TIN TỨC

Cảm thức thiên nhiên trong thơ Lê Thành Nghị

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
749 lượt xem

NGUYỄN THỊ LAN
(Nguồn: Nhà văn & Cuộc sống số 14, tháng 5-6/2023)

Thế giới thơ của Lê Thành Nghị đầy ắp những hình ảnh, sắc màu, âm thanh, mùi vị của thiên nhiên. Anh đã dành cho thiên nhiên một vị trí trang trọng, cao quý. Từ những khung cảnh thiên nhiên rộng lớn hoành tráng, những bức tranh toàn bích của núi cao, biển rộng, sông dài, mây núi trùng điệp, bầu trời mênh mông, mặt hồ êm đềm, mưa, gió, trăng, sao, cỏ cây ngút ngàn mang đậm màu sắc cổ điển đến những bức tranh bình dị, nhỏ bé, xinh xắn, tiêu sơ của vòm lá, nhành hoa, bờ ngô non, giọt sương, vệt nắng…tất cả đều đi vào thơ Lê Thành Nghị một cách tự nhiên.

Ở đó luôn có sự tương thông, tương hợp của hai kiểu không gian (vĩ mô và vi mô): một bông hoa mai nhỏ xíu giữa cảnh đất trời bao la, một đám lục bình trôi giạt trên sông Tiền Giang xa rộng… Từ những loài hoa lộng lẫy, kiêu sa, đài các đến những loài hoa bình dị, dân dã, quê kiểng đều có trong thơ: hoa hoàng lan, hoa loa kèn, hoa hồng, hoa đại, hoa sen, hoa mai, hoa muồng vàng, hoa sữa; đến hoa xoan, hoa gạo, hoa mười giờ, hoa trạng nguyên, hoa lau, hoa mua, hoa lan rừng và cả hoa cỏ, hoa xương rồng…Thiên nhiên trong thơ anh trang nhã, thanh sạch, trầm tĩnh…, mang theo những mã thông điệp tình cảm riêng của tác giả.

Trong bốn mùa, mùa xuân là một trong hai mùa được viết nhiều nhất. Với anh, mùa xuân được coi là mùa của sự sống, mùa của cảm xúc thăng hoa, mùa của tình yêu và mùa của những khởi đầu tốt đẹp. Mùa xuân trong thơ Lê Thành Nghị mang hương vị riêng, làm nên nét xuân dịu dàng, nhẹ nhàng, đậm hơi thở của mùa xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đây là làn mưa bụi đầu tiên (đặc sản của xứ bắc) khi mùa xuân về: Những chiếc lá trong bụi mù/ Run rẩy với những màn mưa đầu tiên giăng trên phố nhỏ/ Ngàn hạt ấm li ti quá đỗi dịu dàng/ Như bàn tay ai lướt trên phím đàn. Hoặc: Mai mốt em về đi chợ Huyện/ Mưa bay như bụi phiên đông người (Chợ Huyện)… Mưa nhưng không phải là mưa mà là bụi mù, hạt nhỏ li ti. Mưa xuân đấy, dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh tao, tinh khiết làm nên vẻ đẹp mơ màng, sương khói, như thực, như hư của tiết xuân đồng bằng Bắc Bộ.

Khi hạt mưa xuân giăng mắc khắp cõi nhân gian thì muôn loài cỏ cây, hoa lá như được chiếc đũa thần chạm vào, chợt tỉnh giấc sau một mùa đông lạnh giá. Bắt đầu là: Lá thì mướt quá. Rồi nắng: Chùm nắng non tưởng trái chín đầu cành. Còn đây là tháng ba, khi mùa xuân đã “chín”: Lối nhỏ tháng ba mây mù giăng/ Gió lạnh cuối mùa thôi cũng hết/ Cuối chân mây nắng về đột ngột/ Gió trên đường cũng ngơ ngác xanh. “Gió ngơ ngác xanh”  nói lên cái ngỡ ngàng của những ngày xuân đầu tiên. Sau thoảng gió ngỡ ngàng ấy là vũ khúc của mùa xuân: Ngọn gió xuân thổi mềm trên dặm cỏ/ Đã bắt đầu những đọt nắng ngời lên. Và sau “đọt” nắng ấy là hoa, trăm hoa đua nở: Tháng giêng bận bịu hoa…/ Đất Nghèn tháng ba hoa ven sông ven núi. Muôn sắc hoa bước vào thơ: có thể là bông hoa cỏ nhỏ xíu vô danh lòai hoa lạ cứ nhìn cha trong cỏ (Mùa xuân của cha và con), bông mai núi xinh xắn, thanh tao, tinh khiết “vừa thức” trong mưa bụi bay mờ sông Nậm Rốm; có thể là  Hoa xoan trôi trắng tím cả đôi bờ; bông loa kèn xanh gầy, mảnh mai và lặng lẽ.

 Đến mùa hạ, thơ anh tràn ngập sắc màu của cây, của nắng. Trong bài Nhịp thời gian, anh “định vị” với người đọc về những ngày cuối xuân đầu hạ. Mỗi câu thơ là một tiểu cảnh, một sắc màu, một âm thanh của lá, của hoa, của hạt sương, của nắng và tiếng chim: Tháng tư lối nhỏ hoa rụng đầy/ Tháng tư tiếng chim dài sau lá/ Tháng tư hạt sương run ngọn cỏ/ Tháng tư vạt nắng vàng rơi!. Một tháng tư náo nức của mùa hè Hà Nội. Còn mùa hè quê hương với những kỷ niệm của tuổi thơ: Mùa hè đang rung những quả chuông màu lam/ Em nhớ không mùa sim Hồng Lĩnh?.../Rặng bàng còn cất tiếng ve/ Đồng Hòn Mô có còn nghe sáo diều (Về quê). Mùa hè ở Matxcova lộng lẫy sắc màu: Cây ngày mai sẽ xanh kín lá/ Thảm cỏ nhung lộng lẫy nắng bên đường (Matxcova mùa tuyết đang tan). Và cuối mùa hè: Phương bắc mây mù chậm trôi, chậm trôi…/ Cốc rượu nồng nàn trong vườn nhẹ gió/ Hoa cỏ ngủ yên trên từng lối nhỏ…/Mây trắng vô biên, tráng lệ đền đài (Buổi chiều ở Edinburgh)…

Sang thu, vạn vật đã đến lúc thu mình. Những gì xanh tươi đã đến lúc tàn phai, như một báo hiệu qua câu chữ: sen tàn dẫn đến mùa thu. Nhưng chính sự phai nhạt này làm mùa thu như trở nên quyến rũ trong luân chuyển, trong sang mùa, trong mất mát, trong úa tàn: Mùa hạ đang xa/ Tàn trong nắng muộn/ Vàng trong yên lặng…/ Nhẹ nhàng chiếc lá bàng thay/ Kéo theo một vạt lửa bay xuống hồ (Sang thu); Rồi: Đêm qua một chiếc ngô đồng xuống/ Gió đẫm Tây Hồ, sương đẫm thu; Chạm tuổi bảy mươi/ Là chạm vạt cúc vàng bên vầng trăng lặn (Satna 100); Bâng quơ nhớ gió đưa mùi ổi chin/ Mây tần ngần trắng muốt phía sau cây (Mùa thu năm Bính Tuất)…Tất cả là tín hiệu sang thu, chuyển giao yên lặng… Cái nhẹ của mùa thu được lượng hóa: Tháng mười nhẹ như cầm tay được/ Áo dài bay cây đứng ngẩn bên đường. Cái nhẹ của mùa thu như tấm voan choàng lên cả đất trời: Trời vô biên thiên thanh/ Mây quá chừng lặng lẽ/ Mang cả dáng trăng non/ Áo dài về đâu thế?. Cái nhẹ ấy có trong cánh chim: Đàn chim sải cánh cùng cao rộng; trong áng mây: mây tần ngần trắng muốt; trong cỏ lặng bờ dài, trong Cây đứng sầu đông, sông nhớ mưa; trong hoa bay tím ngõ; trong mùi ổi chínnước hồ đầy…Rồi hoa: Mùa thu đến rồi đi theo vạt hoa vàng.../Cúc vàng trong yên lặng…Cảnh thu gợi lên man mác buồn bao trùm cả không gian và thấm vào tâm tư: Ngày thăm thẳm/ Trời xanh thăm thẳm/ Mắt người buồn thăm thẳm.../ Gió lạnh thổi từ năm ngoái đến/ Tiếng chuông tê buốt suốt mùa thu.  

Nói đến mùa đông là phải nói đến cái lạnh se thắt của gió mùa nhất là trong những đêm đông. Trong bài Mai gầy, Lê Thành Nghị có những câu thơ đầy biểu cảm: Đêm mùa đông gió cuốn sông dài/ Những vì sao gọi nhau về thăm thẳm/ Nghe bốn phía ngút ngàn gió lạnh/ Tiếng vạc rơi tê buốt trước hiên nhà. Quả là lạnh. Câu nào cũng “lạnh”. Nhưng nhiều khi không phải nhắc đến chữ “lạnh”, “rét”, “gió bấc” mà vẫn thấy rõ “mùa đông”: Một nhánh mai gầy/ Lá đi theo gió không gửi một lời/ Mình cây ở lại/ Chờ giọt sương mai… Anh cảm nhận mùa đông qua sắc lá: Mùa đông cứ tắt dần trên lá đỏ.../ Ngày cuối chạp/ Cây bàng lá đỏ đứng yên trong giá rét/ Phố phường mưa bụi bay. Hoặc: Những chiếc lá mùa đông vừa trút xuống/ Khúc không lời cây nói với thời gian... Và dường như cả đất trời đang “thức dậy”: Say điều gì hoa lau ngả nghiêng rung/ Chờ điều gì hoa mua tím cuối đông/ Rừng thức dậy nghe rừng đang trút lá. Và đâu đó trên bến sông quê đẹp bình dị mà lộng lẫy: Bát ngát con đường quê cuối chạp/ Lòng theo vạt nước chuyển ra giêng/ Bốn bề thơm thảo giàn gấc chín/ Hoa cải vàng theo đến mép sông. Có thể nhận ra màu sắc tươi tắn không hề xám xịt, tàn tạ vẫn thường thấy của mùa đông. Cho dù có khi là thời điểm “cuối mùa đông” (Rừng tràm cuối mùa đông), khoảnh khắc giao thời của đất trời, ẩn chứa sự sinh sôi, rạo rực nhìn rừng tràm thay lá/ Máu lên mười đầu ngón tay (Rừng tràm cuối mùa đông), ẩn chứa vẻ đẹp rất riêng.

Thiên nhiên trong thơ Lê Thành Nghị thật giàu màu sắc, một thiên nhiên trang nhã, lộng lẫy, ít gam màu chói gắt. Lê Thành Nghị thường nói bằng màu sắc. Nhiều nhất là sắc tím. Màu tím dường như có ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Tuyển tập có 192 bài thì ít nhất có gần 50 câu thơ có sự xuất hiện của màu tím. Màu tím trong hoa (hoa xoan, hoa lục bình, hoa cúc dại, hoa thạch thảo, hoa mua, hoa tuy líp…), trong chiều tím, núi tím lam, tà áo tím, hoàng hôn tím…Đó là những sắc màu của thế giới tự nhiên. Nhưng đó cũng là sắc tím của tâm trạng: Thao thiết nhớ một thời nông nổi tím/ Nếu có phải đợi chờ đến tím/ Ta sẽ chờ tàn lụi cả rừng gai!; Đã nói rằng yêu là mềm cả đá/ Đã nói rằng thương là tím cả sông…;Cả rừng hoa hái chờ em ngày ấy/ Biết bao mùa còn trôi tím trong anh; Trận mưa chiều làm lá rụng đầy sân/ Người đi vắng hoa hình như tím ngắt; Chuông đồng hồ gõ tím ngát hoàng hôn… Những sắc độ của màu tím không còn là màu của thế giới tự nhiên nữa mà trở thành màu của cảm xúc: nông nổi tím, đợi chờ đến tím, tím cả sông, trôi tím, tím ngắt, tím ngát… thành biểu tượng cho nỗi nhớ, ký ức, hoài niệm, sự chờ đợi, lòng thủy chung.

Thơ Lê Thành Nghị giàu biểu tượng. Trước hết là cỏ. Mật độ cỏ rất dày: cỏ trong vườn, cỏ bên sông, cỏ dọc bờ suối, cỏ lan mặt đất, cỏ khắp mọi miền quê, cỏ mênh mông ở Miền cỏ dại…Cỏ vô hạn với đời người hữu hạn: Kìa em! Đừng giẫm chân lên cỏ…; Vô hạn những triền sông, ngút ngát những chân đê/ Một nền xanh dưới chân mây…là cỏ; Nơi mẹ ta nằm lút bờ cỏ may…vv. Cỏ đã tạo nên điệp khúc tâm trạng, tình người chứa chan: những thương nhớ, những hoài niệm, những chiêm nghiệm. Nhà phê bình Cao Ngọc Thắng trong một bài viết của mình thật có lý khi cho rằng: “Chọn cỏ và đưa cỏ vào thơ, Lê Thành Nghị như đang tìm kiếm cái “vô hạn” trong đó, vừa khiêm nhường vừa kiên cường giữa mênh mông trời đất”*. Anh khẳng định: Có những câu thơ dù thiêu cũng không thể cháy/ Như thể lửa càng to, thảm cỏ mọc càng dầy (Thi sỹ). Những câu thơ về “cỏ” của anh đằm sâu nghĩ suy với nhiều tầng nghĩa, hiện lên vẻ đẹp lung linh, biến ảo. Điệp khúc “cỏ” như một hình tượng mang tính biểu tượng trong thơ Lê Thành Nghị.

Trong các loài hoa, anh viết nhiều về sen. Bên hồ sen 1, 2, 3 là một liên khúc về hoa sen “vừa bay bổng, vừa sâu lắng, vừa trùng điệp mênh mang”. Với sen, nhà thơ không chỉ thấy tác dụng của sen trong đời sống con người mà còn vì những “phẩm chất” mà con người phải vươn tới. Sen trong sạch, cao quý, tao nhã, vừa có sắc, có hương: Sen vẫn ngào ngạt hương/ Mặc kệ bùn luôn tìm cớ để vấy bẩn. Sen bay bổng, lãng mạn, vượt lên cái tầm thường: vô vàn những màu hồng, màu trắng đang muốn bay lên/ Những cánh mỏng như thiên thần mềm mại rung với gió/ Đã xa bùn đất, đã khuất ưu phiền/ Sen còn muốn bay lên cao nữa!.../Rứa mà như đang muốn vượt lên tất cả/ Để đến tận cùng-một hồ sen đang cất cánh bay…

Trong thơ anh có khá nhiều bài về mưa qua những câu thơ lãng mạn, giăng mắc tâm tư, gợi nhớ từ một không gian xa lắc, một thời gian xa vời chất chứa bao kỷ niệm: Tuổi học trò Ôi cơn mưa! Chỉ có thể là mưa như tuổi nhỏ/ Trẻ nhường kia thuở với bạn đến trường; Mối tình đầu Ôi cơn mưa/ Chỉ có thể là cơn mưa kỷ niệm/ Mối tình đầu và những trận mưa đêm; Một thời trẻ măng đi cầm súng Bom dội trong mưa, rừng cháy trong mưa/ Núi cúi mặt để khỏi trào nước mắt. Mưa gợi nhớ đến mẹ: Tôi cũng bao ngày mưa giăng nhớ mẹ/ Nỗi nhớ dâng trên mái phố, mái nhà. Mưa làm liên tưởng đến cha: Ôi hững cơn mưa thối trời, thối đất/ Cha chống gậy lội bùn đi dạy học/ Mưa ướt đầm gió lạnh chéo qua vai…Đó còn là những cơn mưa ấn tượng, găm sâu vào tiềm thức của người thơ mà anh gọi là những hạt buồn đau làm lạnh lùng nhân thế, làm nên những ký ức ướt sũng... như thể đã đi suốt đời anh…

Thiên nhiên trong thơ Lê Thành Nghị có sự hòa trộn với cái sâu kín của tâm hồn, không chỉ là những gì anh nhìn thấy mà cả những gì cảm thấy. Anh giãi bày lòng mình qua thiên nhiên, qua lăng kính cảm xúc chủ quan của mình với rất nhiều cung bậc. Ở đó, thiên nhiên nhiều khi không còn là một thực tại khách quan nữa mà là thực tại tâm trạng, là cái cớ để nhà thơ nhận thức, suy tư, như thể hòa nhập với thiên nhiên để thả lỏng tâm tư, tìm sự tự do, thư thái trong tâm hồn: Tôi đã bao lần ngồi trong nắng sớm/ Chẳng chờ đợi gì ngoài một giọng chim/ Tôi đã bao lần trên con đường vắng/ Chẳng chờ đợi gì ngoài khoảnh khắc lặng im/ Tôi đã bao lần trôi trên suối tím/ Chẳng ước ao gì ngoài được trôi êm. Mỗi khi phiền muộn, với tác giả thiên nhiên là nơi di dưỡng tinh thần, là nơi lắng sâu tâm thái, nơi thanh lọc tâm hồn. Tìm đến những khoảnh khắc lặng yên kia, anh nhận ra cái Tĩnh Động của thiên nhiên để trấn tĩnh lòng mình: Chiếc lá nào buông bên cửa sổ/ Chấn động lòng ta đến cạn đêm?. Câu thơ vẽ nên chân dung tinh thần của một người thơ trầm tĩnh, sống nội tâm, nhưng rất tinh tế, nhạy cảm. Đây là hoa hoàng lan: Cuối tháng ba, hoa suốt đêm dài/ Nghe gió thoảng biết cây vườn còn thức. Nói gió để nhắc đến cây vườn. Nói cây vườn để chỉ tâm trạng, một tâm trạng luôn thức, luôn tỉnh, luôn mở trước mọi biến động của thiên nhiên. Còn đây là núi, sỏi đá và mặt trời: Núi cao say đứng, núi thấp say nằm/ Sỏi đá và mặt trời cùng nhòe dưới suối. Và đây là cái vô hình đã trở thành hữu hình trong thơ anh: Mênh mông không lời ngày đi xa lắc/ Như vạc bay hàng một giữa mùa đông…Gắn với thiên nhiên thơ anh thăng hoa. Nhiều câu, nhiều bài mang sắc thái lãng mạn với tứ thơ, với tư tưởng mới lạ phóng khoáng, khí thơ mạnh mẽ: Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận/ Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm…/Nếu được làm trời xanh, nếu ta được làm trời xanh/ Ngày mai trời xanh sẽ vô biên…Rồi đến một ngày kia khi buộc phải ra đi, anh nguyện: về làm đất chờ hạt xuống/ Hóa những cánh diều bay trăng. Vậy là trọn vẹn một “tình yêu” thiết tha, nồng nàn và lãng mạn với đất trời cho đến tận cuối!

Thấm đượm trong từng cảnh sắc là một linh hồn “mang mang thiên cổ”, một tâm thái kín đáo và chừng mực, một tâm thế tự tại mà không hề ảo não, một nỗi buồn dịu nhẹ, lan tỏa từ người viết sang người đọc. Bài Ngẫu hứng sông Tiền, gợi lên mênh mang, xa rộng của sông nước, lênh đênh của kiếp lục bình, bất định của tâm trạng người viết. Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là nhà thơ miêu tả hoa lục bình mà biểu hiện những suy cảm, liên tưởng…với những gì thường biến, thường hằng của thiên nhiên: Nào ai nói giùm ta có ghì vĩnh viễn/ Hoa tím được bao nhiêu trước mãi mãi hoang tàn?. Một thoáng buồn trước cái hữu hạn của đời hoa, (cũng để nói người), một nỗi u hoài tha hương khi ý thức được cái hữu hạn trước vô hạn, một thoáng cô liêu nơi đất khách. Cái tình trong những câu thơ da diết mà không bi lụy, thiên nhiên rộng rãi một vệt mờ bờ lút phía chân mây mà không quạnh vắng.

Nhưng cô đơn- cái cô đơn bản thể thì có thật, nó ở trong cây, trong nước, trong bao la: Gió đi đâu cây một mình một bóng/ Sóng giang hồ vỗ đến hạ huyền đêm…/Sông thì rộng- vừa cánh cò chớp trắng/ Một vệt mờ-bờ lút phía chân mây…Cũng như có lần chia tay Nha Trang với những câu thơ thảng thốt: Bao giờ về đi trên con đường ấy/ Biết thế nào là biển nhớ nhung trăng/ Bao giờ về khóc thầm trong nước mặn/ Biết thế nào là biển lạnh Nha Trang/ Bao giờ về, bao giờ về với biển/ Hoa nói đi, hỡi cánh hoa vàng. “Bao giờ về”, hỏi mà không lời đáp, một nỗi buồn xa vắng mênh mông. Bài Chiều tháng bảy qua sông thì câu chữ tê tái: Bốn bề vắng lặng mênh mông bốn bề, với miên man nước chảy vô thường, với Mây bay lạc lối hoa trôi lạc dòng. Tháng bảy là tháng cô hồn, tháng mưa ngâu. Cảnh vật hiu quạnh, lòng người theo đó cũng tê buốt nỗi buồn thế gian. Hình như người viết đang liên tưởng đến chuyến đò cuối cùng đến bờ hư vô: Mai về xếp lại tháng năm/ Ngu ngơ, khôn dại, lỗi lầm, được thua/ Xếp ngày ước, xếp đêm mơ/ Để trôi một chuyến sang bờ hư vô. Bài thơ viết năm 2009, còn sớm để nghĩ đến ngày đó, cho thấy một tâm hồn đa cảm, nhạy cảm trước thời gian. Trong bài thơ Một mình thì nhà thơ không chỉ buồn mà còn cô đơn đến tận độ: Sông như sông rượu đong đầy/ Chén nâng một mình sao cạn/ Thương nhớ người đi muôn dặm/ Ta với mây bàng hoàng bay. Chỉ có tamây bàng hoàng bay. Một câu thơ gói cả một buổi chiều cô đơn. Bài thơ Tàu về thảo nguyên lại là nỗi buồn ly biệt, nỗi buồn lẻ loi trước xa cách: Trận mưa chiều làm lá rụng đầy sân/ Người đi vắng hoa hình như tím ngắt/ Tôi cũng mất những gì yêu quý nhất/ Chỉ còn nguyên vạt nắng lẻ sau nhà/ Một nửa chân trời theo người ấy đi xa/ Một ngàn ngôi sao cùng trôi về phía ấy/ Nửa chân trời phía người ở lại/ Đêm màu nhung thầm lặng xuống trong vườn.

Nhưng nỗi buồn trong thơ anh là buồn Đẹp, có phải vì nó luôn gắn với thiên nhiên? Đẹp bởi sự vương vấn nhẹ nhàng của một tâm hồn đa cảm. Ở đó ta thấy đủ cả: sự bình yên, sự tĩnh tâm, sự xao động…của những trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm của nhà thơ, đặc biệt những lúc chia xa.

Trong thơ Lê Thành Nghị đầy ắp kỷ niệm. Với anh, về với thiên nhiên là về với kỷ niệm, trong đó có những kỷ niệm về quê hương: Hoa đại y nguyên lời ước hẹn/ Trăm năm vẫn rụng trắng sân chùa. Là cố hương: Suối trôi trong tĩnh tại/ Núi động trong dáng thiền/ Nuôi ta lớn lên. Nơi mỗi khi trở về: Ta về ngơ ngẩn cùng tre trúc/ Kìa lối vào mây đến cửa thiền. Nơi đó anh ước ao: về ngược thời gian/ Rẽ vạt cỏ năn/ Làm con cò lội ruộng/ Ta về làm đất chờ hạt xuống/ Hóa những cánh diều bay trăng. Nơi đó Không có nỗi nhớ nào xa xót như nhớ miền Trung, bởi vì thiên nhiên miền Trung nên thơ, hùng vĩ nhưng thật sự khắc nghiệt: Miền Trung quê anh cát bay trong sữa mẹ. Nơi đó mưa nắng cũng khác thường: Mưa miền Trung/ Cuốn đi những đồi cát bỏng/ Sạt lở những vách núi cao/ Ngập tràn những dòng sông ngắn. Cho nên “nhớ” về quê hương với anh cũng là sự “xa xót”….

Thơ Lê Thành Nghị là thơ của một cây bút tài hoa, có học thức, có sức lan tỏa. Có thể trích dẫn nhiều câu thơ hay và đẹp về mọi khía cạnh trong đó có những câu thơ về thiên nhiên rất đặc trưng của thi sỹ. Nhiều câu thơ rất ám ảnh. Chẳng hạn: Em đi trên bờ nước dưới bến dâng lên (Mùa hoa xoan), Ta về làm đất chờ hạt xuống/ Hóa những cánh diều bay trăng (Miền đất quê hương), Cả rừng hoa hái chờ em ngày ấy/ Biết bao mùa còn trôi tím trong anh (Trong suốt sông Kỳ Cùng), Sông mất một đời trôi đi dại dột/ Tôi mất một đời để quên một người (Một đời), Cuối tháng ba hoa suốt đêm dài/ Nghe gió thoảng biết cây vườn còn thức (Mùa hoàng lan), Nhân thế bao la như biển rộng/ Nỗi buồn một giọt cũng ngầm đau (Tháp Chàm), Nào ai nói cùng ta có gì vĩnh viễn/ Hoa tím được bao nhiêu trước mãi mãi hoang tàn (Ngẫu hứng sông Tiền), Ai bỏ quên ở Đại Từ mùa rét cũ/ Khăn mùa đông giờ đã như mây (Về nơi sơ tán cũ)..vv

Đó chính là vẻ đẹp độc đáo của thơ Lê Thành Nghị, một phong cách khó lẫn trong thơ Việt đương đại.

Hải Dương đầu Xuân Quý Mão 2023

______________

Cao Ngọc Thắng: Hoa thường hay héo cỏ thường tươi. Báo Văn nghệ Công an ngày 8 tháng 9 năm 2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm