TIN TỨC

Nhơn và Nghĩa | Hoa Cau

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-10 15:27:57
mail facebook google pos stwis
901 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HOA CAU

Tên gã là Nhơn, nhưng từ lâu xóm làng lại quên đứt, cứ quen gọi “thằng Câm”. Thường người ta kêu một đứa trẻ là thằng nhóc, thằng cu một cách âu yếm hay như thằng cướp, thằng côn đồ, thằng ôn dịch... để thể hiện một thái độ với mấy kẻ không ra gì. Còn gã, mấy chục năm rồi vẫn cứ là “thằng”, chắc vì gã cứ ngây ngây ngô ngô không chịu lớn, hay trong mắt mọi người cũng thuộc hạng chẳng ra gì?

Bộ dạng gã thấp nhỏ, mái đầu rối bù, hai con mắt hơi lồi, cái cười rộng khuyết hết mấy chiếc răng. Một khuôn mặt hơi ngơ ngác và mọi cảm xúc phơi bày ra hết, khi vui cũng như khi giận. Đám con nít vẫn lấy việc chọc tức gã làm vui, kéo thành một đám cười lăn cười lộn cho tới khi người lớn bắt gặp và rượt chạy tán loạn. Câm trông nhỏ thó nhưng khỏe và siêng năng. Trong xóm ai kêu gì làm nấy. Đào mương, cuốc đất, phác cỏ... Chẳng câu nệ giờ giấc nên người thương ưu ái có việc làm hoài không hết, kẻ xấu cũng thích vì được lợi dụng. Ngày rảnh rỗi thì châm bẩm cho mảnh vườn tạp, trồng thêm bụi chuối, dọn sạch đám cỏ cứ chực chồm lên đè bẹp mấy lãnh rau ngót. Hay lọ mọ leo lên nóc nhà vá chỗ ngói hôm qua bị cành mít đẩy lệch một lỗ khiến sáng nay một vòi nắng xiên thẳng từ nóc xuống đất. Chiều chiều, gã ưa nằm trên cái võng bắc một đầu qua cây mít, ê a hát những bài hát bí ẩn. Con gà mái lông nâu vàng đi vòng quanh lượm mấy hột cơm đổ, thỉnh thoảng dừng lại nghiêng ngó. Nhìn cảnh tượng có người cho rằng gã thật an nhiên tự tại, nhưng có người lại nói gã trông quá cô đơn.

Người trong xóm vẫn thường nhắc lại câu chuyện tình của gã, vừa thương cảm lại vừa hài hước. Năm ấy gã 18. Một người đàn ông làm mộ đá đến xóm và đưa theo một đứa con gái để lo chuyện cơm nước. Nó vừa 19. Gã gánh mạ đi qua, dừng lại nghiêng đầu cố “đọc” dòng chữ rối rắm viết theo kiểu thư pháp trên bia mộ, mắt bỗng chạm phải đôi mắt tròn của đứa con gái. Nó đang cầm một cái giẻ lau những bệt  xi măng vương vãi trên nền đá đen bóng loáng. Mắt nó cụp xuống một lúc rồi lại nhìn lên, vẫn là ánh mắt gã. Trong một lúc, người gã như đờ ra, không phải vì cặp mắt tròn mà vì một cái khác, đứa kia cũng là kẻ bị ông trời tước mất cái quyền được nói hệt như gã. Cô bất giác đưa bàn tay lên cổ, giữ ở đó. Gã cũng làm theo. Một vài tích tắc, rồi gã nhoẽn cười. Rồi cả hai cùng mỉm cười. Gánh mạ của gã sau đó bỗng dưng nhẹ hẫng, bước chân phăm phăm trên bờ ruộng. Mấy hôm, người ta thấy gã cứ lấn quấn chỗ mấy người làm mả, nhìn ngó phụ hợ cái này cái kia. Đám bạn thợ của cha cô gái trêu chọc, ghép đôi hai đứa với nhau, cười đùa ầm ĩ. Gã chạy về nhà, leo tót lên đọt cây ổi lựa những trái chín ngon nhất, bọc trong áo đem tới. Hai đứa thỉnh thoảng ngồi nép sau vách mấy cái mộ “nói” rất nhiều chuyện với nhau, những câu chuyện chỉ có hai đứa biết. Nhưng rồi một sáng, gã đến và ngỡ ngàng vì tất cả họ đã dọn đi. Gã ngồi thu lu dưới chân một ngôi mộ đợi, đợi hoài. Rồi men theo bờ dừa, bờ ruộng, mà đi tìm, vừa khóc hư hư.

Nhưng may đời hắn vẫn còn những người bạn. Cái con gà mái lông màu vàng nâu, bộ mặt quạu đeo đó là bạn gã. Sau cái đợt bị thằng mèo hoang rình bắt mất đàn con thì gã không cho nó ấp nữa. Cám cái cảnh cô đơn, gã quay mớ lá chuối khô trong một cái thúng rồi đặt kế chân giường làm ổ ngủ cho nó. Khi gã ê a thì mắt nó lim dim, thấy gã về thì cứ quấn bên chân. Bạn gã còn cả cây mít già rũ bóng lên mái hiên này nữa. Cơn giông năm đó tưởng đã bị quật ngã nhưng nó cố gượng, phần ngọn cứ hướng mặt trời rồi hồi sinh. Gã dùng hai thanh tre bắt chéo để nâng thân nó, vác đất phủ ấm bộ rễ bị bật khỏi đất. Trái mọc ra, mấy con ma đêm về thòm thèm cứ sờ mó làm thúi đen từng lỗ, gã lại lọ mọ gom giẻ rách giắt lên để đuổi chúng. Những cái rễ gồ lên, phần thân xoãi  dài trên mặt đất mốc meo sần sùi, thỉnh thoảng lại thấy mọc ra một chùm trái nhìn như mấy con heo con bú mẹ. Nhìn mà vui. Cuộc sống vậy mà êm đềm.

Giành gái – tranh sơn dầu – Bùi Quang Lâm.

Rồi đô thị hóa như một cơn lốc tràn về xóm quê, phát pháo đầu tiên là một con lộ mới. Con lộ như một con trăn khổng lồ trườn tới đâu nuốt gọn nhà cửa vườn tược cây cối vô bụng rồi nằm ềnh luôn ra đó. Giá đất lên thẳng đứng vẫn đông người mua. Nhà cửa mọc lên ép vườn ruộng co lại. Tiếng nhạc xập xình, tiếng cưa máy hạ cây, tiếng cột bê tông ép ầm ầm đêm ngày át hết tiếng chim ríu rít. Nhiều thứ để kiếm tiền, người ta không thiết gì việc trồng tỉa. Không ai kêu Câm hốt mương phác cỏ nữa. Mà gã thì không quen ở không. Câm nghĩ hoài bằng cái đầu chỉ quen nghĩ quẩn quanh, xa không qua nổi hàng cây ở mép rạch kia. Rồi mon men xếp hàng đàng sau đám mấy người xin vô xưởng, nhưng ai nhận một người như gã. Lại xin đi phụ hồ, vác bao xi măng 50 ký bước dệnh dạng. Lắm người tắc lưỡi: Ngồi trên đống vàng mà chi cho cực vậy!

*

Tên gã là Nghĩa. Đám nhân viên trẻ lễ phép gọi chú Nghĩa, trên giấy tờ thì đối tác trân trọng viết hoa ông Nghĩa, còn các cô phục vụ quán lại ngọt xớt anh Nghĩa, lờ luôn mấy vết chân chim tỏa ra từ đuôi mắt lúc gã xuê xoa cười nói. Ở chỗ nào, trong vai trò gì, Nghĩa cũng lấy được sự ưu ái, trọng vọng. Có lẽ vì ngoài trừ vị trí công việc thì gã có một vẻ ngoài chỉn chu và phong thái tự tin.

Cha mất sớm, từ nhỏ gã đã là niềm tin và hy vọng của mẹ. Trong lúc thằng anh suốt ngày moi hang bắt cua thì Nghĩa cắm đầu học. Gã học giỏi, mày mò siêng năng suốt thời niên thiếu rồi thì rẽ cánh đồng về phố phát triển sự học lên cao. Mẹ già chắt chiu mọi thứ xem như một cuộc đầu tư cho tương lai, bà muốn gửi gắm cho gã người anh trai tật nguyền ngốc nghếch, để bà có chết cũng thấy an lòng. Bà bán mảnh đất và ngôi nhà ngoài lộ dọn về rẻo đất nhỏ trong xóm xa heo hút, cũng để cho gã có vốn mở cơ sở làm ăn. Gã thương mẹ nên cố gắng không ngừng. Nhưng buồn thay, người mẹ lại đột ngột lâm bệnh mất trước khi nhìn thấy những thành công của con trai. Gã cũng thương lắm thằng anh khờ khạo từ nhỏ đã chịu thiệt thòi. Nhưng rồi cuộc sống đô thị, công việc làm ăn cứ thế cuốn đi. Nó như những con sóng lớn, lúc đẩy gã lên cao ngất trong thăng hoa hạnh phúc nhưng có lúc dìm gã tận đáy sâu, giẫy giụa quẫy đạp trong thất bại đau đớn. Gã mệt mỏi. Không có mấy dịp về lại cái rẻo quê xa hút. Lâu lắm mới gửi người ta đưa về một mớ bánh, sữa, gạo, mì... không khác gì những túi đồ từ thiện.

Người ngoài bảo Nghĩa có một gia đình hạnh phúc. Gã cũng từng nghĩ như vậy. Mẹ vợ gã bây giờ chính là chủ trọ năm xưa khi Nghĩa chân ướt chân ráo ra Sài Gòn trọ học. Vì thương thằng nhỏ nghèo mà chăm, có ý chí, giúp đỡ đủ thứ rồi gả cả con gái cho. Vợ gã  hiền, giỏi, chỉ cái ngoại hình hơi đẫy đà một chút, tính bộc tuệch không giỏi đẩy đưa. Sau này mở rộng ngoại giao, tiếp xúc được nhiều người trong giới có tiền có học, gã lại nhận ra thêm ở vợ mình cái thô mộc, tầm thường và cả sự kém duyên. Trong một bữa tiệc ở nhà người bạn, gã gặp Linh, một ca sĩ không tên tuổi nhưng cái vẻ thanh thoát, duyên dáng và chút gì bí ẩn đã khiến gã ao ước rồi say đắm. Hạnh phúc gia đình phút chốc tan nát. Gã ký vào đơn ly dị, nhà để lại cho vợ, mỗi tuần về thăm con. Có khoảnh khắc thấy mình chông chênh, nhưng cũng chỉ là khoảnh khắc.

*

Nghĩa về quê trên chiếc xe 4 chỗ màu đỏ mận. Người ta nói trước kia gã không về vì chưa có con lộ, ngõ nhỏ sình lầy, xe không vô được. Câm nhìn “người sang trọng”, ớ ra một chút rồi mừng rối rít, cứ đi vòng vòng ve vuốt chiếc xe.

“Mình sẽ phân lô miếng vườn, phải biến đất thành vàng thôi”, Nghĩa nói. Câm chẳng hiểu gì cũng gật gật đầu, đến lúc nhìn thấy mấy chiếc xe cẩu, xe kéo như những con quái vật khổng lồ gầm gừ tiến vào mới thấy sợ, cứ khua tay ú ớ. Bàn tay sắt của chiếc xe cuốc lạnh lùng lùa vào. Bức tường nhà đổ sụm vụn nát. Ký ức vụn nát. Ngôi nhà có bóng dáng cha mẹ, anh em đùa chơi. Tiếng cười vụn nát. Lộ ra một mảng trời xanh trống hoang. Lưỡi cưa máy rống lên hung hãn. Khi cây mít đổ xuống, bị phân thành khúc chất lên xe, Câm thấy mủ cây ứa ra nhiều trên mặt gỗ vàng cháy. Hay đó là máu nó! Con gà mái sợ hãi nhảy lên bờ rào, la quang quác. Một cái trứng vừa rơi bẹp xuống đất, thành một dúm lầy nhầy.

Đúng vào chỗ gốc mít già, một ngôi nhà 3 tầng sơn trắng với dãy lan can sắt chạm trổ uốn lượn kiêu hãnh mọc lên. Linh hay đứng ngả người ra seo-phì để lấy cái phông trời xanh mây trắng. Con Bé Ba, đứa con gái trong xóm trước quen hái rau bắt ốc giờ xin vào một chân osin. Việc của nó là mỗi ngày lau chùi hút bụi, cọ chổi lông gà từng cái khe bộ sa-lông gỗ khổng lồ với vô số chi tiết chạm trổ. Linh ưa sạch sẽ nên mọi thứ trong nhà luôn phải tinh tươm. Nghĩa có công việc dăm bữa mới về. Đã có một cuộc cãi vã kéo dài giữa hai người về việc Câm sẽ ở đâu, phòng nào trong nhà.

Con gà mái biến mất tăm giờ đột ngột trở lại tìm Câm vào một đêm mưa. Câm mừng lắm, cuống quýt lau bộ lông ướt rượt rồi lấy giẻ quây thành cái ổ đặt cạnh chân giường cho nó. Nhường nó tí cơm, nhìn nó đi túc tắc trong phòng, Câm vui hẳn, cái cảm giác trống trải từ hôm chuyển đến căn phòng rộng với đủ thứ lạ lẫm này như tan đi.

 Một sáng, Linh đang tập thể dục bỗng hốt hoảng khi phát hiện đâu ra một con gà đứng chơi trên lan can. “Ớ trời, Bé Ba ơi!...”. Con gà chạy trước, hai người phụ nữ hổn hển theo sau. Con gà vừa chạy vừa trượt trên sàn gạch bóng loáng, thay vì bay ra hướng cửa nó lại lúng túng đâm đầu vô phòng. Phòng đầy đồ đạc, túng quá, nó vụt bay lên, chuyền từ chỗ này qua chỗ kia. Đồ đạc rớt rơi xổn xảng. Như một trích đoạn phim hài hước. Kết cục, Linh gần như nghẹn thở không nói nên lời khi nhìn cảnh con gà đứng trên cái dra nệm trắng muốt, thở khò khè và ị ra một bãi. Bé Ba rình rập hai hôm và cuối cùng túm được nó trong cái tổ trong phòng chú Câm. Bé Ba kêu: “Nó già quá, dai như da giỏ xách cô ơi!”. “Thì dùng nồi áp suất!”.

Câm buồn. Câm nhớ mọi thứ. Bờ cỏ, cây mít già, hàng chuối, con gà kiếm ổ. Nhớ đứa con gái có đôi mắt tròn, nhớ mẹ nhớ cha. Lâu rồi, Câm không được thắp nén nhang lên bàn thờ cha mẹ. Phòng thờ ở tầng trên cùng. Câm lò dò trên cầu thang trong bóng tối. Dường như không phải chỗ này. Câm đang loay hoay thì bỗng có một bóng người lướt ngang. Cái bóng cao lớn ẩy chạm mạnh khiến Câm ngả ập đầu vào tường. Đèn bật sáng. Vợ Nghĩa mặc áo ngủ hiện ra, khuôn mặt giận dữ. Ánh sáng rọi vào chỗ thái dương Câm dòng máu như một con đỉa thò xuống từ trong tóc.

Sau hôm đó, Câm được chuyển xuống cái phòng cạnh bếp ở tầng trệt. Bé Ba vừa dọn đồ vừa lầm bầm: “Chú Câm vậy mà ghê lắm nhen, dám rình cả phòng ngủ cô Linh”.

Anh họ của vợ Nghĩa là một người đàn ông người xương xương nhưng trông bặm trợn, râu tóc rậm rạp, đi chiếc Vespa cũ tiếng máy bành bạch, dừng trước cổng rướn cổ nhìn vào bên trong, không chạy thẳng vô mà đẩy xe đi một đoạn dài. Những chuyến viếng thăm của hắn thường xuyên hơn từ lúc Câm chuyển xuống cái phòng nhỏ cạnh nhà bếp. Những tối đó, Bé Ba được phép về nhà chơi và ngủ với mấy đứa em. Nghĩa vẫn vắng nhà thường xuyên. Cửa cổng luôn đóng vì Nghĩa không muốn Câm lẻn ra ngoài. Như vậy người ta nói chết. Cái cửa tạm kéo ngang chân cầu thang cũng đóng vì không thể để Câm tùy tiện đi lung tung lên lầu được, phòng vợ Nghĩa trên đó, dù Câm ngốc nghếch nhưng vẫn là đàn ông, ai mà biết chuyện gì xảy ra. Câm đi tha thẩn trong sân, thỉnh thoảng áp mặt vào những song rào cả buổi nhìn ra. Có lúc thấy Câm bò dưới sàn nhà, hóa ra đang dõi theo bầy kiến đang xếp hàng một diễu hành qua sân. Câm có vẻ mập lên, hai cái má rám nâu ngày nào giờ hơi bũn nhũn, người chậm chạp đi, cặp mắt lộ vương vướng buồn. Hóa ra, gã đã biết giấu giếm cảm xúc, không như ngày trước, cứ rần rần vui buồn giận ghét.

Một ngày, Bé Ba để ý thấy cửa phòng chú Câm cứ đóng nình nịch, cả sáng hôm sau. Nó gọi, đập cửa gọi, rồi nó bắc ghế trèo lên chỗ thông gió. Nó rú lên thất thanh vì cái tư thế kỳ cục và bộ mặt như nhát ma người ta đơ cứng tự lúc nào. Có lẽ chú ngã té lúc đẩy cửa vô phòng vệ sinh. Cái kệ gỗ đựng ly chén bị níu nên ngã chổng kềnh kéo theo bao nhiêu là thứ. Công an đến. Đo, chụp, lấy dịch, hỏi han người nhà, ghi ghi chép chép các thứ. Nghĩa chạy về vào chiều hôm ấy. Sau đó được trả kết quả: đột tử. Những kẻ nhiều chuyện trong xóm cảm thấy bị cụt hứng, cho như vậy là chưa thỏa đáng, rồi tự dựng lên cái “thuyết âm mưu” về một án mạng liên quan đến chuyện tài sản. Nhưng có người tỏ ra biết chuyện, lắc đầu: Có gì đâu, nhỏ tới lớn ổng sống như một cái cây, nhổ ra khỏi đất rồi thì trước sau gì cũng chết héo thôi.

Cái chết của anh chồng cứ tưởng đã nhổ cho vợ Nghĩa một cái dằm khó chịu bấy lâu, nhưng mà không, cô vẫn thấy oán, vì thằng cha sao lại chọn chết ngay trong cái tổ ấm quá chừng lý tưởng thế này. Bây giờ, trong những trưa vắng, những tối muộn, nhìn đâu cũng như thấy cái bóng nhỏ thó bất động, cứ nhớ tới khuôn mặt ngơ ngác với một dòng máu đỏ thẩm trong cái đêm ấy, và trong tiếng xào xạc của cây lá quanh nhà, lại cũng như nghe những âm thanh u a vô nghĩa. Nghĩa lại đi. Ông anh họ lại cưỡi Vespa đến. Họ không lên phòng nữa mà ngồi  nói chuyện khá lâu trên cái ghế đá trước sân. Bé Ba cũng không được phép về nhà, vì tinh thần cô chủ không được ổn.

Sáng, Bé Ba nghe tiếng réo từ ban công tầng 1. Linh tay cầm cái bình tưới, mặt nhăn nhó: “Sao lại là phân gà ở đây, gớm chết, em dọn nhà kiểu gì vậy?”. Bé Ba nhìn theo ngón tay chủ, trên một khoảng tay vịn lan can nhưng nó chẳng thấy gì. “Ủa, đâu có gì đâu cô”. “Mày dọn nhà không sạch, còn cãi, mau lau dọn đi!”. Tiếng quát khiến nó bất ngờ. Nó liếc nhìn vẻ cau có trên gương mặt cô chủ, rõ ràng không có ý  đùa giỡn. Nó biết ý chủ ưa sạch sẽ tới mức cực đoan nhưng một việc thế này thì... Nó lấy một cái giẻ và bắt đầu cọ rửa chỗ lan can. Một chút hoang mang trong lòng.

Cho tới lúc những bãi phân gà lần lượt xuất hiện trên sô-pha phòng khách, dưới sàn nhà gạch trắng bóng, trên kệ ti-vi, thậm chí Bé Ba phải đem giặt cả bộ dra giường. Nó thề là chẳng có đống phân gà nào hết. Cô chủ nó như hóa rồ, tức tối la lối nó suốt, rồi ôm mặt khóc. Bé Ba rùng mình, tưởng tượng đến cảnh những bộ phim kinh dị mà nó từng coi. Nó lén bốc máy gọi cậu chủ. “Yên tâm đi, có thể cô Linh bị chứng hoang tưởng. Cứ lo cho cổ, xong việc cậu về liền”.

Gã anh họ đã đến trước khi Nghĩa về tới. Và đưa Linh đi. Thật ra chả có anh họ anh hàng nào cả. Đó chính là gã chơi organ trong nhóm nhạc trước kia, và cũng chính là kẻ đã sống như vợ chồng với Linh trước khi cô về với Nghĩa. Linh tới đây, tất cả cũng chỉ vì túi tiền của Nghĩa mà thôi. Tình yêu thì cô vẫn đặt ở nơi khác. Bé Ba không biết gì. Nó khóa cửa rồi ngồi bên ngoài đợi cả buổi chiều, cả ngày hôm sau, hôm sau nữa.

Nghĩa về, mở cửa, thả người xuống sô-pha. Gã vừa thắng một phi vụ làm ăn, tâm trạng khá nhưng người như đã trút hết cả sức lực, giờ chỉ muốn ngả lưng ngủ một giấc. Nhà vắng hoe. Cánh tay Nghĩa đặt trên tay vịn sô-pha bỗng trượt lên một thứ gì đó ươn ướt, lầy nhầy. Phản xạ cong khuỷu tay lên nhìn. Một cái mùi tanh tanh khó ngửi bất thần xộc lên. Giống mùi phân gà. Nghĩa bỗng rùng mình nhớ tới cú điện hôm kia của Bé Ba. Cái gì đây? Rõ ràng nó nhớt lắm và tanh khiếp. Nghĩa chạy vô nhà vệ sinh xả nước ướt cả cánh tay áo, nhưng không thoát được cái mùi khó chịu. Còn Linh, Linh đâu? Nghĩa chạy ra ngoài bấm điện thoại. Linh tắt máy. Một lúc, Bé Ba chạy vô. “Em có nghe mùi gì không?”. “Gì cậu?”. “Inh như phân gà”. Bé Ba giật mình lùi lại. “Em đi dọn sạch chỗ sô-pha đi!”. Bé Ba dạ dạ. Căn nhà có ma thật rồi. Nó chuồn về phòng, hốt vội vàng mớ quần áo nhét vô ba lô rồi gấp gáp lách mình ra khỏi cánh cổng lớn đi như chạy về nhà.

Vài hôm sau, người trong xóm thấy trước cổng treo tấm bảng đăng bán ngôi nhà. Ngó vào bên trong, cửa đóng kín mít. Chủ nhà không biết đã đi đâu!

Nguồn: Số 22, Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm