TIN TỨC
  • Truyện
  • Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang

Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
824 lượt xem

Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thu Trang ở Lào Cai

Năm đó Páo mới có 9 tuổi đi theo bố mẹ xuống chợ huyện. Nhà Páo có cái xe trâu kéo, trên đó bố mẹ chất đủ thứ đồ tích lại để cuối tuần mang xuống chợ bán. Mới 4 giờ sáng, chim còn chưa ngủ dậy, ông mặt trời vẫn trốn sau đám mây đen, mẹ Páo đã gọi dậy để chuẩn bị cơm mang đi. Nằm trên xe, Páo ngủ thiếp đi được một giấc, lúc đến chợ đã thấy trời sáng, mọi người tấp nập nói cười. Ông Xúa – bố Páo đi cất xe trâu vào góc chợ và đi tìm mấy ông bạn cùng bản uống rượu, bà Diu – mẹ Páo thì trải cái ni lông cũ ra đất, vẫn chỗ ngồi quen thuộc bầy ra các thứ rau củ, mật ong, thịt thú rừng sấy…mà bố săn được ra bán. Hàng nhà Páo được mấy người Kinh ưa thích nên lúc nào cũng có nhiều người đến mua. Hôm đó Páo thấy mấy đứa tầm tuổi cũng theo bố mẹ xuống chợ túm tụm lại đang ngó nghiêng gì đó chứ không chơi đánh khăng như mọi khi. Páo nhân lúc mẹ mải bán hàng trốn ra chỗ đó, trước mắt Páo là một đứa trẻ mặc cái váy màu hồng xòe bồng bềnh rất đẹp, tóc buộc cao cột cái nơ xinh xinh nhìn như những cô công chúa trong chuyện cổ tích mà thầy Hùng vẫn kể cho Páo và các bạn ở lớp. Páo thấy lạ lắm, đứa bé này cũng tầm tuổi mấy đứa ở bản như Páo, nhưng ăn mặc thế này thì là người Kinh rồi. Đứa bé đang co rúm người lại vì sợ hãi, khi xung quanh là những đứa trẻ cởi trần, nói tiếng dân tộc mà nó không hiểu gì. Khi đó không hiểu sao, Páo liền đi lại kéo tay đứa bé dậy, nói với nó bằng tiếng Kinh mà thầy giáo Hùng dậy cho nó ở bản. Nó cũng biết nhiều hơn các bạn vì thầy giáo Hùng hay vào nhà nó uống rượu với bố rồi dạy nó nói tiếng Kinh, kể cho nó nghe các câu chuyện ở dưới xuôi mà hoàn toàn xa lạ với mọi thứ xung quanh nó. Đứa bé nhìn vào Páo với đôi mắt to đen láy, đôi mắt mà Páo chưa nhìn thấy đứa trẻ nào ở bản có, đứng dậy theo Páo. Bỗng thằng Hảng nhảy về phía trước chặn lại, làm con bé co rúm lại sợ hãi, thằng Hảng hỏi Páo:

– Mày quen đứa bé này à? Mày định dẫn nó đi đâu?

Páo chỉ nói lại:

– Chúng mày đang làm nó sợ, tao đưa nó đi tìm bố mẹ.

Không hiểu sao lúc đó đứa bé rất tin tưởng lũn cũn đi theo Páo. Sau khi thoát khỏi vòng quây của mấy đứa trẻ, con bé như vui vẻ hơn.

– Tớ tên Mai, bạn tên gì?

– Vàng A Páo.

– Bạn đi chơi chợ à?

– Không đi bán hàng

– Bạn còn bé thế này đã phải đi bán hàng rồi à?

– Không bán thì lấy gì mua gạo, mua muối

– À…thế nhà bạn ở đâu?

– Sau dãy núi kia.

Đoạn đối thoại của Páo với đứa trẻ ấy chỉ có vậy…

Thì mẹ gọi Páo về bẻ cơm ăn. Páo đứng dậy chạy đi nhưng mắt vẫn nhìn chỗ Mai đứng ngơ ngác giữa chợ, Páo cũng thấy lạ sao không thấy bố mẹ của Mai đâu. Nhìn Mai cứ đứng như vậy chắc cũng đói lắm, Páo liền chạy lại kéo Mai về và bỏ cơm nắm ra cho Mai ăn cùng. Từ lúc sáng đến giờ Mai chưa được ăn nên được miếng cơm, Mai ăn ngấu nghiến, điều này làm cả bà Diu và Páo đều ngạc nhiên, vì trông Mai được cho ăn mặc đẹp thế này sao lại đói thế. Bà Diu nói bằng tiếng dân tộc bảo Páo hỏi Mai:

– Bố mẹ đâu?

– Tớ không biết, tớ lạc mẹ từ sáng nay, mẹ dẫn tớ dẫn tớ ra đây từ sớm, xong bảo đứng đợi ở đây, mà tớ đợi chưa thấy mẹ quay lại.

– Nhà ở đâu?

– Nhà tớ ở xa lắm, mẹ đưa tớ đi xe ô tô đến đây, bảo tớ chờ ở đây mà mãi không thấy về. Tớ sợ lắm.

Thế rồi đến chiều tối hôm đó, trên cái xe trâu về bản có thêm đứa bé người Kinh. Ông Xúa với bà Diu thấy đứa trẻ ngồi co ro ở góc chợ đến chiều muộn, nên cũng nấn ná xem mẹ của Mai có trở lại đón không, nhưng chờ cả một ngày cũng không thấy. Khi ông mặt trời dần chạy đi ngủ, ông Diu liền ra dắt đứa trẻ và bế đặt lên xe, đây cũng là ngày mà cả nhà ông Xúa đi chợ về muộn nhất. Hôm đó về đến bản trời tối mịt, ánh trăng tròn vành vạnh chiếu sáng cả đoạn đường về bản. Cái Mai chắc do mệt quá, nằm ngủ mê mệt. Ông Xúa đi bộ bên cạnh không nói gì, từ ngày đẻ Páo, bà Diu bị ốm tưởng chết, sau khi hồi phục bà không sinh đẻ được nữa, ở bản nhà nào cũng lít nhít 5,7 đứa con, chỉ có nhà ông Xúa là có một con, nhưng ông vẫn sống với bà Diu mà không đi tìm vợ mới để đẻ thêm con…

Mai là một đứa trẻ ngoan, hàng ngày nhìn bà Diu làm gì là làm theo, dù bàn tay cầm không được con dao, cái cuốc nhưng Mai vẫn lẽo đẽo theo bà Diu lên nương. Ở nhà Páo việc gì cũng đến tay bà Diu, giờ có thêm Mai bà cũng bớt đi được vài việc. Páo thấy cái Mai cố gắng theo việc nhưng cũng biết nó còn bé quá, lại chưa làm những việc nương rẫy bao giờ, nên hay đi theo để còn đỡ việc cho Mai. Ông Xúa thấy vậy đã nhiều lần mắng Páo, đàn ông phải biết săn bắt, đi vào rừng chứ không phải lên nương, rồi chui vào bếp. Nhưng khi nào đi được là Páo lại đi cùng, Mai thấy thế vui lắm và nói chuyện nhiều, vì khi đi cùng bà Diu, bà không biết nói tiếng Kinh nên hai người chỉ lầm lũi làm việc.

Đến mùa đi học trở lại thầy Hùng rất ngạc nhiên khi thấy nhà Páo có thêm Mai, thầy gần gũi, trò chuyện hỏi Mai về gia đình để mong tìm lại bố mẹ cho Mai, nhưng Mai không nhớ gì cả, chỉ nói nhà ở xa, hai mẹ con phải đi ô tô mất gần một ngày mới đến nơi. Có lần thầy còn đưa Mai cùng xuống chợ huyện, để Mai nhớ lại và cũng là để hỏi xem có ai thông báo con mất tích không. Một tuần, một tháng rồi một năm qua đi, thầy Hùng, ông Xúa đều tìm cách dò hỏi để cho Mai tìm được lại gia đình. Nhưng đã 10 năm trôi qua, thầy Hùng cũng đã về dưới thành phố, còn Mai đã trở thành người con của bản, cũng như cái Sâu, cái Mua ở bản này, lớn lên xinh đẹp, tóc vấn cao, mặc váy của người Mông, lên nương trồng ngô, tước lanh, dệt vải, thêu thùa, đan sọt…mọi việc Mai đều làm thuần thục nhanh nhẹn. Học hết cấp 2, Mai phải ở nhà, còn Páo được bố mẹ cho đi học tiếp, học hết cấp 3 ở dưới huyện thì Páo lại đi học nghề ở dưới thành phố. Ngày đi học Páo dặn kỹ Mai chuyện đi lại không để trai bản trêu chọc rồi bắt làm vợ, hay tối đến không được mở cửa đi chơi với chúng bạn vì giờ Mai đã sắp 18 tuổi rồi, lại ngoan ngoãn, xinh đẹp và thông minh như một chú nai rừng, sẽ có nhiều trai bản để ý, nếu Mai chưa ưng ai thì không được để bị bắt. Mai hiểu lời Páo dặn, vì khoảng thời gian sinh sống ở bản, Mai cũng tìm hiểu được các tập tục và dần quen với nếp sống nơi đây, cô cũng thầm cảm ơn bố mẹ Páo đã dang tay nuôi mình khi bị bỏ rơi. Đúng, với Mai bây giờ cái kỷ niệm ngày mẹ nói dẫn Mai đi chơi, đó là ngày mẹ bỏ rơi Mai. Từ rất lâu rồi Mai cũng không còn muốn đi tìm mẹ, tìm lại gia đình nữa. Cái trí nhớ của đứa trẻ 7,8 tuổi lúc đó không phải là không nhớ gì, Mai cũng biết rằng, có thể mẹ đã phải trải qua thời gian đau khổ lắm…hai mẹ con sống cùng nhau dù đói, dù mệt, dù Mai từ lúc sinh ra chưa gặp bố, chưa gặp ông bà nội ngoại, nhưng hai mẹ con đã sống rất vui vẻ. Cái váy hôm đó cũng là cái váy đẹp nhất mà từ bé Mai được mặc, cũng là lần đầu mẹ dẫn Mai đi chơi…vậy mà. Nhiều khi Mai ước, giá như ngày đó mẹ đủ mạnh mẽ để giữ Mai bên cạnh, dù có phải trải qua khó khăn thế nào Mai cũng sẽ không sợ. Nhưng giờ thì Mai không trách mẹ nữa, Mai chỉ sợ ở đây, Mai sẽ như các cô gái ở bản này, nếu không bị trai bản bắt vợ thì cũng phải đi lấy chồng sớm, mà sống với người không có tình cảm, Mai thấy còn đau khổ hơn là việc bị mẹ bỏ rơi bao năm qua.

Páo lấy ngày gặp Mai là ngày sinh của cô, nên theo lịch mai sẽ là sinh nhật của Mai. Páo muốn tan học thật nhanh để đi về nhà gặp Mai, Páo mới nhận được phần thưởng học bổng kỳ này, Páo sẽ đưa Mai xuống chợ để Mai được chọn mua thứ Mai thích, rồi đưa Mai đi ăn cốc chè của bà béo trong chợ. Nghĩ như vậy thôi mà trong lòng Páo đã vui lâng lâng, tưởng tượng ra nụ cười rất đẹp của Mai. Không biết từ lúc nào, nhưng có lẽ từ ngày xuống huyện học cấp ba, rồi cái tình cảm mơ hồ ấy lớn dần lên khi Páo đi học chuyên nghiệp dưới thành phố. Páo thấy nhớ Mai và lo cho Mai ở nhà. Đó không phải là tình cảm anh em trong nhà, đó là thứ tình cảm nam nữ mà Páo chưa thấy có với cô gái nào trong bản.

Vừa về đến sân nhà, đang nhẹ nhàng leo lên cầu thang để làm Mai bất ngờ, bỗng Páo nghe thấy tiếng khóc thút thít, tiếng bà Diu nói tiếng Kinh không sõi vọng ra:

– Cái thằng Hảng ý mà, nó tốt mà, nó bảo nó không muốn bắt mày, vì mày là người Kinh sống ở bản, sợ mày không hiểu, mày sợ. Nên nó bảo bố mẹ nó sang hỏi mày tử tế đấy. Lấy nó được mà. Mày sắp 18 tuổi rồi, đủ tuổi lấy chồng rồi.

– Nhưng con không muốn lấy anh Hảng, con chưa muốn lấy chồng.

Mai nói trong nước mắt. giọng của ông Xúa lại xen vào:

– Cái bà này, cái Mai nó là người Kinh ở nhà mình, sao bắt nó lấy chồng sớm như gái bản mình làm gì?

– Ông giữ nó được mãi à, tôi ngày trước về ở nhà ông lúc đó mới có 16 tuổi thôi.

– Ôi giời, thanh niên giờ nó khác, kệ nó.

Páo đi vào nhà, nhìn Mai ngồi bên bếp nước mắt đang chảy xuống khuôn mặt nhỏ nhắn, ánh nắng chiều xiên qua phên lợp làm mái tóc Mai óng ánh, vài sợi tóc bung ra rơi xõa xuống má càng làm Mai xinh đẹp hơn. Trái tim Páo như bị bóp lại khi nghe câu “lấy chồng”, điều mà từ trước đến giờ Páo vẫn chưa nghĩ đến và càng không mong nó xảy ra sớm với Mai.

– Mẹ, sao lại gả cái Mai đi lúc này?

– Mày về hả Páo, mày hỏi lạ thế, cái Mai lớn thì phải gả đi chứ, cũng như mày đến tuổi, phải lấy vợ về còn thay cái Mai làm việc lúc nó đi lấy chồng chứ.

– Đợi con đi học nốt năm nay tới về đã, mẹ đừng vội gả cái Mai đi.

Mai thấy anh về khuôn mặt bừng lên hy vọng, chạy lại nói với Páo:

– Em chưa muốn lấy chồng bây giờ. Anh nói với mẹ cho em đi.

Ông Xúa cũng nói thêm vào:

– Bà cứ để chúng nó tính, thằng Páo biết việc mà.

Tối đó, bên bờ suối, Mai khóc nấc lên khi nghĩ đến việc phải đi lấy chồng. Páo muốn nói điều mình nghĩ trong lòng mình ra với Mai, nhưng anh sợ Mai không hiểu mà làm phá vỡ tình cảm đang có bao lâu nay. Với Páo, từ ngày Mai về ở cùng, Páo đã hứa sẽ bảo vệ Mai cả đời, nhất là những lần cùng thầy Hùng xuống huyện tìm lại gia đình cho Mai, mặc dù rất mong Mai tìm được lại mẹ, nhưng Páo càng sợ hơn sẽ không được gặp lại Mai nữa.

– Mày đừng khóc nữa, anh không để mày đi lấy chồng khi chưa có sự đồng ý của anh đâu.

– Em, em không thích anh Hảng, em chưa muốn lấy chồng.

– Vậy mày muốn lấy ai?

Páo buột miệng hỏi, xong tim lại đập thình thịch trong lồng ngực nếu Mai nói ra cái tên của ai đó.

– Em, em, em muốn ở với bố mẹ, với anh cả đời này. Em biết đó là điều không được, nhưng em không muốn đi lấy chồng…

Ánh trăng chiếu xuống dòng suối loang loáng từng vệt dài, soi rõ hình của đôi trai gái, họ đã lớn, trái tim họ đang đập mạnh mẽ tràn đầy sức sống, họ không nói gì nữa mà chỉ tựa vào nhau, họ hiểu điều họ đang mong muốn.

– Để anh về nói với bố mẹ.

– Không được, bố mẹ sao đồng ý được, bố mẹ coi em như con gái, rồi dân bản nữa.

– Sao không được, cả cái bản này đều biết em không phải con bố mẹ đẻ ra, chúng ta không phải là anh em.

– Nhưng em sợ, người ta nghĩ không tốt về bố mẹ, về anh. Hôm trước cái Sâu với cái Dơ đã nói xấu em là cố tình ở nhà anh, thích anh.

– Thế cũng không sao, kệ chúng nó nói. Em đợi anh học xong, anh về xin bố mẹ lấy em làm vợ.

– Em thấy mẹ nói chuyện với mẹ anh Hảng rồi.

– Em phải tin anh.

Páo lại xuống trường, trước khi đi đã dặn mẹ không được nhận tiền hỏi cưới của nhà thằng Hảng, dặn Mai cứ làm việc nhà, tối không được đi chơi. Dù lo lắng sự việc không tốt sẽ xảy đến, nhưng việc học không nghỉ được. Páo đã tự nhủ, chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ học xong, có cái nghề sửa chữa xe máy trong tay, anh sẽ về bản mở cửa hàng, bản giờ nhiều người đi xe máy lắm rồi, sẽ có việc và không lo chết đói, rồi Páo sẽ xin bố mẹ cho lấy Mai, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cuộc sống thế là ổn định rồi sinh con, nuôi chúng học. Mải miết với dòng suy nghĩ, tiếng thằng Tỉnh gọi ầm ĩ:

– Páo, Páo ơi mày biết tin cái Mai em mày bị thằng Hảng bắt vợ chưa? Thế là cái Mai đã bước qua cửa nhà thằng Hảng rồi, phải làm vợ nó, chết làm ma nhà nó.

– Mày nói cái gì đấy Tỉnh?

Páo túm cổ áo thằng Tỉnh, máu trong người Páo chảy rần rật, tim như bị ai bóp chặt.

– Mày điên à. Bố tao đi có việc xuống đây, qua thăm tao vừa kể cho tao xong.

Buông thằng Tỉnh ra, Páo chạy về phòng thu vội bộ quần áo, ra đường đón xe về bản. Chuyến xe cũng như mọi hôm mà Páo thấy đi mãi không về đến nhà, trong lòng như lửa đốt, đó là điều Páo lo sợ nhất vì ở bản anh vẫn duy trì tục bắt vợ và mọi người trong bản vẫn theo quy định cũ, người con gái nào đã bước qua cửa nhà con trai nghĩa là đồng ý làm vợ người đó, chết cũng phải làm ma nhà đó.

Páo về đến bản, chạy thẳng sang nhà thằng Hảng. Vừa vào đến cổng đã thấy thằng Hảng với mấy đứa trai bản đang ngồi uống rượu, Páo xông đến đấm vào mặt Hảng. Thằng Hảng ngơ ngác vì bị đánh bất ngờ, liền lao về phía Páo. Hai thằng vật nhau, mọi người phải lao vào can ngăn. Páo hét lên:

– Sao mày lại làm thế với Mai?

– Tao thích nó, nhưng nó không chịu ưng tao, tao phải làm thế.

Thằng Hảng cũng nói lại. Nghe vậy Páo lại vùng lên đấm về phía Hảng. Lúc này trong anh như con hổ dữ vùng dậy vì bị giằng mất thức ăn, nó là sự điên cuồng, là sự vùng vẫy để giành giật lại món đồ của mình, mà đó là thứ anh vô cùng trân quý, là tình yêu anh giành cho Mai, là sự bao bọc, thương cảm…vậy mà giờ bị vấy bẩn bởi cái tục lệ này. Páo ngồi thụp xuống đất với sự bất lực, đội trai bản đều hiểu tính Páo, không bao giờ Páo gây sự, đánh nhau hay làm việc không suy nghĩ cả. Lần này thấy Páo như vậy chắc phải là việc lớn lắm mới dẫn đến hành động như vậy. Chỉ một lúc sau, việc Páo lao vào nhà Hảng đánh nhau đã được báo lên, ông trưởng bản và bố mẹ Páo lật đật đi vào, mấy đứa trẻ con thì trèo cả lên cây vả trước sân để xem.

– Mày làm thế là không được đâu Páo ơi!

Bà Diu gào lên, ông Xúa thì ngồi xuống cạnh vỗ vỗ lên vai anh.

– Thằng Páo, mày đang đi học cái chữ ở dưới huyện cơ mà, sao lại chạy về bản đánh nhau.

Ông trưởng bản lên tiếng. Páo liền đứng phắt dậy:

– Con không đồng ý chuyện em Mai bị thằng Hảng bắt làm vợ.

– Tục lệ của bản, sao mày lại bảo không đồng ý.

– Nhưng Mai là người Kinh, không phải người ở bản mình, Mai không cần theo. Với lại cháu đi học, mọi người đều bảo tục này của dân tộc mình cần bỏ đi, không nên duy trì để bao nhiêu người phụ nữ phải sống với người mình không yêu, phải cam chịu chấp nhận sống cuộc đời họ không mong muốn.

– Sao mày đi học cái không tốt ở đâu về vậy Páo?

Mẹ Páo lại gào lên.

– Mẹ, cuộc sống giờ khác rồi, cần phải đổi mới chứ mẹ.

Páo nói với mẹ rồi quay sang nói với ông trưởng bản.

– Cháu sẽ báo lại việc này với chính quyền để giải quyết.

Nói rồi anh bước qua chỗ thằng Hảng đang ngồi vật dưới đất vì bị đánh bất ngờ, Páo đi thẳng lên cầu thang, kéo cái phên chèn cửa buồng nhốt Mai ra, căn phòng tối, loang loáng, nhòe nhoẹt chút ánh sáng yếu ớt xuyên qua cái ô cửa nhỏ xíu bằng hai bàn tay, xung quanh phòng quần áo của cả nhà Hảng treo khắp phòng, cái mùi quần áo cũ, nồng mùi chua của mồ hôi, nền sàn gỗ ẩm mốc làm tim Páo như thắt lại.

– Mai, Mai ơi, anh Páo đây.

Mai đang ngồi co rúm ở góc phòng, búi tóc trên đầu bị tuột xuống xõa ra vai, vài sợi tóc nhỏ rơi xuống trán, xuống má bết lại theo nước mắt và mồ hôi. Khuôn mặt lo lắng và những giọt nước mắt của Mai lăn xuống, từ hôm qua cô đã tự nhủ không được khóc, không được sợ hãi, anh Páo sẽ về cứu mình, mình không chấp nhận làm vợ người mình không yêu. Mai nhớ lại ngày hôm qua, nếu lúc đó mẹ không bảo Mai mang cái áo mới thêu sang cho bà Gống cần gấp thì Mai đã không ra khỏi nhà buổi tối, vì Mai biết ở bản vẫn duy trì tục bắt vợ, mà Páo đã kể cho Mai nhiều câu chuyện của những người phụ nữ nơi đây, dù họ có cố vùng vẫy thoát ra giống như con thú rừng bị dính bẫy, như chuồn chuồn mắc vào tơ nhện, như cá bị vào giỏ…nhưng không thể nào thoát ra được mà chấp nhận số phận phải làm vợ người mình không thích, làm ma nhà người mình không ưng. Mai cũng biết một số trai bản thích và nhăm nhe muốn bắt mình, trong đó có Hảng, mỗi lần thấy Mai đi chợ hay đi cõng nước ở suối với các cô, các chị là anh ta lại túm tụm với bạn bè lại chỉ trỏ. Có lần còn chặn đường Mai hỏi, nhưng Mai từ chối thẳng thừng khiến Hảng bị bẽ mặt trước bạn bè. Vì vậy khi bị cái khăn trùm vào mặt, mặc cho Mai hết sức vùng vẫy như con cá trạch tìm mọi cách trườn xuống bùn, nhưng sức con gái không lại được với sức của ba, bốn người đàn ông. Cứ như thế, dưới ánh trăng hiu hắt đầu tháng, bóng đêm như đang quằn quại đau đớn…Mai thi thoảng lại gồng mình vùng vẫy, nhưng càng cựa, dây xiết càng chặt, càng đau đớn. Hảng để Mai không chạy được còn đem dây cuốn quanh tay cô, chân cô khiến Mai chỉ biết gào khóc kêu cứu, nhưng đáp lại chỉ nghe tiếng bạt ngàn của cây cối và những làn gió thổi xì xào như đang kể câu chuyện xưa cũ của những người con gái bị bắt làm vợ bao đời nay và bế tắc, không lối thoát. Khi bị nhốt vào căn phòng tối, ẩm mốc, Mai đã tự nhủ phải thật bình tĩnh, mình không được khóc và cũng không chấp nhận hủ tục vô lý này. Đang thiếp thiếp ngủ sau cả đêm thức trắng vì đề phòng Hảng có thể lợi dụng đêm tối vào làm chuyện xấu, nghe tiếng gọi Mai giật mình tỉnh giấc và thu mình lại nơi góc phòng.

– Mai, anh Páo đây Mai.

Lúc này Mai mới nhận ra Páo, cô chạy lại ôm chầm lấy anh khóc nức nở, Páo vỗ nhẹ vai Mai an ủi rồi dắt tay cô đi ra. Đứng trên bậc thềm nhà Hảng, Páo nhìn về phía mọi người đang đổ dồn về anh và Mai, anh tuyên bố:

– Tôi sẽ đưa Mai về, đừng có ai ngăn cản tôi. Bây giờ không còn như ngày trước, việc bắt vợ như vậy được coi là bắt cóc. Tôi sẽ báo chính quyền.

Nói rồi Páo nắm chặt tay Mai đi về nhà, bà Diu chỉ biết đi đằng sau vừa đi vừa than.

– Mày làm thế là không được Páo ơi, cái Mai có bước qua cửa nhà thằng Hảng rồi, nó là vợ thằng Hảng rồi, chết cũng phải làm ma nhà thằng Hảng đấy.

– Chả có vợ ai hay ma nhà ai hết. Con không đồng ý

– Mày làm thế cái Mai sau này làm sao lấy được chồng nữa.

– Con lấy.

– Mày điên rồi Páo ơi.

Giữa cái nắng trưa hè oi bức, không khí trong căn nhà càng ngột ngạt như bị nhốt trong cây bươu, ống nứa. Ông Xúa dựa vào cột nhà, hít một hơi thuốc, làn khói trắng bồng bềnh nhẹ tênh bay lên rồi tan vào không khí. Tiếng cằn nhằn của bà Diu vẫn không ngừng. Tiếng Mai khóc thút thít trong phòng. Mồ hôi chảy lằn từng giọt trên trán và tấm lưng trần của Páo. Sự rắn rỏi và kiên nghị trong đôi mắt của Páo cũng làm ông Xúa hiểu lời của con trai mình, nó không phải chỉ nói ra như con bướm đến đậu vào hoa rồi rời đi. Từ cách đây 2,3 năm, nhìn Páo và Mai bên nhau ông đã thương cho đôi trẻ, cái Mai lạc mẹ, được ông đưa về nuôi mà không đắn đo suy nghĩ, nhưng đã nhận làm con gái giờ nếu tác thành cho chúng nó thì dân bản sẽ chê cười, rồi đồn đoán lúc đó sao ngẩng mặt lên được với bản. Cả nhà không ai nói với ai câu nào, mỗi người một suy nghĩ. Bỗng ngoài sân có tiếng gọi của Hảng:

– Thằng Páo mau ra đây, mày dám dắt cái Mai về là mày làm trái với quy định của bản. Mày trả vợ lại cho tao.

Páo nghe tiếng Hảng liền cầm con dao đeo bên hông đi ra ngoài, ông Xúa vội đứng chặn ngang cửa.

– Páo, nếu mày định đánh nhau thì đi vào nhà.

– Nhưng con không để nó sỉ nhục Mai như vậy.

– Mày để tao ra nói chuyện với nó.

Nhìn Hảng mặt đỏ phừng phừng, trên tay vẫn cầm chai rượu uống dở, mấy đứa bạn đi cùng mặt cũng đỏ lựng như hoa chuối trên rừng, như quả dâu da trong vườn. ông Xúa liền nhẹ giọng nhắc nhở:

– Chúng mày về nhà đi, uống rượu làm cái đầu không suy nghĩ đúng, cái tay làm việc không chuẩn, cái chân đi cũng được nữa rồi. Chúng mày đều là trai bản khỏe mạnh như con hổ, con báo thì để sức ấy mà lên nương trồng thảo quả, trồng ngô, đẽo lại cái cây dựng lại cái cột nhà. Làm xong những việc ấy con gái bản nó khác theo đầy như đàn kiến theo mồi, như ong theo đàn lấy mật, việc gì phải mất công đi bắt vợ.

– Nhưng tôi thích con gái ông Xúa. Tôi đã bắt được cái Mai bước qua cửa nhà tôi rồi, sao thằng Páo dám phá thế chứ, nó định làm con hổ, con báo dọa người sao?

– Nhưng cái Mai nhà tao không ưng mày. Nên mày đi về đi.

Hảng nghe ông Xúa nói vẫn không chịu, định chạy lên nhà thì va phải thân hình lừng lững của Páo đứng chặn. Páo nói:

– Nếu mày không chịu về thì đừng trách tao.

Hảng đang sẵn men rượu trong người định xông lên lao về phía Páo, bỗng có tiếng còi và tiếng nói to vọng lại:

– Anh Hảng định đánh người à? Việc anh bắt vợ như vậy là không đúng, chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền ở bản rồi mà. Tục lệ này cần bỏ đi, làm vậy là bắt người, là vi phạm pháp luật đấy. Tôi cũng đã nhắc nhở ông Pho trưởng bản rồi. Nếu còn để xảy ra việc bắt vợ rồi đánh nhau như vậy, chúng tôi sẽ xử lý theo vi phạm pháp luật đấy.

Tiếng anh Minh công an xã khiến Hảng đang hùng hổ như con trâu đực ngứa sừng muốn húc cũng phải dừng lại. Hảng bực tức cùng mấy đứa con trai gườm gườm nhìn Páo, loạng choạng khoác vai nhau đi về. Anh Minh công an xã đến ngồi lại nói với Páo:

– Còn Páo, mày cũng phải bình tĩnh, có gì báo chính quyền các anh sẽ đứng ra giải quyết, chứ cũng đừng hùng hổ như thằng Hảng, đánh nhau rồi xảy ra việc gì thì hối hận không kịp đâu.

Ông Xúa cũng nói với Páo:

– Anh Minh nói đúng đấy, mày đánh nó là mày sai đấy Páo.

– Vâng ạ, em hiểu rồi.

Páo ngồi xuống lại nói chuyện cùng anh Minh và ông Xúa, vì mọi người cũng đoán, thằng Hảng vẫn hập hực lắm, cần làm cho nó hiểu để không đến nhà gây sự nữa.

Đêm xuống, không gian tĩnh mịch thi thoảng nghe tiếng cú đêm, tiếng con hoẵng gọi bạn trên rừng, gió thổi nhè nhẹ, mùi hương hoa trẩu bay qua vách, len lỏi vào trong nhà. Mai muốn đi ra ngoài bếp chỗ Páo ngồi, muốn ngồi lại bên anh và nói về những câu chuyện tương lai vui vẻ như những ngày trước…nhưng Mai cũng sợ những tục lệ ở đây sẽ ràng buộc Mai và Páo, sẽ ngăn cản họ bên nhau. Nghĩ đến những điều xảy ra với mình, chuyện mẹ bỏ lại giữa chợ, chuyện cô bị Hảng bắt làm vợ Mai lại chẩy nước mắt mà thút thít khóc. Tiếng thở dài của bà Diu trong phòng như níu chân Mai lại. Cô sợ.

Tiếng gà gáy gọi ông trời dậy, mùa hè mới sáng sớm đã oi. Mai dậy nấu cơm để Páo ăn rồi xuống trường học. Ông Xúa đã hiểu tâm ý của hai con, nhưng còn mắc ở trong lòng vì bà Diu cứ khóc mãi. Đang miên man trong dòng suy nghĩ là làm cách nào để thuận cho cả gia đình ông lẫn người dân trong bản. Tiếng anh Hòa công an xã đã nói oang oang ở sân.

– Páo ơi, mày xuống trường chưa?

Páo khoác cái áo, chạy xuống sân:

– Em chuẩn bị đi, có việc gì vậy anh?

– Tối qua, anh với ông Pho trưởng bản đã sang nhà thằng Hảng, gặp bố mẹ nó và nó để nói chuyện rồi. Cả nhà nó hiểu chuyện rồi, nhưng nó vẫn có vẻ hậm hực. Anh cũng đã nói với nó, nếu còn để xảy ra chuyện này lần nữa là sẽ bắt lên xã, cho đi tù đấy. Còn mày nữa, thấy nó cũng không được trêu chọc, đánh nhau đâu đấy.

– Vâng, anh cũng biết tính em không thích gây sự với ai mà, hôm qua chỉ vì…vì

– Vì mày thích cái Mai em mày hả?

– Anh, sao anh lại nói thế ạ?

Anh Hòa, vỗ vai Páo:

– Nhìn ánh mắt của kẻ si tình khác người bình thường lắm thằng em ạ, anh cũng từng trải qua nên nhìn cái biết ngay.

Páo nghe anh Hòa nói gãi gãi đầu cười:

– Nhưng chúng em đều sợ dân bản nói, là làm điều không đúng anh ạ.

– Chúng mày có phải anh em ruột đâu, cả bản này biết mà. Bố mẹ mày cũng là người tốt, nhận nuôi cái Mai khi nó bị bỏ rơi. Nhưng giờ chúng mày còn trẻ, lo mà học đi đã. Học về rồi tính, nếu thật lòng thì lo gì.

– Vâng, em cũng tính sang năm em đi học về, em có cái nghề, kiếm ra tiền rồi em sẽ nói với bố mẹ cho chúng em cưới nhau.

– Ừ, thôi giờ cứ an tâm đi học, anh nghĩ thằng Hảng cũng không dám quấy quá đâu. Mà hôm trước, anh đi họp dưới huyện, cũng nghe đâu có người đi tìm người nhà đi lạc, để anh hỏi lại, biết đâu lại là người nhà cái Mai.

– Vậy ạ, vậy thì tốt quá. Anh hỏi cho em nhé, Mai mà tìm được người nhà chắc sẽ vui lắm.

– Ừ, có gì anh tìm hiểu rồi báo lại.

Bữa cơm hôm đó, Páo mạnh dạn nói về tương lai, về dự định của mình, mặc dù không nói thẳng ra là người vợ trong câu chuyện về gia đình nhỏ ấy của anh là Mai, nhưng ánh mắt Páo và nụ cười của Mai đã cho thấy niềm tin của họ. Ông Xúa và bà Diu cũng đồng tình về tương lai, về công việc mà Páo nói đến, chuyện con trai ông bà với cái Mai, ông bà cũng sẽ không nói gì nữa. Trong thâm tâm, ông bà thật lòng yêu thương Mai, cũng không muốn Mai phải rời xa ngôi nhà này. Dù sau này, có thể một ngày nào đó, Mai sẽ tìm được lại gia đình của mình thì ông bà cũng không nỡ rời xa cô, chỉ khi cô muốn rời đi thì ông bà sẽ không thể giữ lại.

Bữa cơm hôm đó cả gia đình quây quần vui vẻ, tiếng cười nói về tương lai. Bản nhỏ hôm đó cũng như bừng sáng hơn, Mai đưa Páo ra đầu bản để anh bắt xe đi xuống trường. Cái nắm tay của Páo làm cho Mai tin tưởng về tương lai, về hạnh phúc đơn giản mà cô mong muốn, dù sau này có tìm được lại gia đình, thì Mai cũng không rời xa mảnh đất này, vì nơi đây là máu thịt, là nơi tình yêu của Mai từ bông hoa của bản đã nảy nở chờ ngày kết trái.

NGUYỄN THỊ THU TRANG

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm