TIN TỨC
  • Truyện
  • Và ba má đã yêu nhau… | Hoài Hương

Và ba má đã yêu nhau… | Hoài Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-07 06:36:46
mail facebook google pos stwis
1941 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HOÀI HƯƠNG

 

1.

-  Cậu có quen cô Việt kiều Mỹ tên Nam Phương?

-  Dạ thưa chú không. Mà có gì không chú?

-  Lạ ghê. Tại sao họ lại chỉ đích danh cậu. Mà cậu thì nói không quen…

Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố nhìn Hiếu tỏ vẻ có chút nghi hoặc, vừa đưa Hiếu xem bộ hồ sơ, trong đó có hình cô gái trẻ.

- Có quen cũng không sao, giờ đã qua hơn 25 năm, ¼ thế kỷ chiến tranh đã là quá khứ, mình đã bình thường hóa với Mỹ rồi mà. Thành phố cũng vừa đón Tổng thống Mỹ ghé thăm…

- Dạ, thiệt sự con không có quen ai tên đó. Cô này càng không. Nhưng sao chú hỏi con?

- Bên Tổng Lãnh sự quán Mỹ vừa đưa văn thư sang. Trong thư chỉ đích danh, tên họ địa chỉ rõ ràng nhà má cậu ở Củ Chi. Còn vì sao họ biết, thì Mỹ mà, cái gì muốn biết thì họ sẽ biết. Bên đó nhờ ta giúp một cô Việt kiều, hiện đang làm Luận văn Tiến sĩ sử học đương đại “Giải mã một số vấn đề về chiến tranh Việt - Mỹ”. Cô có yêu cầu muốn chính cậu sẽ giúp cô trong thời gian 3 tháng tìm tư liệu ở Việt Nam, đặc biệt thời gian ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ.

-  Vậy chú trả lời với họ chưa?

-  Rồi. Có chi đâu mà từ chối. Và kêu cậu lên giao công tác nè. Mà thiệt không có quen?

-  Thiệt. Lạ hoắc à. Nhưng mà cô ấy có vẻ xinh đẹp.

- Hừm! Liệu liệu đó. Danh dự và uy tín cơ quan Nhà nước, ráng giữ. Dù gì họ cũng là từ Mỹ về.

 

2.

Chuyến bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc chạng vạng, bên sảnh đợi ga quốc ngoại khá nhiều người đi đón thân nhân về, Hiếu chật vật len qua đám đông, tiến sát gần tới cửa, đưa giấy tờ cho an ninh sân bay, xin phép vào trong giúp làm thủ tục hải quan cho vị khách đặc biệt này. Có một chút hồi hộp, ừ, chắc vì vị khách này là một cô gái còn trẻ, sinh năm 1979, thua Hiếu mấy tuổi, theo hồ sơ là độc thân, theo hình trên hồ sơ thì khá xinh, dù hình kiểu passport thì chả có ai đẹp nổi. Cũng có nhiều câu hỏi lộn xộn trong đầu Hiếu, vì sao lại là anh, vì sao lại biết rõ địa chỉ nhà má anh ở Củ Chi, vì sao là con gái mà lại chọn chủ đề chiến tranh làm luận văn…

- Nè! Khách của anh đã xong thủ tục nhập cảnh! Ra giúp họ khai báo hải quan. Chà, lần này là một cô Việt kiều rất xinh đẹp nha, nhưng không biết nói tiếng Việt.

Người cán bộ an ninh khu vực nhập cảnh tới thông báo cho Hiếu cùng cái nheo mắt trêu chọc. Họ quen nhau qua nhiều lần Hiếu đi làm thủ tục nhập cảnh giúp khách của Sở Ngoại vụ thành phố.

Hiếu có chút bối rối dù ngay lập tức điều chỉnh mình khi nhìn thấy cô khách Việt kiều. Thật sự, anh bạn an ninh sân bay nói không sai, một cô gái rất đẹp, cái đẹp dễ làm người đối diện choáng ngợp nhưng cũng dễ làm người ta phải xa cách tránh né bởi vẻ lạnh lùng trong ánh mắt. Cô nhìn thẳng vào Hiếu, một thoáng ánh nhìn có vẻ như là đã biết anh từ lâu, chủ động cất tiếng chào hỏi bằng tiếng Anh với chất giọng gần như không biểu cảm. Hiếu có chút hụt hẫng, nhưng rồi rất nhanh, anh đáp lễ bằng câu chào thân thiện và nụ cười hiền vốn có của mình. Công việc ở Sở Ngoại vụ ngoài khách ngoại quốc thì tiếp xúc với rất nhiều Việt kiều, và trong số họ, không phải ai cũng dễ chịu, Hiếu và các đồng nghiệp cũng quen với nhiều cung cách khác nhau trong ứng xử giao tiếp của họ, và luôn luôn giữ hòa khí.

Rất nhanh, mọi thủ tục hải quan hoàn thành, ngay cả với một số tài liệu cô mang theo cũng được cơ quan Kiểm duyệt văn hóa phẩm thuộc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố duyệt cấp phép cho mang vào sử dụng. Hiếu giúp cô mang hành lý và đưa cô ra xe. Cô gái mặt lạnh như băng im lặng đi theo sau Hiếu. Cho tới khi ra khỏi sân bay, xe chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua gương chiếu hậu, Hiếu kín đáo quan sát cô, thấy cô nhìn chăm chú ra ngoài, ánh mắt hình như có chút ấm áp và hiếu kỳ.

-  Có phải hồi nãy mình vừa đi qua Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn?

Bất chợt một giọng nói rất ấm, rất Sài Gòn cất lên, làm Hiếu giật mình. Má ơi, sao lại có cái giọng nói cực dễ thương đến thế, cứ ngỡ không biết tiếng Việt, ai dè. Hiếu lúng túng tới vài chục giây, mới định thần trả lời.

- À, đúng rồi. Nơi đó bây giờ là Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Trong chương trình, sẽ có một số buổi mình vào đây làm việc, gặp các tướng trận thời chiến tranh và vào Bảo tàng Miền Đông cũng gần bên, đối diện với nơi đó.

- Chút nữa anh có thể cho xe đi một vòng trung tâm thành phố, trước khi về khách sạn được không? Như qua Dinh Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh, Cục An ninh quân đội Sài Gòn, Bót Catina, Nha Thông tin, Tối cao pháp viện…

- Được... Nếu cô không thấy mệt sau chặng bay dài.

- Không mệt. Vừa chạm chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã hình dung ra nơi này từng có những trận chiến ác liệt mùa xuân năm 1968, đã tưởng tượng ra Trại Đa-vít nơi ở của Phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng…

Đến lúc đưa cô gái về khách sạn, Hiếu mới thở nhẹ, may mà anh đã được thông báo trước chương trình làm việc của cô Việt kiều này, và trước đó anh đã phải vào thư viện, tìm đọc rất nhiều tư liệu chiến tranh, tìm hiểu các địa điểm, các trận đánh, các chiến dịch… Ôi, nếu không thì chắc mệt với cô gái này. Mà cô ta cũng khá “ghê gớm”, dùng toàn tên địa danh cũ thời chiến tranh, “khẩu khí” cũng rất khiêu khích, dù giọng Sài Gòn thì không thể chê vào đâu được. Chỉ từ sân bay về khách sạn, cô đã “phủ đầu” Hiếu mấy chiêu, xem ra cô Việt kiều này khá “hóc”.

 

3.

Đã qua hơn 2 tháng đưa Nam Phương đi khắp các nơi như kế hoạch trong chương trình, và cả những chuyến đi không nằm trong dự định, chỉ phát sinh ra sau khi cô tiếp xúc các nhân vật và nghiên cứu số tài liệu thu thập được. Giữa Hiếu và cô hình như vẫn có một khoảng cách không ra thân thiện không ra xa cách, cô không còn vẻ lạnh lùng ban đầu, thi thoảng còn mỉm cười rất dịu dàng cảm ơn khi được Hiếu tận tâm giúp cô mỗi khi công việc có chiều khó khăn ách tắc, nhưng cũng chỉ thế thôi. Ờ, mà nhiều khi Nam Phương nhìn Hiếu bằng ánh mắt rất thân thiện, trò chuyện như với một người thân, cảm giác như có một mối dây ràng buộc vô hình không rõ ràng.. Ờ, mà Hiếu cũng chưa có dịp nào hỏi tại sao cô lại biết mà yêu cầu đích danh Hiếu giúp cô trong chuyến sang Việt Nam làm việc? Anh chẳng biết gì về cô gái mang cái tên Nam Phương này ngoài phần hồ sơ giới thiệu là nghiên cứu sinh ngành Sử học ở Đại học Harvard - Harvard University danh tiếng.

- Ngày mai chủ nhật, không có lịch làm việc. Anh Hiếu có thể đưa đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật thành phố?

- Ồ, được mà. Khi rảnh tôi cũng hay ghé đây, vừa xem các tác phẩm mỹ thuật, như một cách thư giãn, vừa là tìm hiểu thêm những giá trị tinh hoa văn hóa của Việt Nam qua những di vật mỹ thuật ở Bảo tàng. Cũng là để tự mình khám phá “giải mã” về Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nguyên là ngôi biệt thự cổ hơn trăm tuổi của “Chú Hỏa” - một doanh nhân gốc Hoa tạo dựng sự nghiệp ở Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX. Mang phong cách kết hợp hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc châu Á và châu Âu, có mái lợp ngói âm dương màu đỏ rực dưới nắng hè, diềm mái ngói được tráng men màu xanh lục như cẩn ngọc khi bình minh lên, các ô cửa sổ lắp kính màu có hoa văn mang đậm phong cách nghệ thuật châu Âu phản chiếu ánh sáng lung linh kỳ ảo lúc hoàng hôn… Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 5/9/1987 đã quyết định dành biệt thự cổ này làm Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố và năm 1989 Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan.

Nam Phương đã đứng thật lâu ngắm ngôi biệt thự cổ và cô còn tỉ mỉ chăm chú quan sát từng chi tiết của ngôi nhà. Và tới khi vào tham quan những căn phòng trưng bày, cô như biến thành một con người khác, không còn vẻ lạnh lùng, không còn vẻ xa cách. Cô liên tục hỏi Hiếu, ánh mắt lấp lánh như trẻ thơ vừa có được một món đồ chơi thích thú, khi đứng trước bộ sưu tập gốm Việt Nam, khi ngắm những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật cổ của văn hóa Óc Eo, Chămpa, Tây Nguyên, của các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn, ngắm tranh dân gian, từ Đông Hồ - Bắc Ninh, Hàng Trống - Hà Nội, tranh kính Nam bộ, tranh làng Sình - Huế, đến dòng tranh của hội họa trường phái Đông Dương, Gia Định, dòng tranh cách mạng… thì cô như phát hiện ra một điều gì đó.

- Cảm ơn anh đã dành thời gian quý giá và tôi đã có ngày chủ nhật rất tuyệt. Vâng! Các hiện vật trong bảo tàng đã cho tôi nhiều suy nghĩ liên tưởng.

- Vậy giờ cô nghĩ sao?

- Có lẽ trong đề tài của tôi, cần phải bổ sung thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi nghĩ, là một trong vấn đề then chốt để Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.

-  Theo tôi, đúng thế. Cần như thế. Trong văn hóa truyền thống, còn có một di sản ngầm đầy quyền lực, chính di sản đó là nền tảng để Việt Nam luôn chiến thắng các thế lực ngoại bang lớn mạnh.

-  Là gì? Tôi chưa hiểu lắm.

-  Di sản “tinh thần yêu nước” của con người Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, được thử thách trước “thiên tai và địch họa”…

Yêu nước là di sản tinh thần thiêng liêng gắn với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, là phẩm giá Việt Nam. Nhưng đồng thời tinh thần đó lại tạo nên một nước Việt có những tinh hoa văn hóa sánh ngang với các cường quốc, tạo nên diện mạo đa dạng của văn minh nhân lọai. Không thể không tự hào khi là người Việt có một nền văn hiến truyền thống 4.000 năm lịch sử. Và chính nền văn hiến đó đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt không để một thế lực hùng mạnh nào thay đổi, di dời, đồng hóa. Sức mạnh đó còn là nền tảng để đời đời các thế hệ người Việt kế tiếp mãi giữ gìn, bảo tồn và phát triển những tinh hoa tinh túy, như một di sản lớn nhất, quý giá nhất của quốc gia, đất nước, dân tộc. Khi có kẻ xâm lược thì tinh thần đó tạo nên sức mạnh để chiến thắng…

- Thêm một lần cảm ơn anh. Anh có thể cho xin những lời anh vừa nói, để vào luận văn của tôi. Tôi đã thấy có ánh sáng vài mấu chốt điểm cho việc “Giải mã một số vấn đề về chiến tranh Việt - Mỹ”. Tự dưng tôi thấy mắc cỡ với chính mình, là người Việt Nam, mang dòng máu Việt, nghiên cứu về lịch sử mà hiểu quá ít về lịch sử văn hóa Việt Nam…

Hiếu bỗng dưng có một sự thương cảm cô gái Việt kiều này, có chút xót khi cô trầm giọng tự dằn vặt bản thân mình.

-  Bây giờ cũng đâu quá muộn. Mà cô cũng đang tìm về cội nguồn, tìm đúng mạch ngầm lịch sử đất nước.

-  Thế hệ chúng tôi được xem là F1 của những người Việt ra đi sau năm 1975, sinh ra trên đất Mỹ, từ tiếng khóc chào đời đã mang nhiều dấu ấn văn hóa Mỹ. Đôi khi còn vì sự thù hận quá khứ của thế hệ trước để lại, đã như một barie chắn ngang và rất nhiều trong chúng tôi, hiểu biết về Việt Nam đầy khiếm khuyết, chưa kể còn không biết nói tiếng Việt.

-  Tôi thấy cô nói tiếng Việt, giọng Sài Gòn rất chuẩn mà.

- Vâng! May là ba tôi từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn, má tôi là cô giáo dạy môn Việt văn trong một trường Tây ở Sài Gòn trước năm 1975. Nên tôi được học tiếng Việt từ ba má. Nhưng quả thật, chỉ khi về Việt Nam, đây là lần đầu tôi được nói tiếng Việt một cách thoải mái và nhiều nhất.

 

4.

Tháng 3/1975, trên quốc lộ 22 đoạn ngang qua Cây Trôm - Bàu Tre (nay là xã Phước Hiệp và Tân An Hội - Củ Chi), một đơn vị quân Giải phóng cùng du kích Củ Chi đã tấn công đoàn xe tiếp tế của Quân đoàn 3 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa chi viện cho chiến trường Tây Ninh. Trong trận đó, có một người lính Việt Nam Cộng hòa, nguyên là sinh viên Văn khoa vừa bị bắt đi lính, và đây là trận đầu tiên anh ra trận, đánh nhau với Việt Cộng. Chưa kịp gì thì anh đã thành tù binh của quân Giải phóng.Trận chiến vẫn tiếp diễn, không thể mang theo người tù binh đối phương, một người lính Giải phóng đã định bắn bỏ, thì người lính Giải phóng khác ngăn lại: “Thả cho nó đi, mặt mày nhát hít thế kia, chắc tân binh trận đầu, tha cho nó một mạng, còn có giữ được mạng trong trận này hay không là tùy số phận”, và ra dấu cho người tù binh chạy đi. Nhưng chưa kịp quay lưng chạy, thì một trận mưa pháo của quân đội Sài Gòn dập xuống tơi bời, người Giải phóng ngăn đồng đội mình bắn tù binh, nhoài người anh ta ngã xuống và gần như nằm đè lên. Khi tiếng pháo dứt, người tù binh sững đơ người khi thấy một mảnh pháo găm xuyên lưng, người Giải phóng đã tắt thở, chỉ còn nửa thân người. Dù rất hoảng sợ, nhưng người tù binh hiểu anh đã được người lình Giải phóng cứu mình lần thứ hai. Thấy bên hông người đó còn có một cái bòng… Những đồ vật trong cái bòng sau đã được anh mang theo sang Mỹ trong chuyến di tản đầy khổ ải trần ai, nhưng kỳ lạ là những món đồ trong đó không hề bị mất.

Căn phòng Nam Phương ở trên tầng thứ 8 của khách sạn Majestic nhìn ra hướng bờ sông Sài Gòn. Sau một ngày khá vất vả với gần 300 km từ Cần Thơ về thành phố đã tối muộn. Nhìn ra ngoài phía balcon, cô bỗng lặng người khi ngắm mặt trăng tròn như chiếc đĩa ngọc trong suốt, đang tỏa ánh sáng bàng bạc tạo thành một màn như dệt bằng bụi vàng kỳ ảo trên dòng sông. Có điều gì đó làm cho tim cô bỗng đập nhanh… Ba mình đã dặn, đúng ngày 18 âm lịch tháng này, con hãy đến nơi đó và thay mặt ba má, xin lỗi và tạ ơn họ. Hôm nay rằm. Ôi, chút xíu nữa là cô quên mất vì công việc cuốn đi, không để ý tới ngày tháng.

Cô lại bàn, lật trang đầu cuốn sổ tay có vẻ đã cũ, lấy ra tấm hình nhìn lại lần nữa. Giống thật. Mà sao anh ta chưa một lần nào cau có hay tỏ ý khó chịu với mình, dù có lúc mình tỏ ra lạnh lùng, đòi hỏi thế này thế kia. Ừ, không biết anh ta học trường nào, nhưng kiến văn vô cùng rộng, tiếng Mỹ anh ta dùng cũng rất hay, chả kém gì mình. Ừ, mà anh ta có vẻ đẹp rất đàn ông và đầy quyến rũ. Bỗng cô thầy má mình nóng ran.

 

5.

- Chủ nhật này anh có thể đưa tôi về nhà anh ở Củ Chi thăm bà nội và má anh?

- Ơ… Tôi thấy trong chương trình không có kế hoạch của ngày chủ nhật. Đã tính về nhà. Chủ nhật này giỗ ba tôi. Cô muốn đi cũng được, nhưng thiệt, không giấu, đất Củ Chi mà, gần như nhà ai cũng có liệt sĩ giải phóng. Cô lại là Việt kiều Mỹ… giả có ai đó nói này kia khiến cô buồn…

- Không sao. Tôi đã chuẩn bị tâm thế ngay từ khi quyết định về Việt Nam. Và suốt hơn 2 tháng qua, hàng trăm cuộc gặp gỡ, tôi chưa thấy ai tỏ ý gì phản đối hay không hoan nghênh tôi, thậm chí mấy cô Thanh niên xung phong đường vận tải 1C của chiến trường miền Tây Nam bộ xưa còn rất thương tôi, mấy ngày bên họ, được cưng, cho ăn bao nhiêu món Việt miền sông nước.

- Vậy nếu lỡ có ai nặng nhẹ, cô ráng nhịn nha.

-  Dạ.

Cô bỗng bật cười với tiếng “Dạ” của mình, vừa giống như một sự nhõng nhẽo, vừa như một sự đồng ý đầy thân thương.

Còn Hiếu, bỗng dưng anh hồi hộp. Cảm giác cô không chỉ muốn thăm gia đình anh, mà còn là vì một điều gì đó rất đặc biệt. Chứ không, sao mấy lần tới làm việc ở địa đạo Củ Chi, cô đâu có ngỏ ý ghé thăm, dù nhà anh cách đó chỉ vài cây số.

- Ngoại, Má, con về rồi nè. Mà nhà ta có khách nha.

-  Má, ra coi thằng Hiếu mang ai dzìa kìa.

- Má, đây là cô khách Việt kiều của cơ quan con. Cô ngỏ ý muốn thăm gia đình mình.

-  Đâu đâu. Mèn ơi. Con, con tên gì? Nam Phương à. Tên hay quá, mà người cũng đẹp nữa. Thằng Hiếu khéo chọn.

- Trời, ngoại. Đây là cô khách của cơ quan con. Ở bển về làm việc. Ngọai nói vậy, người ta  trách con giờ.

Không hiểu sao, Nam Phương cũng bị lây không khí chộn rộn.

- Dạ, thưa ngoại, thưa má… Con, con có mấy món đồ, ba con nhờ gởi lại ngoại, má và anh. Con thay mặt ba má con tạ ơn gia đình, đã cho ba con sống…

Và rồi khi cô mang cuốn sổ tay, tấm hình, cùng vài món đồ lặt vặt như chiếc khăn rằn có thêu bông, chiếc mền dù pháo sáng… Ngoại và má Hiếu ôm những di vật của ba Hiếu cùng òa khóc. Thấy vật như thấy người. Ngày đó, pháo của quân đội Sài Gòn điên cuồng dập mấy bận liên tục, đơn vị đã không thể tìm thấy xác ba Hiếu, chỉ làm mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ.

 

6.

Đây là câu chuyện về ba má tôi. Sau đó, như một duyên lành, cũng trầy trật nhiêu khê nhiều thử thách, ba má tôi đã yêu nhau.

Tôi kể lại nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 47 của ông nội.

(Truyện đã đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM, số 12/2022).

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm