TIN TỨC
  • Truyện
  • Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương

Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-12-11 15:46:54
mail facebook google pos stwis
130 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

1.

Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi… Thôi thì sẵn xe, sẵn bạn, dù một chuyến đi chơi xa thử xem. Chiếc xe con đời mới, êm như ru rẽ vào nông trường nuôi tôm của một huyện miền duyên hải. Xa xa, cánh rừng ngập mặn với những cây đước giơ bộ rễ chân nôm gợi tôi nhớ đến một quãng đời trai trẻ dọc ngang sông nước đã trôi qua…

Cuộc đời tôi đã có những năm tháng gắn bó máu thịt với cánh rừng trên biển phía đông nam Sài Gòn. Nơi đó, tôi đã gởi lại bao ỷ niệm yêu thương da diết, bi tráng không quên… Nhưng thôi, đó là chuyện của hơn hai mươi năm xưa. Rừng bây giờ không còn là rừng nữa. Những vuông tôm loang loáng nước đã lấn rừng đi xa. Tiệc rượu đã được bày sẵn. Những dĩa tôm nướng bốc khói thơm lựng, những chai rượu ngoại đắt tiền. “Ở đây, mình chơi đồ đặc sản vậy”. Huân, giám đốc nông trường có cái bụng to quá cỡ giơ cao chai rượu, nháy mắt. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra bốn, năm cô gái trẻ măng đã ngồi cạnh bọn tôi tự lúc nào. Cô áo hồng xinh nhứt đám dịu dàng lấy khăn lau mặt cho tôi, thỏ thẻ:

- Anh đi đường xa có mệt hôn?

- Có em làm sao anh mệt được.


....cánh rừng ngập mặn với những cây đước giơ bộ rễ chân nôm...

Tôi cười nhập cuộc. Ừ, buồn làm sao được. Tôm nướng, rượu ngon, một bên là mỹ nữ, thiên đường ở đây rồi, còn tìm đâu nữa, uống! Tôi giơ cao ly rượu trống rỗng. Tiếng vỗ tay cười tán thưởng, tiếng các em cười sắc nhọn, giọng ồm ồm viên mãn của tay giám đốc, những vòng tay ve vuốt mát mịn. Vui, vui hết cỡ đi, cuộc đời vốn đã buồn lại ngắn ngủi. Tiếng chạm cốc, những âm thanh vỡ ra, đục ngầu. Bất chợt tôi dừng lại, ly rượu để nguyên trên bàn, nghe chát đắng trong cổ họng. Tôi lắng nghe… Âm thanh hỗn độn vây quanh tôi không lấn át được âm điệu của một bài hát vẳng lên từ một nơi nào. Bài hát tôi đã nghe ở đâu rồi, quen thuộc và xa xôi lắm. Giọng hát của một phụ nữ chắc không còn trẻ, khàn đục nhưng đượm một nỗi buồn kỳ lạ, ẩn ức, xót đau…

“Ngày ấy anh đi trong gió thu sang

Ngày ấy anh đi không trống không kèn

Anh đi sao mà thương quá

Em viết bài hát này cho anh

Muốn mở tung lồng ngực hát vang cho cả cánh rừng,

Cho gió thét gào đưa lời ta đi muôn phương

Cho thế gian này biết được mối tình đôi ta

Ôi, em yêu anh mà sao không hát được

Anh yêu em sao chỉ nhìn không nói

Chỉ có những giọt nước mắt như dấu lặng khúc biệt ly chảy dài không dứt

Những đóa hoa rừng tím ngắt

Tình em dồn lên đáy mắt

Bóng anh nhòa ánh trăng sông nước

Anh đi anh đi anh đi…”

2.

Tôi chết lặng giữa cuộc vui. Sao có người hát bài hát này, đã hơn hai mươi năm trôi qua. Dung ơi, lẽ nào lại là em. Tại sao bài hát năm xưa lại ngân lên trong một buổi trưa đầy những thứ âm thanh hỗn tạp này. Bài hát từng làm trái tim tôi xót đau, rướm máu. Ngày ấy, Dung đã hát, nức nở, nghẹn ngào. Em đã hát cho Nam nhưng đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng sông. Nước mắt em đã rơi vào mặt tôi, nóng bỏng. Tôi đã khóc, đã hòa những giọt nước mắt của mình với nỗi đau vô bờ bến của em… Người chủ tiệc nhìn tôi, lạ lẫm:

- Uống đi chớ, sếp sao vậy?!

Tôi thảng thốt:

- Ai hát đó?!

Huân cười ha hả:

- Ôi tưởng chuyện gì?! Một cô y tá lỡ thì, chân xích xuội. Cô ta có một đứa con cải thiện, nghe nói ngày xưa ở chiến khu rừng sác, không hiểu vi cớ gì cứ bám lại đây!

Hắn kê sát tai tôi, hạ giọng:

- Quá đát rồi!

Tiếng cười chế giễu của hắn chợt làm trái tim tôi run lên vì căm phẫn. Hừ, hắn làm sao biết được. Dung đó, người con gái tôi đi tìm mà không sao gặp được. Dung ơi, tại sao Thượng đế trừng phạt anh bằng cách xui gặp em chính nơi đây…

Như một kẻ mộng du, tôi đứng lên, đi về phía tiếng hát, áp tai vào tấm vách ngăn. Căn phòng của góa phụ chắc hẳn đơn sơ và cô độc… Bài hát lại ngân lên, nối tiếp khúc biệt ly là dư vị đắng chát của những ngày êm đềm hòa bình này. Thiếu phụ nằm trên võng, quay lưng về phía tôi, đang ru con. Bài hát sao mà buồn. Tôi thấy lại cánh rừng năm ấy…

3.

Trạm quân y Trung đoàn đoàn đặc công rừng sác nằm trên một cù lao giữa sông Gò Già và Thị Vải. Nó được giọi là Tuyến ba, nơi tiếp giáp. Nó đượcgọi là “Tuyến ba”, nơi tiếp nhận thương binh từ các nơi sơ cứu để điều trị lâu dài. Tôi bị một cơn sốt rét quật ngã. Nam, thằng bạn thân nhất ở đơn vị đã đưa tôi về đây cùng một cô y tá. Giữa bốn bề sông nước, ba bốn chục chiến thương và các thương bệnh binh nằm trên sạp ẩm lót ni - lông, dưới những tàng cây rừng che chở. Tuyến ba là nơi không kém phần ác liệt. Nhiều y bác sĩ đã ngã xuống để bảo vệ thương bệnh binh. Dung là cô y tá xinh đẹp nhất trạm. Vẻ đẹp của em làm sáng rực lên cả cánh rừng, làm dịu đi cơn đau đớn của những chàng trai trẻ. Chúng tôi dạo ấy còn rất trẻ, độ tuổi trên dưới hai mươi đã vào bộ đội, được huấn luyện đặc biệt để trở thành đặc công nước với chế độ luyện tập hết sức khắc nghiệt và thử thách. Đã từng bơi qua những dòng sông vào những ngày đông buốt lạnh ở miền Bắc, chúng tôi dễ dàng tiếp cận và vẫy vùng nơi cánh rừng cửa ngõ đông nam Sài Gòn…

Chúng tôi đã bơi qua những dòng sông, ngâm mình dưới nước hàng giờ, đưa những khối chất nổ xuống tàu địch. Chúng tôi đã đột nhập vào bến cảng, kho tàng của kẻ thù trong tầm kiểm soát gắt gao và lưới đạn vây bủa. Những người con của Yết Kiêu, Dã Tượng đã lập nên những kỳ tích vang dội. Tôi tự hào vì đã từng là một người lính Rừng Sác, đã góp phần làm nên những chiến công đánh chìm tàu Victory, nổ tung kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè lửa cháy ngút trời suốt 12 ngày đêm… Nhưng tôi cũng đã từng chứng kiến bao cái chết âm thầm, lặng lẽ của đồng đội, những mất mát lớn lao. Một chiến sĩ rơi vào vực nước xoáy trong phút chốc không tìm thấy tăm hơi, những trận địch phục kích ném bom máu loang đỏ mặt sông, những trậm mưa chất độc màu da cam, những lần giáp mặt với kẻ thù không cân sức. Và cả cá sấu nữa… Kẻ thù từ mọi phía, hiện đại, hùng hổ dồn đuổi, lùng bắt chúng tôi đang ẩn mình dưới những cánh rừng ngập mặn, thêm vào đó sự khắc nghiệt của thiên nhiên. “Cọp biên hòa, ma Rừng Sác”. Các chiến sĩ tồn tại được giữa chiến khu rừng trên biển đã là điều khó, huống chi trạm quân y phải xoay sở, chăm sóc cho hơn hàng chục chiến thương. Cô y tá trẻ có vẻ vẻ đẹp trời cho hiếm có không biết vì một nguyên nhân nào đã tình nguyện ở lại Tuyến ba đầy khốc liệt. Ngoài việc chăm sóc chiến thương, Dung còn bắt ốc, mò cua, hái rau kiềm, đi lấy gạo, lấy nước về cho chúng tôi. Nước và gạo ở đây quý như máu. Kẻ thù nghĩ rằng chặn được nguồn nước ngọt là đã tiêu diệt được chiến khu Rừng Sác. Nhưng chúng tôi vẫn tồn tại nhờ vào sự đùm bọc của đồng bào, sự thông minh, dũng cảm; nhờ vào những mạch ngầm chảy triền miên không bao giờ dứt giữa bốn bề nước mặn bao vây. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống vì đi tìm nước ngọt. Có lần tôi và Nam lạc rừng đói lả, bình toong không còn một giọt nước. Nam trông trời, trông nước chán nản giữa bát quái trận đồ lòng lạch và rừng. Bỗng nhiên anh trông thấy một con chim nhỏ từ đâu bay đến, sà xuống bãi bùn ngập mặn. Con chim vục đầu vào vũng nước nhỏ xíu, say sưa uống. Uống thỏa thuê nó lại tắm, rửa lông rồi bay đi. Thấy ngộ nghĩnh Nam bước tới. Thì ra đó là cái mội nước nhỏ đang dâng lên. Nam dùng hai bàn tay hứng lấy nếm thử…

- Nước ngọt, sống rồi. Trời ơi, nước ngọt!

Nam nhảy cẫng lân vui mừng. Tôi chạy về phía nó. Hai đứa ôm nhau la hét như điên vì vui sướng. Về Tuyến ba, tôi chỉ cho Dung cách phát hiện ra những mội nước nhỏ giữa cù lao. Những mạch nước ngọt hiếm hoi ấy quả là vị cứu tinh cho chúng tôi. Nhưng dù sao việc cất nước trở về trạm cũng là vấn đề nan giải, đôi khi đổi bằng máu của đồng đội. Tôi đã từng chứng kiến em đã gội mái tóc mượt dày của mình bằng bùn non. Em đã dành phần nước ít ỏi của mình cho thương binh. Em dịu dàng, tận tụy. Tâm hồn em thật đa cảm, trong sáng.

4.

Trong gian khổ, chúng tôi tìm vui bằng những đêm ngồi quây quần bên nhau ăn cháo cá, kể chuyện tiếu lâm, ca hát. Dung có giọng hát trầm buồn, diễn cảm. Tôi đã từng được em ru ngủ bằng những bài hát trữ tình rất lạ mà tôi chưa bao giờ được nghe.

- Ai viết bài hát ấy hở Dung? Hay quá!

Có lần tôi không giấu được sự ngạc nhiên hỏi. Em ấp úng, đỏ bừng mặt:

- Em, em viết đó.

- Thật tuyệt vời. Có hồn lắm. Sau này hết chiến tranh, em nên học nhạc. Em rất có khả năng.

Dung bối rối:

- Ồ không. Trong những lúc rảnh rỗi không biết làm gì, em viết để tự hát vậy thôi. Thời đi học, giờ nhạc em lúc nào cũng cao điểm nhất lớp.

Em lại gạt đi:

- Thôi mà, anh đừng chọc em nữa. Vả chăng, ở đây anh nào mà chẳng trở thành thi sĩ.

Tôi bắt gặp ánh mắt của Dung nhìn ra xa cánh rừng. Những giấc mơ xa xôi lắm. Hòa bình, giấc mộng ấy có không?! Tôi không bi quan nhưng thú thực lúc ấy hai tiếng hòa bình vừa là niềm khao khát thiêng liêng, vừa gần gũi, vừa xa vời. Chúng tôi là những người lính, phải chiến đấu cho cái ngày đó. Dung cũng là một người lính. Em đã nghĩ cách chuyển chiến thương đi qua những dòng sông bằng cách trải tấm ni-lông trên võng, luồn dây dù hai đầu, bốn góc để bốn bọc ni-lông đựng quần áo làm bốn cái phao. Chiến trương nằm trên tấm ni-lông. Hai người tải thương sẽ nắm hai đầu dây giơ lên, thế là thành cái võng treo trên dòng nước. Dung đã ngâm mình dưới nước hàng giờ để đưa tôi đến nơi an toàn, khi Tuyến ba bị giặc càn, phải dời đi ngay tức khắc. Tôi yêu Dung ngay buổi đầu gặp gỡ. Tôi chưa hề có được mối tình đầu. Sự chăm sóc, lau vết thương, thay quần áo cho tôi khiến đôi tay đẹp của em va chạm vào những chỗ nhạy cảm của đứa con trai, tôi nghe cơ thể mình thức dậy, rạo rực. Dung trở nên thật thiêng liêng đối với tôi. Bất chợt em thốt lên:

- Anh Nam nhắn anh là bạn thân của anh ấy. Mới gặp anh, thế là em cảm thấy thân ngay!

Tôi chết lặng. Em nói với tôi vừa như để khỏa lấp sự thẹn thùng, vừa như để giãi bày điều gì. Ôi, sao em lại nhắc Nam làm tôi nhớ nó, nhớ đơn vị đến cồn cào gan ruột. Cậu ta sung sướng thật, được vẫy vùng như con cá kình giữa dòng sông. Tài bơi lội của nó ăn đứt tôi. Nó đẹp trai, lại rất khỏe. Tôi thèm được trở về đơn vị quá.  Cơn bệnh quái ác này đã làm tôi gầy tọp, xấu xí đi. Tôi bị vứt lại trạm quân y khi đồng đội cứ ào ạt tiến về phía trước. Hình như hiểu được tâm trạng tôi, Dung chăm sóc tôi rất chu đáo. Dung cố làm tôi vui…

Được vài hôm, Nam cắt rừng đến thăm tôi. Gặp Nam, Dung mừng rỡ khác thường, mắt em sáng long lanh. Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, thì ra họ đã biết, yêu nhau từ lâu. Tôi quay mặt vào vách giấu đi những giọt nước mắt buồn tủi. Họ đang hạnh phúc, cứ đăm đắm nhìn vào mắt nhau, rồi dắt nhau ra cánh rừng, làm sao nhìn thấy những giọt nước mắt đáng xấu hổ của tôi. Khóc xong, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, bớt đen tối. Tại sao tôi lại trách Nam, trách Dung khi họ yêu nhau tha thiết, tôi là kẻ đến sau. Lúc ấy, tôi tự trách con người bé nhỏ, tầm thường của mình. Tôi tự nhủ “phải vun vào cho họ”. Nam và Dung dắt nhau từ cánh rừng trở vào, gương mặt đôi trai gái rạng ngời hạnh phúc. Tôi cười cười nói:

- Suýt chút nữa thì mình đã cưa người yêu của cậu rồi đấy! Cậu giấu người yêu kỹ quá. Đúng là lính đặc công!

- Thôi đi ông tướng, mình khoe Dung, cậu cuỗm của tớ sao?! Lo dưỡng bệnh để còn làm ăn với bọn này.

Nam cười ha hả, sảng khoái, trẻ trung.

5.

 Mùa khô năm ấy, cuộc chiến đấu đi đến giai đoạn khốc liệt nhất. Đứng bất cứ nơi nào ở Rừng Sác cũng nghe mặt đất rung chuyển vì tiếng bom và pháo bầy. “Thần sấm”, “Con Ma”, “Đầm già” lùng sục ngày đêm. Tại Tuyến ba, y tá và bác sĩ phải làm việc trong điều kiện rất căng thẳng. Không được để làn khói vương, không để mùi thức ăn lan tỏa. Máy thu tiếng động của kẻ thù giăng mắc khắp nơi. Tiếng cười, tiếng hát im bặt. Tiếng rên siết, kêu la của chiến thương cũng phải nén lại. Tất cả đều trở nên lặng lẽ. Người ta nói với nhau bằng mắt nhiều hơn. Giữa lúc ấy, Chính ủy trung đoàn gọi tôi về nhận nhiệm vụ mở đường đột nhập kho bom thành Tuy Hạ. Nhìn thân hình tiều tụy, nước da xanh tái của tôi, Chính ủy băn khoăn. Nam kiên quyết nói:

- Tôi xin thay cho đồng chí Thắng nhận nhiệm vụ mới. Tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc!

Chính ủy ôm chầm lấy Nam. Những người lính Rừng Sác sẵn sàng chết thay nhau. Mỗi chuyến đi, ai hứa chắc sẽ quay về. Nam đã đi thay tôi, cũng có nghĩa là sẵn sàng chết thay tôi, cũng như tôi đã từng đi thay cho đồng đội khác… Hiệu quả của trận đánh là vấn đề cốt tử, không thể máy móc, phải uyển chuyển ứng xử trong mọi tình thế. Theo kế hoạch, hai ngày nữa Nam phải ra đi. Có gì ánh lên trong mắt Nam khiến Chính ủy cất lời: “Đồng chí có gì để nói không?”. Nam ấp úng:

- Không… Thưa Chính ủy, tôi muốn được gặp Dung.

Gương mặt ông giãn ra nụ cười:

- Cậu cứ yên tâm. Đơn vị sẽ làm lễ xuất quân tại Tuyến ba.

Lát nữa đây những người lính sẽ ra trận. Tôi là người chứng kiến buổi chia ly. Trên bàn thờ Tổ quốc là dòng chữ đỏ rực như máu: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dung mang từ rừng về cơ man là hoa. Những người lính đặc công ra trận thật giản dị: quần cộc bó sát, tóc chùm kín, một chiếc dao găm, một bình toong nước, một tấm ni-lông… Họ ra đi, những cơ bắp cuộn vòng, loang loáng dưới ánh trăng. Cứ thế, họ xông vào mục tiêu kẻ thù, lặng lẽ, xuất quỷ nhập thần, là hy sinh, là kỳ tích. Họ được truy điệu trước giờ xuất kích. Đôi mắt rực lửa của những chiến sĩ đăm đắm nhìn vào màu cờ Tổ quốc, thay cho lời thề. Đừng khóc than, bi lụy; đừng ồn ào, lên gân… Hãy hành động hơn là nói. Những âm thanh của sự sống vang lên trong lúc này đồng nghĩa với sự hủy diệt. Chì cần máy thu tiếng động của giặc rà đúng mục tiêu, từng đàn máy bay sẽ kéo đến, hàng tấn bom sẽ trút xuống cánh rừng, biệt kích sẽ tràn tới. Ta sẽ nói bao lời yêu thương, bao lời đưa tiễn nhưng không phải lúc này. “Dung ơi, đợi anh về, anh sẽ ôm chặt em trong vòng tay, anh sẽ hôn em nồng nàn, anh sẽ…”. Mắt Dung và Nam gặp nhau, môi em mấp máy, thì thầm: “Em đã thức bao đêm viết bài ca này. Em muốn hát cho anh nghe, hát cho cả cánh rừng. Nam ơi, thời gian ngắn ngủi quá. Anh chưa được đọc nó, chưa được nghe nó. Em sẽ đau đớn biết chừng nào nếu như bài ca tễn biệt này anh sẽ… không là người được biết đến đầu tiên”. Nam nhìn xoáy vào mắt Dung: “Anh nghe đây, dù chưa được đọc, chưa nghe em hát nhưng biết đó là tim óc em gởi cho anh. Anh đã nghe, đã nghe… Em hãy nuốt nó vào trong, đợi anh về, còn bây giờ xin em đừng hát. Hãy nhìn anh đây, em yêu, anh mong nghe nó biết chừng nào nhưng… Em hiểu điều khốc liệt đó hơn anh. Chỉ cần em cất tiếng hát lên, cả cánh rừng sẽ khóc. Và   như thế, chúng ta sẽ chết. Hãy nuốt bài hát vào trong đợi anh về”. Dung cúi xuống: “Vâng, em hiểu”.

Những giọt lệ trào ra thay cho lời tiễn biệt. Người chỉ huy tổ xuất kích giả làm tiếng chim rúc lên một hồi dài, thay cho lệnh xuất phát. Nam siết chặt lấy Dung rồi vội vã lao theo đồng đội. Những người con của thủy thần đêm ấy ra trận, trăng mờ mờ soi, thân thể cường tráng của họ loang loáng dưới ánh trăng, trong phút chốc hòa lẫn với cánh rừng, sông nước.

6.

Chuyến đi ấy, những người lính đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kho bom thành Tuy Hạ nổ tung. Họ đã vượt qua được hệ thống rào đủ kiểu, boong-ke, hằng hà sa số mìn, và trái sáng, chó berer, ngỗng… Họ đã đột nhập vào kho bom đến 8 lần, hai lần đụng trái sáng, sáu lần gặp địch phục kích. Mỗi người lính đã mang hơn 25 ký chất nổ vào mục tiêu. Khi họ vượt qua vòng nguy hiểm thì năm chiến sĩ tổ đặc công đã nghe thấy tiếng lục bục, dây chuyền trăm ngàn quả bom làm rung chuyển mặt đất. Kho bom thành Tuy hạ bị dìm trong quầng lửa khổng lồ. Hàng trăm ngàn tấn bom của kẻ thù bị tiêu hủy…

Trên đường về, đang lênh đênh giữa sông Lòng Tàu, kẻ thù đã hát hiện ra Nam. Chúng bủa vây, hò hét: “Bắt sống người nhái Việt Cộng”. Nam hít một hơi dài, lặn sâu xuống nước. Một lúc sau anh đột ngột trừng lên, dùng chiếc dao găm hạ hai tên giặc. Anh thoát vây, bơi chầm chậm trên dòng sông cho đỡ mệt. Bất ngờ, lưới của đoàn tàu đánh cá địch cuốn anh mấy cây số liền. Nam bình tĩnh gỡ từng mối lưới, chui ra, trước khi tàu địch cập bến. Người Nam mệt lử. Anh lại thả người trôi xuôi theo dòng sông… “Dung ơi, anh đã trở về với em, nghe em hát. Chúng mình sẽ yêu nhau suốt đời. Chúng mình sẽ làm lễ cưới, nghe em!”. Nam thì thầm. “Anh sắp về với em đây, chỉ cần vượt qua khúc sông Ông Kèo này. Ôi, phía trước là Vũng Gấm, nước lấp lánh dưới trăng lộng lẫy biết bao!”. Hình ảnh Dung hiện ra khiến sức lực Nam hồi phục nhanh chóng. Anh dang rộng cánh tay ôm lấy màu nước lấp lánh ánh bạc vào lòng. Chợt một dợn sóng quẫy mạnh, Nam mất hút dưới dợn sóng bí hiểm, kinh hoàng ấy…

Vậy là Nam mãi mãi không về. Đồng đội tôi đã từng vượt qua bao chướng ngại vật, trong vòng vây phong tỏa của kẻ thù, từng chạm mặt biệt kích, từng vượt qua lưới bom đạn thiên la địa võng… Người con trai được mệnh danh là “Đứa con của thủy thần” bơi giỏi như rái cá đã không tránh được một kẻ thù không ngờ đến: cá sấu. Không ít những người lính đặc công hy sinh vì cá sấu. Ngoài việc đối phó với kẻ thù, cuộc chiến với cá sấu cũng không kém phần quyết liệt. Kẻ thù ta còn tìm cách tránh được nhưng cá sấu biết tránh đường nào, khi những người lính đặc công nước thường xuyên phải bơi trên những dòng sông, thả trôi theo dòng hàng chục cây số, khi mọi tàu thuyền đã nằm trong vòng kiểm soát của địch. Thật lạ, những năm về trước, lính đặc công chúng tôi sống hòa bình cùng cá sấu. Thế nhưng mùa hè năm 1968, sau trận thủy chiến giữa lữ đoàn 199 của Mỹ với đại đội một và đại đội hai Trung đoàn đặc công Rừng Sác suốt bốn mươi ngày đêm, hàng chục tàu địch bị đắm, hàng trăm người chết chìm, chết cháy trên đoạn sông Ông Kèo, trận đánh gây ra điều bất ngờ: cá sấu quen mùi máu và xác chết đã trở nên hung hãn. Chúng đã cướp đi mạng sống của nhiều chiến sĩ. Mãi ba tháng sau, đồng đội mới tìm thấy chiếc thắt lưng của Nam trôi lều bều trên dòng Vũng Gấm…

7.

Tôi không biết nói gì với Dung khi đồng đội trao lại chiếc thắt lưng của Nam cho em. Dung cắn chặt môi im lặng, mắt đờ đẫn nhìn ra xa cánh rừng. “Hỡi các bạn cán binh Việt Cộng, các bạn đang bắt cá, mò cua, đổi gạo… Các bạn đã bị bao vây… Ăn cháo rau kiềm không thể sống, hãy trở về với chính nghĩa quốc gia… quốc gia…”. Trên đầu chúng tôi, con đầm già tâm lý chiến lượn qua, lượn lại khua la ầm ĩ. “Chiêu hồi hay tử thần, chiêu hồi hay tử thần…”. Dung ngước lên, con đầm già vẫn quần đảo trên bầu trời Rừng Sác. Tôi có cảm giác đôi mắt em tóe lửa, thứ lửa phát ra từ đôi mắt tím sâu thẳm nỗi đau. Thứ ánh sáng trắng và lạnh nhưng đầy kiên quyết, dữ dội. Đợi cho chiếc máy bay đi rồi, bầu trời Rừng Sác trở lại màu xanh trong như bích ngọc, Dung gục đầu vào vai tôi, òa khóc như mưa bấc:

- Anh Thắng ơi, em không tin, em không tin. Anh Nam sẽ trở về!

Em vò chiếc thắt lưng của Nam trong lòng đôi bàn tay nhỏ nhắn đến rướm máu, như không muốn tin vào chứng tích của mất mát.

- Anh Nam không bao giờ nghe được bài hát em viết cho anh ấy, không bao giờ nữa. Em viết nó cho ai?!

Em lao ra khỏi vòng tay tôi, lục tung chiếc ba lô, lấy ra một quyển sổ rất đẹp. Em lật từng trang… Từng khuôn nhạc với những nét vẽ tuyệt đẹp hiện lên. Em dứt từng tờ, xé thành từng mảnh vụn, cười lên khô khốc.

- Dung, em hãy bình tĩnh lại. Anh Thắng đây, bạn của Nam đây!

Dung nhìn chằm chằm vào tôi, ngơ ngác. Không hiểu sao cái nhìn của em làm người tôi ớn lạnh. Tôi đâm luống cuống. Chợt đôi mắt của em khép lại, những giọt nước nóng bỏng rơi xuống má tôi. Dung tức tưởi:

- Giá mà anh Nam được nghe em hát. Giờ, em viết nó cho ai?!

- Em hát đi, đừng chôn chặt trong lòng. Hát để cả cánh rừng này chia sẻ với em!

Em bắt đầu hát. Ngày ấy… Ngày ấy… Dung ơi, em đừng hát nữa. Bài hát xoáy vào lòng tôi, nhức buốt. Nam đã ra đi, chết thay cho tôi. Còn tôi bất lực trước nỗi đau khổ đến hóa điên của Dung. Tôi không thay thế được cho Nam để lấp đầy khoảng trống trong lòng Dung. “Đợi anh về, chúng mình sẽ yêu thương, chúng mình sẽ cưới nhau”. Lời thì thầm của Nam hôm nào chợt như trăm ngàn mũi kim đâm vào trái tim tôi. Dung chưa lấy chồng đã trở thành góa bụa, làm sao tôi có thể xoay chuyển số phận của em. Bất giác, nước mắt của tôi cũng tuôn trào. Gương mặt em cũng rất gần tôi. Em lại hát trong nước mắt…

“Anh đi sao mà thương quá. Em muốn mở tung lồng ngực hát vang cho cả cánh rừng… Anh yêu em sao chỉ nhìn không nói. Chỉ có những giọt nước mắt như dấu lặng khúc biệt ly chảy dài không dứt… Những đóa hoa rừng tím ngắt… Anh đi… anh đi…”. Giọng em nghẹn ngào, đứt quãng. Cho đến lúc không còn chịu đựng được nữa, Dung đổ gục xuống cánh rừng…

8.

Sau buổi chứng kiến nỗi đau của Dung, tôi được điều đi làm một số công tác đặc biệt. Chiến sự ngày càng ác liệt, tôi không có điều kiện trở về Tuyến ba. Nhưng tôi biết trạm quân y của Dung vẫn âm thầm bám giữa rừng. Em vẫn âm thầm chịu đựng nỗi mất mát riêng tư để chăm sóc thương bệnh binh. Nhiều đồng đội của Dung đã ngã xuống. Cấp trên cho phép Dung lui về tuyến sau, đi học khóa bác sĩ nhưng không biết vì nguyên do nào em từ chối. Tôi lao vào cuộc chiến đấu trả thù cho đồng đội. Chúng tôi - những đứa con của thủy thần được nhân dân đùm bọc, che chở luôn làm cho kẻ thù bất ngờ, khiếp sợ. Tất nhiên, chúng tôi cũng đổi bằng giá máu để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ riêng trung đoàn đặc công của tôi đã có hơn 800 chiến sĩ hy sinh, trong số đó chỉ có 160 chiến sĩ là tìm được xác, số còn lại vĩnh viễn nằm lại giữa những bụi bờ, trong bụng cá sấu, dưới những dòng sông…

Hòa bình. Tôi chuyển ngành, học đại học kinh tế rồi trở thành giám đốc một công ty. Tôi lấy vợ, sinh con, có được gia đình sung túc, dễ chịu. Trong những ngày giỗ chạp, tôi luôn nhớ đến Nam, nhớ đến Dung. Nhưng đã bao lâu rồi tôi không gặp em. Trong thâm tâm, tôi nghĩ em đã lấy chồng, đang được sống trong hạnh phúc. Người xinh đẹp, tài hoa như Dung chắc hẳn có nhiều chàng trai theo đuổi. Và trong số ấy, chắc hẳn em sẽ tìm ra được một tấm chồng xứng đáng. Cớ sao tôi lại nghe em hát trong buổi trưa không hẹn đến này. Qua anh chàng giám đốc nông trường tôi mới hiểu thêm: Dung bị thương trong một lần đưa chiến thương về tuyến sau. Viên đạn không lấy ra được khiếng chân em khập khiễng. “Cô ấy có đôi mắt rất buồn, rất đẹp. Cứ chiều chiều là bế con nhìn ra cánh rừng ngập mặn như trông ngóng ai đó. Cô ấy thừng ru con bằng bài hát ấy, không biết lấy đâu ra, nghe riết thành nhàm!”. “Nhưng có những điều không bao giờ nhàm cả, nó sống mãi trong tâm tưởng của một con người”. Tôi định nói với tay giám đốc một lời đại khái như thế nhưng nhìn vẻ viên mãn của hắn, tôi im lặng, xoay xoay ly rượu trong tay. Cuộc vui vẫn chưa tàn. Tiếng cười nói, tiếng chạm cốc vang lên. Vượt lên thứ âm thanh hỗn độn của tiệc tùng là dư vị đắng chát của khúc hát ru con tiếp theo của thiếu phụ, văng vẳng đâu đây tiếng võng đưa kẻo kẹt:

“Dẫu biết rằng anh không bao giờ về nữa

Nhưng em không tin anh chẳng còn ở trên đời

Em cứ chờ cứ đợi

Em đợi hết bình minh rồi lại hoàng hôn

Bóng tối chập chùng anh đi không trở lại

Bài hát xưa giờ em hát mãi

Không ai trên đời hiểu được nó như anh

Em hát xuống dòng sông em hát qua chin tầng mây

Anh sống cùng em qua một đời con gái

Con ơi, mẹ viết bài hát này ru con

Người đời không hiểu nổi

Bài hát ru nối tiếp khúc biệt ly màu tím

Là sự can đảm vượt qua nỗi cô đơn và quên lãng…”

9.

- Dung!

Tôi đứng lên, ly rượu rời khỏi tay tôi, vỡ tan trên nền gạch. Tiếng cười rộ lên. Bất chấp tất cả, lại thêm một lần nữa tôi rời khỏi bàn tiệc, như một kẻ mộng du… Giọng hát này, âm điệu này chỉ có em, dù thời gian không còn làm cho tiếng hát em trong trẻo như ngày nào. Nó đã khàn đục và dư âm dường như đắng cay, chua chát hơn ngày xưa ấy. Tôi đã làm gì suốt hơn hai mươi năm qua. Lao vào danh vọng, làm giàu, vợ đẹp, con xinh, những cuộc vui nối tiếp… Tôi đã lãng quên cánh rừng ngày nào có cô y tá xinh đẹp, tâm hồn trong sáng, vút lên những câu ca trữ tình, đầy xúc động. Tôi quên cả khát vọng âm thầm, cháy bỏng của em. “Sau chiến tranh, em sẽ trở lại học trường nhạc, em sẽ trở thành…”. Dung đã từng thổ lộ với tôi như thế, má em đỏ bừng vì thẹn thùng. Tôi đã quên những giọt nước mắt nóng bỏng của em ngày nào khi nghe tin Nam hy sinh. Tôi lúc ấy đã khóc vì Nam đã chết thay tôi, còn tôi bây giờ đang sống thay cho đồng đội mình…  Cuộc sống êm đềm thường nhật đầy mật ngọt và cạm bẫy, sự giẫm chân khiến người ta quên quay về quá khứ. Tôi đã không thay được đồng đội mình gánh lấy nửa phần đời còn lại của em… Hừ, chiến tranh. Có phải mi là bệ phóng cho những con người lao đến đích vinh quang nhưng mi cũng làm hủy diệt, lãng quên bao số phận con người. Tôi có còn là thằng người nữa hay không?! Chỉ sau một bức vách là tôi đã chạm đến số phận của em… “Ầu ơ… Con ơi, mẹ viết bài hát này ru con - Người đời sau không hiểu nổi - Bài hát ru nối tiếp khúc biệt ly màu tím - Là sự can đảm…”. Huân kéo tôi trở lại bàn tiệc:

- Thôi nào, sếp uống với tụi em đi. Sao bỗng dưng sếp ngẩn ngơ nghe đàn bà góa hát vậy?!

Tiếng cưòi lại rộ lên, những âm thanh ngầu đục… “Không, hãy im lặng để lắng nghe. Các người làm sao hiểu nổi! Dung ơi, em hãy cho tôi chút can đảm trong cuộc sống êm đềm này. Chúng ta vẫn là những người lính”. Tôi đẩy ly rượu mời của Huân ra xa. Rượu sóng ra khỏi ly, làm ướt đẫm khuôn mặt trơn nhẫy của hắn. Và như một kẻ bị thôi miên, tôi lao về phía có tiếng hát…

1995 -2022
T.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm