- Lý luận - Phê bình
- Đọc thơ Trần Mai Hường
Đọc thơ Trần Mai Hường
TUẤN TRẦN
Trước hết thơ Trần Mai Hường toát lên tính nữ: tính nữ trung hòa, trữ tình, da diết và đầy khát vọng giao cảm. Dẫu thao thức bồn chồn, dẫu vẫn rạo rực vô tư. Song nó luôn luôn nằm lại ở nữ tính, không phải nữ quyền. Thơ chị luôn nằm trong bổn phận, bổn phận của người nữ kiểu “em chỉ là em thôi!...”.
Nhà thơ Trần Mai Hường
Hệ hình ẩn dụ trong thơ Trần Mai Hường giăng mắc dày đặc nhưng rất tỉnh táo. Có thể nói sau cái “ngồn ngộn” cảm xúc dâng lên, giáng xuống đó là một tấm lòng người nữ bao dung, luôn đứng đó ở đường biên, để dễ dàng trở về nguyên vẹn nhịp đập đời thường. Thơ Trần Mai Hường luôn xanh, xanh lưu cửu (chẳng chín bao giờ). Cái xanh từ thưở mười ba cho đến năm hai mươi mấy, ba mươi vừa đủ đằm thắm, ngọt ngào trong phôi pha. Thơ Trần Mai Hường ít khi buồn, tình trong thơ không cảm- tưởng về sự ôm sầu ấp thảm như những giọng nữ trong thơ thường thấy mà luôn ngợi ca “em”, ngợi ca “anh”, ngợi ca đời với sự nâng niu, thưởng thức. Nữ sĩ luôn ở trạng thái tha thứ, tha cho “anh” cho tình yêu và cả cho “em”- chủ thể trữ tình trong thơ nữa. Chỉ cần là anh thì em sẽ “ừ!”, gật đầu cho mọi sự thể bao dung. Tất nhiên Trần Mai Hường là một thi dân giàu có, phong phú những giọng thơ, viết về tình về anh về hiếu hạnh, về những con đường, những tuổi thần tiên, về mùa thi và phượng vĩ. Nhưng khi tiếp nhận thơ chị tôi nằm lại ở đó, trên bờ cỏ dày nguyên sinh ủ muôn dấu “tiếng đàn bà”, sợi tình tơ nghĩa trải giăng theo số phận của những mùa em:
“Có một ngày đá bỗng biết nhớ nhung, nỗi nhớ vu vơ từ nơi nào xa lắm, mây như mướt hơn khoe trời ngọt nắng, ngọn gió mềm lay khẽ phím non tơ.
Ngỡ qua rồi những run rẩy xa xưa, thời phấn trắng bảng đen tươi nguyên màu áo, tình yêu ngàn đời vẫn trái tim mách bảo, thuở tinh khôi lại chập chững tìm về.
Em rưng rưng đón nhận đam mê, khẽ lùa tay chặn tim mình lỗi nhịp, có phải anh thực hư hư thực, dan díu nào mặc định sóng đa đoan.
Đêm trống đêm em hờn giận thời gian mà thời gian thích đùa dai đến lạ, em như chấm buồm nhỏ nhoi giữa trùng trùng biển cả, nào biết dưới biếc xanh kia ẩn chứa những gì.
Chợt bàng hoàng khép nhẹ hàng mi, ẩn hiện bóng hình người em mong gặp, biết đâu... biết đâu... ở một nơi xa lắm, anh cũng như mình...lặng lẽ...biết đâu...”
(Thơ cho người mong gặp)
“Đá”- tính cứng đơn thuần nhưng lõi cốt là mềm mại, cô đơn. Chính vì thế đá cũng biết nhớ nhung. Em dẫu đã “không còn tuổi nào” vẫn một lòng tha thiết gọi dậy giấc mơ thời thiếu nữ. Trong sự “đá” tưởng đã chai lỳ bổn phận, nội tâm thi nhân bỗng sôi nổi, mãnh liệt để tuôn đổ ngàn lời và ngàn lần nữa yêu thương phơi trải giữa trời nước mênh mông, diệu vợi. Trên non cao và cả trong vô thường.
Trong khoảnh khắc, “khép nhẹ hàng mi” (khép hờ chưa hẳn) ấy, em đã bước vào “thực tại mộng mị”. Bắt đầu là những câu hỏi lộ bày tính nữ, những câu hỏi không có câu trả lời, hoặc chẳng cần có. Cái nữ tính trong thơ, trước hết ở những câu hỏi tu từ, câu hỏi không đáp, không định, đóng kết tứ thơ giữa bời bời cảm xúc miên viễn, xa xôi mà nặng trĩu một nỗi tự phô bày. Em lần mò nội tâm về anh và thò bàn tay từ tâm thức ra ngoại giới để tìm anh trong trạng thái mơ hồ thế nhưng bố cục thơ lại được khung khổ ở một trật tự tuyến tính. Nét độc đáo trong các thiết lập hình thức văn bản thơ cách tân, hiện đại. Điều đó cho thấy Trần Mai Hường là nhà thơ sắc sảo và lý trí, dùng lý trí để dẫn đường cho cảm xúc và trực cảm. Để thơ chị luôn hàm chứa những hạt nhân của niềm tin, sự “buông” dẫu tình yêu là tín ngưỡng đẹp nhất trong lòng:
Có một ngày đá bỗng biết nhớ nhung- mở đầu mệnh đề, một luận đề có chất triết thuyết, được diễn đạt đầy thi hứng, thi cảm, một sự nhớ đổ ập bất ngờ…
Ngỡ qua rồi những run rẩy xa xưa- trước cơn thương em bắt đầu chuyển động tìm yêu, miết dấu thời gian mà trở về tinh khôi.
Em rưng rưng đón nhận đam mê- em không khước từ những đau thương chạm đáy, em sẵn lòng cho những đối mặt hôm nay, em lần nữa gian díu giải trình anh.
Đêm trống đêm em hờn giận thời gian- em trào dâng nỗi oán hờn đa đoan, thời gian thách thức em tìm anh trong mọi chiều kích thời/ không rộng lớn thực, mơ hỗn trộn.
Chợt bàng hoàng khép nhẹ hàng mi- em biến thực tại thành hư tưởng, trong mộng mị để được gặp anh.
Mở đầu bất chợt và kết thúc bàng hoàng. Nhưng hàng mi em nhẹ khép nghĩa là em không còn chấp sự. Em sẽ để ra đó những “…”, khoảng trống như để mãi chực trào trong mơ. Khoảng trống đó em bỏ ngỏ, nghĩa là em bao dung không phán xét nửa lời. Em nhói đau âm thầm, chịu đựng, để thứ tha cho anh, cho em và cho tình yêu luôn ở thì hiện tại tiếp diễn.
Đến với bài thơ “Thơ viết lúc buồn” là sự pha trộn giữa kí ức và thực tại. Mơ và thực. Nỗi đau, sự trớ trêu cùng cái tỉnh thức. Thủ pháp gối tựa trùng điệp, tối đa tính từ biểu cảm, cùng những khoảng trắng gián cách, gạch nối tạo nên cái buông- neo nơi cảm xúc. Sự đan bện giữa các xúc cảm có nối tiếc, trách móc, chua xót, ngậm ngùi, dồn nén và thở dài trong nỗi trớ trêu.
Cảnh tượng được mô tả tỉ mẩn, theo những diễn biến cảm xúc với giọng điệu trữ tình trung tính, gần như vô âm sắc thi thoảng những hư từ “Ừ”, “Ú òa” như tiếng lòng được thả ra giữa tuyệt vọng, vô lực, sự chấp nhận trong những nhói đau. Chấp nhận cái mênh mông, hư ảo của tình và đời đã xa mặt- cách lòng- trật nhịp. Không cao giọng mà đầy những mang móc thực tại, quá khứ, tương lai, sự trơ ra đó giữa những khát vọng yêu thương, những muốn tỏ bày chưa kịp nói ra. Trong chăn đơn gối chiếc em quay cuồng trong sự vụ tìm anh:
“Thế là ta lại quay vào ô mất lượt
Thương yêu ơi - đã lạc tận phương tìm
Ừ cứ nghĩ lòng mình trong như nắng
Vách đá cuối đường có trổ nhánh an nhiên
Hình ảnh “Quay vào ô mất lượt” đi trước là phó từ “lại” nghĩa là lần mất lượt này đã tái diễn, nhiều hơn một lần và có thể là vô lần chẳng đếm đong được. Tình yêu vốn dĩ là một bí mật, hàm số vô ẩn hoặc vô số ẩn số không thể nào cắt nghĩa, lý giải. Thi nhân đã hữu hình hóa cái vô hình của tình yêu giống như một trò chơi. Thật là, không ai thiết kế trò chơi hay bằng tạo hóa. Và không ai giải trình trò chơi đó hay bằng “em”. Lạc mất rồi thì em lòng như hóa nắng, dọi thêm những chói chang cho tình đời, tình người đẹp thêm chút đỉnh! Em sẽ về với an nhiên, ôm cả sầu thương lẫn đoạn trường và đã chơi được em sẽ chịu được. Sẽ cười như xé cả màn đêm, cho khoảnh khắc tình mãi lên ngôi:
Tự gom hết bao khúc quanh nghiệt ngã
Hun hút đêm dài sương ghé tóc kết hoa
Ngơ ngác soi gương tập cười vang như thể
Cuộc trần gian chơi giỡn ú òa
Ừ xa lắm quê nhà lăng lắc gió
Những đận đời chèo chống ngược dòng đau
Thêu thùa lại những sắc màu. Tự dỗ...
Lại dặn lòng ừ nhỉ có gì đâu
Tình như tấm vải thô sơ, anh trao tay và em thêu thùa bằng những đắng đót, khúc quanh, bằng những tự chống chèo trong trống trải, đơn côi. Em tự dỗ, tự ru, tự rồ dại rồi tự lau ráo lệ. Trên từng đường kim mũi chỉ, thế giới hiện ra bảy màu phổ quang: Đỏ, cam, vàng, da cam, chàm, tím. Sắc nền đem đúa như hun hút đêm dài anh để em một mình.
Lửa biểu tượng sự thiêu đốt. Lửa thảng thốt đêm nay là nhân quả của lửa thề nguyền xưa kia. Khi tình yêu đến những nóng bỏng trực trào, khi tình tan mộng vỡ những bàng hoàng trong giao thức xuất lộ. Lửa lại đến xoáy khoét thêm nỗi đau. Giữa mùng đêm em xòe bàn tay, để lửa cháy rực những cuồng quyến thân thuộc. Những xanh tươi của ngày đôi mươi ùa về, phủ xanh những chứa chan. Nhưng rồi em trở về với nhịp đập đời thường, tỉnh mộng và giàn dụa những nước mắt. Em mơ màng rồi em đối diện, em sống lại một thời con gái. “Ô mất lượt” đã mở ra cả khung trời kỉ niệm và “Ô mất lượt” cũng đóng gói một vòng tròn những đam mê. Em buồn, em khóc đó, nhưng em vẫn là con người của thực tại hôm nay. Nhận diện rõ trò chơi, trò đời: và em chơi và em quay và đã “mất lượt nữa rồi”.
Xòe bàn tay - lửa rần rần thảng thốt
Trong mơ xanh ta ước nắng xanh dìu
Chợt tỉnh giấc
Mình và ô mất lượt
Cứ xoay tròn
Giàn giụa những trớ trêu.”
(Thơ viết lúc buồn)
Chiều thắt màu nơ tím
Trái tim rưng nốt chờ
Thương mới vừa hé nụ
Nhớ đã mùa ngẩn ngơ
Hình ảnh thơ rất con gái: nơ tím, nụ và mùa. Nhịp đập rưng rưng của con tim và cái cảm thức thời gian vội vả, gấp gáp đã làm cho câu thơ đọc lên dễ thương vô ngần, mà sâu lắng vô cùng trong cái ngẩn ngơ trước chiều và dòng chảy thời/ không.
Buồn như tờ giấy nháp
Lật từng trang đọc mình
Chữ vẫn còn mê ngủ
Đan vách đời lặng thinh
Thả dài theo mắt gió
Nhặt mong manh tiếng cười
Sao chép vào ngăn nhớ
Mùi yêu kết cườm môi...
Cảm xúc được thả nhẹ nhàng vào thinh không, rồi lại được cài quấn, góp nhặt, sao chép, bôi xóa. Cách gieo vần, ngắt nhịp và cấu tứ ngũ ngôn hiện đại đã làm cho nhịp điệu trữ tình trong thơ thêm phần ngọt ngào, vẫy gọi và luôn trong trạng thái lấp lánh những sắc màu.
Như người đang mất trí
Giải trình một cuộc quên
Đành xé rào ký ức
Tự dối mình là em
Thấy mình nhòe mực tím
Thấy anh kính trắng... Và...
Nữ sĩ đổ ra giấy những bận bịu cõi lòng, những dòng mực bén đượm hương hồn kí ức tình người, tình đời đẹp đẽ. Trong nhớ nhớ, quên quên, trong nhòe mờ quá khứ vẫn cự quậy, nhung nhúc sợi tình tơ nghĩa đang động mình thắm lại. Vẫn là những “…”, những khoảng trống buông lơi, những hiện diện vắng mặt. Tác giả đã kết thúc niềm cảm hiểu lòng riêng bằng cái lập lờ bởi còn đó những ấp iu nồng đượm, những chưa thỏa lòng, là tình, là yêu, là hận, tất cả đều không rõ ràng.
Ba bài tình thơ như ba bức thư tình viết trong hoang, trong đêm, trong những nổi- chìm bể dâu. Nhưng cũng chỉ đến thế thôi, “em chỉ là con gái” buồn khóc, vui cười. Cái yêu của em dừng lại nơi thì con gái không có bổn phận trưng ra một luận đề triết học trong thơ. Sứ mệnh em bọc trong má hồng, nhưng trong cái yêu anh không oằn oại đớn đau, không róng riết kêu đòi, không hận sầu bi thương, không kiêu hãnh, hẹp hòi. Chỉ yêu mềm mại, yêu tha thứ và luôn nỗ lực quên đi những điều không nên nhớ, và nhớ lấy những điều không được quên. So với nữ sĩ Xuân Quỳnh ở phương diện thơ tình và tính nữ, Trần Mai Hường như một sự thừa hưởng, nối kết. Bởi trong thơ Xuân Quỳnh và thơ chị luôn có sự nhìn nhận chính mình, trách mình như cách độ tha của một người phụ nữ luôn biết hi sinh.