- Bút ký - Tạp văn
- Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ
Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ
TRẦM HƯƠNG
Nếu cắt đứt quá khứ, ta chỉ còn là cái cây bật gốc, với một tương lai héo rũ, yếu ớt. Cũng sẽ có người phản biện: “Quá khứ trì nặng, nếu không dũng cảm cắt bỏ, tương lai không thể thăng hoa”. Có một quá khứ mà nếu cắt bỏ, ta trở thành kẻ vô ơn. Đó là món nợ lòng dân. Những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 chống dịch Covid, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, không ra đường nếu thật sự không cần thiết...; kỳ lạ thay; chưa lúc nào tôi thấy yêu thương, gần gũi với con người như thế. Cảm giác đó, có lẽ chỉ ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi lập nghiệp, nơi cưu mang tôi, nơi tôi đang và được sống. Hơn 30 năm là người Sài Gòn, tôi có hàng trăm quyển sổ tay ghi chép những câu chuyện bi hùng của quá khứ, cả uẩn khúc, nỗi đau. Những ngày ngồi nhà tránh dịch Covy của tôi thật có ý nghĩa, khi tôi có thời gian lắng đọng, sắp xếp lại “thư viện” của mình. Ôi trời, có quá nhiều những quyển sách ố vàng cũ kỹ thật quý báu, thật đáng đọc. Và những quyển sổ tay ghi chép đầy bụi kia! Tôi phủi bụi, mở ra từng trang, nhận ra tôi còn mang món nợ rất lớn với người dân Sài Gòn. Quá khứ, bi bùng, những cuộc đời vĩ đại, phi thường vẫn còn nằm bất động, bị bỏ quên trong những quyển sổ ghi chép của tôi. Tôi thấy mình thật có lỗi vì viết về Sài Gòn quá ít so với những gì tôi biết, với những cuộc gặp gỡ, những ký thác, trao gởi của những chứng nhân lịch sử. Những quyển sổ tay ngỡ vô tri mà chứa đựng những số phận con người trĩu nặng. Món nợ đó nhắc tôi phải quyết liệt hành động. Tôi phải viết nhiều hơn nữa, tôi phải làm một điều gì đó để góp một tiếng nói chống lại sự lãng quên. Mà đâu chỉ một quyển sổ tay, hàng trăm quyển, nhiều và rất nhiều nhân vật được ghi chép, nhiều người đã không còn. Những quyển sổ tay cũ kỹ, mốc meo kia dường như có linh hồn, làm lòng tôi xao động. Tôi mở từng trang, chạm vào đâu cũng thấy mình đang mắc nợ...
Bản thân Sài Gòn là một di tích lịch sử khổng lồ. Từng góc phố, con đường tôi qua đều in dấu những câu chuyện thần kỳ, sâu thẳm. Mới đây thôi, trước dịch covid bùng phát, tôi cùng cựu phi công Hồ Duy Hùng đến thăm ông Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho) - một trong những chỉ huy tình báo chiến lược của Sài Gòn, tại ngôi nhà số 488/17C Lê Văn Sĩ, quận 3. Ông sống trong căn nhà phố, cũ kỷ, khiêm nhường. Tôi có cảm giác bức tường phòng khách nhà ông là nơi trang trọng, quý báu nhất, vì nơi đó, lịch sử lắng đọng, chứa đựng những ẩn số từ nhiều bức ảnh quý về một thời đã qua. Đó là bức ảnh ông thời trai trẻ, thời vợ chồng ông còn thanh xuân... Ông ngậm ngùi: “Vậy mà mấy mươi năm phải phân ly. Bả miền Bắc, tôi ở lại Sài Gòn hoạt động”. Tôi hỏi: “Thời trẻ trông chú phong độ, đầy sức sống mà Sài Gòn phồn hoa, xa vợ biền biệt hàng chục năm, nói thiệt, có khi nào chú lạc lòng?”. Ông cười ha hả: “Không phải mình cô mà nhiều người hỏi tôi như vậy. Lạc lòng hả, đôi khi. Tôi là một người đàn ông bình thường mà, cũng có những nhu cầu, những khát khao rất con người. Nhưng đã dấn thân làm cách mạng, lại nhận nhiệm vụ làm tình báo, có lời thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Những cái cho là nhỏ, bình thường đó lại là đạo dức cách mạng. Không vượt qua được nó thì làm sao làm được việc lớn. Sau khi anh Trần Quốc Hương bị bắt, tôi phụ trách mạng lưới tình báo chiến lược Sài Gòn. Quá nhiều thứ phải đối mặt. Sai một ly đi một dặm, là đấu trí cân não, là trách nhiệm trước bao số phận con người. Thật kỳ công mới có được những điệp viên huyền thoại ngay trong cơ quan đầu não của địch: Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Hữu Hạnh, Lê Hữu Thuý, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn,.. Quanh những con người đó là cả mạng lưới kết nối biết bao số phận con người. Một lần cô Tám Thảo mang mấy chục cuốn phim do Phạm Xuân Ẩn chuyển vào Củ Chi, tôi bái phục cô, vừa thở phào nhẹ nhõm. Sao có những con người dũng cảm như vậy?! Một người đẹp như cô đi trên cái chết một cách bình thản, nhẹ nhàng. Rồi Nguyễn Văn Thương - giao liên tình báo được tôi trực tiếp hướng dẫn và huấn luyện rất kỹ về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Anh bị CIA Mỹ cưa chân đến 6 lần, dùng nhiều ngón đòn thâm độc, tàn ác để tra khảo nhưng không khuất phục được ý chí và lòng trung thành của anh vối cách mạng. Rất nhiều người hy sinh trong lặng lẽ. Trên vai tôi là sức nặng của cả cuộc chiến tranh. Phải có một cái đầu tỉnh táo để phân tích, phán đoán, xử lý... Chậm hay nhanh một chút để chớp lấy thời cơ, để hành động là nghệ thuật, là lằn ranh giữa thành công và thất bại, sống và chết. Phải hiểu địch, biết ta mới có những chỉ đạo, có những quyết định đúng lúc. Trọng trách này buộc tôi phải luôn động não, phải học. Cái gì chưa biết là phải học. Tự học đã trở thành một phản xạ, một thói quen. Giờ 96 tuổi rồi, tôi vẫn còn học đó. Nhiều người nói tôi già rồi nghỉ ngơi, hưởng thụ cho sướng. Nhưng tôi thì khác, mai chết cũng phải học. Phải nói là rèn luyện ý chí chống lại cám dỗ phồn hoa cũng là một trận chiến. Sống giữa Sài Gòn, tôi quyết tậm bỏ thuốc lá dù khi cần, trong túi mình có sẵn thuốc lá sang, đắt tiền. Như cô hỏi, Sài Gòn có quá nhiều gái đẹp, sao tôi cầm lòng nổi. Vậy mà tôi đã làm được! Nói thiệt, thắng mình mới thật là khó!”. Tôi nói vui; “Chỉ riêng việc đó, chú cũng đã xứng danh anh hùng!”.
Nhưng rồi tôi hỏi ông, một câu hỏi thật nghiêm túc: “bản thân chú đã làm nên những chiến công huyền thoại ngành tình báo như tìm cách đoạt tài liệu tối mật; góp phần đánh bại Chiến dịch Át-lăng của Na-va, tạo một trong những tiền đề quan trọng để quân dân ta làm nên trận Điện Biên Phủ. Trong 4 năm hoạt động tình báo ở Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trưởng ban Tình báo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, vượt qua những khó khăn gian khổ và nhiều tình huống hiểm nghèo, chú đã trực tiếp tham gia tổ chức, xây dựng được 4 cụm tình báo hoàn chỉnh, hoạt động có hiệu quả với nhiều tin tức chiến lược quan trọng; nhiều người được phong và truy tặng anh như Vũ Xuân Hoè, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thuý... nhưng chú thì về hưu, vẫn chỉ là “Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho). Chú có thấy mình bị thiệt thòi không?”. Ông nhìn tôi, cái nhìn sâu thẳm: “Đó là tại tôi. Tôi không làm hồ sơ, vì có chút tâm tư...”. Ông dừng câu nói giữa chừng, vì có tiếng chuông gọi cửa. Vị khách đến gặp ông hôm đó là anh Trần Trọng Thảo, người con trai của cố đại uý tình báo Võ Thị Kim Huê. Anh trao cho ông tập hồ sơ, buồn bã nói: “Hồ sơ truy tặng anh hùng má con bị từ chối rồi chú à. Con được giải thích là vụ xét anh hùng chỉ dành cho tập thể thật xuất sắc, còn cá nhận đã khép lại!”. Ông Mười Nho trao cho tôi đơn kiến nghị của anh Thảo, giọng trầm buồn:
“Công lao bà Huê đóng góp cho ngành tình báo lớn lắm. Bà là con một tri huyện Củ Chi, xuất thân gia đình nhiều ruộng đất, nhiều tài sản. Ông Huyện Vệ, cha bà từ quan, tu hành, làm chuyện nhân đức. Tính bà Huê trọng nhân nghĩa, thương người, hay giúp đỡ bà con nghèo nên được dân yêu mến. Bà tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, sau về Sài Gòn làm ăn. Bà là cơ sở của anh Tràn Quốc Hương, khi anh về Sài Gòn hoạt động. Khi anh Mười Hương bị bắt ra Huế, đoán tình hình chính quyền Sài Gòn đảo chánh sẽ tranh thủ được nhiều tên địch, nên cho người về móc nối, nhờ bà Huê tìm số tiến hơn 800,000 đồng lo lót để giải cứu nhiều đồng chí trong nhà tù miền Trung, trong đó có ông. Số tiền đó rất lớn, tính ra cũng gần 3.000 cây vàng. Vậy mà chị Huê gom góp, vay mượn để có được trong một thời gian ngắn. Sau đó thì anh Mười Hương và nhiều đồng chí nữa được giải thoát. Sau này, cơ quan tình báo trả lại cho chị số tiền ấy cùng 7.000 đồng tiền lãi chị vay mượn. Ngoài số tiền này, chị đã dùng tiền riêng của gia đình giúp đường dây của ta hoạt động trong những lúc bức thiết, chuyện Phạm Xuân Ẩn đi học ở Mỹ, chị Huê cũng giúp tiền. Số tiền chị giúp cho lưới tình báo rất lớn, hơn 2.400 cây vàng chớ đâu ít. Chính chị là người được tổ chức giao nhiệm vụ đưa anh Mười Hương sau khi ra tù, từ nhà một cơ sở cách mạng ở Cầu Bông về Củ Chi. Chị mang theo đứa con mới 6 tháng tuổi, làm bình phong về quê dự đám giỗ trên chiếc xe hơi, đến điểm hẹn, đón anh Mười Hương. Xe chạy đến Tân Quy tắt máy, mấy tên lính đẩy giúp, làm sao nghĩ được trên xe là ông trùm tình báo Việt Cộng. Xe chạy tới Bàu Trâm thì được các đồng chí Cụm A22 đón rồi đưa anh Mười Hương về chiến khu Phú Hoà Đông an toàn. Chị làm được một điều không ai có thể ngờ, chuyển “kế hoạch bình định” của chính quyền Sài Gòn cùng 600 bản đồ không ảnh quân sự UTM về căn cứ. Đề có được những tấm bản đồ trong tình hình địch xem như đồ “quốc cấm”, chị Huê đã nhờ đến người em chồng làm trong Sở địa dư Đà lạt lấy ra mới có được. Những tấm bản đồ này phục vụ cho nhu cầu quân sự khắp chiến trường miền Nam, được lãnh đạo đánh giá rất cao. Được công làm tổ trưởng giao thông đầu dây nội thành, chị tổ chức được mạng lưới giao thông, hộp thư, tình báo nội thành. Mạng lưới này hàng tuần nhận được tài liệu, báo cáo, tin tức của nhóm Vũ Ngọc Nhạ, rồi mỗi tháng tổ chức từ hai đến ba chuyến từ nội thành về, giao cho Cụm tình báo ở xã Phú Hoà Đông để chuyển về trên. Sau Mậu Thân, đường dây Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hoè... bị lộ; nhiều người trong lưới tình báo bị bắt, trong đó có chị Huê. Chị bị đánh đập, tra tấn dã man, bị đánh chày vồ vào đầu. Chị hai lần tự tử để giữ bí mật tổ chức. Sau khi kết thúc điều tra, vụ án được đưa ra Toà án quân sự mặt trận lưu động, có đến 70 người bị đưa ra xét xử. Gia đình có nhờ luật sư biện hộ nhưng đứng trước toà, chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi không cần luật sư vì tôi có tội gì đâu mà bào chữa, tôi chỉ có tội yêu nước mà thôi”. Chị bị kết án 20 năm tù, bị đày đến nhà giam Thủ Đức, Tân Hiệp, Biên Hoà, cuối cùng là Côn Đảo, cho đến ngày hoà bình mới được thả về. Hoà bình, chị còn lập công lớn. Chị vận động gia đình hiến hàng trăm mẫu đất cho cách mạng, sang Pháp thăm người em chồng từng giúp lấy được 600 tấm bản đồ chuyển về căn cứ, sau hoà bình đực vợ bảo lãnh sang Pháp, làm việc trong viện bản đồ. Chuyến đi Pháp lần này bà mang được hai tấm bản đồ Hoàng Sa và Trường sa về nước, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người em chồng, theo gợi ý của anh Mười Hương để làm bằng chứng pháp lý cho tranh chấp chủ quyền sau này. Cả cuộc đời chị Huê dành cho cách mạng. Cả đàn con của chị cũng theo ý hướng, đi theo con đường của mẹ. Chị động viên, lôi kéo, xây dựng hầu hếr bà con thân thuộc hai bên nội ngoại, bên chồng làm cơ sở cánh mạng...”.
Gương mặt ông Mười Nho chùng xuống nỗi buồn:
“Cho đến giờ tôi và anh Mười Hương vẫn còn nợ tấm lòng trung kiên, ân tình của chị. Sau ngày giải phóng, với cấp hàm đại uý, chị cứ nghĩ mình đã trở thành “giai cấp vô sản”, nào ngờ vẫn bị đi học “cải tạo địa chủ và tư sản”. Chị bị suy sụp, đau khổ nhưng không tìm anh Mười Hương vì không muốn anh ấy bận tâm chuyện cá nhân của mình. Di chứng vết thương trong tù hành chị đến cuồi đời. Một con người tỏ rõ lòng trung kiên, dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác tình báo nội thành Sài Gòn; khi bị địch bắt đã giữ được khí tiết cách mạng trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt, được kết nạp Đảng trong nhà tù cũng chưa xoá được giai cấp “địa chủ” sao?! Nhớ lại, chúng ta đã quá máy móc khi ứng xử với những tấm lòng ái quốc của người dân Sài Gòn. Tôi nhiều lần xác nhận hồ sơ truy tặng anh hùng, động viên cháu Thảo đấu tranh cho sự công bằng của mẹ. Nay nhận tờ giấy này, nói thiệt tôi buồn quá. Khi những người như chị Huê còn chưa được truy tặng anh hùng, là người chỉ huy cụm tình báo năm xưa ở Sài Gòn, tôi có thể thản nhiên làm hồ sơ xét tặng anh hùng cho mình khộng?!”.
Trưa hôm ấy, tôi theo anh Thảo, con trai bà Võ Thị Kim Huê về ngôi nhà ở quận Bình Thạnh. Tôi gặp chị Tuyến - người con gái cùng bị bắt với mẹ trong vụ án nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ. Chị Tuyến kể: “Bà con nội ngoại dính đến vụ án “Ông cố vấn” hơn chục người. Khi điều tra, mấy tên ở Tổng nha cảnh sát đã mĩa mai má tôi: “Bà đem hết bà co vào đây để làm gì? Bộ tính sau này kéo nhau lên nắm chính quyền hả?”. Ban đầu, khi tôi cùng bị giam chung phòng, má có băn khoăn. Má sẵn sàng đương đấu với những hình phạt tra tấn, nhưng với đứa con gái còn quá trẻ, má không khỏi lo lắng nghĩ đến những thủ đoạn tàn độc của địch dành cho tôi. Khi tôi được ra khỏi khu biệt giam vì nhỏ tuổi nhất trong số bị bắt, má kiên quyết chống chào cờ, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn. Ra Côn Đảo, chúng giam má vào chuồng cọp, hàng tháng không thấy ánh nắng mặt trời, khổ sở không bút nào tả xiết. Má dẫn dắt đàn con đi làm cách mạng, cống hiến phần lớn tài sản cho mạng lưới tình báo, bản thân là thương binh ¼ nên những năm sau hoà bình, bị học tập cải tạo vì thành phần địa chủ, tư sản; má rất giằng xé, đau khổ nhưng trầm tĩnh chấp nhận những bạc đãi, bất công. Má là vậy, sẵn sàng hiến hàng ngàn cây vàng, hàng trăm mẫu đất, tài sản cho cách mạng nhưng giáo dục chúng tôi sống cần kiệm. Tôi nhớ thời thiếu nữ, muốn mua một chiếc áo đẹp, sắm một đôi bông má cũng cân nhắc vì muốn chúng tôi sống hoà đồng, giản dị. Chứng kiến cảnh má học tập cải tạo, đêm về đập đầu vô tường, tôi đau lòng lắm!”.
Câu chuyện chị Tuyến kể về mẹ cứ ám ảnh tôi, suốt mùa giãn cách dịch covy. Ông Mười Nho nói với tôi: “Tôi nhiều lần đề nghị chị Huê được phong anh hùng nhưng vẫn rơi vào im lặng. Chắc những năm đầu hoà bình, xuất thân chị quá đặc biệt, thuộc thành phần tư sản? Mà đây là tư sản dân tộc, nếu không có họ thì làm sao làm tình báo nội thành được?! Chưa lo được cho chị Huê, làm sao tôi nghĩ tới cái danh hiệu anh hùng cho mình chớ!”. Mùa covy này, tôi càng hiểu sâu sắc người Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại. Sài Gòn bao dung, Sài Gòn của những con người trượng nghĩa, Sài Gòn sâu thẳm, Sài gòn mang trong lòng bao điều bí ần mà người cầm bút chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ.
Ông Mười Nho và vợ thời thanh xuân. Bức ảnh ông bà chụp ở Vũng Tàu, sau Hiệp định Genève. Bà đưa hai con ra Bắc, ông ở lại Sài Gòn hoạt động tình báo.
.
Tác giả (giữa) cùng cựu phi công, chiến sĩ tình báo Hồ Duy Hùng - tại nhà riêng của ông Mười Nho, ngày 11.5.2021
Bà Võ Thị Kim Huê cùng người em trai thới thiếu nữ.
Xuất thân trong gia đình “địa chủ, tư sản”, cha là tri huyện tham gia lưới tình báo nội thành Sài Gòn, ủng hộ hàng ngàn cây vàng cho công tác cách mạng.