TIN TỨC

Vị tướng của lòng dân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-13 07:48:42
mail facebook google pos stwis
761 lượt xem

Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI
Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng  - BQP


Từ một thầy giáo dạy Lịch Sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà quân sự thiên tài; tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Tài năng, trí tuệ, đức độ, nhân cách của Đại tướng mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại văn phòng. Ảnh: Trần Hồng

1. Nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất; vị tướng mưu lược, quyết đoán

Ông là vị tướng huyền thoại, bậc thầy về chiến lược và nghệ thuật quân sự; nhất là đường lối chiến tranh nhân dân. Những chiến dịch có tính chất quan trọng, quyết định luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén với tư duy quân sự đặc biệt, đề xuất và tổ chức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ; làm phá sản chiến tranh tổng lực của những đế quốc hùng mạnh ở thế kỷ 20. Kết tinh những bài học quý giá của lịch sử dân tộc và thế giới, đúc kết thực tiễn chiến đấu của quân đội ta. Ở những thời điểm bước ngoặt, Đại tướng đã quyết định những vấn đề chính xác: Tổ chức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đập tan âm mưu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc (1947). Đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê (chiến dịch biên giới 1950). Phân tán chủ lực cơ động Pháp để tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Đông Xuân 1953-1954). Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng chỉ đạo xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải chiến lược trên bộ, trên biển để chi viện cho miền Nam. Tham mưu mở chiến dịch đường 9 – Khe Sanh; ghìm lực lượng cơ động của địch ở Trị - Thiên tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Chỉ đạo quân chủng phòng không – Không quân đánh bại tiến công đường không chiến lược của đế quốc Mỹ (1972). Điểm huyệt Buôn Ma Thuột (1975), buộc địch rút bỏ Tây Nguyên; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa.

Tài thao lược ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ thuật lừa địch, dụ địch, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta. Điển hình thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà theo ông đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, nhưng hoàn toàn đúng đắn; góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu nhưng làm nên chiến thắng kỳ diệu “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nắm vững thời cơ lịch sử với mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công mãnh liệt vào sào huyệt cuối cùng của địch đánh chiếm dinh độc lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm về học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: về vũ trang quần chúng cách mạng; xây dựng quân đội nhân dân; về khởi nghĩa vũ trang. Kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, trở thành nghệ thuật quân sự được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, được cả thế giới ngưỡng mộ. Giáo sư Piere Aselin – Đại học Hawai Pacific (Mỹ) nói: “…Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, sự tài tình của ông đã giúp Việt Nam chiến thắng quân xâm lược. Khi mà nguồn lực của phía quân Pháp rõ ràng lớn hơn nhiều so với lực lượng quân đội của ông Giáp…”


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại bạn cũ tại quê nhà. Ảnh: Trần Hồng

2. Đại tướng Tổng Tư lệnh, “Người Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), nhân hậu – nghĩa tình

Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời những phẩm chất cao quý, mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; giản dị, khiêm tốn, khoan dung, nhân hậu, sống nghĩa tình; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí. Tuyệt đối tin tưởng, thủy chung son sắc với Đảng, với nhân dân. Đại tướng từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó…”; nguyện làm theo lời Bác dặn: Làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng”. Đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; lấy đó làm phương châm hành động. Nhân dân kính trọng, tôn vinh gọi là “vị tướng của lòng dân”, “vị tướng của nhân dân” với cái tên trìu mến: “Tướng Giáp – Anh Văn; người Anh Cả của QĐND”. Có nhà báo nước ngoài hỏi: “Vị Đại tướng nào vĩ đại nhất”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Ông được phong quân hàm đại tướng đầu tiên trong quân đội khi mới 37 tuổi. Khi trả lời một phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong quân hàm này, Bác Hồ nói: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng”. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là trên hết. Không có gì cao quý và thiêng liêng hơn thế. Ông đã không ngừng học tập, rèn luyện để hội tụ đủ những đức tính: “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Đại tướng rất nghiêm về kỷ luật, nhưng cũng rất bao dung, thân thiện. Đối với cấp dưới, đồng đội như anh em trong một gia đình cách mạng. Hết lòng thương yêu chiến sĩ; đau nỗi đau trước sự hy sinh, mất mát, thương vong. Tiếc từng giọt máu của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh; quyết thắng kẻ thù nhưng thương vong thấp nhất. Một Tổng Tư lệnh tài năng nhưng rất nhân ái, bình dị, gần gũi, thân thiết. Bởi vậy, cán bộ - chiến sĩ quân đội suy tôn là “Người anh cả” của QĐNDVN; xứng đáng là: “Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy, tướng của các tướng và thầy của các bậc thầy quân sự”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự” mà ông còn là một vị tướng nhân văn, “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”, “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Đại tướng luôn coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần, xây dựng đoàn kết, mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”. Tháng 04/2004, trở lại thăm Điện Biên Phủ, gặp gỡ đồng bào, các cựu chiến binh năm xưa; Đại tướng xúc động nhắc lại câu chuyện mà ông khi vào chiến trường ác liệt (Long An – Đồng Tháp Mười) thăm gia đình một đồng chí đặc công, người chiến sĩ nước mắt lưng tròng, ôm chầm Đại tướng và nói: “Thưa Đại tướng, gặp nhau đây là quý lắm rồi”, và 50 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ thì “gặp nhau đây là quý lắm rồi…”. Năm ấy Đại tướng tròn 94 tuổi: Nói chuyện với quân và dân Điện Biên, Đại tướng ân cần thăm hỏi, nhắc nhở “…Ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy nhiều đồi trọc quá…”, phải “…Xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, đẹp, dân no ấm, hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, trẻ lớn lên phải được học hành, phải chăm lo cho người già…”. Tấm lòng nhân ái của vị tướng nhân dân là suối nguồn cách mạng vô tận, để đồng bào các dân tộc Việt Nam kết đoàn vượt qua chông gai, thử thách, vững bước tiến lên hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 

3. Người xây nền tảng QĐNDVN “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lao đóng góp to lớn trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân… gắn với xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Từ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ đã đánh thắng 2 trận đầu (Phay Khắt, Nà Ngần). Rồi từng bước phát triển thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến đánh bại quân viễn chinh Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, với tư duy chiến lược sắc sảo, Đại tướng đã trực tiếp tổ chức Bộ Tư lệnh Miền, kết hợp thành lập quân giải phóng miền Nam Việt Nam; bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực từ miền Bắc vào miền Nam; Kiến nghị và tổ chức xây dựng các quân chủng phòng không – Không quân; Hải quân; Lục quân (bao gồm bộ binh, binh chủng đặc công, pháo binh, thiết giáp, công binh, thông tin, phòng hóa, vận tải…). Xây dựng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Đặc biệt gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất và khẩn trương thành lập 4 quân đoàn chủ lực (1,2,3,4); cánh quân Đông Sài Gòn; để nhân lên sức mạnh tổng hợp các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Thực hiện những chiến dịch – chiến lược tiêu diệt lượng lớn quân địch. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định sự sáng tạo, chính xác, phù hợp yêu cầu thực tiễn chiến trường; sự phát triển của quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh. Đó chính là quan điểm “vừa vũ trang cho quần chúng cách mạng, vừa xây dựng QĐND”, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân (dân quân tự vệ; du kích; bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực); là tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân.

Trên cơ sở nghiên cứu đối tượng tác chiến, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị, hậu cần – kỹ thuật. Giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo “Tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐNDVN. Thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc trong xây dựng QĐND”. Từ thực tiễn chiến tranh, đúc kết tư tưởng quân sự Việt Nam: Lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn. Đó là vấn đề cốt lõi trong xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; làm nòng cốt công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

 

4. Vị tướng sống mãi trong lòng dân

Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08/1911 – 25/08/2024), trong ký ức mỗi người dân Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng, luôn dành sự kính trọng một vị tướng tài năng và đức độ. Dù Đại tướng đã về “với thế giới người hiền” (18 giờ ngày 04/10/2013) tại Quân y viện 108, hưởng thọ 103 tuổi. Nhưng trong tôi vẫn khắc ghi những điều không thể quên giây phút cuối cùng bên Đại tướng. Đó là vào đầu giờ chiều (ngày 06/10/2013), tôi cùng các anh lãnh đạo, chỉ huy Học viện Quốc phòng ra căn nhà 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng cùng gia đình sinh sống để thắp hương. Dấu ấn đầu tiên hết sức cảm động, hàng đoàn các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang xếp hàng 3, hàng 4 nối dài đến tận nhà Quốc hội, lặng lẽ, tiếc thương vào dâng hương. Nhân dân thủ đô tự nguyện tổ chức các trạm, phục vụ nước uống, bánh mì miễn phí. Chúng tôi cùng xếp hàng trong đội hình ấy, mới cảm nhận tình cảm thiêng liêng của muôn người con đất Việt dành cho Đại tướng, như chính mình mất đi người thân ruột thịt. Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tiến hành từ 07h30 ngày 12/10/2013 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 05 Trần Thành Tông, Hà Nội. Tôi may mắn và vinh dự trong đội hình sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cửu của “Người Anh Cả QĐNDVN”, được chứng kiến các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước… bạn bè quốc tế, nhân dân nối tiếp nhau, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh vị Đại tướng tài ba của một dân tộc anh hùng. Cảm động nhất là tình cảm của các cựu chiến binh, thương binh nặng qua các thời kỳ, tuổi đã cao, chống nạng, đi xe lăn khóc thương Đại tướng. Nhiều người lăn trước linh cửu mà không thể cầm lòng. Điều bất ngờ nhất, trong đêm 12/10/2013, tôi nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng cử và giao nhiệm vụ: là người con của quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình tháp tùng trên chuyến máy bay đặc biệt tiễn đưa Đại tướng về yên nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình. Sau lễ truy điệu, linh cửu của Đại tướng di chuyển qua các tuyến phố chính, qua Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi đi qua nhà Đại tướng số 30 Hoàng Diệu. Suốt chặng đường nơi đoàn xe đi ra sân bay Nội Bài, lớp lớp nhân dân lệ lăn dài trên má, tay cầm di ảnh nghẹn ngào vĩnh biệt vị Đại tướng. Sân bay Nội Bài cũng lặng yên, ngàn đôi mắt hướng về một con người sắp sửa đi xa. Ban tổ chức lễ tang Quốc gia đã chuẩn bị 2 chiếc chuyên cơ; linh cửu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đội tiêu binh đưa lên chiếc máy bay ATR-72, mang số hiệu VN103 (lấy theo tuổi thọ của Đại tướng, của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Việt Nam Airlines), di chuyển về sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Ban tang lễ và người nhà Đại tướng di chuyển trên máy bay Airbus 321, mang số hiệu VN1911 (lấy theo năm sinh của Đại tướng). 13h00 ngày 13/10/2013, linh cửu của Đại tướng về tới sân bay Đồng Hới và di chuyển bằng ô tô về Vũng Chùa – Đảo Yến, để tổ chức lễ an táng từ 16h00 – 17h00. Suốt chặng đường 70km, lớp lớp người dân từ mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ với bà con Quảng Bình, xếp hàng kín đường tiễn biệt người con quê hương, trọn đời hiến dâng cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân. “Đại tướng của lòng dân” về yên nghỉ giữa hồn thiêng, núi non, điệp trùng mây trắng; bên bờ biển Đông ngàn năm sóng vỗ. Trở về nơi ký ức tuổi thơ, tắm mình trong gió Lào nóng bỏng. Hóa thân vào làn điệu “Hò khoan Lệ Thủy” ngọt ngào, bâng khuâng, da diết, mãi bồng bềnh trên dòng Kiến Giang huyền thoại.

Thành phố Hồ Chí Minh, 11/08/2024

Mời nghe ca khúc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sáng ngời Võ tướng quân

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm