TIN TỨC

Nhà văn chiến sĩ – trường hợp Nguyễn Đức Mậu

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-12-16 12:50:15
mail facebook google pos stwis
404 lượt xem

NGÔ VĨNH BÌNH

Con đường binh nghiệp của Nguyễn Đức Mậu song hành cùng con đường văn nghiệp của anh. Khi anh được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, liên tiếp nhận các giải thưởng lớn: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học ASEAN (10/2001), Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2002) cũng là khi anh được vinh thăng quân hàm Đại tá, cấp quân hàm cao nhất ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi anh đã gắn bó 30 năm và hiện anh đang là người “cầm cân nảy mực” về thơ ở tờ tạp chí danh giá này.


Chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Mậu - Tranh sơn dầu của Đỗ Chu


Hai tập sách mới nhất của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

Cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa khác sống vào cuối thập kỷ 60 đầu 70 của thế kỷ XX, khi đất nước đang có chiến tranh, 18 tuổi, Nguyễn Đức Mậu tòng quân. Năm ấy là năm 1966, năm ấy chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc nước ta và lan ra toàn bán đảo Đông Dương.

Vào bộ đội trong một không khí “cả nước lên đường”, náo nức và hăm hở, đúng như sau này anh viết trong bài Tháng ba: “Tháng ba trống vỗ căng trời rộng”:

Tháng ba dáng mẹ cùng cây gạo

Đứng ở đầu làng tiễn đưa tôi

Lưng còng trong dáng cây cao khỏe

Tóc bạc bên hoa gạo đỏ trời

Từ biệt mẹ già, từ biệt quê hương anh trở thành người lính chiến trường trong một đơnvị bộ đội chủ lức, Sư đoàn 312 anh hùng – Sư đòan mà anh đã viết hằn một quyển trường ca hoành tráng và bề thế, trong đó có những câu rất khái quát về qua trình trưởng thành chiến đấu của đơn vị này:

Nếu tất cả trở về đông đủ

Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn.

Cùng với những người lính của sư đoàn, Nguyễn Đức Mậu đã lăn lộn hầu hết các chiến trường gian khổ ác liệt như Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ và cuối cùng là Sài Gòn trong mùa xuân đâị thắng năm 1975.

Là người lính bộ binh, lại ở trong đội hình một đơn vị chủ lực trong chiến tranh, cứ ngỡ Nguyễn Đức Mậu sẽ không còn tâm trí và thời gian để nghĩ đến chuyện chữ nghĩa văn chương, thơ phú nữa. Nhưng không, trước sau anh vấn là người lính vừa cầm bút vừa cầm súng, vừa đánh giặc vừa làm thơ. Thơ anh là “thơ người ra trận”. là những hạt “mưa trong rừng cháy” là bông “hoa đỏ nguồn sông”… Thơ anh không chỉ phác họa những gương mặt, những tư thế, khí phách cùng những gian khổ, những hy sinh mất mát của những người lính một cách chân thực, sinh động mà còn có những câu những chữ thật tinh tế, thật thi sĩ. Đó có khi chỉ là những câu viết về tiến muỗi ở vùng Đông Tháp Mười: “Tiếng muỗi kéo đêm qua từng sợi mỏng”, chỉ là tiếng gió “ở phía rừng Lào”: “Gió u u thổi rỗng cả bầu trời” hoặc chỉ là một đàn gà con nơi doanh trại, nơi trận địa:

Đàn gà cứ nở nhiều thêm

Tiếng kêu chua nhớ trăm miền lại qua

Nghe trong non daaij tiếng gà

Một vùng quê kiểng nơi xa hiện về…

Những bài, những câu thơ ấy của anh tôi thuộc lòng từ thời sinh viên và mãi đến bây giờ khi trên đầu đã hai thứ tóc tôi vẫn còn nhớ.

Hồi đó, sinh viên lứa chúng tôi không chỉ mê và thuộc thơ của các nhà thơ chống Mỹ cứu nước như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo… mà còn nhớ mãi những chuện kể, những giai thoại về các ạnh.

Nhà thơ Võ Văn Trực kể, một buổi sáng cuối mùa hè năm 1971, tòa soạn báo tuần báo Văn nghệ tiếp một cộng tác viên còn rất trẻ. Đầu đội mũ sắt, bộ quân phúc lấm bùn. Cậu ta vừa rụt rè đưa ra mấy bài thơ vừa nói: “Đơn vị em đi chống lụt cách đây 7 cây số, em tranh thủ đến gửi bài rồi phải trở về ngay”. Mấy anh em tổ thơ của báo đọc vội, thấy bài yếu khó dùng, cảm thấy ái ngại. Cậu ta phải cuốc bộ 7 cây số về đơn vị dưới trời nắng chang chang… Sau hôm đó, cậu ấy còn đến vài lần nữa, nhưng thơ vân còn non yếu chư thể dùng được… Ba năm sau từ chiến trường Lào, anh bộ đội ấy guiwr về một chùm thơ rất tươi khỏe, và từ chùm thơ đs, cái tên Nguyễn Đức Mậu bắt đầu trơ nên quen thuộc với bạn đọc của báo. Rồi tiếp theo là đoạt Giải nhất cuộc thi thơ của tờ Văn nghệ.

Thực ra, không phải đợi đến khi cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (1972 -1973) kết thúc với Giải Nhất thuộc về Nguyễn Duy, Lâm Thi Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn  Đức Mậu thì tên tuổi anh mới được  bạn đọc biết đến. Trước đó, Nguyễn Đức Mậu Đã có một tập thơ in chung – tập “Thơ người ra trận” (Nxb QĐND, 1972).

Và có người nói, Nguyễn Đức Mậu ra nhập làng thơ một cách “nhanh chóng và dễ dàng”. Tôi không nghĩ như vậy, hoặc chí ít tưởng thế mà không phải thế! Con đường đến với thơ của anh cũng gian nan như cuộc đời chinh chiến của người lính các anh. Câu thơ năm nào anh viết:

Nơi tôi ở vắng Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Thi… Lớp nhà văn một thời đi kháng chiến. Trang bản thảo nằm trong balô, những nhân vật câu thơ, mẫu quặng. Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng một mặt trời. Những nhà thơ, nhà văn ăn khẩu phần lính trận, ngủ gối đầu trên rễ cây, bao gạo. Đường kháng chiến gập ghềnh đèo dốc. Đường văn chương bạc tóc những đêm dài… Là câu thơ anh viết về các nhà văn quân đội lớp trước, nhưng cũng là viết về thế hệ các anh. Một thế hệ với “Đường kháng chiến gập ghềnh đèo dốc / Đường văn chowng bạc tóc đêm dài”!

Không có những năm mang “áo trận”, không có những năm “mưa trong rừng cháy” chắc chắn không có thơ Nguyễn Đức Mậu hôm nay…Và nói như vậy vẫn chưa đủ, bởi trước khi vào bộ đội, Nguyễn Đức Mậu đã là một thiếu niên rất yêu thơ, từng tập tọe làm thơ. Có người ác khẩu bảo, Nguyễn Đức Mậu là một “người lính khoác áo nhà thơ”! Tôi nói, nói như vậy là nói ngược. Trong một hồi ức in trong tập “Ký ức một thời học văn” do Lê Huy Hòa, Nguyễn Đức Quang biên soạn (Nxb Giáo dục, 1995) nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kể: Một lần thầy giáo của anh là Trần Văn Gia biết anh học giỏi văn lại nghe nói làm cả thơ nên bảo anh chuẩn bị dăm bài để thày dẫn đến gặp nhà thơ Nguyễn Bính. Trong lần gặp, Nguyễn Bính bảo với anh: “Nếu muốn làm thơ thì cháu phải đọc thật nhiều, học nhiều và phải dám chịu những thất bại. Thành được nhà thơ khó lắm!”. Sau lần ấy, biết được chỗ ở của tác giả “Lỡ bước sang ngang” anh mạnh dạn tự tìm đến nhà Nguyễn Bính để đưa bài và nghe nhà thơ nhận xét… Dần dà, kịp khi lên đường nhập ngũ cũng là khi bài thơ đầu tay của anh được in trong tập “Lời ca Sông Vị”.

Rõ ràng là để có được bài thơ đầu tay (in năm 17 tuổi); để có được Giải nhất văn chương – giải Nhất cuộc Thi thơ báo Văn nghệ (khi ở tuổi 24) và để có được một thi nghiệp với hơn một chục tập thơ (Thơ người ra trận, in chung, 1972; Cây xanh đất lửa, 1973; Áo trận, 1975; Mưa trong rừng cháy, 1976; Trường ca Sư đoàn, 1980; Người đi tìm chân trời, 1982; Khi bé Hoa ra đời, in chung, 1983; Hoa đỏ nguồn sông, 1987; Từ Hạ vào Thu, 1992; Bão và sau bão, 1994; Cánh rừng có nhiều đom đom đóm bay, 1998…) với Nguyễn Đức Mậu thật chẳng dễ dàng gì! Có người ví anh như một “người lữ hành không biết mệt mỏi” trên hành trình thơ. Tôi nói thêm, với anh thơ như là một thứ tôn giáo, như nước uống, như khí trời; không có thơ anh không thể sống. Anh từng viết:

Thôi cứ đi, con đường thơ dài lắm

Tới đỉnh đèo, trước mặt lại rừng sâu

Khi kết thúc tập thơ mới nhất

Lại bắt đầu vỡ đất tập thơ sau

(Bài “Những đoạn ghi chép” trong tập Hoa đỏ nguồn sông)

Tôi nghĩ đó là một “tuyên ngôn”, một thái độ lao động nghệ thuật của nhà thơ. Một tuyên ngôn đầy bản lĩnh và một thái độ lao động rất đáng trân trọng!

***

Tôi gặp Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lần đầu tiên khi tôi còn là một anh lính Trung sĩ được điều động từ một đơn vị chiến đấu về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ấy là mùa đông năm 1980. Lúc ấy anh được cơ quan Tổng cụ Chính trị cử đi học Trường viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên nên ít khi có mặt ở cơ quan tòa soạn tạp chí. Cảm giác đầu tiên của tôi đối với anh Trung úy nhà thơ trẻ này là cái đầu hói sớm là sự chộn rộn. Lúc nào cũng tất bật, tất bật đi học, tất bật lo cơm nước, tất bật ra cửa hàng mậu dich xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm (theo têm phiếu)… rồi tất bật đi nói chuyện thơ, tất bật cả tuần để đến thứ bảy “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết” để cưới chiếc xe Phượng Hoàng màu cánh trả (nghe nói là được mua bằng tiền giải thưởng thơ) guồng cẳng về quê Nam Định thăm mẹ già, vợ trẻ con thơ!

Tôi và anh trong những ngày đầu quen biết nhau ấy ít khi nói chuyện chữ nghĩa văn chương thơ phú phần vì tôi là lính mới, chỉ là chiến sĩ lại sinh hoạt chuyên môn ở ban khác (ban Lý luận Phê bình do anh Ngô Thảo phụ trách), sau giờ hành chính lại về nhà riêng, không ở tập thể như mấy anh.

Thời gian sống cảnh “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” những năm sau chiến tranh thiếu thốn và gian khổ như một khoảng lùi cần thiết để nhà thơ nhìn lại cuộc chiến, nhìn lại đời mình, thơ mình. Từ đây, thơ Nguyễn Đức Mậu đã bước sang một chặng mới từ giã những mùa hạ náo nhiệt tưng bừng hăm hở để bước tới một mùa thu đằm thắm và giàu chiêm nghiệm:

Và bây giờ mù thu, mùa thu

Dòng sông chảy qua thác ghềnh lắng lại

Nhìn bè bạn biết mình thêm tuổi

Trai tim anh đập nhịp vui buồn

Xưa anh yêu mùa hoa, giờ yêu thêm trái nặng

Yêu chiếc lá đổi mùa đỏ rực trước hoàng hôn

Xưa anh yêu em, giờ yêu thêm tiếng trẻ

Chiếc nôi mang hạnh phúc vuông tròn

Ngôi nhà nhỏ mở cửa về bè bạn

Cây anh trồng đo sức lớn thời gian

(Từ Hạ vào Thu)

Anh vẫn viết về những người lính, viết về những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng không còn là những trang “tả trận” mà là những dòng thơ đầy vơi thương nhóa chiêm nghiệm.

Thương nhớ những người lính trẻ năm nào ngã xuống để lại một “dòng tên khắc vào đá núi” mà mỗi khi nhớ về họ, anh thấy như nơi nguồn sông xa rực một “màu hoa đỏ” cháy lên trong cảnh hoàng hôn.

Thương một vị tướng về hưu như cô đơn “lối mòn quanh quẩn vào ra” trong “niềm riêng một mảnh trăng trời”:

Những đêm gió thổi buốt trời

Vết thương cũ còn đau nhức

Ôi sư đoàn xưa ở đâu

Người cũ ai còn ai mất?

(Một vị tướng về hưu)

Và anh nhớ, “nhớ sư đoàn cũ”, nhớ tiếng hát cội nguồn”, nhớ “những cánh rừng nhiều đom đóm bay”, nhớ “tiếng trẻ khóc nơi bản Lào lửa cháy”…

Thơ Nguyễn Đức Mậu thời hậu chiến không chỉ dừng lại ở nỗi nhớ bạn bè đồng đội, ở đề tài chiến tranh và người lính. Thơ anh còn dành nhiều trang viết về quê hương, về những người thân, về những vùng đất mà abnh đã từng qua, những miền quê lần đầu tiên anh có dịp đặt chân tới. Và điều dễ nhận ra trong thơ Nguyễn Đức Mậu hôm nay là có nhiều bài như là những thể nghiệm, như là một sự bứt phá trong cách thể hiện như các bài: Không đề, Tự sự, Những đoạn ghi chép, Câu thơ tìm ở hố sâu (trong tập Hoa đỏ nguồn sông), Thời gian, Từ Hạ vào Thu, Một ngày, Tiếng vọng ( trong tập Từ Hạ vào Thu), Khúc cảm, Tạp bút, Bi kịch con mèo, Tam khúc mùa xuân,, Trắng và trắng, Người đón Tết một mình, Nhân vật, Bức tường câm, Rêu và Cây, Thể nghiệm, Cánh rừng nhieeufv đom đóm bay…(trong tập Cánh rừng nhiều đom đóm bay)

Dường như với nhà thơ áo lính này thơ thôi chưa đủ giãi bày, Nguyễn Đức Mậu đã tạt sang nhiều thể loại khác, tiểu thuyết và truyện ngắn. Anh đã cho in các tiểu thuyết Tướng và lính (1990), Chí Phèo mất tích (1993), một tập truyện vừa Ở phía rừng Lào (1994) và hai tập truyện ngắn: Con đường rừng không quên, Con suối có nhiều tơ nhện giăng. Truyện của anh có nhiều chất thơ (dĩ nhiên vì văn của nhà thơ mà) có truyện được Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải, có truyện được chuyển thể thành phim. Có người nói, chỉ riêng với văn xuôi của mình Nguyễn Đức Mậu đã có thể có chỗ trong làng văn, đã là một tác giả!

 ***

Nguyễn Đức Mậu không chỉ là một cây bút giàu nội lực, viết khỏe, viết đều đặn, viết dường như đủ các thể loại mà anh còn là một người cần mẫn chỉn chu trong công việc của một biên tập viên, kỹ lưỡng bao quát và tinh tường trong vai trò của một “tư lệnh” ngành (thơ) của một tờ báo văn chương có văn hiệu tầm cỡ là Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Anh cũng là người mê thơ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, thích ca dao tục ngữ. Anh cho rằng những bài thơ như Nhớ máu (của Trần Mai Ninh), Nhớ (Hồng Nguyên), Tây tiến (Quang Dũng), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Núi Đôi (Vũ Cao), Đồng chí (Chính Hữu), Gửi em cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật), Phan Thiết có anh tôi (Hữu Thỉnh), Dấu chân qua trảng cỏ (Thanh Thảo), Ngồi chơi với kiến (Trần Mạnh Hảo). Lời ru đồng đội (Nguyễn Duy)… là những bài thơ hay nhất của thơ hiện đại Việt Nam. Anh đặc biệt yêu quý, nể trọng nhà thơ đồng hương, nhà thơ “quê mùa” Nguyễn Bính. Anh yêu Uytsman, Loocca, Eptusenco, Tago, Êxenhin… Anh phản đối đến đôi khi gay gắt thứ thơ “vụt hiện”, thơ nhếch nhác, thơ gào thét, thơ bí hiểm. Là người làm thơ có thâm niên, anh tất lắm bạn bè - bạn thơ, bạn viết và bạn nhưng anh dành nhiều hơn sự quan tâm chú ý đến những cây bút trẻ, cây bút mới; đặc biệt là những cây bút trong lực lượng vũ trang. Tuy có lúc, có nơi vì mến mộ anh vì tin tưởng anh có người đã gây cho anh không ít phiền hà!

Tôi biết có lần, đang trong đêm vắng người ta cứ đứng dưới đường hướng về cái cửa sổ còn sáng đèn trên lầu ngôi nhà số 4 – phố Lý Nam Đế (Hà Nội) mà gào gọi tên anh. Có lần có một người còn hô to như hô khẩu hiệu: “Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu! Hãy bảo vệ thơ ca Cách mạng Việt Nam! Hãy bảo về đường lối văn nghệ của Đảng!!!”. Lại có những người đến mức “tra tấn” anh bằng cách gọi điện thoại đến nhà cả tiếng đồng hồ “bắt” anh nghe đọc thơ rồi đẫn cả con nhỏ đến “quần” anh cả trong ngày nghỉ, trong giờ nghỉ trưa, tại nơi nhiệm sở… Tuy nhiên, với nhà thơ có khó chịu, có bị làm phiền mấy anh cũng chỉ kín đáo tìm cách trốn chứ chưa thấy anh tỏ vẻ khụng khiệng, giận dữ bao giờ. Tạng anh là vậy, ít thấy khi nào anh làm mất lòng người khác, nhất là người làm thơ, bạn thơ!

Ở dưới đơn vị, bộ đội thường xuyên có phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Một dạo người ta thường tới “tha” anh đi. Nơi thì mời anh đến nói chuyện thơ, tọa đàm thơ, nơi thì nhờ anh làm lời cho một bài hát, viết hộ một kịch bản, có nơi lại nhờ biên tập cho một tập thơ “cây nhà lá vườn”. Anh ít khi từ chối những lời yêu cầu ấy nếu như có thời gian và điều kiện cho phép. Tên anh một dạo thấy xuất hiện trong các tập thơ của đơn vị với tư cách là “người biên tập”. Là những tập sách “lưu hành nội bộ” thôi, nhưng nhà thơ đã phải bỏ công sức thời gian vào đó không ít. Bỏ công bỏ sức một cách vô tư. Có giai thoại kể rằng, biết nhà thơ là người có uy tín trong làng thơ, một thời đã gắn bó với đơn vị cơ sở, cơ quan tuyên huấn của sư đoàn nọ quyết định đến “yết kiến” anh, một là để thăm thủ trưởng, hai là để xin một đôi bài thơ để cho đội tuyên văn ngâm trong kỳ hội diễn văn nghệ toàn quân khu sắp tổ chức. Nhà thơ vui vẻ tiếp và chấp nhận các yêu cầu của đơn vị một cách thoải mái.

Đúng hẹn ngày lấy bài, đơn vị cho người đến xin bài và xin được ngay, và quả là “danh bất hư truyền”, trong hội diễn, hoạt cảnh thơ của sư đoàn do nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết được ban giám khảo chấm giải nhất. Cả đơn vị vui, vui hơn là các trợ lý tuyên huấn. Mươi ngày sau hội diễn, vẫn hai người khách hôm nào dông chiếc Uoát nhà binh lấm bụi đường lên tru sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội để báo tin vui, hai là để cám ơn nhà thơ. Nhà thơ cũng vui lây cùng những người lính, Anh khệ lệ bê bình rượu thuốc chắt ra ba cái ly và cùng khách “chạm ly” chia vui… Thời gian đối với những người lính dưới đơn vị vốn ít nên khách vội có lời xin phép ra về. Trước khi ra về một anh mang quân hàm đại úy – chắc là cán bộ, phó ban trưởng ban gì đó mở túi khẽ khàng lấy ra một gói to đặt lên bàn làm việc của nhà thơ và xoa xoa tay thưa:

- Thay mặt Tư lệnh sư đoàn, thay mặt Phòng Chính trị và thay mặt Ban Tuyên huấn sư đoàn, một lần nữa xin nhiệt liệt cám ơn nhà thơ và có một chút gọi là… nhuận bút gửi tới đồng chí! Tiễn khách ra về, nhà thơ mới giở gói “nhuận bút” ra xem thì đó không phải là tiền mà là… ba chục trứng vịt còn rất tươi!

Một lần khác nhà thơ gõ cửa phòng tôi và tặng tôi mấy bó thuốc lá cuốn và giới thiệu là “thuốc lá sợi vàng” Cao Bằng chính hiệu. Lại nói thêm, đây là “thù lao” của “người biên tập” tập thơ của đơn vị nọ vừa gửi xuống!

***

Thói thường, khi người ta đã có một chút danh, dẫu chỉ là danh “nhà thơ”, một chút “quyền”, “quyền biên tập” thì thường ra vẻ oai, ra vẻ hách chút, nhưng với Nguyễn Đức Mậu thì không thế. Tôi ít thấy khi nào anh cao giọng, không thấy anh ra vẻ khệnh khạng bao giờ mà trái lại, ở với anh lâu thấy anh thật bình dị. Bình dị một cách ngu ngơ, nhút nhát nữa là khác! Đi tu nghiệp ở Trường viết văn quốc tế mang tên M. Gorki bên nước Nga, nghe nói có lần anh vẫy xe taxi từ cửa hàng bách hóa về nơi ở, lúc xuống xe luống cuống thế nào lại bỏ quên cả mấy cái ấm đun nước mà anh đã mất công xếp hàng cả buổi mới mua được. Thật là “bỏ của chạy lấy người”! Lại nghe nói có lần được nhận tiền giải thưởng thơ, anh quyết định mua một chiếc tivi để đem về quê cho vợ con xem. Trước hôm đem cái máy xem hình về mặc dù xe cộ đã kiểm tra kỹ càng, buộc chằng cẩn tó vậy mà vẫn hỏi đi hỏi lại mọi người rằng, từ Lý Nam đế đến phố Cửa Nam về ga Giáp Bát có mấy ngã tư, bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ. Hỏi vì sao? Trả lời sợ đường đông, xe người ta va đụng vào đuôi xe mình hỏng mất cái tivi! Rồi bảo hay ta đi từ ba giờ sáng, giờ ấy đường chắc vắng, vả lại có ở lại cũng không ngủ được! Nghe vậy, có người bảo, đường đông thì có thể người ta chỉ va vào đít xe, còn đường vắng có thể có kẻ sẽ đâm vào cổ ông! Thế là hãi không đi xe máy nữa, đi tầu hỏa về Nam Định!

Tuy rất nhát, vụng về trong khâu điện đóm máy móc, nhưng Nguyễn Đức Mậu lại là một người cực kỳ mê những môn thể thao cơ bắp. Anh là tay vợt bóng bàn có số má ở Văn nghệ Quân đội một thời; đồng thờ là một fan bóng đá cuồng nhiệt. Nhà thơ yêu mến nhất là đội Thể công. Có lần một người bạn văn rủ anh đi uống bia hơi – thứ uống Hà Nội mà anh thích. Anh bảo: Chiều nay Thể Công ra sân chọi với kỳ phùng địch thủ Công an Hà Nội, dù có gọi đi nhận quyết định phân phối nhà ở, mình cũng xin khất!!! Bố con anh cũng đã có lúc bị chia rẽ không “đồng quan điểm” với nhau khi cậu út là cổ động viên của đội Nam Định quê nhà, anh thì lại đứng hẳn về phía Thể Công của quân đội! Với bóng đá, anh đã viết đến cả chục bài thơ, bài báo… Và ít ai biết, có dạo anh giữ chân biên tập trang thể thao của tờ Phụ san Văn nghệ Quân đôi; đồng thời là cộng tác viên thường xuyên về đá banh của trang Văn hóa báo Quân đội nhân dân…

Một câu chuyện mới nhất tôi được nghe. Chuyện rằng: Trong chuyến công du Thủ đô Băng Cốc của nước Xiêm nhận Giải văn học các nước Đông - Nam Á (cho tập Cánh rừng nhiều đom đóm bay) anh đã có một bài phát biểu vôi cùng độc đáo khiến các nhà văn ngoại quốc vỗ tay nhiệt liệt, hoan hô ầm! Trước các quan khách, các bạn đọc yêu văn chương nước chủ nhà, nhà thơ mào đầu bài diễn thuyết: “Tôi không biết nhiều về văn học Thái Lan, nhưng tôi biết rõ, Thái Lan là một cường quốc bóng đá của khu vực với những danh thủ như Kiaatisac, Suvatchai, Natipoong… Xin chúc mừng đội U23 Thái Lan vừa mang về cho đất nước các bạn chiếc cúp vàng danh giá – cúp vô đich Seagame lần thứ 23! Tôi hy vọng rằng trong tương lai, văn học Thái Lan cũng có những ngôi sao như đã từng có những ngôi sao bóng đá”…

Nguyễn Đức Mậu là vậy, cùng với thơ, cùng với văn anh còn rất nhiều điều đáng viết, cần phải viết, nên biết. Tôi nghĩ vậy!

Phố nhà binh, tháng 11 năm 2001

(Bài đã in trong tập “Chuyện -Thơ, chuyện Đời” – Nxb Văn học, 2003, Giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải duy nhất cho khu vực LLPB Văn học, 1999 – 2004; Tạp chí Nhà văn và sách “Các nhà thơ tỉnh Nam Định” )


Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm