TIN TỨC
  • Truyện
  • Quân vương xuống tóc – Truyện ngắn lịch sử của Phùng Văn Khai

Quân vương xuống tóc – Truyện ngắn lịch sử của Phùng Văn Khai

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
635 lượt xem

Ánh nến bập bùng tỏa rạng. Ngoài bến sông từng luồng gió lạnh buốt rít lên. Trong trai phòng nhỏ, vị đại sư toan nói điều gì bỗng có tiếng ngựa hí dập dồn rồi ba bóng kỵ mã sầm sập lướt tới...

Nhà văn Phùng Văn Khai

Cổ trấn Luy Lâu, mùa đông năm 571.

Đã quá nửa đêm mà ngôi tự nơi bến sông Luy Lâu vẫn sáng ánh đèn nến. Từ chiều, sau khi Triệu Vương cùng tùy tùng rời cổ tự ngài ngự đã cho xe ngựa thẳng tới chùa Bến, ngôi chùa nhỏ nằm sát mép sông có bảo tháp thờ linh vị bảy mươi ba vị hương trưởng bị Vũ Lâm hầu Tiêu Tư sát hại hơn hai mươi năm trước. Đã ba ngày liền, Triệu Vương cùng các vị sư phụ, trưởng lão đi khắp một lượt chùa chiền, đền miếu trong cổ trấn.

Từ chập tối, Triệu Vương đã cho bọn tả hữu lui cả ra ngoài để ngài đàm đạo riêng với đại sư Pháp Sơn vốn là trụ trì bốn ngôi chùa lớn nhỏ trong cổ trấn Luy Lâu. Đại sư vốn là truyền thừa của thái sư tổ Pháp Thông. Thái sư tổ Pháp Thông chính là sư phụ của lục vị hộ pháp thiền phái Luy Lâu. Lục vị hộ pháp đều đã viên tịch từ lâu, bởi vậy đại sư Pháp Sơn là đệ tử duy nhất còn tại thế của thái sư tổ. Điều này cũng không nhiều người biết. Triệu Vương cũng chỉ biết được vài năm trở lại đây. Kể từ đó, Triệu Vương rất chăm chỉ luận pháp với Pháp Sơn đại sư. Nhiều lần, Triệu Vương tỏ ý muốn đón đại sư về trụ trì Khai Quốc tự để tiện luận bàn Phật pháp, tu chính kinh sách, đại sư đều viện cớ chối từ. Song mỗi khi Triệu Vương tới cổ trấn Luy Lâu, đích thân đại sư đều thân hành kiến giá tới khi ngài ngự trở về Long Biên.

Trong trai phòng nhỏ chỉ vừa chứa đủ bộ bàn ghế trúc đã lên nước bóng loáng, hai người trò chuyện mãi không chán. Triệu Vương thong thả bảo:

– Pháp Sơn sư phụ! Ý ta đã quyết. Ngày mai sẽ trai giới xuống tóc tu hành. Mong đại sư hãy thuận cho.

Trong đêm khuya gió lạnh, nơi ngôi tự nhỏ bến sông, lời ước muốn xuống tóc tu hành của bậc quân vương vang lên không khỏi khiến vị đại sư thầm kinh động.        Vị sư phụ cố trấn tĩnh nói:

– Hoàng thượng! Ngài đã dứt tấm lòng trần, toàn tâm hướng về Phật tổ rồi ư? Vậy những việc khác, hoàng thượng định liệu thế nào cho ổn thỏa?

Triệu Vương chầm chậm nói:

– Đại sư! Đã hơn mười năm nay ta chỉ thích nghe tiếng chuông tiếng mõ, kinh sách cũng đã làu thuộc ba mươi bảy cuốn nơi tàng kinh các Khai Quốc tự từ lâu rồi. Trước còn vướng bận việc công chúa, nay mọi thứ đã yên ổn còn luyến tiếc gì nữa? Xin sư phụ hãy toại nguyện cho ta.

Vị đại sư lại hỏi:

– Hoàng thượng xuất gia là việc cổ kim hiếm thấy. Ngày trước Phật tổ khi còn là một hoàng tử muốn xuất gia đã phải thọ nạn muôn trùng. Nay ngài một tay phục quốc, lại đang buổi thái bình, sao cứ nhất nhất học theo Phật tổ?

Triệu Vương liền đáp:

– Ta xưa kia vì nhận lời ủy thác của quốc chủ Vạn Xuân mà phải nằm gai nếm mật chứ nào có ý riêng chiếm ngôi vương? Nay đất nước thái bình, hãy để cho muôn dân chọn người tài đức giữ ngôi cao mới là thuận ý trời. Ta nếu còn ở lại sẽ không tránh khỏi cuộc tương tàn huynh đệ, chẳng phải sẽ ôm hận thiên thu ư? Còn như mọi tai ách kiếp nạn hãy để ta tự một mình gánh lấy tuyệt không than trách.

Vị đại sư lại hỏi:

– Hoàng thượng quyết xuống tóc làm sư, cam chịu khổ hạnh, vậy còn bách quan văn võ, các vị đô đốc, tướng quân ôm giữ binh quyền phải xử trí ra sao? Nếu chẳng may bọn họ loạn chính loạn quốc chẳng phải bách tính thị tộc lại phải cơ hàn biết lấy gì ngăn giữ?

Triệu Vương thong thả trả lời câu hỏi hóc hiểm của vị đại sư:

– Ta đã nghĩ thông suốt từ lâu. Họ Lý chủ trì quốc thống vừa là ý trời vừa là ý của Phật tổ. Đám võ tướng ắt sẽ tự biết thân biết phận của mình. Nếu không khuông phò xã tắc cũng chưa đến nỗi liều mình làm loạn. Vạn Xuân nhất thống, Lý gia chủ trì đế vị, người phương Nam chúng ta mới có thể đường hoàng sánh với phương Bắc, bách tính thị tộc mới được mở mặt mở mày. Chuyện đã rõ ràng rồi, đại sư chớ can ngăn nữa.

Ánh nến bập bùng tỏa rạng. Ngoài bến sông từng luồng gió lạnh buốt rít lên. Trong trai phòng nhỏ, vị đại sư toan nói điều gì bỗng có tiếng ngựa hí dập dồn rồi ba bóng kỵ mã sầm sập lướt tới.

Trong thoáng chốc, ba kỵ sĩ đã tới sát ngôi tự. Những bóng người lập cập rời lưng ngựa. Cánh cửa chùa bật mở, ba người tiến vào trong trai phòng run rẩy quỳ xuống giọng khẩn thiết:

– Chúng thần Ngô Bân, Phạm Lang, Khả Mật liều chết tới tấu trình hoàng thượng! Xin hoàng thượng hãy lập tức khởi giá về kinh. Các tướng Đinh Công Bính, Trịnh Phong đã đem quân tới vây chặt thành Ô Diên rồi. Chỉ sáng mai, chắc chắn bọn chúng sẽ khai hỏa phá thành bắt giết phò mã cùng công chúa!

Vị đại sư phía trước khẽ giật mình lay động.

Triệu Vương vẫn ngồi im phăng phắc như không hề nghe thấy lời nói của ba vị đại thần vượt sương khuya gió lạnh tới tấu trình.

Một lát, Triệu Vương trầm giọng nói:

– Các vị ái khanh! Xin hãy ngồi dậy cho bớt lạnh!

Cả ba đại thần đều kinh ngạc trước thái độ của Triệu Vương. Không thể ngờ việc đã cấp bách nhường này hoàng thượng vẫn không tỏ vẻ gì sốt sắng?

Triệu Vương thong thả tự tay rót ba chung trà nóng nói:

– Ngô Tổng trấn! Nhị vị Thừa thị hãy thong thả dùng trà. Tiện có các vị đến đây, trẫm không phải cất công trở về kinh thành nữa. Ý trẫm đã quyết, ngày mai xuống tóc xuất gia không còn là hoàng thượng gì đó nữa. Bất luận việc nước hay việc nhà, trẫm đều không có ý kiến. Các khanh hãy thuận theo pháp độ Vạn Xuân tạm điều hành mọi việc đến khi có tân vương. Xin đừng làm khó cho ta!

Ba vị đại nhân Ngô Bân, Phạm Lang, Khả Mật không khỏi kinh động trong lòng, càng không tin vào tai mình vừa nghe những lời thốt ra từ chính miệng hoàng thượng. Đến như Tổng trấn Ngô Bân vốn lờ mờ đoán biết từ trước vẫn không khỏi kinh hãi. Đúng lúc dầu sôi lửa bỏng, Triệu Vương lại quyết ý xuống tóc làm sư thật không hiểu trời đất gì nữa. Như người á khẩu, họ Ngô chỉ biết uất nghẹn, đôi hàng nước mắt ứ đầy lặng lẽ trào ra.

Quá đỗi bất ngờ, hai vị quan văn vốn thường ngày dút dát giật mình suýt đổ sụm xuống miệng lẩm bẩm:

– Hoàng thượng!…

Sau phút bàng hoàng, với bản lĩnh của một tướng quân từng vào sinh ra tử, Tổng trấn Ngô Bân gạt nước mắt nói:

– Hoàng thượng! Quyết không thể được! Người không thể rũ bỏ triều thần mà đi như thế? Mạt tướng xin người hãy nghĩ lại.

Giọng Triệu Vương vẫn trầm tĩnh lạ thường:

– Ngô Bân! Ta đã nói với ngươi bao nhiêu lần rồi, còn phải nói bao nhiêu lần nữa đây? Sao các ngươi quá coi trọng hào quang vương vị đến lú lẫn hết cả như vậy? Bọn Đinh Công Bính, Trịnh Phong đã đành thất phu hồ đồ, sao ngươi cũng hồ đồ giống họ? Nay ta xuống tóc chính là để bọn chúng hạ đao kiếm xuống. Bọn chúng cố ép ta lên ngôi đế thực ra để chúng thỏa mộng công danh. Nay ta đã là hòa thượng, chúng tự sẽ biết thân phận của mình chẳng phải tốt hơn ư?

Ngô Bân vẫn quả quyết nói trong nước mắt:

– Không! Mạt tướng tuyệt đối không cho người xuất gia đâu! Hoàng thượng không thể trở thành hòa thượng được đâu? Mạt tướng sẽ cầu xin Phật tổ!

Trai phòng nhỏ bỗng chốc chìm trong im lặng. Ngọn nến đã sắp tàn chỉ còn le lói chập chờn. Bên ngoài, từng luồng gió bấc đập thuỳnh thuỳnh vào cửa gỗ. Bên trong, không khí như đông đặc. Chỉ nghe tiếng mõ của sư phụ Pháp Sơn lốc cốc vang lên.

Trong ánh nến chập chờn, tiếng Triệu Vương lại vang lên:

– Ngô Tổng trấn! Ta đã không nhìn lầm ngươi. Đào Lang Vương cũng sẽ không nhìn lầm ngươi đâu. Mọi việc ta đã bàn bạc với Triệu Chánh sứ, ngài ấy sẽ biết cách bẩm báo với Đào Lang Vương thu xếp mọi việc ổn thỏa. Phạm Tả Thừa, ngài vốn văn hay chữ tốt, hãy lập tức sửa soạn bút mực ra đây!

Tả Thừa thị Phạm Lang lập cập cúi đầu nói:

– Hoàng thượng!… Hạ thần… tuân chỉ!

Vừa nói, Tả Thừa thị Phạm Lang vừa đưa mắt có ý tìm bút mực. Đêm khuya, giữa lúc cấp bách đi tìm Triệu Vương, ba vị đại thần không kịp đem theo bất cứ thứ gì. Cũng may trong trai phòng cổ tự luôn sẵn nghiên mực. Đã thế, Triệu Vương mỗi lần di giá tới Luy Lâu thường cho chuẩn bị sẵn giấy bút để ngài tiện soạn kinh sách, chỉ dụ.

Hai vị quan văn lập cập sửa soạn được đám bút mực.

Trời còn chưa sáng hẳn, mặt sông lạnh buốt gió bấc ù ụ thổi.

Mấy con ngựa chiến bên ngoài chừng như quá lạnh đứng ép vào nhau thi thoảng gõ móng lộp bộp xuống khoảng sân đất trước ngôi tự.

Trong thư phòng ngôi chùa nhỏ, ánh nến bập bùng in lên vách gỗ những hình thù nham nhở lay động. Một khung cảnh lạ lùng hiếm gặp bày ra. Trên chiếc ghế trúc nhỏ gọn nhưng chắc chắn, Triệu Vương vẻ mặt cân quắc trang nghiêm đang chuẩn bị đọc chiếu lệnh. Cặp mắt của ngài ánh lên sự quả quyết. Đứng phía trước, Hữu Thừa thị Khả Mật run run bưng nghiên mực. Trên chiếc bàn trúc kề sát Triệu Vương, Tả Thừa thị Phạm Lang trải sẵn vuông lụa chuyên dùng để viết chiếu lệnh của hoàng thượng vẻ mặt căng thẳng. Tay ngài Tả Thừa run run cơ chừng không vững khi nhón cầm chiếc bút từ chiếc khay đựng nghiên. Ngay sát cánh cửa gỗ, Tổng trấn Ngô Bân đứng tựa trời trồng, khuôn mặt như hóa đá, đôi mắt mở to không chớp nhìn về phía đại sư Pháp Sơn đang lặng phắc như một pho tượng.

Trong khung cảnh chập chờn ấy, giọng Triệu Vương rành rọt cất lên:

– Tả Thừa Phạm Lang, khanh hãy chép rõ từng chữ cho trẫm!

Hai vị Thừa thị càng run cầm cập.

Giọng Triệu Vương đĩnh đạc cất lên:

“…Trẫm từ buổi vâng di mệnh của Lý quốc chủ cùng chúng tướng đánh đuổi bọn Trần Bá Tiên, Dương Sằn, khôi phục cơ nghiệp của Vạn Xuân, vẫn chờ có dịp sẽ trao về cho họ Lý mới là thuận đạo trời.

Nay Đào Lang Vương vốn dòng đích Lý thị; bên ngoài sáng lập huân công khiến Di Lạo thần phục triều cống, Lâm Ấp cắt đất tự nhận làm phên thuộc; bên trong tỏ rõ đức lớn, bách tính thị tộc đều quy phục, xứng đáng là bậc đế vương của Vạn Xuân ta.

Triệu gia từ trước vốn là thuộc tướng của Lý thị, nay trẫm dẫu được quân chúng suy tôn vương vị, song vẫn là thần tử của Nam Đế; vậy thời các tướng coi giữ binh quyền tuyệt đối không được tranh hùng với thuộc hạ của Đào Lang Vương; hãy sớm thuận theo ngài ấy giúp sức cho nước mới không phụ lòng trẫm.

Trẫm đã từ lâu mến mộ Phật pháp, chỉ mong phần cuối cuộc đời được làm một vị hòa thượng tụng kinh, gõ mõ, đọc sách, dâng hương nơi cửa chùa. Mọi việc lớn nhỏ trong ngoài Vạn Xuân, thảy đều trông cậy vào Đào Lang Vương.

Nay ban chiếu này, bố cáo cùng bách tính thị tộc Vạn Xuân!

Khâm thử!”

Triệu Vương đọc tới đâu, Phạm Lang gắng hết sức lực chép theo tới đó. Bên cạnh, không thể nín nhịn, Khả Mật run run bưng chiếc nghiên mực trợ giúp mà nước mắt cứ thế trào ra rơi từng giọt xuống lòng nghiên đá.

Câu cuối cùng của chiếu chỉ vừa dứt, Tả Thừa thị còn chưa chép xong, Khả Mật vội đặt nghiên mực xuống ú ớ rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự.

Nơi cánh cửa, Ngô Bân lặng lẽ đưa tay vuốt khuôn mặt đẫm nước mắt.

Triệu Vương bấy giờ lại nói:

– Ngô Tổng trấn! Phiền khanh hãy sớm về trước thành Ô Diên tuyên đọc chiếu chỉ này. Nếu các tướng vẫn còn manh động, trẫm đây chỉ biết trông chờ vào tài của Tổng trấn. Mọi việc khanh không phải hỏi gì ta nữa. Chỉ vài canh giờ nữa, ta đã là một vị hòa thượng sẽ không còn giúp gì cho các khanh được đâu.

Tổng trấn Ngô Bân từng theo hầu giá Triệu Vương hơn hai mươi năm quá hiểu ý chí sắt đá của hoàng thượng, biết nói thêm cũng vô ích bèn quỳ xuống nhận chiếu chỉ trong nước mắt:

– Thần xin lĩnh mệnh!

Ngô Bân run run tiếp nhận chiếu chỉ do đích thân Triệu Vương cuộn lại giao tận tay. Tiếng vó ngựa lộp cộp xa dần.

Sau khi Tổng trấn Ngô Bân và Tả Thừa thị Phạm Lang đem chiếu thư đi rồi cũng vừa lúc trời hửng sáng. Giữa mùa đông lạnh, không hiểu sao buổi sáng hôm đó lại đột ngột có ánh mặt trời dù gió bấc vẫn dồn về ngày một mạnh. Trong trai phòng chỉ còn lại ba người. Đại sư Pháp Sơn ngồi lầm rầm đọc kinh tay lần tràng hạt tay điểm mõ lốc cốc. Hữu Thừa thị Khả Mật mặt mũi xám ngoét không còn chút thần sắc ngồi im thỉnh thoảng đưa mắt nhìn Triệu Vương. Duy có hoàng thượng vẻ mặt vẫn tươi nhuần như không hề mệt mỏi sau một đêm thức trắng thỉnh thoảng đọc theo câu kinh của lão đại sư. Một lát, hoàng thượng đi vào bên trong căn buồng nhỏ thoáng cái trở ra đã thấy ngài ngự khoác trên mình bộ áo vải nâu nhà chùa khiến Khả Mật há hốc mồm kinh ngạc.

Triệu Vương đã chuẩn bị sẵn từ trước, tay cầm chiếc kéo nhỏ tiến tới trước mặt vị Hữu Thừa thong thả bảo:

– Khả Mật! Xin phiền thí chủ hãy xuống tóc giúp ta!

Vị Hữu Thừa giật thót mình không biết nói sao chỉ đứng run lập cập.

Triệu Vương lại ân cần nói:

– Nam mô a di đà phật! Xin Khả thí chủ hãy toại nguyện cho ta!

Vị Hữu Thừa chừng như quá run sợ cơ hồ không thể chịu đựng được nữa ngã lăn xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Triệu Vương liền quay sang phía lão đại sư Pháp Sơn:

– Bạch đại sư! Xin đại sư hãy xuống tóc giúp ta vậy!

Vị đại sư bấy giờ mới hơi ngừng tay mõ khẽ mở mắt nói:

– Hoàng thượng đã dốc lòng quy y Tam bảo là phúc lớn của Phật môn. Theo quy chế, việc xuất gia phải được bảo chứng của song thân phụ mẫu. Nay phụ mẫu của ngài đều đã không còn, ta có thể xin với Phật tổ chứng cho. Song việc xuống tóc cũng không cần phải quá gấp gáp. Trong vòng bảy bảy bốn mươi chín ngày thực hiện cũng chưa muộn.

Triệu Vương nghe vậy khẽ mỉm cười bảo:

– Ta đã đợi ngày này suốt mấy chục năm rồi chớ có bắt phải chờ lâu hơn nữa. Đại sư nếu lần chần không giúp, có lẽ nào ta lại tự xuống tóc cho mình?

Vị đại sư chỉ lốc cốc tiếng mõ không nói nửa lời.

Bỗng phía bên ngoài, cánh cửa gỗ từ từ mở ra, một chú tiểu khoảng hơn mười tuổi dáng người gầy nhỏ, cặp mắt sáng linh lợi bước vào nói:

– Nam mô a di đà phật! Con xin phép sư phụ toại nguyện cho vị thí chủ đây!

Đáp lại chỉ tiếng mõ lốc cốc.

Triệu Vương lộ vẻ vui mừng đưa ngay chiếc kéo cho chú tiểu.

– Sư đệ! Quả là ý trời sắp sẵn. Sư đệ mau giúp huynh xuống tóc đi thôi!

Chú tiểu lập tức đỡ lấy chiếc kéo. Khi vị thí chủ cao lớn vừa ngồi xuống, như đã sắp sẵn từ trước, chú tiểu lấy trong người ra một chiếc khăn choàng rộng trùm kín vai rồi thành thạo vung kéo lên.

Trai phòng vang lên tiếng kéo chạm nhau lách cách hòa cùng tiếng mõ.

Độ nửa khắc sau, khi Triệu Vương đã hoàn toàn là một vị hòa thượng, ngài dường như đặc biệt mến mộ vị tiểu sư đệ vừa xuống tóc cho mình bèn nói:

– Sư đệ! Chúng ta quả có nhân duyên. Sư đệ hãy đặt cho ta một pháp danh.

Vị sư nhỏ đang trầm trồ trước tác phẩm của mình thấy vậy tỏ ra thích thú nói:

– Sư huynh! Sư huynh thần thái khác thường, xuất thân tôn quý, trí huệ cao thâm, vậy hãy lấy pháp danh là Hành Thiện được chăng?

Vị sư mới cười vang đáp:

– Tốt lắm! Hành Thiện xin đa tạ sư đệ! Ta còn chưa biết pháp danh của đệ?

Vị sư nhỏ hoan hỉ nói:

– Đệ vốn mang họ Đỗ, bốn năm trước xuất gia được sư phụ ban pháp hiệu là Pháp Hiền. Pháp Hiền từ nay xin được theo cùng tu tập với sư huynh!

Sư Hành Thiện càng cười vang nói:

– Quả là thần kỳ! Ta thật vinh hạnh ngay buổi đầu nhập đạo đã được gặp sư đệ. Còn chần chừ gì nữa? Ta không thể ở lại nơi đây khiến mọi người khó xử. Đã xuất gia tất phải tự mình dựng chùa đúc tượng. Ngày trước, khi cùng ngài Hữu tướng Phùng Thanh Hòa vượt biển đánh bọn người phương Bắc, ta đã rất thích vùng núi non vịnh đảo cửa biển Đằng Giang. Sư đệ hãy cùng ta tới đó!

Pháp Hiền vui vẻ đáp:

– Đệ xin đi cùng với đại sư huynh!

Nói đoạn, bỏ mặc đại sư vẫn chìm trong tiếng mõ lốc cốc và vị quan văn còn chưa tỉnh, hai sư huynh đệ tay nải gọn gàng mở cánh cổng gỗ bước thẳng ra bến sông. Ở đó đã có sẵn con thuyền nhỏ. Chỉ trong thoáng chốc, chiếc thuyền chỉ còn là một chấm nhỏ trên mặt sông mờ mịt.

P.V.K

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm