TIN TỨC

Chim câu tung cánh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-04 09:08:11
mail facebook google pos stwis
569 lượt xem

Bút ký của NGUYỄN TRƯỜNG


Nhà văn Nguyễn Trường

Nhân kỷ niêm 40 năm sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng của huyện. Cuộc thi thu hút rất nhiều người tham gia trong cả nước.  Sáng tác của tác giả Lê Anh Dũng đã được chọn. Biểu trưng này xuất phát từ ý tưởng, nhìn trên bản đồ, Cần Giờ giống hình con chim bồ câu đang cất cánh bay lên. Hình con chim nội tiếp vòng tròn như cái gì đó hoàn hảo, bền vững trong tự nhiên, được thể hiện qua ba màu cơ bản: Màu xanh tượng trưng cho biển, màu trắng cho sông, màu xanh lá cây cho rừng. Cách điệu cánh chim câu đang tung cánh bay lên, tượng trưng cho khát vọng vươn lên ấm no hạnh phúc của người dân Cần Giờ.

1. Không gian huyền thoại

Những ngày mùa thu này chúng tôi đến với Cần Giờ, một huyện nằm ở phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 55 km. Con đường xuyên Cần Giờ từ bến phà Bình Khánh, giống như hình cái mỏ của chú chim câu trên bản đồ, theo con lộ mới mở đến thị trấn Cần Thạnh, chừng 40 km, con lộ nhựa rộng, bốn làn xe,  chỗ sáu làn xe có dải phân cách cứng, xe chúng tôi cứ lướt bon bon 80 km/giờ. Hai bên đường chỉ rừng là rừng, có cảm giác như chúng tôi đang đi trong rừng Cát Tiên hay rừng quốc gia Cúc Phương. Khác chăng, chỉ  thấy cây đước cao vút, ken dày, rễ xõa xuống như những chiếc nơm bám chặt lấy đất một cách kiên cường. Cũng khác là rừng không có núi, không có khe, suối, được chia cắt bởi những con sông chằng chịt, tạo nên cảnh quan ngoạn mục bởi những hàng cây vươn ra đón ánh mặt trời như xõa tóc soi gương, mặt sông bắt ánh nắng sáng long lanh, từng đàn chim trắng bay lượn rập rờn, một cảnh yên bình khó nơi nào sánh được. Những chiếc cầu bê tông xinh xắn bắc qua sông, như nối những mảng màu trên bức tranh màu xanh đậm nhạt khác nhau của rừng, của sông, của biển. Nói về rừng Sát, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết: “Từ Tam giang Nhà Bè xuống phía đông đến Cần Giờ, phía Bắc đến cửa Tắc Ký, phía tây đến Ký Giang, trong khoảng ấy có đến trăm ngàn cồn bãi, các bãi ấy đều có rừng chằm cả. Cây ở đó gọi là cây dà, đước, sú ,vẹt  và những cây tạp khác, rừng xanh, cây rậm, tán nhánh giao nhau, che kín mặt trời. Người ta dùng những cây ấy để làm nhà cửa, rào dậu, cột cọc, than củi, không ngày nào ngớt. Còn hải sản như cá, tôm, cua, sam và ốc len thì bắt dùng không hết mà cũng không ai ngăn cấm. Ấy là chỗ chí công vô cùng của trời đất ban cho để nuôi dưỡng người dân Gia Định vậy.”

Cách đây hơn bốn mươi năm chúng tôi có dịp đi qua đây, con đường này chỉ là những đoạn bờ đất, bị chia cắt bởi những con sông, chưa có cầu, rừng loang lổ vì những cây hoang dại, bị bom và chất độc khai quang từ trong chiến tranh. Cây đước Cần Giờ bị hủy hoại nhất là giai đoạn từ năm 1964 -1973, máy bay Mỹ rải 3,8 triệu lít chất độc hóa học để xóa bỏ rừng Cần Giờ vì rừng ngập măn Cần Giờ vốn là căn cứ của cách mạng, trấn giữ tuyến đường thủy quan trọng nối Sài Gòn đi các nơi và thông ra biển lớn.

 Các chuyên gia thế giới đánh giá ta phải mất ít nhất 100 năm mới khôi phục lại được khu rừng ngập mặn này. Thế mà chỉ sau 20 năm, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được khôi phục hoàn toàn. Điều này cũng làm các chuyên gia thế giới rất ngạc nhiên, họ không hiểu bằng cách nào khu rừng được tái tạo nhanh như vậy, trở thành khu rừng trồng đẹp nhất Đông Nam Á. Năm 2000 khu rừng ngập mặn Cần Giờ được công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đầu tiên trên thế giới với diện tích 75 740 ha.

Do thủy triều lên xuống ngày 2 lần đã rửa sạch dần chất khai quang, nhưng đó chỉ đúng một phần, phần còn lại- quan trọng hơn chính là do con người quyết  định. Khi mới sáp nhập huyện Duyên Hải về thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã có chủ trương tái lập vành đai xanh quanh thành phố. Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, chuyên viên cao cấp ngành lâm nghiệp Cần Giờ, người lăn lộn ngay từ những ngày đầu quy hoach, trồng rừng ngập mặn Cần Giờ cho chúng tôi biết: Chung quanh thành phố có 3 hệ sinh thái: Hệ sinh thái Củ Chi, hệ sinh thái rừng tràm ở Bình Chánh- Tân Tạo- Lê Minh Xuân và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư thành ủy tp Hồ Chí Minh bàn với các nhà khoa học để nâng cấp huyện Cần Giờ phát triển cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Có nhà khoa học bàn sẽ trồng cỏ, chăn nuôi gia súc như trâu bò. Có người đề xuất nên biến nơi đây thành rừng dừa như Bến Tre. (Thời thuộc Pháp có một số nhà tư sản Pháp đầu tư trồng thí nghiệm 100 ha dừa ở rừng Sát bây giờ). Cuối cùng ý kiến khôi phục rừng ngập mặn được chọn. Thành phố điều 250 anh em thanh niên xung phong thành lập nông trường Duyên Hải. Các nhà khoa học, như TS. Giám đốc Lê Văn Khôi, Phó Giám đốc Bích Liên... Họ nghiên cứu và nhất trí chọn cây đước, vì loại cây này có đặc tính phát triển nhanh, bình quân mỗi năm mọc lên 0,8m đến 1m, có giá trị kinh tế cao. Cây đước dùng trong vật liệu xây dựng rất bền vững, than đước có nhiệt lượng cao, cháy lâu tàn nên cho hiệu quả kinh tế tốt.

Họ tính toán trồng đước với tỷ lệ bao nhiêu cây trên một ha là hợp lý. Trồng cách 1 m/ cây, hay 1,5 m / cây, tùy theo sử dụng, làm hàng rào, làm cần câu, lấy gỗ để trồng với mật độ khác nhau. Các nhà khoa học lâm nghiệp đề nghị trồng 10 ngàn cây/ ha, cách 1m /cây. Thành phố chủ trương trồng rừng đước, sau 5 năm ta có thể tỉa thưa còn 1,5 m/ cây. Cây tỉa ra dùng làm củi. Sau 10 năm, tỉa lần 2, còn khoảng cách 1,7- 1,8m/ cây, sau 15 năm tỉa lần 3, để cây có không gian quang hợp ánh nắng và phát triển, ta lại thu được gỗ quý. Sau 25 năm, lúc đó rừng có tỷ lệ 200 cây/ha, ta có gỗ tốt xây dựng, có chất đốt tuyệt vời. Đặc điểm của rừng ngập mặn là không lo bị cháy rừng, vì độ ẩm cao. Các nhà lâm nghiệp cho biết trên thế giới chưa ở đâu trồng được 1000 ha/ năm đối với rừng ngập mặn. Ta phải tính toán chu đáo về vốn, vật tư, thiết bị, con giống để trồng hoàn thành một diện tích vô cùng rộng lớn như thế. Giống cây đước ở Cần Giờ đã bị biến mất từ lâu, phải đi mua tận Cà Mau cũng là những trở ngại, vì địa bàn xa, vận chuyển mất nhiều ngày, cây con bị chết nhiều. Lúc đó ngành lâm nghiệp đề nghị trồng 200 ha/ năm là hết năng lực. Tính ra ta phải trồng đến 20 năm mới hết diện tích. Nhưng lãnh đạo thành phố đã họp ra quyết tâm mỗi năm phải trồng 4000 ha trong ba năm đầu. Muốn thế phải huy động lực lượng toàn bộ các xã, các tập đoàn ngư dân trong huyện. Xã Thạnh An đi đầu vì có diện tích rừng lớn, rồi đến xã Cần Thạnh, Long Hòa, Lý Nhơn. Lực lượng thanh niên xung phong được đào tạo thành chuyên viên kỹ thuật rải đi các xã hướng dẫn bà con cách trồng. Năm đầu tiên toàn huyện đã trồng được 4000 ha, không ai có thể tưởng tượng được huyện có thể hoàn thành diện tích như thế. Năm thứ hai, người dân nghĩ ra sáng kiến, họ đề nghị thay lao động chính bằng những người khác trong gia đình như vợ con họ, để người chồng- lực lượng chủ lực đi đánh bắt cá. Lớp trẻ mới lớn lội bùn nhanh nhẹn, đẩy xuồng nhỏ chở cây lướt băng băng. Còn phụ nữ thì hai tay hai giỏ giống, rút cây giống, gim thoăn thoắt. Phụ nữ lại ít bị đau lưng như nam giới nên năng suất trồng hơn nam giới. Đây là kết quả hết sức bất ngờ, cũng là sáng kiến của dân. Năm thứ 3, ta thành lập thêm 21 nông trường. Đến năm 1990, mục tiêu đổi khác, quốc tế chú trọng hơn đến môi trường. Thành phố lại chủ trương trồng thêm các loại cây như cây bần, cây mắm, sú, vẹt...để tạo đa dạng sinh học, trong đó có cả những động vật sinh sống trong rừng đước như khỉ, dơi, chim, trăn, rắn, cá, cua, rùa.... Sau hai mươi năm ta đã phủ xanh toàn bộ đất trống Cần Giờ.

Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển tầm cỡ thế giới, trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Huyện liền chủ trương lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn. Về nông nghiệp, Cần Giờ chỉ còn 10 ha trồng lúa, năng suất thấp, chỉ 2,5 tấn/ ha vì nước mặn, nên không chú trọng vào cây lúa nữa. Cần Giờ còn khu đô thị du lịch lấn biển với diện tích hàng trăm ha do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, cũng hứa hẹn thêm cho nghành du lịch điểm đến hấp dẫn.

Cần Giờ cũng có khu cảng tương lai hoành tráng, nằm đối diện với cảng Cái Mép, Bà Rịa- Vũng Tàu. Xây dựng cảng ở đây có thuận lợi là nằm trên móng đá, là đuôi của dãy Trường Sơn chạy lan đến Bà Rịa- Vũng Tàu, móng đá nằm ngầm dưới đáy cửa biển. Nếu như xây dựng nơi khác, đóng cọc nhồi bê tông phải sâu xuống đến hàng trăm mét, còn ở đây có móng đá chỉ cần đóng cọc xuống 5-7 m là chắc chắn, như thế sẽ đỡ tốn kém trong xây dựng. Từ thị trấn Cần Thạnh, cũng có dự án xây một cây cầu nối với thành phố Vũng Tàu thì Cần Giờ càng thu hút khách du lich từ Vũng Tàu sang. Cùng với cây cầu thay bến phà Bình Khánh, du khách từ tp Hồ Chí Minh đi vũng Tàu qua ngã Cần Giờ rút ngắn được hơn một nửa chặng đường, lại được xuyên qua rừng đước mênh mông, như đi trong không gian huyền thoại.

2. Thời gian hiện thực

Cần Giờ còn có đặc điểm là từ trái cây như xoài, mãng cầu ta... đến con tôm, con cá... đều ngon hơn các nơi khác. Có lẽ vì thổ nhưỡng ở đây rất đặc biệt, là nơi hợp lưu của các con sông Sài Gòn, Đồng Nai chảy ra biển, gọi là sông Nhà Bè cùng với sông Soài Rạp, Lòng Tàu, Giữa, Đồng Tranh, bốn con sông lớn và hàng trăm con sông nhỏ thông thủy với nhau tạo nên một Cần Giờ chằng chịt sông rạch, nhận lượng phù sa vô tận, hòa với nước mặn từ biển, tạo nên hợp chất giàu vi lượng, nên cây trái có vị ngon ngọt đặc biệt, cá tôm, cua...kể cả muối cũng có độ ngon khác thường. Đến nỗi, huyện chưa cần phải quảng bá sản phẩm vì đã có sẵn uy tín về chất lượng thủy hải sản và trái cây Cần Giờ, sản lượng đánh bắt hải sản, cũng như thu hoạch trái cây không đủ cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Cần Giờ có xã đảo Thạnh An bốn bề là sông biển. Xã có dân số khoảng 5000 người, dân ở đây chủ yếu là làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Chúng tôi có một ngày lang thang trên đảo Thạnh An. Ở đây có chợ, có trường trung học, bệnh xá và có cả nhà nghỉ cho khách du lịch muốn ở lại qua đêm. Dạo gần đây xã đảo đón rất nhiều khách du lịch. Họ đến để thư giản, được hít thở không khí trong lành, thưởng thức không gian yên tĩnh, được lang thang trên các con đường bê tông dọc theo mép nước biển, ngắm rừng đước bạt ngàn, những con tàu hàng ngàn tấn chạy trên sông để vào cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè. Cũng có con tàu đậu ngay trên sông Lòng Tàu để các tàu thuyền nhỏ hơn đến dỡ hàng. Đêm về, hòn đảo càng trở nên yên tĩnh, mặt biển sáng rực nhấp nháy như sao sa bởi đèn của các thuyền đánh cá xếp thành đủ mọi hình thù khác nhau.

 Đêm ở ấp Thiềng Liềng, thuộc xã Thạnh An, đèn điện sáng rực rỡ. Người dân ý ới gọi nhau kéo về cuối ấp, nơi sinh hoạt văn hóa. Anh Hai, ấp trưởng, cũng là người mê đờn ca tài tử, anh ca sáu câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Hầu như buổi văn nghệ nào anh cũng có mặt, vừa tham gia ca hát vừa chỉ đạo anh em văn nghệ sỹ phục vụ bà con. Vì ấp này là hòn đảo xa nhất trong mấy hòn đảo thuộc xã Thạnh An nên cuộc sống rất bình yên, nếu không có văn nghệ thì buổi tối dễ trở nên buồn tẻ. Anh là người gốc tỉnh Tiền Giang sang định cư. Vốn là công an viên, kiêm trưởng ấp, nhưng mấy năm nay anh xin về hưu sớm, chỉ làm trưởng ấp. Nói chung dân Cần Giờ, có đến một phần ba là người các nơi đến định cư. Người Cần Giờ hoan nghênh dân các nơi về lập nghiệp vì họ thích cái mới do người tứ xứ mang đến. Đội văn nghệ của ấp tập hợp được nhiều tài năng từ các nơi. Đoàn chúng tôi chủ yếu là văn nghệ sĩ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị em nghệ sĩ mang theo nhạc cụ, nên buổi ca hát giao lưu giữa hai đội diễn ra thật sôi nổi. Anh chị em ở đảo đã thuộc những bài cải lương mà không ngờ hôm nay lại gặp chính các tác giả nên rất cảm động. Các nghệ sỹ thành phố cũng không ngờ, đội đờn ca tài tử một ấp nhỏ mà trình diễn không kém gì các nghệ sỹ chuyên nghiệp của thành phố lớn. Qua đó chúng tôi càng cảm phục người dân xã đảo, tưởng xa xôi, cách trở vẫn có vốn văn hóa phong phú.

Anh Hai trưởng ấp cho biết, Thiềng Liềng có 870 người, sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản (Như hàu, tôm, cua, cá...). Ấp có 120 ha sân muối, mỗi năm trung bình thu được 25 ngàn tấn. Năm nay muối được giá (3000đ/kg), mà theo anh Hai, chỉ cần 1000 đ/kg đã có lời rồi. Tôi nhẩm tính, chỉ phơi muối thôi, diêm dân đã thu về 75 tỷ đồng/ năm. Chưa kể nghề nuôi trồng thủy sản, dân Thiềng Liềng có cuộc sống chưa phải giàu có nhưng cũng kha khá.

3. Lễ hội Nghinh Ông

Đoàn chúng tôi đến Cần Giờ đúng vào dịp tết Trung thu, được hòa trong niềm vui của người dân nơi đây. Ngày này thị trấn Cần Thạnh nhà nhà cắm cờ, kết hoa, treo đèn lồng trước cửa, buổi tối đường phố chật cứng người. Xe máy, ô tô không thể đi vào trung tâm. Trai gái ăn mặc đẹp, có nhiều đôi từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận kéo về. Thị trấn cũng có khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ vì vốn là điểm du lịch, thế mà đã hết phòng từ hôm trước. Thì ra những ngày rằm này Cần Giờ có lễ hội Nghinh Ông. Người dân lập lăng thờ cá voi gọi là Lăng Ông thủy tướng. Theo ông Phan Văn Chấn, một người có uy tín trong ban tổ chức cúng tế Lăng Ông: “Lăng Ông thủy tướng hình thành từ “Miếu Hải thần” xưa, trải qua gần hai trăm năm, cùng bị hủy hoại, di dời nhiều lần do thiên tai địch họa, từ cơn bão lớn vào năm Giáp thìn 1904, gây thiệt hại thảm khốc về người và tài sản, trong đó có Lăng Ông thủy tướng...Từ năm 1946 đến năm 1952 Lăng Ông di dời về vị trí hiện nay”. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã viết: “Ở phía đông nam thủ sở, kính thờ thần Nam Hải (Tức thần cá voi, còn gọi là cá Ông) ...Cột kèo miếu này được chạm trổ, tô vẽ nghiêm chỉnh, thường năm vào tháng giêng quan trấn dùng lễ thái lao (gồm dê, heo, trâu) thân hành đến tế, cầu cho thuận gió để thuyền vận tải về kinh đi về cho được tiện lợi, tất cả có chép trong tự điển. Còn những thuyền buôn ra vào cũng sắm lễ vật trọng hậu đến chiêm bái, hương đèn thường ngày thơm tho, sáng rực”. Lăng Ông thủy tướng nằm ở thị trấn Cần Thạnh, nhìn trên bản đồ vị trí như là mũi của con tàu đang rẽ sóng ra khơi. Hiện trong lăng đang thờ bộ xương cá voi khổng lồ. Đêm trước rằm trung thu, huyện Cần Giờ tổ chức thả đèn hoa đăng trên biển. Người ta làm hàng ngàn chiếc đèn rồi chờ con nước lên, khi trăng vành vạnh tỏ xuống thị trấn, mặt biển sáng lung linh thì từ trên đầu con nước hai chiếc ghe lớn bắt đầu thả đèn lồng. Con nước lên đẩy đèn lồng đã được thắp sáng trôi trên biển. Đèn thả nhiều như sao sa trên mặt nước nối đuôi nhau chạy về hướng Lăng Ông thủy tướng, có cảm giác như linh hồn các tiên hiền, các liệt sỹ, các ngư phủ đã hy sinh, tử nạn cùng kéo về Lăng Ông dự hội.

Sáng này 15 tháng 8 âm lịch là chính lễ, ngay từ sáng sớm, các nhà dân trong thị trấn bày mâm lễ cúng trước nhà đón Ông thủy tướng từ biển khơi về lăng. Thị trấn nhộn nhịp hơn đêm ba mươi Tết. Hầu như tất cả các tàu đánh cá của các xã trong huyện kéo về thị trấn, trên bãi gần Lăng Ông, tàu kéo cờ, kết hoa rực rỡ. Hầu hết các đơn vị trong huyện tham gia, từ công an, phòng văn hóa, cho đến nhà hát thiếu nhi. Sáng đội Nghinh Ông lên đường, hội Vạn lạch đã chuẩn bị lễ vật như hương đăng, hoa quả, bài vị, văn tế...đặt trên kiệu Nghinh Ông. Đội khiêng kiệu, khiêng trống mặc y phục, mang dày, quấn xà cạp theo cung cách quân lính triều đình nhà Nguyễn. Các cụ mặc áo dài, khăn đống, 6 người cầm cờ ngũ hành, 16 quân hầu, 8 quân cầm binh khí. Đoàn còn có trống kèn, lân sư của đội thiếu nhi. Sau khi cúng đại lễ ở Lăng Ông, đoàn đi rước bắt đầu. Trống chiêng rộn ràng, đoàn có xe cảnh sát hú còi mở đường. Người dân đứng chật hai bên đường đón đoàn.

Đoàn rước xuống một chiếc tàu trang trí đẹp nhất gọi là tàu Nghinh. Trên tàu có kiệu Nghinh Ông và chánh lễ, phó lễ, ban nhạc lễ, chiêng trống, quân khiêng kiệu cùng lễ vật cúng tế. Tàu xuất phát, lập tức hàng trăm tàu khác cũng ào ào tiến theo. Tàu tăng tốc dần, tiếng động cơ vang dội, chạy rẽ nước trắng xóa trên sông. Tất cả đều phải chấp hành, quy ước các tàu dù có động cơ mạnh đến đâu cũng phải chạy sau tàu Nghinh. Tham gia theo đoàn có 5 tàu cao tốc của cảnh sát, bộ đội biên phòng, lực lượng hải quân, có con tàu lấp ló nòng súng đại bác... Có lúc tàu cao tốc của cảnh sát phải vượt lên phất cờ ra hiệu ngăn nhưng con tàu quá hăng, áp sát con tàu Nghinh dẫn đầu, dễ tạo ra nguy hiểm. Trên trời 5 chiếc dù lượn gắn máy, bay chao đi chao lại trên đoàn tàu đi Nghinh Ông, hòa trong không khí náo nhiệt.

Tàu đến cửa biển cách vũng tàu chừng ba cây số thì chạy chậm lại. Đã đến vị trí, gọi là “ba miệng”, hợp lưu của 3 dòng nước của ba con sông Lòng Tàu, Cần Giờ, Thị Vải. Nghi thức cúng tế để Nghinh Ông bắt đầu. Tiếng chiêng trống nổi lên, tiếng nhạc, tiếng trống điểm sau mỗi đoạn văn tế của ông chánh lễ. Hàng trăm con tàu vừa hăng sức phóng rẽ sóng trên biển như một cuộc đua rầm rộ bỗng dừng lại, như đang dàn trận. Tất cả hướng mũi tàu về tàu Nghinh, nghe tiếng chiêng trống, họ hiểu giây phút thiêng liêng đã đến. Các ghe tàu bày lễ vật bắt đầu cúng tế Ông thủy tướng, cầu mọi sự bình an, thu hoạch được mùa cá bội thu. Du khách tham quan cũng chiêm bái cầu mọi điều tốt lành cho mình.

Ông Phan Văn Chấn, chánh lễ cho chúng tôi biết: Lễ cúng Nghinh Ông có hai phần: Lễ cúng cầu ngư, là cúng cá ông sống, linh hiển, ngư dân tôn kính gọi là nhân ngư, là vị thần cứu tinh của người đi biển, phù trợ sự bình an trên biển, được đánh bắt bội thu. Lễ cúng Nghinh Ông, là cúng cá Ông lụy (chết), ngư dân tôn kính linh hồn cá ông, là phúc thần, phù hộ mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhân sinh an lạc. Lễ Nghinh Ông có nghĩa là rước linh hồn cá Ông từ ngoài biển về lăng để cộng đồng, ngư dân bá tánh cúng lễ tạ ơn.

Sau khi lễ cúng tế hoàn tất, tàu Nghinh lại dần đầu đoàn rước trở về, hàng trăm con tàu, ghe lại rầm rộ nối đuôi nhau chạy rẽ sóng trên sông, trên biển để trở về Lăng Ông. Khi tàu cập bờ, lễ rước ông trên bộ lại náo nhiệt cả thị trấn. Đây là nét văn hóa đặc sắc của Cần Giờ đã có truyền thống hàng trăm năm nay.

Ngày hội Nghinh Ông còn kéo dài ba ngày nữa, sau phần lễ là phần hội, cũng có chương trình phần lễ hội xen kẽ với nhau. Riêng phần hội có: đấu thể thao (Bóng đá bãi biển, bóng chuyền, chạy đua). Chương trình trò chơi dân gian như: Đẩy cây, kéo co, nhảy bao bố, đi cần vọt, leo cây tha mỡ, thi đan lưới, đua xuồng, ca hò vè, thi đấu cờ tướng, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian gắn liền với nghề biển... Đúng là những ngày hội của người dân sông nước Cần Giờ.

Hôm chúng tôi trở về mới để ý đến quy hoạch đường sá, nhà cửa ở thị trấn Cần Thạch. Các con đường thẳng tắp, trồng cây, trải nhựa phẳng phiu, còn đường nào cũng chừa một khoảng đất để sau này mở rộng thành đường nhiều làn xe. Các khoảng đất trống đã quy hoạch để xây dựng thị trấn thành thành phố Cần Giờ vào một thời gian không xa. Đúng là người Cần Giờ có tầm nhìn thoáng rộng, như là thiên nhiên, thổ nhưỡng nơi đây, cái gì cũng thật đặc biệt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình bản đồ Cần Giờ lại giống như con chim câu đang tung cánh bay lên.

 Cần Giờ, rằm tháng Tám năm 2022
N.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nỗi lòng Huyền Trân - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Trên đường thiên lý Bắc- Nam, đoạn Quốc lộ 1 giao nhau với Quốc lộ 9 đi về hướng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), có một bảng chỉ dẫn: “Miếu thờ bà Huyền Trân Công Chúa 500 mét”.
Xem thêm
Thầy tôi - Kho báu của tôi
PGS Chu Xuân Diên thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu tiếp thu lý thuyết thế giới qua con đường tiếng Nga và tiếng Pháp. Thầy đã tham gia dịch những công trình kinh điển về folklore học mà đặc biệt phải kể đến bộ sách 2 tập rất dày dặn là Tuyển tập V. Ia. Propp - giới thiệu gần như đầy đủ trước tác của một tác giả quan trọng hàng đầu của trường phái Hình thức Nga và nghiên cứu folklore
Xem thêm
“Cú hattrick” của nhà thơ Triệu Kim Loan
Nhà thơ Triệu Kim Loan sẽ ra mắt độc giả ba quyển sách (hai tập thơ: Khát vọng xanh, Đối thoại đêm và quyển Cảm nhận văn chương)
Xem thêm
Đất có thổ công - Tản văn Nguyễn Linh Giang
Nhà văn Nguyễn Linh Giang quê quán tỉnh Quảng Trị, sinh sống và làm việc 30 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh năm 2022. Nguyễn Linh Giang vừa xuất bản tập tản văn: “Sông vẫn chảy đời sông” (NXB Thanh niên, 2023). Về tập tản văn này, nhà văn Lê Minh Quốc trong “Tựa” viết cho tập sách đã viết: “Dám nói rằng, con người và vùng đất của mỗi địa phương đều đóng góp cho bộ sử của cả nước đầy đặn hơn, phong phú hơn. Mỗi khi chúng ta nói đến lịch sử một dân tộc là cần hiểu rộng hơn bao gồm cả yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực, v.v… của nhiều vùng đất khác gộp lại. Vì lẽ đó, những quyển sách về đề tài này, bao giờ cũng cần thiết, Nếu khi đọc xong, bạn đọc gật gù, tâm đắc: “À, ước chi có dịp đến nơi ấy một lần nhỉ?”. Được thế. Nhà văn đã thành công. “Sông vẫn chảy đời sông” của Nguyễn Linh Giang là một trong những tập tản văn như thế”.Văn chương TP.Hồ Chí Minh xin giới thiệu tản văn Đất có thổ công được rút từ tập “Sông vẫn chảy đời sông” của nhà văn Nguyễn Linh Giang.
Xem thêm
Em đi tát nước… Tản văn của Nguyễn Linh Giang
Tôi lớn lên, vào những năm sau 1975, ruộng đồng vào mùa khô vẫn phải chống hạn bằng xe đạp nước. Có lần, được ngồi xe đạp nước đêm trăng cùng với cô bạn gái tôi mới biết giọt mồ hôi trên sợi tóc mai cùa cô thôn nữ vừa nghe mằn mặn vừa nồng ngầy ngậy, khó tả. Qua bao mùa trăng, tôi vẫn còn mơ được đi tát nước: “Hôm qua trăng sáng tờ mờ/ Em đi tát nước tình cờ gặp anh” (Ca dao).
Xem thêm
Dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông – Ký của Thanh Thảo
Năm 1973, khi tôi từ chiến trường Nam Lộ Bốn (Mỹ Tho) trở về lại cơ quan binh vận ở R, tôi rất phấn khởi vì cơ quan tôi đã dời về đất Tây Ninh, đóng căn cứ ở Bến Tháp ngay sát sông Vàm Cỏ Đông. Đoạn sông này là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, cũng là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Từ Mỹ Tho, trước khi băng qua đồng Tháp Mười lên chiến khu, chúng tôi đã vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, bây giờ lại được ở sát sông Vàm Cỏ Đông, thật thú vị.
Xem thêm
Đỗ Nam Cao - Cô đơn và khắc khoải 
Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cùng sống và chiến đấu trên chiến trường Miền Đông gian lao mà anh dũng. Nhà thơ Đỗ Nam Cao công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, còn tôi là lính chiến thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Rừng Miền Đông bạt ngàn, bom đạn tàn phá, chất độc hóa học trắng rừng, nhưng chúng tôi thường xuyên gặp nhau qua Đài Phát thanh Giải phóng và chương trình Phát thanh Quân Giải phóng miền Nam. Đôi khi, hành quân giữa khuya, nghe đọc bài hoặc ngâm thơ Đỗ Nam Cao trong chương trình văn nghệ, tiếp sức cho cánh lính trẻ chúng tôi xông lên phía trước.
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Thảo… Nghĩ
Bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi tám mươi, tôi mới nhận ra, khi mình càng về già thì thời gian trôi càng nhanh. Và thời gian là thứ mình không thể khắc chế được. Việc hôm nay chớ để ngày mai mới làm, vì có khi không kịp.
Xem thêm
Nghệ sĩ Bảo Anh đang trên đường trở về quê nhà
“Một đám rước”, dường như có những tương đồng với “đám rước” khi thân xác nghệ sĩ Bảo Anh được trở về quê nhà, về U Minh, Cà Mau, nơi chôn nhau cắt rốn của anh.
Xem thêm
Vũ Quần Phương tiết lộ chuyện đặc biệt về Xuân Diệu, Chế Lan Viên
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại ký ức về những nhà thơ, nhà văn lão thành như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Tuân… thế hệ đàn anh – những người đã “lót ổ” cho thế hệ hôm nay dưới mái nhà văn chương.
Xem thêm
Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống rồi mới viết
Trong lớp nhà văn cao tuổi hiện nay, có một người tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của ông. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng (sinh năm 1936, tên thật Đinh Trọng Đoàn). Chỉ có điều thời gian gần đây tuổi cao đã khiến ông không viết đều, viết nhiều như trước. Thế nhưng, thi thoảng vẫn được đọc những truyện ngắn mới của ông, hay những bài báo gửi gắm trăn trở, suy tư.
Xem thêm
Cuộc chiến nhân tính – Tiểu luận của Hoàng Thuỵ Anh
Nhà văn Hữu Phương là một trong số những cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch.
Xem thêm
Nhớ mãi kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Qua các nguồn tin, được biết Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuẩn bị phối hợp tổ chức hoạt động tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung sau 2 năm anh rời “cõi tạm” và nhân sự kiện anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với tiểu thuyết Đất không đổi màu, tôi cảm thấy vui mừng xen lẫn sự bồi hồi, xao xuyến.
Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm