TIN TỨC

Trong nắng gió Trường Sa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-14 08:38:58
mail facebook google pos stwis
2495 lượt xem

Tháng 3-2002, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc là thành viên trong đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa ra thăm quần đảo Trường Sa. Bài bút ký dưới đây là kết quả của chuyến đi ấy. Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi ký “Khánh Hòa xưa và nay” dịp kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa (1653-2003), giải A giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật Báo chí (1994-2004). Dẫu thời gian đã lùi xa 20 năm, song những vấn đề đặt ra trong tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tươi mới. Chủ quyền biển đảo và mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc luôn là những giá trị vĩnh hằng, bất biến!

TRONG NẮNG GIÓ TRƯỜNG SA

NGUYỄN MINH NGỌC

Rốt cuộc sau mười bảy năm lỡ hẹn với Trường Sa, giờ đây tôi mới có dịp thực hiện chuyến hải trình ra quần đảo san hô, mảnh đất phên dậu nằm ở sườn đông nam của Tổ quốc. Đoàn cán bộ tỉnh Khánh Hòa đi thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Chi dẫn đầu với hơn bốn chục thành viên gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các huyện, thị.

Mặt trời như quả cầu lửa đủng đỉnh chuồi nhẹ xuống sườn núi phía tây, nhưng cái nắng ong óng chừng như vẫn chưa hề muốn dịu. Hoàng hôn buông chùng nơi cửa biển vịnh Cam Ranh. Tàu HQ 936 lừng lững kéo ba hồi còi rền vang giã từ bến cảng. Trời trong ngần. Biển như tấm thảm phẳng lì biêng biếc, tưởng chừng có thể ngả lưng ung dung mà đọc sách.

Người bạn mới quen chỉnh tề trong bộ quân phục thấy tôi tần ngần đứng mãi trên boong, liền chủ động bước tới bắt chuyện. Anh là trung tá Nguyễn Mậu Rèm, sĩ quan điều hành trên con tàu này. Thấy tôi lơ ngơ chưa hiểu gì về biển giã, anh bảo hàng năm ở Trường Sa có tới 131 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên và phân phối rất không đều. Thời kỳ có gió mạnh nhất xuất hiện từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 1 năm sau. Quãng tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam. Trong năm chỉ mỗi tháng 4 là tháng ít có gió mạnh. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam, bởi vậy, gần như sóng yên biển lặng.

Chúng tôi mê mải nhìn về đất liền cho tới lúc bốn phía đều chỉ thấy đường chân trời. Sự náo nhiệt đã lùi xa vào tít tắp. Phía trước, những lượn sóng bạc đầu xoe xóe vật ra hai bên mạn tàu như những vai đất trên vạt ruộng vừa bị hàng lưỡi cày lật xới. Chừng như càng ra xa, biển mới bắt đầu bộc lộ mình. Con tàu đồ sộ với với lượng choán nước cỡ hàng nghìn tấn mà vẫn không tránh khỏi sự nhồi lắc bởi những cơn sóng lừng.

Ngoại trừ mấy cô ca sĩ và một vài thành viên nữ “liễu yếu, đào tơ” chịu khuôn mình trong phòng, còn lại cánh đàn ông con trai, không ai bảo ai thảy đều vọt ra ngoài kiếm chỗ mắc võng, hóng gió. Bộ chỉ huy Vùng B Hải quân chu đáo trang bị cho mỗi người trong đoàn công tác đầy đủ dép rọ, mũ cứng và võng bạt, những thứ chuyên dụng đi đảo.

Khi đèn bật sáng, sàn tàu chi chít võng giăng ngang dọc chung chiêng. Quang cảnh giống hệt như một bãi khách của trạm giao liên trên rừng Trường Sơn thời đánh Mỹ. Khác chăng là ở đây không có cây rừng, mọi người buộc võng vào các cột sắt tròn, to cỡ bắp chân. Ngó đơn giản vậy mà lắm người cứ loay hoay mãi. Để có được một chiếc võng mắc ưng ý, nghĩa là vừa bảo đảm không bị tuột lại vừa tháo nhanh khi cần thiết, có lẽ không ai thiện nghệ hơn những người lính Trường Sơn thuở nào.

Sao Hôm chênh chếch bên trái mạn tàu. Trăng thượng huyền như miếng dưa lê ai vừa bổ ra thơm ngát bày lên trịnh trọng giữa mâm trời tinh tươm. Anh trăng tãi đầy lênh loang khắp mặt bể, lấp lóa màu lân tinh. Tàu lắc lư. Nằm trên võng, đầu óc tôi cứ bồng bềnh, cảm giác loáng choáng, mê mụ. Chưa hẳn là say sóng nhưng có vẻ như đã bắt đầu ngấm đòn của biển.

Con tàu vẫn mải miết đè sóng lướt tới trong huyền ảo ánh trăng. Chót vót trên cao vời, lá cờ có lẽ đã ướt đẫm sương đêm vẫn phần phật tung bay. Tôi nằm chờn vờn, chẳng phải vì lạ chỗ mà tai bởi những ý nghĩ mông lung chợt đến chợt đi. Mấy trăm năm trước, ai là người lãnh sứ mệnh cưỡi sóng đạp gió ra những hoang đảo giữa trùng khơi để đo đạc và xác lập chủ quyền của quốc gia Đại Việt? Họ là các bậc thượng quan vâng mệnh triều đình hay chỉ là hạng dân đinh nghèo khó? Dù là ai thì họ vẫn là những người có công lớn, mở mang cõi bờ cho Tổ quốc. Có lẽ nhờ bởi những điều tai nghe mắt thấy của họ mà nhà bác học Lê Quý Đôn mới có được những tư liệu quý giá để chép vào cuốn sử lừng danh của mình.

Quả vậy, trong nhiều thế kỷ trước, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên vùng biển Đông đã là phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Cả hai quần đảo này thường được gọi dưới cái tên chung là Bãi Cát Vàng, rồi Nam Sa, Đại Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa... Còn phương Tây gọi Trường Sa là Spratley hay Spratly, nghĩa là quần đảo bão tố.

Sách “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn chép: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều đảo, núi linh tinh hơn 110 hòn. Giữa núi là biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày đường hoặc vài canh là đến. Trên núi có nước ngọt. Trong các đảo có Cồn Cát Vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số tổ yến, các thứ chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc hoa, ốc tai voi bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục như ngọc trai, vỏ có thể đẽo làm tấm bài hoặc nung vôi; có ốc xà cừ làm đồ trang sức, lại có ốc hương, thịt các thứ ốc đều có thể ướp muối để làm thức ăn. Có đồi mồi lớn, có ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi nhưng nhỏ hơn. Mai mỏng, có thể khảm đồ dùng, trứng giống như ngón tay cái. Lại có con hải sâm, tục gọi là con đột đột. Những thuyền lớn đi biển, gặp gió đều nương đậu ở đảo này...”.

Dưới thời nhà Nguyễn, vua Gia Long từng cử Phạm Trọng Anh dẫn đầu đội Hoàng Sa. Năm 1816, nhà vua phái thủy quân và đội Hoàng Sa vượt biển ra khảo sát và đo đạc trên hai quần đảo này “lập những đội trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế của người nước ngoài, đồng thời bảo trợ người đánh cá bản quốc”.

Có thể nói ngay từ buổi khai thiên lập địa, mồ hôi và nước người Việt đã tưới mềm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ơn những người mở cõi, hậu thế muôn đời phải ghi tạc để truyền nhau giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên. Tôi thiếp đi trong mê mệt. Một giấc ngủ sâu và ngon lạ lùng.

Rồi bình minh ló dạng, loe lóe trước mũi tàu. Mặt trời khoan thai nhô lên khỏi mặt nước, quét một vầng đỏ rực. Biển thăm thẳm sắc màu của mực cửu long thời hoàng kim. Từng đàn cá chuồn bay ràn rạt. Chừng như muốn đua tốc độ với con tàu, một chú cá heo nhao mình rẽ nước phóng vun vút. Tiếng reo ồ à, thán phục.

Sau bữa điểm tâm sáng, tôi nán lại trò chuyện với trung tá Nguyễn Mậu Rèm. Anh là một trong những người đầu tiên có mặt ở đảo Thuyền Chài và cũng chính anh chỉ huy mở luồng Thuyền Chài cho tàu LCU của ta cập đảo trong những ngày đầu gian nan, khốc liệt. Gần như suốt cả đời lính của anh đều gắn bó với biển cả. Sau tám năm làm thuyền trưởng, do hoàn cảnh gia đình nên cấp trên điều động anh về đất liền. Người vợ bị chứng bệnh nan y đã mất cách đây hơn ba năm, để lại cho anh bốn đứa con. Cậu con trai đầu nối nghiệp cha, hiện là thợ máy trên tàu HQ 633. Cô con gái thứ hai đang theo học khoa Toán, Đại học Sư phạm Huế. Từ gương mặt khắc khổ của anh toát lên sự chân tình cởi mở, khiến cho bất cứ người đối thoại nào cũng khó có thể hờ hững. Dường như bao nỗi mất mát đắng cay, người lính biển này đều cố giấu kín trong lòng.

- Thuyền trưởng Hà Văn Khuynh kia kìa...

Đang nói chuyện, anh Rèm chợt khều tôi và chỉ tay về phía cầu thang đài chỉ huy. Trong suy nghĩ có phần chủ quan của mình, tôi cứ hình dung vị chỉ huy con tàu lớn cỡ này phải là một người oai phong và lão luyện lắm. Bởi thế, nếu không có lời giới thiệu hẳn tôi đã lầm người thuyền trưởng này với một thủy thủ. Đó là một người tầm thước, da ngăm ngăm, đôi mắt rất sáng nhưng vẻ mặt hiền như đất. Anh kéo ghế ngồi xuống bên tôi với nụ cười khiêm nhường. Hà Văn Khuynh sinh ra ở Tiền Hải, Thái Bình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Bố anh là liệt sĩ, hy sinh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khuynh bảo việc anh đến với nghề đi biển như là duyên nghiệp vậy.

 Tốt nghiệp phổ thông, cũng giống như bao thanh niên giàu mơ mộng khác, thoạt đầu Khuynh nộp đơn thi vào Trường Đại học y. Nhưng rồi sắc phục của những người lính biển đã choán ngợp hồn anh. Và thế là anh đổi hướng. Tốt nghiệp sĩ quan Hải quân, năm 1985, Khuynh về nhận công tác ở Đà Nẵng. Sau “sự kiện CQ-88”, anh về đoàn Trường Sa. Mùa thu năm 1998, Hà Văn Khuynh được bổ nhiệm làm thuyền trưởng tàu HQ 936. Đây là con tàu chuyên dụng cỡ lớn của Hải quân ta. Không chỉ dọc ngang trên quần đảo Trường Sa, tàu HQ 936 còn ra tận Vũng Rô và cả Dung Quất cứu tàu thuyền của ngư dân bị bão những năm trước.

Xa vợ con, lênh đênh trên sóng nước, nhưng Khuynh cũng giống như những người lính biển khác, họ có sau lưng cả một hậu phương vững chắc. Đó là sự thủy chung son sắt của những người vợ biết hy sinh, biết đợi chờ...

Một ngày vùn vụt trôi qua trước mũi con tàu. Thêm một đêm nhồi lắc trên sóng, nhiều người đã ngắc ngư, đi lại liêu xiêu. Vậy mà rạng sáng hôm sau, khi nhìn thấy dải đất xa mờ như một đường viền hiện lên ở phía đông, mọi người tràn cả lên boong tỉnh như sáo.

- Đảo rồi!

Cái phần đất máu thịt thiêng liêng của đất nước mình kia rồi! Trường Sa đang hiển hiện từng phút, từng phút một.

Còn nhớ hai mươi năm trước, huyện đảo Trường Sa được thành lập, ban đầu trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 18-12-1982, Quốc hội quyết định sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh (cũ). Ít lâu sau, ngày 6-4-1983, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Ngọc Nhường dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Phú Khánh ra thăm và đặt mốc chủ quyền trên đảo Thuyền Chài. Cùng đi có Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Chỉ huy trưởng Vùng 4. Tại đảo Nam Yết, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên bàn về phương hướng hoạt động của huyện đảo. Như vậy là sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, Khánh Hòa lại có thêm một huyện mới, huyện đảo Trường Sa. Mảnh đất này nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả nước.

8 giờ 15 phút. Chuyến xuồng chuyển tải đầu tiên chở các nhà báo và cánh văn công rời tàu. Mỗi người trong chúng tôi đều khoác hờ một chiếc áo phao. Các phương tiện hành nghề như máy ảnh, máy ghi âm, ca-mê-ra…đều được dồn vô bao nilon cột chặt để tránh nước mặn. Từ xa, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên nóc đảo, tôi thấy lòng ấm lạ! Ngay trước cửa luồng, trên những trụ bê tông được xây làm hàng rào phòng thủ, những con chim biển khá to vẫn thản nhiên đứng châu đầu vô đảo. Một tốp lính trẻ để nguyên cả áo quần lội băng qua thềm san hô dày đặc để đón xuồng. Ngắm những nụ cười tươi hơn hớn ngay trên làn nước xanh biếc, mà thấy lòng nghẹn lại. Ai nấy nhấp nhổm đứng lên như thể làm vậy thì xuồng sẽ nhẹ bớt.

Xuồng cập đảo Sinh Tồn Đông giữa vòng tay của lính. Tay bắt mặt mừng như lâu ngày gặp lại người thân. Những chiến sĩ quê Khánh Hòa tíu tít hỏi chuyện đất liền. Đó là Nguyễn Trọng Bình ở Cam Phú, Nguyễn Tấn Điển ở Cam Tân, Cam Ranh. Tôi nhận ra Điển là người vừa lội ra đón xuồng khi nãy. Rồi Lưu Công Toàn quê ở Vĩnh Trung, Nha Trang... Tôi lấy mấy cuốn Tạp chí Nha Trang đưa tặng, cánh lính trẻ trầm trồ: “Văn nghệ Nha Trang hả chú? Hồi nào tới giờ tụi cháu mới thấy!”. Thiếu úy Mai Thành Đông, người có thâm niên ba năm ở đảo cười phô hàm răng đều đặn rất duyên. Lúc chia tay, cậu ta rụt rè dúi vào tay tôi một tờ giấy. “Cháu có bài thơ, chú đọc giùm nhé”. Tôi cẩn thận nhét ngay vào túi ngực.

Thời gian lưu lại trên đảo không đầy 3 tiếng đồng hồ. Các diễn viên của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trên khoảng sân bê tông ngay trước cột mốc chủ quyền. Dưới tán cây bàng vuông xòe bóng mát, những người lính biển quây tròn say sưa uống từng câu hát và đứng lên cùng “Nối vòng tay lớn”. Nhạc Trịnh nối những con tim cùng hòa chung nhịp đập, bất kể cái nóng mỗi lúc một ngấy ngốt. Anh em bảo đã mấy tháng nay trời không vắt được lấy một giọt mưa để làm thuốc. Nhìn quanh, nắng chập chờn khiến cho cái màu trắng lóa của cát và những mảnh san hô vỡ vụn càng thêm chói chang, nhức mắt. Hầm hập và oi ả. Tóc lính đỏ quạch như râu bắp, lưng áo bạc phếch loang từng vệt muối.

Luồn ra phía sau khu nhà ở, gặp một khoảnh vườn có tường bao bọc cao ngang đầu người, chợt nhìn thấy mấy vạt rau là tôi sục vào ngay. Những ngọn muống cằn cỗi nhưng mọc dầy dịt. Đám dền có vẻ mỡ màng hơn cả, cây nào cây ấy to bằng ngón tay cái. Lưa thưa ít cải thìa rũ rượi như vừa nhúng tái. Một màu xanh ngằn ngặt giữa nắng và gió mặn ghê người. Một anh lính trẻ cười mủm mỉm: “Rau xanh với tụi cháu quý còn hơn cả sâm, chú ạ!”.

Có lệnh thu quân. Tôi nấn ná lùi lại đi chuyến cuối cùng. Không khí oi ả ngồn ngột. Mùi đất khét nồng. Trời đang dội nắng lửa ong óng, bỗng nhiên mây đùn râm cả lại. Rồi bỗng lắc rắc... lắc rắc. Những hột mưa đầu tiên rớt xuống đất nghe xèo xèo, mất dạng. Lính đảo hét toáng lên:

- Mưa đi! Mưa đi!

Cữ ngỡ ông xanh bỡn cợt con người. Hóa ra trời làm mưa thật. Làn mưa dày dặn, thẳng căng. Từ ngoài bến, tôi vội vã quay lui tìm chỗ đụt mưa. Người ướt rượt mà lòng đầy hoan hỉ. Lính nói được như vầy là nhờ lộc của đất liền, đất mẹ Việt Nam đó. Trong căn lều được cất theo kiểu một nhà ăn dã chiến ngó ra bãi san hô, ca sĩ Anh Đào không kịp vuốt nước mưa trên mặt. Chị sẽ sàng ngồi xuống ghế và không chờ mời mọc, chị khe khẽ cất tiếng hát, bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hình Phước Long. Mỗi cánh thư về từ đảo xa. Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một hòn đảo nhỏ... Những người lính lặng lẽ ùa vào nhà, bá vai nhau đứng vây quanh. Những ánh mắt long lanh, vời vợi, thèm thuồng và khao khát.

Lạy trời! Hãy cứ mưa thêm chút nữa để đồng đội tôi được nghe trọn câu hát, để những ngọn rau đang khô khát trong mảnh vườn ngoài kia được thỏa thuê uống chút lộc giời!

Mưa đã ngớt, nhưng câu hát lại nhòe trong nước mắt. Lính đảo rồng rắn tiễn chúng tôi ra bến. Cuộc chia tay dùng dằng. “Một, hai, ba... zô! Zô nào!” Trần đời tôi chưa từng gặp ở đâu cái cảnh lấy lời hô trên bàn tiệc để đưa tiễn nhau như thế này.

*

Trung úy Hà Quang Hoãn, Phân đội trưởng Cụm chiến đấu B trên đảo Sinh Tồn lớn dẫn tôi đi một vòng. Miên man là cây xanh. Từ cây mù u sum suê cao ngang nóc nhà Ban chỉ huy đảo đến những cây dương, cây bàng, cây phong ba... đều xanh tốt. Đó đây, từng vạt muống biển rậm rì, xanh vật vã trên cát bỏng. Nghe nói nhiều nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đứng dưới gốc cây phong ba, lá xanh bạc đầy vẻ ngang tàng. Cây thân gỗ, lá nhám khum khum tựa những bàn tay ngửa ra hứng nước. Phong ba trổ hoa từng chùm trông xa tựa như hoa sữa nhưng vòi hoa ngắn và cằn hơn rất nhiều. Loài cây khứng chịu được nắng gió và bão táp này được lính ta nhân giống để phủ xanh đảo. Hoãn chỉ cho tôi xem những cây phong ba vừa nhú xòe hai ba mầm lá trong các vỏ đồ hộp sét rỉ. Màu xanh của sự sống vẫn không ngừng nẩy nở bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Mé trước đảo, nơi những người lính công binh đang nhễ nhại xây dựng các công trình phòng thủ, có một vạt cây xanh ráo riết mọc trùm lên bờ đá. Thân cây chỉ nhỉnh hơn ngón tay nhưng cành đan dằng dịt, thoạt nhìn cứ ngỡ đám dây leo.

- Thứ này có họ hàng với phong ba đó anh - Hoãn giải thích - Loại này lá trơn, thân cành xõa ra chi chít nên bão tố không cách gì quật nổi. Lính bèn đặt luôn cho nó cái tên: cây bão táp, để phân biệt với cây phong ba.

- Loại này có hoa trái gì không? Tôi tò mò.

- Có chứ. Anh nhìn xem, quả nó giống trái dứa dại nhiều mắt. Nhỏ vậy, nhưng loại quả này là một phương thuốc đấy. Đem thái lát phơi khô rồi sắc lên uống trị bệnh cao huyết áp khá hiệu nghiệm...

- Thật thế ư?

Hoãn gật, ánh mắt đầy vẻ tự tin. Tuy chưa có sự kiểm chứng nào, nhưng nếu vậy ngoài tác dụng phủ xanh đảo, cây bão táp còn có tác dụng chữa bệnh. Vậy thì đích thị đây là một loài cây quý. Tôi tin những người lính đảo, bởi những điều anh em nói ra đều được đúc kết từ kinh nghiệm sống không chút dễ dàng.

- Dễ gì được ra đây lần thứ hai. Mời các anh tắm biển Trường Sa coi thử có khác so với biển Nha Trang không nào?

Lời mời thân tình của Hoãn đã khiến cho cánh nhà báo phải xiêu lòng. Chiều tà, tôi kéo hai đồng nghiệp ở báo Pháp Luật và báo Thương Mại cùng đi tắm. Bãi biển ở đây đẹp mê hồn, có thể lội ra xa hàng vài chục thước. Nước xanh màu ngọc bích, trong suốt, nhìn rõ từng viên cuội và mảnh san hô dưới đấy. Mai này nếu tổ chức được những tour du lịch ra Trường Sa thì còn gì bằng. Tại sao không? Dân Tây lắm kẻ chơi ngông dám bỏ ra hàng triệu đô la để làm một chuyến quá giang lên vũ trụ, nhưng chắc gì đã thú vị bằng đến Trường Sa của Việt Nam? Trong một tương lai gần, khi sân bay Cam Ranh trở thành cảng Hàng không Quốc tế thì điều này sẽ phải được ngành Du lịch tính đến. Đưa được ngành công nghiệp không khói này vươn ra đại dương thì quả là lý tưởng. Chắc chắn mối lợi không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế... Chúng tôi vừa bơi vừa sôi nổi tranh luận với nhau inh oang trên sóng nước như thế.

Lên bờ, tôi chỉ dám tráng qua người bằng một gầu nước ngọt. Từng giọt nước thải ra được hứng dồn vào hố để dành tưới rau. Thấy tôi dè dặt, Hoãn thả gầu kéo nước từ bể ngầm đổ thêm ra chậu. “Anh cứ vô tư đi! Tắm biển xong phải tráng nước ngọt cho kỹ, kẻo người nhớt nhát khó chịu lắm. Độ mặn của biển Trường Sa khá lớn...” Vẫn biết vậy, nhưng thật tình tôi không nỡ phí phạm đến nguồn nước sinh hoạt của anh em.

Nhỏ nhẹ như một người chị cả, Hoãn giới thiệu với tôi từng chiến sĩ thuộc quyền trong phân đội. Này là Lê Đình Duẩn mới ra đảo được vài tháng. Người có nước da đen bóng đang ngồi xếp bằng trên giường mê mải đọc thư là Trần Văn Tình. Anh chàng trưởng xe tăng này liên tục bám đảo, từng đón ba cái tết ở đây rồi. Từ khi nhập ngũ đến giờ Tình vẫn chưa một lần về thăm nhà. Nhìn dáng vẻ chắc nịch của người lính này, tôi cứ ngỡ ấy là một thỏi thép nguội mà không một thứ gió mặn nào có thể làm han rỉ nổi.

Đêm ấy, thay vì ở lại trên đảo với anh em, tôi vội vã lên xuồng để ra tàu như một kẻ chạy trốn. Nước biển còn sót lại dấp dính vào da thịt lại thêm mồ hôi vã ra như tắm vì phải “cày” hết công suất, khiến tôi phát cuồng vì ngứa.  Cái tạng người chưa nắng đã thấy nóng, chưa rét đã co ro thật chẳng ra làm sao. Tôi tự rủa mình và cảm thấy xấu hổ với những người lính như Hoãn.

Hôm sau, con tàu tiếp tục hải trình đến Len Đao. Sóng lớn. Xuồng chuyển tải bị dồi lên dập xuống như trò tung hứng. Mọi người ngồi bệt, cố giữ thăng bằng. Đã thấy trước đảo loi thoi một cồn cát dài sẫm màu. Anh Rèm bảo tuỳ theo mùa mà cồn cát lúc ngự ở mé trái, khi lại nằm ở bên phải của đảo. Gió cuốn dịch chuyển cồn cát cứ như trở lòng bàn tay vậy. Thế mới biết gió Trường Sa hoang dại tới mức nào!

Đảo chìm, không một bóng cây xanh. Nhà ở là một khối bê tông sừng sững như pháo đài. Một chú cò trắng thơ thẩn đi lại trước thềm nhà, dường như nó không hề sợ người. Hỏi mớí biết chú cò này bị bão dạt vô đảo và được lính ở đây cứu sống rồi ở lại quấn quýt với con người. Cùng với lũ chó, con cò đơn chiếc này nghiễm nhiên được coi như một thành viên của đảo. Biết đâu nay mai nó lại rủ thêm được lũ bạn cò về đây cư trú thì sao nhỉ?

Nắng quạt lửa ong óng. Gió bò ram ráp lên da mặt, lên tóc, mặn chát. Tôi bám theo bác sĩ Từ Công Tào lên đài chỉ huy tít trên sân thượng. Vừa ngoi lên đã gặp ngay nụ cười hồn hậu của một chàng lính có dáng dấp thư sinh. Có vẻ như cậu ta vừa rời ghế nhà trường thì phải? Bác sĩ Tào thân thiết ôm người lính trẻ vào lòng và quay sang tôi.

- Cháu Tuấn đây là con trai đồng chí trung tá Lê Công Lương, nguyên tiểu đoàn trưởng 812, đoàn M.46. Cả hai cha con đều là lính Trường Sa. Ngó mảnh mai vậy mà nhập ngũ từ năm 1999 và ra đảo được hai tăng rồi đó nghe.

Tôi tròn mắt. Trời đất, lão “đốc tờ” này quả thật nắm lính hơi bị siêu, có khi còn chắc hơn cả mấy bố quân lực. Chụp hình cho Tuấn xong, chúng tôi vội di chuyển đến chỗ khác ngay. Dọc hai bên cầu thang và ngay cạnh lối đi, tôi đếm được chừng hai chục hộc gỗ vuông vắn trồng rau muống. Lắm chỗ rau mọc xanh dày nhưng cũng có nơi lơ phơ, héo rụi. Trên bệ cửa sổ trước buồng quân y có một khóm hoa mười giờ được trồng trong một cái khay. Vài nụ hoa nhỏ xíu vừa chớm hé khoe cái màu hồng phơn phớt, nom thật dịu dàng. Từ cái vỏ thùng lương khô đâm thẳng lên một cây gừng mập mạp, lá xanh ánh ỏi. Kỳ diệu thay bàn tay của những người lính! Ở đâu họ cũng biết nâng niu tạo dựng cuộc sống...

Chúng tôi rời đảo Len Đao ngay trong buổi sớm. Nắng vàng rực lấp lóa chảy tràn khắp mặt biển tĩnh lặng. Muôn vàn những đốm sáng to nhỏ khác nhau tạo thành từng chùm hoa nắng chờn vờn nhảy múa. Phía trái, đen ngòm một chiếc tàu chiến đấu của đối phương vẫn lởn vởn không thôi dòm ngó. Mặc, đường ta ta cứ đi. Tàu của ta hiên ngang trực chỉ hướng đảo Cô Lin lướt tới. Kéo tôi ra sát mạn tàu, bác sĩ Tào khẽ khàng:

- Đây là vùng biển thẳm, nơi anh em mình hy sinh ngày trước. Ông để ý coi nhá...

Kim đồng hồ chỉ 8 giờ 30 phút.

Biển đột nhiên nổi cơn thịnh nộ. Giò ù ù. Từng đợt sóng hung dữ xô vào mạn tàu, tung bọt trắng xóa. Con tàu dừng lại. Chúng tôi đang có mặt trên vùng biển mà cách đây 14 năm từng diễn ra trận chiến vô cùng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ ta trên tàu HQ  604, HQ 605, HQ 505 và trung đoàn 83 công binh với một lực lượng lớn của đối phương. Tên tuổi các anh hùng liệt sĩ: Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh và những người trung hiếu đã dâng hiến trọn đời vì chủ quyền biển đảo quốc gia gợi niềm tiếc thương vô hạn. Câu nói của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương: “Không được lùi bước! Hãy lấy máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc!” Mãi còn vang vọng giữa trùng khơi.

Cả trăm con người trang phục chỉnh tề lặng lẽ xếp hàng nghiêm ngắn trước cửa boong hạ. Trên chiếc bàn kê ngay ngắn, bên cạnh vòng hoa trắng muốt là một đĩa trái cây, một bát nhang với những cây nến hồng. Chừng như sóng mỗi lúc một dào lên, thao thiết. Con tàu bồng bềnh, khẽ lắc lư.

Đại tá Lê Công Vi - Phó Tư lệnh chính trị Vùng 4 Hải quân đĩnh đạc bước lên đọc lời tưởng niệm. Trong giây lát, gương mặt người chỉ huy dạn dày sóng gió như sắt lại, cặp kính mờ đi. Tất cả im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng sóng. Tiếng gió thổi u u…

Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông. Nhưng với mưu đồ độc chiếm biển Đông và thôn tính Trường Sa, từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, đối phương ngang nhiên đưa lực lượng quân sự xuống chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, gây nên sự kiện ngày 14-3-1988, làm cho tình hình thêm căng thẳng và phức tạp.

Như bất kỳ một dân tộc nào, chúng ta muốn hòa bình để xây dựng đất nước, nhưng chúng ta coi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng.

... Trong niềm xúc động sâu sắc này, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí, mong hương hồn 64 anh hùng liệt sĩ hãy yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương- Trường Sa của đất mẹ Việt Nam”.

Ba hồi còi thổn thức.

Phút mặc niệm bắt đầu. Những cánh tay run run đưa lên vành mũ. Những cặp mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước. Có tiếng sụt sùi, nức nở. Từng người, từng người nối nhau kính cẩn thắp nhang. Giữa làn khói hương nghi ngút, vòng hoa ngùi ngùi được tròng dây từ từ hạ xuống nước. Dập dềnh quyến luyến bên thân tàu một lát rồi mới chịu tách ra xa. Những cánh hoa huệ trắng muốt vẫn tiếp tục được thả xuống. Hồi lâu, như có phép mầu, những con sóng lui dần. Mặt biển được trả lại vẻ bình yên vốn có. Tôi ngơ ngẩn như người vừa trải một giấc mơ.

Ở đảo Đá Tây, trung úy Văn Đình Dũng chỉ huy điểm D dẫn đoàn công tác cưỡi xuồng sang thăm cơ ngơi của anh. Tài sản vô giá trên điểm đảo này là tấm bia đá có khắc bài thơ thần của danh tướng Lý Thường Kiệt. Đây là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên cả dân tộc ta. Bài thơ tuy không dịch nghĩa tiếng Việt nhưng lính đảo ai cũng hiểu và thuộc nằm lòng. Ý tưởng sâu xa của tổ tiên đã thấm vào hồn từng người lính bình dị. Từ văn bia ngó ra vườn rau thanh niên được che chắn cẩn thận. Mồng tơi leo thành giàn rậm rì, xanh óng. Từng chùm quả lúc lỉu như những viên bi. Vạt cải trổ ngồng, hoa rực vàng trong nắng. Rau dền, rau sam chen nhau xanh xúm xít. Lại có cả một đám húng quế xanh mượt, vòi hoa tim tím...

*

Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trong một sự kiện

Chặng cuối của hải trình, tàu cập đảo Trường Sa lớn. Từ ngoài khơi nhìn vào, trái tim của quần đảo bão tố giống như một làng chài thanh bình bên cửa sông. Cây phong ba mọc thành rừng, xanh ngăn ngắt. “Mới trồng cả đấy. Lần trước tôi ra, đảo còn trơ tụi lắm!” Anh bạn bên truyền hình tỏ vẻ thông thạo.

Đảo có cầu cảng nhưng sóng lớn tàu không thể cập mà vẫn phải neo đậu ở bên ngoài. Sau bữa cơm trưa trên tàu, trong cái nắng lửa rừng rực, cả đoàn lần lượt sang xuồng đổ bộ lên đảo. Khung cảnh ở đây tựa như một phố huyện. Nhà cửa, thư viện, phòng Hồ Chí Minh, sân bóng chuyền, bóng đá... lắm chỗ trong đất liền còn phải theo khướt! Chủ khách ngồi hàn huyên ngay dưới khoảng sân ngờm ngợp bóng mát của những tán bàng. Gió hây hẩy, rời rợi. Phút chốc, cái nóng dịu đi trông thấy.

Trên đảo có giếng nước ngọt, nên mọi sinh hoạt tương đối thoải mái. Đàn heo chạy lông nhông bới đất, rồi lủ khủ nào chó, nào gà, nào ngỗng... kíu kít, càng khiến cho không khí buổi chiều thêm chộn rộn. Một gã heo đực láu lỉnh đột nhập vào nhà bếp cắp được một con mực bự rồi cắm đầu chạy thục mạng qua sân bóng. Lính được phen cười như nắc nẻ.

Mấy anh em chúng tôi kéo nhau làm một vòng nghiêng ngó quanh đảo. Tới một điểm phòng thủ, đột nhiên có ba chiến sĩ chạy ra huơ tay lên trời.

- Mấy chú ơi! Khu vực này không được quay phim, chụp ảnh.

Chao ơi! Cái giọng Nam Bộ nghe thật dễ thương. Tôi vội dừng bước giải thích để mấy chàng lính trẻ yên tâm. Quả thật, lính Trường Sa có được cái phông văn hóa tuyệt vời. Đội ngũ cán bộ được học hành cơ bản, đào tạo chính quy, rất có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm. Chính họ đã truyền sự bình tĩnh, nhạy bén và tinh thần cảnh giác sang những người lính thuộc quyền. Cứ nhìn cung cách điều hành của đảo trưởng, thượng tá Nguyễn Văn Thuận thì rõ. Hồi chiều, khi làm việc với đoàn công tác chẳng cần giấy tờ, anh cứ vanh vách giới thiệu tên tuổi, cấp bậc, chức vụ từng cán bộ, ngồi trong hội trường; lại báo cáo tình hình của đảo một cách chi tiết, gãy gọn. Đại tá Phạm Văn Hóa - Phó đoàn trưởng chính trị Đoàn Trường Sa bảo tôi: “Lính ở đây nếu hỏi về tiêu chuẩn chế độ thì chẳng ai nhớ, nhưng anh nào cũng nắm rất chắc các quy định. Sức đọc của anh em đáng nể lắm. Hầu như các cuộc thi lính đảo đều giành được giải cao”.

Chiều xế, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức trồng cây lưu niệm trong khu vườn trước đảo. Các đồng chí Phạm Văn Chi và Bùi Mau, mỗi người trồng một cây Tra. Đây là giống cây lá to dày, thân khỏe, sống nhiều trên đảo. Trong các buổi tiếp xúc thân mật, Chủ tịch Phạm Văn Chi rất hài lòng về các công dân huyện đảo Trường Sa. Ông đánh giá cao những hy sinh cống hiến của cán bộ chiến sĩ trên các đảo chìm, đảo nổi. Thân mật như người chú, người cha đối với cánh lính trẻ, tới đâu ông cũng chân tình khuyên anh em ngoài chuyện phấn đấu rèn luyện, cần phải ráng học thêm văn hóa, đặc biệt là học ngoại ngữ.

Cơm tối xong. Trăng rằm vành vạnh đã treo ngang đọt cây dừa lửa vừa mới trổ bẹ hoa mùa đầu. Trong khi lính đảo chộn rộn chờ xem văn công thì cánh nhà báo tất bật vào cuộc. Không còn cách nào khác, tôi đành áp dụng chiến thuật “bắt cóc”, nghĩa là chộp được ai thì tranh thủ khai thác ngay. Quá nửa đêm, chúng tôi vẫn chưa dứt ra khỏi cánh “lê anh nuôi”. Bếp trưởng Trương Đăng Hiệp, người tầm thước, rắn rỏi, gương mặt dầu dãi toát lên nét phúc hậu. Hiệp đã lập gia đình nhưng vợ con hiện vẫn tá túc trong đơn vị ở Cam Ranh. Bác sĩ Tào gật gù:

- Tay nghề của hắn thì khỏi chê. Anh em vẫn gọi hắn là Hiệp “bằng thật”. Được tín nhiệm lắm. Bộ phận nuôi quân của đảo chỉ mình hắn là đảng viên thôi đấy.

Đảo phó, trung tá tham mưu trưởng Nguyễn Hồng Quân vừa xong kíp trực cũng tạt xuống góp vui. Có lẽ anh là mẫu người tiêu biểu của lính đảo, béo đen, chắc nịch. Tôi gặp ở đây những người lính đến từ nhiều miền quê, thảy đều coi như anh em ruột thịt.

Đảo chìm sâu vào giấc ngủ thanh bình. Dễ đến hai giờ sáng mà thiếu tá Trần Văn Chiến - Trưởng trạm ra đa phòng không, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vẫn kéo tôi tạt bằng được vào chỗ anh. Đứng giữa sân bóng ăm ắp ánh trăng, Chiến trầm ngâm:

- Ngoại trừ những hôm giông bão còn hầu như ở Trường Sa đêm nào trời cũng sáng. Thứ ánh trong ngần giữa đại dương tựa như những đêm trắng vậy...

Tôi xiết chặt tay anh, người chỉ huy đôn hậu mà sâu sắc biết nhường nào.

Vòm trời bỗng nhiên sậm lại. Chợt có tiếng gà cất lên dõng dạc. Tiếng gáy hào sảng, đầy tự tin của kẻ lĩnh xướng. Có lẽ là gã gà trống to cộ, đẹp mã hồi chiều vẫn nhởn nhơ trước sân. Lác đác một lúc, đàn gà đua nhau gáy rộ như một dàn đồng ca. Những đám mây được tém gọn. Trời sáng bửng rất nhanh.

*

Quả thật, lúc chưa đến Trường Sa tôi không tài nào hình dung nổi cuộc sống của những người lính đảo. Nhưng ra đây được tận mắt chứng kiến nơi ăn chốn ở, quan sát nề nếp sinh hoạt và trò chuyện trực tiếp với bất kỳ người lính nào trên đảo, tôi cũng cảm thấy yên lòng. Nói vậy không có nghĩa Trường Sa đã hết gian nan, vất vả. Thiếu nước ngọt, khát rau xanh thì đã hẳn. Anh em mình ngoài đảo thèm lắm sách báo và rất cần các phương tiện nghe nhìn. Tivi, rađiô, casette... rồi băng và sách học ngoại ngữ đều thiếu. Đồ điện tử rất chóng hỏng bởi khí hậu quá ư khắc nghiệt. Những giàn anten thu vệ tinh TVRO dù được đặt ở nơi cao ráo vẫn không tài nào chịu nổi gió mặn, chỉ hơn năm trời đã phải chỉnh sửa, hoặc thay thế...

Nhưng kỳ diệu thay, những người lính Trường Sa đã biết vượt lên chính mình để trụ vững trên quần đảo bão tố. Chính các anh làm nên tấm lá chắn vững bền, giữ cho Tổ quốc được yên bình. Họ là những anh hùng!

Phút chia tay, tôi không dám nhìn lâu vào mắt lính, bởi sợ không nén nổi lòng mình. Đảo phó Nguyễn Hồng Quân ra tận cầu tàu ôm vai tiễn từng người. Dù sóng lớn nhưng trên xuồng không ai chịu ngồi. Tôi cố ghi vào tâm khảm của mình hình ảnh chiếc cầu cảng sừng sững và dải đất dài như bức trường thành xanh rợp bóng cây. Trong nắng gió, vóc dáng Trường Sa lồng lộng.

Ảnh đầu bài: Tác giả trên đảo Đá Tây, 3-2002.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm