- Bút ký - Tạp văn
- Sức mạnh hoà bình
Sức mạnh hoà bình
PHẠM MINH MẪN
Tháng 3 năm 1975, trong trận đánh núi Vú (Vú Chị, Vú Em, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), đại đội trưởng Mao bị thương. Tôi (23 tuổi, đại đội phó) được tiểu đoàn trưởng Đàm Sánh (sau này là sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 QK5) gọi lên giao nhiệm vụ quyền Đại đội trưởng C10 D6 để tiếp tục tấn công thị xã Tam Kỳ.
Trận đánh Hố Bạch trước đó, bộ đội thương vong nhiều, vì núi đá không thể đào hào chiến đấu cá nhân. Đêm tiềm nhập, anh em phải nằm hoặc ngồi bên vách núi, bọn lính từ trên cao điểm bắn hú hoạ đạn phóng lựu xuống, hễ nghe tiếng “cắc” đầu nòng ai cũng thấp thỏm lo ngại, chỉ khi nghe thấy tiếng “oành” ở đâu đó mới biết mình không bị đạn M79 rơi trúng... Trịnh, đại đội trưởng C11 gặp tôi khoát tay: "Mẫn ơi, mất hết quân rồi!". Sau này Tiểu đoàn trưởng Đàm Sánh nói nhỏ với tôi: "C9 và C11 đều đang thiếu quân do thương vong, tiểu đoàn chỉ còn C10 của mày quân số tương đối đủ"…
Đại đội 10 được tiểu đoàn phối thuộc 1 khẩu đội cao xạ 12 ly 7, tôi bố trí cùng khẩu đội cối 60 đi phía sau để yểm trợ. Khi phát hiện thấy lính địch chạy nhốn nháo trên Quốc lộ 1, khẩu 12 ly 7 hạ nòng bắn thẳng, đạn nổ chát chúa nghe đầy uy lực...
Cả đại đội băng từ trên núi xuống, khoảng 10 giờ đã vào được thị xã Tam Kỳ, chén thịt hộp ba lát, hút thuốc lá Rubi "chiến lợi phẩm", sau đó tiểu đoàn được lệnh cùng sư đoàn dọc theo đường sắt và đường bộ tiến quân ngược về Đà Nẵng… Vũ khí thu nhiều vô kể, trong đó có khẩu 106,7 lúc đầu đại đội còn báo cáo, sau chẳng ai quan tâm. Qua sông Bà Rén, thượng úy Tương, Trưởng Ban trinh sát trung đoàn hy sinh. Đến Thanh Quýt (huyện Điện Bàn) thì gặp ổ kháng cự khá cứng của lính thủy quân lục chiến, đơn vị nào đánh cứ đánh, ai không đánh nhau thì ôm súng ngủ gục lấy sức. Hàng chục xác địch được anh em kéo ra đắp chiếu xếp nằm sát mé Quốc lộ 1. Có mấy cô gái trẻ và một phụ nữ trung niên tham lam đến mở chiếu lính chết trận để hôi của, bị anh em la mắng đuổi đi. Nghĩ cũng cám cảnh cho số phận người lính phía bên kia. Ngày 29/3 đơn vị đã vào đến Đà Nẵng. Vũ khí, quần áo, đồ đạc quân dụng ngổn ngang khắp nơi cùng cờ phật tử và băng rôn “Yêu cầu hai bên miền Nam Việt Nam biến Đà Nẵng thành khu phi quân sự để đảm bảo tài sản và tính mạng của đồng bào.”. Đơn vị ngủ tại nhà dân ở Miếu Bông, đêm tôi đi kiểm tra thì nghe bà con nói với nhau: “Lính của chế độ mới được đấy, thấy họ kỉ luật rất nghiêm…”. Phía sân bay Đà Nẵng, suốt đêm bộ đội bắn pháo sáng thu được để ăn mừng. Sau đó đơn vị được lệnh thu gọn tinh giản đồ đạc, sẵn sàng chờ lệnh tiến vào Sài Gòn…
Phi công Nguyễn Thành Trung (bên phải) cùng đồng đội vui mừng sau trận ném bom vào Dinh Độc lập ngày 8/4/1975
Phi công Nguyễn Thành Trung và PGS-TS, nhà thơ Mai Quỳnh Nam tương lai.
Ngày 8/4, Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin một trung úy phi công VNCH phản chiến, ném bom dinh Độc Lập. Sau đó bên tuyên huấn cho biết phi công đó là Nguyễn Thành Trung, gia đình cách mạng được ta cắm vào hàng ngũ địch. Bài thơ SỨC MẠNH HÒA BÌNH tôi viết trong những ngày này. Bài thơ đã được đăng trên một số báo và tạp chí nhưng chưa một lần tác giả và nhân vật gặp nhau, tôi chỉ “gặp” Nguyễn Thành Trung trên truyền hình và 1 lần thấy anh trên sân bay Pleiku với Đoàn Nguyên Đức từ xa…
Sau 47 năm (2022) tôi mới có dịp hạnh ngộ cùng Đại tá, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VN Airlines) tại nhà riêng của anh ở Quận Gò Vấp.
Nguyễn Thành Trung không dùng zalo và Facebook nhưng anh vẫn vào theo dõi báo chí và các trang mạng xã hội. Sinh năm 1945 (trong hồ sơ ghi 1947), trông anh vẫn khoẻ tuy từng trải qua trận tai biến năm 2019. Buổi sơ giao, ban đầu anh có vẻ khá kiệm lời, không muốn nhắc lại một thời hào hùng đã trải qua, thậm chí có cô cháu Giám đốc một nhà xuất bản cố thuyết phục anh viết hồi ký nhưng anh đã từ chối. Nhưng rồi câu chuyện chủ, khách mỗi lúc một thân mật và anh đã cởi mở lòng mình.
Có rất nhiều chuyện mà anh chưa từng kể với báo chí, lần đầu tiên tôi được nghe. Anh vốn họ Đinh nhưng đã đổi thành họ Nguyễn để che mắt địch (năm 1963 cha anh là Bí thư huyện Châu Thành, Bến Tre bị chính quyền Ngô Đình Diệm sát hại, thả xác trôi trên dòng kênh). Tôi hỏi anh tại sao đợt cắt bom đầu tiên anh lại ném hai trái bom xuống sân dinh Độc Lập rồi mới vòng lại ném hai trái trên nóc dinh (trong đó anh đã thao tác "khoá" một trái không cho nổ mà nhiều người vội chê bom Mỹ bị "tịt ngòi"). Anh khẳng định “thao tác“ khoá bom phi công nào cũng biết. Tuy anh không nói nhưng tôi đã đoán trúng và được anh xác nhận, đó là lý do nhân đạo. Hai quả bom ban đầu nổ ở sân dinh Độc Lập để mọi ngươi kịp xuống hầm tránh trú. Còn nếu hai quả bom đợt hai cùng nổ trên nóc dinh thì hàng chục người có thể sẽ bỏ mạng. Cuộc chiến sắp kết thúc, người Việt ta đều máu đỏ da vàng...
Trong lịch sử lực lượng vũ trang, Nguyễn Thành Trung là một minh chứng sống động trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân ta với truyền thống “Dùng vũ khí địch đánh địch”!
SỨC MẠNH HÒA BÌNH
Tặng trung uý phi công Nguyễn Thành Trung
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình
Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Và chiếc máy bay tiêm kích
Cũng từ bên đất Mỹ đưa sang…
Anh bay bằng Sức- Mạnh- Việt- Nam
Bánh xích chiến xa, tiếng gầm trọng pháo...
Hào khí ngàn năm tụ dồn giông bão
Sài Gòn đang tiến công!
Những trái bom xé nát dòng sông
Đất nước cắt chia, phố làng xơ xác
Những trái bom hằn ghi tội ác
Đang treo dưới cánh bay
Trời Sài Gòn vẫn xanh giữa ngàn mây
Cái màu xanh ba mươi năm mơ ước
Xác ba anh trên dòng kênh xanh năm trước
Bao người ngã xuống giữ màu xanh?
Đất mẹ kiên cường tiếp sức cho anh
Cánh bay nghiêng trên khoảng trời tổ quốc
Ngôi nhà chữ T, chỗ núp quân bán nước *
Tội ác từ đây năm tháng chất chồng
Trái tim rung nhịp đập anh hùng
Cái nhấn nút nhấn vào thế kỷ:
Anh ném xuống đầu tên tay sai Mỹ
Những trái bom U S A!
Tiếng nổ rung trời, sóng nổ truyền xa
Góp sức nóng bao trái tim nhân loại
Khi Thiệu rúc dưới hầm sâu khiếp hãi
Cả miền Nam cờ đỏ rợp trời.
Trái bom sinh ra vốn đề giết người
Bọn lái súng muôn đời đều nghĩ thế
Báu vật ấy của những tên đồ tể
Về tay anh thành sức mạnh hòa bình…
PMM
-----------
(*) Dinh Độc Lập.