TIN TỨC

Ân sư của vợ tôi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-16 19:43:26
mail facebook google pos stwis
1196 lượt xem

ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN

Vậy là cũng đã gần 20 năm, tôi được gặp thầy ngoài đời thực.

Viết vậy, vì tôi biết thầy từ nhiều năm trước qua sách của thầy.


Nhà văn Đặng Chương Ngạn và PGS - Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên

Tôi được gặp thầy bởi một cơ duyên từ người bạn gái (mà sau này là vợ tôi) khi cô ấy đang làm luận văn thạc sỹ do thầy hướng dẫn. Suốt những năm tháng vợ tôi học thạc sỹ, rồi tiến sỹ, những lần làm tài xế cho vợ mang bài vở đến nhà thầy, tôi được ngồi học lóm những kiến thức chuyên môn vô tận mà thầy truyền đạt lại cho vợ tôi. Những ngày tháng đó đã giúp tôi hiểu hơn và càng quý trọng hơn cái nghề nghiệp và con đường nghiên cứu mà thầy đã chọn theo đuổi và đang dìu dắt vợ tôi từ lúc non nớt đến lúc cứng cáp như bây giờ.

Con trai lớn của tác giả đang chơi nhạc cho thầy cô của mẹ nghe

Sân nhà phủ đầy hoa giấy


Có lẽ trong 20 năm ấy, tôi là người thuộc đường đến nhà thầy hơn cả vợ tôi, nhớ nhà thầy hơn cả vợ tôi. Tôi luôn nhớ ngôi nhà nhỏ trên đường Đặng Văn Ngữ - quận Phú Nhuận, đối diện là trường tiểu học mà mỗi khi đến vào giờ tan trường, xe tôi luôn bị kẹt giữa hàng nghìn phụ huynh đi đón con. Tôi nhớ mãi căn nhà có mặt tiền và sân nhà phủ bóng cây xanh, nhớ luôn tiếng bước chân chậm rãi của cô và thầy mỗi khi ra mở cửa cho chúng tôi vào. Rồi thầy theo con chuyển về ở trong một căn hộ tít trên lầu cao ở khu dân cư Vinhome Central Park, quận Bình Thạnh. Tôi có lẽ là người mừng nhất với cuộc... di dời ấy dù vợ tôi đã hoàn thành luận án nhiều năm rồi và tôi không phải đưa vợ đến học thầy nhiều như trước nữa. Tôi vui mừng là vì trường học của con tôi ngay sát nhà thầy, tôi có thể ghé thăm thầy rất tiện, có thể ngồi trò chuyện với thầy đã đời mà không lo lắng đường xa phải quay về kịp đón con hay đưa con đi học. Tôi đã lên căn hộ có view rất đẹp nhìn ra sông Sài Gòn và bên dưới là một công viên rộng lớn để mỗi chiều thầy cô có thể đưa nhau đi dạo quanh đấy. Nhưng thật buồn, chỉ một thời gian ngắn, thầy lại chuyển chỗ ở. Căn hộ trên cao không hợp với sức khoẻ của thầy, thang máy ở đấy làm thầy chóng mặt và không khí loãng khiến cho thính lực của thầy kém dần.

Thầy lại theo con chuyển về sống trong một ngôi biệt thự rất xinh đẹp nằm ở một khu dân cư mãi tận Nhà Bè. Muốn đến thăm thầy, phải lên kế hoạch từ 1-2 tuần trước đó vì đi và về gần như hết luôn cả ngày làm việc. Sẽ phải qua cầu Phú Mỹ, rồi quẹo vào đường Huỳnh Tấn Phát, qua một cây cầu trên đường đi khu du lịch Cần Giờ, thấy bảng hiệu khu dân cư Phú Xuân thì quẹo phải chạy vào. Rồi đếm đường, đường số 1, đến đường số 5, rồi đường 12… Chúng tôi đến đó chắc đã mươi lần nhưng lần nào cũng phải dùng định vị vì khu phố bàn cờ vuông vức thật đánh đố người tìm.


Tác giả và 2 con trai một lần đến chúc tết thầy

Chỗ ở mới này của thầy thật yên tĩnh. Ngồi ở sân sau, gió thật mát, có thể nghe cả tiếng chim hót từ mấy lùm cây gần đấy. Rất hợp với tuổi 80 của thầy, nhưng quá xa để đồng nghiệp và học trò đến với thầy thường xuyên. Nhất là những học trò ở tỉnh xa, mỗi khi vào Sài Gòn công tác mà muốn thăm thầy thì xác định phải mất một ngày. Không như trước đây, nhà thầy nằm trên quãng đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, thật thuận lợi biết bao nhiêu. Dù xa như vậy nhưng kế hoạch đến thăm thầy vào một vài dịp trong năm vẫn luôn nằm trong kế hoạch ưu tiên của chúng tôi. Nhất là ngày đầu năm mới, vào "mồng 3 tết thầy", nếu chúng tôi không về quê hay đi du lịch thì ngày hôm ấy nhất định vợ tôi phải đến thăm thầy, chúng tôi lại đùm đề nhau cả vợ lẫn chồng và 2 đứa con đến ăn tết với ông bà một buổi. Dường như từ lúc chuyển lên Nhà Bè thì thầy luôn có mặt ở nhà mỗi khi chúng tôi đến, thầy không còn tự gọi chú xe ôm quen để vào quận 1 mua sách như trước nữa. Bây giờ đi đâu cũng phải có con cái đi kèm hoặc con cái đưa đi. Thầy của vợ tôi đã yếu hơn xưa nhiều lắm.

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp thầy, trước mặt tôi là một ông giáo đã hơn 70 tuổi, người nhỏ nhắn, ánh mắt tinh anh, đi đứng khẽ khàng, nói năng khẽ khàng và rất hay cười. Thầy ngồi trên cái ghế gỗ có tấm nệm mỏng, xung quanh chất đầy sách báo. Ngôi nhà nhỏ tầng trên tầng dưới, dọc ngang đến mấy giá sách, chất cao đến trần. Hai mươi năm trước, gặp thầy, lúc nào thầy cũng đang chăm chú đọc, hai mươi năm sau, ở tuổi 90 thầy vẫn vậy. Bây giờ, dù tai thầy không còn nghe rõ, hỏi thầy câu gì cũng phải nói to, nhưng mắt thầy vẫn rất tinh anh, thầy có thể đọc sách không cần đeo kính và sức đọc của thầy vẫn không hề giảm. Lần nào đến thăm thầy, tôi cũng thấy trên bàn là một cuốn sách đang đọc dở dang chỉ mới xuất bản trong vòng vài tháng trước. Tôi đam mê viết văn, có xuất bản vài cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn, lần nào sách ra tôi cũng đưa cả vợ con đến thăm thầy và tặng sách cho thầy. Lần gần nhất là tháng 3 năm nay, vậy mà mấy tháng sau khi quay lại thăm, thầy đã hỏi han tôi về những chi tiết trong truyện tôi viết. Tôi cảm động lẫn kính phục và thán phục khi ở tuổi cận 90, thầy vẫn mãi miết đọc như vậy. Đôi lúc tôi vẫn nói với vợ: Tuổi già vẫn say mê đọc, vẫn say mê nghiên cứu như thầy thật là hạnh phúc. Sống với một nghề mà cuối đời vẫn bề bộn bao việc phải làm, vẫn còn những dự định muốn hoàn thành thì thật đáng để sống. Vợ tôi cười đáp: em cũng vậy, em đã thấy những công việc mình sẽ làm mãi đến những năm 80 tuổi nếu may mắn trời cho em khoẻ mạnh và minh mẫn như thầy.
 

Tiếng đàn piano và tiếng đàn viloloncelle

Đến thăm thầy, lần nào tôi cũng được gặp vợ thầy. Có một duyên may với gia đình tôi khi vợ thầy là một nghệ sỹ piano mà con trai chúng tôi thì mê mẫn môn nghệ thuật khó này và đang theo học Khoa Piano trong Nhạc Viện. Vợ thầy là một tiểu thư Hà Nội và là học trò của nghệ sỹ Thái Thị Liên. Cô kể rằng không dễ gì được cụ Thái Thị Liên nhận dạy, phải nhờ nhà thơ Anh Thơ giới thiệu. Học phí lúc ấy đã là 20 đồng một giờ trong khi lương công chức chỉ 60 đồng một tháng. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cha mẹ đã sắm cho cô cây piano đầu tiên có giá trị gần 13 cây vàng. Tìm để mua được cây đàn đó là một hành trình hết sức khó khăn, phải có duyên mới gặp được, và ở Hà Nội khi ấy cũng chỉ có 3 cây đàn như thế. Rồi chiến tranh, gia đình cô phải sơ tán nhiều nơi, cây đàn cũng lênh đênh theo, sau này dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát lớn tìm đến nhà xin mua lại. Cô bảo tiếc lắm nhưng không biết bom rơi đạn nổ lúc nào nên đành nhượng lại với giá 10 cây vàng.

Những năm trước, mỗi khi đến thăm thầy, chúng tôi vẫn còn được nghe cô chơi đàn, cô bảo mỗi khi buồn hay bất an, chỉ cần ngồi vào cây đàn là quên hết mọi sự, chơi xong vài bản nhạc là thấy lòng nhẹ nhõm. Mấy năm gần đây, ngón tay bị cứng và lưng đau nên cô không còn ngồi chơi đàn được nữa, mong có đứa cháu nào chịu học môn này để trong nhà lúc nào cũng có âm thanh. Đôi khi chúng tôi đưa con trai qua thăm ông bà, cháu lại ngồi vào đàn chơi cho ông bà nghe những bản nhạc mà ông bà yêu thích. Cô hay bảo con trai chúng tôi rất có khiếu về âm nhạc, hãy đầu tư cho con được học ở các nền âm nhạc trên thế giới, cho con đi xa hơn nữa, đến các nước Châu Âu, nơi bắt đầu tinh hoa âm nhạc cổ điển của nhân loại.

Tôi rất muốn hỏi về mối tình giữa thầy và cô nhưng chưa khi nào có dịp, chỉ biết rằng thầy cô đã gặp nhau ở giảng đường đại học, khi ấy cô là giáo viên dạy tiếng Nga và thầy là giáo viên dạy văn học, cô là cô gái giỏi chơi đàn piano và thầy là chàng trai sành chơi đàn violoncelle (khó tưởng tượng được với vóc dáng nhỏ nhắn ấy mà thầy lại chọn chơi một loại nhạc cụ quá cỡ như vậy). Nhưng tôi biết chắn chắc một điều: tình yêu âm nhạc đã có phần nào gắn kết mối tình của hai người vì xen lẫn trong những đoạn hồi ức rời rạc của cô trong những lần trò chuyện với chúng tôi luôn nhắc đến điều đó. Và tôi cũng biết, thầy rất mê nghe nhạc cổ điển khi nhìn những đĩa nhạc không lời từ rất nhiều quốc gia xếp chồng trên giá sách.
 

Ánh mắt của một người thầy bền bỉ với sách vở chuyên môn   

Tôi có rất nhiều kỷ niệm về thầy.

Nhưng có lẽ kỷ niệm gần đây nhất, khó mà tôi quên được.

Hơn một tháng trước, thầy bảo chị Quỳnh Giao – con gái thầy, nhắn vợ tôi đến nhận sách, chị còn dặn đi dặn lại rằng phải mang xe đến chở. Và tất nhiên, tôi lại làm tài xế. Khi vợ chồng tôi đến nơi, thầy đã ngồi đấy, trước cả ngàn cuốn sách xếp ngay ngắn trên sàn nhà. Thầy chuyển giao cho học trò mình, mà thầy vẫn gọi đùa là truyền nhân, những cuốn sách chuyên ngành đã đi theo thầy mấy chục năm rồi. Chuyển giao vì đã đến lúc thầy không còn sức để đọc nữa.

Tôi cùng vợ và con trai thay nhau xếp sách vào túi và chuyển dần ra xe. Từ trong thư viện thầy chậm rãi bước xuống tầng trệt theo những lần chuyển sách của chúng tôi, rồi thầy ra sân và đứng mãi bên bậu cửa nhìn tôi đang xếp từng chồng sách vào xe. Con trai thầy sợ bố mỏi nên mang đến cho thầy chiếc ghế, thầy ngồi đó, cứ nhìn theo những túi sách chúng tôi ôm ra xe, đôi mắt thật buồn và quyến luyến. Và tôi nhớ mãi ánh mắt ấy của thầy, ánh mắt của một người sống cả đời với sách nay đành từ giã kho tàng quý giá của mình.

Ánh mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, gắn cả đời mình với sách vở chuyên môn.

Ánh mắt của một người đọc bền bỉ, không ngơi nghỉ để  khám phá và tìm kiếm tri thức khoa học

Và tôi thấy mình may mắn biết bao, hạnh phúc biết bao khi vợ tôi được làm học trò của thầy, được thầy trao truyền không chỉ kho tàng tri thức mà còn là niềm đam mê bền bỉ và tinh thần trách nhiệm với con đường khoa học mà mình đã chọn dấn thân.

 Sài Gòn 06 tháng 9 năm 2023.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm