TIN TỨC

Tình yêu văn chương trong gia đình họ Nguyễn

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-10-09 09:44:18
mail facebook google pos stwis
429 lượt xem

Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn, Nguyễn Thúy Quỳnh – ba con người, ba tiếng nói, góc nhìn, quan điểm sống và sáng tác khác nhau. Mỗi người tự tạo lập cho mình một vị trí, chỗ đứng riêng trong làng văn chương Thái Nguyên. Song ở họ, ngoài mối quan hệ tình thân còn có một điểm chung – ấy là ý thức trách nhiệm với văn chương, với từng con chữ của mình.

Nguyễn Thưởng: đau đáu với văn chương
Tôi đến gặp nhà văn Nguyễn Thưởng (sinh năm 1934) vào một ngày cuối đông. Ông lụ xụ trong nhiều lớp áo dày, tóc bạc phơ, vầng trán lộ rõ vết lõm của lần đại phẫu thập tử nhất sinh hồi 2018. Ông nói mình đã quên nhiều, trò chuyện cũng khó khăn, thế nhưng khi được gợi hỏi về văn chương, ông vẫn chậm rãi, rành rọt kể tôi nghe, cứ như đó là những ký ức đã hằn sâu trong trí não ông, chỉ cần chạm nhẹ là lại bật ra.

 

Nhà văn Nguyễn Thưởng

Ông đến với văn chương hơi muộn, mãi lúc nghỉ hưu, “rời tay súng, tay búa” ông mới có thời gian dành trọn cho nghiệp viết. Tính đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ, gần 50 truyện ngắn, nhiều vở kịch nói, và xuất bản 2 tập thơ (Trăng vuông (2007), Hoài niệm (2014)), 3 tập truyện ngắn (Nợ nghĩa (2007), Chị Soan (2011), Khoảng trống (2012)); có 2 vở kịch nói đạt giải cao (Ké Dìn – giải A, Bộ Điện và Than 1977; Bầu ai? – giải B, TP. Thái Nguyên 2011)…
Trong số những sáng tác của mình, Chị Soan là truyện ngắn “đặc biệt” đối với ông. Nhớ lại nạn đói năm 1945, gia đình chị Soan thất tán chẳng còn ai, mẹ ông đón chị về nuôi với mong muốn sau này chị lớn sẽ gả cho ông. Khi ấy ông mới hơn 10 tuổi, còn trẻ con, vô tâm chẳng biết gì. Chị Soan lớn hơn ông 3 tuổi, vừa xinh đẹp lại chăm chỉ, nết na. Vì ông còn nhỏ, chẳng hiểu chuyện, thấy mẹ bảo hứa gả chị cho mình thì sinh ra xấu hổ, ghét bỏ chị, không ít lần đòi đuổi chị đi. Rồi mẹ ông mất, chiến tranh loạn lạc, chị Soan lần nữa thất tán với gia đình. Sau này, ông cũng muốn tìm chị mà không tìm được.
Đau đáu với câu chuyện của chính mình, ông viết truyện ngắn Chị Soan, với hình ảnh một người phụ nữ nết na, xinh đẹp, mỏi mòn chờ đợi “người chồng” được sắp đặt ngẫu nhiên từ hai bà mẹ quá cố trong nạn đói 1945. Ở Chị Soan ngời sáng lên đức hy sinh, lòng chung thủy của những người phụ nữ Việt Nam xưa, như những vần thơ đầy xót xa mà ông đã viết: Đợi chờ mãi chốn đâu đâu?/ Dầm mưa dãi nắng bạc mầu hồng nhan/ Ngước lên trăng khuyết, trăng tròn/ Chờ qua bao đỉnh hoàng hôn vẫn chờ (Khi Tô Thị chưa hóa đá).
Tôi hỏi ông về duyên nợ văn chương, ông bảo: Trong khi người ta trăn trở với công việc làm ăn thì mình lại đi đau đáu với văn chương, chữ nghĩa. Lúc nào cũng nghĩ về thơ văn; nhiều đêm không ngủ cứ nằm nghiền ngẫm những đề tài, cảm xúc xem có viết được câu thơ, truyện ngắn nào không. Trong văn xuôi, ông thường viết bằng sự chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình và những người xung quanh, nên đậm nét gần gũi, giản dị đời thường mà hồn hậu, bao dung. Và trong thơ ông toát lên vẻ hiền lành, trầm lắng, không hào nhoáng, bóng bẩy mà sâu sắc: Con về nhà chồng mẹ độn sắn khoai/ Cái tép ngọn rau cũng qua một bữa/ Cất bát gạo thơm gửi thương gửi nhớ/ Chút của hồi môn mẹ ngóng con về (Của hồi môn); Người anh dày vết sẹo chiến trường/ Vết nhỏ, vết to, sẹo chồng lên sẹo/ […] / Vết chìm trong giấc ngủ/ Lặng lẽ như bom hẹn giờ/ […] / Đồng đội khuất rồi – sẹo là những hố bom (Vết màu ký ức)… Đúng như Lời giới thiệu của Nhà xuất bản trong tập thơ Hoài niệm của ông: “Đọc thơ ông chúng ta rất dễ hình dung ra một con người có vẻ ngoài khắc khổ, giấu thật sâu trái tim đa cảm của mình, ngồi lặng lẽ bên bờ sông cuộc đời âm thầm dùng hai bàn tay chai sạn vốc lên những giọt buồn vui của kiếp người, trong đó có những giọt thơ của riêng ông – giọt buồn nhiều, giọt buồn vui lẫn lộn cũng nhiều, chỉ có giọt vui thì ít!”.

Nguyễn Văn: thường trực sự phản biện
Khi được tôi đặt vấn đề sẽ viết về mình, nhà văn Nguyễn Văn (sinh năm 1937, tên thật là Nguyễn Văn Thởn) bảo: Thôi bác từ chối. Viết về bác, trước Lê Đình đã viết rồi. Nguyễn Văn là một người như vậy, không ưa ồn ào, lại sống có nguyên tắc. Không thể trò chuyện để hiểu thêm, viết thêm về ông, tôi đành lần lại bài viết của tác giả Lê Đình. Đó là bài phỏng vấn “Nhà văn Nguyễn Văn: Tôi là người luôn phản biện” đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên số 23 (808), ra ngày 7/6/2016.

 

Nhà văn Nguyễn Văn

Ngay từ phần đầu, Lê Đình đã cảm nhận về ông: “Chắt chiu từng con chữ như chắt lọc những tinh hoa của đời sống, ở tuổi tám mươi, ông vẫn tinh anh, lặng lẽ và cẩn trọng khi bóc tách, phân tích và “mổ xẻ” các vấn đề xã hội đầy biến động trong những trang văn mình, viết như thân tằm rút ruột nhả tơ…”. Quả thực, cũng giống như anh trai Nguyễn Thưởng, ông đến với văn chương hơi muộn, 54 tuổi ông mới bắt đầu viết văn, song đã có được những “quả ngọt” ngay từ bước đầu đến với văn chương, như chia sẻ của ông trong bài: “Ấn tượng nhất là lần đầu tôi viết 2 truyện ngắn, tham gia cuộc thi sáng tác do Hội Văn học – Nghệ thuật và Sở Văn hóa Thông tin Bắc Thái tổ chức (1992); 2 truyện này đã đoạt giải Nhất, Nhì. Sau đó tôi có thêm một số tác phẩm viết về đề tài miền núi được đăng trên tuần báo Văn nghệ trung ương và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1994, tôi lại đoạt giải Nhì về ký khi tham gia Cuộc thi do Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tổ chức. Với những “quả ngọt” bước đầu khi đến với nghiệp viết đã cho tôi sự tự tin để dấn thân trên cánh đồng chữ nghĩa”.
Đến nay ông đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: Giá như trút được bụi trần và Người ngày xưa (2007); tập ký Thái Nguyên mình sẽ giàu (2009); tiểu thuyết Danh gia đất mỏ (2015), và sắp tới là tiểu thuyết Lộ diện.
Gần 30 năm làm công tác Công đoàn, 10 năm làm công tác Thanh tra, đã cho ông nhiều trải nghiệm và vốn sống để trở thành vốn liếng văn chương của riêng mình. Chia sẻ về quan điểm sáng tác, ông bảo: “Trong sáng tác, tôi quen theo phương pháp hiện thực, nhưng không phải là hiện thực phê phán, mà luôn có lối thoát cho nhân vật của mình. Tuy vậy, tôi cũng nhận ra đôi khi còn câu nệ vào hiện thực, kể cả khi hư cấu, đôi lúc cũng muốn nó phải giống với đời thật. Có lẽ vì vậy mà ảnh hưởng đến tính nghệ thuật của tác phẩm. Trong những người viết ở Thái Nguyên, tôi là người hay đụng vào những chuyện gai góc nhất”.
Tác giả Lê Đình trong bài phỏng vấn đã nói: “Thực sự tôi vô cùng ngưỡng mộ ở ông tinh thần sáng tạo, sự đào sâu tìm tòi từ hiện thực đời sống. Có cảm giác như từng câu từng chữ ông viết ra mang đầy những suy tưởng và trách nhiệm với ngòi bút đến tột cùng…”, ông điềm đạm trả lời: “Tôi kiêng viết trùng lặp và giảm tối đa những từ vô nghĩa; cố gắng cho văn minh hình ảnh và sinh động ở mức cao nhất. Tôi là con người luôn phản biện. Với các hiện tượng xã hội, tôi thường hay phân tích, bày tỏ thái độ luôn với nó, nên có cả được lòng và mất lòng. Trên trang viết cũng thế, tôi đào sâu những góc khuất, thường trực sự phản biện, lật ngược lật xuôi vấn đề. Tôi từng viết báo nên trong văn cũng phảng phất giọng điệu báo chí. Nhưng dù viết báo hay văn thì cũng muốn dùng nó làm một kênh để góp tiếng nói của mình trước những vấn đề mà bản thân, cộng đồng quan tâm”.

Nguyễn Thúy Quỳnh: đi về miền ánh sáng
Khác với cha Nguyễn Thưởng và chú ruột Nguyễn Văn, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (sinh năm 1968) lại bén duyên với văn chương từ nhỏ, 19 tuổi chị đã là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ngay từ ngày đầu Hội thành lập (1987).

 

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Thế nhưng, chị chia sẻ: “Ra trường, làm giáo viên rồi về Tỉnh đoàn, suốt thời gian đó mình hoạt động văn chương rất cầm chừng, với tâm thế kẻ đi bên lề thôi”. Đến năm 1998, chị bất ngờ được giải đồng hạng Cuộc thi “Tác phẩm Tuổi xanh” của Báo Tiền phong – một giải thưởng văn chương danh giá đối với người trẻ thời bấy giờ. Cũng trong năm đó, chị được đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc do Hội tỉnh cử đi. Hai sự kiện như một cú hích, khiến chị suy nghĩ về văn chương nghiêm túc hơn, ý thức sáng tác và tính tự giác cao dần lên so với trước đó hoàn toàn là tự phát, do bản năng và theo cảm hứng. Chị bắt đầu viết nhiều hơn, nhưng viết xong thường để đấy. Mãi đến năm 2002, chị mới ra tập thơ đầu tiên Giá mà em từ chối. Và năm sau, 2003, từ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh chị chuyển về Hội, làm Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Từ đây, chị được sống trong môi trường văn chương, nguồn thông tin, bài vở đến hàng ngày, được gặp gỡ, giao tiếp với nhiều văn nghệ sĩ, để rồi như một sự tự nhiên, việc đọc và viết trở thành nhu cầu. Chị tâm sự: “Lúc đấy mới thấy bản thân thực sự có trách nhiệm với văn chương nghệ thuật. Và mình được “chín” dần lên, góc nhìn cũng thay đổi, nó mở ra và cao hơn. Từ những sáng tác với những vấn đề cá nhân trong gia đình, trong các mối quan hệ gần gũi đã bước ra ngoài đời sống, cái tôi của mình cộng với trách nhiệm xã hội, từ các quan niệm nhân sinh đến ý thức về bản thể trong sáng tạo nghệ thuật”.
Sau tập thơ đầu tiên Giá mà em từ chối, Nguyễn Thúy Quỳnh xuất bản thêm 3 tập thơ: Mưa mùa đông (2004), Những tích tắc quanh tôi (2011) và Hai phía phù sinh (2018). Đọc những sáng tác của chị, thấy dường như tất cả đều xuất phát từ sự trân trọng cuộc sống, trân trọng thế giới xung quanh: Số phận trớ trêu bắt em chào đời trên bức tường xám của bảo tàng/ […] / chỉ một cơn nắng hạ đầu mùa/ cũng đủ làm em héo tàn và ra đi vĩnh viễn/ […] /Bên kia bức tường/ Những hiện vật kéo dài cuộc đời đã chết của mình trong tủ kính/ Năm này qua năm khác/ Bên này/ Một sinh linh bé xíu/ Thản nhiên bám rễ mà xanh/ An lạc trong từng giây sống (Với một em – bé – cây); Dặt dẹo đời cây trong nhà/ Sống không ra hồn, chết không ra vía/ Nhưng sinh ra đã là cây/ Không thể dầm chân trong bóng tối/ Ngày ngày gắng gỏi vươn tìm ánh sáng/ Chắt chiu những tia nắng ngoài kia/ Tô xanh mướt tinh khôi từng nõn lá/ Bất chấp sự cắt tỉa cho vừa khuôn phép/ Bất chấp cánh cửa kia một ngày bị khép/ Vì những bông hoa/ chỉ rực rỡ dưới mặt trời (Về chậu hoa giấy ở hành lang)…
Chị chia sẻ: “Nếu mình nhìn thế giới một cách bi lụy thì như cái cây mọc trên bức tường, chỉ cần một cơn nắng đi qua nó sẽ chết, nhưng nhìn ở góc độ tích cực mình sẽ thấy dù một phút giây nó vẫn đang rực rỡ, vẫn gắng gỏi để xanh. Hay như chậu hoa giấy ngoài hành lang, dẫu sống trong cảnh đất cằn, thiếu nắng gió, nó vẫn cố vươn ra ngoài để tìm ánh sáng, để được xanh và nở hoa. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy nó như bị giam cầm thì mình sẽ không thấy được nỗ lực của nó, không thấy được khát vọng tự do của nó. Vấn đề là mình đặt điểm nhìn ở đâu. Có thể nhìn thấy cả một quãng đời, nhưng mình chọn khoảnh khắc giá trị nhất”.
Nhưng không phải lúc nào Nguyễn Thúy Quỳnh cũng chỉ nhìn thấy những điều tích cực. Có những lúc chị nhìn thấy thế giới thật đen tối: Tôi nhìn thấy/ thiên thần rũ rượi/ lê đôi cánh Niềm Tin gãy gục/ trên mặt đất nhọ nhem (Tôi nhìn thấy). Và chị không từ chối những khoảnh khắc đó, dẫu có lúc chị rất đau khi những người bảo vệ lẽ phải bị vùi dập, sự thật bị che khuất, nhưng dường như chị luôn tìm cách thoát ra, chỉ cho phép mình nhận diện để đi tiếp chứ không đánh đắm mình ở đấy.
Tư duy về các quy luật vận động và phát triển của thế giới chi phối quá trình sáng tác của Nguyễn Thúy Quỳnh. Khi nhìn ra quy luật, chị chọn cách ứng xử với đời sống, với các sự vật, hiện tượng mà mình gặp và đặt chúng vào tác phẩm một cách thấu đáo. Cuộc sống là sự đấu tranh giữa thiện – ác, sáng – tối, đẹp – xấu, nhìn ra được những xung đột, mâu thuẫn, đấu tranh ấy, chị lựa chọn cái đích cần đến: qua cánh đồng, dòng sông, những cơn dông/ qua thăm thẳm bóng đêm/ về miền Ánh Sáng (Biên bản buổi chiều chưa đặt tên). Đây chính là quan niệm của chị về sứ mệnh của những người văn nghệ sĩ: họ phải đi qua rất nhiều thử thách, gánh trên vai trách nhiệm xã hội, và cho dù thế nào thì vẫn phải đi, đi về phía ánh sáng!
***
Có thể thấy Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn và Nguyễn Thúy Quỳnh – ba con người, ba tiếng nói, góc nhìn, quan điểm sống và sáng tác khác nhau. Mỗi người tự tạo lập con đường văn chương của riêng mình, song Nguyễn Thúy Quỳnh chia sẻ: “Ba tôi luôn luôn tìm cái mới trong cuộc sống, và trong văn chương ba cũng luôn đặt sự sáng tạo lên trên hết. Tôi chịu ảnh hưởng tinh thần đó của ba. Tôi cũng học được sự nghiêm ngắn, cẩn trọng của chú trong cách ứng xử với chữ nghĩa”. Và Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn có lẽ cũng vậy. Họ dường như ít nhiều cùng chịu ảnh hưởng từ người cha Nguyễn Văn Thoại của mình. Ông cụ được mệnh danh là nhà thơ dân gian của làng Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng – Nam Định) – một thầy pháp “bụng bồ chữ”, góa vợ từ năm 37 tuổi, một thân một mình gà trống nuôi con: Một bên thùng dầu, một bên bồ muối/ Thân gầy buốt gối, đòn gánh vai oằn/ Một nỗi cơ hàn, ngàn cân cơ cực/ […] / Trời cao đất thấp, ngoảnh mặt làm ngơ/ Chỉ có lòng cha khóc thầm đêm lặng (Hồi ức Bình Chai – Nguyễn Thưởng).

Bích Hồng/VNTN

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Tôi đọc một mạch cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xong mà cứ bâng khuâng mãi. Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Xem thêm
Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng
Bài viết của nhà thơ Lê Thành Nghị
Xem thêm
Ký ức một thời trận mạc của chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, sinh năm 1918, nguyên Đội trưởng đội du kích Hòa An - Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc.
Xem thêm
Nhà văn Lương Sỹ Cầm: Như dòng sông lặng lẽ trôi
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sinh ngày 15.01.1929 tại Hà Tĩnh, hiện là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đời vào lúc 13h ngày 28.8.2023 tại Hà Nội hưởng thọ 96 tuổi. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ông đã sống, đã sáng tạo gần một thế kỷ trên cõi đời này như không hề biết mệt mỏi. Mới cách đây 5 năm, khi ở tuổi 90, ông vẫn cho ra mắt tiểu thuyết Đèn kéo quân và được trao Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng”. Tưởng nhớ nhà văn lão thành Lương Sỹ Cầm, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Hùng về ông.
Xem thêm
Từ Kế Tường đánh thức thời hoa mộng
Từ Kế Tường, tên khai sinh là Võ Tấn Tước, quê gốc ở Bình Đại – Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi tác giả đã là thư ký tòa soạn tờ Tuổi Ngọc, tờ báo dành cho thiếu nhi. Năm 1969, Huyền xưa, tiểu thuyết đầu tay của ông, được in nhiều kỳ trên báo, sau đó mới in sách, lần đầu khoảng 150.000 bản.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần cuối)
Là một trong những hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam,
Xem thêm
Phạm Vân Anh - Gót sen nở thắm biên thùy
Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.
Xem thêm
Nhạc sĩ Xuân Oanh - nhà ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ
Xuân Oanh (1923-2010) là tác giả của bài ca “Mười chín tháng Tám”
Xem thêm
Nhà thơ Vân Long và những người văn Thăng Long
Nhà thơ Vân Long làm việc ở báo Độc Lập, sau này anh về NXB Hội Nhà văn, phụ trách phần thơ.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 3)
Bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ luôn dành cho Xuân Oanh danh xưng Nhà Ngoại giao Nhân dân
Xem thêm
Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương, đôi bạn thơ và vùng hoài niệm
Bài viết của Ngô Đức Hành về đôi bạn Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương
Xem thêm
Mối tình vì hòa bình
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.
Xem thêm
Văn Cao: Từ “Buồn tàn thu” tới mùa thu Cách mạng
 Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), một chương trình nghệ thuật đặc biệt Đàn chim Việt sẽ được tổ chức để tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn. Chương trình diễn ra lúc 20 giờ ngày 20.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến – Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc – Hội nhạc sĩ Việt Nam về nhạc sĩ Văn Cao.
Xem thêm
Đỗ Xuân Oanh - một cuộc đời, một nhân cách
Phim tư liệu giới thiệu nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Đa tầng hiện thực và cách tân tiểu thuyết
Lần gần nhất tôi gặp nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi anh tham gia cùng đoàn công tác của Trung ương tham dự hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo tổ chức tại Quảng Nam ngày 4.7.
Xem thêm
Nhà văn, nhà viết kịch Minh Khoa với những “hào kiệt phương nam”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP.HCM số 85, ngày 3/8/2023
Xem thêm