- Chân dung & Phỏng vấn
- Phạm Khải lặng im mà đầy
Phạm Khải lặng im mà đầy
PHẠM KHẢI
Các bút danh khác: Hà Khải Hưng, Phạm Tuấn Đạt
Phạm Thành Chung, Phạm Nhật Linh, Trần Thiên Lương…
Tên khai sinh: Phạm Quang Khải. Sinh ngày 20 tháng 3 năm 1968
Quê ở Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Dân tộc Kinh.
Phạm Khải từng học ở trường Viết văn Nguyễn Du rồi về công tác tại Hội Văn nghệ Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, báo An ninh thế giới với các công việc chính là biên tập và quản lí.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996
Hiện nay là thiếu tướng công an, Phó Cục trưởng Cục truyền thông, Tổng biên tập báo Công an nhân dân Bộ Công an. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Ủy viên Hội đồng lý luận, phê bình văn học Hội Nhà văn Việt Nam
Ủy viên Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương
Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Thủ đô năm 2013 – 2014
Tặng thưởng loại B do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT trung ương trao năm 2014.
Tác phẩm chính:
Đến cuối năm 2017 Phạm Khải đã xuất bản 23 cuốn sách, đa số là phê bình văn học, sau đây là các tác phẩm nổi bật:
Thơ: Cánh chuồn tuổi thơ 1991), Giấc mơ ban ngày (1992)
Phê bình và chân dung văn học:
Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm (1992); Sự sống thật (bình thơ, 1992), Người về từ chân trời cũ (2013), Trang sách, mạch đời (2017); Giai thoại và đời thực (2017)
Thời luận và tản văn:
Quyền phản biện không của riêng ai (2013); Đã vì dân đâu cần danh lợi (2015); Một người đâu phải nhân gian (2016); Thêm một lần biển gọi (2016).
TS NGUYÊN AN
Mươi mười lăm năm trước gì đó, tôi nghe một số bạn làng văn đang sống và viết ở miền Trung hỏi bất chợt: Phạm Khải là nhà văn hay nhà thơ? Tôi kể cho anh chị em nghe đôi đoạn đôi bài vài tập của Phạm Khải để họ biết. Một giầy giáo dạy văn hỏi: ông Khải ta đang nói có lẽ là ông Khải viết tập bình thơ Cho mai này con lớn xuất bản năm 1996, 1997 gì đó phải không? Có người lại nói: ông Khải này làm báo Công an nên am hiểu nhiều chuyện đánh án, viết cuốn Điều tra về một cái chết đọc cũng được lắm à. Tôi biết là có nhầm lẫn giữa Phạm Khải trẻ trung với đại tá Nguyễn Khải rồi, nhưng giữa ồn ào náo nức, không tiện phân giải, mà cũng hay hay, nên chỉ hẹn vu vơ mà chắc như đinh đóng vào tường nhà trát vữa dối, rằng; Các vị cứ tìm đọc, khắc biết, chỉ nên nhớ rằng cái anh viết thơ hay văn gì mà ta đọc thấy được, thì khi có điều kiện, anh ta viết phê bình hoặc lí luận cũng có đường nét lắm đấy.
Tôi không kể kĩ đoạn đối thoại trên cho Phạm Khải nghe, bởi đoán rằng ông trẻ này bận rộn, cứ để yên cho ông ấy làm việc, kể cả chuyện này nữa: Có người đã tự chụp ảnh Phạm Khải hay tìm đâu đó, xin ai đó một tấm ảnh Phạm Khải, rồi đưa cho bạn xem, nói như bình rằng; cha này nhìn mặt hiền hiền như muốn bắt chuyện, đoán là ít lời, mà viết thì ngay thẳng rõ ràng ý nào ra ý ấy, cấm cãi nghe!
Phạm Khải có viết thời luận văn chương và chuyện đời sự đời với cả giai thoạt nhà thơ, chuyện lạ nhà văn, chuyện bút danh nhà văn nữa… chưa chừng rồi đến lúc, khi viết giai thoại dân cầm bút ở ta, lại có người lấy ông làm nhân vật cũng nên.
Tôi thì thấy Phạm Khải từ thơ, có mặt với văn thi đàn bằng thơ, là hai tập ra liên tiếp trong hai năm 1991 – 1992 (Cánh chuồn tuổi thơ với Giấc mơ ban ngày) rất được trìu mến, hoan nghênh và tin tưởng rồi chuyển nhanh sang phê bình thơ, chuyển mạnh sang phê bình cả văn cả thơ, lại dựng chân dung trí thức, văn nghệ sĩ nữa. Thời gian trước bạn đọc chưa rõ ông là nhà thơ hay nhà văn, còn bây giờ, ông là cả hai, hoặc cứ nhìn vào bảng thống kê tác phẩm của Phạm Khải, người ta bảo ông là dân lí luận phê bình cũng phải.
Lại nhớ đâu như vào dịp Ngày thơ Nguyên tiêu năm Bính Thân (đầu năm 2016), nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình… (ông này cũng viết rõ là nhiều thể văn chương), tên là Đặng Hiển – vừa vồn vã với anh em xong, đã quay sang hỏi tôi: Cậu nghiên cứu rồi lại thực hành viết chân dung văn học, cậu thấy chân dung văn học của Phạm Khải, của Vũ Từ Trang thế nào?
Tôi nhắc ông giáo: có một số vị như Vương Trí Nhân, Xuân Sách… Hoài Anh…, các giáo sư như Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Phong Lê… cũng viết chân dung văn học nữa. Hình như nhà giáo Đặng Hiển chỉ quan tâm và đọc Phạm Khải là nhiều thì phải, ông lẩm bẩm: Nhưng Phạm Khải cơ, rồi đi.
Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm, Phạm Khải đặt tên sách vậy là rất khéo léo và tinh tế. Mà thực ra, tôi và các ông các bà chắc đã từng qua bao nhiêu ngày gặp gỡ với thật nhiều đêm đọc nữa, sao mình không lấy chuyện thực đã diễn ra rất nhiều lần ấy với mình mà thành tên sách được như Phạm Khải nhỉ? Cái tên sách nhẹ nhàng mà gợi liên tưởng liên hệ, nó găm ngay vào đầu người đọc rồi gợi dẫn người ta bám theo dòng nghĩ ngợi của chính mình, của Phạm Khải rồi, nó cũng nhắc tôi nhớ đến tên của hai tập thơ đưa Phạm Khải vừa là bước đến, cũng là đi lên một thứ hạng của thơ trẻ Việt Nam cách đây gót 30 năm. Có phải là từ dạo ấy, do được nhiều bậc đi trước quý mến mà chuyện trò, lại cũng do chính chàng trai trẻ này thanh sáng hồn nhiên đã coi các anh chị, nhất là các nhà như Tô Hoài, Vũ Cao, Hồ Dzếnh… đều là những bậc tôn quý mà chăm chú tìm đọc tìm hiểu để noi theo cách làm văn chương, cách sống của một nhà văn nhà thơ theo mình là đích thực, nên dần dần Phạm Khải mới thích viết phê bình văn chương rồi đặt tên cho tập phê bình thơ đầu tiên của mình là Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm như thế?
Mà lạ, cái năm 1992, Phạm Khải xuất bản một tập thơ, lại một cuốn phê bình tác phẩm bình luận tác giả Người gặp trong ngày… này nữa,khi mà mới ở năm 1991 chàng đã ra mắt một tập thơ. Sức đâu mà ghê vậy? Sức trẻ, sự hào hứng và sự tích lũy từ bao giở bao giờ đấy chăng? Năm ấy, cũng là năm nhà thơ Xuân Sách có tập thơ Chân dung nhà văn dậy sóng, ngỡ ngàng. Một ông ở tuổi 60 dạn dày và đầy chiêm nghiệm, một chàng mới ngoài 20…, hai người có hội ý gì với nhau không đấy? Hay là từ mỗi phương trời, mà họ đã gặp nhau ở điểm này: Ta đã lấy tác phẩm thơ văn, một thời kỳ văn học hay một trào lưu sáng tác… là đối tượng nghiên cứu mà phân tích, bình luận, thì giờ đây, sao ta không lấy người làm ra các tác phẩm, các thời kỳ và trào lưu kia làm đối tượng để suy ngẫm rồi cùng rút r a cái hay cái đẹp và cả một số nét thường tình mà có quan hệ đến thành tựu văn chương của họ để bàn bạc đổi trao, để dựng thành chân dung văn học?
Phê bình văn chương bao gồm cả phê bình người làm ra văn chương. Nghĩ và làm cái bao gồm này, quả là một sự mạch dạn, một bước tiến mà chỉ có được ở một quốc gia – dân tộc đã có trình độ dân trí, dân chủ phát triển làm hậu thuẫn. đã có một nền văn chương văn học thoát khỏi giai đoạn ngẫu hứng hay theo phong trào này nọ, làm cơ sở thực tiễn thực tế.
Nhớ ra như thế, tôi đồ là Phạm Khải đã gặp may, đầu mấy năm 1990 này, cả nước ta – dân tộc ta bừng bừng một khí thế đổi mới hay là chết trong kinh tế - chính trị và đương nhiên, cả trong văn chương – văn hóa nữa. Nhưng may mắn và được đà thế, mà thiếu chừng mực, ít có tác phong tự học tự suy ngẫm, thì cũng sa vào chín ép đấy thôi. Phạm Khải không sa đà, từ thơ rồi sang phê bình tác phẩm, giới thiệu và bình luận tác giả ở anh ngay lúc còn trẻ nay đã là ông, quả là một xác quyết phù hợp. Rồi ra, như ta biết, cái quả quyết lật cánh này ở chàng trai, dần dần, qua trường văn trận bút, đã là xuất phát điểm trực tiếp tạo ra bản lĩnh và phong cách nghị luận của Phạm Khải mấy năm này.
Con đường mà Phạm Khải đã đi và đang đến dần với cái đích thành đạt là con đường thẳng ngay mà không ít khó khăn. Khi về báo, thật ra, nêm xem tờ Công an nhân dân là một tổ hợp báo, thì riêng các số chuyên đề Văn nghệ Công an mà Phạm Khải làm Trưởng ban, với bài ba binh sĩ nữa mà mỗi tuần ra một số, với số lượng ấn hành cả vạn bản một lần, đủ biết nó tốn công sức tổ chức bài, biên tập và dựng bài/số đến mức nào. “Nó ngang ngửa với tờ tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn ấy chứ!” có người đã kêu lên thế. Tôi thấy Phạm Khải nhũn nhặn: Không dám ngang ngửa gì đâu, việc đến tay thì anh em bảo nhau làm thôi, may được các bác yêu quý, gửi bài hay bài mới cho là chúng em sống rồi. Nói thế là thật quá còn gì. Và tôi tìm hiểu, thì được biết, Phạm Khải rất có nguyên tắc về chất lượng của báo, còn trong quản lí, điều hành, thì anh, rồi là ông này, lại lẳng lặng làm theo nhà thơ Vũ Cao thì phải, với cái câu nổi tiếng: “Làm lãnh đạo tức là không lãnh đạo gì cả”, nghe cứ như đùa, hay là có lúc khác, lại vận dụng Tô Hoài với chủ ý “Có thể chưa thích nhau, nhưng người ta có tài thì đừng xa lánh, hơn thế, phải biết phát động lòng tự trọng ở mọi người, nhất là cái anh có tài.”. Và có lẽ Phạm Khải cũng học theo cái nín náu Nguyễn Trí Huân nữa chăng?
Tôi cũng được gần Vũ Cao, thì hiểu cái châm ngôn Lãnh đạo là không lãnh đạo gì cả của ông chỉ là một cách nói. Không lãnh đạo thì cụ cứ mặc kệ chúng sinh à/ Hỏi thế, ông không trả lời ngay, mà quay ra kể chuyện, ngỡ như chuyện này giăng mắc sang chuyện kia, rốt cuộc, cũng gần giống Tô Hoài thôi, là hãy kiếm việc, gợi việc cụ thể cho người ta làm, giao việc mà đúng với cảm hứng và năng lực người ta, thế là ăn tiền rồi còn gì! Vũ Cao cười rộn ràng như thanh niên, Tô Hoài cười tủm tỉm. Phạm Khải chắc gần Tô Hoài và Vũ Cao hơn nhiều anh em ta, lại là tay ham học, biết học, chắc là ông thâu lượm, phát triển được ý tứ của các đại gia nhiều mới nên thế được.
Phạm Khải đọc nhiều và sớm biết rèn luyện, thơ anh ngày trẻ có mấy câu: Tập như trái đất/ Lặng thầm mà quay/ Tập như trăng sáng/ Lặng im mà đầy. Đó là tự nguyện trên đường mày mò hay đã là xác quyết rồi? Nhịp thơ thì trẻ trung gợi sự hào hứng, mà chữ nghĩa ví von thì như người tứ thập ngũ thập rồi. Người trẻ trai mà đã làm ra thơ vậy, thì khi viết phê bình nghị luận có ý vươn đến sự thấu lý đạt tình quả cũng không có gì là lạ.
Không có cách viết tách rời với việc viết cho ai đọc, nói cho ai nghe. Thực tế có chuyện là rất nhiều nhà sáng tác và nghiên cứu, do đắm đuối với công việc của mình (và của bạn nghề) nên nhiều lúc đã bàn bạc, bình luận say sưa, viện dẫn đầy đủ mọi chi tiết, tư liệu, mà không biết là người nghe, người đọc đang muốn đứng lên đi làm việc khác. Phạm Khải khi còn trẻ đã tránh được sự quá đà này trong giao tiếp mỗi ngày của một nhà văn đương làm công việc quản lý. Cái phong độ này của ông đã ảnh hưởng, chuyển hóa tự nhiên sang cách viết, nội dung viết có thể gọi là vừa đủ biết, đủ gợi dẫn để người ta nghĩ tiếp mà không “nghĩ hộ” hay áp đặt gì của ông.
Về sự vắn gọn, như là một đặc điểm của lối viết nghị luận Phạm Khải, tôi chắc là còn có một cội nguồn nữa, ấy là công việc tổ chức báo chí hàng ngày lâu nay của ông. Nghề làm báo, như tôi biết, nói gọn lại, là ở mấy chữ tin: nhặt tin, chọn tin, và phát tin. Muốn có tin, hẳn là phải biết tìm và biết hỏi cho trúng, muốn trúng, xin chớ vòng vo; Muốn chọn tin, phải có một kho tin tức thì mới có mà chọn lựa; còn phát tin, đúng là phải xác định bối cảnh và đối tượng nhận tin…
Phạm Khải là nhà báo có hạng, ông đã ba bốn lần được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải. Khi đọc tập phê bình và đối thoại văn học Trang sách, mạch đời (Nxb Hà Nội, 2017) ta thấy các bài trao đổi và dựng chân dung nhà văn của ông nhẹ nhàng và linh hoạt. Các ý kiến trong mỗi bài, cố nhiên, là của chính Phạm Khải, sự trích dẫn, phỏng vấn của Phạm Khải có tính định hướng và có khoảng xác định rất rõ, nhờ thế mà chuyện ông đưa ra bàn luận (phê bình văn chương chính là bàn luận mọi chuyện văn chương) hoặc là dựng các chân dung về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh… đều có đường nét riêng, lại có được vẻ đẹp của một lứa/lớp nhà thơ, nhà văn trong đó.
Ai đã để ý quan sát một chút, đều thấy giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khi thuyết trình (bài giảng) và nhất là lúc trò chuyện, ông không nói những câu dài có cấu trúc ngữ pháp phức hợp, mà ông nói từng câu ngắn, có đoạn như hơi nhát gừng, với cái nhìn vui vui thân mật mà chốc lát, lại lóe lên vẻ tinh anh như muốn hỏi người nghe: chắc là anh biết chuyện này chứ? Có lẽ là ông hiểu ý này rồi thì phải? Tôi không rõ là Phạm Khải đã trò chuyện với giáo sư Mạnh bao lần, đã nghiên cứu từ bề ngoài của ông với trang văn của ông ra sao, mà thấy nhà phê bình dựng chân dung giáo sư cũng có câu có giọng “na ná như Nguyễn Đăng Mạnh” thế này:
“Nguyễn Đăng Mạnh không chỉ đọc nhiều, ông rất chịu khó quan sát những chi tiết trong cuộc sống đời thường của các nhà văn. Cách nhìn của ông vừa hóm hỉnh, vừa đôn hậu nên ông đã vẽ ra cái “thần” rất đáng yêu, rất nghệ sĩ của họ…
Là nhà phê bình có uy tín, Nguyễn Đăng Mạnh có điều kiện tiếp xúc nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, trong đó có một số người đến nay đã mất. Những bài viết của ông, vì thế đã lưu được những góc khuất trong đời thực của nhà văn mà bạn đọc ít được biết (và chắc hẳn cũng không ngờ tới)…
“Nguyễn Đăng Mạnh tỏ ra chắc chắn, thuyết phục khi đi vào phân tích các tác giả văn xuôi…
Nguyễn Đăng Mạnh rất tâm đắc với một ý của Hoài Thanh, rằng mỗi người có một cái “tạng” riêng và chỉ nên sống và viết theo cái “tạng” của mình. Phải chăng, đi vào phân tích, thẩm thấu từng câu thơ cụ thể chưa hẳn là thế mạnh của nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Đăng mạnh?”
Vắn gọn về ý, nhịp văn ấy lại gợi vẻ quả quyết và phán định hơn là bàn bạc “cho rõ hơn”… Viết về ông Mạnh như thế, có phải là Phạm Khải đã vừa lựa chọn cách viết, vừa được/hay bị ông giáo sư “ám” rồi sao?
Còn đây là tác giả Trang sách, mạch đời dựng chân dung nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua thơ Hoàng Nhuận Cầm:
“Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm, ta thấy hiện lên nhiều hình ảnh gắn với lứa tuổi học sinh, sinh viên, những mực tím, giấy trắng, chiếc khăn quàng màu than đỏ cháy, hoa phượng mùa thi, những cô gái đang độ Trăng lên tuổi mười sáu em/ Tóc bay ngang đèo gió hú với giọng thơ nhiều luyến tiếc. Nói chung, hướng về tuổi thơ này là hướng về những tâm tình còn ngây thơ trong trắng, trong đó các bài Chiếc lá đầu tiên, Những thời vô tội… là những bài tiêu biểu…
… Kể cả trong những buồn đau, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn tìm cách khai thác vẻ đẹp của nó. Anh tài hoa và anh làm dáng. Bỏ qua những câu thơ mạ vàng mạ bạc: Tiếng chim kêu óng ả trước hiên nhà, những ‘đục đẽo” kì khu Cây tương tư khốn khổ trở thêm cành, ta sẽ gặp trong thơ anh không ít những câu giản dị mà lay động tình cảm Đây mười ba bậc cầu thang/ Bàn chân Cầm xéo vội vàng vào chân (Nhớ Vũ Đình Văn), Ta đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn cha đã nuốt thay con (Nhớ ngày mai); Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối. Hót lên! Dù đau xót một lần thôi (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới); Sáng nay, như rất nhiều buổi sáng/ Chuyến xe điện vắng teo/ Lăn bánh qua bản nhạc cuối cùng (Nến sắp tắt), Em còn nhớ không mùa khô/ Khi tiếng ve rừng bỗng nhạt/ Tiểu đội bao mắt tròn xoe./ Nhìn nắng qua rừng ào ạt.
Có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ có những trạng huống xao xuyến, bâng khuâng… rất khó biểu đạt. Thơ anh giàu nhạc tính, có sức ngân vang, Với anh, ngoài phần hình ảnh (là phần mà anh có nhiều tìm tòi) thì nhạc giữ một vai trò quan trọng, tạo nên sức nặng và sức chinh phục.”
Sôi nổi, hào hứng hơn phải không? Tôi đọc cả bài viết về tác giả Vào mặt trận khi mùa ve đang kêu… với Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời của Phạm Khải mà bất chợt thấy mình như cùng lúc đang nghe chính Hoàng Nhuận Cầm đang hào hứng đấy, lại bùi ngùi đấy khi đọc thơ của chính mình, lại cũng như thấy ngấn mắt của Cầm long lanh long lanh. Tôi cũng đã mê đi cùng trích dẫn của Phạm Khải mà chép ra suýt nữa thì hơi dài. Phải, Phạm Khải đã hơi dài một cách đáng yêu khi bình thơ Hoàng Nhuận Cầm, rồi cũng dựng chân dung tâm hồn của thi nhân này vậy đó.
Bạn có thể trao đổi, tranh luận với người dựng chân dung văn nhân, chuyện ấy là bình thường. Chân dung nhà văn nhà thơ do mỗi người dựng lên, đều có tính phiên bản. Điều đáng nói ở đây là – như Phạm Khải viết về Nguyễn Đăng Mạnh: Người dựng chân dung văn nhân đã giúp chúng ta yêu quý văn nhân hơn…
Có lẽ như thế, cũng có thể toại nguyện được rồi
Dường như vừa đặt chân vào làng thơ văn, thì chẳng bao lâu, Phạm Khải đã thành người làm báo. Sự trưởng thành của một nhà thơ nhà phê bình văn chương nơi ông gắn liền với quá trình lành nghề viết báo của ông thì phải. Nếu nhớ ra sự song hành nghề nghiệp này ở Phạm Khải, ta sẽ hiểu ra tại sao phê bình văn học, chân dung văn học của ông lại vắn gọn và có vẻ như kí họa. Chưa toàn bích, có người gọi chân dung văn học của Phạm Khải thiên về mức ấy. Có phải thật thế không? Vả chăng, thế nào là toàn bích? Và ai là người đã tự nhận, hay được thừa nhận là đã dựng được bức chân dung toàn bích về Hồ Chí Minh hay Nguyễn Du, hoặc Tô Hoài và Nam Cao… đây?
Phê bình văn học, trong đó có việc dựng chân dung nhà văn nhà thơ, là đối thoại văn học. Cạnh cuộc đối thoại dài hàng trăm nay nay, cũng có một cuộc đời thoại khác mà các nhà văn nhà thơ ta từng tham gia, đó là cuộc đối thoại với thời cuộc – bằng các bài tạp văn, tản văn… riêng Phạm Khải, ông quen gọi là thời luận.
Tôi muốn nói – bàn thêm về lối viết thời luận của Phạm Khải nhân có cuốn Một người đâu phải nhân gian (Nxb Thông tấn, 2016) ở đây.
Tập Một người đâu phải nhân gian gồm 53 bài, bắt đầu là bài Bệnh “sợ”, và bài 2: Oan cho Chí Phèo, ở giữa có các bài như: Có nhiều nguyên nhân làm trẻ con hư hỏng hơn trước, Chỉ tại “áo rộng hơn người”, Soạn văn bản kiểu… “trên giời”, Một người đâu phải nhân gian, Chất vấn phải thiết thực,…Tiết kiệm vẫn là quốc sách, Hà Nội đẹp vì đâu? Đừng nhìn đâu cũng thấy bệnh, Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu… và kết thúc, bài số 53: Quan trọng nhất là yếu tố con người. Nội dung sách dừng ở trang 21 khổ in 13 x 20,5cm).
Viết ngắn gọn, ý tứ rõ ràng và đúng mực, đó là ấn tượng đầu tiên khi ta đọc lướt hết các bài trong tập Một người… này.
Trong cái ngắn và rõ của tập sách này, tôi thấy có nhiều điểm như đã được báo trước, đã được rút kinh nghiệm từ tập tiểu luận phê bình Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo ông đã viết trước đó, rồi xuất bản vào năm 2013, và tập chính luận Quyền phản biển không của riêng ai cũng xuất bản vào năm 2013.
Để ngắn gọn mà ý tứ vẫn rõ ràng, nhất là ở thể tạp văn – thời luận, người ta thường có lối đặt tên bài viết cốt để gợi mở, lập ý. Phạm Khải cũng theo lệ thường, nhưng không phải bao giờ nhan đề bài viết của tác giả cũng thế, mà nhiều lần ông đã chọn cách đặt tên bài viết có vẻ như chơi chơi”, ngẫu nhiêu ngẫu sự (Chỉ tại “áo rộng hơn người”), có vẻ như đưa ra một yêu cầu (Muốn cây ngay, phải “nắn” sớm, Chất vẫn cần phải thiết thực), có vẻ như một nhắc nhở kêu gọi (Xin đừng “qua cầu rút ván”), và nhiều khi, lại như là một tổng kết (Tiết kiệm vẫn là quốc sách, Quan trọng nhất là yếu tố con người), rất “lửng lơ con cá vàng” là những tên bài: Tặng ai, ai đọc, bây giờ đọc ai?, “Giải hạn, “trả ơn” bằng bìa sách, Sao lại phải thay/ Tại cái… loa phường, Chỉ xin lỗi thôi, vẫn là chưa đủ)…
Mới đọc qua tên bài, cũng đã có thể hình dung ra nội dung, cách thức trò chuyện, đối thoại của Phạm Khải là trực tiếp và ngay thẳng như thế nào. Tuy vậy, đôi khi sự đoán định này cũng không hẳn đúng, bởi tác giả đã tạo bất ngờ bằng các câu/lời mở đầu đã thật linh hoạt, đầy biến đổi thích hợp cho mỗi bài.
Chẳng hạn, ở bài Oan cho Chí Phèo, Phạm Khải mở đầu bằng câu: “Kính thưa cụ Nam Cao!”, thế là một bức thư gửi nhà văn quá cố? Vâng, quả vậy; Mở đầu bài Bệnh kêu ca, anh viết: “Từ ngày xửa ngày xưa các cụ ta đã từng dặn dò con cháu: “Nói người phải ngẫm đến ta”. Trong “Truyện Kiều”, thi hào Nguyễn Du cũng lại nhắc: “Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”. Mặc dầu vậy, kêu ca vẫn là căn bệnh phổ biến của nhiều người”; hoặc vào bài Không phải lúc bàn lùi, nhà văn – nhà báo lại gợi: “Ở nước Nga có câu chuyện ngụ ngôn về một con cuốn chiếu. Con cuốn chiếu này có nhiều chân quá. Mỗi lần di chuyển nó cứ loay hoay tính toán mãi xem nên nhấc chân nào ở hàng bên trái và chiế chân nào ở hàng bên phải. Cứ quẩn quanh tính toán mãi vậy, rốt cục là quên mất cả cách bò.”
Ngẫm ra, cách vào bài linh hoạt mà tự nhiên này cũng tốn kiến thức, vốn liếng văn hóa – sách vở lắm. Ai ít vốn, sẽ trùng lặp, tạo ra nhàm chán ngay. Mà nếu có sẵn vốn, lại không có ý thức tiết chế, thì đâm ra sa đà, làm chệch hướng theo dõi của người đọc. Nhìn chung, tác giả tập Một người đâu phải nhân gian đã tránh được cả hai xu hướng khó tránh này.
Nhân nói đến vốn liếng của người viết sách (báo), tôi vẫn nghĩ là ít có ai bằng họ. Nhưng sử dụng vốn (gồm kiến thức văn hóa – sách vở, và vốn hiểu biết thực tế việc đời) thì chưa chắc cái anh “bản nghề quen viết” đã lúc nào cũng giỏi hơn. Hiện tượng có thực mỗi ngày đang yêu cầu ta khả năng sử dụng vốn liếng sao cho vừa đủ, lại khéo léo. Tạp văn – thời luận là thể loại có đòi hỏi rất cao và khắt khe chuyện ngày. Trong tập sách chúng ta đang bàn, có đến quá nửa số bài viết về các việc, các vấn đề đang nổi cộm, đang có tranh luận. Này là vấn đề dạy trẻ, chăm sóc bồi dưỡng trẻ, từ những cái rất cụ thể như sách giáo khoa nên biên soạn thế nào, niềm tin nơi học đường cần được xác lập nghiêm túc và tinh tế ra sao… Rồi cả một tổ hợp câu chuyện – vấn đề tưởng như chỉ của giới ngành văn hóa – văn nghệ như là viết sách viết báo, kết nạp hội viên, trao đổi học thuật, bầu cử các chức danh… mà xem ra, cũng là chuyện danh với lợi, thực và không thực của muôn đời, ai cũng đau đáu cả. Trong lịch sử đương đại Việt Nam, thật chưa bao giờ quan hệ giữa Quốc hội với cử tri lại được nhắc nhở và quan tâm rộng rãi như những ngày này, chưa bao giờ các kì họp cùng nội dung và cách thức, trình tự họp của Quốc hội lại được chú ý tìm hiểu, theo dõi như những ngày bây giờ. Đặc điểm này của thời đại có được, phần rất đáng ghi công, là thuộc về báo chí, truyền thông. Là người làm báo đã lâu và đang quản lí lãnh đạo một tổ hợp báo ngành, Phạm Khải có điều kiện và trách nhiệm tạo ra mối gắn kết giữa cơ quan lập pháp với đông đảo công chúng, giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân. Nếu coi đó là lợi thế nữa, thì ông đã khai thác được lợi thế này qua một loạt bài trong tập Một người đâu phải nhân gian. Không cao đàm khoát luận chung chung, ông gợi chuyện, rồi đưa ra khuyến nghị cụ thể, ví dụ: Không việc gì mà phải thay lời bài Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi…” vốn đã đi vào lịch sử oai hùng mà nay vẫn còn nguyên giá trị: ở bài Phải biết tự soi mình, tác giả ngay thẳng trong đối thoại, có sắc thái luận chiến mà không căng cứng áp đặt khi viết:
“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, ngoài các biện pháp mang tính tổ chức, hành chính, vẫn không thể không yêu cầu sự tự giác của mỗi người. Điều này nghe có vẻ “cải lương” nhưng nó đúng với thực tế hiện nay của xã hội ta.
Tại sao tôi nói vậy? Là vì, lâu nay ta hay nói đến dân, phải thế này, thế khác với dân, song thực tế, sự biến chuyển cung cách, xử sự với dân của các cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã cải thiện được là bao? Vả chăng “dân” ở đây là ai? Đừng nghĩ rằng chỉ mình anh được quyền nhận anh là “dân”. Tôi là quan, nhưng khi cần tôi cũng nhân danh nhân dân đấy.”
Đấy là lối tản văn – luận chiến thời sự của Phạm Khải, người nghe người đọc không thể không đồng tình dẫu biết mình đã được (hay bị) phê bình.
Không tránh né cũng là một ưu điểm của tập Một người đâu phải nhân gian, trong bức thư gửi nhà văn quá cố Nam Cao, rõ là tác giả mượn chuyện bình về phẩm giá Chí Phèo cũng là tài năng điển hình hóa, khái quát hóa cuộc sống của Nam Cao mà phê phán sâu cay một loại người trong xã hội hiện nay, anh cho rằng: “Rốt cuộc, Chí Phèo ước muốn hoàn lương, cái đó, nhiều kẻ bất chính quen ăn cướp tiền bạc của nhân dân dù có xuôi tay nhắm mắt cũng chưa chắc trong tâm trí đã có một lần ánh lên sự hoàn lương ấy. Đánh đồng Chí Phèo với những nhân vật ấy sao được?”
Tôi nghĩ là nếu bạn có trong tay tập tản văn – thời luận này của Phạm Khải mà đọc, chắc sẽ cảm ơn ông bởi nhận thấy ông đã gợi thêm cho mình cách ứng xử, cách suy ngẫm trước một số hiện tượng, vấn đề… đồng thời, ông cũng đã nói hộ tâm sự, tâm trạng của mình được nhiều.
Tôi cũng tin là Phạm Khải sẽ còn viết tiếp, dù biết là ông đang và sẽ còn rất bận rộn với công việc cơ quan. Văn phê bình tiểu luận và văn thời luận của ông đang nương tựa và phát triển theo lối thân mật và ngay thẳng, lý và tình trọn vẹn hài hòa, khiến cho cuộc đối thoại ông mở ra, hay “thấy tham gia được thì có thêm một vài ý góp vào” đang có hiệu quả.