TIN TỨC

Nhật ký trong tù – Sự tỏa sáng diệu kỳ ánh ngọc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-02-08 23:07:30
mail facebook google pos stwis
963 lượt xem

PGS.TS Đoàn Trọng Huy

 “Nhật ký trong tù” là viên ngọc văn chương đã được chiêm nghiệm lại nhân dịp kỷ niệm 70 năm ra đời, biểu lộ chất và ánh ngọc tâm hồn rực rỡ của vĩ nhân Hồ Chí Minh (1).

 
Hồ Chí Minh và tập thơ “Nhật ký trong tù”.

Toát ra từ toàn bộ tác phẩm là hình tượng tuyệt đẹp Một người tù vĩ đại tỏa sáng lý tưởng cao vời cách mạng. Báo chí thế giới từng ca ngợi Hồ Chí Minh là một trong top mười tù nhân chính trị lừng danh nhất thế giới xưa nay.

Nhà tù của Trung Hoa Dân quốc đã giam nhầm một vị anh hùng cứu nước, một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một phái viên của mặt trận Đồng minh thế giới. Để đến lúc cửa tù mở, Người ra khỏi tù: “rồng bay” và “dựng nước”.

Người tù vĩ đại Hồ Chí Minh ngay trong tù đã thể hiện rõ nhiều tính cách vô cùng cao đẹp của một nhân cách vĩ nhân.

Nổi bật bao trùm trên hết là một vị “khách quý”, “khách tự do”, “khách thần tiên” hào hùng, ngạo nghễ chốn lao lung. Đó là một con người như thoát xác để sống hiền minh với khát vọng tự do và hy vọng, với niềm tin lạc quan, mãnh liệt trên mọi đọa đày, khổ cực của chốn địa ngục trần gian.

Cốt cách “chân long” chính là bản lĩnh sắt đá của một nhà cách mạng lão luyện, đã hơn 30 năm bôn ba, truân chuyên tìm đường cứu nước, vừa trở về để trực tiếp lãnh đạo phong trào từ 1941. Con người ấy đã từng đứng trên mọi gian lao, khổ ải trần thế, khinh khi mọi thách thức, hiểm nguy, kể cả cái chết. Giờ đây trong tù túng Người chỉ cháy bỏng một khát vọng độc lập, tự do và sự nghiệp cứu nước. Tự do là “thần tự”, cũng là “thần khí” lớn lao thiêng liêng nhất của Nhật ký trong tù.

Trong chuỗi ngày thảm họa liên miên đầy bi thống vẫn hiển hiện một con người kiên cường, dũng cảm, mãnh liệt, tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Âm thầm mà dai dẳng, quyết liệt, Người chống trả lại cường quyền, bạo lực, tuyên chiến với cái Ác.

Nhà tù lẽ ra mang ý nghĩa nhân đạo lại diễn ra tội ác. Có lần bị dắt giải cùng với lợn, Người thốt lên niềm cay đắng bị rẻ rúng “như trâu, như ngựa”. Thực tế, trong ngục, con người bị đối xử không bằng con vật. Tù nhân bị hạn chế, thậm chí bị tước đoạt hết điều kiện sinh sống tối thiểu, những nhu cầu có tính chất sinh lý, như một sinh thể tồn tại trên đời. Tưởng đâu tác giả đi vào miêu tả tỉ mỉ những cái vặt vãnh tầm thường, thậm chí dung tục trong sinh hoạt nhà tù. Câu chuyện tức cười, cái cười có vẻ đùa cợt nhưng đó là những chỉ trích dữ dội cái vô đạo, bất nhân. Đó là ngòi bút hiện thực sâu sắc xỉa dõi vào mọi ngóc nghách, mọi đáy huyệt tận cùng khổ ải, trầm luân nhất của con người.

Mặt khác, trong tâm khảm, Người phải tiến hành cuộc tự đấu tranh đầy cam go. Để chống lại sự thoái chí, nản lòng, “nao núng tinh thần” của chính mình “Không chịu lùi một phân”. Đó là hy vọng về sự đổi thay, niềm tin tưởng chiến thắng. Như quy luật xoay vần tự nhiên: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Cảnh đông tàn sẽ báo hiệu “cảnh huy hoàng mùa xuân” như thế chuyển vận của sự vật: “Hết khổ là vui vốn lẽ đời… Rủi hết, vận may lại đến tuần”. Ấy là vì, người chiến sĩ cách mạng đầy trải nghiệm có một trí tuệ sáng láng biết phân tích tình hình và dự báo tiến triển của phong trào vận động cách mạng trong nước và thế giới. Ấy cũng là tài năng của một nhà chiến lược lớn trên  thời cuộc: Học đánh cờ (Học dịch kỳ). “Ngày tự do âu cũng chẳng chày… Nhất định thành công sẽ có phen”. Không chỉ buồn mà là đau. Đau nhưng vẫn bình tâm, vẫn vui một cách trí tuệ. Tâm trí Người vẫn sáng láng niềm tin. Người bạn chiến đấu thân thiết của Việt Nam, nữ văn sĩ Ba Lan Blaga Dimitrova đã từng đọc Nhật ký trong tù (qua bản dịch tiếng Pháp) nói lên cảm nhận của lương tri nhân loại “Hồ Chí Minh! Niềm hy vọng lớn nhất!” (2). Quả là lịch sử đã minh chứng rực rỡ niềm tin tất thắng Hồ Chí Minh.

Một yếu tố căn cốt làm nên bản lĩnh, cũng là sức mạnh tâm hồn nhà cách mạng tầm vóc thế giới, chính là lòng yêu thương con người nồng thắm, thiết tha vô hạn. Ngay từ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh đã nêu cao ngọn cờ nhân văn chủ nghĩa cách mạng cao cả. Là trái tim “mênh mông”: “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”, từ lâu, Người đã thấu hiểu nỗi oan trái, thảm cảnh của biết bao thân phận bị áp bức, bóc lột trên nhiều châu lục, tận nơi cùng trời, cuối đất, hang cùng ngõ hẻm trong quá trình quan sát các xã hội, các thể chế để tìm quyết pháp giải phóng. Tờ báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút là nơi thu thập mọi thông tin, cập nhật về đầy rẫy cảnh trạng bất công ở các nước thuộc địa và lên tiếng tố cáo tội ác của bọn thực dân.

Nhật ký trong tù không chỉ kể tâm sự bất bình cá nhân mà còn nói lên nỗi thống khổ của cả cộng đồng.

Khi ở tù, Người chứng kiến và chịu đựng một thực trạng khổ đau phũ phàng phi nhân tính ghê gớm, làm nhức nhối tim gan hàng ngày, hàng giờ. Sinh hoạt thường ngày là diễn trình đày đọa triền miên. Nhà tù là một thế giới đặc biệt của chúng sinh tội lỗi. Xét cho cùng họ đều là nạn nhân của một xã hội còn đen tối, còn chênh lệch quá cách biệt giàu nghèo, còn bất công phũ phàng trong phân phối của cải và đối xử, còn tranh giành, cướp đoạt lẫn nhau. Nhà tù là một xã hội thu nhỏ của cộng đồng nhân quần đầy tệ hại, nhiễu loạn. Một nghịch lý kỳ quái: xã hội “anh chị” tồn tại ngay trong tù, quan tham, lại nhũng sống ngay giữa chốn thi hành án: Ở ngoài đánh bạc bị bắt tù. Trong lao lại tự do sát phạt nhau bằng lừa bịp đỏ đen. Tìm đâu ra chân lý ở chốn này? Đó là những nỗi đau chồng lên nỗi đau. Lại còn những thân phận vốn vô tội: vợ đến ở tù thay chồng, cháu bé theo mẹ đến nhà pha. Với tâm thức nhân loại, người tù chính trị tự nhận mình là một loại chúng sinh – dù là chúng sinh “cách mạng”, chúng sinh “cứu tinh”, cứu khổ, cứu nạn. Vì vậy, Người có mối đồng cảm, sẻ chia với tất cả. Trái tim Hồ Chí Minh đặc biệt mẫn cảm, dễ động lòng với những biểu hiện đáng thương, dù là nhỏ bé nhất: nỉ non tiếng khóc chồng lúc nửa đêm hay thê thiết tiếng oa!…oa!… của đứa hài nhi trong ngục chịu cảnh đói lòng khát sữa… Người tù lớn coi tất cà thường phạm là “nạn hữu” – những người bạn chung hoạn nạn. “Thương người như thể thương thân”. Vừa với tinh thần đạo lý dân tộc, vừa với ý thức giai cấp và cảm thức đồng loại cao cà. Cảnh người đáng khóc, đáng cười. Cảnh mình cũng là cười ra nước mắt. Nước mắt lặn vào trong và cũng có khi trào ra “hòa lệ viết thành thơ”. Cũng để tự trấn tĩnh “Đáng khóc mà ta cứ hát tràn” (cuồng ca). Hát để át bức bối, buồn bực, khổ đau. Trái tim Người đồng cảm với khúc hát nhớ quê của người bạn tù và ánh mắt vời vợi ngóng chồng của khuê phụ. Trái tim ấy cũng chia vui với niềm hân hoan của người nông dân được mùa, thậm chí với hạnh phúc giản dị, đơn sơ- bữa ăn tối của cô em xóm núi. Cảm thương và chia sẻ vất vả “dãi gió, dầm mưa” cũng như biết ơn phu làm đường – người lao động nặng nhọc  nhỏ bé âm thầm.

Cần nhấn mạnh ở đây đặc điểm nhân ái của Hồ Chí Minh. Từ tình cảm cốt lõi là thực sự tin tưởng nơi con người là tinh thần thân thiện, tấm lòng bao dung và tình nghĩa trong quan hệ người với người. Với bạn bè, người cùng chí hướng đấu tranh là những giao cảm, đồng thuận, tri âm, tri kỷ. Dương Đào ốm nặng là thương cảm lẫn nhau của người yếu nặng (hại bệnh) với người ốm nặng (trọng bệnh). Gửi bạn Nêru là sự sẻ chia xót xa với người cùng cảnh ngục tù tận xứ xa xôi. Rộng hơn là tình cảm dân tộc trước “cơn cảm mạo” trời Hoa và “nỗi đau thương” đất Việt. Có sắc thái đồng bào, đồng chí và còn là đồng chủng, đồng văn. Cũng có khía cạnh của tình quốc tế nữa. Tất cả đều có chỗ trong trái tim Hồ Chí Minh: cái nhân loại nhỏ bé khổ đau trong tù và cái nhân loại còn đầy tai ương, bất hạnh khắp nơi trên thế gian. Thậm chí, Người như có một thứ siêu cảm giác: thấu hiểu cả linh hồn vạn vật như bông hoa hồng, cái gậy, chiếc răng, cột cây số, chú gà thường,… Nghĩ kĩ, vẫn là người cả đấy thôi. Hơn thế, đó còn là bạn ta: những thân phận nhỏ bé mà lớn lao vì công sức đóng góp cho người, cho đời.

Quả vậy, trong thế giới nhà tù còn có những tấm lòng thiện, những con người tốt bụng chẳng khác nào những ánh lửa nhỏ nhoi góp phần xuyên chiếu bóng tối dày đặc, bi thảm “Thế giới nhưng tồn giá chủng nhân” (“Song trên đời này vẫn còn người như thế”).

Xét theo một cái nhìn hạn hẹp và cách nghĩ không thấu đáo, có thể cho rằng Người đã xóa nhòa ranh giới bạn – thù. Đâu phải là như vậy. Chính đây mới là biểu hiện cái cao tay trong ứng xử: sự cao cả của tấm lòng và trình độ cao cường của sách lược đấu tranh: thu phục nhân tâm, phân hóa đối tượng, nhằm thêm bạn, bớt thù, lấy thiện trừ ác, đem tốt thắng xấu. Nhất là lúc đó cần giành thời cơ thuận lợi nhất, điều kiện quan trọng nhất là tự do, càng phải tranh thủ mọi lực lượng ủng hộ khi họ còn ở cùng chiến tuyến đồng minh.

Nhật ký trong tù, xét ở một góc độ, là bài học lớn về đối nhân xử thế, về triết lý đắc nhân tâm và sự thấu hiểu tấm lòng lãnh tụ.

Ở hiền gặp lành, Quý nhân phù trợ, triết lý như trải nghiệm nhớ đời từ nhà tù đế quốc đã là phương châm xử thế đấu tranh của nhà cách mạng lão thực. Chính luật sư Loseby trong chuyến thăm Việt Nam sau này đã kể lại: “Không riêng gì tôi mến phục Tống Văn Sơ mà từ người cai ngục, viên gác cổng, em bé bán báo, người quét đường cũng cảm mến Tống Văn Sơ, ngay cả vợ chồng Phó Thống đốc cũng rất kính nể” (3).

***

Văn thơ chính là người. Người ở phần căn cốt tinh túy nhất. Đó là một chân lý nghệ thuật: của nghệ thuật và từ nghệ thuật.

Dù muốn hay không, tác phẩm – nhất là tác phẩm lớn, phản ánh một cách khách quan gương mặt, tính cách, phong thái của chủ thể sáng tạo.

Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn – nhân cách thời đại. Đó là nhân cách tổng hợp của nhiều nhân cách.

Trong nhà cách mạng lão luyện đã bao hàm nhà tư tưởng, triết gia vĩ đại, nhà văn hóa thế giới, nhà đạo đức lỗi lạc, nhà giáo dục bậc thầy tiêu biểu của muôn thế hệ. Tất nhiên ta thấy ở tác phẩm lớn Nhật ký trong tù những yếu tố cơ bản, cốt lõi nhất, được nảy sinh, hình thành và sẽ phát triển trong cả cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Nhật ký trong tù là một kiểu thơ ngôn chí hiện đại: Một cách khiêm tốn nhưng minh bạch, đàng hoàng, Người bày tỏ tư tưởng chính trị là ước mơ giải phóng và khát vọng tự do, như cái chí tức lý tưởng cách mạng:

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Ngọn cờ ấy dĩ nhiên hoà đồng vào”Rầm rập Á Châu, cờ kháng Nhật” chống ngoại xâm, diệt phát xít. Tuy nhiên, từ khi đọc Luận cương Lênin, tìm ra “bửu bối” cho hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Người sang Trung Quốc với tư cách là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), bình đẳng với các đoàn quốc tế:  “Cũng là đại biểu cả”(“Đồng thị đại biểu dã”).

“Không có gì quý hơn độc lập tự do” là khẩu hiệu, là tuyên ngôn, là chân lý cách

mạng của thời đại. Đó cũng là lẽ sống, là học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh.

Học thuyết vì độc lập và tự do chính là một nhân tố cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Trong thực tiễn đấu tranh, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc là ngọn cờ quốc tế có sức vẫy gọi mãnh liệt trên toàn thế giới.

Nhật ký trong tù thể hiện rất rõ tấm lòng thương cảm, thật sự những thân phận khổ ải trong tù ngục. Phạm nhân – loại chúng sinh hoạn nạn tội lỗi, tha hóa. Đặc biệt nổi bật là đại độ, từ bi, khoan dung, độ lượng với con người kể cả bộ phận, đối tượng quản lý trực tiếp, gián tiếp tù nhân. Đây không chỉ là tình cảm mà còn là lý trí, là phép đối nhân xử thế mà cũng là sách lược của nhà cách mạng lão luyện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết có thể thấy thêm một nhân tố cốt lõi qua hiện tượng đó. Những biểu hiện của đại đoàn kết dân tộc và cả quốc tế cũng có thể tìm những minh chứng đặc sắc qua tác phẩm tuy còn hiếm: chiến hữu, lãnh tụ yêu nước Ấn Độ (Gửi bạn Nêru), nhân dân Trung Hoa kháng chiến “Oanh liệt vang lừng” (Ngày đình chiến 11/11).

Từ đây ta nhận ra ý nghĩa văn dĩ tải đạo hiện đại của Nhật ký trong tù. Thơ muốn chuyển tải một đạo lý mới cách mạng. Tác giả tự thấy nhiệm vụ và cổ vũ tinh thần đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước cũng như giải phóng nhân loại.

Nhật ký trong tù là lời tự dặn lòng, tự khuyên mình, tự khuyến khích bản thân (Tự miễn). Không định dạy ai nhưng hóa ra lại là ông thầy thiên hạ. Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục, chứng tỏ tác giả là một nhà giáo dục lớn. Hơn thế, tập thơ chứa đựng một tuyên ngôn về triết lý giáo dục. Về bản chất con người, về quy luật vận động của con người, đặc biệt là tự thân vận động. Để làm người và làm nên sự nghiệp lớn.

Bản tính, bản chất con người không do thiên định. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng. Tiếp thu giáo dục là cực kỳ quan trọng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Rèn luyện trong cuộc đời và trong đấu tranh “muôn vàn khó khăn” là yếu tố quyết định thành công: “Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm cao/… Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Từ thế giới nhà tù, Người nêu phản chứng, phản đề, chỉ ra cái tệ hại của tội lỗi do thiếu hoặc vô giáo dục: “Con nhà giàu có, giáo dục nghèo/ To “gan đánh bạc”, bé teo “gan người”.

Tu thân cách mạng, tự hoàn thiện nhân cách là nội lực có tính quyết định. Bốn tháng rồi là bài học tự trải nghiệm có ý nghĩa triết lý sâu sắc và chính là một trang đặc sắc của giáo khoa thư luân lý cách mạng:

Kiên trì cùng nhẫn nại

Không chịu lùi một phân

Một trường hợp thấm thía tương tự, ấy là qua đọc sách:

Gian khó không lùi vẫn tiến lên

 Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên

 Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị

 Nhất định thành công sẽ có phen.

                        Đọc huấn từ của ông Tưởng

Về phương diện trên (suy nghiệm, đào sâu mở rộng, khái quát thêm một số đề tài), có thể thấy sự hình thành khá rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới. Những phác thảo sơ khởi này sẽ được Người phát triển trong công cuộc kiến quốc từ sau cách mạng thành công.

Sau cùng mà lẽ ra cần nói trước hết, trên hết đó là hình ảnh bao trùm: con người thi sĩ Hồ Chí Minh. Nhật ký trong tù đã đưa Người lên hàng ngũ các nhà thơ lớn hiện đại với phong cách độc đáo. Đó là những vần thơ hòa quyện thép và tình, là tuyên ngôn cho một tư tưởng nghệ thuật cách mạng. Chiến sĩ và thi sĩ đồng nhất trong tiếng hát đấu tranh.

Còn có thể nói thêm về con người tự nhiên, hồn nhiên Hồ Chí Minh. Đó là con người gắn bó, yêu mến, thiết tha với thiên nhiên như một phong cách, một lẽ sống, một triết lý sống (“Bác sống như trời đất của ta” – Tố Hữu). Thực ra, con người tự nhiên này cũng gắn bó hữu cơ với thi nhân như nằm trong cấu trúc tâm hồn của thi hứng.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh – thi nhân là đề tài lớn  dành cho một tiểu luận khác.

***

Trở lên lại là sự cảm nhận về nhân cách, các tư cách thiên về mặt xã hội của nhà cách mạng lỗi lạc thế giới – mà ở đây là Người tù vĩ đại Hồ Chí Minh.

Có những hằng số bất biến trong thơ Hồ Chí Minh, mà nổi bật trong Nhật ký trong tù là Tự do – Bất khuất – Nhân văn. Nói đầy đủ là những chủ đề, những cảm hứng chủ đạo: khát vọng độc lập, tự do – ý chí kiên cường, bất khuất và tinh thần bác ái, nhân văn. Qua đó là sự thể hiện tự nhiên từ rất sớm, hình tượng thẩm mỹ, đặc biệt với vẻ đẹp kỳ diệu người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới.

Ấy là không kể về mặt nghệ thuật, Nhật ký trong tù được thể hiện thành một bút pháp, văn phong kỳ thú của nhà báo quốc tế lỗi lạc, nhà văn hiện đại Nguyễn Ái Quốc. Có sự tương tác, đan xen tinh khéo nhiều thể loại, yếu tố. Đại tự sự trong trữ tình, văn báo chí và văn chương nghệ thuật, cổ điển và hiện đại, cách tân, nhất là nụ cười thâm thúy và chất trí tuệ (humour), nét phong cách độc đáo của “thơ Hồ”. Dĩ nhiên, đây cũng là một đề tài phong phú khác.

Đ.T.H

CHÚ THÍCH

(1) Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh  Thơ – Toàn tập – Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.

(2) Nhiều tác giả – Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh – Thanh niên (3), 2007.

(3) Đoàn Minh Tuấn – Bác Hồ và ông luật sư người Anh – http://congan.com,  15/5/2010.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm