TIN TỨC

Ai về nơi ấy cho tôi biết…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-03-25 12:57:39
mail facebook google pos stwis
741 lượt xem

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Có khi nào dọn đến ngôi nhà, ta tự hỏi: Ai đã sống nơi này trước khi ta đến?

Có đấy. Khi tôi một mình ôm đứa con 6 tuổi vào thành “người Saigon” chưa có nhà cửa, ở nhờ nhà chị gái- đúng ngôi nhà tại Quận 5 của một vị tướng nổi tiếng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

Nhà của Tướng lớn nên có cả trụ xây cao cho máy bay trực thăng có thể đậu xuống, và quá lớn nên đã chia cho mấy chủ mới ở hết. Giống như một khu nhà tập thể.

Đứa con 6 tuổi của tôi ấy nay đã thành một họa sỹ đang làm việc tại Mỹ và thật tình cờ, anh đã liên hệ được với người con của vị Tướng đã rời Saigon năm 1975. Họ trò chuyện với nhau về ngôi nhà họ đã từng sống qua các thời khác nhau, từ cái sân và mảnh vườn nhỏ sau hiên nhà có bức tường đá dựng đứng- nay thành cửa hàng sầm uất. Mỗi khi về nước, anh họa sỹ không quên ghé xuống Quận 5 chụp hình để sang Mỹ có thông tin mới kể cho người con vị Tướng (Tiếc rằng chưa xin phép bà nhà văn ấy – chứ nếu nói tên vị tướng ra thì cả nước đều biết dấu ấn lịch sử chiến tranh và câu chuyện sẽ thú vị nhường nào.

Cho dù Thành phố sẽ hiện đại và mở rộng đến đâu, con người có rời đi dịch chuyển, thì ngôi nhà và đường phố vẫn đẫm hồn của năm tháng ta đã mang.

Bây giờ có Google Map- tôi ngồi ở Saigon có thể xem định vị được ngôi nhà của người thân sống xa quê khắp các quốc gia. Người ta làm cả youtub cho người đi xa có thể biết quê mình nay ra sao. Trong những ngày phong tỏa cứng vì dịch Covid, tôi không chỉ xem cách nấu nướng món ăn của Trường Giang “muốn ăn thì lăn vào bếp “hay cô Lý Tử Thất có khu vườn như rừng tự trồng rau củ, chế biến món ăn. Cả nhà tranh nhau nhận vai “việc nhẹ lương cao” xuất hiện cuối chỉ việc… ăn. Ngồi bên hiên nhà giữa đồi gió mát, có con chó xù to tướng nằm dưới bàn.

Tôi cũng thử gõ “Phố Cát dài hôm nay” xem sao và ngạc nhiên nhớ ra mình vụng về nhát cáy mà thời thanh xuân từng có giải bắn súng cùng đội tự vệ công nhân nhà máy đóng tàu Bạch Đằng Hải Phòng.

Ngày ấy vào năm 1966 khi đeo súng đi đến gần lối rẽ lên cầu hạ Lý, trong tiếng còi báo động và tiếng máy bay Mỹ ùng ục bay qua trên bầu trời, tất cả phố bỗng nghe tiếng Bác Hồ vang trên loa phát thanh: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10, 20 năm hay lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp bị tàn phá song nhân nhân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn Độc lập Tự do….”

Trong gian truân đằng đẵng ấy- lòng người lo âu sống đời gian khổ bom đạn, vẫn phải cố gắng hơn nữa vì lời thề dân tộc. Mỹ đã mở rộng chiến tranh không quân hải quân đánh phá miền Bắc, tuyên bố đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”. Sau này qua tổng kết mới biết ngày ấy Mỹ đã bỏ 15 triệu tấn bom, miền Bắc bình quân đầu người chịu 45,5 kg và một km2 chịu 6 tấn bom đạn.

Tôi cũng không thể biết sau này mình còn có dịp khi đã trở thành nhà báo, được đi ra sân bay “tiễn chân“ các tù binh Phi công Mỹ được trao trả về nước. Mỗi anh mặc bộ đồ màu ghi xám, tay một chiếc túi du lịch và lạ nữa là thêm… một cái nón lá Việt Nam. Nhìn các anh ấy cao to thật lạ, khác hẳn anh mà ta thấy lúc nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch bơi lóp ngóp bị dân quân vây bắt, hay có lần chính tôi sấp ngửa nhảy khỏi tàu điện để chạy theo đám đông reo hò xem “tù binh phi công Mỹ“. Họ được dẫn giải đi phố Bờ Hồ trong tiếng mắng mỏ căm giận của dân chúng và các anh bộ đội đang cố ngăn những người quá căm thù muốn nhảy vào bạt tai. Nhà của họ vừa sập vì bom Mỹ, bà con anh em họ vừa bị vùi chết dưới bom.

Đó là lúc tàu điện vừa đỗ ở gần Tháp Hòa Phong nơi chúng tôi vẫn chờ để “nhảy tàu“ đi đường Bưởi- Chợ Hôm. Nay thì không còn tàu điện nữa trên phố xá Thủ Đô.

Cũng ở cái bến tàu này vào năm 1969 - đoàn tàu đang chạy bỗng dừng lại làm mọi người nhìn nhau tưởng… mất điện nhưng rồi chợt hiểu: Trên loa đang vang tiếng đồng chí Lê Duẩn: “Nhân dân ta, Tổ quốc ta mất đi người con...”- thì vội đứng nghiêm trang vì biết đang truyền thanh tường thuật điếu văn đưa tang Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình.

Có lần tôi từ Saigon ra viết bài nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, lùng sục phỏng vấn các kiến trúc sư về hình hài Hà Nội mở rộng, gặp các nghệ sỹ đang khôi phục chương trình nghệ thuật, biểu diễn hát xẩm ở phố Cổ và chợ Đồng Xuân. Hà Nội với tôi vẫn lạ lẫm vì phố xá phát triển, mở rộng các tuyến đường lớn.

Tôi không có thời gian tìm lại ngôi biệt thự Pháp cổ nơi mẹ tôi thuê cho gia đình ở, và ngày 10-10-1954 khi tôi lên 10 – sáng đó dậy sớm, mặc đồ đẹp để đi ra “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về… như đài hoa đón mừng nở 5 cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh”.

Nhất là trong đoàn “trùng trùng quân đi như sóng“ ấy có bố tôi - anh bộ đội Cụ Hồ ra đi lâu lắm từ Cách mạng tháng Tám nên chúng tôi không còn nhớ mặt, nay sắp đoàn tụ gặp lại vợ con.

Những biệt thự Pháp cổ vẫn cổ xưa bên cạnh bao công trình mới nguy nga. Đã có lần tôi vào ngôi biệt thự to đẹp ở 34 Hoàng Diệu để phỏng vấn cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ngoài 90 tuổi - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô - người đã tặng hiến cho nhà nước Cách mạng non trẻ 5.000 cây vàng. Gia đình họ cũng đón đoàn lãnh đạo và Bác Hồ về chuẩn bị Lễ 2-9-1945 và Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập trong ngôi nhà của họ ở 48 Hàng Ngang.

Khuôn viên biệt thự 3.000 m2 ngay phố yên tĩnh với hàng cây cổ thụ - vào loại “Phố Tây nhà giàu đẹp nhất Hà Nội“ cho dù bây giờ chả thiếu kiến trúc tân kỳ- đẹp đến nỗi vào dịp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số báo nước ngoài vào đưa tin đã kết hợp viết luôn về ngôi nhà “bà Bô” ở bên cạnh nhà Đại tướng.

Dạo ấy vừa bước vào cổng nhà bà Bô là tôi nhớ ngay hồi chiến tranh chống Mỹ- lúc tôi đang học đại học từ nơi sơ tán về đã đi cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật qua phố này. Phạm Tiến Duật lúc ấy mới nổi, chưa thành “Con chim lửa của Trường sơn huyền thoại“, “cây săng lẻ của rừng già” và “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ“ như sau này người ta dùng để gọi anh.

Hôm đó anh dắt xe đạp và tôi đi bộ bên cạnh, anh đọc cho nghe bài “Lửa đèn“ và phàn nàn có tờ báo không dùng. Anh đọc đầy cảm hứng “trái nhót như ngọn đèn tín hiệu - trỏ lối sang mùa hè“ ý tứ thật lạ lẫm mới mẻ những năm 1967- “quả ớt như ngọn lửa đèn dầu – chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…”

Đang đọc thơ thì phố xá tắt phụt đèn, còi báo động kéo hồi dài, chúng tôi dừng lại dưới ánh trăng thật sáng, bên cạnh cái hầm cá nhân trên vỉa hè gần chếch cổng nhà bà Bô. Ngày ấy phố nào cũng đầy hầm cá nhân có cái nắp tròn cho người đi đường có thể nhảy xuống khi máy bay oanh tạc hoặc thả bom bi sát thương.

Sau này tôi xa Hà Nội, chỉ nghe tin báo đăng Phạm Tiến Duật bệnh nặng và em trai tôi, PGS-TS Nguyễn Quốc Bình du học Hungary về giảng dạy ở Đại học Quân sự - dù là dân kỹ thuật, dù không quen biết đã vào bệnh viện với tư cách người lính yêu thơ Phạm Tiến Duật – đã đứng bên giường bệnh của nhà thơ những ngày cuối cùng.

Tôi cũng đã phỏng vấn cây guitar Văn Vượng nổi tiếng soạn và biểu diễn những bản nhạc Hà Nội bất hủ - để tò mò xem anh đã “nhìn thấy“ Hà Nội đẹp theo cách nào của một nhạc sỹ mù.

Anh kể đã xuống sờ vào mép nước hồ Gươm, ngồi lắng nghe và dùng kỹ thuật bồi âm diễn tả tiếng chuông đền Ngọc Sơn buổi sớm. Anh cũng chưa từng đến sông Lô nhưng đã chơi bản “Trường ca sông Lô” cho chính Văn Cao nghe và được ông nhận xét: ”tôi không ngờ bài viết cho hợp xướng 4 chương mà biểu diễn được trên đàn Guitare 6 dây đầy đủ đến thế “.

Vậy là ta “cảm được“ nơi ta có thể không nhìn thấy.

Tôi là “người Saigon sau 1975 “, yêu thành phố này tha thiết - tôi có thể “cảm”  được những gì của quá khứ của nó hay không? Có biết mình đi trên đường phố nào còn vang bước chân xuống đường, phố nào có ký giả đi ăn mày, phố nào không giống Phố Phái nhưng đầy kỷ niệm học trò con đường có lá me bay….?

Người con gái vị tướng của Saigon -Việt Nam Cộng Hòa đang ở Mỹ nói chuyện gì với anh họa sỹ con trai tôi về ngôi nhà ở Quận 5 mà họ luôn thương nhớ, nơi họ gửi tuổi thơ hai thời khắc khác nhau? Tôi ước mong giá mà tôi hỏi được…

Google map có thể kể hết cho tôi không? Tôi không chắc.

Cũng giống như mỗi mùa Thu Tháng Tám đến, tôi ước gì có ai đang ở Ninh Giang- Hải Dương- trên giấy tờ là “nơi sinh” của tôi- kể cho tôi biết giờ đây ở đó thế nào, có còn dấu vết gì không?

Nơi ấy khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, lúc đó cha tôi làm Y tá và mẹ là Giáo viên- “công chức thời Tây“ đã bỏ hết nhà cửa theo kháng chiến. Chúng tôi còn nhỏ, được người ta “cho ngồi vào thúng“ gánh đi tản cư nên không thể nhớ - Chỉ nghe kể lại mẹ tôi là người đã tự tay châm lửa đốt chính ngôi nhà của mình để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến“ ngăn bước quân thù.

Chúng tôi hay khoe quê rất xịn: Bà ngoại tôi - người con gái đảo Vân Đồn nên quê ngoại tôi ở Vịnh Hạ Long và bố tôi quê có làng cổ Sơn Tây. Chồng tôi thì cười tủm tỉm: “Quê tôi hả? Thường thôi!... Quê Bạc”.(Quê Bác)

Chúng tôi đang già đi ở Saigon và lũ trẻ nay lại đi tận những phương trời xa hơn.

Nhưng tâm hồn chúng ta luôn ở đó - dù bây giờ nó đã khác xưa và bao người khác lại đến sống, làm nên hành trình mới mà ta gọi là Lịch sử, dù trải những gì thì cuối cùng là tình yêu quê hương đất nước.

Dù đã có Google Map - hay là VR- vũ trụ ảo Metaverse – tôi vẫn luôn muốn hỏi thăm: Ai về nơi ấy cho tôi biết?

Bài viết liên quan

Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm
Beijing lá phong vàng (8) – Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu
Kẻ yếu thua từng trận nhưng thắng toàn cuộc. Kẻ mạnh thắng từng trận nhưng thua toàn cuộc. Chủ thuyết Tàu là Salami.
Xem thêm
Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như
Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.
Xem thêm
Duyên đá - Bút ký của Minh Đan
Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.
Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm