TIN TỨC

Đò đầy vơi, bến cũ chẳng quên người!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-04 09:13:11
mail facebook google pos stwis
1287 lượt xem

NGÔ MINH OANH

Tôi muốn mượn một câu thơ trong bài Thăm lại chuyến đò xưa để mở đầu cho  bài viết về chị, nhà giáo – nhà Thơ Triệu Kim Loan, người đã trọn đời gắn bó với nghề giáo, suốt đờì chở nặng con thuyền chữ nghĩa cho bao thế hệ học trò đến bến bờ tri thức và hoàn thiện nhân cách làm người.


Nhà thơ Triệu Kim Loan và bìa tập thơ mới

Nhà giáo – nhà thơ Triệu Kim Loan sinh ra ở Hưng Yên, vùng đất xứ Đông có bề dày văn hiến, lớn lên ở vùng trung du đất Tổ với “rừng cọ, đồi chè” bát ngát mang đậm dấu ấn trầm tích lịch sử, văn hóa thời Vua Hùng dựng nước. Có lẽ những gì mà hai vùng đất ấy mang lại đã nuôi dưỡng tâm hồn chị, để rồi chị thi vào khoa Văn của Trường ĐHSP 2 Hà Nội, dùi mài “kinh sử” và trở thành cô giáo dạy văn, gắn bó với trường, lớp, học trò đã hơn 40 năm nay.

Đến với thi ca khá muộn nhưng chị đã liên tiếp cho ra đời bốn tập thơ: Khoảng lặng (2020), Suy tư chiều (2021), Khát vọng xanh (2022), Đối thoại đêm (2023) và tập Cảm nhận văn chương (2023). Đan xen những đề tài về quê hương đất nước, tình yêu, thân phận người phụ nữ là đề tài trường lớp với ăm ắp ký ức ngọt ngào về thời sinh viên áo trắng, về sân trường, lớp học với những giọt nắng, hạt mưa: Nắng thắp lửa trên cây phượng vĩ/ Giọt la đà, nhảy nhót đùa vui/ Nắng tung tăng sân trường lớp học/ Chơi trốn tìm, ghế đá, hàng cây (Giọt nắng sân trường), Tà áo trắng - sân trường - nắng vỡ/Nắng tinh nghịch luồn qua cửa sổ (Sắc Phượng); hay Phượng nhoẻn cười khoe nắng/ Gọi tiếng ve thức tìm (Ngược mùa) và Khẽ bay tà áo trắng/ Gió đùa tóc em mây (Tháng tư)… Nhà thơ cảm thương những áp lực và gian khó của học trò khi bước vào mùa thi: Không có Những chiếc giỏ xe / Chở đầy hoa phượng/ Chỉ có ngày đêm / Miệt mài sách vở, Thắt lòng/ Thương tiếng ve ngân/ Xao xác chiều hè cuối hạ/Thương cây bàng/ Xoè ô đứng đợi/ Thương phượng gầy/ Thắp lửa/ Những mùa thi. (Thương) hay Mùa thi về hối hả / Vỡ òa tiếng ve ran (Tháng Tư). Những hình ảnh này không mới nhưng có lẽ tình yêu nghề, gắn bó và thấu cảm với học trò sâu nặng đã làm nên những xúc cảm trong veo, giàu thi ảnh đến vậy.

Hình ảnh cây phượng, hoa phượng trong thơ Triệu Kim Loan đa dạng gắn với biết bao kỷ niệm để lại trong tôi nhiều cảm thức. Cánh phượng đã cùng nhà thơ song hành trong suốt cuộc đời nhà giáo, gắn bó với chị như người bạn thân thiết để chị gởi gắm những nỗi niềm tâm sự. Đó là cánh phượng một thời cắp sách: Hạt mưa nào tinh nghịch/ Sà vào trang vở thơm/ Cánh phượng rơi sân trường/ Bồng bềnh sắc đỏ (Một chiều mưa). Khi tuổi đời đã xế chiều, cánh phượng vẫn rực hồng và nồng nàn trong nỗi nhớ: Phượng náo nức tháng năm về bung lửa/ Ơi thương lạ loài hoa như mắt nhớ/ Có phải hoa cũng nặng nghĩa như người / Như loài ong tìm hương ướp mật/ Để mùa về sắc phượng nghẹn ngào rơi (Sắc Phượng). Nhà thơ đã trải qua những ngày vô tư cống hiến, để rồi khi xa trường, nhớ lớp bỗng giật mình: Phượng phập phồng nhóm lửa/Tháng tư ơi! Giật mình… Hình ảnh hoa phượng trong dịp gặp lại bạn bè, thầy cô thật cảm động: Bàn tay nắm xiết bao mừng tủi/ Tóc màu tro thành lửa thắp phượng hồng (Vọng mãi những niềm thương).

Yêu nghề, yêu người, yêu thơ là mối lương duyên hội tụ trong tâm hồn chị. Vì thế, sau khi nghỉ hưu, chị vẫn miệt mài với trang giáo án, với con chữ, với học trò thân yêu: Trang giáo án mở thật thà/ Bao nhiêu gương mặt như xa như gần/ Bảng đen - phấn trắng - thanh xuân / Chuyến đò ngang đã bao lần vượt sông (Tiếng Ve), Ngày qua ngày vẫn say mê đến lớp/ Lái con tàu rẽ sóng, để ra khơi/ Đem nhân tâm trải khắp mọi miền/ Đem trí tuệ thắp lên ngàn khát vọng/ Cánh đồng rộng nhọc nhằn con chữ/ Mùa gặt về hoa nở thắm trên môi. (Đời gieo hạt). Không chỉ có niềm vui cống hiến, nghề chở đò không ít những suy tư, nhọc nhằn về con chữ, về những học trò chưa ngoan, trước những yêu cầu đổi mới và sự đòi hỏi khắt khe của thời đại. Hạnh phúc của người thầy phải đổi bằng trí tuệ, mồ hôi và cả những giọt nước mắt: Khoảng sân rộng vệt nắng rơi từng sợi/ Phấn trắng, bảng đen cây thước rã rời (Đau). Chị trân trọng tình cảm yêu thương, chia sẻ của người chồng dành cho mình:  Anh thương gánh chữ chập chùng em mang/Em người đưa khách đò ngang/ Bao nhiêu khát vọng gửi đàn con thơ/ Lớp đò đầy, lớp sóng xô/ Chặt chèo lựa sóng cặp bờ tương lai. (Viết cho anh).

Xuyên suốt những bài thơ của chị, nhà thơ – nhà giáo Triệu Kim Loan là lối sống giàu nghĩa nhân, có trước, có sau. Đó là tình thương yêu, thấu cảm dành cho học trò những mùa thi vất vả, là tình thương, xa xót trước sự ra đi của một đồng nghiệp khi tuổi đời còn trẻ: Ghế đá kia trống một chngồi/ Sương nhòe ướt ngôi trường, bè bạn/ Học trò ngơ ngác/ Định mệnh nào nghiệt ngã/ Cuốn thầy đi? (Đau). Chị dành những vần thơ mộc mạc, sâu lắng để tri ân thầy cô từng dạy mình: Người chở đò tóc màu mây năm ấy/ Khách đi đò tóc cũng nhuốm màu tro/ Vui gặp gỡ lệ rưng trào khoé mắt/ Thắp lửa hồng, xanh nhớ những ngày mơ, hay Như đàn chim náo nức trở về cây/ Như sông suối trôi về biển rộng/ Đò đầy vơi, bến cũ chẳng quên người (Thăm lại chuyến đò xưa), Ngàn con sóng quây quần biển nhớ/ Những loài hoa, năm ấy vẫn hương chờ/ Thầy tôi đó dệt nên miền cổ tích/ Ngọn Hải Đăng sáng mãi một bến mơ!” (Thầy tôi).

Suốt một đời tận tụy với nghề, say mê học hỏi và cống hiến, chị đã nhận được nhiều bằng khen của Thành phố, bằng khen của Bộ Giáo dục Đào tạo và giải thưởng Võ Trường Toản, một giải thưởng cao quý của ngành giáo dục Thành phố trao tặng. Nhà thơ – Nhà giáo Triệu Kim Loan quan niệm ngôi trường là chiếc nôi nhân nghĩa. Nơi ấy chị và biết bao đồng nghiệp vẫn lặng thầm gieo hạt “đem trí tuệ thắp lên ngàn khát vọng”, đem “nắng vàng ươm mật trời xanh”, “nôi nhân nghĩa sáng ngời nhân nghĩa”. Phải chăng đó là tuyên ngôn, là sự hòa quyện của tình yêu, tinh thần trách nhiệm, khát vọng trong tâm hồn một nhà giáo, một nhà thơ như chị. Xin chúc mừng những đứa con tinh thần tròn trịa của chị chào đời đến với bạn đọc xa gần trong buổi sáng ấm áp ngày hôm nay.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm