TIN TỨC
  • Truyện
  • Tiếng mõ trong ngõ cụt - Truyện ngắn Kim Uyên

Tiếng mõ trong ngõ cụt - Truyện ngắn Kim Uyên

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-09-29 15:05:39
mail facebook google pos stwis
1400 lượt xem

Trước đây, vợ lão Nam thường tụng kinh gõ mõ hai lần trong tháng, vào sáng mồng một và ngày rằm. Đầu năm nay nhân ngày rằm tháng giêng mụ mời một thầy chùa về làm lễ lớn, sau ngày đó mụ Nhung chăm tụng kinh hơn. Việc này khiến mọi người trong khu ngõ cụt không hài lòng, đặc biệt là các nhà liền kề với nhà lão Nam vì tiếng gõ công cốc nổi lên lúc năm giờ sáng…

Ảnh minh họa

Chủ căn hộ đối diện rao bán nhà.  

Lão cười trong đắc thắng.

Khu ngõ cụt có hai mươi căn hộ kiền kề, mỗi dãy mười nhà quay mặt vào nhau, ở giữa là con ngõ lát gạch đỏ au. Vì là ngõ cụt, chỉ ai sinh sống ở đây mới ra vào nên xóm rất yên tĩnh. Chiều dài khoảng năm mươi mét, chiều rộng bốn mét, con ngõ trở thành sân sinh hoạt chung của các gia đình. Vào mỗi buổi sáng, khi người lớn đi làm, trẻ con đến trường thì người cao tuổi thường ra ngõ ngồi hóng gió, nhặt rau, cắt móng, thủ thỉ dăm ba câu chuyện tâm tình. Nhiều hôm cụ Giới còn rủ các ông ở khu khác đến uống nước chè tươi và chơi cờ tướng. Chiều đến là lúc khu ngõ cụt tập trung đông nhất, người đi làm trở về rổn rảng nói cười, bọn trẻ tan trường về cũng chỉ kịp  ném cặp sách vào góc nhà là chạy ra ngõ chơi. So với nhiều khu phố đông đúc chật chội thì khu ngõ cụt là nơi sống mơ ước của rất nhiều người.

Ngôi nhà của Miên nằm ở đoạn giữa trong con ngõ, vợ chồng Miên và hai đứa con là những cư dân về sinh sống ở đây sau cùng. Miên thiết kế ngôi nhà của mình thành cái tổ hoàn mỹ. Một không gian tuyệt vời từ trong nhà ra tới ngoài ban công, từ tầng một lên đến sân thượng tầng bốn. Hồi nhà Miên mới xây xong, lão Nam ngó sang đã âm thầm mê mẩn. Lão chưa biết vợ chồng Miên làm gì, nhưng nhìn vào thiết kế, nội thất trong ngôi nhà lão biết gia chủ là người vừa có kinh tế khá giả vừa có kiến thức văn hóa và gu thẩm mĩ cao. Chỉ sau này, khi vợ chồng Miên chuyển về ở hẳn, mọi người mới biết Miên là kiến trúc sư, còn vợ làm biên tập ở một nhà xuất bản.

Ngôi nhà của Miên được sơn màu sáng, mảnh sân nhỏ phía trước trồng bụi hoa giấy đang leo giàn. Tầng một là bếp ăn và phòng chơi cho trẻ con, tầng hai là phòng khách và phòng đọc sách. Hai tầng trên Miên thiết kế bốn phòng ngủ, các phòng phía trước nhà có ban công rộng, đặt các chậu cây cảnh xanh tươi. Hai phòng phía sau đều có cửa sổ trông ra hàng cây râm mát của một cơ quan bên cạnh. Tất cả các phòng đều ấm vào mùa đông, thoáng khi mùa hạ và sử dụng ánh sáng trời.  Căn hộ thiết kế hiện đại cùng với các thiết bị nội thất nhập khẩu châu Âu nên ngôi nhà của vợ chồng Miên nếu xét trong phân khúc liền kề không chỉ là ngôi nhà đẹp nhất trong khu ngõ cụt mà còn là ngôi nhà lí tưởng ít căn hộ liền kề nào có được.

Lão Nam thấy tiếc ằng ặc vì nhà lão đã xây dựng trước, nếu không lão đã học mót được cách thiết kế cho ngôi nhà của mình hợp lí hơn. Hồi làm nhà, lão cũng thuê kiến trúc sư thiết kế hẳn hoi. Nhưng gặp phải thằng làm dở, nói hay nên ngôi nhà của lão nhìn bề ngoài rất hoành tráng mà vào bên trong như đối mặt với thảm họa. Mảnh đất hình chữ nhật, chiều rộng năm mét, chiều dài gần mười bốn mét thành cái nhà dài thõng thượt. Đã vậy, không gian bên trong bị cắt lát, vỡ vụn bởi các cột lớn và xà ngang khiến người ở luôn cảm thấy âm u và và bí bức. Hai bên hông nhà xây tường kín, phía sau tiếp giáp với tòa nhà cao bảy tầng nên cũng kín tường, chỉ còn lại mặt trước trông ra ngõ cụt, thành ra nhà lão như cái hang. Tệ hại hơn, không có thang máy như nhà Miên, ở tuổi này cứ leo lên leo xuống bằng chân lão Nam thấy nhọc quá. Có hôm lên đến tầng hai lão đã thở ra tai, hai khớp gối mỏi nhừ muốn khụy xuống.

Tuy nhiên, chỉ đến khi ngôi nhà hoàn thiện lão Nam mới nhận ra điều đó. Lão ức lắm, nhưng chả có lí do gì để bắt bẻ đám thợ bởi trong thời gian làm nhà thì cơ quan lão bị thanh tra đột xuất. Lão phó thác cho mụ vợ đồng bóng vì  bận bù đầu cùng kế toán lo xóa dấu vết, hủy hóa đơn chứng từ, rồi chạy chọt để thoát tội. Sau vụ đó lão phải về hưu sớm nhưng may mắn không bị tù tội. Lão Nam coi đó là một tai nạn, chỉ nản nỗi phải ở trong căn nhà không ưng nên lúc nào cũng thấy anh ách.

***

Trước đây, vợ lão Nam thường tụng kinh gõ mõ hai lần trong tháng, vào sáng mồng một và ngày rằm. Đầu năm nay nhân ngày rằm tháng giêng mụ mời một thầy chùa về làm lễ lớn, sau ngày đó mụ Nhung chăm tụng kinh hơn. Việc này khiến mọi người trong khu ngõ cụt không hài lòng, đặc biệt là các nhà liền kề với nhà lão Nam vì tiếng gõ công cốc nổi lên lúc năm giờ sáng. Mấy người ngại va chạm, đánh tiếng bảo mụ Nhung phải đóng các cửa lại vì giờ đó cả khu vẫn đang ngon giấc. Nhưng mụ Nhung chẳng quan tâm, có hôm ra giữa ngõ mụ nói buâng quơ rằng nếu đóng hết các cửa thì thánh thần làm sao vào được nhà mụ.

Do  phòng thờ trên tầng bốn nhà lão Nam, nơi mụ Nhung ngồi gõ mõ đối diện phòng ngủ của vợ chồng Miên ở tầng ba nên tiếng mõ nghe rất gần. Mặc dù đã đóng chặt các cửa sổ của nhà mình nhưng sáng nào vợ chồng Miên cũng bị tiếng mõ bủa vây. Có lần vợ Miên sang phàn nàn với mụ Nhung rằng tiếng mõ ảnh hưởng lớn đến mọi nhà xung quanh. Vợ lão Nam khó chịu nhìn vợ Miên một lượt từ đầu xuống chân rồi cao giọng bảo: Tôi tụng kinh gõ mõ cầu bình an, hạnh phúc chứ có làm gì tổn hại đến ai. Vợ Miên bảo: Nếu sáng nào mọi người cũng phải nghe tiếng mõ thì rất nhức đầu và mệt mỏi. Yên tĩnh là thứ quí giá nhất của khu ngõ này.

  • Tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người!. - Lão Nam bênh vợ.

Đến đây thì vợ Miên ấm ức quay về.

Lão Nam nhìn theo khinh khỉnh, nhớ ngày còn đương chức việc dùng các khẩu hiệu, các mĩ từ để đánh tráo khái niệm hay dùng xảo ngôn để che đậy bản chất thì lão đã thuộc làu. Chỉ có điều đáng nói là khi vợ Miên vừa khuất dạng sau cánh cửa, lão Nam chợt nảy ra một ý đồ. Rồi lão hứng khởi lấy tay vỗ nhẹ vào trán thầm trách mình suốt một thời gian dài không sớm nghĩ ra.

Vài ngày sau, lão Nam đi đâu về đưa cho vợ một chiếc mõ to bảo:

  • Bà phải chịu khó tụng kinh kêu cầu thì thằng Nhân nhà này mới lấy được vợ, nó cao số lắm. Đúng là trai thời loạn, gái thời bình!.

Mụ Nhung lườm chồng khẽ bĩu môi. Hồi mụ mới lập bàn thờ trên tầng bốn, lão Nam không đồng ý. Vợ chồng cọ nhau nhiều phen, mãi sau lão mới chịu xuôi, giờ cả xóm phản đối tiếng mõ thì lão lại khuyến khích vợ.  Mụ đoán chồng lại có tính toán nhưng không tiện hỏi, sợ lão lại quát: “Cô thì biết cái gì!”. Từ xưa đến nay lão vốn coi thường vợ không chịu làm lụng lại hay mải mê việc chùa chiền, đền, phủ… Nhưng mụ Nhung thì vẫn kể công rằng nhờ mụ chịu khó tụng kinh gõ mõ, chăm chỉ đi lễ nên lão Nam mới thoát án tù tội ở cơ quan.

Thằng Nhân lấy vợ là mong mỏi của hai vợ chồng đã từ lâu, nay lại được chồng khuyến khích nên sáng nào mụ Nhung cũng dậy đúng giờ để gõ mõ. Vào mùa hè nhìn ra ngoài trời còn có chút ánh sáng của ngày sắp rạng, đến mùa đông thì năm giờ sáng trời vẫn tối đen như mực, cả xóm vẫn nồng say trong chăn ấm. Rồi cảm thấy như chưa đủ, có hôm rảnh mụ còn tụng kinh thêm một tiếng vào lúc chập tối. Tiếng mõ rộn rã trong con ngõ hẹp lúc sáng ra tối vào như thách thức mọi người. Tiếng gõ kêu công cốc…công cốc.. như gõ vào đầu, xoáy vào tai, biến không gian bình yên của ngõ cụt trở nên bức bối. Cụ Giới và bà Vân cận kề với nhà lão Nam sang tận nơi bảo mụ Nhung đóng cửa lại để đỡ ầm ĩ. Nhưng mụ vẫn bảo: Tự do tín ngưỡng là quyền của tất cả mọi người. Tôi tụng kinh xin trời phật phù hộ để gia đình mạnh khỏe, kêu cầu các thần linh, thổ địa trên trời dưới đất phù hộ cả xóm được mạnh khỏe và bình yên, lẽ ra mọi người phải cảm ơn tôi mới phải.

Lão Nam nghe hàng xóm lời ra tiếng vào cũng thấy nhức tai, nhưng với kinh nghiệm của người đã từng bò lên các chức vụ bằng tiền bạc và cả tứ chi nên lão hiểu sâu sắc rằng làm gì cũng phải có lộ trình. Mỗi lộ trình có đặc thù khác nhau nhưng quan trọng là phải kiên trì ủ mưu để thực hiện. Một người giỏi mà thẳng tính quá cũng bằng ngu dại. Có cơ hội mà không biết tận dụng cũng là người đần. Biết đợi chờ để biến những điều không thể thành có thể, kể cả làm những điều vô đạo nhưng núp dưới danh nghĩa đẹp đẽ, mĩ miều mà cuối cùng đạt được lợi ích thì vẫn là thành công.

Hàng xóm trong khu ngõ cụt có ý kiến đòi kiện mụ Nhung ra phường, nhưng cứ nhìn thấy thằng Nhân con trai lão Nam xăm trổ đầy mình, đi đứng nghênh ngang thì mọi người đều e ngại.

Bây giờ vợ chồng Miên rao bán nhà.

Khi nghe trong ngõ mọi người kháo nhau, lão Nam ung dung ngồi uống nước chè và hút thuốc. Chiều gặp Miên đi làm về từ ngoài ngõ, lão ân cần hỏi.

  • Ở đây đang vui sao lại bán nhà đi?.

Miên tay phải kẹp cặp tài liệu, tay trái xác túi đồ cho vợ nhìn lão rồi cười hiền hậu đáp: Nhà cháu mua về gần ông bà nội cho tiện nhờ vả.

Lão Nam gật gù. Lão hỏi cho có chuyện, lão hỏi để thăm dò ý tứ chứ lão đâu có quan tâm đến câu trả lời của Miên. Lão tính rồi, tới đây sẽ có khách đến xem nhà Miên. Người coi nhà xong bao giờ cũng lân la hỏi chuyện hàng xóm hoặc la cà ở quán cà phê, trà đá để lấy thông tin thực, hư về gia chủ và căn nhà họ định mua - Lão chỉ cần đưa vài thông tin về nhà thằng Miên như vô tình ở mấy quán cà phê đầu phố và hàng trà đá bên hông cột điện là xong. Lão sẽ là người định giá ngôi nhà ấy chứ không phải là vợ chồng Miên. Thời đại thật thật giả giả, nhiều thứ vớ vẩn lên ngôi, người lạ làm sao biết được khu ngõ cụt này hay dở thế nào. Nghĩ đến đây lão Nam cười thầm và rút điếu thuốc châm lửa. Nhưng khi hút được vài hơi lão đã rụi vào cái gạt tàn để trước mặt và đứng dậy chạy xuống lấy xe máy phóng đi.

****

Cả khu ngõ cụt ai cũng biết gia đình Miên yêu quí ngôi nhà của mình. Buổi sáng lúc vợ dậy đi chợ thì Miên đã bắt sâu, tỉa lá cho những chậu cảnh. Buổi chiều khi Miên chưa về thì vợ và hai đứa trẻ đã hăng hái quét dọn, bón phân, tưới nước cho cây. Hai năm một lần Miên gọi thợ đến sơn sửa lại nên ngôi nhà lúc nào trông cũng tươi mới. Mọi người trong ngõ cụt đều phải công nhận nhà Miên là một tác phẩm hoàn hảo cả về hình thức và giá trị sử dụng.

Từ khi nhà Miên rao bán, Lão Nam chăm tập thể dục hơn. Trên tầng hai nhà lão có đặt cái máy chạy bộ nên lão cứ vừa đi bộ vừa nhìn sang nhà hàng xóm để theo dõi. Việc này khiến lão nhớ lại thời trẻ làm ở cơ quan toàn con cháu các cụ. Con bé phó phòng cả ngày ngồi soi gương, dũa móng vẫn còn đếm được tay trưởng phòng từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều đi đái mấy lần, bao lần ra khỏi chỗ gọi điện thoại và chơi những loại game gì. Nhưng cuối năm hắn ta vẫn được lên chức và cả phòng được tặng bằng khen lao động xuất sắc.

Nhiều khách đến xem, có người trả giá, có người không, nhưng cuối cùng đều lặng lẽ rút lui, mặc dù ai đến xem cũng tấm tắc khen ngôi nhà của Miên đẹp. Lão Nam ngồi trong nhà lướt hỏi Google, còn thấy nhà thằng Miên rao bán ngập tràn trên các trang mạng. Lão tính sẽ đổi nhà, lão sẽ mua lại nhà của Miên, lão mê cái nhà ấy khi nó vừa mới xây xong. Từ hôm vợ Miên sang phản đối vợ mình tụng kinh gõ mõ, lão Nam đã nảy ra ý định tống khứ vợ chồng nó đi.

Chờ vài tuần cho khách ra vào xem nhà hàng xóm thưa hẳn, tối ấy lão Nam quần áo chỉnh tề bước sang nhà Miên. Trong câu chuyện hỏi thăm về sức khỏe về công việc đầy chân tình, thỉnh thoảng lão Nam lại chặc chặc lưỡi tỏ vẻ tiếc rẻ vì sắp phải xa người hàng xóm tốt bụng. Lão khen Miên là người sống tình cảm, nhiệt tình, có trách nhiệm với mọi người trong khu ngõ cụt. Nhà ai có ma chay cưới xin ở quê xa, tỉnh gần Miên đều chở mọi người đi chúc mừng hay thăm viếng trên chiếc ô tô 7 chỗ. Lão còn nhấn mạnh, xóm ngõ cụt sống đang vui vẻ đoàn kết mà nhà Miên chuyển đi thì buồn, thiếu hẳn một người phụ nữ tháo vát đảm đang như vợ Miên sắp cỗ vào mỗi dịp trung thu cho các cháu hay biết giao cho ai làm liên hoan tất niên dịp cuối năm.

Vợ chồng Miên ngồi nghe thì tỏ vẻ ngại ngùng, không ngờ lão Nam có những lời hay đến vậy.  

Cuối cùng, trước khi ra về lão Nam xoa tay đầy trịnh trọng: Thế này cô chú ạ!. Thằng Nhân nhà tôi đã trưởng thành, chắc một hai năm nữa cũng lấy vợ vì thế tôi muốn mua lại ngôi nhà của cô chú.  Tuy nhiên, chưa biết trả bao nhiêu, thôi cứ để cho khách đến xem định giá. Khi nào đến ngưỡng cô chú bán thì cho vợ chồng tôi biết, nếu chúng tôi không mua thì hãy bán cho người khác.

***

Từ sau hôm lão Nam sang ngỏ ý muốn mua nhà của vợ chồng Miên thì khách đến xem nhà lại đông trở lại. Có hôm lão ngồi lướt mạng trông sang qua khe cửa sổ thấy vô số khách ra vào. Nhiều người sang trọng, khá giả bảo nhà của kiến trúc sư thiết kế vừa đẹp, vừa tiện ích sẽ mua tặng con gái. Lại có hai vợ chồng già đến khen nhà ở khu dân trí cao, gần bệnh viện nên muốn về đây ở hưởng tuổi già. Lão Nam nghe được thì gật gù khen thiên hạ có con mặt tinh đời. Hôm sau, có đôi vợ chồng trẻ đến xem nhà Miên, cười nói oang oang, khen khu ngõ cụt yên tĩnh lại gần trường cho con đi học. Có khách khen vợ chồng Miên sống tử tế nên thích mua nhà để hưởng cái phúc đức của gia chủ. Lão Nam ngồi bên nhà nghe được thấy thích thú, nhưng cũng nhấp nhổm lo sợ thằng Miên thất hứa mà bán nhà cho người khác thì lão mất cơ hội. Lão còn sốt ruột hơn vì chả hiểu sao giá nhà Miên cứ tăng vọt từng ngày.

Vài hôm sau, lão Nam lại nghe mọi người trong ngõ kháo nhau là lão Cần chủ hiệu cầm đồ ngoài mặt phố lớn đang hỏi mua nhà của Miên.

Tin này khiến lão điếng người. Lão chủ hiệu cầm đồ vốn là tay đại gia có tiếng, lão ta thích chỗ nào là mua bằng được chỗ đấy. Mua xong, lão Cần có thể sẽ biến cái nhà của Miên thành cửa hiệu cầm đồ. Vậy là lão phải sống chung với hiệu cầm đồ. Khu ngõ cụt đang yên ả sẽ trở nên nhộn nhịp người ra kẻ vào. Thiên hạ trăm người tốt, ngàn người xấu biết đâu mà lường khi ngõ cụt trở thành nơi mua bán, trao đổi. Nghĩ đến đây lão thấy xa sẩm cả mặt mũi.

Chính lão mê ngôi nhà đó. Chính lão đã khuyến khích vợ tụng kinh gõ mõ sớm tối để vợ chồng thằng Miên không chịu nổi mà bán nhà. Chính lão đã tung bao nhiêu tin thất thiệt về ngôi nhà đó để khách đến xem rồi một đi không trở lại, vậy mà  cuối cùng ngôi nhà đó lại rơi vào tay lão chủ hiệu cầm đồ. Càng nghĩ lão Nam càng thấy đau não.

Chờ mãi chả thấy nhà Miên có động thái gì, cuối tuần lão Nam lại sang lân la thăm hỏi. Miên bảo, có người trả năm mươi cây vàng nhưng chưa muốn bán, nếu lão Nam đồng ý giá đó thì vợ chồng Miên nể tình xóm sẽ bán cho. Lão Nam nghe xong giật mình, lão định mắng cho thằng Miên mấy mắng, nhưng rồi kìm lòng giữ ý, lão hỏi đi hỏi lại xem mình có nghe nhầm không. Nhưng thằng Miên bảo phải đúng năm mươi cây vàng nó mới bán.

Tính toán từng đường đi nước bước, giờ lại rơi vào tình thế khó. Không mua được nhà Miên thì mất đi cơ hội, mà đồng ý mua với giá cao vậy thì thấy bất công. Mấy đêm liền nằm vắt tay lên trán không ngủ được, bàn tiến bàn lui với vợ cuối cùng lão Nam quyết định mua nhà Miên. Lão tính, nước nổi thì bèo cũng nổi, nếu mua nhà Miên giá cao thì nhà lão cũng bán được giá vì cùng trong khu ngõ cụt. Lão sẽ vay mượn ngân hàng mua nhà Miên trước, sau bán nhà mình trả sau, làm như vậy coi như là ổn.

***

Hôm giao nhà cho lão Nam xong, hai vợ chồng Miên đi chào mọi người một lượt trong ngõ. Ông cụ Giới cứ nắm lấy tay Miên bảo thỉnh thoảng về chơi đánh với cụ vài ván cờ cho đỡ nhớ. Miên tặng cụ bộ ấm chén bằng sứ trắng có những vân hoa chìm tinh xảo. Cô Thảo nhà ở cuối ngõ cứ tiếc phải xa hai đứa trẻ nhà Miên vì nhờ chúng mà con trai cô ham học tiếng Anh. Vợ chồng lão Nam vui vì  Miên để lại toàn bộ thiết bị trong nhà, Miên bảo về nhà mới combo nội thất đầy đủ nên không có nhu cầu di chuyển đồ. Lão Nam bảo vợ: Thằng Miên quả là người hào sảng, phóng túng nếu là nhà mình thì chổi cùn rế rách cũng tha đi.   

Tuy nhiên, mọi sự không giống như những tính toán ban đầu. Từ khi lão Nam rao bán ngôi nhà của mình cũng có nhiều khách đến xem, nhưng giống như nhà Miên dần dần không có khách nào quay trở lại, mặc dù biết nhà mình thiết kế dở lão đã hạ giá thấp hơn nhà Miên mấy cây vàng. Thời gian trôi đi, lão Nam phải lo nghĩ tiền bạc nhiều nên sức khỏe có phần sa sút. Rồi qua mấy người ở đầu phố lão thấy họ kháo nhau khu ngõ cụt ảm đạm, buồn tẻ, thiếu sinh khí. Từ nhiều năm trước có mẹ con nhà hành khất bị cảm chết ở đó nên âm khí nặng. Những đêm mưa gió mọi người còn nghe thấy tiếng ma khóc lóc sụt sùi. Chính vì âm khí nặng mà có nhà lập điện thờ để trấn yểm ma quỷ… Lão Nam nghe xong thì đau đớn bởi thông tin này do chính lão bịa đặt ra lúc nhà Miên rao bán. Còn từ khi lão sang hỏi mua nhà Miên lại có nhiều khách tìm đến xem là do vợ chồng Miên gọi anh em, bạn bè đến chơi và làm giá để ngôi nhà có thêm sinh khí.

Rao bán nhà mãi không được, lão Nam cũng không được yên bởi hàng ngày phải nghe mụ Nhung than vãn, trách móc. Có tháng lão sấp ngửa chạy đi vay tiền của xã hội đen trả lãi. Lão tính, đến lúc bí quá sẽ chạy ra cửa hàng cầm đồ của lão Cần cầu cứu. Nước cùng lão sẽ sang tên ngôi nhà mua của Miên cho cái gã mặt choắt ấy. Lỗ một chút cũng được, coi như đi một nước cờ sai. Tuy nhiên, khi lão Nam vừa thò ra ý định đó, lão Cần đằng hắng mấy tiếng rồi trả lời dứt khoát:

  • Tôi chưa bao giờ có ý định mua ngôi nhà ấy. Thằng Miên bảo có khách vip đang muốn mua nhà nên nhờ tôi đến xem, làm giá để nó bán nhanh thôi.

Lão Nam choáng váng. Hồi trước cũng chỉ vì muốn tống cổ tay phó đi để hắn ta không có cơ hội soi mói, bới móc, rộng đường cho lão và kế toán làm ăn nên lão bị kiện. Cho đến giờ lão vẫn cay cú bởi lúc sắp về hưu bị tay phó làm cho tiền bạc tiêu tan, sự nghiệp phải dừng, đi đâu cũng lầm lũi như kẻ chưa gột hết tội lỗi với đời.

Từ cửa hiệu cầm đồ của lão Cần trở về trong mệt mỏi, lão Nam như người kiệt sức. Lão vã vào miệng mấy viên thuốc đau đầu rồi nằm nghỉ luôn ở tấm gỗ kê dưới tầng một. Bất ngờ, trên tầng bốn tiếng mõ của vợ lại vang lên nhức nhối. Lão Nam điên tiết chạy một mạch xồng xộc lên thấy mụ Nhung quần hoa áo gấm môi trát đầy son tay gõ miệng chú.

  • Vợ chồng nhà nó đi rồi, không mượn bà ngồi tụng kinh gõ mõ nữa. Đau hết cả đầu!.

Vừa dứt lời lão Nam thấy sây sẩm mặt mày rồi đổ khuỵu xuống.

Mụ Nhung ngước nhìn định trút cơn giận dữ lên chồng nhưng thấy lão Nam bị đột quỵ liền bật dậy đỡ. Vội vã, cuống cuồng chân mụ đá phải cái mõ khiến nó lăn lông lốc ra phía cửa, gần chỗ lão Nam rồi rơi xuống từng bậc cầu thang. Liền đó, tiếng cầu cứu của mụ Nhung bị chìm vào tiếng mõ rơi công cốc thành một mớ âm thanh hỗn tạp nên hàng xóm cũng chỉ biết vợ lão Nam vẫn đang tụng kinh gõ mõ.

Kim Uyên

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm