TIN TỨC

Thơ đã làm được những điều tưởng như không thể

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-08-04 00:21:12
mail facebook google pos stwis
749 lượt xem

Bruce Weigl sinh năm 1949, được biết đến là một nhà thơ đương đại có tầm ảnh hưởng lớn ở Mĩ. Ông cũng là một dịch giả và giáo sư đại học. Ông là tác giả của 13 tập thơ riêng và cuốn hồi kí nổi tiếng mang tên Vòng tròn của Hạnh. Bruce Weigl nguyên là Chủ tịch Chương trình Viết văn quốc gia Mĩ, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định thơ của Giải thưởng Văn học quốc gia Mĩ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học lớn ở Mĩ và hai lần vào chung khảo Giải thưởng Pulitzer với tập thơ Bài hát bom napan (năm 1988) và tập thơ Sau mưa thôi nã đạn (năm 2013). Điều đáng chú ý là, cả hai tập thơ này đều viết về cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, Bruce Weigl còn được biết đến là một cựu binh từng tham gia chiến tranh, nhưng điều đáng nói hơn, ông là một trong những người Mĩ đầu tiên trở lại Việt Nam để xoa dịu, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Nhà thơ Bruce Weigl

* Tôi đã nghe, đã đọc, đã biết rất nhiều câu chuyện về ông trong sự kết nối với Việt Nam. Thật vui hôm nay được trò chuyện với ông. Lần đầu xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, điều trước tiên ông muốn nói với bạn đọc là gì?

– Chà có vẻ hơi ích kỉ, nhưng điều đầu tiên tôi muốn nói với độc giả là sau khi dành nhiều thời gian hơn ở Việt Nam trong suốt ba mươi năm qua, bao gồm ba tháng mùa xuân năm nay ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tôi đã quyết định muốn dành một nửa thời gian mỗi năm sống ở Hà Nội. Trong ba mươi năm qua, tôi ngày càng trở nên gần gũi hơn với nền văn hóa cũng như với nhiều bạn bè của tôi ở đây, và đặc biệt là với cộng đồng văn học nơi tôi đang hoạt động với tư cách là một dịch giả. Nhưng không chỉ có những điều đó khiến tôi sống nửa cuộc đời của mình ở Việt Nam. Nó cũng liên quan đến nhịp độ cuộc sống, điều mà tôi cảm thấy tự nhiên, và còn có những điều quan trọng đối với mọi người ở đây nữa.

* Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 7. Ở đất nước chúng tôi, 27/7 là ngày tưởng nhớ và tri ân thương binh, liệt sĩ – những người đã quên mình để bảo vệ Tổ quốc. Chắc hẳn ông đã biết đến ngày này, có kỉ niệm nào đó ông muốn chia sẻ với chúng tôi không?

– Tôi nghĩ một trong những kỉ niệm sâu sắc nhất trong tôi là lần đầu tiên đến nghĩa trang tại Quảng Trị. Như bạn biết đấy, trong những ngày sau chiến tranh, người nước ngoài không được chào đón tại nghĩa trang, và người Mĩ thì bị cấm. Nhưng sau khi chính sách mở cửa bắt đầu, mọi thứ đã thay đổi. Tôi đã có cơ hội để đến thăm ngay sau khi thay đổi ấy diễn ra. Đó là một ngày nắng nóng và thật khó để có được một chút bóng râm nào ở đấy, chỉ có một vài cái cây, nơi mà cuối cùng tôi đã dừng lại và trú chân. Tôi đã đi bộ hàng giờ từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác và nhận ra rằng một số người được chôn cất ở đó có thể đã chết trong các trận chiến mà tôi đã tham gia, bằng một cách nào đó. Tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của những linh hồn này khi đi ngang qua nghĩa trang, thực sự là tôi đã cảm nhận điều đó rất dễ dàng. Họ đã hiện hữu đầy tự hào đằng sau những sự hi sinh và gắn kết với nhau bằng những kí ức về cuộc chiến. Trước khi nhận ra bao nhiêu thời gian đã trôi qua, tôi thấy mặt trời bắt đầu lặn, bầu trời chuyển thành màu đỏ. Chẳng bao lâu nữa là đến lúc quay trở lại ga cho chuyến về nhà của chúng tôi. Tôi đã nhìn lại nhiều hơn một lần qua cửa sổ phía sau. Tôi không biết mình hi vọng sẽ thấy những gì ở đó.

* Ông dường như là một trong những người Mĩ đầu tiên đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Điều gì đã thôi thúc ông trở lại nơi mà ông từng sợ hãi bởi chiến tranh?

– Điều gì khiến tôi quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh ư? Thực ra tôi chỉ cần nghĩ về quãng thời gian ở Việt Nam khi còn là một người lính trẻ để nhớ rằng tôi đã bị cuốn hút sâu sắc như thế nào đối với nơi này ngay từ đầu. Khí hậu nhiệt đới phù hợp với tôi, một số người Việt Nam mà tôi quen biết rất ngọt ngào và thân thiện. Điều khiến một người Mĩ như tôi lúc đầu nghi ngờ, cho đến khi tôi thấu tỏ được sự chân thành của họ. Tôi luôn nghĩ rằng với tư cách là một người lính trong cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam, tôi đã tham gia vào một sự sụp đổ lớn về mặt đạo đức và chính sách đối ngoại của đất nước tôi. Không bao giờ có bất kì lí do chiến lược nào khiến chúng tôi cần phải xâm lược Đông Nam Á. Tất cả chỉ dựa trên một lời nói dối và tôi đã giúp duy trì sự dối trá đó bằng cách chiến đấu trong chiến tranh. Tôi nghĩ rằng bằng cách quay trở lại, tôi có thể làm được một số điều tốt. Có thể bằng cách này hay cách khác. Đó là những gì đã thôi thúc tôi trở lại, hơn bất cứ điều gì khác.

* Ông đã trở lại trong vai trò hàn gắn nỗi đau chiến tranh. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng ông là một nhà thơ, một dịch giả dịch thơ Việt Nam ngay từ thời điểm ấy. Thế thì lúc này, thơ có phải là một sự kết nối, một điểm chung giữa ông và Việt Nam?

– Ở đây bạn hỏi liệu thơ có phải là sự kết nối, sự tương đồng giữa tôi và Việt Nam hay không, và tôi nghĩ tôi hiểu câu hỏi này. Có thể nói rằng thi ca là một dòng sông chảy qua tôi như cái cách máu của tôi chảy qua tôi vậy, và đó cũng là cách mà nó chảy qua nhiều bạn bè nhà thơ của tôi ở Việt Nam. Hay cũng có thể nói nó đã chảy qua Việt Nam cũng theo cách ấy. Công việc và tình bạn lâu dài của tôi với các nhà thơ Việt Nam cũng như với nền thi ca Việt Nam đã giúp làm phong phú thêm vốn liếng thơ của mình theo những cách mà tôi không bao giờ có thể làm được. Đó là một sự kết nối tạo mạch nguồn rất sâu trong tôi. Chiến tranh là điều đầu tiên đưa tôi đến Việt Nam do bị cuốn theo sự phù phép của một chính phủ đã lừa dối chúng tôi, nhưng chính thi ca đã dẫn tôi trở lại Việt Nam và điều đó giúp duy trì tình cảm thân thiết mà tôi dành cho Việt Nam.

* Ông đã biết rất nhiều nhà thơ Việt Nam, dịch thơ họ, thậm chí họ và ông cũng đã trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Và chắc hẳn không ai hơn ông lúc này thấy được những sự tương đồng hay khác biệt của hai nền thơ ca Mĩ – Việt?

– Gần như quá hấp dẫn để trả lời câu hỏi của bạn về việc các nhà thơ Mĩ và Việt Nam khác, hoặc giống nhau như thế nào. Tất nhiên, bất kì câu trả lời nào cũng sẽ là một sự khái quát hóa, nhưng thật buồn cười là đôi khi sự khái quát hóa đó vẫn diễn ra. Có lẽ đó là cách chúng trở thành khái quát hóa ngay từ đầu. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ các nhà thơ từ khắp nơi trên thế giới và điều làm tôi ngạc nhiên là, mỗi người – đàn ông và phụ nữ, nhà văn trẻ hay bậc thầy – đều có điểm chung dường như tất cả đều sẵn lòng rộng mở với những trải nghiệm hỉ nộ ái ố đa dạng nhất, để rồi quay trở lại và kể cho chúng ta nghe về những kỉ niệm và cảm xúc đó qua các trang thơ. Các nhà thơ Việt Nam và các nhà thơ Mĩ có khá nhiều điểm chung, và cũng có những điểm riêng rõ rệt. Ví dụ, các nhà thơ Việt Nam có thể đưa bạn một bài thơ và nói “tôi vừa viết được một bài thơ hay lắm, đọc đi”, còn các nhà thơ Mĩ thì chỉ đưa bạn một bài thơ và chờ nghe bạn nói; ở Việt Nam các nhà thơ và các nhà phê bình cũng có mối quan hệ vô cùng mật thiết, còn ở Mĩ họ luôn có một khoảng cách nhất định, các nhà phê bình ở Mĩ luôn muốn tạo ra một khoảng cách với người sáng tác để nhìn nhận tác phẩm một cách trung lập. Nhưng điểm chung quan trọng nhất của các nhà thơ hai bên là lòng tôn kính sâu sắc khi kiến tạo nên những con chữ “đúng đắn” (thay vì bẻ cong nó theo một sự lèo lái nào đó) và có sự tin tưởng rằng một điều đúng đắn là điều hiếm có và đáng giá trên thế giới này.

* Tôi được biết, ông có một năm tham chiến ở Việt Nam và ông sáng tác thơ sau khi trở về từ cuộc chiến tranh ấy – những bài thơ đầy ám ảnh về cuộc chiến. Vậy lần đầu tiên ông tiếp cận với thơ Việt Nam là từ khi nào? Và những ý nghĩ đầu tiên của ông về thơ Việt Nam khi đó? Bối cảnh lịch sử khi ấy có là rào cản với thơ không, thưa ông?

– Bạn hỏi không theo cách của một bạn trẻ thông thường đâu. Bạn đã đánh thức những kí ức trong tôi, nó đang xáo trộn, tôi sẽ nói theo những điều gì xuất hiện trong tôi lúc này trước nhé. Tôi tin là bạn đã biết đến Trung tâm William Joiner(1). Chúng tôi đã mua lại số lượng lớn những tư liệu mà quân đội Mĩ thu được trong chiến tranh ở Việt Nam. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng sửng sốt là, phần lớn trong các tư liệu đó là những bài thơ của những người lính Việt Nam nói lên cảm xúc rất con người như sự cô đơn, nỗi nhớ nhà, tình yêu đôi lứa… Trong đó có bài thơ Núi đôi xuất hiện rất nhiều trong nhật kí của những người lính Việt Nam. Theo cách hiểu thông thường, thơ trong chiến tranh là thơ tuyên truyền. Nhưng Việt Nam là một ngoại lệ vì có những bài thơ rất hay, đó là những bài thơ nói về con người và thân phận. Chúng tôi đã lựa chọn và dịch tập thơ Tư liệu từ chiến trường cũng bắt đầu từ điều này. Thời điểm đó, ở Mĩ chưa từng có thơ Việt Nam và tập thơ đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về Việt Nam một cách chân thực nhất. Có những bài thơ chúng tôi không thể dịch vì dấu vết chiến tranh. Chúng tôi đã rất sốc bởi nhận ra cảm hứng chung trong mỗi bài thơ của họ là tính nhân văn, rất con người trong bối cảnh chiến tranh. Chiến tranh vốn rất phi nhân nhưng cảm thức người trong thơ của họ đã được tái hiện trong bối cảnh phi nhân ấy. Tập thơ được đón nhận rất nhiệt tình ở Mĩ vì nó cung cấp góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam, con người Việt Nam mà trước đó người Mĩ không biết đến. Thông thường người Mĩ không quan tâm đến thơ ca lắm. Tập thơ như cánh cửa mở ra con đường tiếp cận thơ Việt Nam.

* Cảm ơn ông vì những chia sẻ này. Tác giả của bài thơ Núi đôi mà ông vừa nói đến chính là nhà thơ Vũ Cao, từng là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội của chúng tôi đầu thập niên 1970. Chúng tôi có những nhà thơ tên tuổi, là niềm tự hào của thi ca Việt Nam trong cuộc chiến tranh ấy. Vậy những người lính Mĩ/nhà thơ Mĩ họ có làm thơ trong chiến tranh không?

– Ồ! Thật hết sức thú vị với những gì bạn chia sẻ. Tôi đã biết đến Vũ Cao và bài thơ nổi tiếng nhưng không hề biết ông ấy từng là Tổng biên tập của tờ tạp chí danh tiếng về văn chương này của Việt Nam nói chung và Quân đội Việt Nam nói riêng. Chúng ta đang xuất hiện ở đây phải không nào! Tôi hiểu niềm tự hào ấy của các bạn, và các bạn hoàn toàn xứng đáng.

Về câu hỏi của bạn, nó thật sâu sắc và đáng để suy ngẫm, bởi nó gợi lên sự khác biệt từ trong cách đến với chiến tranh của hai bên. Tôi đã tham chiến giai đoạn 1967-1969, đó là giai đoạn mà tôi muốn viết nhưng tôi không thể viết. Trở về từ cuộc chiến tranh ấy tôi đã viết những bài thơ đầu tiên về Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều người đã chết bởi cuộc chiến này nên người Mĩ khi đó thực sự mệt mỏi và không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về sự chết chóc. Và điều đáng nói ở chỗ, những người lính Mĩ chỉ tham chiến một đến hai năm, trong khi những người lính Việt Nam thì thời gian trải qua chiến tranh dài hơn rất nhiều nên trải nghiệm của các nhà thơ Việt Nam cũng sẽ sâu hơn, viết sâu hơn và họ sẽ có những góc nhìn tận cùng hơn. Quân đội Mĩ không vừa tham chiến vừa làm thơ. Sự khác biệt này có thể do nguyên nhân lịch sử, văn hóa, lối giáo dục… Và đặc biệt, bối cảnh Việt Nam thường trực phải nghĩ về chiến tranh. Với người Mĩ, ở thời điểm ấy thì bối cảnh đó là hoàn toàn mới.

* Theo tôi được biết thì ngay cả khi còn nhiều khó khăn trong quan hệ Việt – Mĩ vào những năm đầu 1980 thì ông và các nhà thơ Mĩ ở Trung tâm William Joiner đã có những nỗ lực không ngừng để mở ra con đường đến Việt Nam. Sau năm 1986, các nhà thơ, nhà văn Mĩ và Việt Nam đã có những sự gặp gỡ, chia sẻ đầu tiên về những vết thương sau chiến tranh cũng như về thi ca… Ở thời điểm ấy có những sự khác biệt hay cách biệt nào giữa hai phía không, thưa ông?

– Ồ, tôi nghĩ là tôi hiểu ý của bạn muốn biết nhiều hơn thế. Phải nói là khi đó không có sự khác biệt về bản chất văn chương mà có sự khác biệt trong tiếp nhận. Ban đầu hai bên có một chút khó khăn, ngại ngùng nhưng sau khi hiểu nhau hơn thì chúng tôi đều nhìn thơ ca như nó đang là mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác. Các nhà thơ Việt Nam thường nói trực diện vào đau thương của chiến tranh còn các nhà thơ Mĩ tiếp cận nó theo cách gián tiếp hơn. Nhưng bởi họ cùng chia sẻ bối cảnh chiến tranh nên hiểu nhau hơn và có sự kết nối ngay từ đầu.

Lúc đó tôi thấy rõ, thơ ca Việt Nam đa dạng về đề tài, thể loại. Các nhà thơ có đam mê và đầy sự dấn thân, điều này khác ở Mĩ. Các nhà thơ Việt Nam dường như chuyên nghiệp hơn, còn ở Mĩ thì theo kiểu thích thì làm.

Ở Mĩ khoảng những năm 1980 trở đi đã cởi mở hơn về xã hội. Nhiều chủ đề trước đây bị cấm như dân tộc, chủng tộc, giới tính… thì lúc này đã được đề cập đến với nhiều hình thức đa dạng. Trước đó chúng tôi có hai cách chủ yếu để biểu đạt trong thơ, một là kể những câu chuyện nhất định, hai là thơ thi ảnh – những hình ảnh đặt cạnh nhau để nói gì đó. Nhưng lúc này đã thêm kiểu kết hợp hai hình thức chung.

Hiện nay thì giữa hai nền thơ của chúng ta đã có sự tương đồng về hình thức và cảm quan do quá trình giao lưu, tiếp nhận. Tôi phải nói thêm rằng, chiến tranh đã huỷ hoại của cả hai đất nước chúng ta rất nhiều thứ. Tôi nhắm mắt lại để suy tưởng và tôi hiểu, lúc này đây tôi đang ngồi trò chuyện cùng bạn về thi ca là điều quá tuyệt vời. Mấy chục năm trước tôi không tưởng tượng được có một lúc nào đó lại có thể nói chuyện một cách sòng phẳng và cởi mở về thi ca với một thế hệ khác của Việt Nam như thế này.

* Tôi nghĩ bởi vì thơ đứng ngoài mọi rào cản và thơ ở trong mỗi chúng ta.

– Bạn nói đúng. Và thực tế đã cho chúng ta thấy, thơ ca đã làm được những điều tưởng như không thể… Thực ra tôi còn suy nghĩ rất nhiều về việc những người viết trẻ Việt Nam hôm nay vẫn luôn trăn trở về chiến tranh trong sáng tác của họ.

* Bởi vì hệ lụy của chiến tranh vẫn còn, vẫn hiện diện rất nhiều xung quanh chúng ta chứ chiến tranh không hề vô tăm tích khi nó kết thúc. Chiến tranh cũng không đơn thuần chỉ là bom rơi đạn nổ và văn học thì đâu phải để tả bom rơi như thế nào, và đường bay của những viên đạn ra sao. Tôi nghĩ văn học là cái nhìn rất sâu vào phía sau những gì đã/đang/sẽ xảy ra để thấy được cái mà liên tưởng, suy tư của chúng ta chạm tới là gì…

– Thật thú vị! Những chia sẻ của bạn làm tôi nhớ đến cuốn sách Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm của nhà văn Stephen Crane. Ông ấy chưa từng tham gia cuộc nội chiến ở Mĩ nhưng nó được coi là một tuyệt tác viết về cuộc nội chiến ấy. Vậy thì đúng là người viết tham chiến hay không không quan trọng, quan trọng là thể hiện được bản chất của cuộc chiến đó. Chính xác là có thể tiếp cận từ góc độ của người bình thường không trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên tôi vẫn dành cho thế hệ các bạn sự yêu mến này bởi tôi nghĩ mọi thứ như bạn nói, nó ở tầng lớp sâu xa mà chỉ những người viết thực sự mới chạm tới. Tôi còn muốn bổ sung rằng, đó còn là khao khát muốn tìm sự thật rõ ràng.

* Vậy theo ông, có mối liên hệ nào giữa thơ ca và chiến tranh, bởi chiến tranh chắc chắn không đơn thuần chỉ là một đề tài cho thơ?

– Phải nói rằng, nếu không hiểu kĩ câu hỏi của bạn nó sẽ lại bị khái quát hóa đấy. Nhưng tôi hiểu mối liên hệ mà bạn muốn hướng đến ở đây, dựa vào những gì chúng ta đã trò chuyện. Khi tìm hiểu về lịch sử tôi khá bi quan về vai trò của chiến tranh. Thơ không thể ngăn cản chiến tranh. Chiến tranh vẫn xảy ra và thơ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, thơ nói lên được sự thật lịch sử mà những hình thức khác không nói lên hoặc khó làm được. Thơ có tác động mạnh, thúc đẩy chúng ta có trách nhiệm với những gì chúng ta gây ra trong cuộc chiến. Hơn nữa, thơ ca duy trì được tính toàn vẹn. Động lực làm thơ mang tính con người chân thật. Với những người đã tham chiến và bị chấn thương tinh thần không thể chữa lành, anh ta phải chấp nhận và tiếp tục. Tuy thơ nói lên sự thật nhưng không thể chữa lành, có điều thơ làm ta nhẹ nhàng hơn. Tôi nói điều này từ trải nghiệm của một người tham chiến. Vẻ đẹp của thơ ở chỗ nó mang đến bản chất của con người thật nhất, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nó đối nghịch với sự bạo lực của cuộc chiến.

Lịch sử và chiến tranh luôn có những khoảng mờ. Thơ ca không phải mảnh ghép để lấp đầy lỗ hổng của lịch sử mà là cách tiếp cận mang tính thách thức cách hiểu thông thường của chúng ta về lịch sử nói riêng và thế giới khách quan nói chung.

* Tôi hiểu những chia sẻ này của ông. Tôi muốn ông chia sẻ kĩ hơn với bạn đọc về việc ông đã gắn bó với Việt Nam như thế nào kể từ lần trở lại đầu tiên sau chiến tranh? Được biết ông cũng là một trong những dịch giả có công lớn trong việc đem thơ Việt Nam đến với bạn đọc ở nước ngoài khi đã dịch hơn 20 tác phẩm thơ Việt Nam. Đáng nói là, việc dịch thơ thì chưa bao giờ là đơn giản cả.

– Tôi đã nhận một bé gái Việt Nam mồ côi làm con nuôi. Tôi đã viết thơ, viết sách cho con bé, đó chính là cuốn Vòng tròn của Hạnh, và hằng ngày tôi cùng con trò chuyện về Việt Nam. Bây giờ tôi đã trở thành ông ngoại. Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về hành trình dịch thơ Việt Nam ba mươi năm qua. Hành trình ấy đã giúp tôi hiểu đất nước của các bạn và cho tôi xích lại gần hơn với Việt Nam.

Phải khẳng định ngay rằng, trong quá trình dịch thuật thì việc tìm hiểu về nền văn hóa là quan trọng. Trong 30 năm dịch thơ Việt tôi đã làm việc với các nhà thơ Việt Nam để hiểu hơn về văn hoá của các bạn. Ngôn ngữ Việt cần bối cảnh, khi hiểu được nền văn hóa thì việc dịch thuật mới bắt đầu. Người dịch phải hiểu được bài thơ trong bản gốc. Nếu không cảm nhận được bài thơ ở ngôn ngữ gốc thì không dịch được. Tôi chọn dịch khi tôi thực sự hiểu, bám vào nguyên văn trước. Dịch sát nghĩa trước khi dịch thơ. Sau đó đối chiếu lại với một nhà thơ người Việt. Đối chiếu xem tại sao lại chọn từ này. Phải là một nhà thơ thì dịch thơ mới tốt. Không phải nhà thơ mà dịch là kiểu hàn lâm, cơ học.

Ở tập thơ Tư liệu từ chiến trường, tôi làm việc với người không phải nhà thơ nên rất khó khăn và tôi nghĩ là dịch chưa được tốt. Từ đây tôi quan tâm đến việc học tiếng Việt. Tôi đã bắt đầu bằng việc học những phần riêng lẻ như từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc cơ học của ngôn ngữ. Càng học tôi càng nhận ra mình không biết được gì. Bắt đầu từ năm 1990 tôi quay lại Việt Nam hằng năm để học tiếng Việt qua thầy cô.

Tôi đã dấn thân tìm hiểu về văn hóa Việt Nam vì nhận ra chỉ học ngôn ngữ thôi chưa đủ mà phải hiểu bối cảnh lịch sử, văn hóa. Năm 2014 tôi cùng Nguyễn Phan Quế Mai dịch Bí mật hoa sen, từ đây tôi nhận ra phải học văn hóa bởi vì ngôn ngữ tồn tại như một sinh thể trong môi trường sống, không thể tách rời khỏi bối cảnh văn hóa. Tôi cũng đọc nhiều tư liệu sách vở để có nhiều góc nhìn và bao quát hơn. Trong các tình huống giao lưu tôi cũng đặt cho mình những câu hỏi để suy nghiệm về ngôn ngữ nói chung và văn hóa nói riêng. Ví dụ những khác biệt tinh tế trong tiếng Việt. Đối sánh về văn hóa và ngữ nghĩa để hiểu hơn, từ đó suy tư và phản biện.

Cũng phải nói thêm rằng, các bạn có một nền thi ca rực rỡ nhưng quốc tế chưa biết nhiều đến các bạn, đó là một sự thiệt thòi. Có lẽ còn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực để văn học Việt Nam được cất cánh ra bên ngoài biên giới.

* Vậy với quan sát của ông thì đâu là hướng đi tích cực trong công việc ý nghĩa này?

– Bạn biết đấy, số lượng xuất bản thơ ở Mĩ không bằng Việt Nam. Ở Mĩ việc xuất bản sách là rất khó khăn. Thường mất hai đến ba năm kể từ khi tác phẩm được gửi đến nhà xuất bản, cho đến khi nó được duyệt và xuất bản. Người Mĩ quan tâm đến văn học Việt Nam qua các tác phẩm được dịch, tôi nghĩ cộng đồng đọc sách bằng tiếng Anh cũng vậy.

Vậy thì các bạn nên chú trọng vào việc chăm sóc dịch giả và mở ra mối quan hệ với những nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch thuật Quốc tế. Đây là một ý tưởng tuyệt vời nhưng nó cần được mở rộng bao gồm cả việc đào tạo các dịch giả trẻ để họ chuyển ngữ những tác phẩm mới nhất, đương đại nhất của Việt Nam.

Theo tôi, dịch giả dù là người bản địa hay người nước ngoài thì đó cũng nên là một nhà thơ. Làm sao có thể dịch được thơ khi dịch giả không phải nhà thơ. Chỉ khi là nhà thơ họ mới hiểu và truyền tải được hết giá trị của thơ ca.

* Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện ý nghĩa và thú vị này!

Cảm ơn dịch giả Mai Trang và nhà thơ Lê Hoà đã giúp đỡ phần chuyển ngữ để bài trò chuyện được trọn vẹn!

 Kim Nhung/VNQĐ

——–

1. William Joiner là tên của một người lính Mĩ gốc Phi làm nhiệm vụ hàng ngày chuyển các thùng chất độc da cam ra máy bay tại căn cứ ở Guam để chở sang rải ở Việt Nam. Không trực tiếp tham chiến ở Việt Nam nhưng W. Joiner đã bị nhiễm chất độc da cam và sau đó trở thành người phản chiến quyết liệt, và đã mất vì chính hậu quả chất độc da cam. Trung tâm William Joiner được thành lập vào năm 1982 tại Đại học Massachusetts và lấy tên ông như một biểu tượng. Sứ mệnh của Trung tâm là tranh đấu cho công cuộc chống chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam và hòa giải lâu dài giữa hai dân tộc, chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa và văn học nghệ thuật.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm