TIN TỨC

Phim về Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-02-25 23:15:20
mail facebook google pos stwis
1454 lượt xem

Sáng nay, 21/2/2023, Hội Nhà TPHCM phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM và gia đình đã tổ chức buổi tọa đàm về cuốn hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" của cố Nhà giáo Nhân dân - Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp". Nhân dịp này, Văn chương TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của nhà văn Trầm Hương cùng bộ phim về Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
 


Phim Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp


Tôi làm phim về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

TRẦM HƯƠNG

Khi thực hiện bộ phim tài liệu về bác sĩ, nhân sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà văn Trần Hữu Nghiệp tôi thực sự lo lắng. Thông thường, nhân vật còn khỏe mạnh, cùng đi, đứng về các vùng đất đã qua, cùng phối hợp thể hiện các cảnh quay, hình ảnh trong phim sẽ sống động hơn. Đằng này, nhân vật trong phim đã ở tuổi 92. Di chứng tai nạn xe cộ làm đôi chân ông bước rất khó khăn, mắt ông đã mờ, tai không còn nghe rõ. Ngay cảnh quay tại tư gia, phu nhân của ông phải thuyết phục mấy ngày, ông mới chịu ngồi bên bàn, viết mấy dòng tâm huyết gửi lại cho con cháu. Đây thực sự là phim “chỉ có mấy tấm hình, mấy bức ảnh”. Tôi thực sự lúng túng. Bởi phẩm chất bác sĩ, nhân sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà văn Trần Hữu Nghiệp hòa quyện trong một con người. Con người ấy là chứng nhân của hơn nửa thế kỷ đất nước đấu tranh giành lấy nền độc lập, với hai lần “chân cứng đá mềm” vượt Trường Sơn có quá nhiều điều để viết, để kể. Trong thời lượng cho phép của bộ phim tài liệu, chúng tôi chỉ có thể ghi lại vài nét khái quát trong cuộc đời mang đậm dấu ấn thời đại của ông.


Trần Hữu Nghiệp thời trai trẻ

 Rất may mắn cho tôi, bởi chân dung Trần Hữu Nghiệp càng lúc càng sáng tỏ trong ký ức của những người cùng thời. Những học trò của “Thầy Nghiệp” sẵn sàng dành vốn thời gian quý hiếm đưa chúng tôi về Bến Tre để đoàn làm phim thực hiện được những hình ảnh đầy cảm động về người thầy khả kính mà trong đáy lòng, họ xem đó như một người cha, một người anh. Tướng Đồng Văn Cống, nguyên chỉ huy trung đoàn 99 ở Bến Tre năm 1947 kể: “Trước khi xuất kích, bộ đội của tôi nghe quân y viện có bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là rất yên tâm”. Tiến sĩ Trần Duy Cương, giám đốc Công ty dược TP.HCM, rất nhiệt tình ngồi trước ống kính kể về người anh, người đồng chí gần gũi của ông.: “Những năm học trung học ở Mỹ Tho, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là thần tượng của chúng tôi. Ông là một hình ảnh của lớp trí thức thành đạt được ngưỡng mộ vào thời ấy. Rồi Cách mạng Tháng tám. Ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, sung túc vào chiến khu. Tôi cũng không ngờ được gặp và cùng làm việc với ông…”. Bà Nguyễn Thụy Vân- nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng kể: “Nhờ học được nghề nữ hộ sinh từ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mà sau này tôi có điều kiện hoạt động tốt trong vùng địch, bằng nghề đở đẻ”.


Tác giả và BS Trần Hữu Nghiệp, năm 199...


Tác giả nghe Tiến sĩ Trần Duy Cương, giám đốc công ty Dược TPHCM kể chuyện về bác “Chín Nghiệp”

Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba dù bề bộn công việc vẫn dành thời gian tổ chức chuyến đi, đưa đoàn làm phim về Bến Tre ghi lại những hình ảnh in dấu một thời của người thầy khả kính. Đó là Ba Tri, quê hương của ông với gốc đa cổ thụ, với cánh đồng mùa khô nứt nẻ, với những cây rơm mục ải. Hào khí nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu với làn gió biển đông lộng thổi vào tâm hồn đã hun đúc nên tài năng và tính cách Trần Hữu Nghiệp. Chúng tôi về Mỏ Cày, thăm lại đình An Thới. Nơi đây, từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1950, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã mở nhiều lớp đào tạo y tá, phục vụ kịp thời tình hình nước sôi lửa bỏng cho kháng chiến. Bia tưởng niệm trường y tế quân dân y đầu tiên do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, huấn luyện y tá, cứu thương đã được dựng nên ngay trước trạm y tế xã An Thới. Nắng sáng chiếu rọi vào bức phù điêu khắc hình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đang chỉ vào trái tim, trước cái nhìn đầy khao khát kiến thức của các học viên. Dưới chân bia tưởng niệm, bác sĩ nhân dân, anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba nhắc lại một kỷ niệm vô cùng cảm động về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: “Năm ấy tôi là một y tá được thầy đào tạo. Thầy đọc nhiều, hiểu rộng, có trí nhớ tốt. Thầy kết hợp chặt chẽ giữ lý luận với thực tiễn, giữa kỹ thuật với y đức nên bài giảng phong phú, sinh động, đôi khi dí dỏm, học viên rất dễ tiếp thu. Nửa đêm, thầy trò  chúng tôi được thông báo có một ca sinh khó. Vậy là đốt đuốc lá dừa, vai choàng túi cứu thương theo chân thầy vượt qua đêm tối, mấy lần suýt ngã trên cây cầu khỉ chênh vênh. Đó là một ca “nhau tiền đạo”. Trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, chúng tôi không khỏi lạnh xương sống khi nghe thầy thông báo trường hợp đặc biệt này. Đưa được đứa bé ra, máu người mẹ tuôn xối xả. Tay thầy giữ chặt động mạch bụng của sản phụ, bình tĩnh  ra lệnh: “Hồng Hoa, máu thầy là máu B. Hãy xem sản phụ máu gì?”. Chúng tôi làm theo lời Thầy. Mắt thầy sáng lên khi được thông báo:“Cùng nhóm máu hả? Được, vậy lấy máu thầy chích thẳng vào tĩnh mạch của sản phụ”. Bằng cách ấy, chúng tôi tiếp máu cho bệnh nhân. Mạch của sản phụ cho đến sáng ổn định trở lại. Thầy trò chúng tôi trải qua một đêm trắng gay go. Vậy mà sáng hôm sau, thầy xuất hiện rất sớm ở lớp học, cất giọng đùa tếu sang sảng: “Đêm qua, thầy trò chúng tôi vừa đỡ được một ca nhau tiền đạo. Từ  rày về sau, chúng ta ra chợ Mỏ Cày tha hồ ăn hủ tiếu mà khỏi phải trả tiền!”. Sự dí dỏm, lạc quan của thầy truyền cho chúng tôi sự tự tin rất lớn. Thầy luôn căn dặn chúng tôi: “Dù bây giờ là kháng chiến nhưng chúng ta phải nghĩ đến cuộc sống trong hòa bình. Bằng mọi cách, chúng ta phải nỗ lực giữ lại chi cho thương binh, để các anh hòa nhập với cuộc sống sau này”. Y đức của thầy tỏa sáng khiến thương binh rất yên tâm khi nằm trên giường mổ của thầy. Tôi không thể quên được một ca mổ đầy ấn tượng. Trong một trận chiến đấu, anh thương binh trẻ bị đạn địch bắn gãy nát chi. Vết thương đã hoại tử, đành phải cưa chi anh trong tình trạng không khể gây mê, cũng không có thuốc tê. Thầy động viên: “Rất đau, anh cố gắng chịu đựng nghen!”. Anh thương binh trẻ đề nghị: “Xin cho tôi vài phút”. Chúng tôi còn đang ngơ ngác thì anh đã cất tiếng hát. Đó là bài “Tiến quân ca”. Gương mặt thầy lặng đi, nước mắt tuôn trào. Dù không nói ra, nhưng tôi biết chính người thương binh ấy đã động viên thầy rất lớn trên con đường của một trí thức đến với Đảng không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió…”. Bác sĩ nhân dân Tạ Thị Chung luôn trăn trở: “Thầy có công lớn trong việc đào tạo hàng ngàn y tá, hộ sinh, cán bộ y tế cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhiều học trò của thầy ngày nay đã được phong hàm giáo sư, bảo vệ luận án tiến sĩ, có người trở thành thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, giữ những trọng trách lớn trong ngành y tế và nhiều lĩnh vực khác nhưng thầy vẫn lặng lẽ trong cương vị công tác khiêm nhường của mình. Đối với chúng tôi, thầy là một nhân cách lớn, một tấm gương để nhìn lại mình”.

Ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời, một con người mang nặng những suy tư của ông có những lúc nhìn lá rơi ngoài song cửa, ngẫm lại những “được”, “mất” cuộc đời. Ông chân thành với chính mình: “Tôi sẽ thành “dân xạo hết chỗ nói”,  nếu lên gân cổ lặp lại ý của Mác: Làm cách mạng, giai cấp vô sản chúng ta không mất gì cả, chỉ mất đi xiềng xích. Bởi lẽ, trước khi đi với cách mạng, tôi không hề làm người vô sản, mà cũng chẳng mang xiềng xích bao giờ”. Đi với con đường cách mạng, ông bỏ lại gia tài, sản nghiệp, bỏ lại hạnh phúc riêng tư phía sau lưng. Nhưng điều ông “được” cũng thật lớn, như lời tâm sự với người bạn học cũ sau mấy mươi năm gặp lại: “Trước đây mình không có Tổ quốc, và trên đầu là thằng Tây.  Bây giờ mình quả thật có nước rồi, đầu không còn đội ai. Trước kia anh chị cũng như tôi, có xe hơi riêng, có bồi bếp. Nhưng chị biết không? Nhìn vào đó khối người ghét mình, còn bây giờ, tôi bảo đảm với chị là không còn ai ghét tôi, sống dễ chịu hơn nhiều chứ!”. Đó là sự chọn lựa của ông, những trí thức sẵn sàng vứt bỏ cuộc sống tiện nghi để đi cùng dân tộc, suốt đời vì dân vì nước. Vậy mà mãi đến năm 1960, dưới cánh rừng miền Đông đầy bom pháo, ông mới được kết nạp Đảng. Nhà thơ Lê Giang nhắc một kỷ niệm rất vui về ông: “Chuyện về chú Chín nhiều lắm nhưng tao nhớ nhất lễ kết nạp Đảng cho ông. Tao chuẫn bị lời thề vào Đảng cho ông đọc nhưng ông gạt đi, nói: “Không cần, tạo tự thề”. Phải chăng khi lấy máu mình tiếp ngay cho sản phụ trong tình huống nguy cấp, ông đã là một người cộng sản được viết hoa đúng nghĩa. Lời thề vào Đảng của ông lặn vào trong từng nhận thức, từng việc ông làm cho bệnh nhân, cho học trò, cho đồng nghiệp...

Bác  sĩ Trần Hữu Nghiệp, Nhà giáo nhân dân, nhà văn? Ba con người ấy trộn lẫn, hòa quyện nhuần nhuyễn trong ông. Có người hỏi ông: “Trong ba con người ấy, ông thích con người nào hơn?”. Ông không trả lời ngay câu hỏi mà mượn lời của đại văn hào A.P Sê-khốp, đồng thời cũng là một bác sĩ tài năng: “Tôi có hai người yêu cùng một lúc: bà vợ chính là nghề trị bịnh, cô thứ hai là sự nghiệp văn chương. Tôi yêu hai người như đam mê hai sở thích khó mà nói yêu ai nhiều hơn ai”. Nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng đọc những trang viết của ông trong kháng chiến chống Pháp đều có chung lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Ông viết văn vì không muốn chỉ chữa  bệnh cho nhân dân bằng những kiến thức y học, mà còn mong muốn chỉ ra những căn bệnh từ tâm hồn. Với bút hiệu Hằng Ngôn, gồm 20 bài ghi chép những điều tai nghe, mắt thấy về uy tín của lãnh tụ và mối quan hệ gắn bó giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân trong chuyến đi từ Nam ra Bắc-và từ Bắc vào Nam. Năm 1946-1947, ông đã cho ra đời tập ký “Hồ Chủ Tịch trong lòng dân tộc”. Ngoài những tập sách truyền bá kiến thức y học, ông còn viết “Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài”; “Lịch sử phụ nữ ngành Y Tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”… Ông từng trải và độ lượng để nhìn lại đời mình và những người thân quanh ông trong tập “Thời gian trong mắt tôi”…

Chỉ với tư duy và sự nhạy cảm của một nhà văn, ông mới có được sự “ám ảnh” về ngọn lửa trên những nấm mồ của Gớt trong một lần đóng vai trò bác sĩ bảo vệ sức khỏe cho bác Bác Tôn  tham quan nước Đức: “… Về sau, trong đời làm thầy thuốc ở rừng, tôi không muốn cho những tấm lòng cao cả vì dân vì nước, những đại trí thức của thời đại Bác hồ và Bác Tôn, vĩnh biệt chúng ta trong bóng tối. Đêm 7.11.1968, người bộ trưởng kính mến của chúng tôi, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vừa trở về Nam bộ ba tháng trước đó để nắm tình hình y tế sau tết Mậu Thân, đã hấp hối trong một túp lều giữa rừng dày của huyện Tân Biên sau một cơn bệnh cực kỳ hiểm nghèo. Nếu hồi ký này được các em y sĩ, y tá ở buổi trực đêm ấy đọc, thì xem đây là lời tôi cám ơn các em đã ngoan ngoãn chạy tìm tập trung tất cả đèn bão lại, đốt làm sáng lên cả một góc rừng mà chẳng thắc mắc tìm hỏi lý do, bởi nếu máy bay Mỹ đến thình lình, làm sau tắt kịp. Do tìm ánh sáng cho đất nước, cho đồng bào mà các anh đã lìa bỏ gia đình ở thành và cảnh giàu sang. Không có ai là người thân vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tôi muốn tiễn các anh ra đi trong ánh sáng, như Gớt đã đòi hỏi ngày xưa”.

Ông viết văn để chữa bệnh thể xác, chữa bệnh tâm hồn, để chính ông và mọi người chân thành hơn, sống tốt hơn. Những trang viết của ông rừng rực ngọn lửa nhiệt tình, thể như ông dùng lửa trái tim mình thắp lên ánh sáng để xua đi sự quên lãng. Với ông quên lãng quá khứ là có tội. Tôi hiểu nỗi thao thức ấy của ông, khi đến nhà, nhờ vợ ông- bác sĩ Ngọc Lê tìm những bức ảnh chân dung để ghi hình. Trong những tập hồ sơ, tôi bất chợt nhìn thấy những trang viết còn dang dỡ của ông. Tai nạn giao thông khiến đôi chân ông không thể bình phục. Cộng với tuổi tác, vết thương khiến ông không những xê dịch rất khó khăn mà còn làm ông phải chịu đựng những cơn đau mãn tính. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc tận tình của phu nhân, ông cầm cự vết thương cho đến giờ, mỗi ngày vẫn đọc báo đều đặn, vẫn rất thích xem phim truyện và thỉnh thoảng cùng vợ bình luận vài điều. Sau mối hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, cuộc sống đền bù cho ông niềm hạnh phúc có được người phụ nữ hiểu và yêu thương ông. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Lê, làng Tân Hào, Ba Tri dần dần nhận ra những phẩm chất tốt đẹp từ người chồng sống hết mình cho công việc. Trời nắng, hành quân qua giồng cát cháy bỏng, đôi chân ông là điểm tựa cho bà. Đi qua cánh đồng “đỉa lội lềnh như bánh canh”, ông ôm vợ vác trên vai. Tình chồng vợ, tình đồng chí đã dìu nhau đi qua những thăng trầm của đời người. Với nghị lực phi thường, từ một thư ký, y tá, bà tốt nghiệp bác sĩ, vượt Trường Sơn để có mặt cùng chồng, phục vụ trong một bệnh viện giữa cánh rừng miền Đông đầy bom đạn ác liệt. Ông có một gia đình hoàn hão, hạnh phúc, con cái thành đạt. Cũng chính vì thế ít ai nghĩ trong đời riêng, ông từng phải nuốt lại nỗi đau riêng của mình. Tuy nhiên, sự chọn lựa của ông cũng đầy giằng xé, trăn trở. Vì hoàn cảnh riêng tư, người vợ đầu của ông- con gái duy nhứt của một điền chủ giàu có ở Bến Tre, mẹ của ba đứa con thơ không thể đi cùng chồng vào chiến khu. Rồi sự o ép của giặc, sự yếu đuối của cánh hoa trong  bảo táp, một lần nữa bức lìa mối hôn nhân đầu tiên của ông. Khi về Bến Tre, tôi không ngờ có những đồng nghiệp, học trò vẫn còn nhớ bài thơ “Nhớ  con” xé lòng của “Thầy Nghiệp:

Ba nhờ con lắm con ơi!

Đêm đông tiếng khóc của con ai

Như xé lòng ba, bước lạc loài

Giọng trẻ dịu dần trong gió lạnh

Lòng ba buồn mãi bao giờ nguôi!

Nỗi đau riêng tư khôn nguôi, và có thể, ông sẽ mang theo niềm đau ấy xuống đáy mồ nhưng những đóng góp của người thầy thuốc nhân dân, bác sĩ, nhà văn Trần Hữu Nghiệp cho cuộc đời thật đáng trân trọng. Tôi vô cùng quý ông vì sức đọc, sức viết. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi biết ông đọc và theo dõi thường xuyên bài viết của tôi. Vẫn với giọng dí dõm, ông đùa: “Đóng thuế thu nhập chưa?”. Ngày nay, khi nhận nhuận bút các báo, trên một triệu đồng phải đóng thuế thu nhập, tôi chợt nhớ câu đùa của ông mà thầm thán phục “Ông già Bến Tre” rất trí tuệ. Mới đó mà đã hơn 10 năm, Đại hội Hội nhà văn năm nay ông không thể đến được nhưng bút tích của ông động viên tôi phải dũng cảm để đi tiếp chặng đường văn chương dài dằng dặc, hun hút vẫn còn in đậm trong quyển sổ ghi chép. Những dòng chữ run run, nghệch ngoạc của ông hiện ra như lời nhắc nhở và chạnh lòng biết bao, tiếc nuối biết bao, nếu như sức khỏe còn cho phép, thế hệ chúng tôi có thêm những tác phẩm viết ra từ ngòi bút rất trí tuệ, uyên bác của một nhà văn-bác sĩ.


Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp và vợ


Từ trái sang: AHLĐ Đoàn Thuý Ba, Trung tướng Đồng Văn Cống, bác sĩ Trần Văn Lễ, thầy thuốc Nhân dân tạ Thị Chung kể chuyện “bác Chín Nghiệp”.



P/s: Phim tài liệu “Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp” tôi thực hiện cách nay đã hơn 20 năm, lúc tóc còn xanh giờ đã điểm bạc. Nhiều nhân chứng trong phim như Trung tướng Đồng Văn Cống, nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Dược sĩ Nguyễn Duy Cương, bác sĩ Ngọc Lê, Anh hùng lao động, bác sĩ Đoàn Thuý Ba… đã ra đi. Nhưng dường như còn nguyên vẹn đó, tấm lòng những người cùng thời, đồng nghiệp, người thân, học trò… dành cho người bác sĩ tài hoa đã tận tâm, tận lực dành cho đất nước. Văn chương và y đức đã giữ ông lại với cuộc đời này, truyền dẫn những tinh hoa, giá trị cuộc đời cho thế hệ con cháu”.
 


Ảnh chụp tại buổi Tọa đàm về hồi ký Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, sáng 21/2/2023.

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm
Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa – tư tưởng Phan Khôi
Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887-1959).
Xem thêm
Tác giả Phùng Hiệu: Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhà báo Phùng Hiệu đã chia sẻ những chiến lược và phương pháp độc đáo giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc viết báo và sáng tác sách.
Xem thêm
Nơi sâu thẳm trái tim vị tướng
Bài viết của Trung tướng, PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng
Xem thêm