- Bút ký - Tạp văn
- Mảnh đất nhà văn Trang Thế Hy yên nghỉ
Mảnh đất nhà văn Trang Thế Hy yên nghỉ
…và cái thứ mà nhà văn Trang Thế Hy khư khư ôm giữ và biết mình khó có thể tiếp tục trả hay vay, đó là nợ “nợ nước mắt”, thứ nợ mà có lẽ, khi đã ở nơi chín suối, ông cũng đang tiếp tục đeo mang.
Ba ngày trước, tôi cùng đồng nghiệp về Bến Tre viếng bà cụ thân sinh của nhà văn Vũ Hồng. Bạn bè, đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đến chia buồn cùng gia đình nhà văn Vũ Hồng, rất đông. Vũ Hồng cho biết, tâm nguyện của mẹ mình, người thượng thọ và rân rát con cháu là mời những người đến viếng bà, cùng gia đình ăn một bữa cơm chay.
Sau khi dùng bữa cơm chay và uống ly rượu gia truyền, chúng tôi chia tay gia đình nhà văn Vũ Hồng, chia tay các đồng nghiệp. Sau đó đến khu vườn dừa, nơi mảnh đất có ngôi nhà và ngôi mộ của cố nhà văn Trang Thế Hy cùng mộ của vợ ông và mộ người con gái của ông.
Trên đường không gặp chỗ bán hoa tươi. Chỉ mua được hộp bánh, bó nhang và một cái bật lửa ở tiệm tạp hóa ven đường. Tôi nghĩ, lúc đến mảnh vườn xưa, nếu không có người nhà mở cửa, cũng sẽ như hơn ba năm trước, mà tôi đã cùng đoàn nhà văn thuộc Chi hội nhà văn Việt Nam tại TP.HCM, theo chân Vũ Hồng, đi đường tắt, tức lần lượt từng người chui qua hàng rào dưới bụi tre xum xuê, để đến bên mộ nhà văn Trang Thế Hy và thắp một nén nhang.
Tài xế Kim, người từng nhiều lần đưa nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Lê Văn Thảo về Bến Tre thăm nhà văn Trang Thế Hy. Kim thuộc làu đường đi, dù đường mở rộng và đẹp. Còn tôi thì nhớ ngôi nhà nhỏ trên mảnh vườn xưa quen thuộc, nhớ bụi tre xum xuê gie ra đường.
Ngôi nhà nhỏ của nhà văn Trang Thế Hy và hàng rào kiên cố của mảnh vườn hiện nay.
Không thấy mảnh vườn với những hàng dừa già lão vươn cao, cũng không thấy hàng tre bụi trúc. Tài xế cho xe chạy tới chạy lui nhiều lần. Cuối cùng tài xế dừng lại trước cánh cổng giữa hàng rào kiên cố được quét sơn màu xám trắng, bao bọc quanh khu vườn. Kim quả quyết: “Nhà này!”. Chắc nghe tiếng xe. Từ bên trong hàng rào, một người đàn ông chầm chậm bước ra. Tôi nhận ra, đó là anh Lê, con trai của nhà văn Trang Thế Hy. Cổng mở. Bên trái, ngôi nhà nhỏ của Trang Thế Hy nằm im lìm như đang ngủ vùi dưới trưa nắng chói chang.
Chúng tôi theo chân anh Lê. Trước khi bước vào ngôi nhà mới, cũng phía trái, gần ngôi nhà mới là một cái nhà để xe với một chiếc ô tô màu trắng còn bóng loáng.
Sau khi chúng tôi thắp hương trên bàn thờ cố nhà văn Trang Thế Hy, anh Lê cho biết, do mở đường, phần đất bị làm đường, nhà nước đã đền bù một số tiền lớn, anh cho xây nhà, xây cổng, mua xe. Tôi hỏi anh: “Còn vườn dừa ngày nào?”. Anh Lê nói: “Dừa lão, chỉ cho trái làm dừa khô, nên tôi cho chặt bỏ và trồng mới”. Rồi anh chỉ những cây dừa đang ra trái. Anh nói thêm: “Lần sau khách đến là có dừa uống”.
Trước khi đến viếng mộ Trang Thế Hy, tôi tần ngần trước ngôi nhà nhỏ mà ông sống đã hơn 30 năm. Nhớ cái ghế ông ngồi hút thuốc uống trà đặt bên trong ngôi nhà, cạnh cửa chính…
Tôi nhớ, lần cuối tôi gặp nhà văn Trang Thế Hy và chụp những tấm ảnh cùng với ông trước cửa nhà. Lần đó, cũng như những lần gặp trước, ông đều chậm rãi pha trà, chờ trà và chậm rãi rót vào những cái ly nhỏ ám màu trà. Và quấn bên chân nhà văn thật gầy là con chó thật mập.
Tôi cũng nhớ trong gian nhà bên cạnh mà mà nhà văn Trang Thế Hy đặt tủ sách. Tủ sách cũng nhỏ và ít sách. Năm ba quyển sách bằng tiếng Pháp, vài quyển sách của Nguyễn Ngọc Tư, của Võ Đắc Danh, tất cả đều bám bụi, lớp bụi dày. Tôi có cảm giác là lâu lắm rồi ông không cầm trên tay một quyển sách nào. Và dường như ông chỉ đọc đi đọc lại những quyển sách đã hằn vào ký ức, đã khắc vào tâm tưởng. Lần nào gặp, tôi cũng nghe nhà văn Trang Thế Hy đọc những triết luận của Tagore, của Camus… và cái thứ mà nhà văn Trang Thế Hy khư khư ôm giữ và biết mình khó có thể tiếp tục trả hay vay, đó là nợ “nợ nước mắt”, thứ nợ mà có lẽ, khi đã ở nơi chín suối, ông cũng đang tiếp tục đeo mang.
Sáng 27/6/202.