dạng về bút pháp nghệ thuật. Tuy vẫn còn một số cây bút bị giới hạn bởi bút pháp cổ điển và lối tự sự truyền thống nhưng càng ngày càng có nhiều cây bút sử dụng bút pháp huyền ảo, tượng trưng nhằm lạ hóa cấu trúc nghệ thuật. Có thể nhìn thấy dấu ấn kĩ thuật tự sự hiện đại phương Tây trong sáng tác của những cây bút ưa tìm tòi như Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng, Đặng Thân… Khi nói về sự đổi mới tư duy nghệ thuật, đáng chú ý là ảnh hưởng của “tiếng gọi trò chơi” trong văn học đương đại. Với những cây bút giàu tinh thần tiền vệ, chơi được hiểu như quá trình kiến tạo thế giới mà không bị trói buộc bởi lối kể tuyến tính và logic nhân quả. Sự chơi (play) của nhà văn hiển thị rõ trong bốn cấp độ chính: chơi thể loại, chơi nhân vật, chơi cấu trúc và chơi ngôn ngữ. Trong cuộc “giỡn chơi” ấy (chữ của Bùi Giáng), nhà văn có thể xây dựng những mê lộ nghệ thuật chứa đầy các khoảng trống. Nhà văn không làm thay người đọc, việc lấp đầy những khoảng trống gợi lên từ văn bản chính là công việc của chủ thể tiếp nhận với tư cách là kẻ đồng sáng tạo.

Tồn tại trong một không gian mở và tự thân mang tính mở, văn học đương đại là một thực thể đa dạng về khuynh hướng. Nhìn từ phương diện nội dung và cảm hứng, có thể kể đến khuynh hướng nhận thức lại, khuynh hướng hiện sinh, khuynh hướng lịch sử, khuynh hướng sinh thái, khuynh hướng nữ quyền,… Nhìn từ phương thức tư duy và lối viết có thể thấy khuynh hướng đổi mới trên nền truyền thống và khuynh hướng cách tân theo hướng hiện đại phương Tây. Nhìn từ bố cục của nền văn học sẽ thấy hai bộ phận: văn học tinh hoa và văn học đại chúng (thị trường), trung tâm và ngoại vi. Trong mỗi bộ phận ấy sẽ có các khuynh hướng khác nhau. Dù trong thực tế, ranh giới giữa các khuynh hướng không phải lúc nào cũng rạch ròi mà nhiều khi thâm nhập lẫn nhau, nhưng sự đa dạng về khuynh hướng và sự chồng lấn về không gian văn học cho thấy rõ hơn sự phong phú của văn học đương đại. Sự sôi động này càng được nhân lên khi có sự chuyển kênh linh hoạt giữa văn học viết (truyền thống) và văn học mạng. Thị trường văn học và báo chí cũng như ưu thế của truyền thông hiện đại đã góp phần tạo nên sự tương tác tức thời giữa người viết và người đọc, làm cho đời sống văn học trở nên sôi động hơn. Từ phía tiếp nhận, nếu người đọc cần nhu cầu giải trí, họ sẽ tìm đến văn học đại chúng, còn nếu người đọc thích suy tư, tìm kiếm những giá trị tư tưởng, văn hóa và thẩm mĩ họ sẽ tìm đến văn học tinh hoa. Đây cũng là đặc tính mở và động của văn hóa và văn học đương đại.

Đời sống thể loại

Quan sát đời sống thể loại văn học đương đại, dễ nhận thấy có ba biến động lớn: sự suy giảm vị thế của thơ, kịch; sự lên ngôi của tiểu thuyết và một số thể loại “ngoại vi”; sự xâm nhập và xóa mờ ranh giới thể loại.

Từ những năm tiền Đổi mới cho đến cuối thập kỉ 90, thơ có sức tác động lớn nhờ vào sự cộng hưởng giữa sáng tạo và tiếp nhận khi các nhà thơ trực diện nói về thế sự và những đảo lộn các giá trị nhân sinh. Người đọc chia sẻ với những “tự thú” chân thành của nhà thơ qua sáng tác của Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Ý Nhi, Vũ Quần Phương… hoặc tìm đến những tiếng nói cách tân, có khả năng gây hấn với mĩ cảm truyền thống như thơ Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương… và thơ của thế hệ trẻ hơn như Vi Thùy Linh, Nguyễn Quyến, Ly Hoàng Ly… Đời sống thơ ca đương đại cũng chứng kiến sự tái xuất của những cây bút giàu cách tân từng phải nằm yên trong “bóng tối” như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Trong sáng tác của những cây bút này, ý thức “lạ hóa” và khám phát chiều sâu bản ngã/ tâm linh được chú trọng. Vào năm 1992, Sự mất ngủ của lửa (Giải thưởng Hội Nhà văn 1993) của Nguyễn Quang Thiều là tập thơ gây được ấn tượng và có khả năng thách thức mĩ cảm người đọc. Một số nhà thơ như Irasara, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung cũng có những đóng góp đáng chú ý. Nếu Inrasara xuất phát từ nguồn văn hóa Chăm để cập bờ hậu hiện đại, Mai Văn Phấn chú ý gia tăng chất mờ hóa tượng trưng thì Trương Đăng Dung là niềm khắc khoải của một cái tôi bất an trong một thế giới bất toàn. Những năm đầu thế kỉ XXI cũng xuất hiện một số hiện tượng đáng chú ý nhằm tạo sự gắn kết với mĩ cảm công chúng nghệ thuật đương đại như thơ sắp đặt, trình diễn, tân hình thức, thơ 1-2-3…

Song, trong cảm nhận chung của người đọc, thơ đương đại tuy dồi dào về lượng nhưng độ kết tinh chưa cao. Hiện tượng “nền cao” nhưng “thiếu đỉnh” đòi hỏi thơ đương đại cần đến sự đổi mới quyết liệt và ráo riết hơn nữa cả ở tầng quan niệm và tầng thực hành nghệ thuật để lấy lại vị thế vốn có8. Dường như việc quá quanh quẩn với cái tôi nhỏ hẹp, hoặc chưa tạo ra những đột phá mang tính mĩ học mà sức hấp dẫn của thơ bị giảm dần trong thực đơn tinh thần đương đại.

Văn học kịch cũng diễn ra tình trạng sút giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoại trừ sự chói sáng của Lưu Quang Vũ những năm đầu đổi mới với những kịch phẩm xuất sắc như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Hồn Trương Ba da hàng thịt, sáng tác kịch đương đại không tạo được nhiều dấu ấn. Chính kịch ít được quan tâm. Mối quan tâm của người đọc/ xem đương đại gần như chuyển sang thể hài kịch, nhưng chất lượng các kịch bản văn học hài không cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả.

So với thơ và kịch, đời sống văn xuôi lại hết sức sôi động với sự xuất hiện của nhiều cây bút có khả năng tạo sóng, trong đó có những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Trước hết, truyện ngắn vẫn giữ được sự năng sản và vị thế quan trọng bởi ưu thế của nó trong việc chiếm lĩnh và cắt nghĩa đời sống một cách nhạy bén. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy,… đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong bạn đọc. Hàng năm, các cuộc thi truyện ngắn vẫn được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau. Gần đây nhất, cuộc thi truyện ngắn Lửa mới (2018-2019) do Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức đã thu hút được lượng người viết đông đảo. Thông qua cuộc thi này, một số tác giả trẻ đã trình làng một số tác phẩm đáng chú ý. Tuy nhiên, truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XXI vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm chói sáng đủ sức khiêu khích mĩ học thể loại như Nguyễn Huy Thiệp đã từng làm được vào những năm đầu Đổi mới.

Văn học đương đại đặc biệt chứng kiến sự phát triển ấn tượng của tiểu thuyết. Đúng như M.Bakhtin và M.Kundera đã luận giải, thời hiện đại là thời của tiểu thuyết. Hơn bất cứ thể loại nào khác, tiểu thuyết là thể loại thể hiện rõ nhất tính đối thoại và khả năng miêu tả chiều sâu thực tại. Trong tiểu thuyết đương đại, tính đối thoại và khả năng tổng hợp của nó đã tạo ra những khả thể đáng kinh ngạc: về tư duy nghệ thuật, tiểu thuyết biểu đạt đời sống bằng cái nhìn suồng sã phi sử thi; về nguyên tắc xây dựng nhân vật, tiểu thuyết đương đại từ chối nguyên tắc điển hình hóa; về kết cấu, tiểu thuyết đã thoát khỏi lối kể tuyến tính để tạo nên kết cấu phân mảnh, lắp ghép, đồng hiện; về ngôn ngữ, tiểu thuyết đương đại là một bản giao hưởng nhiều bè, tính liên văn bản và xóa mờ ranh giới thể loại trở nên nổi bật. Trong tiểu thuyết đương đại, cái nhìn hoài nghi và giễu nhại đặc biệt được quan tâm. Tất cả những tiềm năng thể loại này đã được nhiều cây bút như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân… khai thác một cách hiệu quả. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được coi là thành tựu quan trọng trong việc đổi mới tư duy và tổ chức tự sự. Tại đó, tính đối thoại xuyên chảy trong mạch ngầm văn bản và kĩ thuật dòng ý thức được sử dụng hết sức nhuần nhuyễn với hình thức truyện lồng truyện. Nguyễn Bình Phương xác lập được được lối riêng khi tập trung miêu tả chiều sâu vô thức, tạo dựng chiến lược tự sự độc đáo qua hàng loạt tiểu thuyết như Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn, Ngồi…. Ảnh hưởng của lối viết hiện đại và hậu hiện đại đã kích hoạt những chuyến phiêu lưu trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn), Hồ Anh Thái (Đức Phật nàng Savitri và tôi, Dấu về gió xóa), Tạ Duy Anh (Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), Thuận (Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích ), Đặng Thân (3.3.3.9 [những mảnh hồn trần])… Trong số những tiểu thuyết mang tính phá cách đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân là một tác phẩm gây hiệu ứng thẩm mĩ mạnh bởi lối viết khác hẳn so với tiểu thuyết Việt Nam trước đó.

Trong tiểu thuyết đương đại, kiến trúc liên văn bản (architextuality) và giọng vô âm sắc được nhiều nhà văn chú ý bởi nó có khả năng giúp nhà văn biểu đạt thực tại một cách hiệu quả. Thậm chí, nhiều nhà văn cố ý khước từ chất trữ tình để gia tăng tính lạnh lùng và màu sắc giễu nhại trong giọng điệu. Cũng bởi lối cấu trúc phi truyền thống, văn bản chồng/ ghép/ nối văn bản, pha trộn các phong cách ngôn ngữ khác nhau mà tiểu thuyết đương đại trở thành một thách đố với người đọc truyền thống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều cây bút người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều đóng góp quan trọng để tăng cường sự đa dạng cho văn học Việt Nam. Màu sắc liên văn hóa trong các tác phẩm của họ hiện lên khá đậm nét như trường hợp Lê Thị Thấm Vân (Xứ nắng, Âm vọng, Bóng gẫy của thần tích), Thuận ( Paris 11 tháng 8, T mất tích), Lê Minh Hà (Gió tự thời khuất mặt),…

Những chuyển động của văn học Việt Nam, cả ở quốc nội và hải ngoại mà chúng tôi điểm xuyết trên đây tuy chưa thật đầy đủ nhưng đã phần nào cho thấy ý thức cách tân nghệ thuật là ý thức thường trực trong các cây bút giàu tinh thần tiền vệ. Nó đòi hỏi sự dấn thân và sự khiêu khích thói quen để xác lập diễn ngôn nghệ thuật mới. Bên cạnh những cây bút thuộc thế hệ 5X, 6X đã xác lập vị trí vững chắc trên văn đàn, một số cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X cũng bắt đầu tạo được dấu ấn trong đời sống văn học như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Phùng Văn Khai…

Ở bộ phận văn học đại chúng, các thể tiểu thuyết đen, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử, truyện tranh, tiểu thuyết fantasy… đặc biệt phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình văn học này là hoàn toàn dễ hiểu được vì nó nằm trong logic phát triển chung của văn hóa đại chúng (popular culture). Sự cuốn hút của văn học đại chúng là rất lớn bởi các nhà văn nhanh chóng biết cách đáp ứng thị hiếu, nhu cầu giải trí của người đọc đương đại. Thậm chí một số cây bút trẻ gây sốt bởi sách của họ đạt lượng xuất bản đáng kinh ngạc như trường hợp Anh Khang, Gào, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương,… Mặc dù đúng như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, về bản chất, văn học đại chúng tồn tại theo “quy luật sớm nở tối tàn”, nhưng không thể phủ nhận sự xuất hiện của nó đã góp phần mở rộng thị phần của văn học trong bối cảnh có nhiều loại hình giải trí mới mẻ và hấp dẫn khác xuất hiện. Để mở rộng ảnh hưởng của văn học đến nhiều loại độc giả khác nhau, một số nhà văn đã bắt đầu biết dung hòa hợp lí mối quan hệ giữa văn học tinh hoa và văn học đại chúng mà Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngoc Tư là những trường hợp điển hình.

Bối cảnh văn hóa đương đại cũng tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho loại hình văn học phi hư cấu. Toàn cầu hóa đã kéo theo những đợt sóng di dân và chuyển dịch xã hội lớn. Trong những chuyển dịch ấy, ai cũng có thể trở thành người viết và ai cũng có thể trở thành người đọc. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của tự truyện, hồi kí, du kí, bút kí, tùy bút, tản văn trong văn học đương đại. Nhờ môi trường dân chủ và sự hiện hữu của nhiều tiếng nói khác nhau mà người đọc được thưởng ngoạn những tác phẩm phi hư cấu độc đáo như Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Lê Vân yêu và sống của Lê Vân (Bùi Mai Hạnh ghi),… Một số nhật kí, hồi kí về chiến tranh cách mạng cũng tạo được sức hấp dẫn bởi qua đó người đọc được tiếp xúc với những tư liệu sống hết sức quý báu. Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Vương Trí Nhàn biên tập), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh là những tác phẩm tiêu biểu cho thể văn xuôi phi hư cấu về đề tài chiến tranh trong văn học đương đại. Một số sáng tác lại có sự kết hợp, pha trộn hiệu quả giữa tính tự truyện và chất tiểu thuyết như Truyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Thượng Đế thì cười (Nguyễn Khải), Ba người khác (Tô Hoài)… Đây cũng là biểu hiện sinh động của hiện tượng xóa mờ ranh giới thể loại như một đặc điểm nổi bật trong văn học đổi mới ở Việt Nam.

Tựu trung lại, sự phong phú trong đời sống thể loại văn học đương đại cho thấy đến nay giới cầm bút Việt Nam không còn quá xa lạ với những kĩ thuật tân kì, hiện đại của thế giới. Tất nhiên, không phải mọi cách tân đều mang lại thành công mà có cả những thử nghiệm dở dang. Nhưng cũng cần coi sự thành bại trong nghệ thuật là bình thường bởi từ tiếp thu đến tiếp biến là cả một khoảng cách, từ ý thức đổi mới đến kết tinh là cả một quãng đường dài. Không thể có kết tinh nếu không đi qua những thử nghiệm, dò tìm. Đó cũng chính là biện chứng của phát triển.

Ngôn ngữ văn học như là những kí hiệu văn hóa đa tầng

Một trong những thay đổi quan trọng của văn học đương đại là đổi mới nhãn quan ngôn ngữ nghệ thuật. Tinh thần của Ludwig Wittgenstein trong lí thuyết “trò chơi ngôn ngữ”, của Martin Heidegger trong quan niệm “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” hay lí thuyết của Mikhail Bakhtin về tiểu thuyết đa thanh và tính chất tự phê phán của ngôn ngữ đều ít nhiều “ứng nghiệm” với ngôn ngữ văn học đương đại. Văn bản văn học đương đại không còn ưu tiên sự “trong suốt” mà chồng xếp nhiều phong cách ngôn ngữ, đề cao tính liên văn bản. Những thực hành nghệ thuật táo bạo trong văn học đương đại có ý nghĩa như là những nỗ lực không mệt mỏi nhằm mở rộng hiệu năng và khuếch tán tính đa trị của diễn ngôn văn học thông qua sự phá cách và gây hấn truyền thống.

Có thể hình dung ngôn ngữ văn học đương đại như các chiều của một chiếc quạt mở: bên này là ngôn ngữ thông tục, bên kia là ngôn ngữ thuần khiết, bên này là ngôn ngữ tiêu dùng, bên kia là ngôn ngữ tự vị, bên này là ngôn ngữ trong suốt, bên kia là ngôn ngữ đa trị, mờ hóa, bên này là ngôn ngữ suồng sã, bên kia là ngôn ngữ kinh sách… Vừa tồn tại như những đối cực, nhưng nhiều khi, các kênh ngôn ngữ này thâm nhập vào nhau trong sự kết hợp có chủ ý. Đặc biệt, trong những sáng tác chịu ảnh hưởng lối viết hiện đại và hậu hiện đại, các nhà văn luôn có ý thức tạo ra sự “hôn phối thể loại” và xóa mờ các phong cách ngôn ngữ. Thơ Trần Dần, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Dương Tường hay văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập, Đặng Thân,… rất tiêu biểu cho những kiểu kết hợp ngẫu hứng, bất ngờ. Nếu trong văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, tính liên băn bản hiện lên qua cách xen cài thể loại, sự kếp hợp giữa các mảng đối thoại “gây sốc”, cách nói “phũ” với các phiến đoạn đậm chất trữ tình thì đến Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Thuận… tính chất nhại trong phong cách ngôn ngữ trở nên hết sức nổi bật. Chẳng hạn trong các tiểu thuyết Paris 11tháng 8 hay Chinatowwn của Thuận, nhại được sử dụng hết sức hiệu quả. Sau tập Ma net (2008), vào năm 2012, Đặng Thân cho ra mắt 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]. Tác phẩm này đẩy những phá cách được khởi đi từ Nguyễn Huy Thiệp tiến xa hơn về phía hậu hiện đại. Một số nhà phê bình coi đây là một nỗ lực của tiểu thuyết thời kì hậu – Đổi mới. Điều quan trọng nhất là với tiểu thuyết này, Đặng Thân đã triệt để khước từ lối viết cũ để tạo nên hiệu ứng liên văn bản trên cơ sở chắp vá các phong cách ngôn ngữ khác nhau nhằm tạo nên sắc thái giễu nhại xuyên suốt tác phẩm.

Nhại cũng là biểu hiện rõ nét của tính chất phê phán và tự phê phán của ngôn ngữ văn học đương đại, bởi đó là thứ ngôn ngữ gắn liền với cái nhìn hoài nghi và giải thiêng trong nghệ thuật hậu hiện đại. Thực ra, với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật mang tính cục bộ, nhại đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử văn học, đặc biệt ở folklore. Nhưng nếu nhìn nó như một nguyên tắc kiến tạo lời văn thì phải đến (hậu) hiện đại, nhại mới trở thành một đặc tính. Nhại được sử dụng trong nhiều cấp độ: nhại thể loại, nhại ngôn ngữ, nhại giọng điệu… Việc lựa chọn phong cách ngôn ngữ nào hay cấp độ giễu nhại nào là tùy thuộc vào người viết miễn là những thủ pháp nghệ thuật ấy có khả năng giúp họ biểu đạt tối đa tính sáng tạo và chiến lược đối thoại hiệu quả.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện tượng đa ngữ cũng xuất hiện nhiều trong văn học đương đại. Phân tích những “tiếng Tây”, đặc biệt là tên các nhãn rượu, thuốc lá hay các không gian sinh hoạt trong Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Hoàng Ngọc Hiến cho rằng, Nguyễn Việt Hà xứng danh là nhà văn đô thị trong văn học đương đại sau những mở đường của Vũ Trọng Phụng trước 1945 hay không còn “nhà quê” như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… trong giai đoạn đầu Đổi mới13. Mặt khác, khi tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì hiện tượng đa ngữ trong văn học càng nổi rõ. Điều đó có thể nhìn thấy trong sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam hải ngoại hoặc các cây bút trong nước có khả năng viết song ngữ. Theo đó, tính đa dạng văn hóa và tính liên văn hóa được thể hiện đậm nét trong ngôn ngữ nghệ thuật của các nhà văn này.

Việc mở rộng tính dân chủ nghệ thuật cũng tạo điều kiện cho nhiều nhà văn, trong đó có không ít nhà văn nữ vượt qua các cấm kị truyền thống để miêu tả các cảm giác mạnh, đặc biệt là cảm giác về thân xác, tính dục (đồng giới và khác giới). Thuận, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu… là những cây bút không còn đặt lên hàng ưu tiên việc bảo lưu “thiên tính” trong sáng tác của mình. Trong văn xuôi của các cây bút nữ có xu hướng “nổi loạn”, có hai vấn đề đáng chú ý: thứ nhất, cái nhìn bình đẳng với nam quyền; thứ hai, sự tự do trong miêu tả, bộc lộ. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp sử dụng ngôn ngữ thân xác quá đà đã gây phản ứng cho người đọc. Vấn đề nằm ở chỗ, ngôn ngữ thân xác/ tính dục chỉ thực sự đạt tới tầm mỹ học khi nó biểu đạt một ý thức sâu sắc về đời sống chứ không chỉ dừng lại như một chiêu thức câu khách thuần túy14. Đây là một thách thức không nhỏ đặt ra cho các cây bút đương đại khi sử dụng ngón chơi này.

3. Thay lời kết:

Tính từ cuối thể kỷ XIX đến nay, tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đã đi qua quãng đường dài hơn một thế kỷ. Đó là cả một quá trình vừa có tiệm tiến và đột biến, vừa có biến mất và sinh thành. Trước một thực thể luôn vận động và biến đổi như văn học đương đại, rất khó có thể đưa ra một khái quát toàn diện tức thời. Bản thân đồ thị văn học đương đại cũng không hiện lên như một đường thẳng mà gập ghềnh, trồi sụt ở những thời điểm khác nhau. Trong diễn ngôn nghệ thuật đương đại, mô hình đại tự sự đã dần bị thay thế bởi sự lên tiếng các tiểu tự sự và ý thức xóa mờ lằn ranh thể loại. Sau những thành tựu nổi bật từ 1986 đến cuối thế kỉ XX, trong vài thập niên gần đây, đời sống văn học vừa có đổi mới và bứt phá, vừa có cả dấu hiệu chững lại ở một số thể loại. Thị phần văn học tinh hoa có xu hướng bị thu hẹp, ngược chiều với sự phát triển mạnh mẽ của văn học đại chúng. Một số trào lưu nghệ thuật và lí thuyết văn học tuy được nhanh chóng giới thiệu nhưng còn thiếu tính hệ thống, việc tiếp thu, vận dụng còn vội vã, chưa đủ sức tạo đột biến. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, văn học đương đại đã tạo được sự thay đổi mang tính bước ngoặt cả về ý thức sáng tạo lẫn thi pháp nghệ thuật. Với những thành tựu đã có, văn học Việt Nam đương đại không còn đứng bên lề văn học thế giới mà đã hiện lên trong tư cách của một nhân vật tham dự. Và trong tư cách tham dự, dẫu còn rất khiêm tốn, song văn học Việt Nam đã bước đầu nhập vào lộ trình chung của văn học nhân loại.

NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Minh Châu (1978), “Viết về chiến tranh”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 11. 

[2] Nguyễn Minh Châu (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Báo Văn nghệ số 49&50 ngày 05/12. 

[3] Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên, 2021), Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 

[4] “Hai ngày đáng ghi nhớ mãi” (Tường thuật cuộc gặp gỡ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987), Báo Văn nghệ, số 42, ngày 17/10/1987. 

[5] Hoàng Ngọc Hiến (1979), “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, Báo Văn nghệ số 23, ngày 09/6. 

[6] Sương Nguyệt Minh (2014), Miền hoang, Nxb. Trẻ, Hà Nội. 

[7] Nguyễn Bình Phương (2014), Mình và họ, Nxb. Trẻ, Hà Nội (Xuất bản lần đầu vởi nhan đề Xe lên xe xuống, Diễn đàn thế kỷ, California, 2011). 

[8] Đặng Thân (2012), 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 

[9] Đoàn Cầm Thi (2016), Đọc tôi trên bến lạ, Nxb. Trẻ – Nhã Nam, Hà Nội. 

[10] Nguyễn Huy Thiệp (2016), “Tôi viết Tướng về hưu”, in trong Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên, 2016), Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 

[11] Thuận (2006), T mất tích, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội. 

[12] Đỗ Lai Thúy (2012), Thơ như là mỹ học của cái Khác, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. 

[13] Hoàng Ngọc Hiến (2006), Những ngả đường vào văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 

[14] Xin xem: Nguyễn Đăng Điệp (2006), “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, Tham luận Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu khu vực và quốc tế (Viện Văn học – Harvard Yenching  Institute tổ chức tại Hà Nội ngày 3- 4/11/2006; In lại trong Thông báo Khoa học ĐHSPHN 2/ 2014 và Văn học và giới nữ. Nxb Thế giới 2016).

________________

1 Trên thực tế, ở Việt Nam, chiến tranh chưa hoàn toàn khép lại vào năm 1975. Ngay sau thời điểm 30/4/1975, Việt Nam vẫn phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh biên giới. Hai cuộc chiến này, trong một thời gian khá dài không được đưa vào sách giáo khoa. Sự căng thẳng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lên cao tới mức Chủ tịch Tôn Đức Thắng phải ban bố lệnh tổng động viên vào sáng ngày 05/3/1979 (cũng là ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân). Dù ngắn ngủi, nhưng mức độ khốc liệt của hai cuộc chiến tranh biên giới không hề thua kém các cuộc chiến tranh trước đó. Gần đây, đã bắt đầu có một số tác phẩm viết về đề tài này gây được sự chú ý của dư luận là Mình và họ – 2014 (Diễn đàn thế kỷ xuất bản lần đầu tại California năm 2011 với nhan đề Xe lên xe xuống) của Nguyễn Bình Phương7 và Miền hoang – 2014 của Sương Nguyệt Minh[6].

2 Chẳng hạn các bài viết của Nguyễn Minh Châu: “Viết về chiến tranh”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, 11/1978[1]; “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Báo Văn nghệ số 49&50 ngày 05/12/1987[2]; Hoàng Ngọc Hiến: “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, Báo Văn nghệ số 23, ngày 09/6/1979[5]… Cũng cần lưu ý là không khí cải tổ (perestroika) vào giữa những năm 80 có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam bởi lúc đó, Liên Xô vẫn là “anh cả” phe XHCN và là hình mẫu chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa hiện thực. Đến 1991, sự sụp đổ của Liên Xô là sự kiện đánh dấu sự tan rã của hệ thống XHCN và kết thúc Chiến tranh lạnh.

4 Tướng về hưu được đăng lần đầu tiên trên Báo Văn nghệ (gộp số 24, 25,26) , ra ngày 20/6/1987.

5 Xin xem Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên, 2021), Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội[3].

7 Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu văn học đương đại quan tâm. Một trong những công trình đáng chú ý về cái tôi trong văn học thời gian qua là Đọc tôi trên bến lạ của Đoàn Cầm Thi (Nxb. Trẻ – Nhã Nam, Hà Nội, 2016)[9].

8 Mặc dù bắt đầu từ 2003, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng hàng năm, nhưng nếu không có những đột phá thực sự, thơ đương đại khó có thể lấy lại vị thế hoàng kim như trước đây nó đã từng có.

13 Hoàng Ngọc Hiến: Những ngả đường vào văn học, Nxb Giáo dục, H, 2006, tr 302

14 Xin xem: Nguyễn Đăng Điệp: “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, Tham luận Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu khu vực và quốc tế (Viện Văn học phối hợp Harvard Yenching Institute ngày 3- 4/11/2006; In lại trong Thông báo Khoa học ĐHSPHN 2/ 2014 và Văn học và giới nữ. Nxb Thế giới 2016). Xin lưu ý, chủ đề  thân xác/tính dục từng được nhiều nhà văn đô thị Sài Gòn (1954- 1975) chú ý miêu tả, trong đó, đáng chú ý là Vòng tay học trò (Nguyễn Thị Hoàng). Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Trung cũng trực tiếp đề cập đến vấn đề này trong Ca tụng thân xác (1967); Ngôn ngữ và thân xác (1968). Sau 1986, chủ đề tính dục/thân xác trở thành một chủ để nóng trong văn học đương đại .

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm