TIN TỨC

Trái tim còn đập ngoài hoang dã

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-15 16:56:54
mail facebook google pos stwis
1222 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Gần 20 năm, sau những tập phê bình văn học nảy lửa, nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới có dịp tái ngộ công chúng thi ca bằng một tuyển tập dày 500 trang, do nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.

Mức độ nổi tiếng của nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì không cần phải bàn cãi. Ông tung tẩy ở nhiều thể loại thơ với những thành tựu không thể phủ nhận về lục bát hoặc tứ tuyệt. Riêng thể loại trường ca, nhà thơ Trần Mạnh Hảo rất được yêu mến qua “Mặt trời trong lòng đất” (1981) “Ba cặp núi đôi và một hòn núi lẻ” (1986) và “Đất nước hình tia chớp” (1994).

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là một cá tính văn chương. Sự ngạo nghễ có chút cắc cớ “Sao cha mẹ đặt tên con là Hảo/ Đất nước mình người tốt trốn vào đâu” cũng khiến ông vướng mắc không ít hệ lụy và thị phi. Thế nhưng, vượt qua tất cả, Trần Mạnh Hảo vẫn có thể vãn hồi tình cảm của đám đông bằng chính tài thơ của mình.

Những bài thơ đầu tiên viết từ năm 17 tuổi, đã chứng minh Trần Mạnh Hảo có thiên bẩm thi sĩ: “Khi vui mười ngón chia đều/ Hai bàn tay vỗ lên nhiều bài ca/ Lạ lùng quá bàn tay ta/ Nắm vào là đất, mở ra là trời”. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Trần Mạnh Hảo vẫn viết không ngừng. Vì vậy, tuyển thơ Trần Mạnh Hảo chỉ 500 trang cũng đã phải đắn đo và gạn lọc rất nhiều. Bởi lẽ, chỉ cần in lại tất cả những tập thơ trước đây của ông cũng đã thành một tuyển tập ngàn trang.

Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, do hai nhà thơ Lê Minh Quốc và Trương Nam Hương xung phong chăm chút morat, hầu như không có bố cục gì. Bài thơ viết cách đây 55 năm được in lẫn với những bài thơ mới viết trong đợt ứng phó Covid-19. Tác giả cố tình sắp xếp như vậy chăng? Có thể, bởi nhà thơ Trần Mạnh Hảo thừa tự tin để biết rằng độc giả của mình thì họ thưởng thức từng bài thơ một cách ngẫu hứng mà vẫn giữ nguyên cảm xúc hâm mộ dạt dào.

Cả đời thơ Trần Mạnh Hảo gói ghém trong một tuyển tập, thì không thể đọc nhanh và đọc vội. Tuy nhiên, đọc chậm sẽ nhận ra chân dung Trần Mạnh Hảo khá rõ ràng. Thi ca có cái kỳ diệu ấy. Nếu đã là nhà thơ đích thực, dù viết đề tài gì hay phản ánh góc độ nào thì cuộc đời và cốt cách của tác giả vẫn không cách nào che giấu được.

Có thể dùng ba đoạn thơ khác nhau để hiểu quan hệ của Trần Mạnh Hảo với mẫu thân, từ lúc ông chào đời “Đêm chiến tranh mẹ sinh con trong tiếng gầm đại bác/ Sông Hồng đau đẻ quặn phù sa/ Sông Đáy bị tiếng súng trường xé rách/ Chợt lặng im trăng nõn mọc sau nhà” đến khi ông vào bộ đội “Mẹ ở lại với mái nhà giột nóc/ Ếch tháng ba kêu xót ruột người già/ Mẹ khóc, mùi hoa xoan cũng khóc/ Đêm đen từ tro bếp lạnh đen ra”, và khi ông mồ côi “Con không bằng một vạt cỏ tươi/ Cỏ làm chăn đắp ấm mộ Người/ Mẹ nuôi con, chưa từng nuôi cỏ/ Báo hiếu mẹ giờ chỉ cỏ thôi”.

Năng lực sáng tạo tiêu biểu nhất của nhà thơ là khả năng sử dụng hình ảnh. Trần Mạnh Hảo rất giàu hình ảnh và không ngần ngại tung tẩy hình ảnh trên hành trình sáng tạo, từ không gian thân thuộc “Đêm tôi học Sử trong nhà/ Nghe sóng sông Hồng như tay lật sách” đến dặm dài trải nghiệm “Hoa súng nở ngoài ao bí mật/ Tôi tập đi theo cô Tấm cô Kiều/ Tôi được vịn vào câu ca dao lấm đất/ Tổ quốc là một chỗ hẹn người yêu”.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo được xếp vào thế hệ chống Mỹ cứu nước. Ngay từ giai đoạn chiến đấu ở miền Đông Nam bộ, Trần Mạnh Hảo đã có những câu thơ bay bổng như “Ai xui tiếng chim gù/ Kéo trời lên xanh thẳm”. Thế nhưng, bom đạn tàn khốc đã khiến ông xót xa “Anh thương em, anh thương đồng đội/ Suốt một thời mưa giội nắng nung/ Đêm ngủ đất, cánh tay làm chiếc gối/ Bắt con cua đỡ đói lửa đêm rừng/ Khi ngã xuống chẳng một lời trăn trối/ Giấu tên mình vào với vạn tên chung”. Và những ký ức một thời áo lính theo ông đến tuổi già, ám ảnh: “Đồng đội ngả thành gốc cây ụ mối/ Trong đất còn mơ sống cuộc đời thường/ Tình yêu ấy bây giờ ai phản bội/ Mùi hoa rừng sao lại dối lừa ong?”.

Trần Mạnh Hảo quan niệm: “Nhà thơ là ông già nghìn tuổi/ Ở trong đứa trẻ mới ra đời/ Trí khôn mà giống niềm thơ dại/ Như mắt tinh đời hóa khóe môi” nên ông cũng viết khá nhiều thơ chia sẻ thao thức với các bậc thi nhân tiền bối. Ông đau đáu cùng Bạch Cư Dị “Lá vàng thay trăng đổ/ Trường Giang thành rượu khướt con đò” và ông đắm đuối cùng Nguyễn Du thương nàng Kiều “Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác/ Đón em về từ cuối màn sương”.

Rất khéo léo trong tư duy hình ảnh, thơ Trần Mạnh Hảo vượt trội nhiều người nhờ sức khái quát. Ví dụ, ông viết về những dòng sông Nam bộ phóng túng “Những dòng sông như những người chạy bộ/ Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời/ Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ/ Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai” hoặc viết về con sông ở Bắc Trung bộ “Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát/ Trăng chảy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn/ Người giàu có nên đất nghèo khô khát/ Kìa gió Lào thổi cong sông Lam”.

Thậm chí, khi đi nước ngoài, Trần Mạnh Hảo cũng có sự phô diễn kiểu riêng ông. Một lần nhìn Trung Hoa qua cửa sổ máy bay thì ông phát hiện “Kìa sông Hoài dưới mười nghìn mét lừ đừ vệt máu bầm quá khứ/ Tam giáo vỡ đê trời chìm nghỉm những pho kinh/ Giáo gươm Đường Tống tang thương trổ bừng bừng thi tứ/ Sông máu núi xương Trung Hoa nhấp nhô chằng chịt chữ tượng hình”, hoặc một lần tình cờ phát hiện con kiến trong ba lô mình mang từ Việt Nam sang xứ sở bạch dương đã biến mất thì ông cồn cào “Nước Nga rộng, chắc là kiến đi lạc/ Tôi ngồi lo rụng hết lá ngô đồng/ Tổ quốc có bao giờ người hóa thân thành kiến/ Lặng lẽ bò qua sự vĩ đại của mình/ Như những đứa con vượt Trường Sơn ra thế giới/ Không còn thích đóng vai người hùng cứu chuộc hành tinh”.

Cách nói uyển chuyển và hào hoa cũng là ưu điểm của Trần Mạnh Hảo ở mảng thơ tình. Bên cạnh những bài thơ viết cho vợ mình – Tôn Nữ Giáng Tiên với tinh thần tôn thờ như “Một bàn tay chìa ra ánh trăng/ Một gương mặt ngủ rồi tôi mới gặp/ Một bờ môi chưa có thật trên đời/ Một da thịt không phải là da thịt/ Một mùi hương ở chỗ có em ngồi” thì Trần Mạnh Hảo cũng rất đắm đuối trong các bài thơ viết cho bóng hồng hư ảo nào đó.

Thiếu nữ lãng mạn không thể không xao xuyến trước những câu thơ của Trần Mạnh Hảo, lúc mông lung “Cỏ xanh hết một gầm trời đắm đuối/ Dáng em gầy thon lại cả mùa xưa/ Mưa bụi yêu trời đất cũng không vừa/ Em dắt cỏ tìm tôi chưa kịp gió”, lúc ỡm ờ “Em là trái sầu riêng đánh đu cùng mùa hạ/ Trái em rơi lúc chẳng ai ngờ/ Lúc mặt đất và anh đi ngủ cả/ Đêm trong làng hòn sỏi cũng nằm mơ” và cả lúc xa vắng “Dòng đời con nước vèo qua/ Trái tim mắc cạn trong tà áo bay/ Cỏn con một sợi lông mày/ Mà đem cột trái đất này vào anh”.

Những năm 30 tuổi, Trần Mạnh Hảo thổ lộ “Trưa lặng tiếng gà như kẹo kéo/ Cuốn anh chặt lại với dòng kinh/ Đến quá nửa đời anh mới hiểu/ Những cái vu vơ cột chặt mình”. Và thực sự, ông không thể nào tránh được những cái vu vơ của nhân gian bủa vây tâm hồn thi sĩ, để thường xuyên rung động “Nửa đêm đi ngược về xưa/ Thoảng mùi hương lạ em vừa quá giang” để thường xuyên đau đáu “Xin quá khứ đừng bắt anh nhốt lại/ Trong giấc mơ anh thèm được làm người/ Thèm được khóc được cười như trẻ dại/ Ai đã làm thời đại hóa đười ươi?”.

Trần Mạnh Hảo bây giờ đã 73 tuổi “Ngẩng đầu trời vẫn mênh mông/ Cúi xuống chợt thấy anh không còn gì/ Anh còn con đường chưa đi/ Anh còn vạt cỏ sắp ghì ôm anh”. Ông đã từng ru con “Mai này con lớn nên người/ Hoa hèn cỏ nội ai lời bướm ong/ Ngủ như bông súng ngoài đồng/ Xé bùn lên vẫn sợ lòng bùn đau” và ông đã từng cõng cháu “Mai này ông khuất trăng sao/ Gửi lưng cho giấc chiêm bao cõng dùm”. Thế nhưng, sự rạo rực của ông vẫn nguyên vẹn trước thi ca “Trái tim còn đập ngoài hoang dã/ Rét mướt xin thề cưới gió đông”.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo sớm tạo được giọng điệu trong làng thơ. Ông luôn chinh phục công chúng bằng ngọn lửa rừng rực cháy bỏng. Ngay cả cách ông đại ngôn hay cách ông điệu đà, cũng có ấn tượng không nhầm lẫn với ai. Tuyển thơ Trần Mạnh Hảo là một cơ hội để độc giả được đọc lại và được hiểu thêm một gương mặt thi ca hàng đầu văn học Việt Nam đương đại “Trót hò hẹn với mênh mông/ Một đời ngóng vọng mây lồng xanh cao”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm
Con người Chí Phèo
Cái chết của Chí phèo như bản cáo trạng về xã hội thực dân nửa phong kiến thối rữa, nhàu nát, là tiếng kêu oan khốc thấu tận trời xanh của những kiếp người “siêu khổ”.
Xem thêm