- Lý luận - Phê bình
- Sức hấp dẫn của nhà văn
Sức hấp dẫn của nhà văn
(Đọc “Qua sông nhặt bóng”, tập bút ký chân dung văn học của Lê Huy Mậu - NXB Thanh niên 2022)
Bạn đọc cả nước biết đến Lê Huy Mậu với 12 tập thơ và trường ca đã xuất bản, một nhà thơ nặng lòng với quê hương, xứ sở; anh còn là cây bút văn xuôi có sức nặng của chữ nghĩa. Ngoài tập truyện ngắn “Giá người”, tập tản văn “Trang viết nét người”, anh còn có mấy chục bài bút ký chân dung văn học hợp thành tập “Qua sông nhặt bóng” viết về các nhà văn, nhà thơ, người thân, người sơ nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đã trở thành tập bút ký chân dung nhà văn hấp dẫn bởi giọng văn “vừa chân tình, vừa uyên bác”, đôi khi nhận định, khái quát thành triết luận.
Trước hết tác giả phải sống thật với nhân vật của mình, quan sát, suy nghĩ, tìm tòi về họ. Có nhân vật nhà thơ chơi thân, rất thân, hàn huyên vui đùa, chia sẻ... mà chưa đọc của nhau, chưa biết “cái thằng bạn thân” có tác phẩm nào, nhưng khi bạn qua đời, anh mới đọc lại những sáng tác của bạn, vào mạng tìm thông tin về bạn, để viết và bình luận một cách xúc động. Những bài như: “Về Vinh nhớ Chính Tâm”; “Thạch Quỳ- hạt bụi người”; “Trầm tích Hoàng Trần Cương”; “Nhớ nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và chữ “gut”; “Về Đoàn Xuân Hòa”; “ Với Giáp Văn Chung: dịch và viết là sự trả ơn hai miền đất” v.v... Nhân vật được khắc họa rõ nét từ tính cách, lối sống, đến suy nghĩ, hành động, trong đó có mâu thuẫn, có đúc kết thành tư tưởng; xum xuê, sinh động chẳng kém gì truyện ngắn. Những bài viết về chân dung nhà văn thường khô khan, kể ra những tác phẩm của nhân vật, có khi tếu táo vài nét tốt xấu, mà thường tốt nhiều hơn xấu, còn nếu có xấu thì cũng chỉ là nhân vật chân thành đến ngây thơ nên vướng phải. Nghĩa là đọc thể loại này rất mệt. Nhưng ở “Qua sông nhặt bóng” của Lê Huy Mậu lại khác. Đọc những nhân vật là nhà văn, nhà thơ qua cách thể hiện của anh có cái gì đó cuốn hút tôi, cứ muốn đọc hết nhân vật nhà văn này sang nhà thơ nọ mà không biết chán. Tôi cứ tưởng, ngoài đời Lê Huy Mậu sống lành hiền, ít nói, tránh tranh luận; xù xì, thô ráp của một bác nông dân cần cù trên ruộng đồng xứ Nghệ, hơn là nhà thơ. Một người “Đi cạn đời chưa ra khỏi bụi tre gai” (Thơ Lê Huy Mậu). Nhưng tôi đã nhầm, đọc những bài viết của anh, thấy anh có một phông văn hóa đủ rộng, một triết lý thâm thúy, đặc biệt là tài khái quát về nhà văn, nhà thơ, có khi một câu thôi đã điểm được thần thái, phong cách sáng tác của người đó. Còn ngoài đời, “Lướt qua một ai đó thôi là Lê Huy Mậu “đọc vị” khá chuẩn” (Vũ Thanh Hoa). Khả năng đó giúp anh tạo dựng chân dung nhà văn: “Tôi đã viết về hàng chục nhà văn, mỗi nhà văn có một sức hấp dẫn văn hóa khác nhau. Muốn viết về họ cần phải, trước hết là, phát hiện ra sức hấp dẫn văn hóa đó. Nhưng như thế chưa đủ, còn một cần thiết khác, là sau đó, cần phải có những chi tiết quan sát bằng mắt và bằng giao tiếp trực tiếp với họ, cuối cùng mới đến tác phẩm của họ”. Bởi quan niệm đúng đắn đó, Lê Huy Mậu khắc họa về ai là điểm đúng thần thái của người đó. Viết về Nguyễn Duy, anh nhận xét: “Trong thơ chống Mỹ của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Mạnh Hảo v.v... là thơ trực tiếp nóng hổi, thì thơ chống Mỹ của Nguyễn Duy chỉ là thứ thơ “gián tiếp” với chiến trường, với chiến đấu, chiến tranh. Đó là “Hơi ấm ổ rơm”. Đó là “Bát nước ngô của bà mẹ Quảng Trị”. Đó là “Cây tre Việt Nam”... Ngay như bài “Bầu trời vuông” viết giữa chiến trường cũng là viết về phút giây yên tĩnh trong chiến tranh. Cái sáng tạo, cái phát hiện mới mẻ trong thơ Nguyễn Duy cũng nằm gọn trong thơ “truyền thống”. Thơ Nguyễn Duy làm phong phú sinh động và lấp lánh thơ truyền thống”.
Với bạn văn Nguyễn Quang Lập, anh viết: “Đọc truyện ngắn Nguyễn Quang Lập, thấy nó phảng phất chuyện núi đồi thảo nguyên của Aimatop. Nó lung linh huyền ảo, ly kỳ và hấp dẫn từ đầu chí cuối.” Anh so sánh: “Tôi bị ám ảnh văn chương của Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Quang Lập. Nguyễn Huy Thiệp sắc sảo, bạo liệt. Còn Nguyễn Quang Lập thì chân thành, trong trẻo đến tận đáy tâm hồn”.
Lê Huy Mậu có “duyên” với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, kể từ khi nhà thơ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo rút từ trường ca “Thời gian khắc khỏai” của Lê Huy Mậu, phổ thành ca khúc “ Khúc hát sông quê” vừa hay vừa “hot” trên các phương tiện truyền thông, giải trí. Lê Huy Mậu để nhiều tâm trí, nhận xét, so sánh thơ Nguyễn Trọng Tạo với các nhà thơ nổi tiếng khác, sự so sách ấy ngắn gọn, mỗi người anh chỉ dùng có hai từ mà khái quát đến thần tình: “Nguyễn Trọng Tạo thuộc lớp nhà thơ tiêu biểu thời kỳ chống Mỹ. Nếu phải phát biểu ngắn gọn về thơ của lớp nhà thơ này thì thơ Hữu Thỉnh là thơ lấp lánh, Thơ Phạm Tiến Duật là thơ thông minh. Thơ Nguyễn Đức Mậu là thơ đậm đà. Thơ Nguyễn Duy là thơ thuần Việt. Thơ Bằng Việt là thơ trí tuệ. Thơ Vũ Quần Phương là thơ sang trọng. Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ tài hoa. Thơ tài hoa là thứ thơ khiến người ta có cảm tưởng như đó không phải là kết quả logic của tư duy mà là sự thăng hoa của ngôn từ.”
Lê Huy Mậu dựng chân dung nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khá sinh động. Đó là nhà thơ tài hoa - dĩ nhiên rồi, còn là nhà thơ dễ gần, không cố tạo khoảng cách để phân biệt đẳng cấp; biết nâng niu tất cả đối với các cây bút trẻ bằng cách viết lời bạt, lời giới thiệu cho các tập thơ trẻ; khen chê rất chân thành, nhiều khi chân thành đến cực đoan; một nhà phát hiện tài năng văn học có đẳng cấp trong cả nước. Anh còn nể Nguyễn Trọng Tạo ở sức làm viêc, năng lực làm viêc quái kiệt. Phong cách làm việc đó có cái gì đó cũng nhập đồng, cũng thăng hoa khác thường: “Đành thì tài hoa, sự thăng hoa nào cũng đều bắt nguồn từ một kiến thức thượng thặng. Mà kiến thức thì không thể chỉ bằng cách nào khác có được ngoài sự học, sự đọc, sự tích lũy, sự cày cuốc chăm bẵm trên từng trang sách. Có chăng đó là sự hơn đời trong sự đọc, sự học của họ.”
Đã có nhiều người viết về nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam qua nhiều khóa, nhưng đến Lê Huy Mậu, một Hữu Thỉnh mới hiện lên rõ ràng những đường nét bên ngoài và cả bên trong tâm hồn: “Hữu Thỉnh là nhà thơ, là người lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn. Anh “công chúng” như một chính khách, như một diễn viên “hot” ... Tài văn đất nước ta thời nào cũng không thiếu, nhưng tập hợp những nhà văn đó lại thành một hội...lại không chỉ tập hợp không thôi mà còn hầm bà lằng những mối quan hệ quyền lợi, lại bình xét, tôn vinh, lại chấm giải, trao giải... không có một đại lừng khừng không làm được...Tôi gặp anh Thỉnh lần nào cũng thấy tất bật. Họp hành là một cực hình với người ngán họp. Nhưng anh Thỉnh họp quanh năm, họp liên tục, họp chồng lên họp vậy mà anh chịu được. Vậy mà anh vẫn khỏe, vẫn nhuận sắc, thế mới tài! Có nhà thơ nhận xét, Hữu thỉnh nhiều việc, bận bịu vất vã thế, nhưng không cho Hữu Thỉnh làm việc là nó chết luôn. Anh có tài tháo ngòi nổ một cách tài ba khi những bức xúc căng thẳng trước hội nghị, nhưng Hữu Thỉnh phát biểu cái, các lò lửa trong lòng người tự nhiên tắt ngóm...” Nhiều chuyện về nhà thơ Hữu Thỉnh rất vui, nhưng trên hết vẫn là thơ Hữu Thỉnh. Lê Huy Mậu nhận xét: “Thơ anh Thỉnh lấp lánh, ám tượng. Viết về cái gì cũng tìm ra được chi tiết độc đáo. Thơ mà sao nó xum xuê, tươi tốt như là một truyện ngắn. Nó đánh thức trong người đọc những liên tưởng về không gian, thời gian, về âm thanh, màu sắc. Nó hiện thực cụ thể, nó gần gũi thân thuộc, nhưng lại nghe xa vắng ảo mờ như trong huyền thoại... Những câu thơ hay của anh được nhắc tới nhiều là những câu thơ có “chất” và ý vị . Nó giống như trà ngon, uống xong có dư vị để lại...Hữu Thỉnh viết trường ca mạch lạc và giàu chi tiết như văn xuôi. Thơ anh đằm thắm và đẹp như văn xuôi của Đỗ Chu. Đọc thơ ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và nếm được, nghĩa là thơ không chỉ tác động vào tri giác mà thơ tác động cả lên các giác quan của người đọc”.
Nhiều bài viết về các văn nghệ sỹ, Lê Huy Mậu có những cao hứng xuất thần như thế, trong bài ngắn này, tôi không thể kể hết ra được.
Đa số những chân dung trong tập sách này là người miền Trung, gần hơn là người xứ Nghệ. Người xứ Nghệ giỏi ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong văn chương. Đúng như Lê Huy Mậu nhận định: “Phải chăng, với các nhà văn, xuất thân từ những vùng quê càng khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên bao nhiêu, càng cằn cỗi về điều kiện thổ nhưỡng bao nhiêu thì mảnh đất dành cho sáng tác của họ càng màu mỡ bấy nhiêu. Nói cách khác, con người phải căng ra, phải trui rèn cả về trí lực lẫn sức lực để chống chọi với hoàn cảnh sống để tồn tại, thì chính nhà văn đó, văn chương được hưởng lợi từ thực tế sống để viết. Những trải nghiệm đến một lúc nào đó, nó trở thành nhu cầu viết, nhu cầu được giải tỏa, nhu cầu được chuyển tải thành những tác phẩm văn chương”. Lê Huy Mậu là người Nghệ, nhận định đó ta hiểu thêm là dành cho cả tác giả nữa.
Thỉnh thoảng Lê Huy Mậu lại trữ tình ngoài đề, nhiều khi đúc kết như một nhà lý luận văn học, lại có sự ngẫu hứng bay bỗng của hồn thơ, chỉ có nhà thơ mới nói chuẩn xác về nghề đến thế: “Mỗi nhà văn có phong cánh lao động sáng tạo riêng. Các nhà văn lớn theo chỗ tôi biết, thường có chút gì đó hơi đồng bóng, khác thường. Trời phú cho họ một trí nhớ tuyệt vời, một trí tưởng tượng tuyệt vời. Quá trình sáng tạo là quá trình nhập đồng, là sự thăng hoa của trí tưởng tượng”... “Sức nặng của văn chương, tôi cho rằng đó là sự kết hợp giữa tư tưởng và chữ. Chữ là đơn vị đong do. Chữ chắc, văn nặng.” ... “Thiên chức của nhà văn là phải nói lên cái khát vọng của nhân dân, của dân tộc thông qua các hình tượng văn học. Các nhà văn chân chính, dù muốn, dù không cũng phải chạm tới “ kinh mạch” của thời đại. Cho nên, làm nhà văn phải giữ thăng bằng khi đi trên dây sự thật. Tài năng nhà văn không chỉ thể hiện ở khả năng sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ mà nhà văn cần phải xâu chuỗi được các hiện tượng ngẫu nhiên trong đời sống, tổng kết được thực tiễn, dự báo được tương lai.”
Có khi anh lý giải về sự sáng tạo văn chương của chủ thể nhà văn rất hình ảnh: “Kiến thức, theo tôi nó như thứ vật liệu cốt yếu, để kết cấu thành các tác phẩm của nhà văn. Chất “kết dính” hay “hồ keo” để kết nối các tri thức đó lại với nhau thành tác phẩm văn chương. Tôi hình dung nó giống như là “nước bọt” của loài chim Yến. Chim Yến “thổ huyết” “nước bọt” từ trong cơ thể mình ra mà xây tổ. Và tương tự như thế, để tạo ra cái chất kết dính ấy, nhà văn giống như con chim Yến, trước hết phải chứng minh được mình là “chim Yến” đã, còn sau đó là tùy thuộc vào đôi cánh, để có thể chao liệng hàng vạn dặm giữa bầu trời mênh mông gom nhặt những con côn trùng bé nhỏ trong không trung để lấy chất mà “thổ huyết” thành cái “tổ Yến” – tác phẩm quý giá giàu dinh dưỡng của mình”.
Tôi trích những bình luận, những khái quát của Lê Huy Mậu mà không cần chú thích nó ở phần nói về nhà văn, nhà thơ nào, bởi vì những nhận định đó chung cho văn học. Nó trở thành kinh nghiệm sáng tác đối với giới cầm bút.
Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng của nhà thơ Lê Huy Mậu, nó như một tấm màng nhạy cảm, chỉ hơi tác động đã rung lên âm thanh của cảm xúc, đặc biệt là với thơ, với đời, với bạn văn một thời sống hết mình vì đam mê văn học. Nếu như trong thơ, Lê Huy Mậu cả đời ám ảnh với dòng sông quê, thì trong văn xuôi, có lẽ tâm hồn anh ám ảnh bởi những bạn văn- người còn, người mất với bao ân tình- được anh thể hiện trong “Qua sông nhặt bóng”. Anh đã nhặt được tâm hồn các bạn văn của mình làm hành trang kỷ niệm và tôi tin rằng nó sẽ trở thành “một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”.
Sài Gòn Tháng 6/2022.