TIN TỨC
  • Chân dung & Phỏng vấn
  • Chúng tôi mong nhận thêm nhiều bút ký tôn vinh những con người hy sinh thầm lặng…

Chúng tôi mong nhận thêm nhiều bút ký tôn vinh những con người hy sinh thầm lặng…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-26 20:09:47
mail facebook google pos stwis
1583 lượt xem

PHƯƠNG HUYỀN thực hiện

Cuộc thi bút ký “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG” nhằm tôn vinh cá nhân, tập thể, tổ chức ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp…đã có nhiều đóng góp cho người dân thánh phố Hồ Chí Minh và cả nước chống chọi và vượt qua đại dịch; đã đi được nửa chặng đường (Cuộc thi được phát động từ 14.2 và kết thúc thời gian nhận bài vào ngày 31.8.2022). Để hiểu rõ hơn về cuộc thi cũng như đề tài, chủ đề cuộc thi cũng như để mời gọi nhiều cây bút tham gia cuộc thi, nhà báo nhà văn Phương Huyền đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bích Ngân,  Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh.

Nhà văn Bích Ngân & nhà báo, nhà văn Phương Huyền.

* Thưa nhà văn Bích Ngân, sau thành công của cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam”, Hội nhà văn Tp HCM tiếp tục phát động cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng”. Có thể nói đây là sự tiếp nối có chủ đích rất ý nghĩa. Xin bà cho biết về cuộc thi này?

Để trả lời về cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng”, tôi xin được nhắc lại một chút về cuộc thi mà đề tài cũng từ đại dịch đã gây nhiều mất mát về sinh mệnh, tinh thần và của cải cho thành phố và cả nước. 

Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” được Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức trong thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội (các thành viên Ban chấp hành đều bị cách ly trong khu vực phong tỏa và làm việc, kết nối qua online), nhằm chung tay góp phần chia sẻ nỗi đau mất mát, đồng thời kết nối tinh thần, trái tim của cộng đồng, cùng nhau nỗ lực vượt qua đại dịch. Và cuộc thi đã thành công vượt ra ngoài sự mong đợi. Tác phẩm sáng tác từ cuộc thi và sự lan toả của nhiều bài thơ, qua internet, qua làn sóng phát thanh, truyền hình và nhất là được phát thường xuyên trên làn sóng của Đài tiếng nói nhân dân thành phố, đã truyền cảm xúc từ trái tim người làm thơ cho tới trái tim người đọc thơ và người nghe thơ. Và đúng như nhận định của một nhà phê bình văn học, thành quả cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” đã tạo nên một sự kiện văn hoá trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Và, có lẽ, hiếm có cuộc thi nào mà những bài thơ vào vòng chung khảo cuộc thi đã được in 2 tập thơ ở hai nhà xuất bản (NXB Văn học và NXB Quân đội nhân dân), trong đó NXB Quân đội nhân dân đã phát hành 700 cuốn thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” theo hệ thống thư viện để phục vụ trong toàn quân.

Tiếp nối một cuộc thi thơ thành công trong thời điểm đại dịch diễn ra khốc liệt bằng một cuộc thi một thể loại bút ký trong thời gian dịch bệnh đã lắng xuống, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, đồng thời; nhiều ban ngành sở, nhiều hội văn học nghệ thuật, nhiều đoàn thể, nhiều ngành nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương, đã liên tiếp tổ chức những cuộc thi, những cuộc vận động sáng tác tuy với nhiều hình thức khác nhau, nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng vẫn tập trung phản ánh về chủ đề con người chống chọi và vượt qua đại dịch như thế nào?

Trong bối cảnh khách quan đó, Cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng” tuy đã khởi động được gần 3 tháng, tức đã đi nửa chặng đường  nhưng số lượng cũng như chất lượng bài gởi về tham gia cuộc thi, cũng như bài viết hưởng ứng cuộc thi, cho đến thời điểm này, chưa được như mong muốn của Ban tổ chức.  

* Giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến Covid 19 có thể nói đã được phản ánh khá sâu sắc qua nhiều cuộc thi, qua những tác phẩm in thời gian vừa qua. Vậy “Những hy sinh thầm lặng” tiếp tục ở giai đoạn này theo bà có thể tìm tòi hay phát hiện gì mới hay không?

Đọc qua một số bút ký tham gia cuộc thi, tôi thấy phần nhiều đối tượng phản ánh, tức nhân vật trọng tâm của tác phẩm, cũng như ở Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” là những người thầy thuốc âm thầm dốc hết tâm lực để cứu người. Biết rằng, đội ngũ y bác sĩ là những trực tiếp đương đầu với bao gian khó, chồng chất những hy sinh thầm lặng để cứu được người và nỗi đau càng thêm đau khi cảm giác bất lực trước cái chết của bệnh nhân nhiễm Covid 19. Tuy nhiên, sự hy thầm lặng còn có ở nhiều, rất nhiều người đã tận hiến cho việc cứu người trong đại dịch và cả sự mất ăn mất ngủ, day dứt, đớn đau của những người có trọng trách trong cả một hệ thống chính trị. Ngay như bạn, nhà báo nhà văn Phương Huyền, trong thời điểm đại dịch chia cắt con đường, chia cắt phường khóm, bạn vẫn tìm mọi cách để kết nối với nhiều tấm lòng, nhiều doanh nghiệp và tìm mọi cách, kết nối với những người tình nguyện để đem từng gói mì, từng chai nước mắm, từng hộp sữa cho người nghèo. Hay như nhà thơ Huệ Triệu, nhà thơ Trần Mai Hường đã thức trắng đêm cùng nhiều nhà văn nhà thơ và bè bạn góp tiền mua gạo và trực tiếp mang hàng chuc tấn gạo cho người khốn khó. Rồi đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ báo chí đã có nhiều, rất nhiều người chia sẻ những mất mát đau thương của cộng đồng bằng tác phẩm của mình, mồ hôi và cả nước mắt của mình. Nhiều tác phẩm ra đời trong đại dịch. Tác phẩm văn học nghệ thuật và tác phẩm báo chí. Nhiều bài hát, nhiều bộ ảnh, bộ phim, nhiều cuộc triển lãm của nhà nhiếp ảnh, của họa sĩ (trong đó có tranh của họa sĩ Lê Sa Long vừa đặc biệt vừa đặc sắc), nhiều phim phóng sự tại nhiều bệnh viện điều trị bênh nhân Covid 19, nhiều video clip, nhiều quyển sách viết trong đại dịch được phát hành…Rồi đội ngũ xung kích của nhiều binh chủng: công an, bộ đội, y bác sĩ, dân quân tự vệ… lao vào tâm dịch bất kể khó khăn. Có thể kể như MC Quỳnh Hoa kêu gọi các anh chị em nghệ sĩ chung tay giúp đỡ công tác phòng chống dịch và được nhiều nghệ sĩ hưởng ứng tích tích cực. Hay như nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn ngồi xe lăn đến với bênh nhân ở nhiều bệnh viện bằng tiếng kèn vang lên từ trái tim của mình. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã lao vào tâm dịch góp sức góp của cứu người như cố nghệ sĩ Phi Nhung, nghệ sĩ hài Việt Hương và nhiều, rất nhiều những đóng góp nghĩa hiệp của những người nghĩa nhân, một cây gạo ATM, rồi nhiều cây gạo ATM, những bếp ăn thiện nguyện và sự hy sinh tính mạng của nhiều người làm công tác thiện nguyện... Sáng này, tôi vừa nhận được điện thoại của nhà văn Nie Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắc Lắc. Nie Thanh Mai cho biết, chị đang vận động một số cây bút của Tây Nguyên tham gia Cuộc thi “Những hy sinh thầm lặng”, chị cho biết, sẽ có bài viết về việc người của TP.HCM đã hỗ trợ hết lòng cho người dân Đắc Lắc trở lại quê hương trong đại dịch. Nhà văn Trình Quang Phú, hơn 80 tuổi vẫn cùng gia đình và nhiều người của Hội đồng hương Phú Yên, của Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông đã túc trực tại Bến xe Miền Đông suốt nhiều ngày đêm để đưa hơn 18 ngàn người lao động trở về quê nhà. Rồi Công ty xe Phương Trang với hàng trăm chuyến xe o đồng đưa người dân từ tâm dịch về quê…Và ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, nhiều sân khấu tư nhân đã nỗ lực dựng những vở diễn tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc, của người dân chia sẻ, đùm bọc nhau trong đại dịch, có thể kể như sân khấu Trịnh Kim Chi và một số nghệ sĩ của những sân khấu khác…

Và còn có sự đóng góp gián tiếp của những những người làm khoa học đã âm thầm cống hiến để cho ra đời nhiều những sản phẩm khoa học góp phần tích cực cho việc chữa trị cho bệnh nhân. Hay cũng là một cách giúp người, cứu người là dũng cảm, quyết liệt đưa ra ánh sáng công lý những kẻ sâu dân mọt nước như bè lũ Công ty Việt Á và cả mạng lưới tham nhũng giăng mắc khắp các tỉnh thành đã, đang và sẽ tiếp tục được phanh phui trước pháp luật. Tôi rất mong cuộc thi có được những bài bút ký hay viết về những tấm gương quả cảm, không khoan nhượng trước hành vi câu móc kiếm tiền, đoạt tiền của dân của nước bằng mọi giá…

* Với 2 cuộc thi thơ và bút ký nối tiếp nhau, từ Hội nhà văn TP HCM cho thấy, Hội rất quan tâm tới những diễn biến của thời cuộc, đồng thời khẳng định sứ mệnh quan trọng của người viết. Ở góc độ là chủ tịch HNV TpHCM, là người thở nhịp thở của Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh, theo bà sứ mệnh của người viết với đời sống quan trọng thế nào?

Nói sứ mệnh thì nghe to tát quá. Nhưng đã là người viết văn, thì không thể dửng dưng và thờ ơ trước cuộc sống, trước số phận con người. Bởi ai cũng biết, cái xấu, cái ác được dung dưỡng bởi chính thái độ dửng dưng và vô cảm. Sứ mệnh của con người, không chỉ là người cầm bút, không được phép né tránh và vô cảm trước dòng xoáy của cuộc sống. Mà cuộc sống vốn vận hành với những biến động, biến động chủ quan và biến động khách quan và diễn tiến với cả cái được lẫn cái mất, tốt có, xấu có, tiến có, lùi có, bầu trời rộng mở nhưng cũng không thể xoá được đường chân trời. Ước mơ đẩy ta đi nhưng giới hạn ghì ta lại. Sự day dứt, sự giằng xé nơi người viết vừa là thôi thúc cũng còn là động lực của người cầm bút…

* Vậy, nhà văn cũng có thể chia sẻ đến các cây bút, đặc biệt là các cây bút không chuyên – làm thế nào để có 1 tác phẩm bút ký hay cho cuộc thi?

Bút ký tức là ghi lại, chép lại người thật, việc thật, cảnh thật. Tuy nhiên, bút ký văn học phải có hàm lượng văn học, tức chất văn là yếu tố quan trọng. Để có chất văn, ngoài việc tìm tòi, quan sát, khi tìm được đề tài, có sự kiện, có nhân vật, đòi hỏi người viết có vốn sống, sự trải nghiệm về sự đời, về văn hóa, nắm rõ được cái “từ trường” đã tác động đến suy nghĩ và hành động của nhân vật. Và, đặc biệt là sử dụng từ ngữ, làm sao cho văn bản bài bút ký tạo được xúc động nơi người đọc. Một bài bút ký hay về người thật, việc thật không thể không làm cho người động cảm động và cảm kích.

 * Xin cảm ơn nhà văn Bích Ngân về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM số 25 (2022).

Mời đọc THỂ LỆ CUỘC THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”


Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, phát biểu tại lễ trao giải


Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM (bìa trái) và nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM (phải), trao giải Nhất cho tác giả Tự Hàn.

Bìa 2 tập thơ được xuất bản sau cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam".

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm