TIN TỨC

Mùa đông, tản mạn về cha tôi - Tản văn của Nguyễn Văn Ngọc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1228 lượt xem

Chiều nay, chiều mùa đông đầu tiên, tôi rảo bước trên con đường quen thuộc mà ngày xưa cha tôi đi dạy học thường qua đây. Ngọn gió mùa đông khua trên hàng cây thưa thớt, bứt tung lá vàng còn sót lại của ngày thu, gom nhặt về phía cuối đường. Ký ức mùa đông lại ùa về thăm thẳm trong hồn tôi với bóng hình người cha dắt bao mùa đông lầm lũi, buốt giá đi sau chiếc xe đạp đã cũ đến trường.  

Nhớ về ngày đói mùa đông 1980, nhà không có hạt gạo, cha tôi đi chợ Vinh bán chiếc áo dạ mà chị gái hồi ấy đang nghiên cứu sinh ở Liên Xô mới gửi về cho cha. Chiếc áo dạ cha tôi chưa kịp mặc vào mùa đông đầu tiên. Mùa đông còm cõi trong những đợt rét dai dẳng. Cha tôi vẫn mặc lại chiếc áo bông đã sờn cũ. Mấy anh em ngồi quây quần bên bếp lửa mà mẹ tôi tự tạo ra bằng mấy viên gạch cũ. Có mớ khoai, chúng tôi “ mót” được sau đồng bãi, luộc trên bếp lửa đỏ hồng. Cha tôi mới ở trường về, rét cóng tay. Bàn tay gầy guộc của cha mẹ tôi xòe trên lửa bếp, đan vào những ngón tay của chúng. 

Người thầy đầu tiên trong cuộc đời là cha tôi. Cha là giáo viên dạy văn. Cha thường đưa về cho tôi tham khảo bài làm văn xuất sắc của học trò. Đó là món quà đầu tiên của cha. Hồi ấy làm gì có sách văn mẫu như bây giờ. Tôi còn nhớ những bài văn đạt điểm cao của người học trò có tên : Hoàng Văn Thủy, nét chữ đẹp, bài viết sâu sắc. Sau này, cha cho biết : Người học sinh đó đi học nước ngoài, về nước làm việc ở Hà Nội. Cha hiền lành nhưng rất nghiêm túc trong việc hướng dẫn con cái học tập; rèn cho con từng nét chữ. Dạy chữ nhưng cha không áp đặt, khắt khe, gò bó. Bên cạch dạy chữ, cha gần gũi, tâm lý trẻ thơ. Ngoài học ở nhà, cha sắp xếp thời gian để các con ra vườn tham gia lao động. Công việc của chúng tôi là tưới cây, nhổ cỏ, bắt sâu. Đi dạy về, cha mang mấy bầu chanh, bầu cam ươm trong vườn nhà. Cây cối trong vườn ngày một xanh tốt. Cứ chuẩn bị tết, cha cắt bầu chanh để mẹ đi bán ở chợ Sơn, mua cá tết. Nồi cá thửng đón tết là nhờ có mấy bầu chanh và vòng mây bóc nơi bụi vườn nhà.

Có một thời gian, các gia đình ở xóm tôi và xóm gần quốc lộ phải đi sơ tán lên vùng miền tây của huyện vì chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thế là chúng tôi lại gồng gánh đi tản cư. Cha tôi, bám trụ lại ngôi trường thân yêu của mình. Thỉnh thoảng, cha lại lên nơi gia đình tôi ở, động viên các con học tập, cha lật từng trang vở của các con dưới ngọn đèn dầu, đêm mùa đông tê buốt bàn tay cha. Ngày tản cư lên vùng quê đó, thật đầy kỷ niệm. Các gia đình miền tây đùm bọc, chia sẻ vất vả, dành sự quan tâm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của các gia đình tản cư đến nơi này. Con chữ của chúng tôi tiếp tục gieo trong những tháng ngày gian nan thời chiến. Nhớ lại ngày đơn vị bộ đội ở trong làng Phan của chúng tôi. Nhà cha mẹ tôi có mấy chú bộ đội. Hình ảnh chú bộ đội tên là Hoàng, quê miền tây Nghệ An, dáng chú cao gầy, nhiều tuổi nhất trong đồng đội. Có hôm người yêu của chú Hoàng xuống thăm và ở lại nhà. Đó là thời khắc, tôi biết thêm ý nghĩa của giây phút người phụ nữ tạm biệt chồng, để một ngày không xa, chú Hoàng vào Nam chiến đấu. Lá ngụy trang xanh rờn sau ba lô các chú bộ đội qua con đường đất quen thuộc của làng tôi. Cha tôi, động viên các con tham gia phong trào “Nghìn việc tốt”, góp giẻ lau cho đơn vị pháo của bộ đội. Mùa đông, những cơn gió lạnh tràn về, nhưng trong căn nhà lá của cha mẹ có thêm hơi ấm của các chú bộ đội. Có lúc các chú đi luyện tập về, tranh thủ hướng dẫn học bài cho chúng tôi. Buổi tối nơi góc bàn, cha thường ngồi, vẫn ngọn đèn dầu, cha xem bài tập làm văn của tôi. Cha ngồi lặng lẽ, đêm chìm sâu lúc nào không biết, chúng tôi, hết giờ học bài, vùi sâu vào giấc ngủ tuổi học trò. Có đợt, cứ đêm về, pháo giăng đầy trời, máy bay phản lực gầm rít. Buổi chiều, cha tôi dục các con tranh thủ học bài, để chuẩn bị xuống hầm chữ A trú ẩn tránh bom. Những thước phim bộ phim tài liệu “Trang sách trên đất lửa Nghi Lộc” do Đài tuyền hình Trung ương sản xuất, mô tả chân thực con người quê tôi, trong đó có bóng dáng cha tôi ; những hình ảnh học sinh mang mũ rơm đi học thời chiến, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vượt qua bom đạn để học tập không ngừng.

Thỉnh thoảng, tôi theo cha đến trường của cha. Tôi còn nhớ ông bảo vệ tên là Nghĩa. Ông Nghĩa thường giúp nấu ăn cho cha. Cứ thứ 2 hàng tuần, sau chiếc xe đạp lọc cọc của cha là chiếc túi vải bạc màu đựng hạt mì (hạt bo bo), một ít gạo và mấy bó rau khoai, cà quê. Tôi là đứa con hay tò mò, lục tập vở ghi chép của cha. Trong sổ, tôi thấy cha hay ghi những việc làm tốt, gương tốt của giáo viên và học sinh các lớp. Sau này, tôi nối nghiệp dạy học của cha, có dịp gặp lại các thầy cô một thời ở cùng trường với cha tôi. Thầy cô kể lại: Những hôm họp hội đồng giáo viên, cha làm hiệu trưởng, thường nói ngắn gọn, không chỉ trích phê bình giáo viên nào trước tập thể. Thường biểu dương những việc làm nổi bật, sáng tạo của giáo viên, đóng góp công sức cho nhà trường. Giáo viên có khuyết điểm, cha tôi thường gặp riêng trao đổi.              

Mười bảy năm rồi, cha về miền gió cát mênh mông, nằm lại trên miền đất quê, về nơi niết bàn, miền cực lạc của cõi người. Nơi luôn có những đám mây trắng trôi trên không gian tĩnh lặng. Cây đại đã bao mùa hoa, phủ lên vùng bia mộ, phủ lên chỗ cha tôi nằm yên giấc ngàn thu. Cuộc đời cha tôi, những nghĩa cử của cha trong đời dạy học đã để lại cho các con tài sản vô giá, những bài học làm người, bài học về nghề thầy giáo trong xã hội.  

N.V.N

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm