TIN TỨC

Tùy bút của Tạ Ngọc Điệp: Tôi thuộc về rừng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
584 lượt xem

Những ngày gần đây, Tây Nguyên quê tôi được nhắc đến nhiều lần, ở nhiều nơi. Tây Nguyên hoang hoải, lặng lẽ nhưng khiến người ta và lo nghĩ nhiều khi cảm thấy thuộc về, và tôi cứ nghĩ, nghĩ mãi về Tây Nguyên như duyên, như nợ.

Cách đây một tuần, chị bạn tôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hẹn tôi một chuyến ở Gia Lai. Chị muốn đến rừng, đến một làng sát rừng để có thể hiểu thêm một chút về miền đầy nắng và gió. Tôi chọn làng Đê Kơ Giêng ở xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai để chào đón chị, một nhà văn xuất sắc của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Tôi chạy vào làng, gần nhà mẹ tôi ở phía rừng Quốc gia Kông Kah King, nơi có ngôi nhà rông (theo tôi) là đẹp nhất Tây Nguyên mà tôi từng thấy. Có mái tranh, có vườn gỗ quý của làng nằm rải rác trong vườn rừng. Làng nằm cheo leo bên đỉnh núi nơi có những sợi khói bay lờ lờ hòa lẫn với mây lập là trên đỉnh núi, từ sợi khói ấy dưới tán của những cây cổ thụ phía rừng già tôi đã viết nên truyện ngắn “Hơi ấm” cách đây không lâu.

Mảnh đất Tây Nguyên thấm đẫm chất sử thi.

Là một người sống ở Tây Nguyên rồi may mắn được vùng đất ươm cho những ý tưởng, con chữ và cho tôi xúc cảm để tôi có thể hành nghề tay trái viết lách. Bao lần di trú, rời đi nhưng tôi vẫn dùng dằng mối lương duyên trên nghiệp đường chữ nghĩa để khi cơn mưa đầu mùa đì đùng rào rào đổ về, những đám bụi đỏ thốc phía đàn bò đi ngược vườn cao su trở về, mùa gió chuyển để dã quỳ vàng ươm và cỏ đuôi chồn trổ bông tím rịm. Rồi đó, những trái đồi bát úp tròn xoe lấm tấm màu xanh khi mùa mưa kịp đến. Tôi thường ví mùa mưa của Tây Nguyên như một người đàn bà, mỡ màng, tươi tốt. Cây đang nắng trơ khấc, gặp mưa là mầm trái ủ đâu trong đất bời bời tốt lên. Chất dinh dưỡng ấp ủ đã khiến Tây Nguyên thành vựa cây trái sum suê, mùa tiếp mùa, và rồi dòng người từ nhiều nơi đổ về sống bên cạnh những người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai thuần hậu.

Người làng hiền lắm. Họ sống thành làng. Tôi đã sống với họ suốt hơn ba mươi năm, bạn Chrơn, bạn Khiu của tôi ở làng Kon Brung giờ đã lên chức ông ngoại. Hồi đó, lớp 9 trong cả xã chỉ có 22 đứa thi tốt nghiệp, ở đó có các bạn người Ba Na của tôi. “Học mãi thì cái chữ cũng phải biết chứ, đi học hoài rồi cô giáo cũng thương mình mà cho mình lên lớp, không học thì nay đâu có làm bác sĩ được”. Đó là câu nói của Ní, hiện tại là bác sĩ của làng làm ở Trạm y tế xã hay nói với tôi.

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, người Kinh tốt nghiệp cấp 2 ở một xã ven bìa rừng như xã tôi còn hiếm, huống hồ gì người Ba Na. Cũng có bạn nói, mình học hết lớp 9, ở nhà, đợi xã đến mời đi làm cán bộ miết mà mình không thấy nên mình bắt vợ… nhưng cũng có người chọn đường học tiếp cấp ba như Ní bạn tôi. Ní học tiếp lên trường nội trú tỉnh, về làm gần nhà, chăm sóc, khám chữa bệnh cho bà con.

Gặp tôi, Ní vẫn cười bẽn lẽn, “mày mà làm cô giáo thì chắc giỏi lắm ha, ngày xưa mày chỉ bài cho tao, tao rất dễ hiểu, nếu tao có con, tao lại gửi cho mày. Chỉ có học thôi mày à, đất rẫy rồi cũng hẹp đi, mà người thì đông ra, không có cái chữ thì hướng dẫn uống thuốc cũng không đọc được. Như vậy thì khổ lắm, đi đâu mà không biết chữ thì giống như lạc ở rừng không nhìn thấy mặt trời, người ta nói thì không biết phân biệt giả thật, rồi có khi lại đi lầm đường lạc lối mà làm biến thành người xấu”. Ní hay đùa với tôi…

Câu nói của Ní, đùa nhưng thật. Các trường, các xã vẫn báo cáo về con số phổ cập, xóa mù, nhưng đối với tôi, tôi chưa nhìn thấy việc tự học, thực học ở số đông người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đã thay đổi đáng kể, trường lớp khang trang, thầy cô giáo gắn bản, nhiều người thiểu số trở thành cô giáo làng nhưng con số đó không nhiều so với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số như tỉnh Gia Lai mà tôi đang sống.

Tỷ lệ sinh cũng giảm, chất lượng dân số được cải thiện tính theo các tiêu chí, nhưng dường như sự phát triển của người dân tộc thiểu số vẫn không theo kịp với mặt bằng chung, đặc biệt trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ hiện đại như thời điểm hiện nay khi mà AI, Internet len lỏi về tận từng ngóc ngách của bản làng.

Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra ở huyện Cư Kiun tỉnh Đắk Lắk trong rạng sáng ngày 11/6/2023 đã để lại một bài học đau xót. Tôi không nói về số người bị bắt, người mất, số trẻ thơ mất bố, về cộng đồng bị một phen choáng váng, rớm máu. Bởi vì, sự việc cũng đã xảy ra rồi, đứa trẻ nào rồi cũng đáng thương, sinh mệnh nào cũng là mạng sống, là con người được cha mẹ yêu thương, kỳ vọng, chăm chút, hy vọng. Mà tôi nói về việc nhìn lại sự việc đáng tiếc vừa qua. Kẻ gây tội ác phải bị trừng phạt thích đáng để răn đe và chịu trách nhiệm.

Nguyên nhân thì có nhiều và tôi thiết nghĩ nó có mối liên quan với giáo dục, dân trí, là tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng.

Viết đến đây tôi nhớ đến câu chuyện của mẹ mình, mẹ tôi nói, có hôm, có hai người lạ mặt lảng vảng đến làng, mẹ tôi bèn nhấc máy gọi ngay cho cán bộ xã. Mẹ tôi cũng được cho là “nhiều chuyện” nhưng bà nói, nhân dân phải là tai mắt của cán bộ, bởi lẽ, cán bộ có trăm tai mắt đâu mà khi nào cũng biết chuyện nọ, chuyện kia. Có điều, cán bộ phải làm sao để dân cảm giác được lắng nghe, khi dân tin, dân mới tỏ lòng, Tây Nguyên, nơi tôi được nuôi dưỡng bởi dòng sông Ayun mát ngọt. Tôi đã khóc khi buổi sáng hôm ấy, em trai tôi vơ vội áo đồng phục, không kịp ăn sáng chạy đến cơ quan khi nghe tin dữ. Mẹ tôi có mấy đứa con theo nghề binh nghiệp. Đành rằng phải dặn em mình chú ý, bình an trong nhiệm vụ được giao phó và cần tỉnh táo trước mọi thủ đoạn nhưng cũng không thể đoán trước toàn bộ tình huống xảy ra.

Nhà văn Tạ Ngọc Điệp với người thân

Những ngày này, tôi nghĩ mình cần phải viết gì đó, bởi vì lương tri của người cầm bút mình không thể lặng thinh. Nhưng cũng không biết viết gì, bởi tin tức ngoài kia đã đủ để đau xót và bàng hoàng. Thôi thì đành lặng lẽ, chọn một góc tối, ngồi nhớ lại những phút bình yên, khi những người làng đeo gùi đi phía sau đàn bò lùa lên từ phía giọt nước. Bụi đỏ mịt mùng để ánh mặt trời loang loáng chiếu một màn mờ mờ, bàng bạc. Từ phía nhà sàn, sợi khói vẫn bay lên cuộn với mùi cơm mới của lúa rẫy tuốt về…

Tôi ngửi được tất cả những mùi ấy, cả lúc an yên lẫn khi trở gió đổi trời, bởi tôi thuộc về rừng, về Tây Nguyên, nơi mà tôi đã gắn cả thanh xuân lặng lẽ… Tôi biết, cú sốc này khiến Tây Nguyên nứt nẻ, khô hạn nhưng rồi Tây Nguyên sẽ lành, sẽ nguyên vẹn như những ngày xưa bởi rừng hồi sinh nhanh lắm. Qua một mùa mưa thôi, cái rẫy bỏ hoang năm ngoái dây leo lại đan nhau chằng chịt, phía dưới cây con lại nương bóng nẩy mầm cắm sâu rễ cọc vào lòng đất mẹ…

TẠ NGỌC ĐIỆP

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm