- Lý luận - Phê bình
- Phảng phất Thiền trong “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Phảng phất Thiền trong “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
NGÔ MINH OANH
(Bài viết đọc tại buổi ra mắt “Lục bát chân mây”
PGS-TS, nhà thơ Ngô Minh Oanh.
Với hơn 80 bài thơ trong Lục bát chân mây – tập thơ thứ 7 của nhà thơ Võ Miên Trường, nếu tính từ khi chị in tập thơ đầu tiên (2016) đến nay cũng đã non một thập kỷ, và nếu tính từ khi chị bắt đầu làm thơ thì thời gian còn nhiều hơn nữa. Đọc xong tập thơ, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một người đàn bà thơ đã “hoàng hôn chín”, đang sắp xếp “xây (lại) từng nấc tháp ngà” của đời mình, muốn “trả đêm thăm thẳm cuộc trần gian mơ” để ước ao “cho tôi đáo hạn về chăm chút mình.”
Không chỉ riêng nhà thơ Võ Miên Trường, mà ai trong chúng ta cũng vậy, trên dặm trường làm người lữ khách, bươn chãi với mưu sinh, làm tròn chức phận người con, người vợ, người mẹ, người công dân… lại đa đoan làm một người thơ luôn khắc khoỏi với con đường đi không hồi kết. Trên đường đời, đường thơ đó ai dám chắc mình không bao giờ mỏi mệt, ai dám chắc không có lúc ta cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời đầy sôi động và phải đi tìm một chỗ dựa tinh thần, tìm về một chốn tĩnh lặng, an yên để tiếp tục sống và viết. Phải chăng vì điều đó mà ta đã gặp trong nhiều bài thơ của Lục bát chân mây phảng phất chất thiền, đầy ắp những ước muốn đượm thiền trong từng bài, từng câu, từng chữ. Có thể nói trong mỗi con người Việt chúng ta, một đất nước cởi mở về tôn giáo, “tam giáo đồng hành” là một nét nổi bật trong tư tưởng, quan niệm và nếp sống. Dù có thể khác nhau về tôn giáo, nhưng ở một nước mà Phật giáo đã du nhập vào từ lâu đời và có ảnh hưởng rộng khắp vào các vùng miền và trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thì trong mỗi người chúng ta ít nhiều đều có một ít “tâm Phật” trong cuộc sống hàng ngày. Điều này cũng là hiển nhiên khi thiền như là một phương pháp luyện tâm trí, tập trung vào sự vật, sự việc, vấn đề hiện tại, giúp người thực hành sống trọn vẹn hơn, hướng tới sự bình an, thuần khiết trong bản thân mình… Thiền như là một chánh định để loại bỏ tham, sân, si, trở về với cuộc sống thanh tịnh.
Đọc thơ Võ Miên Trường chúng ta không khỏi bùi ngùi về những nỗi vất vả, truân chuyên của chị: “…Những năm khốn khó đói mòn dạ đau/ Nhớ ngày ở cữ cháo rau/Xép re bụng rỗng cuống nhau mẹ gầy/ Quắt khô bầu vú thở dài/ Nước cơm thay sữa mỗi ngày con ơi/ Từng đêm vỡ giấc ru hời” (Lục bát cho con). Nhưng nào đâu chỉ sự khốn khó về thể xác, phải chăng: “Ta từ hạt bụi phiêu bồng/ Ngàn xưa không sắc-sắc không mơ màng/ Nỗi chìm tro bụi lang thang/ Luân hồi trổ nhánh đa đoan lẽ thường.” (Ta về gặt nốt cánh đồng đời phơi). Phải chăng chị đã ý thức được luân hồi từ tiền kiếp mà chấp nhận một cuộc đời đầy sự “vỡ”. Trong thơ chị sao nhiều sự vỡ làm vậy: Vỡ ngọn heo may/ Vỡ biếc/ Vỡ vạt cúc quỳ/ Vỡ mảnh trăng đau/ Vỡ tiếng nghe rằm gọi trăng/ Vỡ cuộc rập rình vỡ tôi…” (Vỡ tôi, Đêm suông). Người thơ đã dựa vào điểm tựa nào mà vượt qua bao sự vỡ làm vậy, để mà an nhiên sống, để mà an nhiên viết nên những vần lục bát tài hoa trong Lục bát chân mây? Không phải tất cả, nhưng có một điểm tựa để người thơ Võ Miên Trường dựa vào, đó là thiền, thiền định. Đâu phải ngẫu nhiên, đôi khi người thơ vẫn “còn say khúc nhạc chơi vơi/ Còn hơn thua với sao trời vu vơ” nhưng ngay đó đã thay đổi về nhận thức: “Đi về chung cuộc hành hương/ Hoa đăng soi nghiệp còn vương niệm tình/ Bàn tay lần giọt trang kinh/ Nhập nhòe chân - giả vô minh thế trần/ Thấy gì qua cửa phù vân/ Bao nhiêu hạt bụi mê lầm mênh mông/ Ngộ câu “tức sắc thị không”/ Ta về gặt nốt cánh đồng đời phơi…” (Cánh đồng đời phơi). Cánh đồng đời phơi đó hay nói rộng hơn là cuộc đời này mà chị đã gắn bó, nhập cuộc dẫu bao gian khó chị vẫn đắm đuối hoàn thành trọn vẹn những thiên chức của mình. Và đây nữa, giữa gió, mây vẫn ngập tràn hoa nắng: “này mây, này gió, này mình/ Giọt trăng mưa móc chút tình như nhiên/ Thoảng qua nhau giữa sông thiền/ Lung linh hoa nắng thắp miền chiêm bao.” (Dấu chấm than). Phải chăng chất thiền đã đắm chìm trong tâm tưởng, trong từng chiêm nghiệm về cuộc đời, trong những cảm thức về sáng tạo thi ca, mà Võ Miên Trường sau bao nhiêu đoạn trường đã trải, bao vỡ vụn, thăng trầm “tuổi xế” mà vẫn an nhiên vui sống, hát ca bằng những vần thơ. Chị đã viết: “Dõi chừng tuổi xế chiều hôm/ Tâm bình thân tịnh nhẹ đơm gốc thiền/ Cây đời trổ nhánh như nhiên/ Lá từ bi hát lời thiêng từng ngày.” (Em và tuổi xế nương nhau); hay “Níu ngày trải lục bát phơi/ Nghe chuông vọng khúc à ơi…tím chiều.” (Lục bát dạ thưa); “Gọi nhau gió lộng cửa thiền/ Gọi hồn nhiên giấu muộn phiền đằng Đông/ Chiều nay gió ngát hương thiền/ Em dìu kỷ niệm về miền yêu thương.” (Gấp đôi nỗi nhớ).
Muộn phiền đã trải, người thơ đã “ngộ” ra cuộc đời này như là duyên kiếp, đã sống trọn cùng “hạt bụi” của nhân duyên để vẫn hết mình vui sống, hoan ca. Không chỉ an nhiên vui sống, chị còn đưa ra một tuyên ngôn về cuộc sống: “Ta về theo gió rong chơi/ Thấy bồ đề giữa chợ đời vô minh/ Về gom nỗi nhớ lên chùa/ Bàn tay đảnh lễ xin chừa sân, si ”. Và hơn nữa, người thơ thấm đẫm tâm thiền vẫn tràn luôn đầy hy vọng giữa cuộc đời rộng lớn và vô minh này: “Chung trà rót tạ tri âm/ Áo nâu sòng mặc chờ tâm Niết bàn.”
Vài khoảnh khắc tại buổi ra mắt sách "Lục bát chân mây" (Ảnh Nguyên Hùng):